• Trang chủ

PHƯƠNG PHÁP TỔ CHỨC NHÂN SỰ ÁP DỤNG VÀO VIỆC ĐIỀU HÀNH ĐOÀN

“Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta” (Ga 10,14)

DẪN NHẬP
Phương pháp hàng đội trong phong trào Thiếu nhi Thánh Thể là một phương pháp giáo dục tự nhiên giúp các em tự tin, có tinh thần đồng đội, trách nhiệm tự quản và chăm sóc lẫn nhau, đồng thời giúp việc tổ chức và giáo dục đạt hiệu quả cao. Như vậy, mỗi đội trưởng trong phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể cũng là nhà lãnh đạo nhỏ. Nếu các đội trưởng không được huấn luyện thì sẽ ảnh hưởng không tốt đến các thiếu nhi khác.
Lãnh đạo là một nhiệm vụ khó khăn và nặng nhọc:
Lãnh đạo phải sống sao cho người ta lắng nghe và đi theo vì người ta khám phá nơi bạn một sức mạnh nội tâm mà không gì có thể hủy diệt.
Lãnh đạo là một nhiệm vụ cao quí, vì vậy người trưởng cần có đời sống thiêng liêng sâu sắc: biết làm việc tốt và cuốn hút người khác làm những việc tốt như mình.
Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu là gương mẫu cho chúng ta về nhà lãnh đạo tài ba, nhân hiền và đầy lòng thương xót. Ngay từ những giây phút đầu rao giảng, Chúa Giêsu đã có các tông đồ bên cạnh. Trên đường rao giảng, Ngài không ngừng dạy dỗ để họ có thể kế tục sự nghiệp cứu độ của Ngài và làm cho danh Cha cả sáng.
I. KHÁI NIỆM VỀ ĐỘI NGŨ
1. Con người ưu tiên hàng đầu .
Con người là yếu tố vô cùng quan trọng quyết định sự thành công hay thất bại của tổ chức. Chính vì vậy trong chiến lược xây dựng và phát triển một tổ chức các nhà điều hành cần phải đặt mối quan tâm về con người lên hàng đầu.
Người lãnh đạo phải thuyết phục và bảo đảm những thành viên tích cực và tận tâm rằng: Thiện chí của họ được định hướng đúng và người lãnh đạo luôn  trân trọng và đánh giá đúng giá trị cũng như thành quả của họ.
Trong đoàn Thiếu nhi Thánh Thể, các huynh trưởng cần hiểu biết và luôn tâm niệm: mỗi người có đặc sủng và nhiệm vụ phụng sự khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí, không ai ít giá trị hơn ai.
• Thánh Phaolô nói: người thì được Thần Khí ban cho ơn khôn ngoan để giảng dạy, người được ơn hiểu biết để trình bày, người được ơn chữa lành bệnh, người nói tiếng lạ, người giải thích tiếng lạ… Nhưng chính Thần Khí duy nhất làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách tuỳ theo ý của Người (1Cr 12, 4-11).
• Khi ý thức điều này, các thành viên sẽ không tranh chấp và giành quyền lợi cũng như địa vị cao thấp mà chung sức hy sinh tích cực đóng góp vì lý tưởng chung.
• Các huynh trưởng cũng nên nhớ: Người có quyền đánh giá mọi hoạt động của ta là Thiên Chúa, chính nhà lãnh đạo uy quyền này luôn định hướng đúng và đánh giá đúng những thành quả của mỗi người. Do đó chúng ta đừng tranh giành để được khen thưởng hay tệ hơn đừng tìm cách chiến thắng kẻ khác, nhưng làm sao chiến thắng được chính mình, chiến thắng những cám dỗ về địa vị và quyền lợi, hãy quyết tâm đem Chúa cho các em thiếu nhi, nghĩa là đạt thành quả tốt đẹp trong công tác được giao: đó mới chính là một đội ngũ đúng nghĩa.
2. Sức mạnh của đội ngũ
Dân gian thường nói: “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Có những việc mà một người không thể làm nhưng với sức mạnh của tập thể họ đạt những thành tựu bất ngờ. Tuy nhiên cần phân biệt: Tập hợp các cá nhân không thể xem là một đội ngũ khi họ không có kỹ năng, như vậy không thể kỳ vọng họ đạt những mục tiêu của một tổ chức.
Một đội ngũ khi biết chung sức, có thể đạt những thành tựu đáng kinh ngạc. Họ phải thể hiện sự thống nhất về mục đích, sự phối hợp đồng bộ giữa các thành viên và đối với một số người thì họ còn là biểu hiện của sự bình đẳng.
