• Trang chủ

9. Nghệ thuật kể chuyện cho thiếu nhi


Tuổi thơ rất thích được nghe kể chuyện. Thế giới của các em đầy những câu chuyện cổ tích thần thoại, những câu chuyện hay đẹp. Đó là một thực tế không thể chối cãi. Phải chăng những câu chuyện từ thời thơ ấu vẫn luôn đậm nét trong tâm hồn chúng ta. Câu chuyện là cách hay nhất để dẫn các em tới những hành động tốt đẹp. Nhiều khi chúng ta thao thao bất tuyệt để giảng một bài giáo lý đã dọn sẵn nhưng các em tiếp thu chưa tốt. Nhưng nếu biết vận dụng một câu chuyện kể phù hợp thì sẽ gây được hứng thú nghe và  sẵn sàng làm theo những gì chúng ta đề  nghị.
Bài giáo lý được trình bày theo lối quy nạp. Vì thế trong bài giảng này thường lấy một câu chuyện cụ thể để làm khởi điểm, rồi dựa vào câu chuyện để trình bày đề tài giáo lý.
I. TÁC DỤNG CỦA KỂ CHUYỆN 
-    Nhằm mục đích giáo dục đức tin, câu chuyện dùng làm phương thế dẫn tới Tin Mừng và truyền đạt Tin Mừng.
-    Giúp cho các em tiếp thu kiến thức cần truyền đạt một cách dễ dàng.
-    Kích thích sự hứng thú học tập của trẻ vì kể chuyện là món ăn tinh thần không thể thiếu của các em, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ.
-    Không khí buổi học sinh động, vui tươi, thu hút sự  chú ý của các em.
-    Bài học được rút ra từ câu chuyện sẽ làm cho trẻ ghi nhớ lâu hơn một bài học thông thường.
 II.      CÁ C LOẠI CHUYỆN 
1. Chuyện Kinh Thánh
Trong Thánh Kinh Cựu Ước cũng như Tân Ước, có rất nhiều chuyện hay. Những chuyện này thường dùng để trình bày giáo lý rất tốt và thích hợp nhất nhờ tính chất và nội dung tôn giáo của các câu chuyện.
Khi dùng các câu chuyện Kinh Thánh để trình bày giáo lý thì việc chuyển sang áp dụng vào đề tài giáo lý rất dễ dàng, tự nhiên và mạch lạc. Do đó, khi soạn bài giáo lý cần dùng ưu tiên cho loại truyện này.
Ví dụ:
§   Chuyện Cain: Thiên Chúa thấu hiểu mọi sự.
§   Noe và lụt hồng thủy: Chúa không chấp nhận tội lỗi.
§   Abraham: Tin, vâng phục Thiên Chúa vô điều kiện và để Thiên Chúa dẫn dắt.
§   Lửa trong bụi gai: Chúa là Thiên Chúa hằng sống.
§   Vượt Biển Đỏ: Chúa giải thoát chúng ta và đưa chúng ta về đất hứa.
2. Chuyện lịch sử Giáo Hội và cuộc đời các Thánh
Đây cũng là kho tàng chứa đựng rất nhiều sự kiện có thể dùng để trình bày các đề tài giáo lý. Tuy nhiên cần trung thực: nhất là khi dùng chuyện các Thánh, những chi tiết ly kỳ, phi lịch sử, thuộc loại huyền thoại, có thể làm cho các em thích thú lúc đó, nhưng có thể làm hại đức tin của các em sau này. Phải lựa chọn kỹ lưỡng và áp dụng cho khéo.
Ví dụ:
§   Cuộc đời Thánh Phaolô: Ơn gọi truyền giáo.
§   Cuộc đời Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu.
§   Cuộc hiện ra của Đức Mẹ với 3 Thánh trẻ ở Bồ Đào Nha.
§   Cuộc đời các Thánh Tử Đạo Việt Nam: Lòng trung tín của các chứng nhân.
