• Trang chủ

13. Tâm lý tuổi Nghĩa


 Tuổi Nghĩa thường được xác định từ 13 đến 15 hoặc 16 tuổi.
Có những đặc tính sau đây.
1. Khả năng tập trung: 
Tuổi này khả năng tập trung đã cao hơn.
-    Các em có thể tập trung sự chú ý vào một vấn đề hay một đối tượng phức tạp, đa dạng. (VD: để giải một bài toán, không chỉ chú ý tới một định đề hay định lý đơn thuần, mà  có thể phải chú ý tới hai hay nhiều định lý). 
-    Có thể tiếp thu một bài học ở dạng chứng minh đơn giản.
-    Có khả năng chọn lựa sự chú ý, không hoàn toàn lệ thuộc vào cái thích hoặc tác động tự nhiên bên ngoài như màu sắc, hoặc hình ảnh nổi bật như tuổi ấu nữa.
-    Nhưng vì còn thiếu kinh nghiệm, sự chọn lựa chưa chín chắn, cần có người có kinh nghiệm hướng dẫn sự chọn lựa điểm tập trung à Trong bài dạy, cần:
-    Nhắc nhở cho các em biết điểm nào quan trọng và cần thiết cho mục tiêu các em đang nhắm tới.
-    Đặt ra những câu hỏi giúp các em chọn lựa điểm tập trung (điều nào quan trọng) để qua câu trả lời, Trưởng có thể giúp các em điều chỉnh điểm tập trung.

2. Do bộ não đã phát triển khá hoàn chỉnh, trí nhớ cũng phát triển theo. 
-    Có thể ghi nhớ những bài học dài, nhiều chi tiết.
-    Biết chọn lựa cái để nhớ. Biết tự tìm cách để nhớ.
-    Biết phối hợp ký ức để nhậ n ra vấn đề mới nhờ hoài niệm, liên tưởng và kinh nghiệm. Đây là sự khởi đầu hình thành sáng kiến và khả năng phát minh do ảnh hưởng của khuynh hướng suy nghĩ và phán đoán độc lập.
 Hãy để các em:
-    Tự chọn điều gì cần nhớ, sau đó mới giúp các em điều chỉnh hoặc thay đổi hoặc loại bỏ những điều không cần thiết hoặc sai lầm bằng sự cố vấn có tính thuyết phục (chứ không bằng mệnh lệnh).
-    Giúp các em tổng hợp kiến thức nhằm đưa ra một nhận định hoặc quyết tâm đúng. (VD: Bài Giáo lý cho tuổi này gồm các bước: 
.    Cung cấp văn bản;
.    Tiên liệu và cắt nghĩa những điểm cần thiết;
.    Để các em nhận định, tìm ra ý chính với sự điều chỉnh của Trưởng
.    Yêu cầu các em đưa ra quyết tâm hoặc lời đáp trả tuỳ theo bài.)
3. Tuổi Nghĩa là tuổi nhiều thắc mắc, hay đặt lại vấn đề: 
-    Thắc mắc của tuổi Nghĩa không đơn thuần là “thắc mắc tại sao”.
-    Biết đối chiếu bài cũ với bài mới, sự kiện nơi này với nơi khác, cách giải thích lúc này với lúc khác, người này với người khác và đặt thành câu hỏi với ý muốn đòi hỏi sự  nhất quán, mặc dù cách đặt câu hỏi có thể không mạch lạc vì còn hạn chế về vốn từ ngữ. Khi những thắc mắc không được giải đáp thoả đáng, phát sinh sự phản kháng, phá  phách.
 Trưởng cần:
-    Thông cảm khi nghe lời nói hoặc nhìn hành động không mấy lọt tai hoặc vừa mắt của các em, để đọc ra nội dung hoàn chỉnh trong cc câu hỏi bất toàn về ngôn ngữ cũng như hành động vụng về của các em để đưa ra lời giải đáp hoặc hành động đúng vào “chỗ  ngứa” của các em.
-    Thông cảm không có nghĩa là đồng tình, nhưng đón nhận các em với những bất toàn của tuổi này để từng bước dẫn các em đến chỗ hoàn chỉnh vì các em còn đang trong tiến trình “thành người”.
-    Sự giận hờn hoặc nổi nóng với các em là dấu chỉ của sự chịu thua, và thất bại là điều chắc chắn. Về vấn đề này Trưởng cần là người bạn đồng hành với các em để các em có thể tỏ bày tâm sự. Khi các em dám tâm sự với Trưởng, Trưởng đã nắm được một nửa của sự thành công. Còn nửa kia tuỳ thuộc vào khả năng “bắt mạch và kê toa” của Trưởng mà thôi.

