1. Ý
định của Thiên Chúa về con người là gì?
Thiên Chúa tự bản thể là Ðấng vô cùng
hoàn hảo và hạnh phúc. Theo ý định hoàn toàn do lòng nhân hậu, Ngài đã tự ý tạo
dựng con người, để cho họ được thông phần sự sống hạnh phúc của Ngài. Khi thời
gian đến hồi viên mãn, Thiên Chúa Cha đã cử Con Ngài đến làm Ðấng Cứu Thế chuộc
tội cho nhân loại đã sa ngã trong tội lỗi, để kêu gọi họ vào trong Hội Thánh
Ngài, và nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, đón nhận họ làm dưỡng tử và làm người
thừa hưởng hạnh phúc vĩnh cửu của Ngài.
2. Tại
sao con người khát khao Thiên Chúa?
Khi tạo dựng con
người theo hình ảnh mình, chính Thiên Chúa đã khắc ghi vào trong tâm hồn họ sự
khát khao nhìn thấy Ngài. Cả khi họ không nhận ra sự khát khao này, Thiên Chúa
vẫn không ngừng lôi kéo họ đến với mình, để họ được sống và tìm được nơi Ngài
chân lý và hạnh phúc viên mãn mà họ không ngừng tìm kiếm. Vì vậy, tự bản chất và
do ơn gọi của mình, con người là một hữu thể tôn giáo, có khả năng đi vào sự hiệp
thông với Thiên Chúa. Mối liên hệ mật thiết và sống động này với Thiên Chúa đem
lại cho con người phẩm giá căn bản của mình.
(Bản Toát yếu sách GLHTCG, số 1-2)
Giáo lý - Bài 2 : Con người “có khả năng” đón nhận Thiên Chúa
1. Với
ánh sáng tự nhiên của lý trí, con người có thể nhận biết Thiên Chúa không?
Khởi
từ công trình tạo dựng, nghĩa là từ thế giới vật chất và con người, con người
có thể chỉ dùng lý trí cũng nhận biết cách chắc chắn có Thiên Chúa là nguồn gốc
và cùng đích của vũ trụ, là sự thiện hảo tối cao, là chân lý và vẻ đẹp vô cùng
vô tận.
2. Chỉ
với ánh sáng tự nhiên của lý trí, con người có đủ khả năng để nhận biết mầu
nhiệm Thiên Chúa hay không?
Chỉ với ánh sáng của lý trí, con
người sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc nhận biết Thiên Chúa. Hơn nữa, tự
mình, con người không thể nào đi vào mầu nhiệm sâu thẳm của Thiên Chúa. Vì thế,
Thiên Chúa đã muốn soi dẫn con người bằng cách mạc khải cho họ, không những về
những gì vượt quá sự hiểu biết nhân loại, mà cả về những chân lý tôn giáo và luân
lý, tự chúng vốn không vượt quá khả năng của lý trí, như vậy mọi người có thể
biết được những chân lý đó cách dễ dàng, chắc chắn và không sợ sai lầm.
3. Chúng
ta có thể nói về Thiên Chúa thế nào?
Chúng ta có thể nói về Thiên Chúa cho
tất cả mọi người, khởi đi từ những nét hoàn hảo của con người và của những thụ
tạo khác, vì đó là một phản ánh, dù rất hữu hạn, về sự hoàn hảo vô tận của
Thiên Chúa. Tuy nhiên, chúng ta phải không ngừng thanh luyện ngôn ngữ của chúng
ta vì nó bất toàn và bị lệ thuộc vào hình ảnh, đồng thời ý thức rằng chúng ta
không bao giờ có thể diễn tả đầy đủ mầu nhiệm vô tận của Thiên Chúa.
(Bản Toát yếu sách GLHTCG, số 3-5)
Giáo lý - Bài
3 : Thiên Chúa đến gặp con người - Mạc khải của Thiên Chúa
1. Thiên
Chúa mạc khải cho con người điều gì?
Với lòng nhân hậu và sự khôn ngoan,
Thiên Chúa tự mạc khải chính mình cho con người. Qua các biến cố và lời nói, Thiên Chúa tự mạc khải chính Ngài
cũng như ý định của lòng nhân hậu, mà Ngài đã hoạch định tự muôn đời trong Ðức
Kitô vì lợi ích của con người. Ý định này nhằm cho mọi người, nhờ ân sủng Chúa
Thánh Thần, được thông phần sự sống của Thiên Chúa, để trở nên nghĩa tử trong
Người Con duy nhất của Ngài.
2. Những giai đoạn đầu tiên của mạc khải là
gì?
Từ nguyên thủy, Thiên Chúa đã tỏ mình
ra cho nguyên tổ của chúng ta, là ông Ađam và bà Evà, và mời gọi họ hiệp thông mật
thiết với Ngài. Sau khi họ sa ngã, Ngài đã không chấm dứt việc Mạc khải, nhưng
đã hứa ban ơn cứu độ cho tất cả dòng dõi họ. Sau cơn lụt đại hồng thủy, Ngài đã
thiết lập với ông Noe một Giao ước giữa Ngài với tất cả các sinh vật.
3.
Những giai đoạn tiếp theo của mạc khải của Thiên
Chúa là gì?
Thiên Chúa chọn ông Abraham, khi gọi
ông rời bỏ quê hương để làm cho ông trở thành "cha của vô số dân tộc"
(St 17,5) và hứa sẽ chúc lành cho "mọi gia tộc trên mặt đất" (St
12,3) qua ông. Dòng dõi ông Abraham là những kẻ được uỷ thác các lời Thiên Chúa
đã hứa với các tổ phụ. Thiên Chúa đã lập Israel làm dân Ngài tuyển chọn, cứu
thoát họ khỏi ách nô lệ Ai Cập, thiết lập với họ Giao ước Sinai, và qua ông
Môsê, Ngài ban cho họ Lề luật của Ngài. Các tiên tri đã loan báo một ơn cứu
chuộc toàn diện cho dân Chúa và một ơn cứu độ bao gồm mọi dân tộc, trong một
Giao ước mới và vĩnh cửu. Từ dân Israel , từ dòng dõi vua Đavít, Đấng
Mêsia sẽ sinh ra: Đó là Chúa Giêsu.
(Bản Toát yếu sách GLHTCG, số
6-8)
Giáo lý
- Bài 4 : Mạc khải của Thiên Chúa (tiếp
theo)
1. Giai
đoạn mạc khải trọn vẹn và cuối cùng của Thiên Chúa là gì?
Giai đoạn mạc
khải trọn vẹn và cuối cùng của Thiên Chúa được thực hiện nơi Ngôi Lời nhập thể,
là Ðức Giêsu Kitô, Ðấng trung gian và viên mãn của Mạc khải. Chúa Giêsu, Con
duy nhất của Thiên Chúa, đã làm người, là Lời hoàn hảo và cuối cùng của Chúa
Cha. Mạc khải đã được hoàn tất cách trọn vẹn qua việc Thiên Chúa Cha sai Con
Ngài và ban tặng Thánh Thần, mặc dù đức tin của Hội Thánh phải trải qua bao thế
kỷ mới dần dần nhận biết ý nghĩa đầy đủ của Mạc khải.
3. Các
mạc khải tư có giá trị nào?
Các mạc khải tư mặc dầu không thuộc
về kho tàng đức tin, nhưng có thể giúp chúng ta sống đức tin, với điều kiện là
các mặc khải đó vấn giữ một liên hệ chặt chẽ với Ðức Kitô. Huấn quyền Hội
Thánh, có thẩm quyền để phân định các mạc khải tư đó, không thể chấp nhận những
mạc khải nào muốn vượt qua hay sửa đổi Mạc khải cuối cùng là chính Ðức Kitô.
(Bản Toát yếu sách GLHTCG,
số 9-10)
Giáo lý
- Bài 5 : Lưu truyền mạc khải của Thiên Chúa
1. Tại
sao phải lưu truyền Mạc khải của Thiên Chúa và lưu truyền bằng cách nào?
Thiên Chúa "muốn cho mọi người
được cứu độ và nhận biết chân lý" (1Tm 2,4), nghĩa là nhận biết Ðức Giêsu
Kitô. Vì thế, cần phải rao giảng Ðức Kitô cho mọi người, như chính lời Người
dạy: "Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ" (Mt 28,19). Ðiều
này được thực hiện bởi Truyền thống Tông đồ.
2. Truyền
thống Tông đồ là gì?
Truyền thống Tông đồ là việc chuyển
đạt sứ điệp của Ðức Kitô, đã được hoàn tất ngay từ lúc khởi đầu Kitô giáo, qua
việc rao giảng, làm chứng, qua các cơ chế, phụng tự, và các sách được linh hứng.
Các Tông đồ đã chuyển đạt mọi điều các ngài đã lãnh nhận từ Đức Kitô và học hỏi
từ Chúa Thánh Thần cho những người kế nhiệm các ngài, là các giám mục, và qua các
vị, cho mọi thế hệ đến tận thế.
3. Truyền thống Tông đồ được
thực hiện như thế nào?
Truyền thống Tông đồ được thực hiện bằng
hai cách: qua việc chuyển đạt sống động Lời Chúa (được gọi cách đơn sơ là Thánh
Truyền) và qua Thánh Kinh, trong đó cùng một lời rao giảng ơn cứu độ được ghi
lại bằng chữ viết.
(Bản Toát yếu sách GLHTCG,
số 11-13 )
Giáo lý
- Bài 6 : Lưu truyền mạc khải của Thiên Chúa (tiếp theo)
1.
Tương
quan giữa Thánh truyền và Thánh Kinh như thế nào?
Thánh Truyền và Thánh Kinh liên kết và
giao lưu mật thiết với nhau. Thật vậy, cả hai làm cho mầu nhiệm Ðức Kitô được
hiện diện và sung mãn trong Hội Thánh và cả hai cùng xuất phát từ một cội nguồn
là Thiên Chúa. Cả hai làm nên một kho tàng đức tin duy nhất, nơi Hội Thánh nhận
được sự đảm bảo chắc chắn về tất cả những chân lý được Mạc khải.
2. Kho
tàng đức tin đã được ủy thác cho ai?
Các thánh Tông đồ đã uỷ thác kho tàng
đức tin cho toàn thể Hội Thánh. Nhờ Chúa Thánh Thần hỗ trợ và nhờ Huấn quyền
hướng dẫn, với cảm thức siêu nhiên của đức tin, toàn thể dân Chúa đón nhận Mạc
khải của Thiên Chúa, hiểu biết mỗi ngày một sâu xa hơn, và cố gắng áp dụng vào đời
sống.
3. Ai
có thẩm quyền để giải nghĩa kho tàng đức tin?
Chỉ có Huấn quyền sinh động của Hội
Thánh, nghĩa là vị kế nhiệm thánh Phêrô làm Giám mục Rôma và các Giám mục hiệp
thông với ngài, mới có đủ thẩm quyền giải thích kho tàng đức tin. Huấn quyền,
trong việc phục vụ Lời Chúa, được hưởng đặc sủng chắc chắn về chân lý, cũng có
trách nhiệm xác định các tín điều, nghĩa là những công thức trình bày các chân
lý chứa đựng trong Mạc khải của Thiên Chúa; thẩm quyền này cũng áp dụng đối với
các chân lý có liên hệ thiết yếu với Mạc khải.
