SUY NIỆM TRƯỚC THÁNH THỂ CHÚA GIÊSU
Bài Bốn
- Dấu Thánh Giá.
- Gợi ý thinh lặng bước vào giờ chầu.
- Sau thinh lặng, đọc lời nguyện khai mạc.
- Hát một bài hát thích hợp.
- Đọc Tin Mừng (Ga 13, 4-15).
- Đọc ba bài suy niệm. Sau mỗi suy niệm hát bài hát thích hợp.
- Lời nguyện chung.
- Kinh lạy Cha.
- Lời nguyện kết thúc.
- Hát kết thúc.
I. GỢI Ý CHUẨN BỊ THINH LẶNG BƯỚC VÀO GIỜ CHẦU.
Anh chị em thân mến, tất cả chúng ta đang tụ họp bên nhau và quây quần trước Thánh Thể Chúa để suy tôn Chúa chúng ta là Thiên Chúa cao cả đã hiến mình để nên tấm bánh cho chúng ta hưởng nhờ. Vậy, giờ phút này, để chuẩn bị tâm hồn sốt sắng, chúng ta hãy dành ít giây phút thinh lặng, đặt mình hoàn toàn trước mặt Chúa và thành tâm dâng lên Chúa lòng tôn sùng, kính yêu và biết ơn của mình. Nguyện xin Chúa thánh hóa giờ chầu này và ban ơn cần thiết để chúng ta sống xứng đáng và thanh sạch hơn.
II. CẦU NGUYỆN KHAI MẠC.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa là Lời Tình yêu, là chính Người Con Một của Chúa Cha. Chính vì yêu chúng con, Người đã hạ sinh Người Con duy nhất của mình cho trần gian. Và khi hóa thân làm người, Chúa trở nên nguồn ơn cứu độ duy nhất, vĩnh cửu cho chúng con.
Lạy Chúa, quỳ trước Thánh Thể Chúa trong giờ này, chúng con xin dâng lời chúc tụng, cảm tạ, tôn thờ Chúa. Chúng con cảm mến trước một tình yêu lớn lao mà mình không sao hiểu hết, và xin lỗi Chúa vì chúng con còn nhiều bất xứng với tình yêu ấy.
Lạy Chúa, cả Giáo Hội đang tích cực sống năm Thánh Thể. Xin cho niềm hân hoan của từng người chúng con khi được hiệp thông cùng Giáo Hội sống mầu nhiệm Thánh Thể, trở thành niềm ý thức dấn thân cho tha nhân, phục vụ anh chị em đồng loại, như chính Chúa đã bẻ chính cuộc đời, bẻ chính sự sống của mình nuôi dưỡng chúng con.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, khi xưa Chúa đã từng quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ, thì hôm nay, xin cho chúng con, mỗi lần chiêm ngắm Chúa nơi bí tích Thánh Thể, biết â1y bài học của tình yêu xuất phát từ nơi Chúa để chúng con biết mến chuộng tình thương hơn hận thù ghen ghét; biết tha thứ hơn kết án; biết chia sẻ hơn thu góp; biết phụ vụ hơn đòi phục vụ; biết khiêm nhường chứ không kiêu căng; biết múc lấy ơn bình an từ nơi Chúa và trao ban bình an; biết đón nhận chứ không loại trừ ai dù đó là người thiện cảm hay không thiện cảm. Vì chỉ có đong đầy tình yêu đối với anh chị em nơi trái tim chúng con như thế, chúng con mới thật sự “rửa chân” cho nhau, nghĩa là thật sự phục vụ lẫn nhau.
