• Trang chủ

PHƯƠNG PHÁP HUẤN LUYỆN SIÊU NHIÊN CỦA PHONG TRÀO THIẾU NHI THÁNH THỂ

Mục đích của việc giáo dục TNTT cốt để giúp các em đạt tới mức trưởng thành về thể chất và tinh thần. Để được như vậy phải có thời gian, việc giáo dục thường tiệm tiến trải qua những giai đoạn khác nhau cả về mặt sinh lý lẫn phương diện lý trí và đời sống tâm linh.

Về mặt sinh lý, giúp cho các em vui sống, phát huy các tiềm năng vốn có nơi mỗi em. Về mặt tâm linh, giúp các em đi vào mối tương quan thân tình và sống hòa hợp với Chúa và với anh chị em. Phương pháp siêu nhiên TNTT nhằm giáo dục các em về đời sống tâm linh.
Phương pháp siêu nhiên đặt nền trên hai bàn tiệc là Lời Chúa và Thánh Thể. Thánh Kinh và Thánh Thể là hai bàn tiệc nuôi dưỡng đời sống tâm linh cũng như hướng dẫn công tác giáo dục.
1. Ngày Thánh Thể .
Cộng đoàn tín hữu đầu tiên đã tồn tại là nhờ chuyên cần nghe các tông đồ giảng dạy và siêng năng tham dự lễ bẻ bánh. Nhờ vậy, mọi thành phần trong hội thánh hiệp thông với nhau một cách sâu xa, trở nên một lòng một ý. Yếu tố sâu xa giúp họ trở nên một và đồng tâm nhất trí với nhau đó chính là Thánh Thể. Quả thế, Thánh Thể có một tầm quan trọng, sức mạnh và ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tâm linh của mỗi người kitô hữu.
Phong trào TNTT đã xoáy vào nét trọng tâm này: Phong trào quy tụ các em quanh Chúa Giêsu Thánh Thể nhằm giúp các em nên người Kitô hữu, biết yêu thương và phục vụ. Đưa các em đến với Chúa Giêsu để chính Chúa Giêsu huấn luyện các em..
Tham dự Thánh lễ và rước lễ là lúc các em đi vào huyền nhiệm của tình yêu Ba Ngôi và trở nên một trong tinh thần với Người. Từ đó các em sẽ chuyên cần cầu nguyện, vui vẻ làm việc và mau mắn chu toàn bổn phận. Thông qua những việc ấy giúp các em kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể cách mật thiết hơn. Do vậy, phải giúp các em ý thức về giá trị và tầm quan trọng của giờ cầu nguyện. Hơn nữa Thánh lễ, rước lễ chính là lúc các em sống mối tương quan với Chúa trong từng giây phút của cuộc đời, trong mỗi nơi, mỗi hoàn cảnh. Là một thụ tạo các em không thể chiêm ngưỡng, sống mối tương quan với Chúa nếu không cần đến lòng thương xót và sự tha thứ của Thiên Chúa. Bởi vậy, ta phải giúp các em biết xét mình, xin Chúa tha thứ và quyết mỗi ngày nên giống Chúa hơn.
2. Giờ Thánh Thể
Thánh Thể đóng vai trò quan trọng trong đời sống đức tin Kitô giáo, vừa là quà tặng cao qúi của Thiên Chúa vừa là thần lương cho chúng ta trên đường dương thế. Thánh Thể có vai trò đặc biệt, vì vừa là bí tích trao ban ân sủng mà còn là chính Đấng ban ân sủng. Chúa Trời đất trở nên tấm bánh nhỏ bé để gần gũi con người, để hòa nhập với con người. Để họ đến tâm sự và giãi bày cùng Ngài mà không e sợ, để Ngài ở trong ta và ta ở trong Ngài.
Đưa các em Thiếu Nhi đến với Chúa Giêsu Thánh Thể là giúp các em có giờ phút tâm tình, thờ lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, đây là phương cách hữu hiệu để các em sống tình hiệp thông với Chúa Giêsu qua lòng mến và nảy sinh tình bác ái với mọi người.
Thánh thể diễn tả cụ thể và rõ nét mầu nhiệm nhập thể và nhập thế của con Thiên Chúa, Ngài trở nên gần gũi và giống chúng ta mọi đàng chỉ trừ tội lỗi. Ngài trở nên giống chúng ta cốt để chúng ta nhận ra dấu chỉ tình yêu khiêm tốn của Thiên Chúa. Qua dấu chỉ ấy, Ngài mời gọi chúng ta hãy đến với Ngài.
Như thế, Thánh Thể cho chúng ta thấy toàn bộ sự sống mới được trao ban cho nhân loại đều xuất phát từ Đức Kitô: “Ai ăn thịt và uống máu Tôi thì có sự sống đời đời và Tôi cho người ấy sống lại trong ngày sau hết”. Chính nhờ sự sống mới trong Đức Kitô làm triển nở và tăng trưởng lòng mến của các em đối với Chúa Giêsu và đối với tha nhân. Để giúp tăng trưởng đời sống tâm linh của các em TNTT ta phải đưa các em đến với Chúa, chiêm ngắm và dọn lòng rước Chúa Giêsu Thánh Thể cụ thể hoặc cách thiêng liêng.
