• Trang chủ

LÃNH NHẬN LỜI CHÚA


“Lãnh nhận Lời Chúa em ơi xiết bao mừng vui. Lãnh nhận Lời Chúa em ơi gắng ghi trong lòng. Em nhớ rằng Thiên Chúa yêu em. Ngài yêu em không bờ bến. Ngài yêu em đến muôn đời…” 
I. LÃNH NHẬN LỜI CHÚA
Lãnh nhận là sự tiếp thu với niềm vui, với lòng biết ơn một ân huệ, một phần thưởng, một món quà: có thể là lời khuyên, lời chúc tụng... mà đối tượng thụ lãnh mong muốn trong một quá trình, một nỗ lực bản thân vươn đến thành công. Ví dụ: Lãnh bằêng tốt nghiệp, lãnh phần quà học bổng, lãnh nhận ý kiến đóng góp…
Lãnh nhận Lời Chúa là phút gặp gỡ chân thành giữa Thiên Chúa và bản thân người lãnh nhận, qua Lời Chúa tác động, người lãnh nhận lắng đọng, suy gẫm quãng thời gian sống đã trải qua: điều được, điều chưa được, cùng tạ ơn và xin ơn Chúa soi sáng, nâng đỡ để trở nên người tín hữu tốt lành như Chúa mong muốn.
Lãnh nhận Lời Chúa cũng là lúc trao ban, chia sẻ: “Chúa đã thực hiện trên tôi như thế nào?”, “Tôi đã đáp lại lời chỉ bảo của Người ra sao, tôi còn thiếu sót, sai lỗi gì?” Do đó, buổi lãnh nhận Lời Chúa sẽ giúp cho các thành viên tin tưởng hơn về tình thương Chúa quan phòng, cùng nhau học hỏi kinh nghiệm nơi bạn bè trong bầu khí chân thành, quyết tâm vươn tới.
Tóm lại lãnh nhận Lời Chúa là kết quả của việc đọc Kinh Thánh, suy niệm và sống Lời Chúa, qua đó cho thấy chúng ta đã “nghe” Lời Chúa thế nào, từ đó sẽ có định hướng và quyết tâm hoán cải.
“Cảm thấy hối lỗi vì những thiếu sót, đã bỏ qua không nghe tiếng mách bảo của lương tâm cũng như của các thành viên xung quanh nhắc nhở… Hứa từ nay sẽ cố gắng sửa đổi lỗi lầm thiếu sót và cố gắng sống tốt hơn.
1- Là một Huynh Trưởng của Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể, với tôn chỉ Lời Chúa là nền tảng và là chất liệu cần thiết cho đời sống Kitô hữu. Việc lãnh nhận Lời Chúa là điều rất cần thiết.
2- Để việc lãnh nhận Lời Chúa đem lại hiệu quả thiết thực Huynh Trưởng phải:
a. Siêng năng đọc và suy gẫm Lời Chúa.
b. Đón nhận và sống Lời Chúa truyền dạy.
c. Yêu mến và theo sự hướng dẫn của Giáo Hội về chú giải Lời Chúa.
d. Aùp dụng Lời Chúa vào sinh hoạt của phong trào (cụ thể trong việc thực hiện 10 điều luật sống bác ái.)
e. Chia sẻ lòng yêu mến Lời Chúa cho các em và các đồng sự.
II. ÁP DỤNG GIỜ LÃNH NHẬN LỜI CHÚA TRONG PHONG TRÀO THIẾU NHI THÁNH THỂ
1/ Địa điểm và thời gian lãnh nhận Lời Chúa:
Nội quy điều 53- Chương IV: Sinh hoạt Tổng Liên Đoàn, nêu rõ: “Lời Chúa trong Thánh Kinh là nền tảng và là phương pháp huấn luyện của Tổng Liên Đoàn.” Điều này cũng đồng nghĩa: mỗi thành viên trong Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể xác tín: Lời chúa là nền tảng và là chất liệu cần thiết cho đời sống của mỗi người.
Theo truyền thống Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể, trong các kỳ Sa mạc huấn luyện việc lãnh nhận Lời Chúa thường được thực hiện trước bữa cơm trưa, thời gian khoảng 15 phút. Với mục đích nhắc nhở chúng ta rằng: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.” (Mt 4,4)
2/ Lãnh nhận Lời Chúa hiệu quả, thiết thực:
Để giờ lãnh nhận Lời Chúa đem lại kết quả tốt đẹp, chúng ta phải:
+ Thành tâm lắng nghe Lời Chúa, để Lời Người thấm nhập và tác động trong đời sống chúng ta.
+ Thật lòng chia sẻ một cụm từ, một câu trong đoạn Kinh Thánh tác động sâu sắc đến bản thân. Tránh giảng giải, cắt nghĩa từ ngữ. Tôn trọng ý kiến của các thành viên khác. Không nên sửa lỗi ai trong lời chia sẻ.
+ Lắng nghe, học hỏi bạn bè trong giờ lãnh nhận.
III. TIẾN TRÌNH CỦA GIỜ LÃNH NHẬN LỜI CHÚA:
1/ Cùng hát hoặc đọc kinh về Chúa Thánh Thần, xin ơn Ngài soi sáng để đón nhận Lời Chúa sắp công bố.
2/ Một người đọc đoạn Kinh Thánh Tân Ước hay Cựu Ước (có thể đọc chung, chậm rãi, rõ ràng, nghiêm trang). Đội trưởng hay Trưởng hiện diện nói ít lời mở đầu.
3/ Một ít phút thinh lặng để Lời Chúa thấm vào mỗi tâm hồn.
- Đặt mình vào khung cảnh diễn ra đoạn Tin Mừng
- Ngắm nhìn khuôn mặt của các nhân vật, đặt mình vào hoàn cảnh của từng nhân vật.
- Ngắm nhìn hành động của các nhân vật.
- Lắng nghe Lời Chúa nói qua các nhân vật.
- Kiểm điểm lại bản thân
- Quyết tâm biến đổi cuộc đời mình  
4/ Mỗi người chia sẻ, những gì đã suy nghĩ. Vi dụ như :
§ XEM: Qua đọan Lời Chúa, cụm từ nào hay câu Lời Chúa hôm nay đã tác động đến tôi như thế nào? Chúa muốn nói và nhắc nhở tôi điều gì?
§ XÉT: Các nhân vật khiến tôi nhớ lại biến cố nào trong cuộc đời tôi? Tôi đã có hành động như thế nào? Tôi cảm thấy sung sướng vì làm đẹp lòng Chúa? Hay tôi cảm thấy hối hận, hối tiếc, hổ thẹn, buồn vì đã yếu đuối làm phiền lòng Chúa.
§ LÀM: Tôi phải làm gì đề đáp lại Lời Chúa hôm nay đã nói, đã nhắc nhở tôi…
5/ Cảm tạ ơn Chúa (bằng lời nguyện, lời kinh, hoặc bài hát chung)
Lưu ý:
+ Nên chọn đoạn Kinh Thánh phù hợp với ý lực sống mỗi ngày Sa mạc
+ Không nhất thiết tất cả các thành viên đều phát biểu. Lắng nghe chia sẻ để học hỏi và quyết tâm hoán cải cũng là cách lãnh nhận Lời Chúa.