• Trang chủ

VAI TRÒ CỦA THÁNH KINH TRONG VIỆC GIÁO DỤC THIẾU NHI

“Ngôi Lời là Thiên Chúa… 
Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.” (Ga 1, 1. 14)

DẪN NHẬP
Là Kitô hữu, không ai trong chúng ta có thể phủ nhận tầm quan trọng của Thánh Kinh trong đời sống của mình. Quả thật, đời sống tín hữu được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và các Bí tích. Chính Hội Thánh, Mẹ chúng ta đã, đang và sẽ không ngừng khuyến khích con cái mình năng tiếp cận, lắng nghe, học hỏi và nhất là thực hành Lời Chúa trong cuộc sống. Hội Thánh không ngừng đề nghị và trao ban cho chúng ta nhiều cơ hội và phương cách để mỗi người trong chúng ta được gần gũi với Lời Chúa, được thấm nhuần Lời Chúa, để cho Lời Chúa nên sức mạnh và ánh sáng giúp chúng ta sống và hoạt động như những người con đích thực của Thiên Chúa là Cha chúng ta.
Để giáo dục Israel, Thiên Chúa không chỉ dùng lời nói mà còn dùng các biến cố, các điềm thiêng dấu lạ,... qua các tổ phụ, các tiên tri, ... qua chính Con Một. Thiên Chúa không chỉ khuyên dạy, năn nỉ, răn đe mà còn đánh phạt, ủi an. Thánh Kinh chính là cuốn sách ghi chép lại công trình giáo dục của Thiên Chúa và của Đức Giêsu. Qua Thánh Kinh chúng ta thấy Thiên Chúa yêu thương, tôn trọng và kiên nhẫn biết bao với con người, chính vì thế Thánh Kinh phải là kim chỉ nam cho công tác giáo dục giới trẻ.
Ngay từ thơ ấu, người Kitô hữu đã được giáo dục trong bầu khí thấm nhuần Lời Chúa. Điều đó được nhìn thấy cách rõ rệt qua các chương trình Giáo lý Thánh kinh. Các chương trình Giáo lý dành cho trẻ em cũng như cho người lớn, luôn được xây dựng trên nền tảng Lời Chúa, lấy nguồn mạch từ Lời Chúa. Cuốn Hướng dẫn Đại cương về việc dạy Giáo lý của Thánh bộ Giáo sĩ đã nói rõ: “Việc dạy Giáo lý phải cụ thể dẫn nhập chính thống vào bài học Lời Chúa (lectio divina), nghĩa là đọc Thánh kinh ‘theo Thánh Thần’, Đấng ngự trong Hội Thánh.” (x. số 127)
Công đồng Vatican II, trong Hiến chế Tín lý về Mạc khải (Dei Verbum), cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Thánh Kinh trong đời sống Hội Thánh, và đặc biệt trong việc đào tạo người Kitô hữu: “Thánh Kinh phân phát cách bất di bất dịch Lời của chính Chúa và làm vang dội tiếng nói của Chúa Thánh Thần qua các Ngôn sứ cùng các Tông đồ. Bởi vậy, mọi lời giảng dạy trong Giáo Hội cũng như chính đạo thánh Chúa Kitô phải được Thánh Kinh nuôi dưỡng và hướng dẫn” (x. số 21).
Vì thế, không ngạc nhiên khi Phong trào Thiếu nhi Thánh Thể Việt Nam, đoàn thể Công giáo tiến hành dành cho Thiếu nhi Công giáo Việt nam, dưới ánh sáng của Công đồng Vatican II, đã tự canh tân trong tinh thần Thánh Kinh nói trên. Nội quy Tổng Liên đoàn năm 1974, điều 4: Phong trào Thiếu nhi Thánh Thể Việt Nam đã khẳng định: “Lời Chúa trong Thánh Kinh là nền tảng và chất liệu đặc biệt mà Tổng Liên đoàn dùng để giáo dục, thánh hóa và hướng dẫn giới trẻ trong các hoạt động tông đồ cũng như xã hội”. Hơn nữa, trong điều 5, tôn chỉ của Phong trào Thiếu nhi Thánh Thể Việt Nam là “sống Lời Chúa và kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể” 
Thực tế, trong việc giáo dục các em Thiếu nhi được Hội Thánh giao phó cho mình, Phong trào Thiếu nhi Thánh Thể Việt Nam nói riêng, cũng như tất cả các trường Giáo lý Công giáo nói chung, phải lấy Lời Chúa làm nền tảng và chất liệu đặc biệt để giáo dục và thánh hóa các em. Lời Chúa thật sự đóng vai trò quan trọng, căn bản, nền tảng và bao trùm việc giáo dục đời sống Kitô giáo.
Những suy nghĩ sau đây như những chia sẻ về vai trò của Lời Chúa trong việc giáo dục Thiếu nhi, đồng thời xin trình bày một vài ưu tư quanh chủ đề này.
I. LỜI CHÚA LÀ NỀN TẢNG CỦA VIỆC GIÁO DỤC THIẾU NHI
1. Việc giáo dục Thiếu nhi
Hội Thánh được Chúa Kitô tin tưởng giao phó nhiệm vụ chăn dắt đoàn chiên của Người (x. Ga 21, 15-17), trong đó có đoàn chiên bé nhỏ, là những Kitô hữu nhỏ tuổi, những em ấu nhi, thiếu nhi, thiếu niên, những người, hơn ai hết, cần sự hướng dẫn tận tình của các vị Chủ chăn. Vì thế, trong Tông huấn về việc dạy Giáo lý “Catechesi Tradendae”, Hội Thánh nhấn mạnh: Việc giáo dục thiếu nhi nằm trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Hội Thánh, sứ vụ mà chính Chúa Kitô đã giao phó cho Hội Thánh trước khi Ngài về trời, khi bảo các Tông đồ: “Anh em hãy đi loan báo Tin mừng cho muôn dân” (Mc 16, 15)
Sách Chỉ nam Giáo lý Tổng quát nêu rõ: “Giáo dục Thiếu nhi là một trong những hoạt động của Hội Thánh nhằm dẫn đưa cộng đoàn tín hữu và từng cá nhân tới đời sống trưởng thành đức tin” (x. số 21). Đời sống đức tin trưởng thành là đời sống thông hiệp mật thiết với Đức Giêsu, đời sống ao ước được trở nên giống như Ngài. Do đó, mục đích việc giáo dục Thiếu nhi Công giáo không chỉ là giới thiệu cho các em biết Chúa Giêsu là ai, giáo huấn của Ngài là gì, thông qua giáo huấn đó, ta biết được Thiên Chúa là ai và kế hoạch của Ngài đối với con người là gì, mà giáo dục Thiếu nhi Công giáo còn là giúp cho các em ngày càng yêu mến Thiên Chúa và “trở nên trọn lành như Cha trên trời”, sống như những người con đích thực của Thiên Chúa, đạt đến sự thông hiệp mật thiết với Thiên Chúa trong Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần..
