SUY NIỆM TRƯỚC THÁNH THỂ CHÚA GIÊSU
Bài Năm
- Dấu Thánh Giá.
- Một bài hát mở đầu.
- Gợi ý bước vào giờ chầu.
- Hát một bài hát ca ngợi tình yêu Chúa.
- Đọc Tin Mừng Ga 13, 1. Sau khi đọc Tin Mừng, thinh lặng một chút.
- Suy niệm 1.
- Lần chuỗi một chục.
- Lời nguyện 1 (mọi người cùng đọc chung).
- Một bài hat thích hợp.
- Đọc Tinh mừng Ga 21, 15-17. Sau Tin Mừng, thinh lặng một chút.
- Suy niệm 2.
- Lần chuỗi một chục.
- Lời nguyện 2 (mọi người đọc chung).
- Một bài hát thích hợp.
- Đọc kinh Tận hiến (thay lời nguyện kết thúc).
I. GỢI Ý ĐỂ BƯỚC VÀO GIỜ CHẦU.
Hôm nay chúng ta vui mừng tụ họp nhau đây để tạ ơn về tình yêu xuất phát từ Thiên Chúa mà mỗi người đã lãnh nhận. Đồng thời chúng ta cũng được mời gọi chia sẻ món quà tình yêu ấy cho mọi người.
Đến trước mặt Chúa Giêsu Thánh Thể hôm nay, chúng ta không quên xin Người nâng đỡ trong những lúc ngã lòng, chán nản, nhất là những hoàn cảnh ngặt nghèo, bi thương của đời sống, để tình yêu của Chúa nên nguồn cậy dựa vững chắc cho đức tin của chúng ta.
Xin cho chúng ta được tan biến trong Chúa, nhất là mỗi khi rước lấy Mình Máu Người. Có như vậy, ta mới có thể trở nên công cụ bình an của Chúa giữa trần gian. Có như vậy, ta mới không còn sống cho mình nữa nhưng chỉ sống cho Chúa mà thôi.
II. SUY NIỆM 1: CHÚA YÊU THƯƠNG ĐẾN CÙNG.
Tuy thánh Gioan tông đồ không thuật lại việc Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể, nhưng thánh nhân lại cho thấy nội dung tuyệt vời của bí tích này. Nội dung ấy chính là tình yêu. Bởi đó chúng ta không lạ gì khi thấy Giáo Hội gọi bí tích Thánh Thể là bí tích Tình yêu. Một tình yêu quá đỗi lớn lao, quá đỗi huyền nhiệm mà tư tưởng con người khó có thể đạt thấu. Một tình yêu mà ngoài Thiên Chúa, con người khó lòng tìm thấy bất cứ nơi đâu. Tình yêu ấy Chúa đã dâng tặng cho trần gian và cho từng người chúng ta.
Thánh Gioan còn cho thấy, tình yêu ấy là một tình yêu không biên giới: “Người yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13, 1). “Yêu thương đến cùng”, nghĩa là tình yêu ấy không có giới hạn. Chúa Giêsu yêu trần gian bằng một mối tình không gì có thể cản trở hay lay chuyển, dẫu là tội lỗi của trần gian. Thậm chí cho dẫu trần gian đã đóng đinh Người, Người vẫn một mực yêu thương.
Thật vậy, chính khi bị loại trừ, bị treo trên thập giá, Chúa Giêsu đã biến thập giá thành phương thế cứu độ con người, thành dấu chứng lớn nhất của tình yêu Thiên Chúa. Bởi không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của Đấng là Thiên Chúa làm người thí mạng sống vì người mình yêu. Chính khi con người đóng đinh Chúa Giêsu trên thập giá, thân thể Người lại trở nên lương thực ban sự sống đời đời cho nhân loại. Tội lỗi và sự ác của con người, dù lớn đến đâu, cũng không bao giờ có thể cản trở ý định cứu độ của Thiên Chúa. Thập giá Chúa Kitô, nguồn phát sinh ơn cứu độ, là bằng chứng hùng hồn về chân lý ấy. Và bí tích Thánh Thể là chính thân thể của Chúa Kitô vẫn hiện diện giữa lòng cuộc sống trần gian qua muôn thế hệ, mãi mãi nhắc nhở chúng ta về tình yêu thương lạ lùng ấy. Bí tích Thánh Thể mãi mãi là hiện thân của thế giới thần linh, nhưng vì yêu thương, đã và vẫn hiện diện giữa thế giới phàm nhân. Người hiện diện lúc này, ở đây, và ngay trong chính tâm hồn chúng ta.
