• Trang chủ

LỬA THIÊNG THÁNH THỂ

Lửa với bản chất nóng, sáng, ấm … đã là biểu trưng cho sự sống, sức mạnh, tình yêu con người và cả sự hiện diện của thần linh.

Từ khi tìm ra lửa, con người đã triệt để khai thác các hiệu năng của lửa mà ứng dụng trong cuộc sống hằng ngày. Lửa là nhân tố không thể thiếu trong đời sống.
Lửa không chỉ phục vụ các nhu cầu thiết yếu của đời sống vật chất con người mà lửa còn phục vụ mục đích giáo dục. Kết thúc một ngày vất vả, dân du mục hoặc các mục đồng quây quần bên đống lửa ăn uống, vui chơi, ca hát, nhảy múa, rũ bỏ mọi mệt nhọc trong ngày rồi khi ánh lửa tàn, họ chìm vào giấc ngủ thanh bình, êm ả. Ngày nay, trong các buổi dã ngoại, tham quan, hội trại… của các thành phần xã hội người ta không thể bỏ qua đêm lửa trại. Trong đêm tối giữa cảnh thiên nhiên, bên ánh lửa bập bùng, con người thấy tâm hồn ấm áp hơn, gần nhau hơn, dạt dào sự cảm thông và yêu thương. Đến khi ngọn lửa tàn trong yên lặng, họ vẫn nghe được tiếng lòng ấm áp của nhau và để tâm hồn hướng thượng về cõi thiêng liêng.
Trong các Sa mạc của phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể, hình ảnh cột lửa soi đường cho dân Chúa trong hoang địa được tái hiện trong đêm lửa trại với tên gọi là Lửa Thiêng Thánh Thể. Vậy chúng ta cùng tìm hiểu vấn đề này .
I. NGUỒN GỐC :
1. Trong lịch sử nhân loại:
Ở thời nguyên thuỷ xa xưa, con người thấy những tia chớp sáng loé trên bầu trời đen tối và làm cháy cả khu rừng to lớn. Nhìn những hiện tượng thiên nhiên đó, con người sợ hãi, kinh hoàng, nhưng sau đó, khu rừng còn lại những cột than nghi ngút khói và xác thú vật bị đốt lại toả hương vị ngào ngạt. Thịt chín ngon và dễ dùng hơn thịt sống.
Bản năng của con người bị kích động. Dần dần họ khám phá ra lửa, cách giữ lửa và công dụng của lửa: để nấu ăn, chiếu sáng, sưởi ấm rồi tiến tới tôn thờ lửa như một vị thần .
2. Đặc tính của lửa tự nhiên:
- Lửa đốt cháy:
Lửa được sử dụng trong việc nấu ăn: thui, nướng, nấu...; thiêu huỷ các đồ vật thừa thãi.
- Lửa cháy sáng:
Nhờ việc đốt cháy, lửa cũng mang lại nguồn sáng cho con người trong các màn đêm tăm tối để thấy đường di chuyển và con người biết chế tạo các loại đèn để sử dụng: đuốc, đèn cầy, đèn dầu, đèn măng-sông đến những loại đèn tối tân hơn: đèn pile, đèn điện, đèn LASER…
- Lửa đốt nóng :
Lửa còn có đặc tính sưởi ấm con người khi lạnh lẽo. Đêm đông lạnh buốt mọi người quây quần bên ánh lửa hồng để sưởi ấm thân thể và hun nóng tâm hồn.
Tuy nhiên nếu không khéo sử dụng lửa sẽ trở nên tai họa, chết chóc đau thương và tàn phá kinh khủng: cháy nhà, cháy rừng …
Chính vì những đặc tính trên mà từ xa xưa lửa còn được dùng để xua đuổi tà ma, quỷ quái, thú dữ; để tạo khung cảnh ấm cúng, thoải mái. Là bàn ăn của gia đình.
II. Ý NGHĨA CỦA LỬA TRONG THÁNH KINH:
Ngoài các đặc tính tự nhiên, lửa còn mang ý nghĩa đặc biệt trong Kinh Thánh
1. Trong Cựu ước :
Thiên Chúa kết ước với Abraham: cột lửa đi ngang qua các lễ vật đã được chuẩn bị (St 15, 17). Lửa nổi bật trong tương quan giữa Thiên chúa và dân Ngài.