Mỗi tổ chức phải lưu ý những điểm sau:
Các thành viên chính là cội nguồn thành công, họ phải tận tâm với các mục tiêu chính của đội ngũ. Và, để họ có thể duy trì được tinh thần và động lực làm việc tích cực, trưởng nhóm phải tạo cơ hội để các thành viên thể hiện năng lực bản thân.
Công việc của thành viên phải mang tính thách thức khả năng và luôn tiến triển theo thời gian.
Quản lý hiệu suất làm việc là một hệ thống bao gồm nhiều hoạt động như thiết lập mục tiêu, theo dõi những sự thay đổi, huấn luyện, khích lệ, đánh giá, và phát triển nhân viên. Những việc này đòi hỏi sự tương quan mật thiết giữa nhà quản lý và nhân viên. Do đó việc đầu tiên phải làm là xây đựng đội ngũ.
II. XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ
1. Lựa chọn đội ngũ
Đây là việc rất quan trọng: Chúa Giêsu đã lên núi cầu nguyện trước khi chọn lựa các tông đồ. (Lc 6,12-16). Đến sáng, Người gọi các môn đệ lại, chọn lấy 12 ông gọi là Tông đồ, đó là Simon gọi là Phêrô….
Ngoài đời các cơ quan tuyển nhân viên theo bằng cấp và khả năng chuyên môn. Đa số người được chọn thường đạt những tiêu chuẩn, theo yêu cầu của công việc.
Họ giống như những viên gạch mẫu đúng loại, đúng kích thước.
Ở giáo xứ không được như vậy, một tập thể thường gồm các tình nguyện viên ở các độ tuổi và những trình độ khác nhau. Đó là những viên đá ghồ ghề khi to, khi nhỏ, khi tròn, khi dài. Việc quan trọng đối với người trưởng là biết xây dựng một thành luỹ không phải bằng những viên gạch chuẩn nhưng bằng những viên đá gồ ghề đó, vì vậy cần phải khéo léo kết hợp họ lại, bằng chính tình yêu thương chân thành và bằng lý tưởng, sứ mệnh chung là theo gương Chúa Giêsu phục vụ các thiếu nhi. Tuy nhiên nếu các tình nguyện viên có quá nhiều khiếm khuyết không thể khắc phục được, tốt hơn bạn nên hướng dẫn họ vào một đoàn thể khác, thích hợp với họ hơn. Thánh Phaolô có những tiêu chuẩn nghiêm khắc: “Người giám quản cần phải đứng đắn hiếu khách và có khả năng truyền giảng không được hay gây sự,… các trợ tá là người đàng hoàng biết giữ lời hứa không rượu chè say sưa” (1Tim,3).
Theo tài liệu Hướng Dẫn dành cho Giáo lý viên: “huynh trưởng-Giáo lý viên phải trưởng thành về mặt nhân bản” có nghĩa là có sự quân bình tâm sinh lý, sức khỏe tốt, có trách nhiệm, thật thà, năng động, đạo đức trong sinh hoạt nghề nghiệp và gia đình, có tinh thần hy sinh v.v… Kế đến, giáo lý viên cần có khả năng thích hợp cho công tác như dễ dàng tiếp xúc gặp gỡ, làm việc chung với người khác, phán đoán minh bạch, hiểu biết và thực tế.
Tốt nhất là chọn những người năng động, những người mà tự bản thân họ đã có động lực thúc đẩy. Bạn có thể nhận biết sự năng động qua thái độ lạc quan, tự tin, và sẵn sàng đón nhận thử thách. Những người này chỉ cần bạn giao phó công việc đúng với khả năng, hỗ trợ những nguồn lực phù hợp, thì họ sẽ hoàn tất công việc cách hiệu quả.
Nếu bạn khởi sự với những con người phù hợp với công việc, bạn sẽ dễ thành công. Đội ngũ sẽ tăng thêm sức mạnh khi có những thành viên tài giỏi .
Có trưởng rất sợ người khác hơn mình, nên chỉ chọn những người ngoan ngoãn dễ khuất phục, như vậy đội ngũ sẽ sớm đi xuống và thất bại vì không có sáng kiến, vì ý tưởng quá nghèo nàn và đơn điệu. Bất cứ tập thể nào cũng cần đa dạng và sự đóng góp tài sức của các thành viên. Vì vậy nên chọn những thành viên với những khả năng khác nhau có thể bổ sung cho nhau. Không nên sưu tập các ngôi sao tài năng nhưng thích tranh  nhau để trở thành siêu sao.