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, trong Tông huấn “Dạy Giáo lý” đã viết: “Mục đích tối hậu của việc dạy Giáo lý là làm cho con người không những được tiếp xúc mà còn được thông hiệp, thân thiết với Chúa Giêsu Kitô: chỉ một mình Người mới có thể đưa ta đến tình yêu của Chúa Cha trong Thần Khí và làm cho ta tham dự vào đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh.” (số 5)
Chính Chúa Giêsu cũng đã dành một niềm ưu ái đặc biệt cho các em thiếu nhi khi Ngài bảo: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa thuộc về những ai giống như chúng” (Mc 10,14). Ngài luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho các em, Ngài thân thiết, gần gũi và trân trọng các em. Trong 3 năm rong ruỗi trên đường truyền giáo, chắc chắn có không ít thiếu nhi trong số thính giả say mê các bài giảng đơn sơ, giản dị và dễ hiểu của Ngài; hơn nữa, các em còn cộng tác tích cực vào công việc rao giảng của Ngài (như cậu bé đã tặng Ngài 5 chiếc bánh và 2 con cá, để làm nên phép lạ bánh hóa nhiều); hoặc chính các em hân hạnh là người được lãnh nhận phép lạ từ Ngài (như cô bé được Chúa cho sống lại, như đứa trẻ bị kinh phong được chữa lành…)
Tham gia vào sứ mạng giáo dục Thiếu nhi, Phong trào Thiếu nhi Thánh Thể xác định rõ mục đích là đào luyện thanh thiếu niên về phương diện tự nhiên và siêu nhiên để các em trở thành những con người kiện toàn và những Kitô hữu hoàn hảo, đồng thời hướng dẫn các em biết truyền thông Tin Mừng cho tha nhân (Nội quy 1974, điều 2). 
Khi trung thành theo đuổi mục đích này, Phong trào Thiếu nhi Thánh Thể đã góp phần cùng với Hội Thánh thi hành sứ vụ cao cả là loan báo Tin mừng. Và cũng đáp lời mời gọi của Đức Gioan Phaolô II trong Tông huấn “Dạy Giáo lý” khi Ngài yêu cầu các hiệp hội, các phong trào, các nhóm Công giáo tiến hành “không được thiếu một sự nghiên cứu nghiêm túc giáo thuyết Kitô giáo. Việc giảng dạy Lời Chúa phải là chiều kích không bao giờ được thiếu trong đời sống tông vụ của các nhóm này.” (số 47)
Trong thực tế, Giáo lý đã trở nên thành phần chủ chốt trong chương trình học hỏi của Phong trào Thiếu nhi Thánh Thể. Trong các giáo xứ mà Đoàn Thiếu nhi Thánh Thể được thành lập và phát triển: việc các em đến với Phong trào cũng đồng nghĩa với việc đến các Lớp Giáo lý, hay ngược lại. Nói cách khác, Phong trào đảm nhiệm việc giáo dục các em thiếu nhi trong các Giáo xứ.
Một điều cần lưu ý là Phong trào Thiếu nhi Thánh Thể chú trọng giáo dục các em Thiếu nhi không chỉ về phương diện siêu nhiên (đời sống đức tin) mà cả về phương diện tự nhiên (đời sống nhân bản). Như vậy, nếu đạt được mục đích giáo dục kép này, Phong trào sẽ cung cấp cho Giáo hội những Kitô hữu trưởng thành trong đời sống thiêng liêng và cho xã hội những con người kiện toàn trong đời sống tự nhiên.
Điều đó cho thấy mục tiêu cao cả mà Phong trào Thiếu nhi Thánh Thể đang vươn tới là chung vai với Hội Thánh thi hành sứ mạng loan báo Tin mừng cho một thành phần rất đặc biệt là các em thiếu nhi. Công việc này thật cao cả và tế nhị. Vì như có người đã ví von: “Giáo lý hôm nay, Hội thánh ngày mai”. Việc giáo dục niềm tin Kitô giáo cho các em thiếu nhi hôm nay sẽ quyết định đời sống đức tin của Hội Thánh trong tương lai.
Khi hăng say theo đuổi mục đích giáo dục đức tin cho Thiếu nhi, Phong trào Thiếu nhi Thánh Thể không xem nhẹ chiều kích tự nhiên. Hơn nữa, để giúp các em phát triển cách quân bình đời sống cả về tự nhiên lẫn siêu nhiên, Phong trào cũng nhấn mạnh việc giáo dục nhân bản Kitô giáo, bao gồm việc giáo dục những đức tính nhân bản, những kỹ năng sống có ích cho cộng đồng, phát triển những năng khiếu bản thân, trí lực, thể lực…
Như vậy, theo sự dẫn dắt của Hội Thánh, Phong trào Thiếu nhi Thánh Thể dấn thân thực hiện sứ mạng giáo dục các em Thiếu nhi, giúp các em đi vững trên hai chân một cách quân bình.