(Bản
Toát yếu sách GLHTCG, số 14-16 )
Giáo lý
- Bài 7 : Thánh Kinh
1. Tại
sao Thánh Kinh dạy chân lý?
Bởi vì chính Thiên Chúa là tác giả
của Thánh Kinh. Do đó Thánh Kinh là
quyển sách được linh hứng và dạy dỗ cách không sai lạc những chân lý cần thiết
cho ơn cứu độ chúng ta. Thật vậy, Chúa Thánh Thần đã linh hứng cho các tác giả
phàm nhân để họ viết ra những điều Thiên Chúa muốn dạy dỗ chúng ta. Tuy nhiên,
đức tin Kitô giáo không phải là một "tôn giáo của sách vở", nhưng là
của Lời Thiên Chúa, "không là một lời được viết ra và câm lặng, nhưng là Ngôi
Lời nhập thể và sống động" (thánh Bênađô Clairvaux).
2. Quy
điển các Sách Thánh là gì?
Quy điển các Sách Thánh là danh mục
đầy đủ các Sách Thánh, mà Truyền thống Tông đồ đã phân định rõ ràng cho Hội
Thánh. Quy điển này gồm có bốn mươi sáu tác phẩm Cựu Ước và hai mươi bảy tác
phẩm Tân Ước.
3. Ðâu
là tầm quan trọng của Cựu Ước đối với các người Kitô hữu?
Người Kitô hữu tôn kính Cựu Ước như
là Lời đích thực của Thiên Chúa. Tất cả các tác phẩm của Cựu Ước được Thiên
Chúa linh hứng nên có một giá trị trường tồn. Cựu Ước làm chứng về phương pháp
giáo dục của tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Nhất là, các tác phẩm Cựu Ước được
viết ra để chuẩn bị cho việc Ðức Kitô, Ðấng Cứu Ðộ muôn loài, ngự đến.
(Bản Toát yếu sách GLHTCG, số 18, 20-21)
Giáo lý
- Bài 8 : Thánh Kinh (tiếp theo)
1.
Chúng ta phải đọc Thánh Kinh như thế nào?
Thánh Kinh phải được đọc và giải
thích với ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần, và với sự hướng dẫn của Huấn quyền
Hội Thánh, theo ba tiêu chuẩn: (1) phải chú ý đến nội dung và sự duy nhất của
toàn bộ Thánh Kinh; (2) phải đọc Thánh Kinh trong Thánh truyền sống động của
Hội Thánh; (3) phải chú ý đến tính tương hợp của đức tin, nghĩa là đến sự liên
hệ hài hòa giữa các chân lý đức tin với nhau.
2.
Ðâu là tầm quan trọng của Tân Ước đối với
các người Kitô hữu?
Đối
tượng trung tâm của Tân Ước là Ðức Giêsu Kitô. Tân Ước dạy chúng ta chân lý cuối
cùng được Thiên Chúa mạc khải. Trong Tân Ước, bốn quyển Tin Mừng - Matthêu,
Marcô, Luca và Gioan - là những lời chứng chính yếu về đời sống và về lời giảng
dạy của Chúa Giêsu; vì thế bốn quyển sách này là trung tâm của tất cả các Sách Thánh và có một vị trí
độc nhất trong Hội Thánh.
3.
Ðâu là sự thống nhất giữa Cựu Ước và Tân Ước?
Thánh Kinh chỉ là một, vì chỉ có một
Lời Chúa duy nhất, một chương trình cứu độ duy nhất của Thiên Chúa và một linh hứng
duy nhất của Thiên Chúa cho cả Cựu Ước lẫn Tân Ước. Cựu Ước chuẩn bị cho Tân
Ước và Tân Ước hoàn thành Cựu Ước: cả hai soi sáng cho nhau.
4.
Thánh Kinh giữ vai trò nào trong đời sống Hội
Thánh?
Thánh Kinh nâng đỡ và thêm sức mạnh
cho đời sống Hội Thánh. Ðối với con cái Hội Thánh, Thánh Kinh củng cố đức tin,
là lương thực và nguồn mạch của đời sống thiêng liêng. Thánh Kinh là linh hồn
của khoa thần học và giảng thuyết mục vụ. Tác giả Thánh Vịnh gọi Thánh Kinh là
"đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi" (Tv 118
[119],105). Vì thế, Hội Thánh khuyến khích chúng ta thường xuyên đọc Thánh
Kinh, vì "không biết Thánh Kinh là không biết Ðức Kitô" (thánh
Giêrônimô).
(Bản Toát yếu sách
GLHTCG, số 19, 22-24)
Giáo
lý - Bài 9 : Lời đáp trả của con người với Thiên Chúa -Tôi
tin
1. Con
người đáp trả như thế nào với Thiên Chúa, Ðấng tự mạc khải?
Ðược
ân sủng của Thiên Chúa nâng đỡ, con người đáp lời Thiên Chúa bằng việc vâng
phục đức tin, nghĩa là tin tưởng trọn vẹn vào Thiên Chúa và đón nhận chân lý
của Ngài, chân lý được Thiên Chúa bảo đảm vì Ngài là chính Chân Lý.
2. Trong
Thánh Kinh, ai là những chứng nhân chính yếu cho việc vâng phục đức tin?
Có nhiều
chứng nhân, nhưng đặc biệt là hai vị:
Ông
Abraham, dù bị thử thách, "vẫn vững tin vào Thiên Chúa" (Rm 4,3) và
luôn vâng theo tiếng gọi của Ngài; vì thế ông trở thành "tổ phụ của tất cả
những người tin" (Rm 4,11.18);
Ðức Trinh Nữ Maria, trong suốt cuộc đời đã
thể hiện một cách tuyệt vời sự vâng phục đức tin: “Fiat mihi secundumverbum
tuum - xin Chúa thực hiện cho tôi như lời thiên sứ nói" (Lc 1,38).
3. Tin
vào Thiên Chúa có ý nghĩa cụ thể gì cho con người?
Tin có nghĩa là gắn bó với chính
Thiên Chúa, tin tưởng phó thác bản thân cho Ngài và chấp nhận tất cả những chân
lý do Ngài mạc khải vì Ngài chính là Chân lý. Tin có nghĩa là tin kínhThiên
Chúa duy nhất trong Ba Ngôi Vị: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
(Bản Toát yếu sách GLHTCG, số 25-27)
Giáo lý
- Bài 10 : Tôi tin (tiếp theo)
1. Ðức
tin có những đặc điểm nào?
Ðức tin là nhân đức siêu nhiên cần thiết
để được cứu độ. Đức tin là hồng ân Thiên Chúa ban không và tất cả những ai khiêm
tốn cầu xin đều có thể đạt tới. Hành vi đức tin là một hành vi nhân linh, nghĩa
là một hành động của lý trí con người, được lòng muốn thúc đẩy do tác động của Thiên
Chúa, tự do chấp nhận chân lý Thiên Chúa. Ngoài ra, đức tin còn có đặc tính
chắc chắn, vì được đặt nền tảng trên Lời Chúa; đức tin hành động "nhờ Ðức
ái" (Gl 5,6); đức tin luôn tăng triển, đặc biệt nhờ lắng nghe Lời Chúa và
cầu nguyện. Ngay từ bây giờ, đức tin cho chúng ta nếm trước niềm vui trên trời.
2. Tại
sao không có mâu thuẫn giữa đức tin và khoa học?
Dù đức tin vượt lên trên lý trí,
nhưng không bao giờ có mâu thuẫn giữa đức tin và khoa học, vì cả hai đều có
cùng một cội nguồn là Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa ban ánh sáng lý trí và ban đức
tin cho con người.
"Tôi
tin để hiểu, và tôi hiểu để tin" (Thánh Augustinô).
(Bản Toát yếu sách GLHTCG, số 28-29 )
Giáo lý
- Bài 11 : Chúng tôi tin
1. Tại
sao đức tin là một hành vi cá nhân nhưng đồng thời cũng là hành vi mang tính
giáo hội?
Ðức tin là một hành vi cá nhân, vì đó
là sự đáp trả tự do của con người đối với Thiên Chúa, Ðấng tự mạc khải. Nhưng
đồng thời đó cũng là một hành vi mang tính giáo hội, tính chất này được bày tỏ
trong lời tuyên xưng: "Chúng tôi tin." Thật vậy, chính Hội Thánh tin:
và như thế, nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần, Hội Thánh đi trước, sinh ra và
nuôi dưỡng đức tin của mỗi người. Vì thế, Hội Thánh là Mẹ và là Thầy. "Không
ai có thể có Thiên Chúa là Cha, mà lại không có Hội Thánh là Mẹ." (Thánh
Cyprianô)
2. Tại
sao những công thức đức tin lại quan trọng?
Những công thức đức tin là quan trọng
vì giúp chúng ta diễn tả, thấm nhuần, cử hành và cùng chia sẻ với những người
khác các chân lý đức tin, qua việc sử dụng một ngôn ngữ chung.
3. Phải
hiểu như thế nào về đức tin duy nhất của Hội Thánh?
Dù được hình thành do nhiều người
khác nhau về ngôn ngữ, văn hóa và phong tục, nhưng Hội Thánh đồng thanh tuyên
xưng một đức tin duy nhất, được lãnh nhận từ một Chúa duy nhất và được chuyển
đạt qua một Truyền thống tông đồ duy nhất. Hội Thánh tuyên xưng một Thiên Chúa
duy nhất - Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần - và dạy một con đường cứu độ
duy nhất. Vì thế, chúng ta, cùng một lòng một ý, tin những gì chứa đựng trong
Lời Chúa, được truyền đạt hay được viết ra, và được Hội Thánh xác định là do
Thiên Chúa mạc khải.
(Bản Toát yếu sách GLHTCG, số 30-32)
Giáo lý
- Bài 12 : Các Kinh Tin Kính
1. Các
Kinh Tin Kính là gì?
Ðó là những công thức ngắn gọn, còn
được gọi là những “bản tuyên xưng đức tin" hay "Kinh Tin Kính,"
qua đó Hội Thánh, ngay từ thuở ban đầu, đã diễn tả đức tin của mình một cách
tổng hợp và chuyển đạt đức tin ấy bằng một ngôn ngữ chuẩn hoá và chung cho mọi
tín hữu.
2.
Các Kinh Tin Kính cổ nhất là những kinh nào?
Đó là những Kinh Tin Kính dùng khi cử
hành Bí tích Rửa tội. Vì Bí tích Rửa tội được ban "nhân danh Cha, và Con
và Thánh Thần" (Mt 28,19), nên các chân lý đức tin mà các người lãnh nhận
Bí tích Rửa tội tuyên xưng, được phân chia theo ba Ngôi vị của Thiên Chúa Ba
Ngôi.
3. Các
Kinh Tin Kính quan trọng nhất là những kinh nào?
Những kinh quan trọng nhất là:
Kinh
Tin Kính của các Thánh Tông đồ, là bản tuyên xưng đức tin cổ xưa dùng khi cử hành Bí tích Rửa tội của
Giáo hội Rôma;
Kinh
Tin Kính Công Ðồng Nicea-Constantinopoli, là kết quả của hai Công Ðồng Chung đầu tiên, tại
Nicea (năm 325) và tại Constantinopoli (năm 381).