a. Lửa gợi lên sự hiện diện của Thiên Chúa:
- Diễn tả sự hiện diện của Thiên Chúa, vừa hấp dẫn, vừa đáng sợ qua việc Môisê nhìn thấy “… bụi gai bốc cháy…” khi ông chăn chiên trên núi Horép (Xh 3, 1-3)
- Đức Giavê dùng cột mây, cột lửa dẫn đường phù trợ dân Ngài và dẫn họ về Đất Hứa (Xh 13, 21)
- Elia được cất lên trời trên xe lửa (2 V 2,11)
- Trình bày Thiên Chúa giáng lâm, tác giả Thánh Kinh dùng hình ảnh bão lửa (Tv 18,8-15; 7,3-4)
b. Lửa gợi hình ảnh Thiên Chúa thanh luyện:
- Thanh tẩy Isaia để chọn ông làm tiên tri (Is 6, 6-7)
- Thiên Chúa như lửa của thợ luyện kim, như thuốc tẩy của thợ giặt (Mi 3, 2)
- Thiên Chúa tẩy sạch mọi tì ố “Dỉ sét của ngươi, Ta sẽ tẩy sạch, như người ta lấy muối luyện kim. Mọi cặn bã của ngươi, Ta sẽ loại bỏ” (Is 1,25)
- Thiên Chúa dùng lửa để thử thách “Xin dò xét và thử thách con, tâm can này xin đem thử lửa” (Tv 26, 2)
c. Lửa chỉ quyền năng của Thiên Chúa:
- Ngọn lửa thiêu đốt lễ vật của Abel, của Noê, của Êlia,.. cho thấy Thiên Chúa nhận lễ vật dâng hiến.
- Thiên sứ khiến lửa từ trời xuống thiêu đốt thành Sodoma tội lỗi, cứu thoát gia đình ông Lot.
2. Trong Tân ước:
+ Lửa chỉ lòng mến của Thiên Chúa “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất và thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên” (Lc 12,49)
+ Lửa chỉ sự hiện diện của Thánh Thần trong ngày lễ Ngũ tuần “Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một và ai nấy tràn đầy ơn Thánh Thần” (Cv 2,3-4)
+ Lửa thiêu đốt trong ngày xét xử của Thiên Chúa “Tay Người cầm nia, Người sẽ rê sạch lúa trong sân, thóc mẩy thì thu vào kho lẫm còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi” (Mt 3,12)
3. Trong Phụng vụ
   Ngày nay trong đêm vọng Phục sinh, với nghi thức làm phép lửa và kiệu nến Phục sinh, Giáo hội nguyện xin ánh sáng Chúa Kitô Phục sinh chiếu soi trần gian tăm tối, xua đuổi tà thần, ma quỷ, đánh tan sự u mê của lòng trí chúng ta. “Ánh sáng Chúa Kitô - Ngợi khen Chúa” (lời xướng đáp trong Phụng vụ đêm vọng Phục sinh).
   “Chúa là ánh sáng tôi sợ chi ai” (Tv 26,1)
   Như vậy lửa không phải là “thần” để rồi xu phụng nó, vì: “…nhờ Ngôi lời, vạn vật được tạo thành và không có Người thì chẳng có gì được tạo thành. Điều đã được tạo thành ở mỗi người là sự sống và sự sống là ánh sáng cho nhân loại. Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối và bóng tối đã không diệt được ánh sáng” (Ga 1, 3 -5), “Ngôi lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1,9)
III. LỬA THIÊNG THÁNH THỂ
   Nếu như các đoàn thể sinh hoạt khác gọi việc đốt lửa sinh hoạt trong đêm là lửa trại thì Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể cũng tổ chức đêm đốt lửa nhưng được gọi là Lửa Thiêng Thánh Thể, vì:
1. Mục đích:
Lửa Thiêng Thánh Thể là thực hành giáo dục của Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể về cả hai phương diện tự nhiên và siêu nhiên.
a. Giáo dục siêu nhiên:
- Trình bày Kinh thánh qua các tiết mục
- Hiểu biết và cảm nghiệm về Chúa nhiều hơn với khung cảnh sống động của Thánh Kinh.
b. Giáo dục tự nhiên:
Đây là loại hình sinh hoạt vui tươi, hấp dẫn, giúp những người tham dự
- Sống tự nhiên trong sinh hoạt tập thể
- Trở nên hoạt bát, tháo vát, nhập cuộc
- Giúp phát triển khả năng ca vũ, nhạc kịch,…
2. Ý nghĩa
+ Chúa Giêsu là lý tưởng của Thiếu Nhi Thánh Thể nên ngọn lửa trong đêm nhắc mọi người sự hiện diện sống động của Thiên Chúa, Đấng là Chân Thiện Mĩ, là Ánh sáng, là Nguồn sống cho muôn người. Ở đây mọi người sum họp quanh lửa gặp gỡ nhau, thể hiện tính Hiệp nhất yêu thương và hướng thượng mỗi Thiếu Nhi Thánh Thể về lý tưởng của mình.
