• Trang chủ

TÌM HIỂU TÂM LÝ NGÀNH NGHĨA

Dẫn nhập: Gọi tuổi thanh thiếu niên bao hàm cả thanh niên và thiếu niên.
Độ tuổi từ 18–25 tuổi cũng thường gọi là thanh niên, nhưng thường được hiểu là các thanh niên trẻ.
Tuổi vị thành niên là độ tuổi từ 11-17 tuổi. Đây là tuổi mà chúng ta gặp các em trong các lớp Thêm sức và Bao đồng và Vào đời. Tuổi này có những đặc điểm gì nổi bật.?
Các em tuổi này có tâm lý không ổn định, tính tình có khi dũng cảm, gan dạ nhưng có khi lại hèn nhát, có lúc tự tin đến mức tự phụ nhưng có lúc lại rất do dự, không dám dấn thân.
Ở tuổi này cách cư xử của các em rất rối ren phức tạp, ngay cả bản thân các em đôi khi cũng khổ sở, không hiểu mình; thường làm cho người lớn khó chịu đến mức chịu không nổi. Đây là tuổi các em ở giai đoạn chuyển tiếp giữa hai trạng thái trẻ em và người lớn.
Thường các em ở lứa tuổi này, ông bà, cha mẹ… những người có khoảng cách xa về tuổi tác khó chấp nhận, khó thông cảm và hay bực bội với các em. Những giáo lý viên, do tuổi tác không xa cách nên dễ thông cảm, gần gũi với các em hơn, chúng ta cần hiểu biết về những lý do khiến tâm lý các em rối ren, phức tạp, làm chúng trở nên “kỳ quặc” để giúp các em vượt qua những bất ổn tâm lý, khẳng định được mình và có cách cư xử đúng đắn phù hợp với nhân phẩm, với luân lý xã hội để phát triển nhân cách trong quá trình trưởng thành của các em.
Chúng ta sẽ đề cập đến một vài lý do làm cho tâm lý các em rối ren, phức tạp.
I. NHỮNG YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN TÂM LÝ TUỔI VỊ THÀNH NIÊN.
1. Hiện tượng dậy thì:
Ở tuổi vị thành niên, sự phát triển cơ thể các em diễn ra ở tốc độ nhanh. Trọng lượng, chiều cao tăng nhanh khiến các em cảm thấy như chân tay dư thừa, các tuyến nội tiết rối loạn, đặc biệt các bộ phận thể hiện giới tính nảy nở.
Điều đó khiến các em chú ý đến cơ thể, đến các đặc điểm của bản thân, tạo ra nơi các em những băn khoăn thắc mắc và càng băn khoăn thắc mắc hơn khi các em phát hiện ra những đặc điểm trên cơ thể các em không giống người này hay người khác. Thế là các em tìm cách giải đáp thắc mắc, có thể nơi bạn bè, qua sách báo hoặc có thể nơi những người lớn mà các em tin tưởng.
Thăm dò cách đây khoảng 10 năm cho thấy các em giải đáp thắc mắc nơi bạn bè 55%, sách báo 10%, người lớn 35%. Và mới đây trong phạm vi nhỏ hơn một thăm dò cho thấy bạn bè 70%, sách báo 20%, người lớn 10%.
Tìm hiểu nguyên nhân người ta thấy tuổi vị thành niên tìm đến bạn bè nhiều là do những lý do sau:
• Nơi bạn bè các em tìm thấy sự đồng cảm
• Sự phát triển xã hội hiện nay làm cho cuộc sống gia đình lỏng lẻo: cha mẹ, người lớn ít quan tâm đến con cái, thậm chí nhiều bậc cha mẹ chẳng hề dành thời giờ cho con cái.
• Người lớn sống xa rời trẻ em, ít tỏ ra gần gũi, đôi khi lại tỏ ra dị ứng với những thắc mắc của các em, nhiều cha mẹ do thiếu hiểu biết nên giải thích theo kiểu lấp lửng, không thỏa đáng, làm cho các em, nhất là những em trưởng thành sớm cảm thấy không thỏa mãn, có em cho rằng người lớn nói dối. Điều này càng khiến các em tìm đến bạn bè nhiều hơn.