Vẫn biết: “Bá nhân bá tánh”, nhiều người càng có nhiều mâu thuẫn nhưng trưởng sẽ không dễ bị khuất phục trước một người nào đó có cá tính mạnh.
2. Vai trò các thành viên
Để có một đội ngũ tốt cần hội đủ các vai trò :
Người lãnh đạo là người hướng dẫn thành viên không lạc mục tiêu, hỗ trợ cho các thành viên đạt hiệu quả tối đa và hoàn tất công việc xuất sắc.
Người sáng tạo, thông minh, có óc sáng kiến, tìm cái mới nhưng luôn tuân thủ các luật lệ. Biết phê bình, phân tích các ý kiến khách quan và lôgích.
Người thực hiện: biến tư tưởng thành hành động, lên kế hoạch, xác định thời hạn và chỉ tiêu công việc.
Người đôn đốc: trực tiếp giám sát mức độ tiến hành công việc, tạo bầu khí thi đua trong tinh thần “chung sức vì việc chung”.
Người tháo vát biết tháo gỡ các vướng mắc, và tìm cách nối kết các ý kiến.
Người phối hợp: nhạy cảm với nhu cầu của thành viên, giữ cho mối tương quan giữa các thành viên luôn hài hòa.
Người hoàn tất: nhắc nhở các thành viên đóng góp vào mục tiêu chung.
3. Huấn luyện
Bất kỳ công ty nào cũng đều chú trọng đến việc phát triển nguồn nhân lực.
Công tác huấn luyện rất quan trọng: Ở các cơ quan mặc dù các thành viên được tuyển chọn là những người đáp ứng những chuẩn mực đề ra, nhưng khi được phân công vào chuyên ngành vẫn cần được huấn luyện.
a. Đạo đức và kiến thức
Một người tài giỏi thông minh nhưng thiếu đạo đức sẽ càng nguy hiểm cho xã hội. Tiến bộ khoa học không đi đôi với tiến bộ về đạo đức sẽ dẫn thế giới đến hủy diệt.
Ở giáo xứ, để thành lập xứ đoàn trước hết phải huấn luyện đội kiểu mẫu, các đội trưởng, nếu được huấn luyện đúng, sẽ là những nhà lãnh đạo nhỏ và những tông đồ nhiệt thành. Các huynh trưởng cần phải được huấn luyện toàn diện và chuyên biệt về kiến thức tôn giáo, đạo đức, tâm lý giáo dục, sư phạm, chuyên môn.
Từ ngày tái thành lập liên đoàn đã tổ chức rất nhiều sa mạc huấn luyện. Thông thường có các khóa huấn luyện về mọi lĩnh vực cho huynh trưởng giáo lý viên các cấp ở giáo phận, các sa mạc riêng cho huynh trưởng ba ngành Ấu, Thiếu, Nghĩa. Ngoài ra còn có các buổi thường huấn cho các huấn luyện viên.
Ở xứ đoàn cần tổ chức các khóa huấn luyện tông đồ đội trưởng, dự trưởng và các khóa chuyên biệt: khóa sư phạm giáo lý, tâm lý cho các lứa tuổi, các sinh hoạt kỹ thuật chuyên môn ...  Những buổi họp hàng tuần là những buổi huấn luyện thường xuyên cho các huynh trưởng nhất là trong hoàn cảnh hôm nay, mỗi huynh trưởng còn phải đảm trách việc dạy giáo lý cho các em.
Các huynh trưởng cũng được nhắc nhở, hướng dẫn tự rèn luyện và đào sâu kiến thức. Những tài liệu này có thể tìm thấy ở văn phòng Ban mục vụ thiếu nhi.
b. Tinh thần đồng đội hay đời sống cộng đồng
Muốn đạt kết quả tốt ngay từ đầu các trưởng phải tạo được:
Bầu khí yêu thương: thật sự trong tình liên đới. Yêu thương là lệnh truyền của Chúa. Khi sống chan hòa yêu thương mọi người sẽ tương trợ nhau trong công việc.
Khi thành công họ hiểu rằng đó là kết quả của tập thể: “Tôi trồng anh tưới, nhưng Chúa mới cho mọc lên”. (1Cr 3,8)
Khi thất bại cùng chung chia trách nhiệm, không đổ lỗi cho riêng ai, các thành viên phải biết liên đới để cùng bắt đầu và lại bắt đầu.
