• Trang chủ

Bài 10- PHƯƠNG PHÁP ĐÀM THOẠI GỢI MỞ


1. Định Nghĩa
Phương pháp đàm thoại gợi mở trong  dạy giáo lý là phương pháp mà người dạy căn cứ vào nội dung bài giáo lý đưa ra hệ thống câu hỏi nhằm gợi mở, dẫn dắt  người học xây dựng nội dung bài giáo lý từ những kiến thức đã học hay kinh nghiệm đã tích lũy được trong cuộc sống bằng cách đưa ra câu trả lời đúng.
2. Ưu Và Nhược Điểm Của Phương Pháp
2.1. Ưu Điểm
- Kích thích được sự suy nghĩ của các em, qua việc tự  tìm hoặc trao đổi với nhau trong nhóm nhỏ để tìm được câu trả lời đúng giúp  các em mở rộng đào sâu kiến thức giáo lý và phát triển được óc tự duy sáng tạo của các em.
- Tập cho các em khả năng diễn đạt bằng lời nói, tạo được không khí sinh động cho giờ giáo lý, gây  hứng thú học tập cho các em.
- Giúp các em chủ động trong việc xây dựng nội dung bài giáo lý và hiểu bài nhanh.
- Giúp cho Giáo lý viên thu được phản hồi nhanh chóng, kịp thời hiệu chỉnh và bổ sung cho hoạt động dạy của mình, đồng thời cũng tạo điều kiện cho Giáo lý viên quan tâm đến từng em.
2.2. Nhược Điểm
- Sử dụng phương pháp đàm thoại mất nhiều thời gian. Người dạy khó chủ động về thời gian làm ảnh hưởng đến bài học hay tính liên tục của bài giảng.
- Nếu đặt câu hỏi không rõ ràng hoặc không vừa sức các em, thì dễ biến thành cuộc đàm thoại giữa Giáo lý viên và một em học sinh hoặc làm cho cuộc đối thoại đi ra ngoài nội dung và mục tiêu của bài giáo lý.Như vậy sẽ không thu hút được cả lớp.
3. Những Yêu Cầu Khi Sử Dụng Phương Pháp
Thành công của phương pháp là do cách đặt câu hỏi và điều khiển các em trả lời. Vì thế giáo lý viên phải chú ý:
3.1. Khi Chuẩn Bị Bài Giáo Lý
- Phải xác định rõ đường hướng huấn giáo và nội dung đàm thoại để xây dựng hệ thống câu hỏi cho thích hợp.
- Soạn giáo án phải chọn câu hỏi chính xác, rõ ràng theo nội dung, dễ hiểu, vừa sức các em và có hệ thống. Như vậy câu hỏi đưa ra mới có tác dụng kích thích sự suy nghĩ của các em.
- Câu hỏi không chỉ nhằm tái hiện lại kiến thức đã có sẳn, nhưng là câu hỏi sáng tạo đòi hỏi các em suy nghĩ và hướng trí tuệ các em đến chỗ khám phá ra một chân lý Tin Mừng, một điểm giáo lý của Giáo Hội mà nội dung bài giáo lý đề ra.
- Không đưa ra những câu hỏi quá đơn giản như loại câu hỏi học sinh chỉ trả lời “có”hoặc “không”; “đúng” hoặc “sai”… Vì như vậy sẽ làm giảm hiệu quả bài học.
3.2. Khi  Thực Hiện Giờ Giáo Lý
- Đặt câu hỏi chung cho toàn lớp, dành một thời gian đủ để các em suy nghĩ rồi mới chỉ định một  em trả lời. Sau khi em học sinh ấy trả lời xong cần yêu cầu những em khác nhận xét, bổ sung câu trả lời đó. Như vậy sẽ thu hút được sự chú ý và kích thích sự chủ động và hoạt động chung của cả lớp.
- Khi các em trả lời, giáo lý viên cần lắng nghe câu trả lời, tránh cắt ngang khi không cần thiết. Giáo lý viên cũng phải biết uốn nắn câu trả lời (cả nội dung cũng như cách diễn đạt), động viên và khuyến khích kịp thời để tránh xúc phạm.
- Khi các em trả lời, giáo lý viên lưu ý hướng các em trả lời đúng trọng tâm câu hỏi để bảo đảm thời gian và không đi ra ngoài nội dung bài giáo lý.
+ Có thể đặt thêm những câu hỏi phụ hoặc gợi mở (nhất là khi các em trả lời ra ngoài vấn đề) để dẫn dắt các em trả lời câu hỏi chính đúng trọng tâm câu hỏi giáo lý viên đặt ra.
+ Câu trả lời sai của một em nào đó là căn cứ cho các em khác trả lời đúng hơn.
- Cần có những biện pháp thúc đẩy các em mạnh dạn trả lời, nêu thắc mắc và khéo léo sử dụng những thắc mắc đó tạo ra những tình huống cho các em thảo luận để giải quyết.
- Nếu phối hợp với phương pháp đọc âm vang, giờ giáo lý sẽ sinh động và hữu hiệu hơn.
- Giáo lý viên cho nhận xét sau cùng, điều chỉnh những chỗ sai và bổ sung cho hoàn chỉnh vấn đề câu hỏi đặt ra trước khi chuyển sang câu hỏi khác để các em dễ dàng theo dõi và bài học có hệ thống.
3.3. Kết Thúc Giờ Giáo Lý
Giáo lý viên hệ thống hoá các nội dung bài giáo lý để củng cố lại những kiến thức mà các em vừa cùng với nhau khám phá, xây dựng dưới sự hướng dẫn của giáo lý viên. Nghĩa là khi các câu hỏi đã hoàn thành, trên cơ sở các câu hỏi và câu trả lời, giáo lý viên viết thành dàn bài và các nội dung bài giáo lý.
 
1.      Cả khoá chọn một nội dung chương trình giáo lý của một cấp / lớp
.............................................................................................
2.      Chia bài cho từng người (hoặc theo nhóm) – lập dàn bàn (ý chính – ý phụ) – đặt tiêu đề cho từng ý chính.
.............................................................................................
.............................................................................................
3.      Dựa theo dàn bài, soạn giáo án theo thứ tự từng bước lên lớp và đưa ra hệ thống câu hỏi và hoạt động thích hợp.
.............................................................................................
.............................................................................................