• Trang chủ

NHỮNG CHỈ DẪN CỦA GIÁO HỘI VỀ VIỆC DẠY GIÁO LÝ

Việc dạy giáo lý luôn được Giáo Hội coi là bổn phận rất quan trọng vì đây chính là mệnh lệnh của Đức Kitô trước khi về trời (xem Mt 28,19-20).
Giáo Hội, trải qua bao thời đại và dưới sức tác động của Chúa Thánh Thần, đã không ngừng tìm tòi, nghiên cứu những cách thức truyền đạt Lời Chúa một cách có hiệu qủa. Để theo sát đường hướng của Giáo Hội, Huynh trưởng, giáo lý viên cần học hiểu và áp dụng những chỉ dẫn của Giáo Hội liên quan đến việc dạy giáo lý. Những chỉ dẫn này được tìm thấy trong các tài liệu giáo huấn của Giáo Hội.
Chúng ta sơ lược một vài tài liệu quan trọng hơn, trực tiếp nói đến việc dạy giáo lý đó là: Tông huấn Loan báo Tin Mừng của ĐTC Phaolô VI, Tông huấn Dạy Giáo Lý của ĐTC Gioan Phaolô II và cuốn Hướng dẫn đại cương về việc dạy Giáo lý năm 1997 của Bộ giáo sĩ.
I. TÔNG HUẤN LOAN BÁO TIN MỪNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHAOLÔ VI
1. Ý nghĩa việc loan báo Tin Mừng theo Tông huấn:
Công đồng Vaticanô II định nghĩa: “Giáo Hội tự bản tính là truyền giáo”(TG 2). Giáo Hội có nhiều sứ mạng, nhưng sứ mạng quan trọng, thuộc yếu tính của Giáo Hội, đó là truyền giáo hay còn gọi là loan báo Tin Mừng. Sứ mạng này bắt nguồn từ lệnh truyền của Đức Kitô: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền dạy cho anh em” (Mt 28, 19-20)
Việc loan báo Tin mừng này luôn được Giáo Hội coi là nhiệm vụ ưu tiên, là bổn phận thiêng liêng, là mối bận tâm hàng đầu. Trải qua bao thế hệ, do sự thách thức của xã hội và của các nền văn hóa khác nhau, Giáo Hội tự biết mình có sứ mệnh phải loan báo Tin Mừng bằng nhiều cách khác nhau. Do đó các kiểu mẫu huấn giáo ra đời và thay đổi theo giòng thời gian để Tin Mừng Đức Kitô đã gieo vào trần gian được nẩy sinh và phát triển cách thích hợp trong lòng con người. 
Đặc biệt Đức Thánh Cha Phaolô VI, trong Tông huấn “Loan báo Tin Mừng”, đã thúc bách toàn thể Giáo Hội phải ý thức và dồn mọi nỗ lực của mình vào việc loan báo Tin mừng. Vậy, loan báo Tin Mừng là gì ?
Không chỉ giới hạn trong việc giảng dạy về tôn giáo. Loan báo Tin mừng là công việc khá phức tạp, không một định nghĩa nào có thể lột hết được thực tại phong phú, phức tạp và sinh động này. Nếu coi việc loan báo Tin Mừng chỉ là giảng dạy và rửa tội, ta đã làm cho việc đó trở nên nghèo nàn và không thấy được bao quát những yếu tố chính yếu của nó. Trong chương II của Tông huấn Loan báo Tin mừng, ĐTC Phaolô VI nêu lên 7 yếu tố của việc loan báo Tin mừng như sau:
a. Là làm đổi mới bộ mặt nhân loại, là thay đổi tự bên trong, nghĩa là:
•“Giáo Hội tìm cách hoán cải lương tâm cá nhân và tập thể của con người”.
•Hoán cải mọi sinh hoạt mà con người đang dấn thân
•Hoán cải đời sống và hoàn cảnh cụ thể của họ.
