• Trang chủ

HƯỚNG DẪN TỔNG QUÁT VỀ VIỆC DẠY GIÁO LÝ, NĂM 1997

1. Lý do xuất hiện cuốn Hướng dẫn tổng quát về việc dạy giáo lý
Kể từ thế kỷ XIX, phong trào Huấn giáo được phát triển liên tục và lan rộng khắp nơi. Các tư tưởng, đường lối canh tân được truyền bá qua các tạp chí quốc tế và quốc gia. Người ta đặc biệt lưu ý đến 3 khía cạnh canh tân lần lượt theo 3 giai đoạn sau :
• Giai đoạn canh tân phương pháp: Vào các thập niên 30-40, người ta nhấn mạnh đến việc đổi mới cách dạy giáo lý. Thời kỳ này, người ta đã khám phá ra nhiều quy luật tâm lý và phương pháp sư phạm. Giáo Hội cũng cập nhật những phương pháp này vào khoa Huấn giáo.
• Giai đoạn canh tân nội dung: Vào các thập niên 40-50, người ta nhấn mạnh sự quan trọng của nội dung giáo lý hơn là phương pháp. Nội dung giáo lý là một Tin Mừng mang lại hạnh phúc chứ không phải là những lý thuyết trừu tượng.
• Giai đoạn canh tân chủ đích: Theo đường hướng huấn giáo của Công đồng Vaticanô II, người ta xác định lại chủ đích của giáo lý là đón nhận, sống Lời Chúa và yêu mến Ngài. 
Với 3 phong trào canh tân trên, khoa Huấn giáo đã đổi mới nhiều khuôn mặt của các giáo hội địa phương. Và để hưởng ứng lời kêu gọi của Giáo Hội hoàn vũ, tất cả những góp ý về việc canh tân giáo lý của các Giáo Hội địa phương được đưa về Rôma và được chuẩn nhận chính thức trong cuốn “Chỉ Nam tổng quát việc dạy giáo lý năm 1971”. Nhưng ngay sau đó ít năm, một số vấn đề mới xuất hiện ngoài xã hội và cả bên trong Giáo Hội dẫn đến việc bó buộc phải có những suy nghĩ mới. Đó là nội dung của Thượng hội đồng Giám mục năm 1977, được nối tiếp bằng Tông huấn của Đức Gioan Phaolô II, Catechesi tradendae (1979). 
Sau đó, các Đại hội nghị bình thường và ngoại thường của Thượng Hội Đồng giám mục đã có những vang dội riêng về vấn đề giáo lý. Cho đến 1985, Hôïi nghị Thượng đỉnh bất thường đã đánh dấu một cách dứt khoát cả hiện tại lẫn tương lai của giáo lý. Một bản tổng kết 20 năm áp dụng Công Đồng Vaticanô II đã được trình bày vào dịp này và các nghị phụ của Thượng Hội Đồng đã trình lên Đức Thánh Cha bản soạn thảo một cuốn giáo lý phổ quát cho Giáo Hội công giáo. Đức Gioan Phaolô II không những rất ưng thuận mà còn cổ võ khuyến khích,và cuốn “Giáo lý của Giáo Hội công giáo” đã được hoàn tất 1992.
Biến cố này đòi buộc phải có sự duyệt lại cuốn “Chỉ nam tổng quát về giáo lý” để thích nghi thứ dụng cụ thần học và mục vụ qúy báu này vào các nhu cầu mới. Vì thế công việc duyệt lại cuốn “Chỉ Nam tổng quát về Giáo lý» đã bắt đầu và chú ý đến hai đòi hỏi lớn sau đây:
- Một đàng đưa giáo lý vào việc phúc âm hóa theo đòi hỏi của các Tông huấn Loan báo Tin Mừng (Evangelii Nuntiandi) và Dạy Giáo lý (Catechesi Tradendae).
- Đàng khác, để ý tới các nội dung của đức tin theo cuốn Giáo lý của Giáo hội Công giáo đề nghị.
2. Sơ lược nội dung cuốn Hướng Dẫn Tổng Quát Về Việc Dạy Giáo Lý (1997)
Cuốn Hướng Dẫn Tổng Quát Về Việc Dạy Giáo Lý 1997 vẫn giữ lại những cơ cấu nền tảng của bản văn 1971, được chia thành dàn bài như sau :
PHẦN MỞ ĐẦU - LOAN BÁO TIN MỪNG TRONG THẾ GIỚI NGÀY NAY
Phần mở đầu đưa ra các chỉ dẫn giúp chú giải và hiểu biết các trạng huống con người và tình hình Giáo Hội theo ánh sáng đức tin và trông cậy ở sức linh hoạt của hạt giống Phúc âm. Đây là những chẩn đoán vắn tắt cho sứ vụ.