2. Lời Chúa
Theo sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, Lời Chúa được chứa đựng trong Thánh Kinh và Thánh Truyền, đây là hai cách lưu truyền mặc khải của Thiên Chúa (số 80-82). Văn kiện Công đồng (Dei Verbum, số 9) và sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo (số 81) định nghĩa: “Thánh Kinh là Lời Thiên Chúa được ghi chép lại dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần, đã được trao bằng văn bản”; còn “Thánh Truyền chứa đựng Lời Thiên Chúa mà Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần đã ủy thác cho các tông đồ, và lưu truyền toàn vẹn cho những người kế nhiệm các ngài, để nhờ Thánh Thần chân lý soi sáng, họ trung thành gìn giữ, trình bày và phổ biến qua lời rao giảng”. Do đó, “Thánh Truyền và Thánh Kinh liên kết và giao lưu mật thiết với nhau, vì cả hai kết hợp nên một toàn bộ và hướng về cùng một mục đích”. (x. số 80, Giáo lý Hội Thánh Công giáo). Huấn quyền có nhiệm vụ giải thích Lời Chúa một cách chính thức nhân danh Chúa Giêsu Kitô. Giáo Hội thi hành quyền giáo huấn để phục vụ cộng đoàn.
Vậy Thánh Kinh, Thánh Truyền và Huấn quyền gắn bó mật thiết và liên đới với nhau, “mỗi bên theo cách của mình” đều là những nền tảng và nguồn mạch của việc giáo huấn Kitô giáo nói chung, và việc giáo dục các Thiếu nhi Công giáo nói riêng.
Hội Thánh được ủy thác nhiệm vụ lưu truyền và giải thích Mặc Khải, “không chỉ nhờ Thánh kinh mà biết cách xác thật tất cả những điều mặc khải, nên cả Thánh Kinh và Thánh Truyền đều phải được đón nhận và tôn kính bằng một tâm tình yêu mến và kính trọng như nhau” (Dei Verbum, số 9).
Cũng theo Công đồng Vatican II, Hội Thánh luôn tôn kính Thánh Kinh như chính Thân Thể Chúa, nhất là trong Phụng vụ thánh, Hội Thánh không ngừng lấy bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa cũng như từ bàn tiệc Mình Chúa Kitô để ban phát cho các tín hữu. (Dei Verbum, số 21). Vì thế, Hội Thánh ý thức và luôn kêu gọi các mục tử ý thức việc “phải mở rộng lối vào Thánh Kinh cho các Kitô hữu”.
Ngoài ra, Lời Chúa không chỉ được chứa đựng trong Thánh Kinh và Thánh Truyền mà còn được cử hành trong Phụng vụ, trong Thánh lễ, trong nghi thức các Bí tích, trong đời sống cầu nguyện của Hội Thánh (các giờ kinh Phụng vụ, các kinh nguyện…). Nhờ đó, Lời Chúa được tôn vinh trong Hội thánh, trong đời sống đức tin của người Kitô hữu.
Đức Giêsu Kitô không chỉ truyền đạt Lời mà chính Người là Lời Chúa. Vì thế toàn bộ giáo lý Kitô giáo quy chiếu về Người. Hoặc nói cách khác, Thánh Kinh là chính Chúa Kitô, Lời Chúa chính là Chúa Kitô, là Ngôi Lời, là Con Thiên Chúa, xuống thế làm người. Vì thế, Thánh Giêrônimô từng khẳng định: “Không biết Thánh Kinh là không biết Đức Kitô”.
3. Lời Chúa trong đời sống người Kitô hữu
Câu nói trên của Thánh Giêrôminô cho thấy vai trò rất quan trọng của Thánh Kinh trong đời sống người Kitô hữu, những người được chính Đức Kitô gọi là “bạn hữu”, những người mang trong mình hình ảnh của Đức Kitô và ao ước được kết hợp làm một với Người.
Thánh Kinh có vai trò quan trọng trong đời sống của Hội Thánh, là nguồn mạch nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của người Kitô hữu. Hội Thánh không ngừng đón nhận và kín múc sự sống thần linh của Thiên Chúa từ hai bàn tiệc Lời Chúa và Mình Máu Thánh Chúa để phân phát cho các Kitô hữu.
Thánh Kinh giữ vị trí nổi bật trong tất cả tác vụ Lời Chúa và cùng với Thánh Truyền là nguồn mạch của việc dạy Giáo lý. Việc dạy giáo lý phải hấp thụ và thấm nhuần tư tưởng, tinh thần và thái độ theo Thánh Kinh và nhất là theo Tin Mừng, hạt ngọc của Thánh Kinh, nhờ năng tiếp xúc với những bản văn, được đọc với trí hiểu và tâm hồn của Hội Thánh, trong sự dẫn dắt sáng soi của Chúa Thánh Thần.
Như vậy, Thánh Kinh tối cần thiết đối với đời sống người Kitô hữu. Chúng ta đọc, lắng nghe Lời Chúa là để hiểu biết về Chúa Kitô và qua Ngài hiểu biết về Thiên Chúa, để từ đó yêu mến Ngài, bởi vì “không biết thì không thể yêu mến” (“vô tri bất mộ”). Nhờ Lời Chúa, chúng ta gặp gỡ, lắng nghe Thiên Chúa nói với ta và ta thưa chuyện với Ngài, sống thân mật với Ngài. Thiên Chúa dùng Lời hằng sống của Ngài để nuôi dưỡng đời sống linh hồn ta và hướng dẫn ta sống đời làm con của Ngài.
4. Lời Chúa là nền tảng của việc giáo dục Thiếu nhi
Nếu đối với đời sống người Kitô hữu, Lời Chúa đóng vai trò quan trọng như trên, thì Lời Chúa còn quan trọng hơn rất nhiều trong việc giáo dục Thiếu nhi.
Vì nền tảng và mọi công cuộc giáo dục Kitô giáo đều bắt nguồn từ Lời Chúa, mọi chương trình giáo dục của Hội Thánh đều được xây dựng dựa trên Lời Chúa. Việc giáo dục Thiếu nhi Công giáo, mà phần chủ yếu là giáo dục đức tin và ngay cả giáo dục nhân bản, đều kín múc, từ nội dung cho đến phương pháp, từ Lời Chúa. “Việc dạy Giáo lý bao giờ cũng lấy nội dung ở nguồn mạch sống động là Lời Chúa, thông truyền trong Thánh Kinh và Thánh Truyền vì cả hai hợp thành kho tàng thánh thiện duy nhất chứa đựng Lời Chúa, đã được giao phó cho Hội Thánh.” (Catechesi Tradendae, số 27)
Khi nói rằng Thánh Kinh và Thánh Truyền là nguồn mạnh của Giáo lý, Hội Thánh muốn nhấn mạnh rằng Giáo lý phải thấm đẫm và chuyển tải những tư tưởng, tinh thần và thái độ của Thánh Kinh, nhất là của Tin Mừng. Vì thế, Giáo lý phải tạo điều kiện cho các em tiếp xúc thường xuyên và trực tiếp với Lời Chúa; đồng thời đừng quên rằng Giáo lý trở nên phong phú và hiệu quả hơn khi các em đọc các bản văn Thánh Kinh dưới sự hướng dẫn của Hội Thánh, với sự hiểu biết và tình yêu của Hội Thánh, đã tích lũy những suy tư và kinh nghiệm sống từ hơn hai ngàn năm nay. Như vậy, giáo huấn, phụng vụ và đời sống của Hội Thánh bắt nguồn từ Lời Chúa và dẫn đưa các em tới nguồn mạch là Lời Chúa.
