• Trang chủ

11. Tâm lý tuổi Ấu


 Tuổi Ấu thường được xác định từ 6-9 tuổi hoặc 7-10 tuổi. Có những đặc tính sau đây:

1. Khả năng tập trung. 
Không chú ý được lâu.
à Không nên ép các em chú ý lâu. Giờ Chầu, Lễ, buổi học không nên kéo dài quá 30 phút. Ngay trong thời gian này cũng cần có sự thay đổi bầu không khí.

2. Trí nhớ chưa có sự chọn lựa. 
Ghi nhận nhanh, nhớ nhanh và nhớ lâu những gì các em thích (chuyện kể, phim ảnh…)
à Muốn các em thích học và nhớ lâu, bài học cần được minh họa bằng hình ảnh, cử  điệu; lời nói vui, gây sự chú ý.

3. Sự hiểu biết và trí nhớ lệ thuộc vào nét nổi bật của sự vật, của hình ảnh, sự rực rỡ của màu sắc. Để rồi mô tả và nói đúng như các em thấy. Không màng đến ý nghĩa bên trong, hoặc mục đích xa gần. 
à Muốn các em hiểu và nhớ vấn đề gì, vấn đề đó cần được minh họa bằng hình ảnh đẹp và có màu sắc. Những hình ảnh đó sẽ tạo ra một ký ức hay một ấn tượng, làm nền móng cho sự hiểu biết về ý nghĩa và mục đích sau này. Còn gọi là phương pháp trực quan (trực: thẳng; quan: nhìn thấy, nhận thấy, nghe thấy…)

4. Bắt đầu hiểu biết, phân biệt được giá trị của con số và thứ bậc. 
Biết nhiều điểm là tốt (bài làm được 10 điểm là giỏi hơn được 6 điểm…)
Biết số nhỏ trong thứ bậc là tốt hơn số lớn (đứng hạng 3 là giỏi hơn đứng hạng 9…)
Hình thức thi đua và cho điểm có tác dụng đối với lứa tuổi này.

5. Tuổi bắt đầu đi học, cũng có nghĩa là các em bắt đầu bung ra khỏi cái nôi gia đình 
Trước kia cha mẹ và anh chị là mẫu mực, là chỗ dựa, là “cuốn tự điển” cho những thắc mắc của các em. Bây giờ thì khác rồi! Thầy cô, Giáo Lý Viên, Huynh Trưởng, bạn bè  (kể cả xã hội) là người cung cấp kiến thức mới cho các em. Đôi khi những kiến thức này chẳng những mới mà còn mâu thuẫn với kiến thức các em đã hấp thụ trong gia đình trước đây. Lúc này, các em rất tin cậy và vâng lời thầy cô, Huynh Trưởng, nhất là trong những vấn đề mà gia đình và bên ngoài mâu thuẫn nhau.
à Vì các em quá tin nơi thầy cô và Huynh Trưởng, nên Huynh Trưởng phải: Cung cấp kiến thức chính xác, dạy các em những việc làm và cách sống đạo đúng;
-    Huynh Trưởng, luôn phải là gương mẫu cho các em.
-    Sự sai lầm trong việc giáo dục các em ở tuổi này sẽ ghi dấu ấn sâu đậm, khó sửa.
-    Huynh Trưởng cần ý thức tầm quan trọng của vai trò mình đang đảm trách để luôn cẩn trọng trong việc giảng dạy, lời ăn tiếng nói đối với các em.

6. Con người bẩm sinh có xã hội tính. 
Con người có khuynh hướng tìm đến người khác và sống cộng đoàn với nhau. Khuynh hướng xã hội của lứa tuổi này bắt đầu lộ diện, phát triển và được thể hiện qua:
-    Cách có tổ  chức, có hướng đi, có mục đích như lớp học, đoàn thể; hoặc cách tự  nhiên không tổ chức, không mục đích rõ rệt như nhóm bạn.
à Cần chuẩn bị cho các em vươn tới những mối quan hệ mới, cụ thể là: Gia đình tin tưởng, cộng tác và hỗ trợ các tổ chức như nhà trường, lớp giáo lý, đoàn thể. Các em sẽ phấn khởi khi thấy gia đình và đoàn thể hợp tác với nhau;
-    Ủng hộ, khuyến khích, kiểm soát khéo léo và hướng dẫn các em trong quan hệ bạn bè, nhóm.
-    Ngăn ngừa hiện tượng băng đảng. Giá trị đạo đức và giá trị giáo dục của nhóm bạn và  băng đảng hoàn toàn khác xa nhau, nhưng ranh giới giữa nhóm bạn và băng đảng lại rất gần nhau. Sự sa đọa của nhóm bạn dễ dàng biến nhóm bạn thành băng đảng!
-    Các đoàn thể cần áp dụng phương pháp hàng đội cho các em ngay từ tuổi này. Phương pháp Hàng Đội là cách đáp ứng thích hợp nhất cho khuynh hướng xã hội đang phát triển nơi các em. Điều đáng tiếc là sự quan tâm của phụ  huynh đến nhóm bạn của con cái còn có vẻ xa lạ trong xã hội Việt Nam. Có nhiều phụ huynh rất yên tâm và hãnh diện rằng “con tôi đi đến nơi, về đến nhà không bầu bạn với ai…”!! Một đứa trẻ và kể  cả người lớn mà chỉ “đi đến nơi về đến nhà, chẳng bầu bạn với ai”, đó là người bất thường.!!! Không đáng hoan nghênh.

