• Trang chủ

GIÁO DỤC CHO NGÀY MAI - Lm. Giuse Nguyễn Văn Quang SDB



  Nói về người trẻ hôm nay, chúng ta đọc thấy nhiều tín hiệu tích cực: người trẻ hăng say dấn thân, thích ứng và tham gia có hiệu quả vào nhịp sống đương thời; nhậy bén đón bắt những dấu chỉ thời đại và đuổi kịp sự tiến bộ của thế giới hôm nay; không xa lạ với sự phát triển tăng tốc, mà coi đó như một cơ hội để thăng tiến, với thái độ xốc vác nhanh nhẹn của họ; kết quả hiển nhiên là chúng ta có những người trẻ thành đạt trong những lãnh vực khoa học và kỹ thuật, và không thiếu những người trẻ thành đạt kỷ lục trong công việc làm ăn.

Trong khi đó, do ảnh hưởng những phương tiện truyền thông đại chúng, hẳn không thể chối cãi được những hiện tượng tiêu cực toàn cầu hôm nay, đó là sự băng hoại và tha hoá của người trẻ về đời sống nhân bản, đạo đức và luân lý, ngay giữa một thế giới rất tư cao tự đại về các mặt thành tựu khoa học kỹ thuật, cùng với những lợi nhuận và hưởng thụ cao. Càng đề cao vật chất, con người vô tình càng đánh mất tinh thần. Hậu quả là sự lao dốc không thắng (brakeless) những phẩm giá làm người, đời sống luân lý, song song với lối sống hưởng thụ cực độ vong thân.
Mục đích cuộc sống bị giới hạn ở: làm sao có việc tốt, làm sao kiếm thật nhiều tiền, làm giàu v.v..; rồi cứ thế lao đầu vào truy hoan và hưởng thụ.
Càng chạy theo vật chất và hưởng thụ, con người càng cảm thấy bế tắc và cùng đường, để rồi lún sâu vào những đam mê chóng qua, những tệ nạn đến mức biến con người thành nô lệ duy vật chất. Một khi mất định hướng, con người không còn xác định rõ đâu là lý tưởng cuộc sống, chỉ biết chạy theo những thần tượng con người tự đặt cho mình nhất thời và mau qua, trong khi chính họ lại rất dửng dưng về những giá trị đạo đức, coi thường những gì ràng buộc lương tâm con người.
Bên cạnh đó, con người lại bị khuấy động bởi cám dỗ đặt danh vọng và sự nghiệp trên cả giá trị luân lý, đạo đức và lương tâm con người. Khi làm quen với lối sống chộp giựt và tham lam vô đáy, thì những tiêu cực xảy ra đó đây về mọi lãnh vực có chi lạ, ...vì đã mất nhân tâm rồi?!
Như vậy, đã tới lúc chúng ta phải tái định hướng giáo dục, và thậm chí cả việc tái giáo dục.
Muốn giáo dục đúng, phải lấy lại quan điểm trung thực về con người, hầu định hướng và bảo đảm tính quân bình trong giáo dục.
 Kết quả việc giáo dục là chúng ta có những “con người” toàn diện (human being), chứ không phải một cỗ máy, một “tổng hợp vật chất”.
Trong Kitô giáo, giáo dục là quá trình đào tạo thế hệ tương lai trở thành những công dân tốt và những Kitô hữu tốt, và quả thực: giáo dục “hôm nay cho ngày mai”.
A – Định nghĩa giáo dục.
1 – Phân tích từ ngữ giáo dục (education):
Trước hết, chúng ta bắt đầu bằng từ ngoại ngữ, E-ducation:
“E” hay là “Ex” có nghĩa là ra khỏi,
Ducatio (ducere) có nghĩa là dẫn lối, chỉ vẽ, uốn nắn.
Trong tiếng Việt, từ ngữ Giáo dục có nghĩa là:
Giáo là chỉ bảo, uốn nắn, biến đổi và làm cho nên hoàn hảo,
Dục là bản chất hoặc tính khí con người cần được uốn nắn chỉ bảo.
