• Trang chủ

10. Giáo dục theo tâm lý lứa tuổi


· Tâm lý là gì?
Tâm Lý là những sự kiện vô chất thể nơi con người (buồn, vui, giận, ghét, yêu, đam mê, cảm xúc…). Ta không thể nhìn thấy, hay mô tả các sự kiện tâm lý như mô tả một sự vật cụ thể; không thể định hình hay định vị. Nhưng phải nhìn nhận rằng tâm lý là sự kiện có  thật được nhận thấy qua thái độ, ngôn ngữ, phản ứng và hành vi (nhìn một người khóc, tôi biết họ đang buồn hoặc quá vui; nhìn đứa trẻ đang gào thét, tôi biết em đang bị uất ức điều gì đó).
· Tâm Lý Học là gì? 
Tâm Lý Học là khoa khảo sát về những sự kiện tâm lý qua nỗ lực quan sát các sự kiện khả  giác bên ngoài của con người để nhìn ra và giải thích cái nguyên nhân bên trong của sự  kiện đó. Sự kiện tâm lý và sự kiện thể lý là nguyên nhân và là hậu quả lẫn cho nhau. Khó có thể phân định cái nào sinh ra cái nào. Nghiên cứu tâm lý cần căn cứ vào cả những thể  hiện của thể lý. Trong phạm vi bài này, người Huynh Trưởng, Giáo Lý Viên không có tham vọng đi sâu vào việc nghiên cứu tâm lý, nhưng chỉ vận dụng những thành quả của khoa tâm lý học để áp dụng vào việc dẫn dắt các em thiếu nhi được giao cho chúng ta trong lớp Giáo Lý hoặc trong đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể.
· Tâm Lý Học ứng dụng vào những lãnh vực nào? 
Nói đến Khoa Tâm lý học, người ta thường nghĩ đến những công trình khảo cứu có tính bác học. Đành vậy, nhưng trên thực tế, tâm lý học được sử dụng hàng ngày, hàng giờ trong cuộc sống cá nhân, cộng đồng và trong các mối tương giao, các sinh hoạt kinh tế, xã  hội, chính trị, gia đình, học đường,  giáo dục, lãnh đạo, quản lý, thậm chí cả trong chiến tranh.
Như vậy, có thể nói Tâm lý học là khoa nghiên cứu về ý thức con người. Nhà kinh doanh tìm hiểu tâm lý khách hàng; Nhà quân sự tìm hiểu tâm lý đối phương; nhà lãnh đạo cộng đồng tìm hiểu tâm lý quần chúng; nhà giáo dục tìm hiểu tâ m lý học sinh; cha mẹ tìm hiểu tâm lý con cái. Tất cả để đối phó hoặc phục vụ đối tượng của mình cách hữu hiệu nhất.
· Sao Huynh Trưởng TNTT phải hiểu tâm lý đoàn sinh? 
Biết mình biết người, trăm trận trăm thắng! Huynh Trưởng có nhiệm vụ giúp các đoàn sinh của mình để phát triển con người toàn diện, về phương diện siêu nhiên và tự nhiên. Hiểu theo nghĩa này, Huynh Trưởng là nhà giáo dục. Nhà giáo dục cần phải tìm hiểu đối tượng giáo dục, các đoàn sinh của mình, nhằm tìm ra cách giáo dục phù hợp với tầm hiểu biết, khả năng tiếp thu; khai thác sự yêu thích, sự quan tâm của các em để đạt đến hiệu quả giáo dục cao nhất là giúp các em dần dần hoàn thiện hóa tiềm năng đang phát triển nơi các em trong tiến trình dẫn đến sự trưởng thành. Bởi vì trẻ em hoặc thiếu niên là lứa tuổi đang phát triển để thành người lớn. Tâm lý (tình cảm, suy nghĩ, trí nhớ, sự liên tưởng, óc tưởng tượng) cũng như thể lý của trẻ (sức khỏe, cơ năng, sự vận động, sinh dục…) ảnh hưởng lẫn nhau, và đều đang trong quá trình phát triển để đạt tới sự tròn đầy của người trưởng thành. Đó là lý do Huynh Trưởng phải tìm hiểu tâm lý trẻ và sự biến đổi tâm lý theo lứa tuổi. Giới hạn của vấn đề là tâm lý các lứa tuổi đang phát triển – chưa trưởng thành.
Ở Cấp I, những đặc tính được trình bày cách tổng quát nhằm giúp các Giáo Lý Viên làm quen với việc tìm hiểu tâm lý thiếu nhi.
Nay, ở cấp II, các Trưởng đi sâu thêm vào những đặc tính tâm lý của từng lứa tuổi và tìm hiểu những giải pháp giáo dục chung phù hợp cho từng lứa tuổi, nhằm dẫn dắt các em phát triển tích cực và đúng hướng.
Bước sang cấp III, chúng ta căn cứ vào những kiến thức căn bản này, các Trưởng sẽ quan sát thái độ, hành vi của các em, đọc ra nguyên nhân của hiện tượng (các sự kiện tâm lý đang diễn ra trong tâm hồn các em). Để rồi quyết định đưa ra một giải pháp thích hợp cho từng trường hợp của nhóm, đoàn hoặc của từng em.