7. Khái niệm không gian và thời gian chưa rõ ràng. 
Bởi còn thiếu kinh nghiệm: Chẳng hạn chưa hình dung được khoảng thời gian một nghìn năm trước công nguyên hay một nửa vòng trái đất là thế nào,
à Thường bắt đầu câu chuyện cổ tích bằng từ “ngày xưa hoặc ngày xửa ngày xưa” để nói lên rằng đã lâu lắm rồi. Không cần bắt các em phải nhớ chính xác những niên đại xa xôi, hoặc những cự ly quá lớn, làm che khuất những điều đơn giản mà các em cần phải nhớ.

 8. Trí tưởng tượng mạnh. 
Thích chuyện thần tiên, biến hóa mà không quan tâm đến tính hợp lý hay khoa học của câu chuyện.
à Việc Chúa tạo dựng, Chúa Ba Ngôi, Phép Lạ của Chúa được các em chấp nhận dễ dàng. Các Trưởng, Giáo Lý Viên không nên bận tâm cắt nghĩa sâu xa vấn đề này cho các em. Hơn nữa càng cắt nghĩa, chính các bạn càng đi vào ngõ bí, và làm cho các em bối rối, không hiểu Trưởng đang nói gì.

9. Ngôn ngữ còn nghèo nàn.
Chịu ảnh hưởng nặng ngôn ngữ gia đình, địa phương. Chưa hiểu từ trừu tượng, bác học như “ý thức, khách quan, tư duy...”
à Để diễn đạt một bài học cho các em tuổi này,
-    Trưởng nên tìm và dùng những từ đơn giản phù hợp với lứa tuổi của các em, phù hợp với ngôn ngữ địa phương của các em.
-    Dùng kinh nghiệm của mình để khi nghe các em nói thiếu mà ta vẫn hiểu đầy đủ; các em nói sai, nhưng ta biết các em muốn gì, nhằm tránh sự  hiểu lầm, sự trừ điểm, hoặc hình phạt oan cho các em, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Trưởng và đến quá trình giáo dục toàn diện.

 10.     Muốn được người lớn quan tâm, chăm sóc, muốn “có một chỗ đứng” trong lòng người lớn, nhất là cha mẹ, thầy cô, Huynh Trưởng, Giáo Lý Viên. 
à Yếu tố quan trọng làm cho các em vâng lời và có ảnh hưởng tốt đến quá trình giáo dục toàn diện là:
-    Nhớ tên, nhớ việc làm tốt em đã làm trước đây, nhớ ưu điểm của em; Biết cha mẹ, nơi ở của các em; Cư xử thân thiện, cởi mở, dịu dàng với các em.
Tâm lý học thì rộng lớn mênh mông; Thiếu nhi đang độ tuổi thay đổi không ngừng và  nhanh chóng; môi trường sống mỗi nơi có ảnh hưởng riêng đối với thiếu nhi ở từng khu vực. Những điều được trình bày trên đây dù sao vẫn chỉ là những điều còn rất chung chung, không thể phản ánh từng trường hợp. Do đó cũng không đưa ra được những giải pháp cho mọi trường hợp. Chỉ mong đây là những điển hình cơ bản, từ đó  các Trưởng vận dụng vào thực tế, cùng với suy tư và kinh nghiệm riêng từng nơi, từng lúc để giáo dục thiếu nhi bằng những giải pháp cập nhật nhất. Sự hợp tác chặt chẽ giữa Đoàn Thể – Gia Đình và Học Đường là cách giáo dục thiếu nhi hữu hiệu nhất.