•Dùng sức mạnh Tin mừng làm đảo lộn những tiêu chuẩn phán đoán, những giá trị dẫn đạo, những bận tâm chính yếu, những trào lưu tư tưởng, những nguồn cảm hứng, những mẫu mực sống của nhân loại khi những điều ấy ngược với Lời Chúa và chương trình cứu độ.
•Phúc Aâm hóa các nền văn hóa: văn minh, kiến thức và tất cả những gì liên quan tới cuộc sống con người. “Phúc Aâm hóa các nền văn hóa phải được thực hiện sống động sâu xa tới tận gốc rễ, chứ không theo kiểu trang trí như lớp sơn bóng ngoài mặt”1
b. Làm chứng tá bằng sự hiện diện, bằng thái độ sống, bằng gương sáng... 
“Tin Mừng trước tiên phải công bố bằng cách làm chứng. Cứ xem một kitô hữu hay một tập thể kitô hữu đang sống giữa cộng đồng con người, họ có tỏ ra khả năng thông cảm và đón nhận, thái độ chia sẻ vận mệnh với người khác, tình liên đới trong các nỗ lực chung nhằm tất cả những gì cao thượng và tốt lành. 
Một cách thật đơn giản và hồn nhiên, lòng họ tin nơi những “giá trị” vượt xa những giá trị thông thường, và trông cậy vào những gì người ta không thấy... Một chứng tá như vậy đã là sự công bố Tin Mừng tuy thầm lặng nhưng rất mãnh liệt và hiệu qủa... Một đời sống làm chứng bao hàm sự hiện diện, chia sẻ, liên đới là thành tố chính yếu của việc loan báo Tin Mừng”.
c. Loan báo công khai Đức Giêsu Kitô:
Chứng tá cho dù đẹp đẽ nhất cũng trở nên vô hiệu theo thời gian, nếu nó không được soi sáng, biện minh và nếu nó không được diễn đạt bằng một sự loan báo rõ ràng, không mập mờ về Đức Kitô. Vậy Tin Mừng đã được công bố bằng đời sống làm chứng, sớm muộn gì cũng phải được công bố bằng Lời ban sự sống. Không có loan báo Tin Mừng thực sự nếu danh tánh, lời giảng dạy, đời sống, lời hứa, Triều đại, mầu nhiệm của Đức Giêsu, Con Thiên Chúa không được loan báo.
Vậy làm thế nào để các mầu nhiệm Chúa Kitô được vang lên và tới tai mọi người ?
Mục vụ rao giảng Lời Chúa gồm có :
- Tiền Phúc Âm hóa (Pré-Évangélisation): giai đoạn khơi gợi niềm tin trong lòng con người.
- Loan báo Tin Mừng: Truyền giảng Tin mừng cho người chưa tin Đức Kitô (Kérygme, Évangélisation)
- Giúp người ta khám phá và đón nhận đức tin Kitô giáo (catéchumène), giúp các tín hữu đào sâu và sống trưởng thành trong đức tin (Catéchèse)
- Diễn giảng Lời Chúa (Homélie) 
- Giảng dạy Thần học (Didascalie, Théologie): Dạy giáo lý ở mức đại học, vừa sử dụng Kinh Thánh, vừa dùng lý luận để trình bày Lời Chúa.
d. Gắn bó với chân lý, với cuộc sống, với nước trời 
“Lời loan báo chỉ đạt hết kích thước của nó khi được gắn bó với những chân lý. Nhưng hơn nữa, gắn bó với một cuộc sống đã được biến đổi. Nghĩa là gắn bó với thế giới mới, với tình trạng mới, một sự hiện hữu mới, một cách sống mới và cách chung sống mới mà Tin mừng đã khai mở. Gắn bó như thế thì không còn gì là trừu tượng nhưng được tỏ ra một cách cụ thể.”
e. Gia nhập cộng đoàn tín hữu một cách cụ thể, thấy được. “Những ai đã được biến đổi đời sống thì cần phải gia nhập một cộng đồng tín hữu”.