Theo định nghĩa, Giáo lý chính là Lời Chúa được trình bày cách đơn giản, cụ thể và sống động để người tín hữu hiểu biết và sống đức tin. Như vậy, Giáo lý càng gần Thánh kinh thì càng phong phú và vững chắc. Do đó, các bài Giáo lý luôn khởi đầu bằng một đoạn Thánh Kinh liên hệ với nội dung Giáo lý cần được trình bày. Đoạn Thánh Kinh được công bố trang trọng vào đầu giờ Giáo lý, được giải thích và quảng diễn trong giờ học, để dẫn đưa vào chân lý đức tin, và kết thúc bằng quyết tâm đem điều vừa học từ Lời Chúa ra thực hành trong đời sống.
Như vậy, có thể nói Lời Chúa là nền tảng trong việc giáo dục các em thiếu nhi vì những lý do sau đây:
a. Trước hết, Lời Chúa giúp chúng ta hiểu biết về Thiên Chúa nhất là Chúa Giêsu, vì qua Lời Chúa ta biết cách Chúa hành động, về chương trình yêu thương của Thiên Chúa đối với con người, và về mong muốn của Ngài đối với con người. Quả vậy, các bài Giáo lý, được sắp xếp theo một chương trình tiệm tiến chỉ là phỏng theo lịch sử cứu độ, như thứ tự được trình bày trong Thánh Kinh, hoặc theo một chương trình Giáo lý chuẩn bị lãnh nhận Bí tích, thì cũng đều giúp các em có được những kiến thức nền tảng nhất về các chân lý đức tin Kitô giáo.
b. Nhưng Lời Chúa còn mời gọi dấn thân, giúp biến đổi con người. Nếu giáo dục đức tin chỉ là cung cấp kiến thức về Thiên Chúa thì Giáo lý không khác gì một môn học thông thường. Thế nhưng, Lời Chúa không chỉ cung cấp kiến thức về Chúa Kitô và giáo lý của Ngài, mà Lời Chúa còn giúp các em gặp gỡ Chúa và sống thân mật với Ngài. Đây chính là mục tiêu cuối cùng của việc dạy Giáo lý như Tông huấn về “Dạy Giáo lý” đã nói đến.
Do đó, cầu nguyện có một vai trò hết sức quan trọng trong việc Giáo lý. Bất kỳ một buổi học Giáo lý nào cũng được mở đầu bằng cầu nguyện (để xin Chúa thánh hóa buổi học, xin ơn soi lòng mở trí cho người dạy và người học), rồi đạt đến đỉnh cao trong cầu nguyện giữa giờ (sau khi nghe công bố, giải thích, học hỏi Lời Chúa và tiếp nhận chân lý đức tin, các em được mời gọi đáp trả tiếng Chúa, nói lên tâm tình của em đối với Chúa), và kết thúc bằng phút cầu nguyện cuối giờ (thường là để nói lên quyết tâm áp dụng Lời Chúa vừa được học vào cuộc sống, hoặc đơn giản là cám ơn Chúa vì chân lý vừa được lãnh nhận trong buổi Giáo lý).
Chính Lời Chúa khơi nguồn cho tâm tình cầu nguyện của các em trong giờ giáo lý. Cầu nguyện giúp các em nội tâm hóa những giáo huấn của Lời Chúa, chuyển kiến thức thành tâm tình và hành động cụ thể. Như thế, cầu nguyện gắn Giáo lý với Phụng vụ và đời sống. Từ chỗ lắng nghe, học hỏi Lời Chúa để hiểu biết về Chúa Giêsu, các em gặp được Ngài trong giây phút đối thoại thân tình và mang Ngài vào cuộc sống của em bằng quyết tâm thực hiện điều em vừa học được từ Lời của Ngài. Từ đó, mối quan hệ cá nhân thân tình giữa em và Chúa được xây dựng và phát triển; đó cũng là lúc việc giáo dục đức tin chạm đến mục đích tối hậu của mình.
c. Chúa Giêsu nói:“Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng nhờ mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4). Như vậy, Lời Chúa là lương thực nuôi dưỡng đời sống các em Thiếu nhi, Lời Chúa có sức thông ban sự sống thần linh, thông ban Thần Khí cho các em tương tự như các Bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể.
Lời Chúa và Bí tích Thánh Thể là hai cách hiện diện của Chúa Kitô Phục Sinh. Tin Mừng theo thánh Luca gợi cho chúng ta thấy điều ấy trong câu chuyện hai môn đệ trên đường Emmau: Họ thấy lòng mình bừng cháy khi Chúa Giêsu nói với họ và giải nghĩa Sách Thánh cho họ, và khi Người “cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng và bẻ ra trao cho họ” họ nhận ra Người. (x.Lc 24, 13-32).
Như vậy, Lời Chúa và Bí tích Thánh Thể là của ăn thông ban và nuôi dưỡng sự sống đời đời cho chúng ta. Nếu trong Cựu ước, khi dân Israel hành trình trong hoang địa về Đất Hứa, Thiên Chúa đã nuôi họ bằng manna và Lời của Ngài (Đnl 8, 3) thì trong thời của Giao ước mới, Chúa Giêsu Phục sinh cũng đồng hành với Hội Thánh là dân riêng mới của Thiên Chúa, Người nuôi chúng ta bằng Lời Chúa và bằng Mình Máu Thánh Người. Chính Chúa Giêsu đã khẳng định: “Ai tuân giữ lời Tôi thì sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 8, 51).
