• Trang chủ

12. Tâm lý tuổi thiếu


Tuổi Thiếu thường được xác định từ 10 đến 12 tuổi. Có những đặc tính sau đây:
1. Khả năng tập trung:
-    Vẫn chưa chú ý được lâu. Nhưng đã có ý thức về sự chú ý. Nghĩa là khi chú ý vào vấn đề nào đó, các em có nhắm đến một mục đích. (VD: cố gắng tập trung nghe giảng bài vì sắp đến kỳ thi) 
 Thời gian học tập, Kinh Lễ không nên kéo dài quá 45 phút, và cần thay đổi bầu không khí trong thời gian này;
-    Thi đua có thưởng, tuyên dương là cách giúp các em luyện tập sự chú ý.
-    Cần luyện tập sự chú ý nhằm nâng cao khả năng tập trung tư tưởng, giúp các em dần dần có khả năng chú ý lâu và bền bỉ, chuẩn bị cho các em sau này tiếp thu những vấn đề lớn hơn. Luyện tập chú ý không có nghĩa là gò các em làm việc quá sức, nhưng là tạo cơ hội vừa sức để giúp các em rèn luyện khả năng chú ý theo quy luật phát triển của lứa tuổi.
2. Sự phát triển khả năng nhớ: 
-    Biết quan sát và nhận xét sự việc, hình ảnh theo cách nghĩ của mình.
-    Có thể nhìn ra các mối liên quan “nguyên nhân – hậu quả” (làm toán đố, toán hình học chẳng hạn). Có thể căn cứ vào những ký ức cũ, tổng hợp chúng để đưa ra câu trả lời cho một câu hỏi mới.
 Bài học có thể dài hơn, có tính suy luận hơn.
-    Củng cố bài học bằng những câu hỏi nối kết và suy luận đơn giản (VD: Từ việc các em hiểu Chúa Giêsu đến nói cho con người biết Thiên Chúa là ai, Ngài làm gì cho ta; Ngài muốn ta làm gì, các em không thể suy ra nhưng dễ chấp nhận rằng Chúa Giêsu là Lời Thiên Chúa nhờ biết nối kết tư tưởng và suy luận dựa trên sự nối kết trí nhớ;)
3. Đã biết thắc mắc.
-    Những thắc mắc của các em thường là “thắc mắc tại sao” khi các em:
.    Tự đối chiếu điều mới học với điều đã học mà các em còn nhớ và thấy có sự khác nhau;
.    Thấy điều mới học khác với thực tế các em đã trải nghiệm.
 Điều ta muốn các em chấp nhận phải có tính hợp lý, và phải tiên liệu những thắc mắc của các em để chuẩn bị câu trả lời;
-    Khi các em “không có chút thắc mắc nào” về lời nói hoặc bài học, đừng vội cho rằng các em đã hiểu bài. Nhìn vào ánh mắt, vẻ mặt của các em mới có thể biết các em có hiểu và chấp nhận điều ta truyền đạt hay không, để rồi khéo léo đặt câu hỏi “trúng chỗ  ngứa” của các em.
-    Không nên dập tắt thắc mắc của các em, mặc dù đôi khi những câu hỏi có vẻ là thừa, ngớ ngẩn. Xuyên qua câu hỏi không hoàn chỉnh đó, Trưởng phải đọc ra ý các em thắc mắc điều gì, hoặc giúp các em xác định, để rồi đưa ra câu trả lời soi sáng cho các em.
4. Khuynh hướng độc lập, tư hữu phát triển.
Mặc dù em chưa có thể tự mình quyết định được điều gì nhưng khuynh hướng độc lập, tự quyết đang nổi dậy. (VD: muốn đi học, đi lễ một mình, không muốn cha mẹ hoặc anh chị đưa đi tới nơi đưa về tới nhà như xưa nữa). Mặc dù các em chưa có gì “làm của riêng”, nhưng tự trong thâm tâm các em vẫn muốn có cái gì đó riêng cho mình: một góc học tập trong gia đình, xe đạp riêng, tiền túi riêng…Và đây là những ước muốn chính đáng.