Hai kinh này vẫn còn là hai bản kinh chung
cho tất cả các Giáo hội lớn của Ðông Phương và Tây Phương.
(Bản Toát yếu sách GLHTCG, số 33-35)
Giáo lý - Bài 13 : Tôi tin kính Đức Chúa Trời
1. Tại sao bản tuyên xưng đức tin được khởi
đầu bằng "Tôi tin kính Ðức Chúa Trời"?
Bởi vì xác quyết "Tôi tin kính Ðức Chúa Trời" là điều quan trọng
nhất. Xác quyết này là nguồn gốc của mọi chân lý khác về con người, về vũ trụ
và về toàn bộ đời sống của tất cả những ai tin Thiên Chúa.
2.
Tại sao chúng ta tuyên xưng một Thiên Chúa duy nhất?
Bởi vì Thiên Chúa đã mạc khải cho dân Israel biết rằng Ngài là Thiên Chúa
Duy Nhất, khi Ngài nói: "Nghe đây, hỡi Israel, Ðức Chúa, Thiên Chúa chúng
ta, là Ðức Chúa duy nhất" (Ðnl 6,4). "Ta là Thiên Chúa, chẳng còn
chúa nào khác" (Is 45,22). Chính Chúa Giêsu cũng xác nhận điều này: Thiên
Chúa là "Ðức Chúa duy nhất" (Mc 12,29). Tuyên xưng Chúa Giêsu và Chúa
Thánh Thần cũng là Thiên Chúa và là Ðức Chúa không hề đưa đến sự chia cắt nào
nơi Thiên Chúa duy nhất.
3. Thiên Chúa tự mạc khải với danh xưng nào?
Thiên Chúa đã mạc khải chính mình cho Môsê là Thiên Chúa hằng sống,
"Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaác, Thiên Chúa của Giacóp"
(Xh 3,6). Ngài cũng mạc khải Danh Thánh huyền nhiệm của Ngài cho ông: "Ta
là Ðấng Hằng Hữu" (YHWH). Ngay từ thời Cựu Ước, Danh Thánh của Thiên Chúa
không được phép đọc lên, nên phải thay thế bằng danh hiệu Ðức Chúa. Như vậy
trong Tân Ước, Chúa Giêsu được người ta gọi là Ðức Chúa, tức là được nhìn nhận
là Thiên Chúa thật.
4. Có phải chỉ một mình Thiên Chúa "hiện
hữu" không?
Trong khi tất cả mọi thụ tạo đều lãnh nhận từ Thiên Chúa tất cả những gì
chúng là và có, chỉ Thiên Chúa mới tự mình hiện hữu một cách trọn vẹn và tuyệt
hảo. Ngài là "Ðấng hằng hữu," không có khởi đầu và cũng chẳng có cùng
tận. Chúa Giêsu cũng mạc khải rằng Người mang Danh Thánh: "Ta hằng
hữu" (Ga 8,28).
(Bản Toát yếu sách GLHTCG, số 36-39)
Giáo lý - Bài 14 : Mạc khải Danh Thiên Chúa
1. Tại sao việc Mạc khải Danh Thánh Thiên Chúa
là điều quan trọng?
Qua việc Mạc khải Danh Thánh, Thiên Chúa cho thấy sự phong phú chất chứa
trong mầu nhiệm khôn lường của Ngài. Chỉ mình Ngài hiện hữu từ muôn thuở và cho
đến muôn đời. Ngài siêu việt trên vũ trụ và lịch sử. Chính Ngài là Ðấng tạo
thành trời đất. Ngài là Thiên Chúa trung tín, luôn gần gũi với dân để cứu độ họ.
Ngài là Ðấng Thánh tuyệt đối, "giàu lòng thương xót" (Ep 2,4), luôn
sẵn sàng tha thứ. Ngài là Hữu Thể thiêng liêng, siêu việt, toàn năng, vĩnh cửu,
ngôi vị, trọn hảo. Ngài là chân lý và tình yêu.
« Thiên Chúa là Hữu Thể vô cùng tuyệt
hảo, là Ba Ngôi cực thánh » (Thánh Turibius thành Mogrovejo).
2.
Phải hiểu "Thiên Chúa là chân lý" như thế nào?
Thiên Chúa là chính Chân lý; và do đó, Ngài không lầm lẫn, cũng không thể lừa
dối ai. Ngài là "Ánh sáng, nơi Ngài không có một chút bóng tối nào"
(1Ga 1,5). Người Con vĩnh cửu của Thiên Chúa, là sự Khôn Ngoan nhập thể, đã
được sai đi vào thế gian "để làm chứng cho chân lý" (Ga 18,37).
3. Thiên Chúa mạc khải Ngài là Tình Yêu như
thế nào?
Thiên Chúa tự mạc khải cho dân Israel rằng Ngài là Ðấng có một tình yêu
mạnh mẽ hơn tình yêu của cha mẹ đối với con cái hoặc của vợ chồng đối với nhau.
Tự bản chất, « Thiên Chúa là Tình Yêu" (1 Ga 4, 8.16), Ngài tự hiến
ban mình cách trọn vẹn và ban không, Ngài "yêu thế gian đến nỗi đã ban Con
Một, [...] để nhờ Con Ngài, mà thế gian được cứu độ" (Ga 3,16-17). Khi sai
phái Con Ngài và Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa mạc khải chính Ngài là sự trao đổi
tình yêu vĩnh cửu.
4. Niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất bao hàm
những gì?
Niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất bao hàm : việc nhận biết sự vĩ đại và
quyền năng của Ngài; sống trong tâm tình cảm tạ; luôn tin tưởng vào Ngài, cả
khi gặp nghịch cảnh; nhận biết sự hợp nhất và phẩm giá đích thực của mọi người,
đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa; sử dụng cách đúng đắn những gì Thiên
Chúa đã dựng nên.
(Bản Toát yếu sách GLHTCG, số 40-43)
Giáo lý
- Bài 15 : Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi
1. Mầu
nhiệm trung tâm của đức tin và đời sống Kitô giáo là gì?
Mầu
nhiệm trung tâm của đức tin và đời sống Kitô giáo là mầu nhiệm Thiên Chúa Ba
Ngôi cực thánh. Các người Kitô hữu được Rửa tội nhân danh Cha và Con và Thánh
Thần.
2.
Chỉ dùng lý trí, con người có thể biết được mầu
nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi hay không?
Thiên
Chúa đã để lại những dấu vết về thực thể Ba Ngôi của Ngài trong công trình tạo
dựng và trong Cựu Ước; nhưng thực thể nội tại của Ba Ngôi cực thánh vẫn là một
mầu nhiệm mà lý trí thuần túy của con người và ngay cả đức tin của Israel không
thể nào đạt tới được, trước khi Con Thiên Chúa nhập thể và Chúa Thánh Thần được
gởi đến. Mầu nhiệm này đã được Ðức Giêsu Kitô mạc khải và là nguồn gốc của tất
cả các mầu nhiệm khác.
1.
Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta điều gì về
mầu nhiệm Chúa Cha?
Ðức Giêsu Kitô mạc khải cho chúng ta
Thiên Chúa là "Cha", không những vì Ngài là Ðấng sáng tạo vũ trụ và
con người, nhưng trên hết, vì từ đời đời Ngài đã sinh ra Chúa Con tự lòng mình,
Ðấng là Ngôi Lời, là "phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của
bản thể Thiên Chúa" (Dt 1,3).
(Bản Toát yếu sách GLHTCG, số 44-46)
Giáo lý
- Bài 16 : Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi
(tiếp theo)
2.
Chúa Thánh Thần, mà Chúa Giêsu đã mạc khải cho
chúng ta, là ai?
Ngài là Ngôi thứ ba trong Ba Ngôi cực
thánh. Ngài là Thiên Chúa, hợp nhất và đồng hàng với Chúa Cha và Chúa Con. Ngài
"xuất phát từ Chúa Cha" (Ga 15,26), Ðấng là nguyên lý không có khởi
đầu, là nguồn gốc tất cả cuộc sống của Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần cũng
xuất phát từ Chúa Con (Filioque), vì Chúa Cha đã trao ban Ngài cho Chúa Con như
Ân ban vĩnh cửu. Ðược Chúa Cha và Chúa Con nhập thể sai phái, Chúa Thánh Thần
hướng dẫn Hội Thánh đến sự nhận biết "Chân lý trọn vẹn" (Ga
16,13).
3.
Hội Thánh diễn tả đức tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi
như thế nào?
Hội
Thánh diễn tả đức tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi khi tuyên xưng một Thiên Chúa duy
nhất mà Ngài có Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần. Ba Ngôi vị thần linh chỉ là
một Thiên Chúa duy nhất, vì mỗi Ngôi vị đều có trọn vẹn bản thể duy nhất và
không thể phân chia của Thiên Chúa. Ba Ngôi thực sự phân biệt với nhau qua các
liên hệ tương quan với nhau. Chúa Cha sinh ra Chúa Con: Chúa Con được Chúa Cha
sinh ra; Chúa Thánh Thần xuất phát từ Chúa Cha và Chúa Con.
4.
Các Ngôi vị Thiên Chúa hoạt động như thế nào?
Ba Ngôi vị thần linh không thể tách
rời nhau trong cùng một bản thể duy nhất, thì cũng không thể tách rời trong các
hoạt động của mình: Ba Ngôi có cùng một hoạt động duy nhất. Tuy nhiên, trong
hoạt động thần linh duy nhất này, mỗi Ngôi vị hiện diện theo cách đặc thù của
mình trong Ba Ngôi.
"Lạy Thiên Chúa của con, Lạy Ba Ngôi con tôn
thờ... xin ban bình an cho linh hồn con, xin biến linh hồn con thành thiên đàng
của Chúa, thành nơi cư ngụ mà Chúa ưa thích, và nơi nghỉ ngơi của Chúa. Ước gì
con không bao giờ bỏ mặc Chúa một mình, nhưng ước gì con ở đó với trọn vẹn bản
thân, hoàn toàn tỉnh thức trong đức tin, hoàn toàn thờ lạy, và hoàn toàn phó
thác cho hoạt động sáng tạo của Chúa." (Chân phước Elisabeth Chúa Ba Ngôi).
(Bản Toát yếu sách GLHTCG, số 47-49)
Giáo lý
- Bài 17 : Thiên
Chúa toàn năng tạo dựng vũ trụ
1. Thiên
Chúa toàn năng nghĩa là gì?
Thiên Chúa đã tự mạc khải là
"Ðấng Mạnh Mẽ, Đấng Oai Hùng" (Tv 23 [24],8), Ðấng "không có gì
là không thể làm được" (Lc 1,37). Sự toàn năng của Ngài là phổ quát và mầu
nhiệm. Sự toàn năng này được biểu lộ trong việc sáng tạo vũ trụ từ hư vô và
sáng tạo con người vì tình yêu, nhưng nhất là trong mầu nhiệm Nhập thể và trong
sự Phục sinh của Con Ngài, trong hồng ân đón nhận chúng ta làm nghĩa tử và thứ
tha tội lỗi. Vì thế, Hội Thánh dâng lời cầu nguyện lên "Thiên Chúa toàn
năng và hằng hữu". (“Omnipotens sempiterne Deus…”)
2. Tại
sao việc khẳng định rằng: "Lúc khởi đầu, Thiên Chúa dựng nên trời và
đất" (St 1,1) lại rất quan trọng?