4. Khuynh hướng độc lập, tư hữu phát triển.  
-    Muốn quyết định một mình, làm điều mình muốn.  Không muốn lệ thuộc vào cha mẹ  hay người lớn. Không muốn bị kiểm soát chi ly như “thuở nhỏ”.
-    Các em muốn được tham vấn hơn là chỉ thị; muốn được nhắc nhở hơn là khiển trách.
-    Muốn có của riêng: xe riêng để trang trí, sử dụng theo ý mình; tiền riêng để chi tiêu riêng chứ không muốn mỗi việc mỗi xin.
-    Muốn tự mình đưa ra kế hoạch và kỷ luật làm việc, mặc dù còn non kém.
à Để hướng dẫn khuynh hướng này,
-    Những gì các em làm được hãy để cho các em làm, người lớn theo dõi để hướng dẫn và rút kinh nghiệm sau mỗi công việc.
-    Không bao giờ khiển trách lỗi của một em ra trước toàn đội hay toàn Đoàn. Khen thì khen chung; nhưng sửa phạt thì làm riêng.
Cần loại bỏ ý tưởng phản giáo dục là “phạt để làm gương”.
-    Ngoài chương trình chung, Trưởng cần hiểu biết và làm việc cá nhân với từng em.

5. Khuynh hướng Xã hội phát triển mạnh. 
-    Việc kết bạn trở nên chặt chẽ, có tính cách chọn lựa và lâu bền, có quy định hẳn hoi để  giúp nhau, bênh vực nhau. Nhưng cũng có nguy cơ biến thành băng đảng nếu không được quan tâm hướng dẫn và kiểm soát.
-    Coi mình là người lớn, không muốn người lớn phải nhắc nhở những việc nhỏ như nhớ đội nón khi ra đường…
-    Có quan tâm, đặt lại vấn đề đối với các giá trị gia đình, học đường xã  hội (VD: tập tục, kỷ luật, phép tắc…của gia đình, học đường, xã hội).
 Nên:
-    Tán đồng, khuyến khích các em có bạn. Giáo dục các em về giá trị của tình bạn, tình đồng đội, trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm tập thể. Cách tốt nhất là tập cho các em sinh hoạt theo Phương Pháp Hàng Đội.
-    Đọc ra hoặc nhìn nhận nguyên nhân của sự phản kháng của các em, bình tĩnh giúp các em hiểu và tự định lại thái độ. Không thể ép các em chấp nhận điều các em chưa thông.