 Hãy tôn trọng và tạo điều kiện cho khuynh hướng này phát triển đúng hướng nhằm giúp các em biết suy nghĩ, phát biểu, làm việc và sống độc lập (không phải biệt lập) trong khi vẫn khuyến khích tinh thần cộng đồng nơi các em.
-    Nhưng vẫn tạo điều kiện để các em tín nhiệm vào người lớn nói chung bằng cách người lớn phải tỏ ra hiệu quả và có sức thuyết phục trong các quết định và việc làm.
-    Gia đình cung cấp cho các em những yêu cầu chính đáng này kèm theo sự giáo dục về cách sử dụng những thứ đó, sẽ là sự đóng góp quý giá vào tiến trình trưởng thành của các em.
-    Đoàn thể có thể góp phần vào tiến trình giáo dục này bằng cách giúp các em ý thức  giữ gìn tài sản đội đồng thời tôn trọng cái riêng của các bạn khác trong đội, trong đoàn như của chính mình.
5. Khuynh hướng Xã hội phát triển.
-    Có nhu cầu tự nhiên kết bạn, lập nhóm.
-    Sinh hoạt trong nhóm bạn, giúp các em hiểu biết người khác, nhận ra chính mình và nhất là có tinh thần vị tha, tương thân tương ái .v.v… Giảm bớt tính ích kỷ, hẹp hòi.
-    Có nhiều nhóm bạn đã kéo dài sự liên kết đến suốt đời và trong thời gian đó họ đã học tập lẫn nhau, giúp nhau thăng tiến và cùng nhau làm được nhiều điều hữu ích. Những nhóm Thiếu Nhi Thánh Thể, Giáo Lý Viên, Hướng Đạo hiện nay là những bằng chứng xác thực nhất.
à Trong đoàn thể, phương pháp Hàng Đội là cách tốt nhất nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội này
-    Trong gia đình phụ huynh cần khuyến khích các con em có bạn. Nhưng cần hướng dẫn, theo dõi xem con mình chơi với những ai, thuộc thành phần nào. Đồng thời phải biết hoạt động của nhóm bạn mà con em mình tham gia.
-    Phụ huynh nên cách nào đó tham gia vào các tổ chức của con em để hướng dẫn hoặc huấn luyện. Cách này hiện nay còn xa lạ đối với xã hội Việt Nam, nhưng đã phổ biến ở các nước phương Tây, Hoa Kỳ chẳng hạn, đã chứng tỏ được hiệu quả tích cực.
-    Nhờ hoạt động cộng đồng, sinh hoạt nhóm, các em sẽ vừa có thể tự khẳng định và  từng bước điều chỉnh mình, vừa góp phần xây dựng cộng đồng.
6. Dễ chịu ảnh hưởng xã hội qua nghe, nhìn.
Phim ảnh, sách báo có ảnh hưởng mạnh mẽ vì sự hấp dẫn của nó. Các nhân vật trong phim, sách truyện, giáo viên, Huynh trưởng, cầu thủ, võ sĩ, nhạc sĩ, ca sĩ… dễ trở  thành thần tượng của các em: các em có thể kể lại một cuốn phim hay một câu chuyện cách say sưa và khá chi tiết. Các em cũng có thể kể lại một đám đánh nhau hay cãi nhau cách đầy đủ cho người lớn.
 Bài học phải hấp dẫn, cách trình bày phải lôi cuốn.
-    Không nên dập tắt sự say sưa kể chuyện của các em. Trưởng (người lớn) cần lợi dụng đặc tính này, lắng nghe các em và đặt ra cho các em vài câu hỏi có mục đích giúp các em đánh giá nhân vật, thái độ và hành động của nhân vật, giúp các em nhận ra cái đúng để bắt chước, cái sai để loại bỏ (VD: sự trả thù trong phim; những lời chửi bới thô tục trong đám cãi nhau…).