III. LỜI NGUYỆN 1 (đọc chung).
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, hôm nay chúng con tụ họp nơi đây, cùng nhau dâng lên Chúa sự tôn thờ, lòng biết ơn sâu lắng của chúng con trước tình yêu vô cùng lớn lao của Chúa.
Lạy Chúa, giữa dòng đời mà chúng con đang sống, luôn luôn tấp nập, luôn luôn hối hả. Vì thế, chúng con dễ bị lôi cuốn vào chuyện cơm – áo – gạo – tiền, dễ làm chúng con quên Chúa, quên đi sự sống của linh hồn, ngược lại chỉ lo vun bồi cho cuộc sống hiện tại của mình mà thôi. Đó chỉ là một cuộc sống mau qua, dễ bị hủy diệt, nhưng vì nó cụ thể, có thể nếm trải được, nên chúng con chỉ thấy có nó, chỉ biết dừng lại ở đó mà thôi. Xin hãy dọi ánh sáng tình yêu Chúa vào đời sống chúng con, cho chúng con nếm hưởng sự ngọt ngào của tình yêu ấy, để chúng con hiểu rằng, khi lo cho sự sống đời này của mình, chúng con càng biết chăm lo, biết bồi bổ nhiều hơn cho ơn phần rỗ đời đời của chúng con.
Chúng con thành tâm xin lỗi Chúa vì những thiếu sót ấy. Xin cho chúng con biết ý thức ngày một hơn, Chúa là nguồn bình an. Vì thế chỉ khi chúng con biết để tình yêu của Chúa chiếm lĩnh tâm hồn và toàn bộ cuộc đời mình, chúng con sẽ có bình an. Nhưng để Chúa ngự trị và chiếm lấy toàn bộ con người chúng con, chỉ có một phương cách, đó là lúc chúng con chìm đắm trong cầu nguyện. Bởi đó, xin cho chúng con biết cầu nguyện không ngừng.
IV. SUY NIỆM 2: ĐÁP TRẢ TÌNH YÊU.
Sau khi sống lại, Chúa Giêsu đã nhiều lần hiện ra với các môn đệ. Một trong những lần như thế, Chúa đã hỏi thánh Phêrô bằng một câu hỏi lặp đi lặp lại: “Này Simon Phêrô, con có yêu mến Thầy không?”. Thánh Phêrô cũng lặp đi lặp lại lời đáp của mình: “Thưa Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy” (Ga 21, 15-17). Khi hỏi nhiều lần như thế, chắc chắn không phải vì Chúa Giêsu không hiểu rõ lòng thánh Phêrô, cũng không phải Người nghi ngờ sự chân thật của ông, mặc dù ông đã một lần bất tín. Ngược lại, Người muốn ông nhận ra tình yêu trong cuộc khổ nạn của Người và mời gọi ông đáp trả tình yêu ấy.
Nợ tình chỉ có thể đáp lại bằng tình. Bởi “Thiên Chúa muốn tình yêu chứ không muốn hy lễ” (Mt 9, 13). Cũng như thánh Phêrô, có lẽ đã nhiều lần ta quyết tâm đáp lại tình yêu của Chúa, có khi còn muốn quyết tâm cách anh hùng. Nhưng rồi ta vẫn cứ bất trung, vẫn thất tín. Vì thế, cũng như thánh Phêrô, trước Thánh Thể Chúa hôm nay, chúng ta thấy mình cần phải khiêm tốn hơn để nói với Chúa rằng: “Lạy Chúa, Chúa biết và biết rất rõ con yêu mến Chúa, nhưng tự sức mình, con không thể làm được gì”.