+ Lời Chúa trong Thánh kinh là nền tảng và là chất liệu trong các hoạt động Tông đồ cũng như xã hội, vì thế  đêm Lửa Thiêng, Thánh kinh được cụ thể hoá, hình tượng hóa.. qua các tiết mục văn nghệ.
+ Kết thúc Ngày sống Thánh Thể, mọi người đặt trên lửa những hy sinh, vui buồn trong ngày, xin Chúa chấp nhận như lễ toàn thiêu, xin ban niềm vui và một đêm an bình trong ân nghĩa Chúa.
+ Trong mỗi Sa mạc huấn luyện hoặc các Sa mạc vui chơi có ngủ qua đêm đều có các ý lực sống cho từng ngày hay từng buổi thì đêm Lửa Thiêng Thánh Thể là hoạt động cao điểm của ý lực sống: Thánh Thể. Chính vì vậy, Phong trào gọi là Lửa Thiêng Thánh Thể.
IV. CÁCH TỔ CHỨC LỬA THIÊNG THÁNH THỂ
1. Tổng quát:
+ Tổ chức Lửa Thiêng Thánh Thể phải để lại những kỷ niệm (êm dịu, vui vẻ), phải dành cho các Sa mạc sinh, quan khách những ấn tượng quý giá nhất, đẹp đẽ nhất và êm đềm nhất của Lửa Thiêng Thánh Thể.
+ Tổ chức Lửa Thiêng Thánh Thể phải luôn cố gắng không quá dễ dãi và hạ thấp năng lực giáo dục của nghệ thuật. Do đó, mọi người tham dự Lửa Thiêng Thánh Thể phải được: Tự do và thong thả. Chỗ ngồi không bị nóng quá, lạnh quá hay bị ẩm ướt. Trông rõ, nghe rõ trong suốt buổi Lửa Thiêng Thánh Thể. Quan khách phải được tiếp rước và dành chỗ ngồi
2. Chuẩn bị
a. Chọn chủ đề:
- Có mục đích chứ không phải là cuộc họp bất thường trong đó các “trò khỉ” được sáng tác bừa bãi để chọc cười một cách thô lỗ, vô duyên.
- Mỗi buổi Lửa Thiêng Thánh Thể phải có một chủ đề trực tiếp trong Kinh thánh mang giá trị Kinh thánh hay mang ý lực sống, có giá trị thực hiện nhân bản và đạo đức, được thực tại hoá trong cuộc sống xã hội đời thường. Nhưng tất cả phải lành mạnh, không bóp méo, sửa chữa lời, xuyên tạc ý nghĩa Thánh kinh. Các chủ đề phải mang giá trị giáo dục, nhất là giáo dục đức tin.
Ví dụ: “Vượt biển Đỏ, cuộc thương khó của Chúa Giêsu, hành trình truyền giáo của thánh Phaolô, vầng trăng Chúa yêu, yêu thương gia đình,…”
- Mọi tiết mục đều xoay quanh cùng chủ đề đó. Các tiết mục được diễn tả bằng hành động, cử chỉ, lời nói, trang phục hoá trang phù hợp với ý nghĩa của tiết mục và có thể dùng mọi hình thức ca, vũ, nhạc, kịch,… để chuyển tải nội dung.
b. Làm chương trình lửa thiêng
- Chọn người chịu trách nhiệm tổ chức buổi Lửa Thiêng Thánh Thể. Người này có nhiệm vụ soạn thảo chương trình một cách chặt chẽ, chi tiết từ A-Z (nên có đóng góp ý kiến của nhiều người)
- Trước khi làm chương trình phải biết phân loại các loại Lửa Thiêng dành cho Ấu nhi, Thiếu nhi, Nghĩa sĩ, Huynh trưởng vì mỗi Ngành, mỗi lứa tuổi có những hình thức, nội dung sinh hoạt và tâm lý khác nhau.
- Cũng cần lưu ý các loại hình Sa mạc: Sa mạc huấn luyện, Sa mạc vui chơi, Sa mạc giao lưu, họp bạn, Sa mạc của Hiệp đoàn, Sa mạc liên hạt, Sa mạc của Giáo phận.
- Lên chương trình phải nắm rõ thời gian tối đa cho một buổi Lửa Thiêng: Ấu nhi là 1 tiếng, Thiếu nhi là 1 tiếng rưỡi, Nghĩa sĩ và Huynh trưởng là 1 tiếng rưỡi đến 2 tiếng.