III. SUY NIỆM LỜI CHÚA.
SUY NIỆM 1: “NẾU THẦY KHÔNG RỬA CHO ANH…”
Có ai trong chúng ta thương con tằm, con bướm đến nỗi trở nên bất thường, muốn hóa kiếp thành tằm, thành bướm nhằm thông cảm và chia sẻ cái kiếp làm tằm, làm bướm của chúng? Nếu yêu như thế, sẽ bị xem là đặt tình yêu sai chỗ, nặng hơn, là khó hiểu đến mức điên dại. Nhưng suy cho cùng, dù là loài người hay loài tằm, loài bướm, tất cả đều là thụ tạo. Có khác chăng là ở chỗ, chúng ta là thụ tạo bậc cao mà thôi. Một thụ tạo bậc cao muốn chia sẻ kiếp sống với thụ tạo bậc thấp lại bị coi là bất thường. Vậy mà Thiên Chúa đã yêu chúng ta bằng tình yêu mà chính chúng ta cho là điên dại ấy. Bởi Người là Đấng Tạo Hóa đã hóa thân trở nên loài thụ tạo do chính mình dựng nên!! Một tình yêu tuyệt vời, một tình yêu vượt trên tất cả mọi thứ tình yêu, vượt trên mọi suy nghĩ, mọi thanh âm, Chúa Kitô yêu chúng ta bằng một tình yêu của một vì Thiên Chúa đã làm người.
Chính vì yêu, Chúa Kitô trở thành Lời chung quyết của Tình yêu tự hạ nơi cung lòng Chúa Cha. Một tình yêu bí nhiệm đến nỗi, thánh Phêrô phải thốt lên: “Thầy mà lại rửa chân cho con sao?” (Ga 13, 8a). Thánh Phêrô đâu biết rằng, tình yêu tự hạ của Thiên Chúa cần lắm. Cần đến nỗi: “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh không được dự phần với Thầy” (Ga 13, 8b). Vâng, chúng ta rất cần, cần lắm một tình yêu tự hạ như thế. Vì chỉ có một tình yêu tự hạ phát xuất từ Thiên Chúa, con người mới được cứu độ. Chỉ có một tình yêu tự hạ ấy, con người mới được tham dự vào Thiên tính của chính Thiên Chúa. Và chỉ có một tình yêu tự hạ như thế, con người mới được sống trong hạnh phúc đời đời. (Thính lặng một chút).
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, Tình yêu của Chúa mạnh hơn, lớn hơn sự chết. Không ai đứng ngoài tình yêu ấy, lại có thể sống. “Nếu Thầy không rửa chân anh”, nếu Chúa không tự hạ, không yêu như thế, trần gian đã không còn là trần gian của hôm nay. Xin làm cho trái tim nhân loại, và trái tim của mỗi chúng con biết rung trong nhịp đập của tình yêu Thiên Chúa, để chúng con biết yêu tất cả những gì thuộc về chúng con theo mức độ và bằng cách thức Chúa muốn. Amen.
SUY NIỆM 2. “VÌ THẦY LÀ THẦY VÀ LÀ CHÚA…”
Không ít lần trong cuộc đời chúng ta gặp phải những bi thương, mất mát. Có những bi thương, mất mát như muốn nhận chìm đời mình và làm cho mình suy sụp tưởng như chẳng còn gì. Biết bao nhiêu gia đình đang sum họp, bỗng dưng người vợ hay người chồng phản bội, rẽ sang hướng khác. Gia đình đang sung túc, bỗng dưng một người thân ra đi vĩnh viễn, mà người thân đó có khi là cột trụ của đời sống, của kinh tế gia đình. Mất mát thật to, nỗi buồn càng lớn. Hay con đường tương lai của mình đang rộng mở, sự thành công đang ở trước mặt, bỗng dưng một biến cố đau thương xảy đến, làm mất hết tất cả. Hoặc hy vọng đang ngời ngời sáng phía trước, bỗng dưng mất mát người thân yêu nhất đời mình … Những lúc bi đát đến cùng cực ấy, tâm hồn chúng ta không còn bình an, vì thế đức tin dễ chao đảo, có khi còn oán trách Thiên Chúa.