g. Đón nhận những dấu chỉ của đời sống mới:
“Gia nhập vào một cộng đoàn, cộng đoàn này là một dấu chỉ biến đổi, một dấu chỉ của đời sống mới. Đó chính là Giáo Hội, bí tích hữu hình của ơn cứu độ…”
h. Trở thành những sứ giả Tin mừng: 
Người đã được nghe rao giảng, tới lượt họ phải đi rao giảng lại. “Đó là sự trắc nghiệm của chân lý, là đá thử vàng của việc đón nhận Tin Mừng. Không thể tưởng tượng được một người đã tiếp nhận Lời và đã hiến thân cho Nước Trời mà lại không trở nên người làm chứng và loan báo Tin Mừng”.
2. Nhiệm vụ loan báo Tin Mừng.
Với các định nghĩa trên, ta thấy Tông Huấn đã nêu lên những điểm then chốt trong việc loan báo Tin Mừng, nhiệm vụ hàng đầu của Giáo Hội cũng như của mỗi Kitô hữu. Các hình thức khác nhau của việc truyền giảng Tin Mừng luôn cần thiết mọi nơi và mọi lúc để khơi dậy, củng cố và nuôi dưỡng niềm tin. Do đó Thánh Phaolô đã khẳng định: 
“Làm sao người ta có thể tin nếu không được nghe Tin mừng, làm sao có thể nghe Tin mừng nếu không có người đi rao giảng… Vậy tin là do nghe truyền giảng, mà nghe giảng là nghe công bố Lời Đức Kitô”. 
Trong số 66 của Tông huấn, Đức Thánh Cha khẳng định: “Toàn thể Giáo Hội được mời gọi làm công việc loan báo Tin Mừng và mỗi người phải chu toàn những nhiệm vụ loan báo Tin Mừng khác nhau tùy khả năng và theo hoàn cảnh. Tuy khác nhau nhưng cũng một sứ mệnh duy nhất là làm cho công cuộc loan báo Tin Mừng được giầu đẹp.”
Như vậy bất cứ một thành phần nào trong Giáo Hội: Giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân đều là những người phục vụ Tin Mừng. Đặc biệt đối với các tu sĩ, Đức Thánh Cha viết: “Các tu sĩ tìm được trong đời sống tận hiến một phương thế tốt đẹp đặc biệt để loan báo Tin Mừng có hiệu qủa. Đó là bằng chính con người của mình và bằng sự khao khát sống thánh thiện. Họ làm chứng cho sự thánh thiện ấy... Bằng nếp sống, họ là những dấu chỉ của việc sẵn sàng phục vụ Chúa, Giáo Hội và tha nhân... Có tu sĩ loan báo Tin mừng bằng thinh lặng, sám hối, hy sinh... Có người từ bỏ hết mà đi loan báo Tin Mừng đến mút cùng trái đất”18.
Còn đối với giáo dân, Đức Thánh Cha viết: “Phạm vi dành riêng cho hoạt động loan báo Tin Mừng của họ là thế giới rộng lớn và phức tạp của những sinh hoạt chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, khoa học, nghệ thuật... và một số những thực tại khác như tình yêu, gia đình, nghề nghiệp, đau khổ...”
Như vậy, mỗi kitô hữu, trong cách thế của mình có thể truyền giảng Tin mừng bằng nhiều đường lối tùy theo đối tượng chúng ta gặp gỡ, tiếp xúc. 
3. Giáo lý viên và sứ mệnh loan báo Tin Mừng 
Giáo lý viên là người loan báo Tin mừng qua ngả huấn giáo, nghĩa là tập trung vào việc dạy giáo lý. Vì dạy giáo lý là một phần trong việc loan báo Tin Mừng nên nội dung của giáo lý không có gì khác với việc loan báo Tin Mừng, có khác là do đối tượng và cách thức truyền đạt mà thôi.