Tín nhiệm lẫn nhau trong chân thành và trung thực. Chân thành sống đúng con người của mình không che đậy, không thổi phồng. Chúa dạy: “Có thì nói có, không thì nói không” (Mt 5,33-37). Trung thực: không làm việc  theo kiểu đối phó. Chỉ làm việc khi có cha hay bề trên.
Dám góp ý sửa sai cho tập thể trong sự kính trọng và yêu mến. Hy sinh vì lý tưởng cao đẹp: Việc của các huynh trưởng là việc không lương. Những hy sinh hôm nay, sẽ được thưởng công mai sau trên trời mà thôi. “Cáo có hang, chim trời có tổ, Con Người không có chỗ tựa đầu” (Mt 8,20). Do đó các trưởng cần:
Trưởng thành trong công việc: Ý thức tự giác và tinh thần trách nhiệm, tích cực, chủ động, sáng tạo vì sự tồn tại và phát triển của đoàn. Nếu áp dụng triệt để phương pháp hàng đội trong sinh hoạt sẽ đào tạo những thành viên trưởng thành có tinh thần đồng đội tuyệt hảo.
III. SINH HOẠT CỦA ĐOÀN
1. Phân công
Để có thể thành công trong trách vụ của mình, trưởng cần phải biết mọi vấn đề liên quan đến công việc của mình với nguyên tắc “Không phải làm gì cả, nhưng có thể làm được tất cả”. Dù giỏi mấy, một người cũng không thể làm hết mọi việc, luôn cần sự hỗ trợ của các thành viên trong đội.
Để phân công đúng, đừng quên nguyên tắc vàng. Chúa nói: “Chiên của Tôi thì nghe tiếng Tôi, Tôi biết chúng và chúng theo Tôi”.
Biết là điều kiện để thành công. Phải biết: Xem người, xem hoàn cảnh, xem việc. Người quản trị nhân sự phải biết rõ khả năng của từng người, biết rõ về tính tình, lý lịch, người dưới quyền.
Nhất là tìm hiểu hoàn cảnh hiện tại để xếp đặt công việc, chương trình cho thích hợp, để phân công đúng người, đúng vị trí phù hợp với khả năng, giúp họ đạt kết quả tốt. Thí dụ: Có trưởng đủ tài đức nhưng vì hoàn cảnh gia đình và thời gian, ta không thể nài ép họ tham gia.
Giao nhiệm vụ cho thành viên phù hợp với những mặt mạnh và điều kiện thời gian của họ. Có người không muốn phân công vì không chấp nhận người khác, và cũng không muốn chia sự thành công cho bất cứ ai. Thật ra, người trưởng phải biết công nhận những tài năng cá biệt và động cơ của mỗi thành viên để sắp xếp con người và công việc cho hợp lý. Đừng quên: Biết phân công là cơ hội giúp mình và những người khác thăng tiến. Những thử thách là cơ hội kích thích họ phát huy tài năng.
Trong Cựu Ước, lúc đầu Môsêâ cố gắng tự giải quyết mọi vấn đề nhưng không xuể, về sau chính ông bố vợ là Jethro gợi ý cho ông chọn lựa một đội ngũ gồm những người có khả năng và giao cho họ trách nhiệm giải quyết các công việc từ đó dòng người chờ đợi ông trước lều không còn nữa. (Xh 18,21-24).
Trưởng biết trao quyền cho những thành viên, cho phép họ hoạt động, tạo điều kiện tốt, xây dựng cho họ những kỹ năng cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ, và cho họ cơ hội nâng cao những kỹ năng để phù hợp với những công việc có qui mô lớn. Không thể nào có tiến bộ nếu bạn không biết khai thác khả năng tối đa của mỗi người. Hãy thách thức họ trong một vài trường hợp đặc biệt, trong các công tác đa dạng của xứ đoàn từ chuyện học đến chuyện giải trí: các sa mạc huấn luyện, các chuyến dã ngoại, giao lưu, các lễ hội, các sinh hoạt hè, văn nghệ, thi đua, chiến dịch….