6. Dễ bị lôi cuốn bởi trào lưu xã hội.
Môi trường sống của các em không còn thu gọn trong gia đình và mái trường nữa. Các em đã tiếp cận xã hội với tất cả những phức tạp của nó.
-    Thoát ra khỏi vòng kiểm soát của gia đình, các em gặp phải ngay ảnh hưởng của xã hội. Ảnh hưởng xã hội không hoàn toàn xấu như những người bi quan thường gán cho nó. Thật ra ảnh hưởng xã hội rất đa dạng, xấu tốt lẫn lộn, nhưng tất cả đều có sức lôi cuốn! Trong xã hội có những đoàn thể làm công tác phục vụ cộng đồng, cũng có những phong trào làm băng hoại cộng đồng.
-    Vấn đề là các em được hay bị đẩy vào môi trường nào, khung cảnh nào, bầu khí nào. Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng; Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài!
-    Những em rơi vào các băng đảng quậy phá, đua xe… là vì các em không có việc gì làm để tiêu thụ “năng lực thặng dư” nơi các em. Tội lỗi không hoàn toàn tại các em mà  phần lớn do xã hội và cộng đồng đã không tạo cơ hội cho các em phát triển thể hiện chính mình.
 Trên cơ sở nhận thức rằng tuổi này không muốn ở không, luôn thích làm việc. Do đó:
-    Không nên để các em quá nhàn rỗi, cần tạo cho các em một khung cảnh sinh hoạt lành mạnh, hướng đến lợi ích cho chính bản thân các em và cộng đồng, sao cho các em nhìn thấy hiệu quả tốt trong đó các em có góp phần vào.
-    Tổ chức cho các em tham gia các chiến dịch thi đua văn nghệ, thể thao để “tiêu thụ sức mạnh thể lý đang bùng lên” của các em; làm công tác từ thiện, bác ái để đáp ứng cái “máu nghĩa hiệp” rạo rực trong tâm hồn của lứa tuổi này.

7. Anh hùng tính. 
-    Mang trong mình mầm mống bất mãn, không bằng lòng với sự gò bó của luật lệ, rất nhạy cảm với những sự bất công, áp bức và những sự kiện thương tâm.
-    Sẵn sàng can thiệp khi thấy bạn bè, người thân hoặc kẻ cô thế bị đối xử bất công.
-    Sẵn sàng lăn vào công việc cứu tế.
-    Mặt trái của anh hùng tính là khuynh hướng bá chủ, khuynh loát và “hỗn xược”.
 Trưởng cần:
-    Đưa các em vào vai trò tổ chức và chỉ huy người khác, để các em sẽ nhận ra sự cần thiết của luật lệ. Các em sẽ nhận ra thái độ và phản ứng của cấp dưới, từ đó giúp các em nhìn lại những thái quá hoặc bất cập của chính mình nhằm điều chỉnh khuynh hướng bá chủ và khuynh loát hoặc “hỗn xược”.
-    Giúp các em tìm hiểu nguyên nhân của sự bất công, áp bức trong từng sự kiện, yêu cầu các em tìm ra một giải pháp tốt hơn với mục đích làm cho các em hiểu rằng muốn đập phá cái cũ, phải có cái mới và tốt hơn để thay thế, không chỉ đập phá vô trách nhiệm.

8. Phái tính phát triển rõ nét.
Đây là tuổi phát dục.
-    Đã có sự phân biệt rõ rệt giữa nam và nữ cả về thể lý (nam mạnh hơn nữ rất nhiều) lẫn tâm lý (nữ ý tứ và có vẻ người lớn hơn nam).
-    Rất nhạy cảm về cảm giác giới tính: Bắt đầu thắc mắc về chính mình và người khác phái, hậu quả tiêu cực là sự tò mò, tìm hiểu, có thể gây ra những hậu quả tai hại lâu dài về sau nếu không được hướng dẫn bởi người có kinh nghiệm.
-    Về mặt sinh lý, ở tuổi 13 các em nữ đã có thể được coi là người lớn, vì đã có khả năng làm mẹ. Các em nam có thể trễ hơn, vào khoảng 15 đã có khả năng làm cha.
-    Nhưng về tâm lý thì chưa đủ để đảm trách vai trò quan trọng này.
-    Bắt đầu có sự mâu thuẫn nội tại: e dè với bạn khác phái, nhưng lại cuốn hút lẫn nhau. Khác với tuổi ấu thơ: chẳng cuốn hút cũng chẳng e dè (cùng nhau tắm mưa thoải mái!).
 Đối với lứa tuổi này:
-    Giới hạn các trò chơi chung nam nữ, nhất là những trò chơi mạnh vì sự không cân bằng về sức mạnh và tránh những đụng chạm không cần thiết.
-    Tránh làm mất mặt các em trước các bạn khác phái.
-    Tỏ ra thông cảm, gần gũi đến mức các em có thể giãi bày tâm sự, từ đó hướng dẫn các em cả về tâm lý lẫn sinh lý nhằm giúp các em vượt qua lứa tuổi nguy hiểm này cách an toàn.
9. Muốn được người lớn tín nhiệm và giao việc.
-    Vốn sẵn có sức mạnh dư thừa, có khuynh hướng kết bạn, có tính hiếu động, các em muốn được người lớn tin cậy và giao cho làm việc gì đó để khẳng định mình.
-    Khẳng định mình là nhu cầu tự nhiên của con người trong cộng đồng. Ở mức độ nào đó, sự khẳng định mình là cần thiết để các em có thể hiện diện và đóng góp với cộng đồng cách tích cực và có ý thức, là hành vi của nguời quân bình và trưởng thành.
 Hãy: Cẩn trọng tin tưởng và giao phó cho các em những việc vừa sức, để các em tự  nghĩ cách thực hiện. Đồng thời quan sát, theo dõi và hỗ trợ khi cần sao cho các em cảm thấy chính các em đã có phần tích cực trong sự thành công mà không cần kể công của Trưởng.
-    Điều này đem đến hai tác dụng:
+   Các em phấn khởi, tự tin hơn trong những công tác sau.
+   Qua làm việc, các em tự nhận ra giới hạn của mình, vì trong thâm tâm các em thừa nhận rằng trong sự thành công này các em không làm tất cả mà còn cần có sự trợ giúp của các Trưởng. Các em sẽ bớt “nổ” và kiêu căng để tiến dần đến sự trưởng thành quân bình.

