• Trang chủ

Suy niệm trước Thánh Thể 2








SUY NIỆM TRƯỚC THÁNH THỂ CHÚA GIÊSU
Bài Hai

- Hát một bài hát về Thánh Tâm.
- Một người đại diện đọc lời nguyện khởi đầu.
- Đọc Tin Mừng Mt 11, 28-30.
- Một người đại diện gợi ý suy niệm.
- Đọc 3 suy niệm. Sau mỗi suy niệm, thinh lặng một chút và hát bài hát thích hợp.
- Đọc chung lời cầu nguyện “LẠY CHÚA GIÊSU HIỀN LÀNH VÀ KHIÊM NHƯỜNG”.
- Một bài hát thích hợp.
- Có thể có một vài lời cầu nguyện tự phát (nếu được chỉ định trước và có suy nghĩ trước thì hay và cần thiết).
- Lời nguyện kết thúc.
- Một bài hát kết thúc.
1. LỜI NGUYỆN KHỞI ĐẦU.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, giờ đây chúng con được hiện diện trước Thánh Thể Chúa, được dâng lên Chúa những lời kinh tiếng hát đơn sơ. Khi xưa trên đồi Canvê, Chúa đã hiến thân mình làm của ăn nuôi sống linh hồn chúng con, để ai ăn Mình Thánh và uống Máu Thánh Chúa thì được sống muôn đời. Xin cho chúng con siêng năng kính viếng thờ lạy Thánh Thể Chúa; nghiêm trang đứng đắn trong nhà Chúa; siêng năng rước Thánh Thể Chúa để được Ngài chiếm ngự toàn thân chúng con.
Chúng con biết rằng, khi đến cùng Chúa chúng con cần sự im lặng để được lắng chìm trong kinh nguyện và được gần kề bên Chúa. Vì thế, xin cho chúng con biết tạm quên sự hiếu động của một trẻ thơ; biết dừng lại những ước mơ, cả đến mộng mơ của một kẻ vừa bước vào tuổi thiếu niên. Xin cho chúng con biết tạm gác lại nỗi lo âu cho những chọn lựa tương lai của người trưởng thành. Chúng con cũng ao ước lắng lại những giăng mắc của bao người lớn tuổi, bao bậc phụ huynh về cuộc mưu sinh đời thường. Lạy Chúa, chúng con muốn quên đi mọi bài học của sách vỡ, mọi bài học nơi học đường; muốn quên mọi ồn ào của tiếng nhạc, tiếng còi xe; quên đi tất cả nỗi long đong lặn lội trong đời thường, cả đến sự bon chen, thèm khát, đam mê, vụ lợi… và tất cả mọi tiếng ồn của cuộc sống dễ làm chúng con xa Chúa. Điều duy nhất trong giờ phút này, chúng con muốn nhớ đến đó là lòng yêu thương của Chúa dành cho chúng con. Vì thế, lạy Chúa, xin thánh hóa giờ thánh này của chúng con. Amen.
2. GỢI Ý SUY NIỆM.
Không có từ ngữ nào diễn tả tình cảm được người ta dùng nhiều cho bằng hai chữ  “tình yêu”. Chính vì quá quen thuộc như  vậy, nên cũng không có từ ngữ nào bị lạm dụng cho bằng hai tiếng ấy. Người ta nhân danh tình yêu để cho cụ già sắp chết một mũi thuốc, họ gọi là giúp “chết êm dịu” mà mặt trái có thể nhằm khử đi một gánh nặng, hoặc mưu toan chiếm đoạt một lợi lộc nào, hoặc chỉ vì thù ghét…. Người ta cũng nhân danh lòng thương xót hủy diệt một bào thai vì sợ phải nuôi kẻ tật nguyền, nuôi một đứa con vô thừa nhận, hay đơn giản chỉ vì muốn dấu đi tung tích tội lỗi của chính người cha, người mẹ của bào thai ấy gây ra…. Hủy diệt một nền văn hóa của thổ dân bản địa, người ta cũng cao rao tình yêu. Hay đôi lứa yêu nhau vì muốn chiếm đoạt sắc đẹp, của cải của nhau, đôi lứa ấy cũng nhân danh tình yêu...
Tình yêu phát xuất từ con người có khi đáng sợ như đến vậy. Còn Thiên Chúa, tình yêu của Người là tự hủy, là hiến mình, là cứu độ, là trung thành, là trở nên mạch sống... Chúng ta cùng nhìn lên Chúa Giêsu Thánh Thể để chiêm ngắm tình yêu vô bờ của Thiên Chúa. Hãy đến với Thánh Thể Chúa, hãy học cùng Thánh Thể Chúa vì Thánh Thể là nơi biểu lộ tình yêu Thiên Chúa. Đến và học cùng Người, chắc chắn loài người sẽ làm cho xã hội tốt hơn, tha nhân quanh mình bớt đau khổ, cuộc sống của chính mình hạnh phúc hơn.
SUY NIỆM 1: “HÃY ĐẾN VỚI TA ...”