Vì thế, Hội Thánh luôn công bố Lời Chúa khi cử hành các Bí tích và các giờ Kinh Phụng vụ. Cách rõ ràng nhất trong Bí tích Thánh Thể, chính Lời Chúa và Mình Máu Chúa là lương thực nuôi dưỡng đời sống tâm linh của người tín hữu. Do đó, khi các em đến với các Bí tích, tham dự các giờ kinh nguyện, giờ Thánh Thể, nhất là Thánh lễ, các em được lắng nghe Lời Chúa, được giải thích và hướng dẫn của Hội Thánh (thông qua các Cha, các Huynh trưởng - Giáo lý viên), các em sẽ được Chúa ban ơn nuôi dưỡng đời sống đức tin. Chính qua Lời Chúa, các em gặp gỡ Thiên Chúa và nghe Ngài ngỏ lời với các em bằng tất cả lòng trìu mến, và đến lượt mình, các em cũng được hướng dẫn cách thức trò chuyện với Thiên Chúa. Như thế, bằng Lời Chúa, các em đã đi vào mối tương quan thân tình với Thiên Chúa và nhận lấy sự sống thần linh từ Ngài, hơn nữa để Chúa biến đổi các em ngày càng trở nên tốt hơn, vì Lời Chúa có sức mạnh nội tại để cải hóa con người.
d. Một khi đã được Lời Chúa biến đổi, đến lượt các em, các em sẽ trở thành trung gian chuyển tải Lời Chúa cho những người sống quanh em, cụ thể là cho các bạn đồng trang lứa trong môi trường học đường, khu xóm, các nhóm sinh hoạt khác, tức là các em tham gia vào sứ mạng rao giảng Tin Mừng của Hội Thánh, làm tông đồ cho người trẻ như lời mời gọi của Hội Thánh, và như lời hứa thứ tư của mỗi đoàn sinh Phong trào Thiếu nhi Thánh Thể - là “làm Tông đồ.”
II. LỜI CHÚA LÀ CHẤT LIỆU ĐẶC BIỆT PHONG TRÀO DÙNG ĐỂ GIÁO DỤC THIẾU NHI
Khi ý thức: Lời Chúa không chỉ là nền tảng mà còn là chất liệu đặc biệt để giáo dục các em Thiếu nhi, các phương pháp giáo dục của Phong trào Thiếu nhi Thánh Thể đã không ngừng kín múc và lấy cảm hứng từ Lời Chúa, thông qua nhiều cách thức sau đây:
1. Phương pháp giáo dục của Chúa Kitô
Phương pháp giáo dục của Phong trào lấy cảm hứng từ phương pháp giáo dục mà Chúa Kitô đã thực hành để huấn luyện các môn đệ của Người: Người đào tạo họ thành những con người toàn vẹn, không chỉ thông hiểu kiến thức, mà còn biết thực hành để đạt đến đời sống trọn lành, để nên giống Người trong mọi sự: từ suy nghĩ, đến nhân cách, thái độ sống và hành động:
- Người dạy cho các môn đệ hiểu sự phong phú của mầu nhiệm Nước Trời (Mt 13, 1) Người đưa các môn đệ vào mối quan hệ thân tình với Chúa Cha qua việc cầu nguyện: “Khi cầu nguyện, hãy thưa: Lạy Cha…” (Lc 11,2)
- Người cũng dạy họ hãy gắn bó, bắt chước các nhân đức, thái độ và cách sống của Ngài: “Anh em hãy học với Tôi vì Tôi hiền lành và kiêm nhượng trong lòng”(Mt 11,29)
- Người dạy họ làm việc Tông đồ: “Người sai từng hai người một đi với nhau …” (Lc 10, 1)
Phong trào Thiếu nhi Thánh Thể cũng bắt chước Chúa Kitô khi hướng đến mục tiêu giáo dục các em nên con người kiện toàn và những Kitô hữu đích thực. Các phương pháp giáo dục siêu nhiên và tự nhiên của Phong trào đều nhắm đến 4 nội dung sau:
a. Truyền đạt kiến thức, để thiếu nhi hiểu biết về Chúa Kitô, về mặc khải qua việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa.
b. Giáo dục đời sống cầu nguyện, phụng vụ để các em phát triển lòng yêu mến, gắn bó với Chúa.
c. Giúp các em sống Lời Chúa, huấn luyện đạo đức, luân lý, nhân bản, sao cho các em ngày càng nên giống Chúa trong cách sống, cư xử, lời nói, thái độ, hành động
d. Huấn luyện các em tinh thần truyền giáo, biết mang Chúa đến cho người khác bằng đời sống gương mẫu của mình
Theo phương pháp giáo dục của Chúa Giêsu, Phong trào rút ra một số những bí quyết sư phạm rất hữu hiệu như: trình bày vừa tầm người nghe, thích hợp với tâm lý, tuổi tác của người nghe; dùng ngôn ngữ giản dị; dùng hình ảnh, ngữ ảnh, những câu chuyện minh họa gần gũi, sống động; dùng cái dễ hiểu để nói về cái khó hiểu; dùng phương pháp quy nạp đơn sơ, lối ẩn dụ so sánh bình dân; đúc kết chân lý đức tin thành những câu dễ nhớ; nhắc lại dưới nhiều hình thức khác nhau; tiệm tiến từng bước theo trình độ của người nghe; dùng Kinh Thánh để chứng minh; và nhất là vừa giảng vừa cảm hóa người nghe, đánh động nơi họ tâm tình thờ lạy, yêu mến và sẵn sàng thay đổi cuộc sống.
2. Khung cảnh Thánh Kinh
Phong trào Thiếu nhi Thánh Thể lấy Thánh kinh tạo nên khung cảnh giáo dục đặc biệt dành cho các em, được gọi là Khung cảnh Thánh Kinh, làm nền cho mọi sinh hoạt của Thiếu nhi theo từng lứa tuổi:
- Với Ấu nhi, Phong trào chiêm ngắm và giới thiệu cho các em về quãng đời thơ ấu của Chúa Giêsu với những biến cố xảy đến với Chúa và gia đình Người trong giai đoạn này; giúp các em làm quen với bé Giêsu, sống ngoan ngoãn, vâng lời cha mẹ với tâm tình cảm phục, biết ơn.