Phần này được mở đầu bằng dụ ngôn người gieo giống. Hạt giống là Lời Chúa, người gieo giống là Đức Kitô và những ai tiếp nối công việc của Người, ruộng lúa là thế gian với những khác biệt về lịch sử, tôn giáo, văn hóa và xã hội. Vai trò của Giáo Hội trong thế giới không những làm men trong thúng bột mà còn phải luôn đổi mới đời sống Giáo hội ngay từ bên trong. Để cho hạt giống Tin mừng trổ sinh tươi tốt, phải biết đọc những dấu chỉ thời đại cũng như biết nắm bắt những thách đố trong việc dạy giáo lý. 
Phần mở đầu này nhằm khuyến khích các vị chủ chăn và những ai dạy giáo lý phải ý thức sự cần thiết của việc luôn sẵn sàng quan tâm đến mảnh đất được gieo trồng, để thực hiện việc gieo giống với cái nhìn của đức tin và của lòng nhân ái. 
PHẦN I : GIÁO LÝ TRONG SỨ VỤ LOAN BÁO TIN MỪNG CỦA GIÁO HỘI
Phần này gồm ba chương và thả neo sâu hơn cho nền Huấn giáo của Công đồng dựa vào Hiến chế Mạc Khải (Dei Verbum). Đặt giáo lý vào khung cảnh Phúc-âm-hóa mà Tông huấn Loan báo tin mừng (Evangeli Nuntiandi) và Dạy giáo lý (Catechesi Tradendae) đã trình bày. Phần này cũng nêu rõ bản chất của giáo lý.
Từ ngữ “dạy giáo lý” đã có chuyển biến về ý nghĩa trong hai mươi thế kỷ lịch sử Giáo Hội. Ở đây, quan niệm về việc dạy giáo lý được soi sáng từ những tài liệu huấn quyền của Giáo Hội thời hậu Công Đồng, nhất là từ các Tông huấn về Loan báo Tin Mừng, Dạy giáo lý, và Sứ vụ Đấng Cứu Thế. 
Chương hai đặt việc dạy giáo lý trong khuôn khổ việc loan báo Tin Mừng và trong tương quan với các hình thức khác của tác vụ Lời Chúa. Nhờ mối tương quan này, người ta dễ dàng khám phá đặc tính cá biệt của việc dạy giáo lý.
Chương ba phân tích trực tiếp hơn việc dạy giáo lý phải: mang đặc tính Giáo Hội, mục đích bắt buộc là thông hiệp với Đức Giêsu Kitô và những bổn phận của việc dạy giáo lý là giúp hiểu biết về Đức Kitô và tin yêu Ngài; giúp cử hành và sống niềm tin; giúp chiêm ngắm con người Đức Kitô và bước theo Ngài
Chương I: Mạc khải và sự chuyển đạt mạc khải trong việc loan báo Tin Mừng.
Chương I dựa trên nền tảng thần học để nhắc lại cách vắn gọn khái niệm về mạc khải theo Hiến chế Tín lý về Mạc Khải (Dei Verbum). Công Đồng rất quan tâm đến mạc khải vì mạc khải là nền tảng của Thần học. Đức Kitô chính là trung gian và là sự viên mãn của toàn thể mạc khải. Ngài đến bổ túc và hoàn tất mạc khải bằng sự hiện diện và bằng việc tỏ mình ra qua lời nói, việc làm, dấu chỉ, phép lạ, nhất là qua cái chết và sự phục sinh, và sau cùng bằng việc sai Thánh Thần chân lý đến như một chứng tích của Thiên Chúa hằng ở với chúng ta.
Chương này cũng làm sáng tỏ cách thức đón nhận Lời Chúa. Những khái niệm về Lời Chúa, Tin Mừng, Nước Thiên Chúa và truyền thống được trình bày trong Hiến Chế Mạc khải làm nên ý nghĩa của giáo lý. Với ý nghĩa này, việc loan báo Tin mừng của Giáo Hội trở thành điểm nhắm bắt buộc của giáo lý. Giáo Hội hiện hữu để loan báo Tin Mừng, nghĩa là đem Tin Mừng vào mọi tầng lớp nhân loại và nhờ sự tiếp xúc này làm thay đổi từ bên trong và làm cho nhân loại được đổi mới.