Những tài liệu của công đồng Vatican II vào đầu thập niên 1960 đã đề ra mục tiêu cơ bản cho vai trò của giáo lý viên. Đó là: “Giáo lý viên được mời gọi để giúp cho những người khác sống trưởng thành đức tin”. Những người khác ở đây có thể là các em thiếu nhi, thanh niên, giới trưởng thành- từ cá nhân đến cộng đoàn.
Đức tin ở đây phải hiểu là tiếng đáp trả trọn vẹn của con người đối với Thiên Chúa và Lời của Ngài bằng cả trí khôn và tình cảm, cả linh hồn và thân xác. Vì đức tin bao gồm toàn thể nhân cách con người, được biểu lộ trong hành động và lối sống, nên chúng ta có thể xác định phận vụ của người giáo lý viên là: “được mời gọi để giúp người khác sống tốt đời sống kitô hữu”
Để thực hiện sứ mệnh này, Chương VII của Tông huấn mời gọi giáo lý viên phải sống xứng đáng với ơn gọi “Sứ giả Tin Mừng”, nghĩa là phải có những thái độ nội tâm cần thiết như sau :
a. Làm việc dưới sức tác động của Chúa Thánh Thần
“Sẽ không bao giờ có thể loan báo Tin Mừng nếu không có tác động của Chúa Thánh Thần... Có những kỹ thuật loan báo Tin Mừng là điều tốt, nhưng những kỹ thuật này dù hoàn hảo nhất cũng không làm sao thay thế được tác động của Thánh Thần. Không có Ngài thì sứ giả Tin Mừng có sửa soạn hết sức tinh tế cũng chẳng làm được gì.”20
b. Là những chứng nhân đích thực.
“Thế giới này khao khát sự đích thực. Nhất là giới trẻ, họ chán ghét những gì là giả tạo... Thiên hạ luôn vặn hỏi chúng ta: Các người có thực sự tin điều các người loan báo không ? Các người có truyền giảng thực sự điều các người sống không ? Hơn bao giờ hết, làm chứng bằng đời sống đã trở thành một điều kiện thiết yếu để việc giảng dạy có hiệu quả sâu xa.”
“Nhiệt tình loan báo Tin Mừng phải vọt lên từ một đời sống thực sự thánh thiện được nuôi dưỡng bằng lời cầu nguyện và nhất là bằng lòng yêu mến Thánh Thể... Thế giới chờ đợi nơi chúng ta một đời sống giản dị, tinh thần cầu nguyện, đức vâng phục, lòng khiêm tốn, sự từ bỏ chính mình, tình yêu thương đối với mọi người, nhất là những ai bé mọn và nghèo khổ. Không có những dấu hiệu và sự thánh thiện như thế, lời chúng ta sẽ khó đi vào lòng dạ con người thời nay được. Nó có thể thành vô ích và vô hiệu.”
c. Là những người xây dựng hiệp nhất
“Là những sứ giả Tin Mừng, chúng ta phải cống hiến cho các tín hữu của Đức Kitô, không phải hình ảnh của những con người chia lìa nhau vì những tranh chấp không chút xây dựng, nhưng là hình ảnh những con người chín chắn trong đức tin, có khả năng gặp gỡ nhau bên trên những căng thẳng thực tế nhờ việc cùng nhau tìm kiếm chân lý một cách chân thành và vô vị lợi. Số phận công cuộc loan báo Tin Mừng chắc chăn được gắn liền với việc sống và làm chứng cho sự hiệp nhất.”22
d. Là những người phục vụ chân lý
“Tin Mừng mà chúng ta loan báo là lời chân lý, chân lý đem lại tự do (Ga 8,32)...Thiên Chúa của chân lý mong đợi chúng ta tỉnh thức bảo vệ và tận tụy rao truyền chân lý... Nhiệm vụ của chúng ta là giúp đỡ người khác khám phá chân lý, kể cả chân lý tôn giáo và thiêng liêng”23.
e. Có động lực là lòng yêu thương.