- Sau khi có chương trình là phân công các tiết mục cho các đội (nếu đông có thể ghép 2 đội/ tiết mục). Báo trước chủ đề, phân công đề tài cụ thể để các đội có thời gian chuẩn bị nội dung, trang phục. Quy định thời gian cho mỗi tiết mục (5-10 phút), nội dung các tiết mục phải nộp cho Ban tổ chức để được kiểm duyệt và xếp thứ tự diễn. Các tiết mục hài cần được chọn lọc để vẫn mang tính “giáo dục” và đạt được “nhu cầu thư giãn”
c. Nhân sự: Người chịu trách nhiệm tổ chức
- Quản trò:
• Nhân vật chính trong đêm lửa, là linh hồn của buổi Lửa Thiêng.
• Người nắm và phối trí chương trình chi tiết.
• Phối hợp đồng bộ nhịp nhàng với những người cộng tác trong buổi Lửa Thiêng (quản ca, quản lửa,…) và những người phụ trách tiết mục của các đội.
• Linh hoạt, tháo vát, ứng biến kịp thời khi các tiết mục chưa kịp chuẩn bị xong, các đội diễn dài, diễn thay đổi nội dung đã đăng kí, làm đêm sinh hoạt sống động, vui tươi, hợp với chủ đề, mục đích giáo dục. Xen giữa các tiết mục bằng các bài hát, băng reo, trò chơi, câu đố, bài múa, kể chuyện, ảo thuật, ngâm thơ, làm xiếc …
• Quản trò không quá nhố nhăng, lố bịch, ăn nói sai phép như một tên hề rẻ tiền, như diễn hài cương quá, lạm dụng tiếng cười.
- Quản ca:
• Phụ trách bắt giọng các bài ca nghi thức: Gọi lửa thiêng, chào lửa thiêng, mang lửa về tim.
. Phụ trách phần ca múa tập thể, băng reo làm phong phú thêm ấn tượng cho đêm lửa. Phối hợp nhịp nhàng với quản trò xen kẽ giữa các tiết mục văn nghệ
- Quản lửa:
• Phụ trách củi lửa, vật dụng lửa (củi, đuốc, đồ mồi, dầu hôi, muối hạt, nước, gậy cơi lửa…)
• Phụ trách việc chuẩn bị đống lửa
• Điều khiển ngọn lửa, tạo nên cảm xúc cho ngọn lửa bằng những kĩ xảo điều khiển cường độ ngọn lửa …
- Nhân sự phụ trách âm thanh, tiếng động … (thường là nhờ ban kĩ thuật của sa mạc)
- Nhân sự phụ trách trật tự vòng ngoài (thường là nhờ ban trực)
- Phân nhiệm các nhân vật lửa: Thông thường, trước khi ngọn lửa được châm đều có phần dẫn nhập bằng một đoạn Lời Chúa rồi có thể minh hoạ bằng hoạt cảnh nói lên ý nghĩa của đêm lửa bằng các nhân vật:
• Bóng đêm, quỷ, ma quái (màu đen )…
• Ánh sáng, Thiên Thần, Thần Mặt Trời, Giavê Thiên Chúa, Người tiền sử … (màu trắng)
- Phân công đội chuẩn bị mang củi, xếp củi, mang vật dụng kĩ thuật lửa (cát, tole, đuốc, dầu hôi, muối, giẻ mồi, cây gạt củi, con bọ, dây kẽm…)
- Phải sắp đặt sẵn sàng các dụng cụ cần thiết khác cho buổi lửa thiêng gần ngay địa điểm đốt lửa: Micro, loa, ánh sáng (đèn điện, đèn pile, hộp quẹt, nến nhỏ …), dụng cụ âm nhạc (đàn guitare, bộ gõ, cassette, trống, kèn, chiêng), nhớ có cả phần thưởng lửa thiêng cho buổi tổng kết (cần thiết liên hệ với ban quản lý sa mạc)
- Phân công ban giám khảo chấm điểm thi đua với các tiêu chuẩn: Nội dung, ý nghĩa, hóa trang, diễn xuất. Thang điểm mỗi tiêu chuẩn là 10 (nhớ có bảng chấm điểm cho Ban giám khảo )
- Phân công đội trực phục vụ vệ sinh vị trí đốt lửa và cả xung quanh sau khi kết thúc đêm lửa thiêng.
d. Địa điểm:
- Khu vực đốt lửa:
• Địa điểm an toàn, rộng rãi, phù hợp với số người tham dự
• Khu vực riêng biệt, tạo không gian và khung cảnh ấm cúng, bầu khí linh thiêng, tránh xa khu dân cư để tránh sự phá rối dòm ngó ồn ào của dân địa phương làm loãng ý nghĩa của đêm lửa vì đây không phải là đêm trình diễn văn nghệ thuần tuý.