Vậy Giáo dục là tiến trình uốn nắn, hướng dẫn và thăng tiến con người toàn diện “như là con người” (homme comme tel), khởi từ tình trạng cụ thể, hầu đạt tới mức hoàn hảo của một “nhân linh ư vạn vật”. Giáo dục phải là tiến trình hoàn toàn tự nguyện từ hai phía, nhà giáo dục và người được giáo dục, không hề có áp đặt và cũng không làm thay, nhưng mang tính nhân vị.
2 – Giáo dục là một hành trình nhân bản và năng động (human and dynamic itinary):
Trong giáo dục, con người ý thức mình bước đi trên con đường thự thể hiện chính mình. Do đó, đòi hỏi tính nhân bản cao, cùng với yếu tố tích cực và năng động. Dĩ nhiên, việc giáo dục cần sự hiện diện và đồng hành của nhà giáo dục, nó vừa mang tính trao ban, vừa rèn cặp và tư vấn (tutor). Nhưng trước nhất vẫn là, người trẻ phải tự thể hiện rõ chính mình trên hành trình nhân linh này: “làm người” như “là người”.
3 – Giáo dục là động tác “người” đến với “người” (person to person).
Nếu giáo dục được định nghĩa là một hành vi nhân linh, thì động tác giáo dục thể hiện hành vi “một con người đến với một con người” theo nghĩa chính xác nhất. Do đó, buộc chúng ta phải hiểu đúng về con người, cụ thể và riêng biệt, tuỳ theo hoàn cảnh và thời điểm lịch sử; hành vi này phải bộc lộ rõ nét tính nhân bản. Hành vi giáo dục ưu tiên mang tính cá nhân và cụ thể (personal and concrete) chứ không phải chỉ trong thế giới những ý niệm (monde des idées). Kết quả việc giáo dục do đó có sức biến đổi từng con người, mang lại lợi ích cho cá nhân cũng như tập thể.
4 – Giáo dục là “công việc của con tim” (amorevolezza=Loving kindness).
Vì giáo dục là hành vi nhân linh, nó bắt nguồn từ tình yêu – tình thương mến thương(amorevolezza). Tình thương mến thương loại trừ mọi thứ tình cảm uỷ mị và thiếu trưởng thành (suốt đời làm trẻ thơ – forever childish). Chúng ta không thể chấp nhận thái độ Duy phụ mẫu (Paternalism-Maternalism) của nhà giáo dục, khi cư xử với người trẻ bằng lý lẽ dựa vào tình cảm của họ, thay vì muốn điều tốt cho người được giáo dục, hướng dẫn để họ tự nhận ra mình và thăng tiến. Giáo dục bằng lòng yêu mến là muốn tốt cho người trẻ, làm cho họ nhận ra điều tốt, giúp họ tìm phương thế để thực hiện điều tốt ấy. Đây là cách trân trọng nhân phẩm người được giáo dục, thúc đẩy và giúp họ thăng tiến. Don Bosco thường nói: “yêu mến người trẻ chưa đủ, nhưng còn làm cho họ ý thức rằng họ được yêu mến. …. Hãy thực hiện điều người trẻ thích, rồi chính người trẻ sẽ tự thực hiện điều nhà giáo dục muốn, vì lợi ích của chính các em”.
Công việc của con tim quả thật vừa nhân bản vừa trưởng thành.
5 – Giáo dục là động tác nhân bản (phải hiểu rõ về con người – homme comme tel).
Muốn giáo dục có hiệu quả, buộc nhà giáo dục phải biết người mình giáo dục (vô tri bất mộ); biết đây là hiểu rõ, cách cụ thể và thực tế, không mơ hồ và viển vông. Sự hiểu biết này phải bao gồm những yếu tố sau đây: hiểu biết và nắm bắt thực tế đời sống thể lý cùng các giai đoạn phát triển tâm sinh lý của đương sự; hiểu biết sự biến đổi tâm lý ở các giai đoạn tuổi người trẻ; hiểu biết bối cảnh gia đình và cuộc sống sinh nhai của họ; hiểu biết lý tưởng và khát vọng sống của họ; hiểu biết họ như họ “là”, để đồng hành với họ, dẫn họ đi đúng đường hầu đạt mục đích, giúp họ tự tin và trưởng thành dấn bước, không áp đặt bất cứ điều gì trên người trẻ. Thái độ này giúp chúng ta hiểu và đi sâu vào giáo dục như một nghệ thuật (art), không chỉ là một công việc (job).