“Sứ giả Tin Mừng phải có lòng thương yêu anh chị em ngày càng lớn mãi... Còn hơn nhà giáo dục, đó là tình thương của một người cha, người mẹ... Dấu chỉ của tình thương yêu là biết cho người khác chân lý và đưa vào sự hiệp nhất. Một dấu chỉ nữa là biết hy sinh trọn vẹn và dứt khoát cho việc loan báo Tin Mừng.”24
g. Làm việc với sự nhiệt tình 
“Việc loan báo Tin Mừng trong thời đại chúng ta gặp nhiều trở ngại, một trong những trở ngại lớn là sự thiếu nhiệt tình. Nó càng trầm trọng bởi lẽ nó phát xuất từ bên trong, nó biểu lộ trong sự mệt mỏi và chán nản, sự làm lấy lệ và hờ hững, nhất là sự thiếu niềm vui và hy vọng. Vì vậy chúng tôi khuyên những ai có nhiệm vụ loan báo Tin Mừng ở bất cứ cấp bậc nào, hãy nuôi dưỡng nhiệt tình cho tâm hồn mình.”25
Tóm lại, trách nhiệm cơ bản nhất của giáo lý viên là giúp người khác nhận biết, say mến Đức Giêsu Kitô và Tin Mừng của Người. Tuy nhiên, một trong những thách đố lớn nhất của người chứng nhân là làm sao tìm được thái độ sống đúng trong thế giới phức tạp, đầy kích động và đa diện. Nhưng đức tin và truyền thống Công giáo được hình thành qua 40 thế kỷ Do thái và Kitô giáo cho chúng ta kinh nghiệm là lối sống rập theo gương Đức Kitô là lối sống bảo đảm nhất tính hiệu nghiệm của công cuộc loan báo Tin Mừng. 
II. TÔNG HUẤN VỀ VIỆC DẠY GIÁO LÝ CỦA ĐTC GIOAN PHAOLÔ II
Tông huấn cề việc Dạy giáo lý được ĐTC Gioan Phaolô II ban hành ngày 16 tháng 10 năm 1979. Tông huấn này là kết quả của Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ IV họp từ 30-9 đến 29-10-1977. Các Giám Mục đã tích cực thảo luận về đề tài: “Huấn giáo đặc biệt trong giới thiếu nhi và thanh niên” do ĐTC Phaolô VI nêu ra. Những đề nghị của các Giám Mục được khai thác rộng ra thành tài liệu chính thức về Huấn giáo, mang tên Catechesi Tradendae (Dạy giáo lý). 
1. Một vài nhận định:
Trước khi tóm lược nội dung Tông Huấn, chúng ta nêu lên một vài nhận định của các quan sát viên về tình hình việc giáo lý qua những bàn bạc của các Giám Mục thế giới: 
- Rất nhiều ý kiến nêu lên sự đối lập giữa hai phương pháp dạy giáo lý. Phương pháp hỏi thưa (cổ điển) do một người truyền đạt nhằm học hỏi những kiến thức tôn giáo và phương pháp quy nạp (tân tiến) chủ trương phân biệt và làm rõ những điểm chính, điểm phụ trong khi trình bày sứ điệp Kitô giáo. Cần nỗ lực để áp dụng một nền Huấn giáo nhắm đúng mục đích là nuôi dưỡng đời sống đức tin và giúp gặp gỡ được chính Đức Kitô trong đời sống hơn là nhồi nhét những lý thuyết, những biểu tượng lỗi thời.
- Cần làm nổi bật vai trò Đức Kitô, Ngài không phải là một tư tưởng, một ý thức hệ nhưng là một con người lịch sử. Môn huấn giáo sẽ mất ý nghĩa nếu không có Đức Kitô làm trung tâm.
- Nhiệm vụ của Giáo Hội là luôn trở về với Tin mừng Chúa Kitô để tìm ra cái “hồn sống” của con người trong mọi thời đại và qua mọi nền văn minh, chứ không nghiêng về cấp tiến hay bảo thủ, phe này hay phe kia.