Bởi
vì việc tạo dựng là nền tảng cho tất cả các dự định cứu độ của Thiên Chúa. Tạo
dựng biểu lộ tình yêu toàn năng và khôn ngoan của Thiên Chúa; đó là bước đầu
tiên hướng đến Giao ước của Thiên Chúa duy nhất với dân Ngài; đó là khởi điểm
của lịch sử cứu độ, lịch sử này đạt tới chóp đỉnh nơi Chúa Giêsu; đó là câu trả
lời đầu tiên cho các câu hỏi căn bản của con người về nguồn gốc và cùng đích
của mình.
3. Ai
đã tạo dựng vũ trụ?
Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần
là nguyên lý duy nhất và không thể phân chia của vũ trụ, mặc dù công trình tạo
dựng vũ trụ được đặc biệt gán cho Chúa Cha.
4. Vũ
trụ được tạo dựng để làm gì?
Vũ
trụ được tạo dựng để tôn vinh Thiên Chúa, Ðấng đã muốn biểu lộ và thông ban
lòng nhân hậu, chân lý và vẻ đẹp của Ngài. Mục đích tối hậu của việc tạo dựng
là để Thiên Chúa, trong Ðức Kitô, "có toàn quyền trên muôn loài" (1
Cr 15,28), vì vinh quang của Ngài và vì hạnh phúc của chúng ta.
"Vinh
quang của Thiên Chúa là con người sống, và sự sống của con người là được nhìn
thấy Thiên Chúa" (Thánh Irênê).
5. Thiên
Chúa đã tạo dựng vũ trụ như thế nào?
Thiên Chúa đã tạo dựng vũ trụ cách tự
do, bằng sự khôn ngoan và tình yêu. Vũ trụ không phải là sản phẩm của một luật
tất yếu nào đó, của một định mệnh mù quáng hoặc bởi ngẫu nhiên. Thiên Chúa đã tạo
dựng "từ hư vô" (ex nihino, 2 Mcb 7,28), một thế giới được sắp xếp
trật tự và tốt lành, nhưng Ngài vô cùng siêu việt trên mọi loài. Ngài gìn giữ
vạn vật trong sự hiện hữu, nâng đỡ bằng cách ban cho nó khả năng hoạt động và
hướng dẫn nó đến sự trọn hảo, nhờ Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
(Bản
Toát yếu sách GLHTCG, số 50-54)
Giáo lý
- Bài 18 : Thiên Chúa quan phòng
1. Sự
quan phòng của Thiên Chúa là gì?
Sự quan phòng của Thiên Chúa là những
sắp xếp nhờ đó Thiên Chúa hướng dẫn các thụ tạo của mình đến chỗ hoàn hảo cuối
cùng mà Ngài đã định cho chúng. Thiên Chúa là tác giả tối cao của kế hoạch
Ngài. Nhưng để thực hiện kế hoạch đó, Ngài cũng sử dụng sự cộng tác của các thụ
tạo. Ðồng thời, Ngài ban cho chúng phẩm giá là tự mình hoạt động và trở thành
nguyên nhân cho nhau.
2. Con
người cộng tác với sự Quan phòng của Thiên Chúa như thế nào?
Tuy
vẫn tôn trọng tự do của con người, nhưng Thiên Chúa ban cơ hội và đòi hỏi con
người cộng tác với Ngài qua hành động, kinh nguyện và cả sự đau khổ của họ, khi
gợi lên trong họ "ước muốn cũng như hành
động theo lòng nhân hậu của Ngài" (Pl 2,13).
3.
Nếu Thiên Chúa toàn năng và quan phòng, tại sao
lại có sự dữ?
Chỉ có toàn bộ đức tin Kitô giáo mới
có thể trả lời cho câu hỏi vừa bi thảm vừa mầu nhiệm này. Thiên Chúa không bao
giờ là nguyên nhân của sự dữ, dù trực tiếp hay gián tiếp. Ngài làm sáng tỏ mầu
nhiệm sự dữ nhờ Con Ngài là Ðức Giêsu Kitô, Ðấng đã chết và đã sống lại để
chiến thắng sự dữ luân lý to lớn, là tội lỗi của con người, nguồn gốc của tất
cả những sự dữ khác.
4.
Tại sao Thiên Chúa lại cho phép sự dữ xuất hiện?
Ðức tin giúp chúng ta xác tín rằng
Thiên Chúa đã không cho phép sự dữ xuất hiện, nếu Ngài không làm phát sinh điều
thiện hảo từ chính sự dữ đó. Ðiều này Thiên Chúa đã thực hiện cách tuyệt vời
trong cái chết và sự sống lại của Ðức Kitô. Thật vậy, từ sự dữ luân lý lớn
nhất, là cái chết của Con Ngài, Ngài đã rút ra những điều thiện hảo vĩ đại
nhất, đó là việc tôn vinh Ðức Kitô và là ơn cứu chuộc chúng ta.
(Bản
Toát yếu sách GLHTCG, số 55-58)
Giáo lý
- Bài 19 : Tạo dựng trời và đất
1. Thiên
Chúa đã tạo dựng những gì?
Thánh Kinh nói: "Lúc khởi đầu
Thiên Chúa sáng tạo trời đất" (St 1,1). Trong bản tuyên xưng đức tin, Hội
Thánh công bố Thiên Chúa là Ðấng Sáng Tạo muôn vật hữu hình và vô hình, mọi
loài thiêng liêng và vật chất, nghĩa là các thiên thần và vũ trụ hữu hình, và
đặc biệt nhất là con người.
2.
Các thiên thần là ai?
Các thiên thần là những thụ tạo hoàn toàn thiêng liêng, không có thân xác,
vô hình và bất tử; đó là những hữu thể có ngôi vị, có lý trí và ý chí. Các ngài
không ngừng chiêm ngắm Thiên Chúa diện đối diện và tôn vinh Thiên Chúa; các
ngài phục vụ Thiên Chúa và là những sứ giả của Ngài để hoàn thành sứ vụ cứu độ
loài người.
3.
Các thiên thần hiện diện trong đời sống của Hội
Thánh như thế nào?
Hội Thánh liên kết với các thiên thần để tôn thờ Thiên Chúa; Hội Thánh kêu
cầu sự trợ giúp của các ngài, và trong phụng vụ, Hội Thánh kính nhớ một số vị
trong các ngài. "Bên cạnh mỗi tín
hữu đều có một thiên thần làm Ðấng bảo trợ và mục tử, hướng dẫn họ đến sự
sống" (Thánh Basiliô cả).
(Bản Toát yếu sách GLHTCG, số 59-61)
Giáo lý - Bài 20 : Tạo dựng trời và đất (tiếp theo)
1. Thánh Kinh dạy gì về việc tạo dựng thế
giới hữu hình?
Qua chuyện kể "sáu ngày" tạo dựng, Thánh Kinh cho chúng ta biết
giá trị của vũ trụ thụ tạo, và mục đích của nó là để tôn vinh Thiên Chúa và
phục vụ con người. Mọi vật hiện hữu là nhờ Thiên Chúa, tất cả đều lãnh nhận từ
Thiên Chúa sự tốt lành và hoàn hảo của mình, lề luật và vị trí của mình trong
vũ trụ.
2.
Ðâu là vị trí của con người trong công trình tạo dựng?
Con người là chóp đỉnh của các thụ tạo hữu hình, vì được dựng nên theo hình
ảnh Thiên Chúa và giống Thiên Chúa.
3. Các thụ tạo liên hệ với nhau như thế nào?
Theo ý Thiên Chúa, giữa các thụ tạo có mối liên hệ với nhau và một thứ bậc.
Ðồng thời cũng có một sự hợp nhất và liên đới giữa các thụ tạo, vì tất
cả đều có cùng một Ðấng Sáng Tạo, tất cả đều được Ngài yêu mến và được sắp đặt
để tôn vinh Ngài. Vì thế, tôn trọng những lề luật đã được khắc ghi trong công
trình tạo dựng và những mối tương quan phát xuất từ bản chất của mọi vật, là
một nguyên tắc khôn ngoan và là một nền tảng của luân lý.
4. Ðâu là mối liên hệ giữa công trình tạo dựng
và công trình cứu chuộc?
Công trình tạo dựng đạt tới tột đỉnh
trong một công trình còn vĩ đại hơn nữa, là công trình cứu chuộc. Thật vậy,
công trình cứu chuộc là khởi điểm cho việc tạo dựng mới, trong đó tất cả sẽ tìm
được ý nghĩa trọn vẹn và sự viên mãn của mình.
(Bản Toát yếu sách GLHTCG, số 62-65)
Giáo lý - Bài 21: Tạo dựng con người
1. Phải
hiểu "Con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa" theo nghĩa
nào?
Con người được dựng nên theo hình ảnh
Thiên Chúa theo nghĩa họ có khả năng nhận biết và yêu mến một cách tự do Ðấng
Sáng Tạo nên mình. Trên mặt đất, chỉ có con người là thụ tạo đã được Thiên Chúa
dựng nên cho chính họ và mời gọi họ thông phần vào đời sống thần linh của Ngài,
nhờ nhận biết và yêu thương. Vì được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, con
người có phẩm giá của một ngôi vị; họ không phải là một sự vật, nhưng là một
con người có khả năng nhận thức về bản thân mình, tự hiến mình cách tự do và đi
vào sự hiệp thông với Thiên Chúa và với tha nhân.
2. Thiên
Chúa dựng nên con người với mục đích nào?
Thiên Chúa đã dựng nên tất cả cho con
người, nhưng con người được dựng nên để nhận biết, phục vụ và yêu mến Thiên
Chúa, để ở trần gian, họ dâng lên Thiên Chúa mọi thụ tạo mà tạ ơn Ngài, và để
họ được nâng lên sống với Thiên Chúa trên trời. Chỉ trong mầu nhiệm Ngôi Lời
Nhập thể mà mầu nhiệm về con người mới thực sự được sáng tỏ. Con người được
tiền định để hoạ lại hình ảnh của Con Thiên Chúa làm người, Ðấng là "hình
ảnh của Thiên Chúa vô hình" (Cl 1,15), hình ảnh trọn hảo.
3. Tại
sao mọi người làm thành một loài người duy nhất?
Tất cả mọi người làm thành một loài
người duy nhất vì họ có cùng một nguồn gốc, được lãnh nhận từ Thiên Chúa. Hơn
nữa, Thiên Chúa, "đã tạo thành toàn thể nhân loại từ một người duy
nhất" (Cv 17,26). Tất cả đều có một Ðấng Cứu Ðộ duy nhất. Tất cả đều được
mời gọi chia sẻ hạnh phúc vĩnh cửu của Thiên Chúa.
(Bản Toát yếu sách GLHTCG, số 66-68)
Giáo lý
- Bài 22: Tạo dựng con người (tiếp theo)
1. Trong
con người, linh hồn và thể xác làm thành một thực thể duy nhất như thế nào?
Con người là một hữu thể vừa có yếu tố
thể xác, lại vừa có yếu tố tinh thần. Trong con người, tinh thần và vật chất
tạo thành một bản thể duy nhất. Tính duy nhất này rất sâu xa đến độ, nhờ nguyên
lý tinh thần là linh hồn, mà thể xác, vốn là vật chất, trở thành một thể xác
con người sống động, và được dự phần vào phẩm giá "là hình ảnh của Thiên
Chúa."