6 – Tác nhân của giáo dục: người được giáo dục và nhà giáo dục (educated and educator).
Qui trình giáo dục có thể được diễn tả như sự thăng hoá theo biện chứng “thăng giả hội” xoắn ốc, nghĩa là không dừng lại ở mức cố định, mà phải đạt mức hoàn hảo ngày một hơn. Nếu hành trình giáo dục được thực hiện giữa nhà giáo dục và người được giáo dục, nó là quan hệ song phương (interpersonal), bình đẳng và trân trọng lẫn nhau trong suốt quá trình giáo dục. Sự trân trọng phải được nhìn trên hai chiều kích: nhân bản và tự do của mỗi cá nhân.
Qui trình giáo dục do đó không phải là áp đặt hoặc làm thay, mà chỉ là hướng dẫn hoặc tư vấn, để đương sự tự tìm hướng giải đáp. Hoá ra tính song phương này xác định rằng: cả thầy lẫn trò đều vừa là nhà giáo dục mà cũng vừa được giáo dục; và qui trình này mang tới hệ quả, là tình người – tình bạn và tình thầy  trò nảy sinh, một hình ảnh đẹp nhất trong tiến trình giáo dục.

B – Những hình thức giáo dục:
1 – Giáo dục thể lý (physical education).
Bước một của giáo dục là quan tâm tới sức khoẻ và đời sống vật chất của học viên, dựa theo nguyên tắc lâu đời của người La mã: một trí tuệ lành mạnh trong một thân thể cường tráng (mens sana in corpore sano). Nhà giáo dục phải hướng dẫn học viên chăm sóc sức khoẻ của mình; hướng dẫn họ biết sống vệ sinh sạch sẽ, chăm sóc cá nhân, gọn gàng và ngăn nắp từng nơi chốn. Vì sức khoẻ và sự dẻo dai, hãy động viên người trẻ ham thích và luyện thể dục; tham gia thi đấu thể thao không chỉ bồi dưỡng sức khoẻ, mà còn rèn luyện tinh thần tập thể và tính đồng đội, một yếu tố cần cho đời sống xã hội mai ngày của bạn trẻ.
2 – Giáo dục tri thức.
Người đời thường nói: “nhân bất học bất tri lý” (người mà không học thì làm sao có thể biết được những lẽ ở đời). Bởi thế, trong tiến trình giáo dục, bước đi quan trọng chính là giáo dục tri thức. Người trẻ phải được hướng dẫn để tập thói quen ham học, tất cả vì tương lai và sự nghiệp của mình. Hướng dẫn họ ý thức tầm quan trọng của việc học và học không ngừng. Hơn thế nữa, người trẻ còn phải được hướng dẫn để học có phương pháp, việc học phải mang tính khoa học, để khi đứng trước mọi tình huống, người trẻ có thể tự suy luận và tìm ra những giải pháp thoả đáng. Giáo dục tri thức không chỉ là trau dồi kiến thức, mà còn dạy ta biết sống ở đời và biết sống với người.
3 – Giáo dục nhân bản.
Bạn hãy nhớ: “là” người chưa đủ, mà phải “làm” người; và chúng ta thường gọi đó là tiến trình giáo dục nhân bản. Đây là tiến trình xa hơn và vượt trên cả giáo dục tri thức. Nó hướng dẫn và giúp người trẻ nhận ra, hiểu và tôn trọng phẩm giá của mình cũng như tha nhân; đồng thời cố gắng tập tành những đức tính tốt. Quan trọng hơn hết là người trẻ “biết” sống với chính mình và với tha nhân, hầu cùng chung tay xây dựng bầu khí đầy tình người, xây dựng một nền văn minh tình thương. Để được như vậy, nhà giáo dục cần huấn luyện người trẻ có những đức tính cần thiết, như: thành thật, đơn giản, sống vui vẻ, quảng đại, tháo vác trong tình huống khó khăn, dám dấn thân, biết sống mình vì mọi người, có lòng nhân ái, sẵn sàng bao dung tha thứ. Người nhân bản là người biết sống với tha nhân như “Tôi thứ hai”(alter ego).
4 – Giáo dục tâm linh (khát vọng sống hạnh phúc).