Chương II: Giáo lý trong công cuộc loan báo Tin mừng.
Chương II xác định vị trí của giáo lý trong khuôn khổ loan báo Tin Mừng và đặt giáo lý trong tương quan với các hình thức khác của sứ vụ Lời Chúa. Nhờ tương quan này, người ta khám phá cách dễ dàng hơn đặc tính riêng của giáo lý:
• Tiền Phúc âm hóa (Pré-évangélisation): là truyền giáo cho những người chưa tin hay người dửng dưng với tôn giáo, nhằm thức tỉnh đức tin nơi họ. Giáo lý giúp cho đức tin mới chớm nở được chín chắn và sát nhập họ vào cộng đồng tín hữu qua việc trở lại với đức tin Kitô giáo. Vậy hai hình thức này khác nhau và bổ túc cho nhau.
• Khai tâm Kitô giáo (Initiation chrétienne): Đức tin là lời đáp trả của con người trước Thiên Chúa được bắt đầu bằng nhiệm tích Thánh tẩy. Giáo lý là yếu tố căn bản cho việc chuẩn bị lãnh nhận các bí tích khai tâm Kitô giáo, nhất là bí tích rửa tội (tuyên xưng đức tin). Mục đích của giáo lý là làm cho đức tin của mọi người trở nên sống động, minh bạch và hữu hiệu
• Giáo dục thường xuyên đời sống đức tin (Éducation permanente de la foi): việc giáo dục này được thực hiện dưới nhiều hình thức của giáo lý tùy theo nhu cầu, trình độ và môi trường...
Chương III: Bản chất, mục đích và sứ vụ của giáo lý
Chương này nhấn mạnh đến:
• Bản chất của giáo lý: Việc dạy giáo lý không tách khỏi các hoạt động mục vụ và truyền giáo của Giáo Hội, nên việc dạy giáo lý cũng nằm trong bản chất của Giáo Hội. Giáo Hội tiếp tục sứ vụ làm thầy giáo dục đức tin dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
• Mục đích của giáo lý là giúp tín hữu diễn tả niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi qua việc kết hiệp mật thiết với Đức Kitô và nên một với Ngài. 
• Sứ vụ của giáo lý là đạt được mục đích trên qua việc học hỏi về Chúa, cử hành phụng vụ, sống đức tin cách cụ thể và chiêm ngắm mầu nhiệm Đức Kitô. Ngoài ra giáo lý còn có nhiệm vụ giúp tín hữu sống chiều kích Giáo Hội và tích cực tham gia việc truyền giáo.
PHẦN II : SỨ ĐIỆP TIN MỪNG
Phần này nói về nội dung của sứ điệp Tin Mừng,  gồm hai chương : 
Chương I: Các quy tắc và tiêu chuẩn để trình bày sứ điệp phúc âm trong giáo lý
Ấn định những quy tắc và tiêu chuẩn mà giáo lý phải theo để trình bày nội dung giáo lý :
• Nguồn mạch của giáo lý: Lời Chúa.
• Lời Chúa được chứa đựng trong Thánh Kinh và Thánh Truyền. 
• Trung tâm điểm của giáo lý: Chúa Kitô và các mầu nhiệm của Người.
• Sứ điệp của Đức Kitô: Tin Mừng Nước Thiên Chúa đem lại ơn cứu độ.
• Lịch sử ơn cứu độ.
• Hội nhập sứ điệp cứu độ vào các nền văn hóa khác nhau.
Chương II: Niềm tin của chúng ta, niềm tin của Giáo Hội.
Chương II để trình bày giáo lý của Hội Thánh Công giáo như một bản văn để quy chiếu mỗi lúc muốn truyền đạt đức tin qua giáo lý cũng như muốn soạn thảo ra các sách giáo lý địa phương. Bản văn cũng nêu các nguyên tắc nền tảng để soạn giáo lý cho các Giáo Hội địa phương. 
Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo và Hướng dẫn đại cương về việc dạy giáo lý là hai dụng cụ khác nhau và bổ túc cho nhau, rất cần thiết cho việc dạy giáo lý.