2. Ai
ban linh hồn cho con người?
Linh hồn thiêng liêng không đến từ
cha mẹ, nhưng được Thiên Chúa tạo dựng cách trực tiếp, và nó bất tử. Linh hồn
lìa khỏi thể xác trong giờ chết, nhưng linh hồn không chết. Linh hồn sẽ tái hợp
với thể xác trong ngày sống lại sau hết.
3. Thiên
Chúa đã thiết lập mối liên hệ nào giữa người nam và người nữ?
Người nam và người nữ được Thiên Chúa
dựng nên với một phẩm giá ngang nhau là những nhân vị, và đồng thời họ bổ túc
cho nhau trong tư cách là nam và nữ. Thiên Chúa đã muốn tạo dựng họ cho nhau, làm
nên một sự hiệp thông các ngôi vị. Cả hai cùng được mời gọi truyền lại sự sống
con người, khi cả hai trở nên "một xương một thịt" (St 2,24) trong hôn
nhân, và được mời gọi làm chủ trái đất như những "người quản lý" của
Thiên Chúa.
4. Tình
trạng nguyên thủy của con người theo kế hoạch của Thiên Chúa là gì?
Khi tạo dựng người nam và người nữ,
Thiên Chúa đã cho họ thông phần cách đặc biệt vào đời sống thần linh của Ngài,
trong sự thánh thiện và công chính. Trong kế hoạch của Thiên Chúa, con người lẽ
ra phải đau khổ, cũng không phải chết. Ngoài ra, có một sự hài hòa tuyệt hảo
nơi chính bản thân con người, giữa thụ tạo với Ðấng Tạo Hoá, giữa người nam với
người nữ, cũng như giữa đôi vợ chồng đầu tiên với toàn thể thụ tạo.
(Bản Toát yếu sách GLHTCG, số 69-72)
Giáo lý - Bài 23: Sự sa ngã
1.
Làm thế nào để hiểu được thực tại của tội lỗi?
Tội lỗi hiện diện trong lịch sử loài người. Một thực tại như thế chỉ được
hiểu biết cách đầy đủ dưới ánh sáng của Mặc khải Thiên Chúa, và nhất là dưới
ánh sáng của Ðức Kitô, Ðấng Cứu Ðộ mọi người, Ðấng làm cho ở đâu tội lỗi lan tràn
thì ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội.
2. Sự sa ngã của các thiên thần là gì?
Với cách diễn tả này, người ta muốn nói rằng Satan và các ma quỉ khác, được
Thánh Kinh và Thánh truyền nói đến, vốn là các thiên thần tốt lành do Thiên
Chúa dựng nên, nhưng đã trở thành ác xấu, bởi vì, qua việc chọn lựa tự do và
dứt khoát, chúng đã từ chối Thiên Chúa và Vương quyền của Ngài, và như thế làm
phát sinh ra hỏa ngục. Chúng cố gắng lôi kéo con người vào cuộc nổi loạn chống
lại Thiên Chúa; nhưng trong Ðức Kitô, Thiên Chúa xác định chiến thắng chắc chắn
của Ngài trên Ác thần.
3.
Tội đầu tiên của con người cốt tại điều gì?
Con người, bị ma quỷ cám dỗ, đã dập tắt trong trái tim mình lòng tin tưởng đối
với Ðấng Tạo Hoá của mình. Khi không tuân phục Thiên Chúa, con người muốn trở
nên "như Thiên Chúa," mà không
cần Thiên Chúa và không theo ý Thiên Chúa (St 3,5). Như thế, Ađam và Evà lập
tức đánh mất, cho bản thân và cho tất cả dòng giống họ, ân sủng của sự thánh
thiện và sự công chính nguyên thủy.
(Bản Toát yếu sách GLHTCG, số 73-75)
Giáo lý - Bài 24: Sự sa ngã (tiếp theo)
1.
Tội tổ tông truyền là gì?
Mọi người sinh ra đều mang tội tổ tông truyền, cũng gọi là nguyên tội. Nguyên tội là tình trạng mất sự thánh
thiện và công chính nguyên thuỷ. Ðó là một tội mà chúng ta " mắc phải"
chứ không phải là một tội mà chúng ta « phạm »; đó là tình trạng khi
sinh ra, chứ không phải là một hành vi cá nhân. Vì mọi người đều cùng có một
nguồn gốc duy nhất, nên tội này được truyền lại cho dòng dõi Ađam cùng với bản
tính loài người, "không phải do bắt chước, nhưng qua truyền sinh."
Việc truyền lại nguyên tội vẫn còn là một mầu nhiệm mà chúng ta không thể hiểu được
trọn vẹn.
2.
Những hậu quả khác do nguyên tội gây nên là gì?
Sau khi tổ tông đã phạm tội, bản tính con người không
hoàn toàn bị hủy hoại, nhưng bị thương tật trong các sức lực tự nhiên của mình,
u mê dốt nát, phải đau khổ, bị sự chết thống trị và hướng chiều về tội lỗi. Sự
hướng chiều này được gọi là dục vọng (concupiscentia).
3.
Thiên Chúa đã làm gì sau tội đầu tiên của con người?
Sau tội đầu tiên, thế gian đã bị tràn ngập tội lỗi, nhưng Thiên Chúa đã
không bỏ rơi con người dưới quyền lực sự chết. Trái lại, Ngài đã tiên báo cách
mầu nhiệm - trong "Tiền Tin Mừng" (x. St 3,15) - rằng sự dữ sẽ bị
đánh bại và con người sẽ được nâng dậy từ sự sa ngã. Ðó là lời tiên báo đầu
tiên về Ðấng Mêsia cứu chuộc. Vì thế, chúng ta gọi sự sa ngã là "tội hồng
phúc" (felix culpa), vì
"nhờ có tội, ta mới có được Ðấng Cứu Chuộc cao cả dường này" (Phụng
Vụ đêm Canh thức Vượt Qua).
(Bản Toát yếu sách GLHTCG, số 76-78)
Giáo lý
- Bài 25: Tin Mừng về Chúa Giêsu Kitô
1.
Tin Mừng cho con người là gì?
Đó là lời loan báo về Ðức Giêsu Kitô,
"Con Thiên Chúa hằng sống" (Mt 16,16), Ðấng đã chết và đã sống lại.
Vào thời vua Hêrôđê và Hoàng Ðế Xêdarê Augustô, Thiên Chúa đã thực hiện những
lời Ngài đã hứa với Ábraham và dòng dõi ông, khi sai “Con Mình tới, sinh làm
con một người nữ và sống dưới lề luật, để chuộc những ai sống dưới lề luật, hầu
chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử" (Gl 4,4-5).
2. Tin
Mừng này được loan đi như thế nào?
Ngay từ đầu, các môn đệ tiên khởi đã
khao khát loan báo Ðức Giêsu Kitô, nhằm làm cho mọi người tin vào Người. Ngày
nay cũng thế, sự hiểu biết say mê Ðức Kitô làm nẩy sinh nơi các tín hữu niềm
khao khát rao giảng Tin Mừng và huấn giáo, nghĩa là giúp mọi người nhận thấy toàn
bộ kế hoạch của Thiên Chúa trong con người Chúa Giêsu, và dẫn đưa nhân loại đến
hiệp thông với Người. “TÔI TIN KÍNH ĐỨC CHÚA
GIÊSU KITÔ, LÀ CON MỘT ĐỨC CHÚA CHA, CÙNG LÀ CHÚA CHÚNG TÔI”
(Bản Toát yếu sách GLHTCG, số 79-80)
Giáo
lý - Bài 26: Tôi tin kính Chúa
Giêsu Kitô, là Con một Đức Chúa Cha, cùng là Chúa chúng tôi
1.
Danh thánh "Giêsu" nghĩa là gì?
Danh thánh « Giêsu », được thiên thần đặt ngay từ lúc Truyền tin,
có nghĩa là "Thiên Chúa cứu độ". Danh thánh này nói lên căn
tính và sứ mạng của Chúa Giêsu, vì "chính Người sẽ cứu dân mình khỏi
tội" (Mt 1,21). Thánh Phêrô khẳng định rằng "dưới gầm trời này không
có danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào Danh đó mà
được cứu độ" (Cv 4,12).
2. Tại
sao Chúa Giêsu được gọi là "Ðấng Kitô"?
"Kitô" là tiếng Hy Lạp, còn
"Mêsia" là tiếng Hypri, có nghĩa là "được xức dầu". Chúa
Giêsu là Ðấng Kitô vì Người được Thiên Chúa thánh hiến, được xức dầu bằng Chúa
Thánh Thần để đảm nhận sứ mạng cứu chuộc của Người. Người là Ðấng Mêsia mà dân Israel
mong đợi, được Chúa Cha sai đến trần gian. Chúa Giêsu đã chấp nhận tước hiệu
Mêsia, nhưng đã xác định rõ ràng ý nghĩa tước hiệu này: "từ trời xuống"
(Ga 3,13), chịu đóng đinh rồi sống lại, Người là Tôi Trung Ðau Khổ, "hiến
dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người" (Mt 20,28). Từ tước hiệu Kitô
này, chúng ta được mang danh hiệu là người Kitô hữu.
3.
Chúa Giêsu là "Con Một Thiên Chúa"
theo ý nghĩa nào?
Chúa Giêsu là "Con Một Thiên
Chúa" theo một ý nghĩa duy nhất và trọn hảo. Vào lúc Người chịu phép rửa
và trong cuộc Hiển Dung, tiếng của Chúa Cha cho thấy Chúa Giêsu là "Con
yêu dấu" của Ngài. Khi Chúa Giêsu tự giới thiệu mình là người Con
"biết Chúa Cha" (Mt 11,27), Người khẳng định mối tương quan duy nhất
và vĩnh cửu của mình với Thiên Chúa là Cha của Người. "Người là Con duy
nhất của Thiên Chúa" (1 Ga 4,9), là Ngôi Hai trong Ba Ngôi. Người là trung
tâm lời rao giảng của các thánh Tông đồ: các Tông đồ đã nhìn thấy "vinh
quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một" (Ga
1,14).
4.
Tước hiệu
"Ðức Chúa" có ý nghĩa gì?
Trong Thánh Kinh, thường tước hiệu
này chỉ Thiên Chúa tối cao. Chúa Giêsu tự nhận cho mình tước hiệu này và mạc
khải quyền tối thượng thần linh của Người qua quyền năng của Người trên thiên
nhiên, trên ma quỷ, trên tội lỗi và trên cái chết, và nhất là qua cuộc Phục
sinh của Người. Những lời tuyên tín đầu tiên của các người Kitô hữu công bố rằng
quyền năng, danh dự và vinh quang dành cho Thiên Chúa Cha cũng thuộc về Chúa Giêsu,
Ðấng mà Thiên Chúa "đã tặng ban danh hiệu trổi vượt trên mọi danh
hiệu" (Pl 2,9). Người là Ðức Chúa của trần gian và của lịch sử, là Ðấng
duy nhất mà mọi người, với sự tự do của mình, phải hoàn toàn tùng phục. “BỞI PHÉP ĐỨC CHÚA THÁNH THẦN MÀ NGƯỜI XUỐNG THAI,
SINH BỞI BÀ MARIA ĐỒNG TRINH”.