Chúng ta hãy trở lại với đoạn tin mừng, chàng thanh niên tìm đến Đức Giêsu, xin Ngài chỉ cho anh con đường để được hạnh phúc. Đức Giêsu nhìn thấy nơi anh một con người thật dễ thương, thật nhân bản, trai thanh lịch, ngoan hiền, giữ gìn lề luật thật nghiêm túc, nói chung không có gì để chê. Nhưng đáng tiếc thay, anh vẫn luôn bị dằn vặt bởi khát vọng sống hạnh phúc; và chính anh chứng minh rằng hạnh phúc không ở nơi những gì anh đang sở đắc, mà đúng hơn chúng chỉ là những yếu tố dọn đường. Đức Giêsu đem lòng yêu mến anh, và Ngài chỉ cho anh hiểu rằng, đã đến lúc anh phải tìm về khát vọng hạnh phúc đích thực. Chúng ta có thể nhìn nơi đây như một tiến trình giáo dục tâm linh, con đường dẫn đến hạnh phúc.
Khát vọng hạnh phúc không thiết yếu hệ tại những nhu cầu vật chất, nó cũng không dừng lại ở sự tự mãn và tự đủ, vì những gì con người có trên đời này. Khát vọng ấy phải vươn tới cao hơn và xa hơn, vượt ngoài tầm thế giới vật chất. Con người phải vượt ra khỏi những giới hạn và ràng buộc vật chất, mới có thể đạt tới sự thanh thoát và tâm hồn nâng cao, mà chúng ta gọi là hạnh phúc. Vậy hạnh phúc là sự hài hoà xác hồn, sự quân bình trong mọi lãnh vực, giúp con người dễ dàng bước từ địa hạt cụ thể đến những gì siêu thoát thuộc tâm linh, nghĩa là con người chiếm lấy kho tàng không ai cướp khỏi tay được; sự an hoà nối con người với Trời, với đất, với người.
5 – Giáo dục đạo đức.
Nói về giáo dục đạo đức, chúng ta cần phân rõ hai lãnh vực khác nhau: đạo đức làm người và đạo đức tôn giáo.
a/ Đạo đức làm người  giúp người trẻ:
Biết sống với chính mình ở bất kỳ chỗ nào và trong bất kỳ hoàn cảnh nào; ngay thẳng, trung thực, và đáng tin cậy (righteous, sincere and reliable).
Biết sống với tha nhân: uyển chuyển, tế nhị, biết người, biết mình, đặc biệt trong cách giao tế (Gentleness in human behavior).
Biết nghĩ vì lợi ích chung, xây dựng và tham gia tinh thần sống tập thể, dù trong xã hội cũng như trong bất cứ tập thể nào (sociable and responsible).
b/ Đạo đức tôn giáo: giúp người trẻ ý thức cách thâm tín về sự chân chính tôn giáo của mình,
Sống niềm tin chân chính và thâm tín, xử dựng tự do của mình trong sự xác tín tôn giáo.
Hiểu biết tôn giáo cách khách quan. Đây là điều quan trọng về nhận thức, vì quả thực, “vô tri bất mộ” (không thể yêu mến điều mình không biết).
Biết nuôi dưỡng và phát huy niềm tin của mình, bằng lòng mến và bằng cuộc sống. Đây cũng là chiều kích chứng tá mà chúng ta được mời gọi sống hôm nay.
Đặc biệt trong nhãn quan Kitô giáo, người trẻ được mời gọi sống mối tương quan mật thiết hơn với Chúa và tha nhân, trở nên dấu chỉ và chứng nhân tin mừng. Đỉnh cao của giáo dục Kitô giáo là tạo cho con người khát vọng “đam mê Thiên Chúa, đam mê con người (passion of God, passion of human).
C – Những phương thế giáo dục.
Qua hai phần trình bày trên đây, chúng ta đã có cái nhìn tổng quát về giáo dục. Lẽ tất nhiên, giáo dục không phải là mớ những lý thuyết xuông, mà là một triết lý sống (live philosophy); nó không tĩnh (static) nhưng luôn động (dynamic) và cụ thể theo sát với cuộc sống con người.
Vì vậy, chúng ta hãy tìm ra những phương thế để đạt được tiến trình giáo dục này:
1 – Hiểu biết của nhà giáo dục về người được giáo dục.