- Giáo lý viên không phải là người nhắc bảo nhưng trước hết phải là một người làm chứng về Đức Kitô. Nếu Huấn Giáo có mục đích giúp người thụ huấn xác định một chọn lựa, thì đó chính là chọn lựa gắn bó với Chúa Kitô, Đấng cho họ sống và hướng dẫn cuộc sống của họ quy hướng về Ngài. 
- Người trẻ ngày nay bị ảnh hưởng bởi văn hóa vô thần, khơi gợi đủ thứ nghi ngờ. Họ cần những chứng từ sống đức tin của người lớn, của giáo lý viên. Vì thế, nên dựa vào văn hóa của mỗi dân tộc để trình bày những chân lý đức tin cho sống động và dễ hiểu. 
- Cần dựa vào bối cảnh và đời sống cụ thể của con người để trình bày đức tin.
2. Nội dung Tông huấn:
Nét chủ đạo của Tông Huấn Dạy giáo lý là mệnh lệnh của Đức Kitô truyền cho các tông đồ: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy họ tuân giữ các điều Thầy đã truyền dạy anh em”26. Điều này các tông đồ đã thực hiện và Giáo Hội vẫn tiếp tục thi hành qua mọi thời đại. 
Ta có thể nói Tông huấn này là gia sản chung của Giáo Hội, được làm nên bằng những hiểu biết, kinh nghiệm từ bao đời trong việc nuôi dưỡng đời sống đức tin của Dân Chúa.
Ngoài phần nhập đề và phần kết, Tông huấn chia làm 9 chương:

PHẦN NHẬP ĐỀ
Tông huấn nhấn mạnh đến sứ vụ quan trọng của Giáo Hội là truyền giảng Tin Mừng, mà khởi điểm là mệnh lệnh của Đức Kitô cho các tông đồ, đồng thời nói lên sự quan tâm của các Đức Thánh Cha qua những tài liệu hướng dẫn việc dạy giáo lý. Rồi Tông huấn nhắc đến những hoa trái mà Thượng Hội đồng đã gặt hái được dưới sức tác động của Chúa Thánh Thần, sau cùng là niềm mong ước của Đức Thánh Cha cho toàn thể kitô hữu được củng cố đức tin và có sáng kiến gieo rắc niềm vui ơn cứu độ cho thế giới.
CHƯƠNG I - CHÚNG TA CHỈ CÓ MỘT THẦY LÀ ĐỨC KITÔ
Thượng Hội đồng nhấn mạnh tính “quy Kitô” của khoa Huấn giáo. Đối tượng của Đức tin không phải là một bản văn, một giáo thuyết, nhưng là một ngôi vị: Đức Giêsu Kitô, Đấng là đường, là sự thật và là sự sống27, và mục đích của Huấn giáo là làm cho mọi người hiểu biết và thông hiệp mật thiết với Đức Kitô.
Giáo lý không phải là những ý niệm trừu tượng, nhưng là thông truyền các chân lý sống động của Thiên Chúa. Với tư cách là Thầy, Đức Kitô là Giáo lý Viên mẫu mực, Ngài để lại cho chúng ta tấm gương tuyệt hảo về cách thức loan báo Tin mừng qua lời nói, cử chỉ và thái độ đối với mọi người.
Do đó, giáo lý viên không thể truyền đạt những lời nói suông nhưng là người vừa rao giảng, vừa làm chứng bằng cả đời sống theo mẫu gương Đức Kitô.
CHƯƠNG II - MỘT KINH NGHIỆM CỔ XƯA NHƯ GIÁO HỘI
Tông huấn nhắc đến lịch sử việc dạy giáo lý của Giáo Hội từ Đức Kitô đến các tông đồ, và cho đến ngày nay. Điều này cho thấy tính liên tục cũng như nguồn gốc căn bản của việc dạy giáo lý đã được chính Đức Kitô khởi sự và thi hành cách tuyệt hảo qua lời nói, cử chỉ và lối sống của Ngài. 