• Tránh những khu vực nhạy lửa như: kho hàng, khu xăng dầu, rừng cỏ khô, khu nhà lá… Để ý tránh hỏa hoạn do tàn lửa bay ra.
• Xếp chỗ ngồi của quan khách sạch sẽ, cao ráo, ở phía đầu gió để tránh bị khói và nóng.
e. Kỹ năng chất củi, đốt lửa đêm Lửa thiêng:
- Nguyên tắc:
• Mọi việc đã sẵn sằng để tất cả quây quần bên đống củi đã chuẩn bị sẵn .
• Khi đuốc được châm vào đống củi, ngọn lửa phải bùng lên mạnh mẽ cùng với tiếng hò reo
• Ngọn lửa phải cháy xuyên xuốt, liên tục soi sáng cho các tiết mục văn nghệ cho đến khi kết thúc… Đó là một đêm lửa thiêng thành công
• Ngược lại, ngọn lửa cháy yếu ớt và chỉ bùng lên khi một vài túi dầu hôi được quăng vào, lửa leo lét tăm tối đó là một đêm lửa thất bại dù quản trò, quản lửa hay các đội đã cố gắng diễn xuất các tiết mục cách hoàn chỉnh .
- Kỹ thuật :
• Chất lượng củi:
+ Củi thường được chọn là củi khúc, chắc nặng và khô. Củi càng nặng (chắc) cháy lâu có than, củi nhẹ cháy mau tàn. Lưu ý các loại củi xốp không nên sử dụng vì cháy yếu và khói nhiều
+ Củi xếp lý tưởng khoảng 50cm - 70cm
• Cách xếp củi:
+ Kiểu hình nón: kiểu sắp xếp củi chụm trên đầu chụm lại và dưới chân loe ra, củi nhỏ và khô ở trong nón, củi lớn ở ngoài.
+ Hình tứ diện: kiểu xếp hình nón ở trong, giữa bằng củi nhỏ và khô, bên ngoài xếp thành hình vuông hai củi ngang, hai củi dọc, cứ thế mà chồng lên nhau, bọc lấy nhau, cao dần lên cho khuất chỏm hình nón
+ Hình lục lăng: Xếp hình nón trong giữa như trên và bên ngoài bao bọc bằng củi lớn xếp hình tam giác xéo nhau cao dần lên
+ Hình bát giác: Như kiểu tứ diện song các hình vuông xéo nhau chia thành tám cạnh.
+ Cây đình liệu: Là hình thức các tổ chức lửa thiêng lớn, ở thành phố thì có thể là cây pháo bông, toàn pháo xì hoa từ thân đến đầu (cao tới 3-4m trở lên) cho cháy lâu hàng giờ để vừa xem vừa ăn uống chơi vui trò chuyện với nhau. Ở ngoài thiên nhiên ta có thể làm cây đình liệu bằng cách xếp đống lửa trước bằng cả thân cây (không chặt nhỏ) cao từ 2 -5m. Kiểu này hay xếp theo hình nón và cần đến các cây đều nhau, cây cần khô và có nhựa như cây thông hoặc thuộc loại dễ cháy, muốn cho cây cháy ngay và sáng rực rỡ từ đầu đến chân, ta có thể phết nhựa thông, nhựa trai vào quanh thân cây, nhớ đừng quên xếp củi hình tứ diện, lục lăng hay bát giác ở dưới cùng để nuôi lửa, các trường Đại học, Trung học lớn hay làm lối này khi mãn khóa hay khai khóa vì quá đông.
+ Cho cát vàng khô (hoặc giẻ rách vụn) vào một chậu hoặc lon (lớn nhỏ tùy thích) rồi đổ dầu hôi vào lúc châm lửa là cháy liền, để chậu hoặc lon vào trong lòng đống củi để khi chủ tọa châm lửa là châm vào chậu hoặc lon này cho lửa cháy bắt lên củi bên ngoài .
• Hướng gió:
Lửa cháy được là nhờ thông thoáng, nếu như ta chất củi kín mít không thông thoáng lửa sẽ không cháy được, hoặc cháy sẽ yếu ớt vô cùng. Do đó, ta phải tìm và xác định hướng gió để “mở miệng củi”. Có nhiều cách để xác định hướng gió :
+ Nhìn ngọn cây, khói, tung lá khô …
+ Thực tiễn nhất, ta dùng nước bôi lên lưng bàn tay, sau đó ta xoay bàn tay, hướng nào mà ta cảm thấy lưng bàn tay mát nhất chính là hướng gió.