- Với Thiếu nhi, Phong trào gợi lên và đặt các em trong khung cảnh thời niên thiếu của Chúa Giêsu, giai đoạn Người sống ẩn dật tại Nadarét trong gia đình thánh, âm thầm, khiêm tốn học tập và làm việc, gieo vào lòng các em ao ước nên giống Chúa Giêsu bằng những việc làm cụ thể trong gia đình, khu xóm, trường học, giáo xứ với tinh thần cầu nguyện và quảng đại hy sinh.
- Tuổi Nghĩa sĩ và Hiệp sĩ được mời gọi suy nghĩ và sống khung cảnh sôi động đời hoạt động, rao giảng của Chúa Giêsu với tinh thần dấn thân hết mình vì sứ mạng loan báo Tin Mừng, xả thân vì lý tưởng Nước Trời, từ đó khơi dậy nơi các em nhiệt tình và khao khát làm việc tông đồ, đem Chúa đến cho tha nhân và đem tha nhân đến với Chúa.
Như vậy, Khung cảnh Thánh Kinh cung cấp cho các em lý tưởng sống và lời mời gọi phù hợp với từng lứa tuổi, giúp các em hăng hái dấn thân, vui vẻ hy sinh, quảng đại yêu mến, bắt chước Chúa Giêsu qua các giai đoạn phát triển tự nhiên trong cuộc đời trần thế của Người, xem Người như khuôn mẫu, gợi mở để noi theo, với khao khát nên giống Người mỗi ngày một hơn. 
3. Bầu khí Thánh Kinh
Phong trào Thiếu nhi Thánh Thể giúp các em hít thở, ngụp lặn trong bầu khí giáo dục thấm nhuần tinh thần Thánh Kinh. Lời Chúa là môi sinh lành mạnh và bổ ích cho các em.
Bầu khí Thánh Kinh được tạo nên bằng nhiều cách thức phong phú: Ngoài bài học Giáo lý, các bài hát, trò chơi, băng reo cảm hứng từ Lời Chúa, các hoạt cảnh, kịch nghệ, phim ảnh xoay quanh các đề tài Thánh Kinh, đố vui Thánh Kinh, vẽ tranh, thi kể chuyện Thánh Kinh, các chiến dịch thi đua, hội trại, Sa mạc, Xuất du, Hành trình Sa mạc, Lửa thiêng Thánh Thể… cũng không ngừng múc lấy nguồn mạch từ Thánh Kinh. Trong tổ chức, Phong trào còn lấy các tên: nhân vật, địa danh Thánh Kinh đặt tên cho Đội, cho Đoàn…
Bằng cách đó, Phong trào giúp các em sống thường xuyên trong Khung cảnh và Bầu khí Thánh Kinh, cho các em cơ hội tiếp xúc thường xuyên, trở nên quen thuộc với Lời Chúa, gặp gỡ và kết thân với chính Chúa Giêsu như với người anh, người bạn thân thiết nhất của em. Nhờ quen sống, đụng chạm và tư duy dựa trên Lời Chúa, tiếp xúc thường xuyên và thân mật với Thánh Kinh, các em sẽ dễ dàng qui chiếu Lời Chúa trong thái độ, lời nói, cung cách cư xử của mình trong hiện tại và tương lai.
4. Học hỏi Lời Chúa
Các chương trình Giáo lý Thánh kinh, chương trình Thăng tiến của Phong trào Thiếu nhi Thánh Thể đều đặt trọng tâm ở Lời Chúa. Các chân lý đức tin đều được trình bày trong ánh sáng Lời Chúa. Lịch sử cứu độ được tái hiện thông qua chương trình Giáo lý, dù là một mẩu trong từng bài học, hay cả tấm bánh trong cả chương trình, thì chân lý đức tin luôn được trình bày cách trọn vẹn, hợp với trình độ người học, và hướng về Chúa Kitô là trung tâm của các mầu nhiện Kitô giáo.
Ngoài việc học hỏi Lời Chúa và giáo lý qua chương trình Thăng Tiến, các em còn được tiếp xúc với Lời Chúa qua các bài giảng Chúa nhật, được các Linh mục trình bày phù hợp với tâm lý, trình độ hiểu biết của các em. Ngoài ra, có nhiều nỗ lực trong việc giảng dạy Lời Chúa  được hỗ trợ bởi các công cụ trợ giảng, các phương tiện thính thị rất phong phú: tranh ảnh, phim, hoạt cảnh, kịch, đố vui, video, cassette, trò chơi vi tính, internet, sách hướng dẫn cho giáo lý viên, cho phụ huynh… Các công cụ này lấy cảm hứng từ nội dung Lời Chúa, sâu sát với những quan tâm, thắc mắc, ưu tư của các em, nói bằng ngôn ngữ của các em... nhằm giúp các em đạt đến một hiểu biết sâu xa, thiết thực về những chân lý đức tin, đánh động tâm tình thờ lạy, tin yêu nơi các em, đưa đến quyết tâm hoán cải, hoàn thiện cuộc sống hơn.
Thách thức đối với Giáo lý viên-Huynh trưởng hôm nay là làm sao vận dụng triệt để những phương tiện trợ giảng có sẵn, nỗ lực sáng kiến hoặc làm sao vận dụng Lời Chúa để tự tạo nên những công cụ hỗ trợ hữu hiệu cho việc học tập trong hoàn cảnh tài chánh thường là eo hẹp của phần đông các lớp Giáo lý, các Đoàn Thiếu nhi Thánh Thể.
5. Đọc, lắng nghe, lãnh nhận, suy niệm, chia sẻ và sống Lời Chúa
Ngoài các giờ học Giáo lý - Lời Chúa theo một chương trình được soạn thảo chu đáo, các sinh hoạt khác của Phong trào cũng tạo cho các em nhiều cơ hội để đọc, lắng nghe, suy niệm và sống Lời Chúa.
Các buổi họp Đội, họp Chi đoàn, Đoàn… luôn có phần lắng nghe, chia sẻ, lãnh nhận Lời Chúa. Các buổi Xuất du, các Sa mạc không thể thiếu Lời Chúa.