Muốn thực hiện tiến trình giáo dục cho ai, chúng ta buộc phải hiểu rõ về con người ấy. Hiểu đây không phải chỉ thuộc lãnh vực kiến thức, mà là sự đi sâu vào đời sống thực tế con người ấy. Nhà giáo dục hãy nhớ rằng, mỗi con người là một “hữu thể độc nhất và bất khả thế” (unique and irreplacable being), chứ không phải một cỗ máy trong chuyền sản xuất. Muốn giáo dục ai phải hiểu biết về họ; vì không hiểu biết thì không thể thực hiện việc giáo dục tốt đẹp. Có hiểu biết mới có cảm thông, mới biết lắng nghe, mới sẵn sàng yêu mến. Một khi cả đôi bên đạt sự hiểu biết và cảm thông, tiến trình giáo dục sẽ đạt được thành quả mong đợi.
Giáo dục là hành vi nhân linh, và hoàn thành việc giáo dục là đạt đỉnh cao nghệ thuật.
2 – Ba bước căn bản của tiến trình giáo dục: Ái – Trí – Đạo.
Theo Don Bosco, để thực hiện tốt tiến trình giáo dục người trẻ, nhà giáo dục (nghệ nhân) buộc kênh qua ba bước nền tảng sau đây:
a/ Ái (Amorevolezza, loving kindness):
Đây là bước nền tảng và căn bản cho tiến trình giáo dục. Không có tình thương mến thương, sẽ không có giáo dục và không thể giáo dục được.
Nhưng phải hiểu tình thương mến thương đây là gì? Đơn giản chỉ là sự rung động của con tim do những yếu tố ngoại tại? Hay là vì hợp nhãn hợp ý? Hay do bất kỳ hấp lực nào khác?
Tình thương mến bắt nguồn từ yếu tố lành mạnh này: vì chính cá nhân người được giáo dục và vì lợi ích toàn diện của người ấy. Tình thương trong giáo dục không quy vào nhà giáo dục, nhưng hoàn toàn dành cho người được giáo dục. Bằng lòng thương mến, nhà giáo dục làm cho người được giáo dục hiểu rằng họ được yêu mến, mọi điều nhà giáo dục làm chỉ vì muốn sự tốt lành cho họ; từ đó họ nhận ra và sống đáp trả bằng một đời sống tốt và có ý nghĩa cho mình và mọi người (trở thành công dân tốt và người tín hữu tốt).
Như vậy, giáo dục là công việc của con tim đến với con tim: làm cho người được giáo dục hiểu rằng họ được yêu mến… Giáo dục là làm những gì người trẻ thích, và họ sẽ làm điều nhà giáo dục muốn, vì lợi ích của họ. Don Bosco thường lấy lời thánh Phaolô nhắc nhở các con ngài: “Hãy yêu mến, và các con sẽ làm được những gì các con muốn” (ama et fac quod vis).
b/ Trí (Reasoning):
Việc giáo dục muốn thành công, đòi hỏi sự thâm tín và một ý thức sâu sắc của cả nhà giáo dục lẫn người được giáo dục; nó không phải món quà biếu không hay tự nhiên mà có. Giáo dục tri thức không những ám chỉ tiến trình đào tạo người trẻ có kiến thức và có phương pháp học tốt; đúng hơn, đây là công việc giúp người trẻ động não có phương pháp, có những suy nghĩ kịp thời, có bản lãnh trong suy tư và có lập trường kiên định, có những quyết định phù hợp và tự chứng tỏ một con người trưởng thành. Rõ ràng không thể có giáo dục lành mạnh nếu thiếu phần tri thức.
c/ Đạo (Religion):
Kết quả tiến trình giáo dục chính là sự biến đổi, cải hoá con người trở nên tốt hơn, giúp con người thực hiện những giá trị đạo đức làm người; và từ đó, con người cũng dễ dàng mở lòng trước những giá trị và thực tại thiêng liêng và siêu nhiên. Như thế, giai đoạn cuối của tiến trình giáo dục đúng đắn bao giờ cũng dẫn con người đến tôn giáochọn cho mình một con đường, một lý tưởng để sống và sống hạnh phúc.
 3 – Những hình thức hiện diện của nhà giáo dục.