Những lúc như thế, chúng ta hãy tìm gặp Chúa Giêsu, Đấng đã từng khẳng định: “Anh em gọi Thầy là Thầy và là Chúa thì phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy và là Chúa”, để lấy lại can đảm, tìm lại nghị lực cho mình. Vì khi gặp gỡ Chúa, ta sẽ thấy ánh sáng từ cuộc đời và gương sống của Người dòi dọi chiếu tỏa và lan tỏa trong cuộc đời và trên nỗi đau của ta. Bởi “Thầy” và “Chúa” nơi Chúa Giêsu, không phải là “thầy” ở phía trên thiên hạ, cũng không phải là “chúa” cai trị mọi người, mặc dù Chúa Giêsu có tất cả quyền hành đó. Vì Chúa là “Thầy” và là “Chúa” nghĩa là “Thầy” và “Chúa” ấy cúi xuống “rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau”. Chúa cúi xuống trên thân phận con người không phải chỉ khi rửa chân, nhưng ngay từ khi bỏ trời cao mặc lấy kiếp người, chấp nhận sinh ra và lớn lên thiếu thốn, nghèo nàn đến cùng cực. Người đã cúi xuống đến mức chấp nhận chết như một tên tử tội, để chia sẻ đến cùng cái cùng cực, bi thương của thân phận làm người. Chúa Giêsu vẫn còn cúi xuống trong từng ngày sống của cuộc đời chúng ta, khi chấp nhận làm tấm bánh bẻ ra cho chúng ta. Hôm nay, trong bữa tiệc ly, trước khi rời xa các môn đệ, bằng hành động rửa chân cho các ông, Chúa như đúc kết thành bài học, kết hợp với lời, để nói về tình yêu tự hạ trải dài cả cuộc sống trần gian của Người, dạy ta bài học của yêu thương, khiêm nhường và chấp nhận hiến dâng đến mức hao mòn sức lực, hao mòn thời gian, hao mòn cuộc sống và hao mòn cả đến sự sống của bản thân ta. Đúng! Chúa Giêsu là Thầy và là Chúa. Là Thầy và là Chúa, Chúa Giêsu đã làm cho chức vị “Thầy” và “Chúa” của mình nổi bậc, không phải do quyền hành, nhưng do lòng yêu thương, một tình yêu xuất phát từ trái tim Thiên Chúa làm người. (Thinh lặng một chút).
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, nơi Chúa, chúng con bắt gặp hình ảnh một Người Thầy rất cao cả, nhưng cũng rất gần gũi, có thể xoa diệu mọi vết thương lòng, mang lại bình an thật cho chính tâm hồn chúng con. Bởi những gì chúng con gặp phải hôm nay, chính Người đã tự nguyện gánh lấy để chia sẻ đến cùng cái bi ai đang gieo rắc trong cuộc đời chúng con. Chúng con nguyện xin cho chúng con, sau khi đã tìm gặp Chúa, cũng biết cúi xuống để đem yêu thương chia sẻ cho anh chị em xung quanh, nhằm mang lại bình an, niềm hạnh phúc cho tất cả những ai chúng con gặp gỡ. Xin cho chúng con vững tin, dù gặp phải bất cứ hoàng cảnh nào trong cuộc sống. Xin Chúa cũng hãy nâng đỡ bao nhiêu người, họ là anh em của chúng con, đang quằng quại trong nỗi đau của cuộc đời này. Amen.
SUY NIỆM 3. “ANH EM CŨNG PHẢI RỬA CHÂN CHO NHAU…”
“Anh em chớ mắc nợ nhau điều gì, trừ ra tình thương mến”. Thánh Phaolô gọi bổn phận yêu thương là “nợ”. Mà nếu là nợ thì phải trả.