Ý thức mình bất lực thế, chúng ta hãy để cho tình yêu của Chúa Kitô thúc đẩy mình yêu thương hơn, dấn thân hơn, thao thức hơn, biết kiểm điểm mình hơn. Vì để cho tình yêu của Chúa thúc đẩy như thế, ta đã sống điều mà thánh Phaolô đã có kinh nghiệm: “Tình yêu Chúa Kitô thúc bách tôi” (2Cr 5, 14a). Bởi nhờ tình yêu của Chúa Kitô, ta cảm nhận chính tình yêu ấy là động lực duy nhất thúc đẩy ta yêu mến Chúa và yêu thương anh em.
Thánh Gioan còn nói thêm: “Không phải chúng ta yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta và đã sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1Ga 4, 10). Và nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, đến lượt mình, chúng ta cũng phải yêu thương nhau. Đó cũng chính là điều Chúa dạy chúng ta: “Anh em gọi Ta là Thầy và là Chúa thì phải lắm. Vì quả thật, Ta là Thầy, là Chúa. Vậy nếu Ta là Thầy và là Chúa mà còn rửa chân cho anh em, anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13, 13-14).
V. LỜI NGUYỆN 2 (đọc chung).
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, Chúa yêu thương chúng con, không những bằng chia sẻ cuộc sống với chúng con qua việc nhập thể, mà còn cho chúng con tham dự vào chính sự sống của Thiên Chúa, nhờ rước lấy Thánh Thể Chúa. Chính vì thế, Chúa mời gọi chúng con ở lại trong tình yêu của Chúa, kết hợp với Chúa như cành nho với thân nho, để nhận được sự song của Chúa.
Xin cho chúng con biết mến Chúa cách chân thành, và khi đã yêu Chúa, chúng con biết lên đường rao truyền tình yêu ấy cho những anh chị em xung quanh chúng con.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, Chúa là tình yêu, xin ban cho chúng con một trái tim mới, một trái tim biết yêu thương, một trái tim biết đau nỗi đau của anh em, biết cảm thông với những con người yếu đuối, tội lỗi. Xin cho trái tim chúng con nên giống trái tim Chúa, biết đáp lại tình yêu của Chúa, biết yêu thương mọi người và sẵn sàng hy sinh phục vụ anh chị em, như Chúa đã yêu thương và hạ mình phục vụ ơn phần rỗi của chúng con. Amen.
VI. KINH TẬN HIẾN.
Lạy Chúa Giêsu, / từ nay chúng con xin hoàn toàn tận hiến cho Chúa. / Trong bàn tay từ ái của Chúa, / chúng con dâng hiến trọn vẹn quá khứ, / hiện tại và tương lai của chúng con. / Lạy Chúa Giêsu, / từ nay xin Chúa hãy săn sóc, / bảo vệ, / chở che gia đình chúng con. / Xin giúp chúng con trở thành những người con ngoan hiền của Chúa / và của Mẹ Maria Rất Thánh, / Mẹ Chúa.
Lạy Chúa, / chúng cin xin lòng nhân ái của Chúa chiến thắng mọi thế lực ác thần trên thế gian. / Xin cho những ai khi sùng kính lòng nhân ái Chúa sẽ không bị hủy diệt. / Xin lòng nhân ái của Chúa trở thành niềm vui của họ ngay đời này, / là niềm hy vọng trong lúc sinh thì / và là vinh quang của họ trong cuộc sống vĩnh hằng./ Chúng con cầu xin vì Chúa hằng sống hằng trị muôn đời./ Amen.
Lm. VŨ XUÂN HẠNH
|
"Thiếu nhi thực hiện Hoa thiêng. Chân thành với Chúa, hồi tâm mỗi ngày"