Nhưng nơi bạn bè, đa số các em không tìm được câu trả lời chính xác, chúng lại tìm đến sách báo, nhưng đâu phải sách báo nào cũng tốt, nhất là hiện nay việc quản lý văn hóa phẩm không chặt chẽ. Khả năng các em lại chưa đủ để hiểu rõ, hiểu hết những gì nói trong sách báo.
Vai trò của người Huynh Trưởng-Giáo Lý Viên ở đây rất quan trọng: như 1 người bạn, người Huynh Trưởng-Giáo Lý Viên cần biết đồng cảm với các em để các em có thể tâm sự. Như 1 người anh, người chị, người Huynh Trưởng-Giáo Lý Viên cần gần gũi, thân mật với các em, tạo cho các em tâm lý dễ dàng trao đổi, gởi gắm những thắc mắc của chúng, chú ý hướng dẫn giúp các em có thể chọn lọc được những sách báo có giá trị, hiểu đúng. Cũng cần lưu ý rằng đây là vấn đề rất tế nhị, đòi hỏi người Huynh Trưởng-Giáo Lý Viên phải thật tinh tế và có một tâm hồn rộng mở yêu thương.
Tóm lại, do hiện tượng dậy thì, trẻ vị thành niên có nhiều thắc mắc, chúng có nhu cầu phải được giải đáp. Nhưng tự chúng, loay hoay nơi này hay nơi kia, trong thực tế chúng vẫn chưa trấn an được mình, chúng còn gặp nhiều khó khăn trong vấn đề này. Người Huynh Trưởng-Giáo Lý Viên khi làm việc với trẻ cần hiểu biết về mọi mặt, người Huynh Trưởng-Giáo Lý Viên “không được dốt về bất cứ chuyện gì, không chỉ hiểu biết cách chung chung, nhưng phải nắm vấn đề một cách sâu rộng và chi tiết” và cần có tâm hồn cởi mở yêu thương, một thái độ gắn bó thân mật đối với các em, chúng ta mới có thể giúp các em cở mở cõi lòng, hiểu các vấn đề theo trình độ của các em, giúp các em giảm thiểu tình trạng bất an về tâm lý.
2. Môi trường:
Môi trường tác động lên tâm lý tuổi vị thành niên là gia đình, nhà trường và cộng đồng (Bạn bè, khu phố, điểm vui chơi, phương tiện truyền thông…).
Trong 3 phạm vi ấy, đa số các em cảm thấy dễ chịu, tự do nhất khi các em ở ngoài cộng đồng. Chỉ có những gia đình nào thực sự đầm ấm, trường học nào thực sự tận tâm, yêu mến học sinh, cơ cấu nhà trường ý thức đến việc tổ chức các sinh hoạt học đường, mới có những người con, những học sinh thực sự yêu thích nhà mình, trường học của mình. Những con số này còn ít. Đại đa số hướng về cộng đồng xã hội, bởi ngoài cộng đồng có nhiều đổi mới và đổi mới nhanh chóng hơn, hấp dẫn hơn. Nơi  đây, các em dễ sa vào con đường hư hỏng.
Không thể qui trách nhiệm về tình trạng hư hỏng của trẻ em hiện nay cho cộng đồng, mà chúng ta phải xét lại sự giáo dục ở nhà trường và gia đình. Nếu ở gia đình và nhà trường thực hiện tốt việc giáo dục các em, là nơi các em cảm thấy an toàn, thích thú thì các em sẽ ít ra ngoài cộng đồng, tình trạng hư hỏng ở tuổi vị thành niên theo đó cũng ít đi.
Chúng ta thử xem các yếu tố môi trường (Gia đình, nhà trường, cộng đồng) hiện nay ra sao, có ảnh hưởng gì đến việc giáo dục các em tuổi vị thành niên.