PHẦN III : SƯ PHẠM ĐỨC TIN
Phần này được trình bày dưới hình thức khá mới bằng cách nêu lên tính thiết yếu của đường lối sư phạm đức tin, dựa trên sư phạm của Thiên Chúa. Đây là vấn đề có liên hệ đến cả thần học lẫn các khoa học nhân văn.
Khi nói đến khoa sư phạm đức tin, không phải là vấn đề truyền thông một hiểu biết loài người dù hết sức cao sâu, nhưng là vấn đề truyền thông mạc khải của Thiên Chúa cách trọn vẹn.
Chương I: Sư phạm của Thiên Chúa, nguồn gốc và mẫu mực của sư phạm đức tin. Chương này trình bày sư phạm của Thiên Chúa, của Đức Kitô và của Giáo Hội, được coi như mẫu mực của tất cả các khoa sư phạm khác.
Chương II: Các phương pháp
Trong việc truyền đạt đức tin, Giáo Hội không có phương pháp riêng hay phương pháp duy nhất nào. Nhưng dưới ánh sáng của khoa sư phạm Thiên Chúa, Giáo Hội sử dụng các phương pháp hiện hành, dùng những gì tốt đẹp, đúng đắn, thích hợp có thể phục vụ cho việc rao giảng Tin Mừng; đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của giáo lý viên, không có phương pháp nào miễn cho người giáo lý viên bổn phận nghiên cứu cụ thể cách thức truyền đạt nội dung bài giáo lý. 
Ngoài ra, cộng đoàn giáo xứ, các nhóm, các tổ chức, các hội đoàn đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển đời sống đức tin cụ thể của một con người.
PHẦN IV : CÁC ĐỐI TƯỢNG GIÁO LÝ
Phần IV nhấn mạnh: giáo lý nhắm vào những ai. Phần này có 5 chương ngắn. Nghiên cứu các tình huống rất khác nhau, các con đường mà giáo lý nhắm tới, các khía cạnh liên quan đến tình huống xã hội, tôn giáo và bàn cách đặc biệt về vấn đề hội nhập văn hóa. 
Chương I: Vài nét chung về việc thích nghi với các đối tượng giáo lý. Mọi tín hữu được kêu gọi lớn lên trong đức tin, nên họ có nhu cầu và có quyền học giáo lý. Tuy nhiên việc truyền đạt sứ điệp Tin Mừng phải phù hợp với cá nhân, với cộng đoàn nơi các cá nhân chung sống và hoàn cảnh sống của từng người.
Chương II: Giáo lý theo tuổi.
Nêu lên sự quan trọng của việc dạy giáo lý theo tuổi. Chương này cho một số đặc tính và chỉ dẫn quan trọng trong việc soạn thảo và dạy giáo lý cho người lớn, giới trẻ, trẻ em và người cao niên.
Chương III: Giáo lý trong những hoàn cảnh đặc biệt.
Giáo lý phải được truyền đạt một cách đặc biệt và phù hợp cho những người khuyết tật, bị bỏ rơi và những thành phần đặc biệt trong xã hội. Giáo lý phải thực sự đi vào môi trường sống của con người.
Chương IV: Giáo lý trong hoàn cảnh xã hội tôn giáo.
Hiện nay người tín hữu thường sống trong những môi trường đa tôn giáo và đảng phái, một môi trường gợi lên những vấn đề thật tế nhị và phức tạp với những niềm tin khác nhau. Hơn nữa, tại nhiều nơi, đức tin người công giáo luôn phải đương đầu với phong trào tục hóa, kể cả vô thần, đôi khi bị hăm dọa và uy hiếp... Trước những hoàn cảnh đó, giáo lý cần phải nghiên cứu kỹ môi trường để giúp người tín hữu đào sâu, củng cố, nuôi dưỡng và làm cho đức tin của họ trưởng thành hơn.
Chương này cũng nhấn mạnh thái độ tôn trọng của người tín hữu với các tôn giáo khác.
Chương V : Giáo lý trong hoàn cảnh văn hóa xã hội.
Việc dạy giáo lý phải phù hợp với hoàn cảnh văn hóa đương thời, nghĩa là phải đưa sức mạnh Tin Mừng vào trong lòng văn hóa và các nền văn hóa. Muốn thế, việc dạy giáo lý phải tìm hiểu các nền văn hóa và cách thức diễn tả có ý nghĩa nhất của chúng ; phải tôn trọng các giá trị và kho tàng phong phú riêng của mỗi nền văn hóa. Nhờ vậy giáo lý mới có thể truyền đạt sứ điệp Tin Mừng cách thích hợp với từng nền văn hóa khác nhau.