-    Huynh Trưởng không mong thành thần tượng “hão” nhưng lợi dụng đặc tính này để dạy dỗ các em.
7. Thích được khen.
-    Thật ra tuổi nào cũng thích được khen, kể cả người lớn! Miễn là khen đúng.
-    Lời khen công khai, có tác dụng bao nhiêu, thì lời chê công khai tác hại bấy nhiêu.
 Nên nhìn các em bằng cái nhìn tích cực, cố gắng tìm ra những điểm tốt, đúng, hay để khuyến khích và khen ngợi.
-    Nhìn yếu điểm của các em bằng cái nhìn bao dung và cố gắng tìm cách biện hộ, giải thích trước khi đi đến giải pháp kỷ luật, và hết sức hạn chế hình thức kỷ luật công khai. Thông thường nên sửa dạy các em cách kín đáo.
8. Muốn được người lớn tín nhiệm và giao việc.
Các em:
-    Hãnh diện được người lớn trao trách nhiệm;
-    Hãnh diện khi nhận ra mình đã đóng góp điều gì đó vào thành quả chung của tập thể.
-    Khi được giao công việc, các em sẽ cố gắng hoàn thành có thể hơn cả sự mong đợi của người lớn.
 Nghi thức sai đi, Trao khăn, Tuyên hứa, Trao quyền chỉ huy là cách tuyệt vời để các em có cơ hội nhận ra khả năng của mình, để hoàn thành nhiệm vụ và rèn luyện tinh thần trách nhiệm.
-    Những thành quả đầu đời này là sự khuyến khích, là nền tảng, và là bàn đạp rất quan trọng cho sự thành công tương lai của các em.

9. Hiếu động:
-    Thích hoạt động ganh đua.
-    Thích trò chơi mạnh. Nam nữ có khác nhau về thể lực, nên cách thể hiện cái “mạnh” có khác nhau (VD: nam thích tập trận giả, kéo dây, đá bóng; nữ thì nhảy dây, đuổi bắt…).
-    Cũng do sự phát triển mạnh về thể chất, sức sống tràn đầy, các em không chịu ngồi yên.
-    Kiến thức và kinh nghiệm của các em không do sự suy tư hay sự nhồi nhét lý thuyết, nhưng được các em tích lũy ngang qua hành động (VD: dạy kỹ thuật hoặc chiến thuật bóng đá sau một trận đấu thì hiệu quả hơn trình bày lý thuyết trước khi ra sân)
10.     Muốn lập thành tích.
Thành tích là thành tựu được ghi nhận, được công khai hóa, và được mọi người (hoặc nhiều người) công nhận.
 Nên tuyên dương trước tập thể, ghi vào hồ sơ hoặc nhật ký đoàn những thành công hoặc sự đóng góp của các em cho việc chung nhằm tưởng thưởng việc làm tốt ngày hôm nay đồng thời khuyến khích sự cố gắng hơn nữa của ngày mai.
-    Tuy nhiên không thể không đề phòng sự nổi dậy của lòng kiêu ngạo. Đạt được cả hai mục đích này là nghệ thuật của Trưởng!
Tâm lý học thì rộng lớn mênh mông; Thiếu nhi đang độ tuổi thay đổi không ngừng và  nhanh chóng; môi trường sống mỗi nơi có ảnh hưởng riêng đối với thiếu nhi ở từng khu vực. Những điều được trình bày trên đây dù sao vẫn chỉ là những điều còn rất chung chung, không thể phản ánh từng trường hợp. Do đó cũng không đưa ra được những giải pháp cho mọi trường hợp. Chỉ mong đây là những điển hình cơ bản, từ đó  các Trưởng vận dụng vào thực tế, cùng với suy tư và kinh nghiệm riêng từng nơi, từng lúc để giáo dục thiếu nhi bằng những giải pháp cập nhật nhất. Sự hợp tác chặt chẽ giữa Đoàn Thể – Gia Đình và Học Đường là cách giáo dục thiếu nhi hữu hiệu nhất.