(Bản
Toát yếu sách GLHTCG, số 81-84)
Giáo lý
- Bài 27: Mầu nhiệm Nhập thể
1. Tại
sao Con Thiên Chúa đã làm người?
Con Thiên Chúa đã nhập thể trong lòng
Trinh Nữ Maria bởi phép Chúa Thánh Thần, vì loài người chúng ta và để cứu rỗi
chúng ta, nghĩa là để chúng ta, là những kẻ tội lỗi, được giao hòa với Thiên
Chúa, để cho chúng ta biết được tình thương vô bờ bến của Ngài, để trở nên mẫu
gương cho chúng ta về sự thánh thiện và để cho chúng ta “được thông phần bản
tính Thiên Chúa” ( 2 Pr 1,4).
2. Hai
tiếng "Nhập Thể" có nghĩa là gì?
Hội Thánh dùng từ "Nhập
Thể" để gọi mầu nhiệm sự kết hợp tuyệt vời của thần tính và nhân tính
trong Ngôi vị thần linh duy nhất của Ngôi Lời. Ðể thực hiện công cuộc cứu độ chúng
ta, Con Thiên Chúa đã hóa thành "xác thể" (Ga 1,14), trở thành con
người thật. Tin vào mầu nhiệm Nhập thể là dấu hiệu đặc trưng của đức tin Kitô
giáo.
3. Ðức
Giêsu Kitô vừa là Thiên Chúa thật, vừa là người thật như thế nào?
Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật và là
người thật, không thể tách rời nhau trong sự duy nhất của Ngôi vị Thiên Chúa
của Người. Chính Người là Con Thiên Chúa, là Ðấng "được sinh ra mà không
phải được tạo thành, đồng bản thể với Ðức Chúa Cha", Người thật sự trở thành
con người, trở thành anh em của chúng ta, mà vẫn không ngừng là Thiên Chúa, là
Ðức Chúa của chúng ta.
4. Công
đồng Chalcedonia (năm 451) dạy gì về vấn đề này?
Công đồng Chalcedonia dạy chúng ta
phải tuyên xưng: "một Chúa Con duy nhất, là Ðức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, hoàn
hảo trong thần tính, và cũng hoàn hảo trong nhân tính; là Thiên Chúa thật và là
người thật, gồm có một linh hồn có lý trí và một thân xác; đồng bản thể với
Chúa Cha theo thần tính mà cũng đồng bản tính với chúng ta theo nhân tính,
"giống chúng ta về mọi phương diện ngoại trừ tội lỗi" (Dt 4,15); sinh
bởi Ðức Chúa Cha theo thần tính từ trước muôn đời, và trong những thời cuối
cùng này, vì chúng ta và để cứu độ chúng ta, Người được sinh ra theo nhân tính
từ Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa".
(Bản
Toát yếu sách GLHTCG, số 85-88)
Giáo lý
- Bài 28: Mầu nhiệm Nhập thể (tiếp theo)
1. Hội
Thánh diễn tả mầu nhiệm Nhập thể như thế nào?
Hội Thánh diễn tả mầu nhiệm này khi
xác quyết rằng Ðức Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật, với hai bản
tính là thần tính và nhân tính, không lẫn lộn, nhưng kết hợp trong Ngôi Lời. Vì
thế, trong nhân tính của Chúa Giêsu, tất cả - các phép lạ, đau khổ và cái chết
- đều được qui về Ngôi vị thần linh của Người, Ðấng hoạt động qua nhân tính mà
Ngôi vị này đảm nhận.
2. Có phải Con Thiên Chúa làm người có một linh hồn
với tri thức nhân loại không?
Con Thiên Chúa đã đảm nhận một thân
xác được một linh hồn nhân loại có tri thức làm cho sinh động. Với tri thức
nhân loại, Chúa Giêsu đã học hỏi nhiều qua kinh nghiệm. Nhưng cũng với tư cách
là con người, Con Thiên Chúa có một sự hiểu biết thâm sâu và trực tiếp về Thiên
Chúa, Cha của Người. Người cũng nhìn thấu những tư tưởng thầm kín của con người
và hiểu biết đầy đủ các ý định muôn thuở mà Người đến để mạc khải.
2.
Hai ý muốn nơi Ngôi Lời nhập thể hợp tác với
nhau như thế nào?
Chúa Giêsu có một ý muốn thần linh và
một ý muốn nhân loại. Trong cuộc sống nơi trần gian, Con Thiên Chúa đã
muốn, theo nhân tính, điều mà Người đã
quyết định, theo thần tính, với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần về ơn cứu độ chúng
ta. Ý muốn nhân loại của Ðức Kitô luôn theo ý muốn thần linh, không miễn cưỡng,
không đối kháng, và hơn nữa, ý muốn nhân loại của Người đã tùng phục ý muốn
thần linh.
3.
Ðức Kitô có một thân xác con người thật không?
Ðức Kitô đã đảm nhận một thân xác con
người thật, qua đó Thiên Chúa vô hình đã trở nên hữu hình. Vì thế, Ðức Kitô có
thể được trình bày và tôn kính qua các ảnh tượng thánh.
4.
Trái tim của Ðức Kitô nói lên điều gì?
Ðức Kitô biết và yêu thương chúng ta
bằng một trái tim của con người. Trái tim của Người bị đâm thâu để cứu độ chúng
ta, là biểu tượng tình yêu vô biên của Người đối với Chúa Cha và đối với mỗi
người.
(Bản Toát yếu sách GLHTCG, số 89-93)
Giáo lý - Bài 29
: Chúa Giêsu sinh bởi Đức Mẹ Đồng Trinh
1. Câu
"Bởi phép Ðức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai…" có ý nghĩa gì?
Câu này có
nghĩa là Ðức Trinh Nữ Maria đã thụ thai trong lòng mình Người Con Vĩnh Cửu bởi
tác động của Chúa Thánh Thần chứ không có sự cộng tác của một người nam: "Thánh
Thần sẽ ngự xuống trên Bà" (Lc 1,35), đó là lời thiên thần đã nói với Ðức
Maria lúc Truyền tin.
2.
"Sinh bởi Bà Maria Ðồng Trinh": tại
sao Ðức Maria thực sự là Mẹ Thiên Chúa?
Ðức Maria thật sự là Mẹ Thiên Chúa
bởi vì là Mẹ của Chúa Giêsu (Ga 2,1; 19,25). Thật vậy, Ðấng mà Mẹ đã thụ thai
bởi tác động của Chúa Thánh Thần và đã thực sự trở nên con của Mẹ, chính là Con
hằng hữu của Thiên Chúa Cha. Chính Người là Thiên Chúa.
3.
"Vô Nhiễm Nguyên Tội" nghĩa là gì?
Từ muôn thuở và một cách hoàn toàn
nhưng không, Thiên Chúa đã chọn Ðức Maria làm Mẹ của Con mình. Ðể chu toàn sứ
mạng này, Mẹ đã được ơn vô nhiễm ngay từ lúc được thụ thai. Ðiều này có nghĩa
là nhìn thấy trước công nghiệp của Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa đã ban ân sủng gìn
giữ Ðức Maria khỏi tội nguyên tổ ngay từ lúc được thụ thai.
(Bản Toát yếu sách GLHTCG, số 94-96)
Giáo
lý - Bài 30 : Chúa Giêsu sinh bởi Đức Mẹ Đồng Trinh (tiếp theo)
1.
Ðức Maria cộng tác vào kế hoạch cứu độ của Thiên
Chúa như thế nào?
Nhờ ân sủng của Thiên Chúa, Ðức
Maria, suốt đời vẫn tinh tuyền không hề phạm một tội riêng nào. Mẹ là "Ðấng
đầy ân phúc" (Lc 1,28), "Ðấng hoàn toàn thánh thiện”. Khi Thiên Thần
báo tin rằng Mẹ sẽ sinh "Con Ðấng Tối cao" (Lc 1,32), Mẹ đã tự do
chấp nhận với "sự vâng phục của đức tin" (Rm 1,5). Ðức Maria tự hiến
hoàn toàn cho con người và công trình của Chúa Giêsu, Con của Mẹ, và với trọn
tâm hồn, Mẹ chấp nhận ý định cứu độ của Thiên Chúa.
2.
Chúa Giêsu được thụ thai đồng trinh nghĩa là gì?
Ðiều này có nghĩa là Chúa Giêsu được
thụ thai trong lòng Ðức Trinh Nữ chỉ do quyền năng của Chúa Thánh Thần mà thôi,
không có sự can thiệp của người nam. Người là Con Chúa Cha trên trời theo thần
tính, là Con của Ðức Maria theo nhân tính, nhưng thực sự là Con Thiên Chúa
trong hai bản tính, vì nơi Người chỉ có một Ngôi vị duy nhất, là ngôi vị thần linh.
3.
Câu "Ðức Maria trọn đời đồng trinh" có
ý nghĩa gì?
"Ðức Maria trọn đời đồng
trinh" có nghĩa là Mẹ "vẫn còn đồng trinh khi thụ thai Con mình, đồng
trinh khi sinh Con, đồng trinh khi bồng ẵm Người, đồng trinh khi cho Người bú
mớm, là người mẹ đồng trinh, vĩnh viễn đồng trinh" (thánh Augustinô). Khi
các Tin Mừng nói về "anh chị em của Chúa Giêsu," thì đó là những
người bà con họ hàng gần của Chúa Giêsu, theo như cách nói quen dùng trong
Thánh Kinh.
4. Ðức Maria làm Mẹ thiêng liêng của mọi người thế
nào?
Ðức Maria chỉ có một người Con duy
nhất, là Chúa Giêsu, nhưng trong Người, Mẹ là Mẹ thiêng liêng của mọi người đã được
Chúa Giêsu đến cứu độ. Vâng phục bên cạnh Ađam mới là Ðức Giêsu Kitô, Ðức Trinh
Nữ là bà Evà mới, bà mẹ đích thực của chúng sinh. Với tình yêu từ mẫu, Mẹ cộng
tác vào việc sinh hạ và nuôi dưỡng họ trong lĩnh vực ân sủng. Vừa là Trinh Nữ
vừa là Mẹ, Ðức Maria là hình ảnh của Hội Thánh, là sự thể hiện toàn hảo nhất
của Hội Thánh.
(Bản Toát yếu sách GLHTCG, số 97-100)
Giáo lý
- Bài 31 : Mầu nhiệm cuộc đời Đức Kitô
1. "Cả
cuộc đời Ðức Kitô là một Mầu nhiệm" nghĩa là gì?
Cả cuộc đời của Ðức Kitô là một mạc
khải. Ðiều có thể thấy được trong cuộc đời trần thế của Người dẫn chúng ta đến
Mầu nhiệm vô hình, nhất là Mầu nhiệm Con Thiên Chúa của Người: "Ai thấy
Tôi là thấy Chúa Cha" (Ga 14,9). Ðàng khác, mặc dù ơn cứu độ đã được hoàn
thành trọn vẹn qua thập giá và cuộc phục sinh, nhưng trọn cuộc đời của Ðức Kitô
là Mầu nhiệm cứu độ, vì tất cả những gì Chúa Giêsu đã làm, đã nói và đã chịu
đau khổ đều có mục đích là để cứu độ loài người sa ngã và để tái lập họ trong ơn
gọi làm con Thiên Chúa.