PHẦN V GIÁO LÝ TRONG CÁC GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG
Phần V coi các Giáo Hội địa phương là trọng tâm hấp lực của giáo lý; Giáo Hội này có nhiệm vụ chính là cổ vũ, tiên đoán, canh chừng và phối hợp mọi sinh hoạt giáo lý. Phần này mô tả đặc biệt vai trò tương xứng của các cán bộ giáo lý khác nhau (họ luôn tìm được điểm quy chiếu nơi vị chủ chăn của Giáo Hội địa phương), cũng như các đòi hỏi phải huấn luyện trong từng trường hợp.
Chương I: Sứ vụ giáo lý trong các giáo hội địa phương và các giáo lý viên. 
Chương này suy nghĩ về sứ vụ của giáo lý và vai trò của những người tham dự vào sứ vụ này. Các Giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân phải tích cực dấn thân vào sứ vụ này tùy theo mức độ trách nhiệm và đặc sủng riêng của mình.
Chương II : Huấn luyện giáo lý viên
Việc huấn luyện giáo lý viên đóng vai trò quyết định trong việc dạy giáo lý. Muốn dạy giáo lý có hiệu qủa, giáo lý viên cần được đào tạo kỹ lưỡng về tâm linh, nhân bản, thần học và kỹ năng. Nếu không, giáo lý viên không thể chu toàn trách nhiệm cao cả được ủy thác.
Chương III: Nơi chốn và các nẻo đường của giáo lý
Gia đình, giáo xứ, học đường, các hội đoàn, các phong trào... là nơi chốn, là không gian thích hợp cho việc dạy giáo lý. Vì vậy các tín hữu được mời gọi gia nhập cụ thể vào một cộng đoàn.
Chương IV: Tổ chức mục vụ giáo lý trong các Giáo Hội địa phương. 
Chương 4 bàn đến những tổ chức đặc biệt hơn liên quan đến việc huấn giáo như các Ủy Ban mục vụ huấn giáo cấp thế giới, quốc gia, giáo phận, giáo xứ... Các Ủy Ban này hướng dẫn mọi sinh hoạt huấn giáo trong phạm vi của mình và đề nghị những cách thức áp dụng cụ thể để việc dạy dỗ đem lại hiệu quả thích đáng.
PHẦN KẾT
Kêu gọi phải tăng cường sinh hoạt giáo lý, ca ngợi suy tư và mở các hướng đi bằng cách mời gọi mọi người đặt tin tưởng nơi hoạt động của Chúa Thánh Thần và nơi hiệu quả của Lời Chúa được gieo vãi trong tình yêu
Tóm lại: Mục tiêu của cuốn Hướng dẫn này nêu ra “các nguyên tắc nền tảng có tính thần học và mục vụ, được rút ra từ Huấn Quyền của Giáo hội, nhất là của Công Đồng Vaticanô II, làm sao để hoạt động mục vụ trong sứ vụ Lời –mà cụ thể là giáo lý– có thể được hướng dẫn và sắp xếp thứ tự cho thích nghi hơn”. 
Ý hướng trước đây cũng như bây giờ thiết yếu ở chỗ đưa ra những suy tư và những nguyên tắc hơn là gợi lên các áp dụng trực tiếp hoặc cho những hướng dẫn thực tế.
Ngay từ đầu, phải hiểu đúng đắn bản chất và các mục tiêu của giáo lý cũng như hiểu các chân lý và các giá trị phải truyền đạt để tránh được các thiếu sót, các sai lầm trong vấn đề giáo lý. 
Thẩm quyền riêng của hàng Giám mục là cho áp dụng cụ thể các nguyên tắc và các điều tuyên bố ấy bằng các định hướng, các chỉ dẫn mang tính quốc gia, từng miền, từng địa phận, bằng các sách giáo lý và bằng mọi phương tiện khác mà các ngài phán đoán là thích hợp để thăng tiến giáo lý cho kết quả.
Dĩ nhiên, tất cả các phần của Hướng Dẫn không có tầm quan trọng giống nhau. Những phần đề cập tới mạc khải, tới bản chất của giáo lý, tới các tiêu chuẩn chỉ đạo việc loan báo sứ điệp Kitô giáo đều có giá trị cho mọi người. Ngược lại, các phần có liên hệ tới tình huống hiện tại, đến phương pháp luận và cách thức thích ứng giáo lý vào các lứa tuổi và các bối cảnh văn hóa khác nhau, nên được coi như là những chỉ dẫn và định hướng.