Gia đình hiện nay bị chao đảo vì lo chạy theo kinh tế, tình cảm giữa cha mẹ và con cái trở nên lỏng lẻo, bởi chú tâm và dành quá nhiều thời giờ cho việc làm ăn, cha mẹ đã xem nhẹ việc giáo dục con cái.
Nhà trường bị khủng hoảng bởi sự bùng nổÕ thông tin, làm cho chương trình học nặng và dầy ra nhiều, thầy cô do phải nặng nề với khối lượng kiến thức nên ít quan tâm hoặc bỏ quên việc giáo dục, uốn nắn tư cách đạo đức tác phong cho học sinh.
Ngoài cộng đồng, ý thức trách nhiệm bị mọi người coi nhẹ, khuynh hướng đặt nặng vật chất, lợi nhuận làm con người ta coi thường luân lý đạo đức. Người lớn dửng dưng với những hư hỏng của các em, đôi khi vì một vài lợi nhuận riêng đã tiếp tay đưa các em đến con đường hư hỏng.
Giữa môi trường xã hội hôm nay, người Huynh Trưởng GLV “Được Thiên Chúa mời gọi để cùng cha mẹ trẻ», góp phần cộng tác với xã hội mà dạy dỗ trẻ”, đặt vào tim chúng nền tảng nhân bản và Kitô”. Người Huynh Trưởng GLV phải là những con người nhân bản, có đủ kiến thức giáo lý, am hiÃểu các phương pháp giáo dục, có một tinh thần cầu nguyện và lòng nhiệt thành hăng say dựa vào ân sủng được trao ban cho chúng ta mà chuyên tâm, cẩn trọng dẫn dắt trẻ» về đức tin và nhân bản bằng chính gương đời sống và qua việc dạy dỗ của chúng ta.
II. CÁC ĐẶC ĐIỂM TÂM LÝ TUỔI VỊ THÀNH NIÊN.
1. Nhận thức:
Ở tuổi vị thành niên khả năng tư duy của các em đã tốt hơn nhiều, nhất là từ 13 tuổi trở lên (Tuổi các em lớp Bao Đồng và Vào đời). Các em biết suy nghĩ cách trừu tượng và biết áp dụng những tư duy vào lý luận.
Độ tuổi này các em ham hiểu biết, tìm tòi, thích khám phá, thể nghiệm. Đặc điểm này làm cho các em phát triển khả năng sáng tạo.
Các em cũng thích tranh luận, lý sự (Người lớn cho là hay cãi) và thường biện minh cho các hành vi của các em, cả khi chúng biết là chúng sai.
Để giúp các em phát triển tư duy, nhận thức đúng đắn, người Huynh Trưởng GLV cần phải tạo điều kiện để các em có thể trình bày ý kiến của mình trong giờ giáo lý (Có thể dùng phương pháp chủ động), trong khi hướng dẫn các em cần chú ý lắng nghe, tôn trọng ý kiến của các em, biết khích lệ, khen thưởng các ý kiến hay, đúng, cách nhẹ nhàng và tế nhị. Nên uốn nắn và sửa chữa những phát biểu của các em để diễn đạt rõ hơn, chính xác hơn. Nhưng cũng có khi phải biết im lặng trước những lập luận một chiều của các em nếu thấy rằng việc giải thích của chúng ta chưa thuyết phục được. Chờ dịp khác.
 2. Tình cảm:
Tuổi vị thành niên các em có cảm xúc rất mạnh, khó kiềm chế, đôi khi hay cường điệu cảm xúc của mình. Trước một sự kiện, các em thường có những thể hiện tình cảm quá đáng, vui thì vui quá mà buồn thì cũng quá buồn, nhiều khi đưa đến những hành vi đáng tiếc.
Các em thường tuyệt đối hóa tình cảm nên thường có những đòi hỏi cao: cách quá đáng, tuyệt đối. Khi thương thì thương quá đến mức thần tượng hóa, và đối tượng được coi là tốt thì bất kỳ cái gì cũng phải tốt, nhất là những thần tượng của các em; còn nếu đã ghét thì điều gì cũng đáng ghét. Bởi thế, ở tuổi này các em thường bị rơi vào tâm trạng hụt hẫng, thất vọng, đôi khi tuyệt vọng. Thường có xao xuyến, bồi hồi, băn khoăn, khó nghĩ.