Tông huấn nhấn mạnh việc dạy giáo lý vừa là một quyền lợi vừa là một bổn phận ưu tiên của Giáo Hội cũng như của mỗi kitô hữu. Hơn nữa giáo lý cần phải được canh tân liên tục để một mặt luôn khám phá ra tính mới mẻ của giáo lý, mặt khác luôn trung thành với Tin Mừng. 
CHƯƠNG III: VIỆC DẠY GIÁO LÝ TRONG HOẠT ĐỘNG MỤC VỤ VÀ TRUYỀN GIÁO CỦA GIÁO HỘI
Việc dạy giáo lý nằm trong hoạt động mục vụ và truyền giáo của Giáo Hội. Đây là một cách loan báo Tin mừng mà mỗi thành viên trong Giáo Hội đều phải học hỏi và thi hành. Việc dạy giáo lý không những cần thiết để củng cố và trưởng thành trong đức tin mà còn để làm chứng nhân cho Tin Mừng Chúa Kitô qua việc tuyên xưng niềm tin, qua những kinh nghiệm sống và qua tình liên đới hiệp thông trong một thân thể duy nhất là Giáo Hội mà Đức Kitô là Đầu.
CHƯƠNG IV - TOÀN THỂ TIN MỪNG NGAY TẠI NGUỒN MẠCH
Nguồn suối của giáo lý là Thánh kinh và Thánh truyền. Lời Chúa chính là sứ điệp Tin Mừng cứu độ phải được thấm nhuần cách sâu xa trong mọi khía cạnh của giáo lý; và Kinh Tin Kính do các tông đồ truyền lại, cũng bắt nguồn từ Kinh Thánh phải nhằm tuyên xưng đức tin và củng cố niềm tin vào Mầu nhiệm Chúa Kitô. Mầu nhiệm này cao cả và phong phú mà Giáo Hội qua mọi thời đại luôn dựa vào Thánh Kinh mà khai triển cho thêm trong sáng và vững chắc. 
Vì Mầu nhiệm Chúa Kitô là Mầu nhiệm rất đa dạng, nên khoa Huấn giáo luôn tìm kiếm những phương pháp thích hợp cho mỗi trình độ, mỗi lứa tuổi để trình bày cách sống động và tốt nhất con người Đức Kitô và Tin Mừng của Người.
CHƯƠNG V - MỌI NGƯỜI CẦN ĐƯỢC HẤP THỤ GIÁO LÝ
Tông huấn nhắc đến từng lứa tuổi, từ trẻ đến già: tất cả cần được hấp thụ giáo lý. Bởi vì giáo lý giúp hoàn thiện mọi sinh hoạt của con người và xã hội.
Trong đoạn cuối, Tông huấn nhắc: “Giáo Hội phải làm sao để không ai cảm thấy mình được miễn học giáo lý, và nhất là những người đang chuẩn bị đảm nhận việc dạy giáo lý…” Những người này cần phải học nhiều hơn cả để có đủ khả năng và bản lãnh chu toàn nhiệm vụ đón nhận từ Giáo Hội.
CHƯƠNG VI - ĐƯỜNG LỐI VÀ PHƯƠNG TIỆN DẠY GIÁO LÝ
Trong thời đại ngày càng phát triển, môn giáo lý cũng phải vận dụng hết mọi điều kiện hiện tại để có thể đáp ứng cách đầy đủ và nhanh chóng nhu cầu của con người. Các phương tiện truyền thông là những dụng cụ thích hợp và hữu ích cho việc giảng dạy giáo lý.
Tuy nhiên, khi sử dụng những phương tiện sẵn có, giáo lý phải luôn giữ được những yếu tố căn bản của đức tin. Vì thế sách giáo lý phải có những tiêu chuẩn sau:
- Sách giáo lý phải theo sát đời sống cụ thể của lớp tuổi mà sách nhắm tới, biết rõ các nhu cầu, các vấn đề của họ.
- Ngôn ngữ diễn tả phải phù hợp với lứa tuổi và trí hiểu của họ.