10.     Thẳng thắn, không thích quanh co.
Tuy đã vượt ra khỏi tuổi ngây thơ hồn nhiên, nhưng tâm hồn các em vẫn còn giữ được sự trong trắng, thẳng thắn:
-    Các em nghĩ thẳng, nói thẳng, không giả dối và không muốn bị nói dối, cũng không muốn tham gia vào việc nói dối.
-    Thần tượng của các em tức khắc bị sụp đổ khi các em phát hiện nơi thần tượng có điều gian dối.
-    Tuy nhiên trong thực tế vẫn có những em nói dối. Đó là do ảnh hưởng của xã hội và gương xấu của người lớn trong gia đình, học đường, đoàn thể. Người lớn đã đưa các em vào vòng nói dối vì quyền lợi của mình, của đoàn thể mình, trường mình.
-    Gương xấu gian dối ngày nay vô cùng phổ biến trong xã hội, kể cả trong trường học và gia đình…
 Việc thi cử, làm bài, kinh doanh, quảng cáo, kể cả các việc đạo, trò chơi…
-    Đừng bao giờ vì thân quen, vì danh hiệu hay vì phần thưởng của đơn vị mình mà đưa các em vào hoàn cảnh phải nói dối.
-    Trước mắt các em có thể hể hả về thắng lợi, nhưng về lâu về dài các em không phục và vô tình tạo cho các em cái gương xấu về sự nói dối. Hậu quả sẽ là chúng ta đã phá hỏng con người các em. Và gậy ông sẽ đập vào lưng ông!

Tâm lý học thì rộng lớn mênh mông; Thiếu nhi đang độ tuổi thay đổi không ngừng và  nhanh chóng; môi trường sống mỗi nơi có ảnh hưởng riêng đối với thiếu nhi ở từng khu vực. Những điều được trình bày trên đây dù sao vẫn chỉ là những điều còn rất chung chung, không thể phản ánh từng trường hợp. Do đó cũng không đưa ra được những giải pháp cho mọi trường hợp. Chỉ mong đây là những điển hình cơ bản, từ đó  các Trưởng vận dụng vào thực tế, cùng với suy tư và kinh nghiệm riêng từng nơi, từng lúc để giáo dục thiếu nhi bằng những giải pháp cập nhật nhất.
Sự hợp tác chặt chẽ giữa Đoàn Thể – Gia Đình và Học Đường là cách giáo dục thiếu nhi hữu hiệu nhất.
[Nguồn: Sổ tay Huấn luyện Huynh trưởng cấp 2]