Cuốn Hướng Dẫn chủ yếu nhắm vào các Giám mục, các Hội Đồng Giám mục và những ai thừa lệnh Giám mục và có trách nhiệm trong lãnh vực giáo lý. Dĩ nhiên cuốn Hướng Dẫn là dụng cụ hữu ích cho việc đào tạo các ứng sinh vào chức linh mục, cho việc thường huấn của các linh mục và để đào tạo các giáo lý viên.
Một mục tiêu tức khắc của cuốn Hướng Dẫn là giúp cho việc soạn thảo các hướng dẫn dạy giáo lý và các sách giáo lý. Hợp với các gợi ý trước đây của số đông Giám mục, cuốn Hướng Dẫn này đã thêm vào nhiều ghi chú và nhiều qui chiếu nên chúng có thể rất ích lợi cho việc khai triển các phương tiện này.
Khi được gởi tới các Giáo Hội địa phương, mà những tình huống và những nhu cầu mục vụ rất khác nhau, vì thế cuốn Hướng Dẫn chỉ có thể xét được các tình huống chung chung. Cũng phải hiểu như thế khi đề cập đến việc mô tả cách tổ chức giáo lý ở các cấp độ khác nhau. Khi sử dụng cuốn Hướng Dẫn nên để ý tới nhận xét này: Cũng như bản văn 1971 đã nhận xét, đối với những miền mà trình độ giáo lý đã cao, cả về thể chất lẫn phương tiện, cuốn Hướng Dẫn có thể không đầy đủ, nhưng ở nơi mà giáo lý chưa phát triển, nó lại có vẻ quá thừa.
Giáo Hội đã phổ biến tài liệu này như một chứng từ mới nói lên mối bận tâm ưu ái của Tòa Thánh đối với sứ vụ giáo lý: “Chúng tôi mong muốn nó được đón nhận, được kiểm tra và nghiên cứu kỹ lưỡng mà vẫn để ý tới các nhu cầu mục vụ của từng Giáo Hội địa phương. Chúng tôi cũng mong rằng tài liệu này sẽ đưa tới một sự nghiên cứu và tìm tòi sâu xa hơn để đáp lại các nhu cầu của giáo lý cũng như các quy tắc và các định hướng của huấn quyền Giáo Hội.
Xin Đức Trinh nữ Maria, ngôi sao chiếu sáng trên sự đổi mới trong việc rao giảng Tin Mừng, dẫn đưa chúng ta tới sự hiểu biết Chúa Giêsu Kitô là Thầy và Chúa chúng ta». 
KẾT: Những chỉ dẫn của Giáo Hội trong 3 tài liệu nói trên cho ta một cái nhìn rõ ràng và chính xác hơn về đường hướng dạy giáo lý. Dạy giáo lý không phải là giúp chạy theo những nhu cầu hợp sở thích hay đáp ứng những đòi hỏi thời đại, nhưng là tìm cách khám phá kho tàng phong phú của Lời Chúa để giúp các kitô hữu sống đạo cách tốt đẹp giữa xã hội văn minh vật chất và luôn thay đổi. 
IV.  MỤC ĐÍCH VÀ NỘI DUNG GIÁO LÝ
Khi dạy giáo lý ta không nên đơn giản nghĩ rằng cứ dạy những gì được trình bày trong các sách giáo lý, còn việc phải theo sát mục đích và nội dung giáo lý là bổn phận của những người soạn sách giáo lý. Quan niệm như thế cũng một phần đúng, vì người soạn sách giáo lý chắc chắn phải thấu hiểu những quy tắc và những yêu cầu của Giáo Hội. Nhưng thực ra, nếu dựa vào những chỉ dẫn của Giáo Hội trong phần II cuốn Hướng dẫn Tổng Quát  về việc dạy giáo lý thì nội dung giáo lý phong phú hơn nhiều so với các bản văn giáo lý hiện hành. 
Sách giáo lý mặc dù cần thiết nhưng các giáo lý viên cũng phải hiểu rõ mục đích và nội dung của giáo lý, để trong khi trình bày, chúng ta biết phân biệt đâu là điểm chính cần nhấn mạnh, đâu là điểm phụ chỉ cần lướt qua.