Thánh Gioan là người có kinh nghiệm sâu xa về tình yêu Thiên Chúa. Ngài viết: “Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính người đã yêu thương chúnh ta và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta”  (Ga 4, 10) . Chính Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, đã đến sống giữa trần gian và chia sẻ kiếp người với mỗi người.
Từ khi Con Thiên Chúa trở thành “Emmanuel”- Thiên Chúa ở cùng chúng ta, Người nên nguồn an ủi lớn lao cho chúng ta. Kiếp người vốn bất tất từ nay không còn vô nghĩa, nhưng có giá trị, vì Chúa Kitô đã làm người để cứu độ loài người. Dù là Thiên Chúa, nhưng khi đã làm người, Chúa Kitô làm người cách trọn vẹn, làm người như người chứ không “khác người”. Có thể nói: Thiên Chúa làm người như cách con người là con người.
Chúa hiểu và thông cảm với thân phận con người của chúng ta bằng trái tim của Thiên Chúa đã trở nên phàm nhân. Vì thế, Nười mời gọi chúng ta: “Hãy đến với Ta... Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi” (Mt 11, 28).
Lạy Chúa, tình yêu của Chúa đối với chúng con là tình yêu bền vững. Hơn thến nữa, nó là chuyện tình lịch sử của niềm tin nơi chúng con. Niềm tin ấy thúc giục chúng con yêu mến Chúa. Và yêu mến Chúa, để càng tin tưởng mà phó thác đời mình cho Chúa.
Lạy Chúa, cuộc đời chúng con luôn xao động. Xin Chúa nâng đỡ và bổ sức cho chúng con, để chúng con bước đi vững vàng trong hành trình lữ  thứ  trần gian.
SUY NIỆM 2 “HÃY HỌC CÙNG TA....”
Thánh Phao-lô đã từng ca tụng sự khiêm nhường của Chúa Kitô: Người “vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ” (Philip 2, 6- 7) .
Sự khiêm nhường của Chúa Kitô phải được coi là sự khiêm hạ tột cùng, một sự khiêm hạ phát xuất từ tình yêu. Một Tình yêu cao độ đến nỗi làm cho Người từ vị trí Thiên Chúa đã trở nên nghèo hèn , giới hạn trong không gian, thời gian. Người đã phải nương nhờ một nơi, một dân tộc, một lịch sử, một quê hương, một mái gia đình để sinh ra và để sống kiếp con người.
Sự khiêm hạ của Con Thiên Chúa không dừng ở đó. Ngườii quyết định chết vì yêu. Làm sao có thể hiểu được Con Thiên Chúa lại trở nên loài thụ tạo mà chính Thiên Chúa dựng nên. Làm sao hiểu đươc vị Chúa tể lại để chính thụ tạo của mình giết chết, để rồi từ cái chết đó đã trở nên nguồn cứu độ chính thụ tạo. Chỉ có thể gọi Người là Thiên Chúa khiêm hạ vì yêu. Người đã yêu tột cùng, nên đã khiên hạ tột cùng.
Chúa Giêsu dạy chúng ta: “Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng” (Mt 11, 28). Có hiền lành và khiêm nhường, chúng ta mới có thể hiểu và thông cảm cho nhau. Không  ai vẹn toàn đến nỗi làm được mọi sự. Người ta biết thế, nhưng người ta vẫn kiêu ngao. Sự thông cảm là mở ra, là làm cho cõi  lòng mình khỏi ích kỷ cá nhân. Hãy khiêm nhường để biềt thông cảm, và hãy thông cảm để biết yêu thương.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể là suối nguồn tình yêu, xin cho chúng con biết học nơi Chúa sự hiền lành và khiêm nhường để chúng con biết mở rộng lòng ra và yêu hết mọi người, cả những người không thân thiện với chúng con.
SUY NIỆM 3 THÁNH THỂ CHÚA GIÊSU - NƠI BIỂU LỘ TÌNH YÊU THIÊN CHÚA
Tình yêu cần có lý lẽ, nhưng tình yêu cũng cần hành động hợp với tình yêu đúng nghĩa. Hành động mới là nghĩa cử yêu thương tròn đầy nhất.Thánh Thể Chúa Giêsu là lý lẽ và hành động của tình yêu Thiên Chúa. Chính lúc Chúa đau thương trên Thánh giá, chính lúc gục đầu trút hơi thở cuối cùng, và chính lúc Trái Tim bị đâm thâu, là lúc mà tình yêu Thiên Chúa được tỏ bày lên cao đến tột đỉnh.