Muốn đạt hiệu quả tốt trong tiến trình giảng dạy, buộc nhà giáo phải rời bục giảng và xuống với học viên của mình; thái độ này cũng phải tất yếu đối với nhà giáo dục, nếu muốn thành công và chiếm được lòng người trẻ. Muốn giáo dục tốt, nhà giáo dục phải luôn hiện diện giữa những người được giáo dục, không chỉ thể lý, mà cả trí tuệ lẫn con tim.
Từ ngữ “hiện diện” làm chúng ta suy nghĩ ngay đến hai hệ thống giáo dục khác biệt và thậm chí đối chọi nhau: giáo dục cưỡng bách và giáo dục dự phòng.
Giáo dục cưỡng bách là loại giáo dục áp đặt, dựa vào những qui tắc và luật lệ định sẵn, ức chế và không có chỗ cho lý luận và đối thoại; sự hiện diện theo lối giáo dục cưỡng bách thường là dưới hình thức “cảnh sát” và “dùi cui”, dò xét và hù doạ chứ không có chia sẻ và cảm thông.
Giáo dục dự phòng là hệ thống giáo dục đặt nền trên cõi lòng, lẽ phải và cảm thông, là soi sáng và giúp cho người được giáo dục nhìn ra sự việc và tự quyết định cho chính mình, nhờ những soi sáng và hướng dẫn hợp tình hợp lý. Sự hiện diện trong hệ thống giáo dục dự phòng dựa trên tình bạn, cảm thông và chân thành, đôi khi nhà giáo dục cũng phải quảng đại chấp nhận những giới hạn và sai sót từ phía người được giáo dục.
Kết quả từ hệ thống dự phòng là những con người bản lãnh và trưởng thành, trong khi giáo dục cưỡng bách chỉ sản sinh những con người bất đắc dĩ.
Khi bàn đến sự hiện diện (Hộ trực – Assistance) trong hệ thống dự phòng, Don Bosco giới thiệu với chúng ta một số những nét đặc sắc sau đây:
a/ Hiện diện gần gũi và thân mật: hiện diện bằng cả con người của nhà giáo dục (hộ trực viên – assistant), hiện diện với cõi lòng và sự thân thiện, hiện diện để cùng sống và chia sẻ, hiện diện để đồng hành; và như thế, nhà giáo dục sẽ vừa là thày, là bạn và là người anh người chị của bạn trẻ.
b/ Để mắt, để tâm: đứng trước một tập thể được giáo dục, việc chú ý đầu tiên của nhà giáo dục là đôi mắt quan sát, không bỏ sót một ai, nhất là những đối tượng cần được ưu tiên quan tâm. Cùng với đôi mắt, nhà giáo dục phải vận dụng ngay con tim để thẩm định hiện trạng học viên của mình, hầu có những ứng xử hợp lý và kịp thời. Không nên để các em bắt thóp những sơ hở của chính nhà giáo dục. Hãy luôn ứng xử bằng tình bạn chân thành.
c/ Sử dụng lời nói “nhỏ” vào tai đúng lúc: khi gặp những đối tượng cần quan tâm săn sóc, đừng ngần ngại đến gần các em ấy hơn; lợi dụng những cơ hội thuận tiện hoặc lúc giải lao trong sân chơi, có những lời nói nhỏ vào tai các em, thân mật nhưng không kém thẳng thắn, để khích lệ, động viên, hoặc nhắc nhở. Kết quả những lời nói nhỏ ấy mang sức mạnh thuyết phục hợp tình hợp lý và cải hoá đặc biệt trong giáo dục. Tuyệt đối không xử sự để các em mang mặc cảm “bị xúc phạm”; làm như vậy là đi ngược lại giáo dục và dễ gây phản ứng đáng tiếc từ phía các em.
d/ Năng động sinh hoạt và vui chơi giữa các bạn trẻ: giữa tập thể đang sinh hoạt, nhà giáo dục phải là linh hồn của tập thể sinh động ấy. Nhà giáo dục do đó cần linh hoạt, nhậy bén và tháo vác. Tinh thần phấn đấu và vươn tới sẽ làm cho cả tập thể cùng hoà mình và tham dự tích cực vào mọi sinh hoạt (to be is to be ‘in’and to be ‘with’).
4 – Hãy là “bạn” trước khi là “thày”.