3. Học Hỏi Và Sống Lời Chúa.
Thánh Giêrônimô xác quyết: “Ai không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô”. Lời Chúa là sức mạnh và là nguồn sống mới, hiểu và xác tín điều đó, nên Thánh Phêrô mới tuyên tín “Bỏ Thầy con biết theo ai, vì Thầy có lời ban sự sống đời đời”. Giáo Hội cũng ý thức rằng: “Lời Chúa có sức mạnh và quyền năng có thể nâng đỡ, tăng cường, ban sức mạnh đức tin cho con cái Giáo Hội và lương thực nuôi sống linh hồn của mỗi tín hữu”. Rao giảng lúc thuận tiện cũng như không thuận tiện.
Do đó, phong trào giúp các em tiếp cận với Chúa bằng việc học hỏi, suy niệm và sống Lời Chúa. Chính việc suy niệm, sống Lời Chúa, giúp các em có một cái nhìn đúng đắn, biết suy nghĩ, đánh giá sự kiện, phản ứng trước các tình huống trong đời sống theo tình thần Tin Mừng.
4. khung Cảnh Thánh Kinh.
Lời Chúa là nền tảng giáo dục cho phong trào. Như thế, để giáo dục, hình thành nhân cách, mỗi người cần phải tiếp cận và đào sâu Lời Chúa. Khi chúng ta nói PTTNTT được xây dựng trên nền tảng Thánh Kinh là chúng ta muốn minh định rằng: Cái nền vững nhất là gì nếu không phải là Lời Chúa: “Lời Chúa tồn tại mãi mãi”. Nhà xây trên nền đá sẽ tồn tại mãi dù phong ba bão táp.
Tái tạo một khoảng không gian nhất định trong lịch sử, nơi đó, lúc đó, diễn ra lời Thiên Chúa nói, những việc Thiên Chúa làm cho nhân loại. Lời Thiên Chúa ngày nay, vẫn còn vang vọng ở mỗi nơi, mỗi lúc, trong mỗi hoàn cảnh, giúp người say mê tìm kiếm Thiên Chúa qua Lời Chúa, sẽ khám phá ra nếu người hướng dẫn không khơi gợi cho các em khung cảnh linh thánh và sinh động hầu các em dễ tiếp cận, dễ gặp gỡ Thiên Chúa.
Nhờ gặp gỡ, tiếp cận với Thiên Chúa qua khung cảnh Thánh Kinh như chất dinh dưỡng nuôi sống đức tin của các em. Tuỳ theo lứa tuổi Phong Trào TNTT cố xây dựng khung cảnh sinh động nơi đó, con Thiên Chúa đã sống, đã gặp gỡ, đã cầu nguyện. Nhờ đó các em dễ hiểu và nhớ lâu.
5. Bầu Khí Thánh Kinh.
Mục đích của việc giáo dục không chỉ nhằm hiểu và nhớ lâu mà còn phải được chứng minh bằng chính thái độ sống; bởi mục đích của việc giáo dục là giúp các em đi từ cuộc sống- lên tới Chúa và trở về cuộc sống. Đây cũng chính là nhịp sống hàng ngày và thường xuyên của các em. Để đạt được cuộc sống ấy, người giáo dục không chỉ giúp các em gặp gỡ nhưng còn phải biết sống hiệp thông thân mật với Chúa Kitô. Làm sao các em có thể sống thân mật với Chúa Kitô nếu các em không hiểu và yêu mến Chúa Kitô.
Biết và yêu mến Chúa Kitô chính là châm ngôn sống của Thánh Augustino: “Hãy yêu đi rồi bạn muốn làm gì thì làm”. Và đây cũng chính là châm ngôn sống của các thiếu nhi. Biết và yêu mến Chúa Kitô là gì nếu không phải là giúp các em tiếp cận với Chúa Giêsu qua khung cảnh Thánh Kinh bằng những lời nguyện, bài hát, trò chơi, băng reo, vũ khúc đượm mầu Thánh Kinh tạo nên môi sinh thấm đậm Lời Chúa. Đạt được mục đích tối hậu như thế thì khung cảnh Thánh Kinh được tổ chức thành công.
Thánh Kinh và Thánh Thể là hai lãnh vực sinh hoạt trong đời sống tâm linh của TNTT; chính Thánh Kinh, Thánh Thể như sức mạnh, nguồn sống của các em. Đồng thời, Thánh Kinh và Thánh Thể là nền tảng của giáo dục. Như Thánh Gioan Bosco nói: “Đứa trẻ không phải chỉ được yêu nhưng các em phải cảm thấy mình được yêu. Thánh Thể và Thánh Kinh thắm đẫm trong phương pháp siêu nhiên và tự nhiên bảo đảm cho việc giáo dục thiếu nhi, góp phần làm phát triển toàn diện cả về phương diện thể  chất lẫn tinh thần.