Sau khi xác định được hướng gió, ta xếp củi sao cho có một lỗ lớn xoay ra hướng gió (họng củi, miệng củi) để khi cháy sự thay đổi áp suất không khí sẽ hút gió vào đống củi, lửa có không khí sẽ bùng cháy. Nhưng cần lưu ý phải là gió vừa, chứ nếu gió quá mạnh lại phải đổi lỗ hang châm lửa về phía ngược lại
• Mồi lửa: Không thể đốt ngay một đống củi lớn bằng một ngọn đuốc, vì thế, chúng ta cần chuẩn bị mồi lửa cho thật tốt. Thông thường, dùng: giẻ tẩm dầu, vỏ dừa khô, vụn gỗ bào (dăm bào) hoặc những cành củi nhỏ (không nên dùng vỏ xe vì khi cháy tạo ra khói độc)
• Búi nhùi: Làm bằng cách lấy một que củi khô, tước ra hoặc chẻ ra thành nhiều xớ. Sau đó nhét giẻ vụn tẩm dần vào chỗ đã tước ra, rồi chuốt dần nhọn cây củi và đóng xuống đất, giữa đống củi.
• Ống dầu: Đặt một cây tre cắt đầu vào giữa đống củi, đầu ống tre chứa dầu, miệng ống tre móc với vài cọng kẽm đã được xe vải vụn thả xuống đất
• Củi phải chuẩn bị đủ cho thời gian sinh hoạt, tuỳ theo chất lượng, loại củi mà dự trữ. Thông thường để lửa chiếu sáng trong một tiếng cần 0.5 m3 củi.
• Khi đốt lửa trên nền xi măng, cần phải trải cát dày bên dưới, đặt lên trên một tấm tole, trải thêm lớp cát sau đó mới chất củi lên trên (tránh làm hư nền xi măng) còn trên nền đất thì chọn chỗ đất khô, có thể lót nền bằng ít tro khô,  cát khô nếu không có thì một ít mồi lửa đã nói ở trên rồi bắt đầu xếp củi
• Cách tô màu cho lửa:
Nhằm mục đích thẩm mỹ và tăng phần hào hứng cho buổi Lửa thiêng.
+ Làm khói: Ném vào đống lửa đang cháy rực một ít cỏ tươi hay lá cây tươi (nhớ tránh khói quá nhiều làm cay mắt sa mạc sinh và quan khách)
+ Làm sáng rực: Ném vào lửa từng nắm rơm khô hoặc giấy cắt nhỏ hay các cây pháo bông nhỏ
+ Làm lửa đỏ: Ném vào lửa một nắm bột màu đen
+ Làm lửa vàng: Ném vào lửa nắm muối hay hạt nhựa
+ Làm lửa xanh lục : Ném vào lửa một nắm bột sulfate  de cuivre, giấy bạc
+ Làm lửa xanh lơ: Ném vào lửa một nắm bột Zinc (vẫn đánh giày mũi trắng )
Dùng loại bột thật khô, không pha trộn các loại bột lại với nhau gây nổ và không để các loại bột gần lửa.
f. Các chuẩn bị khác:
- Để bắt đầu buổi Lửa Thiêng Thánh Thể tất cả đều phải chuẩn bị trước tới giờ khai mạc là phải sẵn sàng.
- Các sa mạc sinh phải rành rẽ về mọi nghi thức của đêm Lửa Thiêng (tập họp, Khai mạc, Gọi lửa, Múa Chào lửa thiêng, Bế mạc …) (Trước đó nên có giờ ôn lại)
- Các nội dụng văn nghệ của đêm Lửa Thiêng được các đội chuẩn bị trong lúc họp đội ở Sa mạc
- Chuẩn bị dụng cụ để hoá trang thật tốt, sẵn sàng cho buổi diễn. Nên hoá trang theo chủ đề của đêm Lửa Thiêng hay nội dung tiết mục đội mình diễn. Về hoá trang cá nhân, các sa mạc sinh không được ăn mặc lôi thôi, bẩn thỉu, lố lăng, lập dị. Có thể chít khăn lên đầu, khoác một áo choàng gọn nhẹ, cũng có thể hoá trang thành nhân vật nổi bật nào đó, có thể làm mặt nạnhưng làm sao cho tiện, giản dị, tránh luộm thuộm, cầu kỳ, cồng kềnh, cản trở các sinh hoạt trong Đêm Lửa Thiêng.