3. Những chuyện thường nhật hoặc thời sự
Những việc xảy ra hằng ngày, những biến cố có tính thời sự cũng có thể đưa vào làm khởi điểm để suy nghĩ về một đề tài giáo lý. Tuy nhiên, việc lựa chọn những chuyện này khó hơn. Cần hội đủ hai điều kiện:
§   Thích hợp, hoặc ít nhất cũng không mâu thuẫn với chủ đề tôn giáo.
§   Có thể từ câu chuyện chuyển sang đề tài giáo lý một cách dễ dàng, không gượng ép giả tạo.
 III.CÁCH THỰC HIỆN
1. Nắm vững chủ đích
Kể chuyện trong giờ giáo lý không nhằm mục đích mua vui hay giải trí. Câu chuyện được dùng làm phương thế dẫn tới việc truyền đạt nội dung. Vì thế phải lựa chọn những câu chuyện phù hợp để qua đó lồng vào bài học, những kiến thức cần truyền đạt
2. Nội dung chuyện kể
Cũng vì nhằm mục đích mới xác định ở trê n, nên phải nắm vững nội dung câu chuyện, tránh: đầu Ngô mình Sở, tránh những nội dung thần thoại, mê tín dị đoan mà cần phải quy về quyền năng Chúa.
Nội dung câu chuyện phải được trình bày một cách sống động, ngắn gọn, cụ thể. Cần loại bỏ những chi tiết dư thừa, lan man không trực tiếp liên quan đến vấn đề được trình bày làm trẻ bị phân tâm, không ghi nhớ hết, chỉ giữ những nét có thể làm nổi bật những điểm mình muốn đem áp dụng vào bài giáo lý.
Nội dung chuyện cần làm sáng tỏ điều hay, điều dở để các em so sánh, nhận định và có thể tự rút ra bài học (câu chuyện có kết luận mở)
3. Cách kể chuyện
-    Người kể nắm vững câu chuyện, tránh tình trạng đọc truyện.
-    Cần hóa thân vào nhân vật trong chuyện giúp các em dễ bị cuốn hút vào câu chuyện.
-    Sử dụng ngôn ngữ dễ hiểu phù hợp với trình độ nhận thức của trẻ.
-    Khả năng biểu cảm trong diễn đạt: chất giọng rõ ràng, dễ nghe. Giọng nói thay đổi cao độ, cường độ, trường độ cho phù hợp nhằm làm câu chuyện thêm lôi cuốn. Tuy nhiên cần tránh tình trạng kịch tính. Ngoài ra, các yếu tố phi ngôn ngữ như nét mặt, điệu bộ, cử chỉ cũng góp phần lớn cho thành công của câu chuyện.
-    Đặt mình vào trình độ người nghe, hiểu được cảm nghĩ của trẻ, theo dõi sát sự chú tâm của trẻ:
+   Chúng im lặng theo dõi: câu chuyện cuốn hút trẻ chăm chú nghe.
+   Chúng lơ láo, ngáp vặt, nghịch ngầm: chuyện làm chúng chán nản. Cần phải thay đổi bầu khí, thu ngắn chuyện, nêu câu hỏi đàm thoại, băng reo… để lấy lại bầu khí.
-   Sau khi kể xong phải đặt lại câ u hỏi với các em, rút ra ý chính, điều cần học tập, hoặc để chuyển tiếp vào bài Giáo Lý.
Kể chuyện là một phương pháp hữu hiệu để giúp trẻ tự chiếm lĩnh kiến thức một cách nhẹ nhàng, hứng thú, nhiều hiệu quả. Điều quan trọng là chúng ta cần nắm vững tâm lý  trẻ, chuẩn bị tốt nội dung và nhập tâm làm cho câu chuyện sống động, hào hứng. Có như thế trẻ sẽ tiếp thu tốt và ghi nhớ lâu dài.
[Nguồn: Sổ tay Huấn luyện Huynh trưởng cấp 2]