- Sách giáo lý trình bày đầy đủ và chính xác sứ điệp của Chúa Kitô và của Giáo Hội Người. Không được bỏ sót hay làm méo mó một khía cạnh nào.
- Sách giáo lý giúp người học một sự hiểu biết ngày càng sâu rộng về Đức Kitô và giúp họ cải hóa thực sự và có quyết tâm thay đổi đời sống cho phù hợp với Tin Mừng.
CHƯƠNG VII : DẠY GIÁO LÝ CÁCH NÀO
Qua mọi thời đại, nội dung giáo lý vẫn không thay đổi: đó là Mầu nhiệm Chúa Kitô. Tuy nhiên, cách thế trình bày Đức Kitô phải tùy theo văn hóa, hoàn cảnh sống, trình độ hiểu biết mà dùng những phương pháp khác nhau để việc dạy giáo lý mang lại ích lợi thực sự là làm cho con người khắc cốt ghi tâm Lời của Chúa và lớn lên trong tình hiệp thông với Ngài. 
Do đó, việc dạy giáo lý là một cuộc canh tân tinh thần liên tục và lâu dài, giúp con người đạt đến hạnh phúc toàn diện bằng cách trung thành với Thiên Chúa và với con người trong tình yêu. 
CHƯƠNG VIII : NIỀM VUI CỦA ĐỨC TIN TRONG MỘT THẾ GIỚI KHÓ KHĂN
Thế giới mỗi ngày mỗi có thêm những khó khăn, những lo âu, dẫn đến sự lãnh đạm và coi thường những giá trị tinh thần. Những xu hướng trần tục đang dần làm mất ý nghĩa của tôn giáo, của Phúc Âm. Chính trong thế giới ấy mà giáo lý phải cố đóng trọn vai trò của mình là huấn luyện con người trở thành muối và ánh sáng giữa trần gian. Khoa Giáo lý phải tìm kiếm những ngôn ngữ thích hợp với người nghe mà không bóp méo nội dung.
Nhờ sự quan sát, nhận định chính xác về tâm trạng cũng như những khó khăn của con người thời đại mà khoa giáo lý có thể trả lời và giúp con người tìm thấy chân lý thực sự.
CHƯƠNG IX - NHIỆM VỤ ẤY LIÊN HỆ ĐẾN TẤT CẢ CHÚNG TA
Đức Thánh Cha khuyến khích mọi người có trách nhiệm, từ Giám Mục đến giáo dân, nghĩa là mọi kitô hữu và mọi tổ chức, từ gia đình đến các phong trào lớn nhỏ trong Giáo Hội đều phải hợp tác trong việc dạy giáo lý. 
Một điều khá mới mẻ của Tông huấn là chỗ đứng của giáo dân trong việc dạy giáo lý. Ngài kêu gọi họ đóng góp tích cực vào các sinh hoạt của Giáo Hội. 
Đức Thánh Cha kêu gọi mọi người: tùy theo vai trò và trách nhiệm, mỗi người hãy đáp ứng nhu cầu giáo lý cho những người chung quanh theo mức độ mình có thể.
PHẦN KẾT
Tông huấn lược tóm vai trò của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội: Ngài là người Thầy nội tâm, luôn hướng dẫn, dạy dỗ và biến đổi các kitô hữu trở thành những chứng nhân đích thực của Đức Kitô qua mọi thời, bắt đầu từ con người nội tâm đến khung cảnh gia đình, làng mạc, dân tộc và cả thế giới.
Đức Maria vừa là người dạy dỗ vừa là môn đệ đầu tiên của Đức Kitô. Mẹ vừa là một giáo lý viên sống động vừa là Mẹ và gương mẫu của các giáo lý viên, Mẹ sẽ giúp ta hiến thân trên con đường mến Chúa yêu người.
Tông huấn kết thúc bằng lời cầu xin Chúa Thánh Thần, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria, ban cho Giáo Hội lòng hăng say trong việc dạy giáo lý là sứ mệnh cốt yếu của Giáo Hội.