2. Quản lý công việc  
Vậy nhà quản lý giỏi không chỉ đạt được mục tiêu của phòng ban, mà còn phải có được sự nể trọng và tin tưởng của nhân viên cấp dưới thông qua những hoạt động hiệu quả sau đây:
+ Duy trì được chuẩn mực cao cho bản thân và cho cấp dưới
+ Trao quyền và phát triển nghề nghiệp cho nhân viên cấp dưới
+ Thừa nhận những đóng góp của người khác
+ Đón nhận ý kiến phản hồi khách quan
+ Khen thưởng cho hiệu suất làm việc tốt
+ Quan tâm đến mục tiêu cá nhân của cấp dưới
Theo cách hiểu thông thường thì chu kỳ quản lý hiệu suất làm việc bắt đầu từ việc thiết lập mục tiêu, sau đó là theo dõi tiến trình thực hiện và cuối cùng là đánh giá, thường là trong cuộc họp.
a. Thiết lập mục tiêu
Sự đóng góp của thành viên: Các thành viên cần biết công việc của mình. Trong nhiều trường hợp, việc truyền lệnh, phổ biến yêu cầu cho nhân viên không đem lại hiệu quả cao so với việc gợi ý, để nhân viên được tự do phát huy nhiều hơn trong suy nghĩ, hành động và đóng góp cho kế hoạch làm việc. Thí dụ bạn ra chiến dịch trong mùa Giáng sinh, trong buổi họp, hãy cùng nhau thảo luận, lắng nghe những ý kiến đóng góp.
Khi bạn và các thành viên đạt được sự nhất trí, hãy ghi chép những kết luận trong biên bản chính thức gồm các chi tiết :
- Thời gian họp
- Các điểm chính được hai bên nêu ra
- Các mục tiêu mà nhân viên đồng ý theo đuổi
- Những gì nhân viên sẽ làm để đạt được mục tiêu
- Mô tả bất kỳ hình thức huấn luyện hay đào tạo nào mà bạn đồng ý hỗ trợ
- Ngày đánh giá chính thức hiệu suất làm việc của nhân viên.
Tránh trường hợp chỉ hợp đồng miệng rồi bỏ qua.
b. Ra quyết định:
Trưởng phân chia công việc rõ ràng cho người thừa hành đúng với khả năng của họ. Làm cho họ hiểu vai trò, công việc của họ là gì, họ có khả năng thực thi vai trò đó. Chúa Giêsu sai các môn đệ lên đường với những chỉ dẫn rõ ràng. “Huấn luyện, ban cho quyền trừ quỷ, đi từng hai người, không mang gì trừ gậy…”(Lc 9,1-5)
Hãy giao việc, đề ra chỉ tiêu, xem xét kết quả và xác định tiến trình công việc.
c. Xác định chỉ tiêu và thời gian
Trưởng cho biết thời gian bắt đầu và hoàn tất. Xác định mức độ để căn cứ vào đó mà đánh giá kết quả tốt hay xấu. Chỉ tiêu phải hội các điều kiện :
- Có thể đạt được, không quá cao
- Có khả năng kích thích, không quá thấp. Những thách thức chính là cơ hội cho thành viên  phát triển
- Phổ quát cho mọi thành viên có thể thực hiện. Loan báo chỉ tiêu và giải thích tường tận
3. Theo dõi tiến trình thực hiện:
Sau khi đã thống nhất và ra quyết định thực hiện chương trình, trưởng cần bảo đảm các thành viên thực hiện đúng kế hoạch để mọi việc không bị chệch hướng.
Theo dõi, nhắc nhở khôn khéo, tránh xâm phạm vào lãnh vực mình đã trao trách nhiệm, hãy để họ làm việc theo cách thức và phương pháp của họ.
Tuy nhiên không nên có thái độ lơ là theo kiểu đem em bé bỏ xuống nước mà không dạy bơi. Không thể bắt một tân huynh trưởng đứng lớp khi chưa được trang bị kiến thức đầy đủ và chưa có cơ hội thực tập. Xứ đoàn nên tổ chức những buổi dạy mẫu, dự giờ và khéo léo phê bình để giúp các tân huynh trưởng đứng lớp.
Huynh trưởng không phải chỉ để sai vặt hay chỉ lo sinh hoạt vui nhộn. Nhiều xứ đoàn người ta chia ra: anh chị lớn lo giảng bài còn huấn luyện chuyên môn, dạy sinh hoạt thì trao cho các em hay ngược lại.
Trong tinh thần hòa đồng vui vẻ, người trưởng năng kiểm soát công việc và có thể tiếp tay mọi việc nếu thấy trục trặc, ngưng trệ, thiếu sót để có thể đóng góp và quyết định kịp thời, chuẩn xác.
4. Báo cáo công tác:
Các buổi họp theo phương pháp giáo dục của phong trào rất cần thiết và mang tính bắt buộc đối với mọi thành viên. Các huynh trưởng báo cáo việc mình đã làm, chưa làm hoặc không thực hiện được, góp ý thảo luận.