V. DIỄN TIẾN CỦA ĐÊM LỬA THIÊNG THÁNH THỂ:
1. Sửa soạn:
- Trời tối (thường tiến hành lúc 19h30), đống ủi đã được xếp sẵn, trưởng Trực cho các đơn vị im lặng lần lượt đến vị trí quanh đống củi (thường là hình tròn, nếu số lượng đông có thể hai, ba vòng tròn) với y phục hoá trang
- Đại diện mời các trưởng và quan khách
- Trưởng Trực hô “Chào” các Trưởng và quan khách
- Sau đó, trưởng Trực bàn giao lại nhiệm vụ cho Trưởng Tổ chức Đêm Lửa Thiêng.
2. Nghi Thức Khai Mạc:
- Mọi người đứng nghe đọc một đoạn lời Chúa về đề tài lửa, ánh sáng hay tối tăm: St 1,1-5; Tv 18,8-15; Xh 3,1-3; Ga 1,1-9; Cv 2,1-4;….
- Người hướng dẫn hay Cha Tuyên uý hoặc Đoàn trưởng sẽ nói qua về ý nghĩa của Lửa hoặc về sự tối tăm, ánh sáng (Có thể diễn hoạt cảnh tăm tối và ánh sáng để gọi lửa cũng như hát múa các bản nhạc về gọi lửa nhưng đây không phải là bài hát chính thức)
- Tiếp theo là hát bài ca “Gọi Lửa Thiêng”. Mọi người hát gọi lửa mỗi lúc một nhanh và dồn dập như mong đợi (hát 3 lần hoặc hơn cho tới khi ánh lửa được châm) (phụ họa thêm bằng tiếng trống, tiếng chiêng)
- Trong khi đó, Đoàn trưởng, Cha Tuyên uý hay vị quan khách cao cấp nhất được mời châm lửa thiêng (cũng có thể dùng các hình thức khác cho việc châm lửa thiêng như dùng con bọ phóng lửa xuống, rước lửa từ nơi đền thờ hay nhà thờ ra, rước kiệu lửa từ ngoài vào, châm lửa. Tất cả vũ bài “Chào Lửa Thiêng”
3. Nội dung:
Nói lên được tinh thần ý nghĩa của mỗi ngành: Ấu- yêu thương, Thiếu-Thân hữu, Nghĩa-Đại nghĩa … qua các chủ đề rút ra từ Kinh Thánh hay cuộc sống gia đình, học đường, xã hội. Các tiết mục này cần liên tục mang ý nghĩa giáo dục và xây dựng cao đẹp.
*Lưu ý: Để nội dung buổi lửa thiêng Thánh Thể thành công ta phải :
- Chuẩn bị kĩ lưỡng nghĩa là tập dợt, xếp đặt, so sánh, lo liệu cẩn thận.
- Phải uyển chuyển, nhịp nhàng, thay đổi sao cho mới lạ, vui vẻ, linh hoạt từ đầu đến cuối mà vẫn có liên hệ mạch lạc. Đừng hấp tấp vội vàng mà cũng không chậm chạp lờ đờ.
- Gây hào hứng, hấp dẫn nhưng làm cho nội tâm các Sa mạc sinh hướng thượng về Thiên Chúa tình yêu
- Cố gắng hoàn thiện, hoàn mỹ tất cả các tiết mục của Lửa Thiêng Thánh Thể về cả phẩm lẫn lượng nghĩa là hết sức hoàn hảo.
4. Bế Mạc:
- Lửa tàn, cuộc vui chấm dứt, mọi người đứng lên, tiến sát quanh đống lửa (nhớ chỉnh lại vòng tròn)
- Trưởng Tổ chức nói vài lời cám ơn quan khách
- Mời Cha Tuyên uý (hay vị cao cấp nhất) nói đôi lời về ý nghĩa “Mang Lửa Về Tim”, đoạn ban phép lành, đọc kinh tối. (lấy lửa từ đống lửa) Đốt nến cho từng người (chuẩn bị nến)
- Hát bài “Mang Lửa Về Tim” (hát 3 lần), các đội tuần tự rời vòng tròn, tay cầm nến cháy trở về lều. Tiếp tục vừa đi vừa hát nhỏ dần, yên lặng, nghỉ đêm, cần giữ một khoảng không gian thật lắng đọng.
- Ban điều hành Sa mạc và quan khách tách khỏi hàng đứng tiễn sa mạc sinh cho đến khi người cuối cùng đi khỏi .
*Lưu ý: Có chương trình dự trù đề phòng trời mưa.