Muốn làm cho các em thích thú học giáo lý và có thể đồng hành cùng các em trong đời sống, người Huynh Trưởng GLV phải tạo được tình cảm và uy tín đối với các em, các em sẽ không thể mến chúng ta khi thấy rằng ta không yêu mến chúng; không thể nghe lời chúng ta nếu đối với chúng, ta không có chút uy tín nào. Bởi thế, người Huynh Trưởng GLV phải đến với các em bằng một tình yêu của Chúa Kitô, yêu thương các em như Chúa Kitô yêu chúng. Và bản thân người Huynh Trưởng GLV phải là một con người phải có đức tính nhân bản và có năng lực thực sự.
III.  NHU CẦU TÂM LÝ CỦA TUỔI VỊ THÀNH NIÊN.
1. Khuynh hướng làm người lớn (Nhu cầu hàng đầu):
Như  đã nêu, tuổi vị thành niên có sự chuyển tiếp từ giai đoạn trẻ em lên người lớn. Cơ thể các em phát triển nên các em có thể làm được một số công việc của người lớn; ngay cả người lớn cũng cung cấp cho các em ý tưởng làm người lớn qua các công việc giao cho các em, qua cách nói năng, đối xử đối với các em …
Ở tuổi này, các em muốn được tự do, được quyết định qua các biểu hiện như thích chứng tỏ mình (Đôi khi không biết cũng làm ra vẻ ta đây), thích tìm hiểu, thích xen vào chuyện người lớn, đòi hỏi người lớn phải tôn trọng, thích được công nhận khả năng làm người lớn của các em.
Nơi các em vị thành niên khuynh hướng muốn làm người lớn được thể hiện qua một số hành vi:
- Các em thường soi gương để nhận xét nét mặt của mình, cười thế nào, nháy mắt ra sao … và chọn cho chúng một kiểu nét mặt.
- Sau nét mặt, các em tìm cho mình một dáng đi, dáng đứng. Thường các em bắt chước theo một thần tượng nào đó của các em.
- Các em tìm cho mình một chữ ký, trong khi tập chữ ký các em tự tích lũy cho mình những hiểu biết. Ví dụ chữ ký không nên có số 13 vì sẽ xui xẻo, đừng có lăng nhăng như hàng rào để cuộc sống suông sẻ… những hiểu biết đó cũng ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách của các em. Ở gia đình các em khó để được thỏa mãn nhu cầu này, người lớn thường gây cho các em những phiền toái và bất mãn.
Khi làm việc với các em, người Huynh Trưởng GLV cần tôn trọng, biết lắng nghe, tạo điều kiện để các em chứng tỏ khả năng của mình, bên cạnh đó phải luôn theo dõi để uốn nắn những cách ứng xử của các em “chưa thật người lớn”.
2. Thích giao lưu với bạn bè:
Giao lưu với bạn bè các em dễ thỏa mản nhu cầu làm người lớn của mình. Nơi bạn bè các em tìm thấy sự đồng cảm, sự chấp nhận của bạn trong quá trình phát triển của mình hơn là nơi người lớn. Bởi muốn được bạn bè công nhận khả năng của mình nên các em rất tôn trọng bạn bè, thậm chí coi ý kiến bạn bè hơn ý kiến cha mẹ, người lớn, sẵn sàng đối kháng với người lớn, chịu sự trừng phạt của người lớn để trung thành với bạn bè.
Khi kết bạn, các em kết thành nhóm và có những biểu hiện giống nhau, hình thành nên các “kiểu văn hóa” như có một kiểu tóc, cùng mặc một loại áo, dùng một loại tiếng lóng, thích một loại hình giải trí…
Ở độ tuổi này nếu các em giao lưu với bạn bè tốt thì nên người tốt, với bạn bè xấu sẽ thành người xấu và các “kiểu văn hóa” các em lập có thể phù hợp hoặc không phù hợp với luân lý đạo đức xã hội cũng sẽ biến các em nên người tốt hay thành kẻ xấu.