Vào một thời điểm đã xác định, thí dụ cuối giai đoạn một của chiến dịch, các trưởng ngồi lại cùng nhau đánh giá mức độ thực hiện, xét theo các mục tiêu đã định. Sau đó bàn bạc về các mục tiêu mới. Đây là kết thúc tự nhiên của một chu kỳ quản lý hiệu suất làm việc và bắt đầu cho một chu kỳ mới. Tuy nhiên, giữa điểm bắt đầu và kết thúc này, trưởng có nhiều cơ hội để can thiệp tích cực thể hiện qua những lần kiểm tra định kỳ.
5. Đánh giá kết quả:
Khi trưởng làm việc theo nguyên tắc tôn trọng và  bình đẳng sẽ phát sinh những thành viên trung thành, nhiệt tình và làm việc có hiệu quả.
Cần giải quyết những bất công cũng như  tặng thưởng xứng đáng một cách nhanh chóng.
a. Trường hợp thành viên không đạt yêu cầu
Phải giải quyết ngay, không có thái độ tránh né như “đà điểu thấy nguy hiểm vùi đầu trong cát”. Một thành viên làm sai, nếu không chận đứng, sẽ tạo thói quen vô tổ chức, vô trách nhiệm cho toàn bộ tập thể.
Cách giải quyết: Mỗi vấn đề đều có nguyên nhân, tìm ra nguyên nhân trước khi có biện pháp. Hãy nhớ giữ gìn phẩm giá và lòng tự trọng của cấp dưới bằng mọi giá, ngay cả khi bạn phải phê bình hiệu suất làm việc của họ. Bạn không thể khích lệ nhân viên nếu bạn tước bỏ phẩm giá của họ: khen ngợi trước mọi người nhưng gặp riêng để phê bình. Sự xúc phạm đến phẩm giá cấp dưới thường hủy hoại động lực làm việc của người ấy.
Phê bình: Gặp riêng, lắng nghe họ trình bày có thể ta sẽ tìm ra nguyên do những sai trái và có hướng giải quyết. Chỉ khi nào trầm trọng mới đưa ra hội đồng.
Tìm một quyết định tích cực.
b. Khen thưởng
Quản lý công việc còn để phát hiện và tích cực khuyến khích thưởng công cho những hành động tốt có tính chất xây dựng.
Như vậy, không chỉ làm người khác dễ chịu mà còn góp phần xây dựng mục tiêu chung nhờ làm tăng lòng trung thành và hiệu suất làm việc của nhân viên.
Có hai loại phần thưởng: tinh thần và vật chất. Phần thưởng tinh thần không thể định lượng được nhưng đem lại sự thoả mãn cá nhân như ý thức thành đạt, sự cảm nhận công việc của mình thành công và được đánh giá tốt. Phần thưởng vật chất là hình thức công nhận cụ thể như tăng lương, thăng tiến, tiền thưởng…
Cả hai loại phần thưởng này đều hiện diện trong hệ thống quản lý hiệu suất làm việc như giáo sư Brian Hall của Đại học Kinh doanh Harvard nói: “Nhân viên được thúc đẩy bởi cả phần thưởng tinh thần lẫn vật chất”.
Công ty Continental Airlines tặng mức thưởng đầu tiên là 65 đôla cho ai hoàn thành chỉ tiêu đúng thời hạn, và cứ thế mức thưởng tăng dần.
Có một câu hỏi được đặt ra: có nên trả lương cho huynh trưởng-Giáo lý viên?
Frederic Hertzberg nhận xét: Đồng tiền có thể là một động lực mạnh, nhưng nó lại thường thúc đẩy những hành vi sai trái -chẳng hạn như khuyến khích nhân viên xem thường nguyên tắc đạo đức miễn sao kiếm được nhiều tiền thưởng- và không xây dựng sự tận tâm.
Vì vậy huynh trưởng, ý thức sứ mạng mang tính siêu nhiên của mình, sẽ không cần phần thưởng nào hơn là biết mình đang thực hiện và hoàn thành tốt thánh ý Chúa. Nhưng không vì vậy mà không khen thưởng. Động lực thúc đẩy mạnh nhất thường là phần thưởng tinh thần. Phong trào cũng cần khuyến khích bằng phần thưởng hoặc hình thức nào mang tính tinh thần, nhờ đó các thành viên tự đánh giá mức độ nỗ lực và thành công của mình.
IV. ĐỨC TÍNH  TỐT CỦA NHÀ QUẢN LÝ
1. Lúc bình thường
Để thành công người lãnh đạo cần trang bị những kiến thức cần thiết, những kỹ năng cơ bản như: giao tiếp, quản lý, phát triển nhóm… trau dồi những đức tính nhân bản và những nhân đức, cao trọng nhất là Đức ái. Thánh Phaolô nói “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai  yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật” (Rm 13,8).