VI. MỘT SỐ LƯU Ý :
- Quản trò cần có một cuốn sổ tay ghi chép rõ ràng, rành mạch mọi chi tiết của tổ chức Lửa Thiêng Thánh Thể: các tiết mục xen kẽ trong buổi Lửa Thiêng Thánh Thể, các bài hát, các bài múa, các trò chơi, các truyện ngắn, các vở kịch, các băng reo, tiếng động, các bài thơ, câu đố và các kiểu y phục hoá trang, mặt nạ, bài trí cây cối, thú vật… Sổ tay cũng ghi lại các kỷ niệm, các ngày tháng đặc biệt đáng nhớ, lý do của mổi Lửa Thiêng Thánh Thể và tất cả mọi ý kiến cải tổ, xây dựng, phê bình, rút kinh nghiệm, nhận xét về Lửa Thiêng Thánh Thể.
- Về thứ tự các tiết mục văn nghệ và các cuộc chơi, nên để dành các tiết mục, các cuộc chơi lại phần cuối chương trình
- Tránh quan niệm lửa thiêng là một buổi vui chơi, pha trò hay một buổi trình diễn văn nghệ thuần tuý. Mọi sinh hoạt cần hướng về chủ đề hoặc là những sinh hoạt lành mạnh, tránh những hoạt náo giễu cợt, rẻ tiền.
- Mọi sự hoá trang chuẩn bị của các Đội phải được lo liệu từ trước khi buổi Lửa Thiêng diễn ra. Tránh tình trạng cả Đội bỏ vòng tròn đi chuẩn bị cho tiết mục
- Lửa Thiêng Thánh Thể là một sinh hoạt giữa các sa mạc sinh và ban điều hành cùng một lý tưởng, vì thế tất cả mọi người phải tham dự nhiệt tình. Tất cả luôn duy trì vòng tròn khép kín quanh đống lửa, trừ trường hợp phải di chuyển làm nhiệm vụ
- Quản trò là linh hồn của buổi Lửa thiêng đóng vai trò người trưởng điều khiển: vừa là một nhạc trưởng biết điều khiển chương trình, người chỉ huy làm sống động buổi Lửa Thiêng. Quản trò cần được trang bị nhiều tài mọn, có óc hài hước, linh hoạt, cần sắp xếp các tiết mục cho phù hợp, lúc cao điểm thì không khí phải thật sôi động, hào hứng và giảm dần cường độ khi gần kết thúc, tránh kết thúc quá đột ngột.
Việc dẫn chuyển tiếp giữa các tiết mục phải thật khéo léo, có duyên, đừng lố bịch, tránh thời gian chết giữa các tiết mục. Muốn như thế quản trò cần điều phối thật kĩ chương trình (kịch bản), kể cả các tiết mục xen kẽ sao  cho vui tươi sinh động nhưng không làm phá vỡ sự liền mạch của chương trình, làm lạc hướng chủ đề đêm Lửa Thiêng. Quản trò có thể mời thêm các trưởng khác tiếp tay để tránh đơn điệu, độc diễn ..
- Quản trò, quản ca là những người được phép xuất hiện trong vòng lửa, để tiếp nguyên liệu cho ngọn lửa  nhưng cần hạn chế đi lại khi các tiết mục đang trình diễn. Quản lửa cũng cần nắm vững nội dung các tiết mục để tạo kĩ xảo cho lửa khi cần thiết. Tất cả những ai muốn tham gia hoạt náo đều phải được sự cho phép và sắp xếp của quản trò, tránh thời gian chết giữa các tiết mục.
- Một đêm lửa thiêng không nên quá kéo dài. Cả chương trình cũng thế, nên đúng giờ vì lâu quá sẽ làm mất hay, thêm nhàm chán.
- Diễn viên các tiết mục có thể diễn quanh đống lửa  và nên diễn ở phía trên gió (không có khói), đối diện với quan khách, cũng là phía dành cho quan khách
- Người lên chương trình phải dự kiến cả tình huống xấu như hoả hoạn, mưa gió mạnh, phá hoại,… để đối phó, cứu chữa, sơ tán, cấp cứu, ổn định tình hình kịp thời.
- Sau khi kết thúc buổi Lửa thiêng phải thu nhặt dụng cụ, tắt lửa trong im lặng.
- Rút ưu khuyết điểm đêm Lửa thiêng Thánh Thể trong cuộc họp Đội trưởng với ban điều hành ngay trong cuộc họp đánh giá hoạt động ở sa mạc (cùng lắm qua ngày hôm sau khi sa mạc chưa kết thúc)
VII. KẾT LUẬN
Lửa thiêng Thánh Thể là một sinh hoạt vui tươi, có mục đích giáo dục, đòi hỏi mọi sa mạc sinh phải cố gắng cộng tác. Qua sinh hoạt này các sa mạc sinh thể hiện tình đoàn kết thân hữu, niềm vui, liên kết mọi người trong tình thương vô bờ bến của tình yêu Thiên Chúa.