2.
Các mầu
nhiệm của Chúa Giêsu đã được chuẩn bị như thế nào?
Trước hết, đã có một thời gian hy
vọng lâu dài qua nhiều thế kỷ, mà chúng
ta lại sống khi cử hành Phụng vụ mùa Vọng. Ngoài sự chờ đợi chưa rõ ràng mà
Thiên Chúa đã đặt trong tâm hồn các người ngoại giáo, Thiên Chúa đã chuẩn bị
cho việc Con Ngài ngự đến qua Giao ước cũ, cho đến thời ông Gioan Tẩy Giả, là
người cuối cùng và lớn nhất trong các tiên tri.
(Bản Toát yếu sách GLHTCG, số 101-102)
Giáo lý
- Bài 32 : Mầu nhiệm cuộc đời Đức Kitô (tiếp
theo)
1. Tin
Mừng về mầu nhiệm Giáng sinh và thời thơ ấu của Chúa Giêsu dạy chúng ta điều
gì?
Vào lúc Giáng sinh, vinh quang thiên
quốc được tỏ lộ trong sự yếu đuối của một hài nhi. Phép cắt bì Chúa Giêsu đã lãnh
nhận là dấu chỉ Người thuộc về dân Do Thái và là việc báo trước Bí tích Rửa tội
của chúng ta. Hiển Linh là việc Đức Mêsia của Israel tỏ mình ra cho muôn dân. Lúc
dâng Chúa vào trong Ðền Thờ, người ta nhận ra nơi ông Simeon và bà Anna sự chờ
đợi của dân Israel ,
nay đến gặp gỡ Ðấng Cứu Ðộ của mình. Cuộc trốn sang Ai Cập và sự kiện tàn sát
trẻ vô tội báo trước cả cuộc đời của Ðức Kitô sẽ chịu nhiều bách hại. Việc
Người rời bỏ Ai Cập để trở về nhắc lại cuộc xuất hành và giới thiệu Ðức Kitô
như ông Môsê mới: Người là Ðấng giải phóng đích thực và tối hậu.
2. Quãng đời ẩn dật của Chúa Giêsu tại Nazareth dạy chúng ta điều
gì?
Suốt cuộc đời ẩn dật ở Nazareth , Chúa Giêsu đã âm
thầm sống một cuộc sống bình thường. Như vậy, Người cho chúng ta hiệp thông với
Người trong sự thánh thiện của đời sống thường ngày được dệt bằng lời cầu
nguyện, sự đơn sơ, lao động, tình yêu gia đình. Việc vâng phục của Người đối
với Ðức Maria và thánh Giuse, cha nuôi của Người, là hình ảnh của sự vâng phục
con thảo của Người đối với Chúa Cha. Với đức tin, Ðức Maria và thánh Giuse đón
nhận mầu nhiệm của Chúa Giêsu, dù rằng không phải lúc nào các ngài cũng hiểu
được mầu nhiệm ấy.
3. Tại
sao Chúa Giêsu lãnh nhận từ tay ông Gioan "Phép rửa tỏ lòng hối cải để được
ơn tha tội" (Lc 3,3)?
Ðể khởi đầu quãng đời công khai và để
báo trước Phép rửa là cái chết của mình, Chúa Giêsu, dù không có tội lỗi nào,
và là "Chiên Thiên Chúa, Ðấng xoá tội trần gian" (Ga 1,29), cũng chấp
nhận bị liệt vào hàng tội nhân. Chúa Cha tuyên bố Người là "Con yêu
dấu" của mình (Mt 3,17) và Thánh Thần ngự xuống trên Người. Phép rửa của
Chúa Giêsu là hình ảnh báo trước Bí tích Rửa tội của chúng ta.
(Bản
Toát yếu sách GLHTCG, số 103-105)
Giáo lý
- Bài 33 : Mầu nhiệm cuộc đời Đức Kitô (tiếp
theo)
1. Những
cơn cám dỗ của Chúa Giêsu trong sa mạc nói lên điều gì?
Những cám dỗ Chúa Giêsu phải chịu
trong sa mạc thu tóm cơn cám dỗ của Ađam trong vườn địa đàng và những cơn cám
dỗ của dân Israel
trong sa mạc. Satan cám dỗ Chúa Giêsu về sự vâng phục sứ vụ mà Chúa Cha đã giao
phó cho Người. Ðức Kitô, Ađam mới, đã chống lại cơn cám dỗ, và chiến thắng của
Người báo trước chiến thắng của cuộc khổ nạn, là sự vâng phục tuyệt đối trong
tình yêu con thảo của Người. Trong thời gian Phụng vụ Mùa Chay, Hội Thánh kết
hợp với Mầu nhiệm này cách đặc biệt.
2. Ai
được mời gọi gia nhập Nước Thiên Chúa được Chúa Giêsu loan báo và thực hiện?
Chúa Giêsu mời gọi mọi người gia nhập
Nước Thiên Chúa. Cả kẻ xấu xa nhất trong các tội nhân cũng được mời gọi hối cải
và đón nhận lòng thương xót vô biên của Chúa Cha. Ngay trên mặt đất này, Nước
Thiên Chúa đã thuộc về những ai đón nhận với tâm hồn khiêm tốn. Chính cho những
người này, những mầu nhiệm của Nước Thiên Chúa được mạc khải.
3. Tại
sao Chúa Giêsu biểu lộ Nước Trời bằng các dấu chỉ và phép lạ?
Chúa Giêsu làm các dấu chỉ và phép lạ
kèm theo lời của Người, để chứng tỏ rằng Nước Trời đang hiện diện nơi Người, là
Ðấng Mêsia. Mặc dù đã chữa lành một số bệnh nhân, Người không đến để loại trừ
mọi cái xấu ra khỏi trái đất, nhưng trước hết là để giải phóng con người khỏi
ách nô lệ tội lỗi. Cuộc chiến đấu chống lại ma quỉ báo trước rằng thập giá của
Người sẽ chiến thắng "thủ lãnh thế gian" (Ga 12,31).
(Bản
Toát yếu sách GLHTCG, số 106-108)
Giáo lý
- Bài 34 : Mầu nhiệm cuộc đời Đức Kitô (tiếp theo)
1. Trong
Nước Trời, Chúa Giêsu đã trao quyền hành nào cho các Tông đồ của Người?
Chúa
Giêsu chọn Nhóm Mười Hai, những người sẽ là chứng nhân cho cuộc phục sinh của
Người. Người cho họ tham dự vào sứ vụ và quyền hành của Người để dạy dỗ, tha
thứ tội lỗi, xây dựng và điều khiển Hội Thánh. Trong Nhóm này, thánh Phêrô lãnh
nhận "chìa khóa Nước Trời" (Mt 16,19) và chiếm địa vị thứ nhất, có sứ
mạng gìn giữ đức tin được toàn vẹn và làm cho các anh em mình nên vững mạnh.
2.
Việc Hiển Dung có ý nghĩa gì?
Trước hết, Thiên Chúa Ba Ngôi xuất
hiện trong cuộc Hiển Dung: "Chúa Cha trong tiếng nói, Chúa Con trong nhân
tính của mình, Chúa Thánh Thần trong đám mây sáng chói" (thánh Tôma
Aquinô). Khi nói với ông Môsê và ông Êlia về cuộc "ra đi của mình"
(Lc 9,31), Chúa Giêsu cho thấy rằng vinh quang của Người phải đi qua thập giá;
và Người báo trước cuộc phục sinh và cuộc trở lại trong vinh quang của Người, khi
Người "sẽ biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh
hiển của Người" (Pl 3,21).
"Lạy Chúa Kitô là Thiên Chúa, Chúa đã hiển dung
trên núi và, tuỳ theo khả năng, các môn đệ chiêm ngưỡng vinh quang Chúa, để mai
sau khi thấy Chúa chịu đóng đinh thập giá, họ hiểu rằng Chúa đã tự nguyện chịu
khổ hình. Rồi họ sẽ loan báo cho thế giớ biết Chúa chính là vinh quang Chúa Cha
chiếu tỏa" (Phụng Vụ Byzantin).
3.
Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem với tư cách là
Ðấng Mêsia như thế nào?
Vào thời gian đã định, Chúa Giêsu
quyết lên Giêrusalem để chịu khổ nạn, chịu chết và sống lại từ cõi chết. Với tư
cách là Ðức Mêsia- Vua, Ðấng loan báo Nước Thiên Chúa đến, Người đi vào thành
của Người, cỡi trên một con lừa. Những kẻ bé mọn đón rước Người bằng lời tung
hô mà về sau được đưa vào kinh "Thánh! Thánh! Thánh!" trong Thánh Lễ:
"Chúc tụng Ðấng ngự đến nhân danh Chúa. Hosanna (xin cứu độ chúng con)”
(Mt 21,9). Phụng vụ Hội Thánh khởi đầu Tuần Thánh bằng việc cử hành biến cố
này. “ĐỨC GIÊSU KITÔ ĐÃ CHỊU NẠN ĐỜI QUAN PHONG
XIÔ PHILATÔ, CHỊU ĐÓNG ĐINH TRÊN CÂY THÁNH GIÁ, CHẾT VÀ TÁNG XÁC”
(Bản Toát yếu sách GLHTCG, số 109-111)
Giáo lý
- Bài 35: Mầu nhiệm Khổ nạn
1.
Mầu
nhiệm Vượt qua của Chúa Giêsu có tầm quan trọng nào?
Mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Giêsu,
bao gồm cuộc khổ nạn, cái chết, sự phục sinh và tôn vinh của Người, là trung
tâm của đức tin Kitô giáo. Vì ý định cứu độ của Thiên Chúa được hoàn tất một
lần thay cho tất cả nhờ cái chết cứu chuộc của Con Thiên Chúa là Ðức Giêsu
Kitô.
2. Chúa
Giêsu bị kết án vì những lời tố cáo nào?
Một số thủ lãnh Israel đã tố cáo Chúa
Giêsu chống lại Lề luật, chống lại Ðền thờ Giêrusalem và đặc biệt chống lại
niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất, bởi vì Người tự xưng mình là Con của Thiên
Chúa. Chính vì thế họ đã nộp Người cho quan Philatô, để Người bị kết án tử
hình.
3. Chúa
Giêsu đã có thái độ nào đối với Lề luật Israel ?
Chúa Giêsu không bãi bỏ Lề luật do
Thiên Chúa trao ban cho ông Môsê trên núi Sinai, nhưng Người đã làm cho Lề luật
nên trọn bằng cách đem lại cho Lề luật lời giải thích tối hậu. Người là Ðấng
ban hành Lề luật của Thiên Chúa, chu toàn Lề luật cách viên mãn. Ngoài ra, qua
cái chết đền tội trong vai trò Người Tôi Trung, Người hiến dâng hy tế duy nhất
có khả năng cứu chuộc tất cả "tội lỗi người ta đã phạm trong thời Giao ước
đầu tiên" (Dt 9,15).
(Bản
Toát yếu sách GLHTCG, số 112-114)
Giáo lý
- Bài 36: Mầu nhiệm Khổ nạn (tiếp theo)
1. Chúa
Giêsu đã có thái độc nào đối với Ðền thờ Giêrusalem?