Một người trưởng cần phải :
+ Bao dung độ lượng: vì đó là hành động có tính thuyết phục nhất. Đừng bỏ qua những nhu cầu cảm xúc của từng người, Chúa Giêsu luôn săn sóc từng con chiên. “Hãy đối xử với tha nhân theo cách ngươi muốn người ta đối xử lại với mình”.
+ Khiêm tốn: Người lãnh đạo cần ý thức rằng: chức vụ quyền hành là để phục vụ tha nhân chứ không để phục vụ cá nhân mình. Chúa Giêsu nói: “Thủ lãnh các dân thì lấy quyền mà thống trị, những người làm lớn thì dùng uy quyền mà cai quản dân.. Giữa anh em không được như vậy : Ai muốn làm lớn thì phải làm người phục vụ ….” (Mt 20,25-27). Trưởng phải luôn cư xử hiền hòa với mọi người, cả với người đồng cấp hay người dưới cấp.
a. Với ban chấp hành: Có tinh thần đoàn kết hợp tác. Luôn tươi vui, niềm nở lắng nghe, tìm hiểu, cảm thông. Bàn bạc trước khi ra quyết định. Luôn nêu cao tính công ích, khi quyết định.
b. Với người dưới cấp: Có tinh thần của một trưởng đúng nghĩa với ý muốn dìu dắt đàn em  nên tốt. Giao việc hợp  khả năng. Khi giao việc, nhắc lại những nỗ lực đã thực hiện để bàn đến những việc sắp làm.
Không ép các thành viên vào việc ngoài khả năng. Khi thử thách cũng cần bàn luận trao đổi trước. Khuyến khích khi trao nhiệm vụ khó khăn, nên nhớ là khuyến khích chứ không áp đặt.        
Lắng nghe tâm tư nguyện vọng của các thành viên trong những buổi họp đoàn, họp ngành nhất là trong những lần tiếp xúc cá nhân.
Luôn chính trực không thiên vị ai. Tránh thái độ cửa quyền nhưng kiên quyết và khéo léo khi truyền đạt một quyết định. Thay cách nói “Hãy làm” bằng cách nói “Chúng ta cùng làm”.
2. Lúc gặp khó khăn
Không nên có: Những thái độ hốt hoảng, thiếu bình tĩnh. Bi quan, chán nản, phóng đại cái khó phải vượt qua. (Chúa Giêsu và các môn đệ trước sóng to gió lớn).
Nhưng: Cầu nguyện để tìm ý Chúa, và can đảm sống Lời Chúa. Can đảm chấp nhận mọi hy sinh và luôn bình tĩnh vượt qua thử thách. Can đảm nhận trách nhiệm xem ra khó thực hiện, biết khiêm tốn nhận những bất toàn của mình, khôn ngoan bàn hỏi với cấp trên, trưởng phụ trách, cha Tuyên úy…..
V. PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ LÃNH ĐẠO
1. Chuẩn bị đội ngũ kế thừa
Đây là việc quan trọng mà các trưởng thường quên, việc phát triển đội ngũ là việc có ý nghĩa sống còn của một tổ chức. Hãng phần mềm Trilogy phân công cho một nhân viên cũ bảo trợ một nhân viên mới, nếu đạt kết quả sẽ được thưởng 1.000 đô la, nhưng nếu thất bại sẽ bị trừ 4.000 đô la.
Một nhà lãnh đạo tốt luôn coi trọng thành công của tổ chức hơn lòng tự tôn vì vậy họ ước muốn cho người nối nghiệp thành công hơn mình. Công ty Pepsico đào tạo hơn 1.500 nhà quản lý tại nhà nghỉ trên quần đảo Cayman
Một tổ chức sẽ không phát triển, không tồn tại nếu người trưởng không trao quyền cho người kế nhiệm đã được phát triển đầy đủ và biết chia sẻ sứ mệnh.
Có những sự kiện khẩn cấp và bất ngờ có thể xảy ra. Trong mọi tình huống, người lãnh đạo cần chuẩn bị người thay thế mình, khi phải vắng mặt đột xuất hoặc theo thời gian ấn định trước, như sau một nhiệm kỳ chẳng hạn, cốt sao cho công việc chung không bị đình trệ.