Lời Chúa còn luôn hiện diện trong các giờ Thánh Thể, qua việc Huynh trưởng giúp em lắng nghe, suy niệm Lời Chúa trước Chúa Giêsu Thánh Thể, để Người ngỏ lời với các em trong không khí trang nghiêm nhưng thân tình của Giờ Thánh, và mời gọi các em đáp lời trong tâm tình cầu nguyện.
Đoàn sinh Thiếu nhi Thánh Thể còn hứa siêng năng đọc Lời Chúa và viếng Chúa hằng ngày. Cuốn Thánh Kinh, nhất là Tân ước, phải trở thành sách gối đầu giường của mọi thành viên Phong trào.
Như vậy, Phong trào huấn luyện và giúp các em thực hành ngay từ tuổi thơ thói quen đọc, lắng nghe, suy niệm, cầu nguyện bằng Lời Chúa, tạo nên nơi các em thái độ mến yêu, tin tưởng, thân thiết với Lời Chúa, và nhất là giúp các em thực hành Lời Chúa trong đời sống thường nhật bằng những công việc cụ thể, tuy bé nhỏ nhưng thiết thực. Nếu thực hành thường xuyên như vậy, các em chắc chắn sẽ trở thành những Kitô trưởng thành trong đời sống đức tin.
III. VÀI ƯU TƯ VỀ VAI TRÒ CỦA THÁNH KINH TRONG VIỆC GIÁO DỤC THIẾU NHI HIỆN NAY
Biết rằng Thánh Kinh – cùng với Thánh Thể, đóng vai trò tối quan trọng trong việc giáo dục đời sống đức tin của các em như đã trình bày, chúng ta không khỏi băn khoăn và ưu tư khi nhìn vào một số thực tế giáo dục thiếu nhi trong các Giáo xứ hiện nay:
1. Nhiều Thiếu nhi còn dửng dưng với Lời Chúa
Trong Thư Mục vụ năm 2005, Hội đồng Giám mục Việt Nam nhận định rằng: Nhìn chung, người Công giáo Việt Nam rất siêng năng đọc kinh nhưng còn chưa chú trọng đến việc đọc và suy niệm Lời Chúa. Thánh Kinh chưa có chỗ xứng đáng trong các sinh hoạt đạo đức, nhất là trong đời sống gia đình. Điều này một phần giải thích được vì sao còn nhiều Thiếu nhi dửng dưng với Lời Chúa, không tha thiết với việc học hỏi Lời Chúa, nhiều em chưa biết đến cuốn Kinh Thánh vì trong gia đình không có sách thánh.
Bên cạnh đó, phải kể đến áp lực học hành ngày càng nặng nề của các em, việc gia tăng các phương tiện giải trí đi đôi với sự phát triển đời sống kinh tế của gia đình khiến cha mẹ và các em dửng dưng với việc học hỏi Giáo lý và Lời Chúa. Ngày nay, lý do bỏ lớp Giáo lý vì hoàn cảnh gia đình khó khăn không còn nhiều; thay vào đó, các em hoặc cha mẹ quyết định cho các em bỏ học Giáo lý vì ưu tiên cho việc học văn hóa và các nhu cầu học hành, giải trí khác.
Trước hoàn cảnh đó, thách đố đặt ra cho những người có trách nhiệm đối với việc giáo dục đức tin các em ngày càng quyết liệt hơn. Làm sao để giành các em về lại với các lớp Giáo lý, với các sinh hoạt của Phong trào. Điều này đòi hỏi những nỗ lực mạnh mẽ hơn nơi các Linh mục, nơi Huynh trưởng – Giáo lý viên, các đoàn thể khác. Gây ý thức cho gia đình các em nhằm cảm hóa, giúp phụ huynh và các em ý thức về sự cần thiết của việc học hỏi Lời Chúa trong đời sống đạo của em hiện nay cả trong tương lai. Đồng thời, Đoàn Thiếu nhi, lớp Giáo lý phải tổ chức sao cho sinh động, hấp dẫn, vui tươi, để các em mong mỏi đến học hỏi và sinh hoạt trong tinh thần tự nguyện và yêu thích, hơn là như một bổn phận nặng nề, phải “học cho xong chuyện”.
2. Lời Chúa chưa được xem là trọng tâm của việc giáo dục chân lý đức tin
Do thời gian eo hẹp hoặc do ý thức của người hướng dẫn chưa thấy đủ: tầm quan trọng của Lời Chúa, nên đôi khi việc dạy Giáo lý được rút gọn thành việc truyền đạt chân lý mặc khải đã được đúc kết sẵn trong sách Giáo lý mà bỏ qua phần Lời Chúa đã được đề nghị như nguồn mạch và nền tảng của chân lý đức tin.
Một số địa phương, việc dạy Giáo lý theo kinh bổn: hỏi-thưa, vẫn được áp dụng như cách thức duy nhất để truyền đạt đức tin. Vì thế, các em chỉ được học thuộc lòng các công thức chân lý đức tin, mà không có dịp tiếp xúc trực tiếp với Lời Chúa, không biết các chân lý ấy đã được Thiên Chúa mặc khải như thế nào.
Để khắc phục vấn đề trên, thiết nghĩ cách học Giáo lý mới khơi nguồn từ và quy chiếu về Lời Chúa nên được phổ biến và phát huy rộng rãi hơn. Và chính các Huynh trưởng–Giáo lý viên phải đầu tư tìm tòi sao cho bài Giáo lý thật sự bắt nguồn từ Lời Chúa, xoay quanh Lời Chúa, và dẫn các em đến với Lời Chúa.