1. Mục đích của Giáo lý:
Mục đích của giáo lý là giáo dục đức tin. Tông huấn Dạy giáo lý của Đức Gioan Phaolô II đã khẳng định như sau: “Mục đích đặc biệt của việc dạy giáo lý, trong toàn thể công cuộc loan báo Tin Mừng là, với sự trợ giúp của ơn Chúa, làm phát triển đức tin còn thơ ấu, thăng tiến tới mức độ trưởng thành viên mãn và nuôi dưỡng hằng ngày đời sống Kitô của các tín hữu. Nghĩa là giúp người tín hữu tin và tiếp nhận con người Đức Kitô làm Chúa duy nhất và sau khi đã gắn bó hoàn toàn với Người bằng sự chân thành hoán cải tâm hồn, người tín hữu cố gắng tìm hiểu Chúa Kitô cùng với các mầu nhiệm của Người, Vương quốc của Người, các đòi hỏi chứa đựng trong Tin Mừng và các nẻo đường mà Người đã vạch ra cho ai muốn theo Người” (DGL 20).
Qua định nghĩa trên, ta có thể tóm tắt mục đích của giáo lý như sau :
- Truyền thông kiến thức về Thiên Chúa, làm phát triển sự hiểu biết các mầu nhiệm Đức Kitô và Giáo Hội của Người.
- Đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa bằng cách đổi mới bản thân, trở thành một thụ tạo mới.
- Bước vào đời sống mới trong Đức Kitô, tức là đi theo vết chân Người và nên một với Người.
Muốn đạt được mục đích trên, đức tin của người kitô hữu phải mang những chiều kích sau đây :
• Đức tin có nội dung vững chắc dựa trên mạc khải của Thiên Chúa, đặc biệt là con người và giáo huấn của chính Đức Kitô.
• Một đức tin mang tính cộng đồng: là đón nhận đức tin từ Giáo Hội, sống đức tin trong lòng Giáo Hội và cùng liên đới, cùng có trách nhiệm về đức tin của anh em.
• Một đức tin dấn thân là biết chấp nhận từ bỏ những gì không hợp với Tin Mừng và luôn sống phó thác để chân lý biến đổi bản thân mình mỗi ngày nên tốt hơn.
• Một đức tin phục vụ là làm chứng cho niềm tin bằng cuộc sống yêu thương phục vụ trong mọi hoàn cảnh sống.ï 
Vì vậy, nếu giáo lý luôn hướng theo mục đích nói trên thì chắc chắn đời sống đạo của các kitô hữu được hoàn thiện rất nhanh.
2. Nội dung của Giáo lý :
Trong Tông huấn Dạy giáo lý: “Nội dung giáo lý là nội dung của tất cả việc loan báo Tin Mừng. Cũng một sứ điệp Tin Mừng cứu độ, được nghe cả trăm lần và được tiếp nhận với cả tâm hồn, thì trong việc dạy giáo lý, luôn luôn được đào sâu nhờ sự suy tư có hệ thống, nhờ sự ý thức luôn được khích lệ hơn, về các ảnh hưởng của sứ điệp ấy vào đời sống cá nhân mỗi người; nhờ việc sứ điệp thấm nhuần vào cái khối linh hoạt và hài hòa là đời sống kitô hữu trong xã hội và trong thế giới” (DGL 26). 
Và trong số 27, Tông huấn viết tiếp: “Việc dạy giáo lý bao giờ cũng lấy nội dung ở nguồn mạch sống động là Lời Chúa, thông truyền trong Kinh Thánh và Thánh Truyền vì cả hai hợp thành một kho tàng thánh thiện duy nhất chứa đựng Lời Chúa” (DGL 27).
Như vậy học giáo lý chính là học Lời Chúa. Ngoài Thánh Kinh là Lời Thiên Chúa được chép lại dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần, còn có Thánh truyền là Lời Chúa được ủy thác cho các Tông đồ và những người kế vị các ngài. Nói cách khác nội dung giáo lý là toàn bộ Mầu nhiệm Kitô giáo mà trung tâm điểm là Mầu nhiệm Cứu Độ. Chính Đức Kitô là trung tâm của lịch sử cứu độ này. Nội dung giáo lý được triển khai trong sách Giáo Lý Của Hội Thánh Công Giáo. Chúng ta nhắc lại dàn bài của cuốn giáo lý:
I. TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN: gồm hai chương
- Đức tin là gì ?