Như vậy người lãnh đạo trong khi thi hành nhiệm vụ sẽ huấn luyện cho người thừa hành bằng cách chia sẻ công việc và hướng dẫn họ thực hành. Thường xuyên đánh giá khả năng người kế tục. Tận tâm hướng dẫn và chỉ bảo là chìa khoá để phát triển những người lãnh đạo tốt cho tương lai. Môsê từng dạy bảo cho Giôsuê trong Lều Hội Ngộ (Xh 33,9-11).
Ngay từ đầu sứ vụ, Chúa Giêsu đã có các tông đồ bên cạnh. Ngài không ngừng huấn luyện các ông. Ngài đã chuẩn bị cho lực lượng kế thừa. Trong Tin Mừng ta có thể đoán ra ý định của Chúa Giêsu: Ngài thường nói chuyện với các tông đồâ và Phêrô cũng thường đại diện anh em để thưa chuyện với Chúa. Trong danh sách các tông đồ Phêrô được nhắc tên đầu tiên.
Trong các sách Tin Mừng tên Simon Phêrô được nhắc đến 184 lần, các tông đồ khác thì rất ít ngay cả thánh Gioan tông đồ chỉ được nhắc đến 30 lần.
Chúa có vẻ lưu ý đặc biệt Simon, Ngài đã chọn thuyền của Simon để ngồi giảng dạy và tiên báo Simon sẽ là kẻ chài lưới người (Lc 5, 3-8). Ngài hứa cầu nguyện cho Phêrô để khi chỗi dậy ông làm kiên vững anh em
Trong vườn cây dầu, giữa cơn đau đớn tột cùng, Chúa hỏi Phêrô: Anh em không thể canh thức với Thầy một giờ sao? (Mt 26,40-41). Huynh trưởng giáo lý viên không là những người làm thuêâ nhưng được cộng tác vào việc làm sáng danh Chúa, việc rao giảng Tin Mừng, là việc phải thực hiện dài dài cho đến khi Chúa đến.
Là người kế tục sứ mạng của Chúa, huynh trưởng sẽ học hỏi nơi Chúa Giêsu, cũng sẽ chuẩn bị cho đàn em thực hiện tốt sứ mạng kế thừa. Vì vậy liên đoàn không ngừng huấn luyện các huynh trưởng huấn luyện viên.
2. Sự chuyển giao công tác
Nhà lãnh đạo sẽ chuyển giao từ từ, để thế hệ lãnh đạo kế tiếp có sự phát triển đầy đủ và nối nghiệp thành công. Ta hãy xem sự ra đi của Môsê khi trao việc lại cho Giôsuê, đó là một cuộc chuyển giao thật tốt đẹp trong Cựu Ước: Khi ông được 120 tuổi, biết mình không thể sang qua sông Giođan vào Đất Hứa, ông nói với ông Giôsuê trước mặt toàn thể Israel “Mạnh bạo lên, can đảm lên! Chính anh sẽ cùng với dân này vào đất Đức Chúa đã hứa. Chính Người sẽ ở với anh” (Đnl 34, 7). Ông Giôsuê đã được đầy thần khí khôn ngoan vì ông Môsê đã đặt tay trên ông.
Không tham quyền cố vị nhưng sẵn sàng rút lui khi cảm thấy những người kế thừa đã đủ khả năng “Khi các hoa trái có khả năng làm nhiều điều tốt đẹp và hữu ích hơn cả cây sản sinh nên chúng, thì chúng đang làm tôn vinh chính cây đã sản sinh nên mình” (Ga 14,11-14).
Kết luận :
Đoàn Thiếu nhi Thánh Thể sẽ tồn tại và phát triển nếu mỗi thành viên được huấn luyện: trưởng thành trong nhân bản và trong đức tin, luôn quảng đại hy sinh, phục vụ trong khiêm tốn, nhiệt thành và bao dung.
Tuy là người lãnh đạo, Chúa Giêsu luôn phục vụ:“Con người đến không để được phục vụ nhưng để hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn dân” (Mc 10,45).
Cuối năm phụng vụ, Giáo hội mừng lễ Chúa Giêsu Kitô Vua vũ trụ. Trong bài Tin mừng chúng ta được xem hình ảnh một vị vua, không cẩm bào, không vương miện chịu chết trần trụi trên thập giá. Vua ở đây được hiểu là Vua Tình thương, Vua của sự trao ban và tha thứ. Nhà lãnh đạo ở đây là một Mục Tử nhân lành, hy sinh mạng sống cho đàn chiên.
Huynh trưởng hãy bắt chước gương của Chúa Giêsu nhà lãnh đạo khôn ngoan, tài ba, nhưng hiền lành và có trái tim biết thương cảm này: “Ai muốn làm đầu phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn dân” (Mt 20,25-28)