Với tuổi đời không xa cách các em, người Huynh Trưởng GLV có thể gần gũi, trở thành “bạn” của các em, giúp các em thiết lập quan hệ tốt với những bạn bè trong lớp giáo lý, biết “chọn bạn mà chơi” ở ngoài xã hội. Tạo điều kiện cho các em giao lưu với các nhóm bạn khác bằng các hình thức sinh hoạt, kết thân …, hướng dẫn các em hình thành các “kiểu văn hóa” phù hợp với đạo đức con người và khơi dậy lòng hào hiệp nơi các em, biết chia sẻ với bạn bè và những người thiếu may mắn.
3. Nhu cầu tự khẳng định mình (Xác định bản sắc riêng):
Tuổi vị thành niên các em bắt đầu xác định “cái tôi” của mình. Khi xây dựng “cái tôi”, tuổi vị thành niên tự xây dựng cho chúng những “cái tôi” khác nhau.
- “Cái tôi hiện thực” các em nhìn lại bản thân mình, tự xác định mình là ai, như thế nào. Nơi con người các em có những điểm mạnh, điểm yếu nào và tìm cách phát huy những ưu điểm đó. Không phải em nào cũng nhận diện được mình.
- “Cái tôi lý tưởng” các em chọn một mẫu người lý tưởng là người cha, người mẹ, hay thày cô, hay anh chị Huynh Trưởng GLV hoặc một diễn viên điện ảnh, một danh thủ… và bắt chước từ cử chỉ, dáng đi, cách ăn mặc, nói năng, hành động… sao cho giống.
- “Cái tôi ảo tưởng” (Người trong mơ): Các em mơ mình trở thành nhà bác học, phi hành gia, nhà khoa học… điều này thường không phù hợp với con người thực của các em. Để giúp các em, người Huynh Trưởng GLV phải xác định rõ cho các em hai nguyên tắc:
+ Phải thực tế, nghĩa là phải nhìn vào con người thực, hoàn cảnh, điều kiện thực… của chính các em.
+ Phải sống có lý tưởng, nghĩa là phải biết vươn lên, khắc phục khó khăn…, không tự mãn với những gì mình có, và không sống trong ảo tưởng hay duy ý chí.
Và phải biết phối hợp hai điều:
- Phải tìm hiểu xem các em đang trục trặc ở nhu cầu nào. Tại sao bị tổn thương như thếù. Tìm ra mặt mạnh, ưu điểm nơi các em và tạo điều kiện cho các em phát huy các ưu điểm đó.
- Giúp các em xác định bản sắc riêng của chúng. Muốn thế, người Huynh Trưởng-Giáo Lý Viên phải tôn trọng bản sắc riêng của các em, tránh xúc phạm, trêu ghẹo khi các em có những biểu hiện bản sắc riêng mà nhiều khi thật khó coi. Giúp các em nhận thức rõ về con người các em: Tôi là ai? Có những tính tốt, tính xấu nào? Có những khả năng nào? Giới hạn của tôi ở chỗ nào?... và dần dần hướng dẫn để bản sắc riêng của các em không quá thô kệch mà phù hợp với cộng đồng và đòi hỏi của luân lý đạo đức xã hội, chứ không mơ hồ, ảo vọng. Giúp các em gắn mình với trách nhiệm với bản thân, với gia đình và với xã hội, mà cụ thể là tập thể các em đang tham gia. Nếu không sau này các em sẽ gặp khó khăn trên đường đời và trong cuộc sống.
Trên đây chỉ là những cố gắng để làm cho “món ăn” hợp “khẩu vị” của người Huynh Trưởng-Giáo Lý Viên giúp các bạn dễ “tiêu hóa” và tạo ra “năng lượng” để hoạt động. Xin Chúa Kitô là vị Thầy có sức hấp dẫn và hoán cải lòng người giúp chúng ta hướng dẫn các em mà Thiên Chúa yêu thương trao phó cho chúng ta phục vụ.