Nhưng điều thánh Phaolô nói, đã là điều Chúa Giêsu dạy: “Nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau”. Không ai có thể đi vào quỹ đạo của tình yêu Thiên Chúa mà lại khước từ bổn phận yêu thương đồng loại. Nếu Thiên Chúa đã tự hạ thì con người cũng phải khiêm nhường. Bài học của nhập thể, của thập giá, của bí tích Thánh Thể, ngàn đời vẫn còn đó để con người tra vấn về lòng mến của mình. Họ phải yêu như Chúa là Thiên Chúa của họ. (thinh lặng một chút).
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con một trái tim mới, một trái tim biết đau nỗi đau của người khác, biết vui trong hạnh phúc của người bên cạnh. Xin cho chúng con biết bắt chước Chúa mà hạ mình xuống phục vụ đồng loại theo Lời Chúa dạy: “Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em”.
IV. LỜI NGUYỆN CHUNG.
Người hướng dẫn: Chúng ta là những người được Chúa yêu thương bằng một tình yêu khiêm hạ thẳm sâu. Có thể nói, trong tình yêu ấy, Người trở thành người phục vụ chúng ta. Vậy giờ đầy chúng ta hãy lấy lòng biết ơn mà cảm tạ Chúa và cầu nguyện cho mọi người.
a. Cầu cho Giáo Hội: Chúng ta cùng cầu nguyện cho Giáo Hội luôn luôn thể hiện sống động và trung thành khuôn mặt Chúa Giêsu yêu thương và hạ mình giữa lòng thế giới hôm nay. Chúng ta không quên cầu nguyện cho Giáo Hội Á châu, đặc biệt là Giáo Hội Việt Nam nhỏ bé này, luôn biết sống Phúc Am, hòa giải và hiệp nhất. Chúng ta cùng cầu nguyện.
Cộng đoàn: Xin Chúa nhậm lời chúng con.
b. Cầu cho Tổ quốc: chúng ta cùng cầu nguyện cho đất nước Việt Nam luôn phát triển, giàu mạnh, bình an để mọi người sống ấm no hạnh phúc, xứng với địa vị con người, địa vị con Thiên Chúa. Chúng ta cùng cầu nguyện.
Cộng đoàn: Xin Chúa nhậm lời chúng con.
c. Cầu cho những người đau khổ: Chúng ta cùng cầu xin cho những người nghèo đói có cơm ăn, áo mặc hằng ngày; những người bệnh tật được bình phục; những người đau khổ tìm được niềm hạnh phúc và những người tật nguyền đủ nghị lực chấp nhận bản thân mình. Chúng ta cùng cầu nguyện.
Cộng đoàn: xin Chúa nhậm lời chúng con.
d. Cầu cho giáo xứ: Chúng ta cùng cầu nguyện cho anh chị em trong giáo xứ chúng ta, biết đoàn kết, yêu thương nhau, để cùng nhau một lòng, một ý xây dựng giáo xứ ngày càng đi lên trong sự hòa thuận và đùm bọc lẫn nhau. Chúng ta cũng cầu nguyện cho từng gia đình trong các khu xóm được tràn đầy phúc lành của Chúa. Chúng ta cùng cầu nguyện.
Cộng đoàn: Xin Chúa nhậm lời chúng con.
Cộng đoàn: Đọc kinh Lạy Cha.
IV. LỜI NGUYỆN KẾT THÚC.
Lạy Chúa Giêsu, xin nhận những lời nguyện mà chúng con vừa dâng lên Chúa. Đó là tất cả nỗi lòng ước mong, niềm trông cậy, và tin tưởng của chúng con. Chớ gì chúng con trở nên những dụng cụ hữu ích trong tay Chúa, để tình yêu của Chúa Cha ngày càng được nhiều người tin nhận và biết ơn Người. Chúng con cầu xin, vì Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị cùng Chúa Cha đời đời. Amen.
Lm. VŨ XUÂN HẠNH
|
"Thiếu nhi thực hiện Hoa thiêng. Chân thành với Chúa, hồi tâm mỗi ngày"