Từ những gì vừa trình bày trên đây, xin phép để lấy một hình ảnh ứng dụng rất chính xác và tâm đắc: “Đức Giêsu Kitô, là thày, là bạn và cũng là đầy tớ”.
Để dạy cho môn đệ biết thế nào là khiêm tốn phục vụ, Rabbi Giêsu đã tự ý cúi mình rửa chân cho các ông; rồi dạy các ông bài học sống yêu thương chân thành, là ra khỏi chính mình và dấn thân vì anh chị em mình. Ngài đã làm trước rồi dạy sau, hay đúng hơn, Ngài dạy môn đệ mình bằng việc làm cụ thể. Chính thái độ này làm cho Ngài trở nên chân thành và thân thiện với môn sinh, trở thành bậc thày sáng giá và thật nhân bản.
Đúng vậy, muốn giáo dục tốt, trước hết phải sống thân thiện với học viên, làm cho lòng họ mở ra để sẵn sàng chấp nhận, khi ấy mới có thể giáo dục được.
Hãy là “bạn” trước khi là “thày”; là bạn để bạn dễ dàng trở nên thày hơn.
KẾT LUẬN: 
Nhà giáo dục “Hãy trở nên dấu chỉ và người mang tình yêu cho người trẻ”.
Kết thúc bài tham luận này, xin phép để xác định lại một số quan điểm và xác tín sau:
 Giáo dục không chỉ là san sẻ hoặc trao ban một mớ kiến thức, nhưng trước hết, phải là sự đồng hành của hai con người (homme comme tel), nhà giáo dục và người được giáo dục; thứ đến, đây là tiến trình truyền thụ kinh nghiệm sống (bao gồm cả kiến thức) giữa nhà giáo dục và người được giáo dục, để giúp định hướng và huấn luyện người thụ huấn sống “làm người” và “nên người”. Do đó, giáo dục không thể đơn thuần được coi như một “công việc” (job); đúng hơn, nó là một “nghệ thuật” (art). Nó đòi hỏi nhà giáo dục phải vừa giỏi chuyên môn, vừa sắc sảo và nhậy bén về nhân bản, để đào tạo những con người ngày mai. Nếu coi giáo dục là sự nghiệp cao cả, thì đây chính là sứ mệnh phục vụ (mission of service) của nhà giáo dục, là con đường dẫn đến sự hoàn thiện và hạnh phúc của nhà giáo dục, và đòi hỏi sự toàn tâm toàn lực của họ. Ta có thể ứng dụng phần nào câu nói: trở nên nhà giáo dục là sống một ơn gọi.
Trong cách nhìn Kitô giáo, giáo dục là một sứ mệnh mang tính truyền giáo. Đức Giêsu đã đến trong trần gian và trở nên bậc “sư phụ” (Rabbi) của Cha. Ngài đã qui tụ các môn sinh nơi trường học dẫn đi trên đường trọn lành và hạnh phúc, đó là Giáo Hội, và Ngài muốn trường học này tồn tại trên trần gian này, qua các môn sinh của Ngài. Tự bản chất ơn gọi Kitô hữu, chúng ta được mời gọi để kế thừa sự nghiệp giáo dục của Chúa Giêsu.
Don Bosco nhắc nhở chúng ta: nhà giáo dục hãy trở nên cha (mẹ) – thày – bạn của người trẻ. Hãy ý thức rằng, do tình thương quan phòng, Chúa đã gởi những người bạn trẻ này đến cho chúng ta, để chúng ta yêu thương, hướng dẫn và uấn nắn, cũng là để chúng ta nên hoàn thiện chính mình khi giáo dục các em. Hãy giúp các em ý thức mình được yêu thương để sống yêu thương, hãy động viên các em học tập và rèn luyện, hầu mai ngày có giá trị cho chính mình và tha nhân.
Với niềm xác tín này, chúng ta hãy dấn bước về một ngày mai đang mở ra trước mắt chúng ta.
Cầu chúc các nhà giáo dục hãy trở thành “dấu chỉ và người mang tình yêu Thiên Chúa đến cho giới trẻ” (signs and bearers of God’s love to the young).
Trân trọng kính chào.

Phước Lộc, ngày 21 tháng 9 năm 2010
Lm. Giuse Nguyễn Văn Quang SDB