- Tin những điều gì ?
Phần này là lời tuyên xưng đức tin của người kitô hữu. Trước những mạc khải của Thiên Chúa, con người đáp lại bằng chính niềm tin của mình vào một Thiên Chúa duy nhất và Ba Ngôi. 
II. CỬ HÀNH ĐỨC TIN: gồm hai chương:
- Kế hoạch bí tích
- Bảy bí tích của Giáo Hội.
Trình bày ơn cứu độ đã được Thiên Chúa thực hiện nơi Đức Kitô, nay vẫn tiếp tục thực hiện trong việc cử hành phụng vụ của Giáo Hội, đặc biệt trong bảy bí tích. 
III. ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN: gồm hai chương:
- Ơn gọi của con người: đời sống trong Thần Khí
- Mười điều răn
Mục đích việc Thiên Chúa tạo dựng con người là để họ được hạnh phúc. Phần này trình bày những nẻo đường đưa đến hạnh phúc như sống ngay thẳng, tự do theo lề luật và ân sủng của Chúa cũng như thực thi mệnh lệnh mến Chúa và yêu người triển khai qua Mười điều răn.
IV. CẦU NGUYỆN TRONG ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN: gồm hai chương:
- Cầu nguyện là gì ?
- Cầu nguyện như thế nào ?
Nói về ý nghĩa và tầm quan trọng của cầu nguyện trong đời sống Kitô hữu. Nền tảng của mọi kinh nguyện chính là Kinh Lạy Cha. 
Sách Giáo lý Công giáo trình bày cách hệ thống về toàn bộ đức tin cũng như mọi sinh hoạt tôn giáo của người kitô hữu. Tuy nhiên khi dạy giáo lý không phải ta cứ lần lượt kê khai mọi chân lý là đủ và cũng không phải hết mọi chân lý đều có tầm quan trọng ngang nhau, nhưng phải trình bày các Mầu nhiệm Kitô giáo một cách mạch lạc và liên kết với nhau thành một toàn thể ăn khớp và liên tục. Do đó, ta có thể trình bày theo cấu trúc sau đây: 
• Chúa Ba Ngôi: Mầu nhiệm Ba Ngôi phát sinh mọi mầu nhiệm khác. Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần cùng chia sẻ một nguồn sống và một tình yêu (hiệp thông nội tại). Và qua Đức Kitô, mỗi người chúng ta được mời gọi gia nhập cộng đoàn Ba Ngôi để trở thành con cái Thiên Chúa (hiệp thông ngoại tại). Ý định cứu rỗi của Thiên Chúa phát sinh từ hiệp thông này. 
• Đức Kitô là trung tâm: Trọng tâm của giáo lý là một Ngôi Vị: Đức Giêsu Kitô. Dạy giáo lý là giúp người khác đi vào sự thông hiệp thân mật với Đức Kitô, là tìm hiểu con người của Ngài, giáo huấn của Ngài và công việc cứu thế của Ngài. Khi nói đến Đức Kitô là trung tâm của lịch sử cứu độ, Pascal đã phát biểu như sau: “Cựu ước ngước nhìn Đức Kitô như sự hoàn tất của mình. Tân ước ngoảnh nhìn Đức Kitô như khởi điểm của mình. Cả hai Giao ước nhìn Đức Kitô như trung tâm điểm của mình”. 
• Lịch sử cứu độ: Ý định cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện từng bước trong thời gian, được diễn tiến qua nhiều giai đoạn liên tục: 
- Chuẩn bị ơn cứu độ: Cựu ước
- Thực hiện ơn cứu độ: Tân ước
- Phân phối ơn cứu độ: thời Giáo Hội
- Công cuộc cứu độ sẽ được hoàn tất trong Nước Trời: sau ngày tái lâm của Đức Kitô. 
• Các mầu nhiệm: mà trung tâm điểm là mầu nhiệm Phục sinh. 
• Các nhiệm tích: Nhiệm tích thông ban đời sống mới trong Đức Kitô. Mỗi nhiệm tích là một nguồn suối chuyển thông sự sống của Đức Kitô cho con người và làm cho con người được gặp gỡ Đức Kitô cách thân tình.

• Sống theo gương Đức Kitô: Giáo lý giúp con người theo gương Đức Kitô bằng việc thực thi giới luật được đúc kết trong tám mối phúc và bằng các nhân đức, nhất là các nhân đức đối thần.