Hướng về Chúa Giêsu, tôn vinh Thánh Thể  Người, chúng ta hãy để cho tâm hồn mình trống rỗng để tình yêu Thiên Chúa  qua Chúa Giêsu, có thể rót đầy tâm hồn chúng ta. Bởi vì khi trống rỗng, chúng ta mới có thể khao  khát. Mà khao khát là một mối phúc. Chúa Giêsu đã từng nói: “Phúc cho những ai đói khát công chính, vì họ sẽ được no đầy” (Mt 5, 6) . Chỉ khi nhận được tình yêu Thiên Chúa , chúng ta mới có thể yêu mến Người và bắt chước Ngài mà yêu thương nhau.Và khi đã yêu thương rồi, chúng ta mới có thể hành động vì yêu. Hành động là điều đến sau, tình yêu phải đi trước . Hành động là hậu kết tất yếu của tình yêu.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin Chúa ban cho chúng con tình yêu của Chúa. Vì đó là tình yêu rộng mở đón nhận hết mọi người và ôm trọn cả loài người chúng con. Nơi tình yêu của Chúa, kẻ lao nhọc và gánh nặng tìm được chốn nghỉ an, kẻ bất hạnh tìm được niềm vui, kẻ yếu đuối tìm được chỗ dựa vững chắc,  kẻ khốn cùng tìm được nguồn an ủi, kẻ cô độc tìm được một người bạn chân thành. Chúng con tôn thờ Thánh Thể Chúa Giêsu, nơi biểu lộ của tình yêu Thiên Chúa. Xin cho chúng con có một trái tim rộng mở như Trái Tim Chúa Giêsu và đừng bao giờ loại trừ ai ngoài trái tim thịt mềm của chúng con
3. LỜI CẦU NGUYỆN. LẠY CHÚA GIÊSU HIỀN LÀNH VÀ KHIÊM NHƯỜNG
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, Chúa là Đấng hiền lành và khiêm nhường, Chúa là Anh sáng trần gian, soi dẫn chúng con trên đường về với Chúa. Xin tuôn đổ ánh sáng Thần Linh vào tâm hồn chúng con. Để nhờ Người hướng dẫn mà mọi việc chúng con làm, mọi lời chúng con nói, mọi điều chúng con suy tưởng đều phản ảnh sự di(u hiền và khiêm nhường thẳm sâu của Chúa.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin ngự đến trong tâm hồn và ở lại trong cuộc đời chúng con, để nhờ ánh sáng của tình thương, sự dịu hiền và lòng khiêm nhường của Chúa chiếu soi, chúng con sẽ làm rạng danh Chúa bằng chính lối sống đầy yêu thương, khiêm cung, bác ái, vị tha, bao dung, niềm nỡ, nhân từ của chính chúng con. Chúng con mong rằng, nếu Chúa làm ánh sáng chiếu soi trên chúng con, thì xin cho chúng con cũng được làm ánh sáng chiếu soi nơi tha nhân xung quanh chúng con.
Lạy Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường, Chúa là Anh sáng trần gian. Xin tuôn đổ Anh sáng Thần Linh vào tâm hồn chúng con để ngày vui được Chúa quy tụ này, cũng được tràn đầy Thánh Thần Chúa. Chính Chúa Thánh Thần sẽ chiếu soi khối óc giúp chúng con hiểu, chiếu soi con tim giúp chúng con yêu,  chiếu soi trí nhớ giúp chúng con ghi khắc lâu bền Lời Chúa dạy và gương chính Chúa đã sống, nhờ đó chúng con nên dụng cụ bình an trong tay Chúa và là niềm hạnh phúc, nỗi vui mừng của anh chị em xung quanh chúng con.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin cho ngày (giờ) cầu nguyện và gặp gỡ Chúa hôm nay, cũng trở thành nơi chúng con gặp gỡ nhau, để nơi đây chỉ còn là lòng vị tha, sự tương trợ, niềm khát khao tình yêu và xóa bỏ oán hận. Trên hết mọi sự, lạy Chúa Giêsu dịu hiền và khiêm nhường, nguồn ánh sáng muôn đời của trần gian, xin cho lòng chúng con trở thành nhà Chúa ngự , để mỗi giây phút chúng con sống sẽ là thời gian của niềm bình an đích thật.
4. LỜI NGUYỆN KẾT THÚC.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể là Thầy con mến yêu. Con thờ lạy Chúa với một tấm lòng tin yêu và khiêm nhường. Con tin, trong hình bánh này, không còn là bánh nữa, nhưng là chính Chúa để nuôi dưỡng chúng con. Vì thế, chính trong mầu nhiệm hạ mình tự hiến, Chúa trở thành thần lương ban cho chúng con sự sống đời đời.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, bài học khiêm hạ nơi chính Chúa rất cần thiết cho đời Kitô hữu của chúng con. Vì thế, Chúa dạy chúng con hãy học nơi Chúa, bởi Chúa là Đấng nhân từ và khiêm hạ. Chính nơi Thánh Thể đã là tất cả nội dung của một bài học lớn lao về lòng nhân từ xót thương và khiêm hạ. Và còn hơn một bài học, nơi Thánh Thể Chúa, chúng con nhận ra cả một bằng chứng sống, một bằng chứng cụ thể về tình yêu của một Thiên Chúa nhân từ đã cúi mình xuống chia sẻ phận người, để cùng làm người với chúng con. Xin cho tất cả chúng con luôn học nơi Chúa bài học của lòng nhân từ, hiền hậu, khiêm cung để chúng con nên giống Chúa hơn và nên người thiết nghĩa với anh em chúng con hơn. Nhờ đó, anh em chúng con sẽ được gặp Chúa nơi tấm thân nhỏ hèn của chính chúng con. Chúa hằng sống hằng trị muôn đời. Amen.

Lm. VŨ XUÂN HẠNH