Ngoài ra, các chất liệu giáo dục bắt nguồn từ Lời Chúa cũng nên được xem trọng và vận dụng nhiều hơn. Ví dụ: Thay vì kể câu chuyện đời thường để minh hoạt một ý tưởng trong bài học, Huynh trưởng có thể kể một câu chuyện rút ra từ Thánh Kinh. Thay vì cho các em vẽ một bức tranh đề tài tự do, hãy cho các em phát họa một cảnh trong Thánh Kinh. Khi sinh hoạt, hãy cho các em hát những bài ca sinh hoạt, bài ca ý lực lấy cảm hứng từ Lời Chúa., những trò chơi mang màu sắc Thánh Kinh. (Đây cũng là khó khăn: kiếm đâu ra những nhạc sĩ tâm huyết sáng tác những ca khúc cho Thiếu nhi mang đậm nét Thánh Kinh)
Các em phải được khuyến khích và yêu cầu có cuốn Thánh Kinh, ít là Tân Ước, của riêng mình, mang theo khi đi sinh hoạt Giáo lý, mỗi ngày đọc một đoạn ngắn khi cầu nguyện riêng (sáng hoặc tối).
Ngoài bài học Giáo lý, Huynh trưởng–Giáo lý viên còn có thể khơi gợi lòng say mê Kinh Thánh nơi các em bằng cách kể hoặc cho các em xem phim về các câu chuyện trong Thánh Kinh, vốn rất dồi dào và hấp dẫn: Công cuộc sáng thế, Cuộc đời các tổ phụ, Cuộc xuất hành, Chuyện các thẩm phán, các vua, nhất là cuộc đời Chúa Giêsu. Mỗi ngày một ít; nhờ thế các em sẽ biết được toàn bộ lịch sự cứu độ qua các câu chuyện. Hoặc tổ chức những cuộc thi tìm hiểu, đố vui Kinh Thánh, thi kể chuyện, thi vẽ theo Kinh Thánh…
3. Huynh trưởng – Giáo lý viên chưa là những người tha thiết với Lời Chúa
Muốn có những sáng tạo và nỗ lực áp dụng Thánh Kinh vào việc giáo dục các em như trên, trước tiên, người Huynh trưởng phải am hiểu, yêu mến và sống Lời Chúa.
Tông huấn Catechesi Tradendae dạy: “Người Giáo lý viên theo chân Đức Giêsu Kitô, phải luôn chuyên cần học hỏi Lời Chúa do huấn quyền của Hội Thánh thông truyền, phải luôn kết thân sâu xa với Đức Kitô và với Chúa Cha, phải có tinh thần cầu nguyện, từ bỏ bản thân, hoàn toàn để Chúa Thánh Thần làm việc nơi mình trong mọi sự và mọi lúc.” (số 5 và 6)
Soi mình trong lời dạy của Hội Thánh, Huynh trưởng–Giáo lý viên đôi khi cũng phải hổ thẹn vì đã không ít lần xem nhẹ Lời Chúa, chưa thật sự quan tâm đến Lời Chúa, không siêng năng đọc, tìm cơ hội lắng nghe và học hỏi Lời Chúa, chưa lấy Lời Chúa làm kim chỉ nam cho đời sống bản thân, nhất là chưa khao khát tìm gặp và kết thân với Chúa Giêsu qua Lời của Người.
Để phát huy hết vai trò của Thánh Kinh trong việc giáo dục các em, Giáo Hội nói chung và Phong trào Thiếu nhi Thánh Thể nói riêng cần những Giáo lý viên-Huynh trưởng tha thiết, say mê, gắn bó với Lời Chúa, với Chúa Giêsu Thánh Thể, có đời sống nội tâm sâu sắc, đời sống đức tin trưởng thành được nuôi dưỡng bằng việc khao khát lắng nghe, suy niệm, chiêm ngắm và cầu nguyện với Lời Chúa, để Lời Chúa hướng dẫn mọi suy nghĩ, lời nói và hành động. Chỉ như thế Giáo lý viên–Huynh trưởng mới có khả năng mang Chúa đến cho các em và mang các em đến với Chúa.
Để đạt được điều đó, ngoài nỗ lực của bản thân và ơn Chúa giúp, các Giáo lý viên – Huynh trưởng cần sự nâng đỡ, cổ vũ và hướng dẫn của các vị Mục tử thông qua các khóa huấn luyện, bồi dưỡng về kiến thức Kinh Thánh, về phương pháp học hỏi, suy niệm Lời Chúa, về sư phạm Kitô giáo, cũng như thông qua những buổi chia sẻ kinh nghiệm sống Lời Chúa được tổ chức thường xuyên hay định kỳ ở Giáo xứ, Giáo hạt, Giáo phận.
KẾT LUẬN
Tuy nhiên, dù với những nỗ lực bản thân, vận dụng mọi phương tiện hỗ trợ, thì người Huynh trưởng vẫn xác tín hiệu quả của việc giáo dục vẫn tùy thuộc bàn tay quan phòng của Thiên Chúa. Vì đó là ân huệ của Chúa Thánh Thần, như Thánh Phaolô kinh nghiệm: “Tôi trồng, Apôlô tưới; nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên. Vì thế, kẻ trồng, người tưới chẳng là gì cả, nhưng Thiên Chúa, Đấng làm cho lớn lên, mới đáng kể.” (1 Cr 3,6-7)
Sẽ chẳng có việc giáo dục thiếu nhi nào có hiệu quả nếu không có hành động của Chúa Thánh Thần. Hướng dẫn Đại cương về việc dạy Giáo lý đã nói rõ: “Trong việc thực hành dạy giáo lý, thì không phải các kỹ thuật sư phạm dù tiên tiến nhất, cũng không phải là người Giáo lý viên có nhân cách hấp dẫn nhất có thể thay thế cho hành động thầm lặng và kín đáo của Chúa Thánh Thần được. Chính Ngài là “tác nhân đích thực” của tất cả các sứ vụ của Hội Thánh, chính Ngài là “Giáo lý viên đầu tiên”, là “người thầy nội tâm”, là nguyên tắc linh hứng của mọi công trình dạy Giáo lý và của những ai chu toàn việc đó”. (số 288)
Vậy, thay cho lời kết những suy tư này, chúng ta hãy cùng nhau khiêm tốn cầu xin Thần Khí của Ngôi Lời ban ơn giúp sức, làm cho công cuộc giáo dục các em thiếu nhi mà Ngài đã tin tưởng giao phó cho chúng ta được sinh hoa kết quả tốt đẹp và lâu dài, để xã hội có nhiều công dân chân chính, Hội Thánh ngày càng có thêm nhiều người Kitô hữu trưởng thành trong đức tin và đạt đến cuộc sống viên mãn trong Đức Kitô.