Chúa
Giêsu bị kết án là có thái độ thù nghịch với Ðền thờ. Thực ra, Người đã tôn
trọng Ðền thờ như là "nhà của Cha mình" (Ga 2,16). Chính tại đó Người
đã giảng dạy một phần giáo huấn quan trọng của
Người. Nhưng Người cũng báo trước Ðền thờ sẽ bị tàn phá, trong liên hệ với cái
chết của Người. Người tự giới thiệu mình là nơi ở vĩnh viễn của Thiên Chúa giữa
loài người.
2. Chúa
Giêsu có đi ngược với niềm tin của Israel vào Thiên Chúa duy nhất và
là Ðấng cứu độ hay không?
Chúa Giêsu không bao giờ đi ngược với
niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất, cả khi Người tha thứ tội lỗi, nghĩa là làm công
việc đặc thù của Thiên Chúa, công việc thực hiện các lời hứa về Ðấng Mêsia và
mạc khải Người ngang hàng với Thiên Chúa. Việc Chúa Giêsu mời gọi tin vào Người
và ăn năn hối cải giúp chúng ta nhận ra tại sao Công nghị đã hiểu lầm Người cách
bi thảm, nên cho rằng Người đáng phải chết vì là kẻ nói phạm thượng.
3. Ai
chịu trách nhiệm về cái chết của Chúa Giêsu?
Không
thể qui trách nhiệm cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu một cách không phân
biệt cho mọi người Do Thái thời đó, cũng như cho con cháu họ sau này. Mỗi tội
nhân, nghĩa là mọi người, thực sự là nguyên nhân và công cụ gây nên những đau
khổ của Ðấng Cứu Chuộc. Chịu trách nhiệm nặng nề hơn nữa là những người, nhất
là các Kitô hữu, thường xuyên sa ngã phạm tội và ham thích những thói xấu.
(Bản
Toát yếu sách GLHTCG, số 115-117)
Giáo lý - Bài 37: Mầu nhiệm Khổ nạn (tiếp theo)
1. Tại
sao cái chết của Chúa Giêsu lại nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa?
Ðể tất cả mọi người, là những kẻ đáng
chết vì tội lỗi, được giao hòa với Ngài, Thiên Chúa đã khởi xướng một việc đầy
yêu thương là sai Con của Ngài đến phó mình chịu chết vì những kẻ tội lỗi. Cái
chết của Ðức Kitô đã được loan báo trong Cựu Ước, đặc biệt như hy tế của Người
Tôi trung đau khổ, đã xảy ra "theo như lời Thánh Kinh."
2. Ðức
Kitô đã dâng hiến chính mình cho Chúa Cha như thế nào?
Ðức Kitô đã tự do dâng hiến tất cả đời
sống cho Chúa Cha, để chu toàn ý định cứu độ của Ngài. Đức Kitô đã “hiến mạng sống
làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,45). Nhờ đó, Người làm cho toàn thể nhân loại được
giao hòa với Thiên Chúa. Sự đau khổ và cái chết của Người cho thấy nhân tính
của Người là dụng cụ tự do và hoàn hảo của tình yêu Thiên Chúa muốn cứu độ mọi
người.
3. Việc
dâng hiến của Chúa Giêsu được diễn tả như thế nào trong Bữa Tiệc Ly?
Trong Bữa Tiệc Ly với các Tông đồ vào
buổi tối trước cuộc Khổ nạn, Chúa Giêsu đã làm trước, nghĩa là Người ám chỉ và
thực hiện trước, việc tự nguyện dâng hiến chính mình: "Ðây là Mình Thầy bị
nộp vì anh em" (Lc 22,19); "Ðây là Máu Thầy đổ ra..." (Mt
26,28). Như thế, Người vừa thiết lập Bí tích Thánh Thể như việc "tưởng
nhớ" (1 Cr 11,25) đến hy tế của Người, vừa đặt các Tông đồ của Người làm
tư tế của Giao ước mới.
(Bản Toát yếu sách GLHTCG, số 118-120)
Giáo lý
- Bài 38: Mầu nhiệm Khổ nạn (tiếp theo)
1.
Ðiều gì
đã xảy ra trong cơn hấp hối nơi vườn Giêtsêmani?
Mặc
dầu nhân tính rất thánh của Ðấng "khơi nguồn sự sống" (Cv 3,15) đã
khiếp sợ sự chết, nhưng ý chí nhân loại của Con Thiên Chúa vẫn phục tùng thánh
ý Chúa Cha: để cứu độ chúng ta, Chúa Giêsu chấp nhận gánh lấy tội lỗi chúng ta
trong thân xác mình, khi Người "vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu
chết" (Pl 2,8).
2.
Hiệu quả
của hy tế Ðức Kitô dâng trên thập giá là
gì?
Chúa
Giêsu tự nguyện hiến dâng mạng sống mình làm hy lễ đền tội, nghĩa là Người đền
bù tội lỗi chúng ta bằng sự vâng phục trọn vẹn của Người vì tình yêu cho đến
chết. Tình "yêu thương đến cùng" (Ga 13,1) của Con Thiên Chúa đã cho
toàn thể nhân loại được giao hoà với Chúa Cha. Như vậy, Hy lễ Vượt qua của Ðức
Kitô cứu chuộc mọi người cách độc nhất vô nhị, hoàn hảo và tối hậu, và mở lối
cho họ vào sự hiệp thông với Thiên Chúa.
3.
Tại sao Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ vác lấy thập giá của họ?
Khi
kêu gọi các môn đệ vác thập giá mình mà theo Người, Chúa Giêsu muốn những người
đầu tiên hưởng nhờ hy tế cứu độ của Người được kết hợp với hy tế ấy.
4.
Thân thể
của Chúa Giêsu ở trong tình trạng nào khi Người nằm trong mồ?
Ðức Kitô đã
chết thật sự và đã được mai táng thật sự. Nhưng quyền năng Thiên Chúa đã gìn
giữ thân thể Người khỏi bị hư nát. “ĐỨC GIÊSU
KITÔ XUỐNG NGỤC TỔ TÔNG, NGÀY THỨ BA BỞI TRONG KẺ CHẾT MÀ SỐNG LẠI”.
(Bản
Toát yếu sách GLHTCG, số 121-124)
Giáo lý
- Bài 39: Mầu nhiệm Phục sinh
1. "Ngục
tổ tông" mà Chúa Giêsu đi xuống là gì?
"Ngục tổ tông" - khác với
hỏa ngục của án phạt - là tình trạng của những người chết trước thời của Chúa
Giêsu, dù họ công chính hay xấu xa. Với linh hồn được kết hợp cùng Ngôi vị thần
linh, Chúa Giêsu xuống với những người công chính trong ngục tổ tông, là những
người đang mong chờ Ðấng Cứu Chuộc họ, để cuối cùng họ có thể đạt được sự hưởng
kiến Thiên Chúa. Sau khi nhờ cái chết của Người, Chúa Giêsu đã chiến thắng cả
sự chết lẫn ma quỉ là "lãnh chúa gây ra sự chết" (Dt 2,14), Người
giải thoát những người công chính đang mong chờ Ðấng Cứu Chuộc, và Người mở cửa
trời cho họ.
2. Cuộc
Phục sinh của Chúa Giêsu có vị trí nào trong đức tin của chúng ta?
Cuộc
Phục sinh là chân lý cao cả nhất của đức tin chúng ta vào Ðức Kitô. Với thập
giá, cuộc Phục sinh là phần thiết yếu của mầu nhiệm Vượt qua.
3.
Những "dấu chỉ" nào làm chứng cho cuộc
Phục sinh của Chúa Giêsu?
Ngoài dấu chỉ chính yếu là mồ trống,
cuộc Phục sinh của Chúa Giêsu được làm chứng bởi những phụ nữ là những người
đầu tiên đã gặp gỡ Người và đã báo tin cho các Tông đồ. Tiếp đó, Chúa Giêsu đã
"hiện ra với ông Kêpha, (tức là thánh Phêrô), rồi với Nhóm Mười Hai. Sau
đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em một lượt” (1 Cr 15,5-6) và với
nhiều người khác nữa. Các Tông đồ đã không thể bày đặt ra chuyện Phục sinh, vì đối
với họ Phục sinh là chuyện không thể có được. Quả thật, Chúa Giêsu cũng đã
trách cứ sự cứng lòng tin của họ.
(Bản Toát yếu sách GLHTCG, số 125-127)
Giáo lý
- Bài 40: Mầu nhiệm Phục sinh (tiếp theo)
1. Tại sao Phục sinh cũng là một biến cố siêu việt?
Tuy là một sự
kiện mang tính lịch sử, có thể xác định và chứng thực qua các dấu chỉ và lời
chứng, nhưng vì là việc nhân tính của Ðức Kitô bước vào vinh quang của Thiên
Chúa, nên Phục sinh cũng siêu việt và vượt quá lịch sử, thực sự là Mầu nhiệm
đức tin. Chính vì thế, Ðức Kitô Phục sinh không tỏ mình ra cho thế gian, nhưng
cho các môn đệ Người, làm cho họ trở thành những chứng nhân của Người trước mặt
dân chúng.
2. Thân xác phục sinh của Chúa Giêsu ở trong tình trạng
nào?
Sự Phục sinh của Ðức Kitô không phải
là một cuộc trở lại đời sống trần thế. Thân xác phục sinh của Người, cũng chính
là thân xác đã chịu đóng đinh, và vẫn mang vết tích của cuộc khổ nạn, nhưng từ
lúc Phục sinh, thân xác này được tham dự vào đời sống thần linh với những đặc tính
của một thân xác vinh hiển. Vì thế, Ðức Giêsu Kitô Phục sinh tuyệt đối tự do
khi hiện ra với các môn đệ, như Người muốn và ở nơi Người muốn, dưới nhiều hình
dạng khác nhau.
3. Sự Phục
sinh là công trình của Ba Ngôi Cực Thánh theo cách nào?
Sự Phục sinh của Ðức Kitô là một hành
động siêu việt của Thiên Chúa. Cả Ba Ngôi cùng hoạt động chung theo tính cách
riêng biệt của mỗi Ngôi: Chúa Cha biểu lộ quyền năng của mình; Chúa Con
"lấy lại" sự sống mà Người đã tự ý dâng hiến (Ga 10, 17), bằng cách
kết hợp linh hồn và thân xác mình, mà Chúa Thánh Thần làm cho sống động và tôn
vinh.
4. Ðâu là ý
nghĩa và ảnh hưởng của cuộc Phục sinh đối với ơn cứu độ?
Phục sinh là chóp đỉnh của mầu nhiệm
Nhập Thể, xác nhận thần tính của Ðức Kitô cũng như tất cả những gì Người đã làm
và đã giảng dạy. Cuộc Phục sinh thực hiện tất cả các lời Thiên Chúa đã hứa vì
lợi ích của chúng ta. Hơn nữa, Ðấng Phục sinh, Ðấng chiến thắng tội lỗi và cái
chết, là nguyên lý cho việc công chính hóa và sự phục sinh của chúng ta. Ngay
từ bây giờ, Phục sinh mang lại cho chúng ta ơn được làm nghĩa tử Thiên Chúa, nghĩa
là được thực sự tham dự vào sự sống của Người Con Một, Ðấng sẽ làm cho thân xác
chúng ta được sống lại vào ngày tận thế. “CHÚA
GIÊSU LÊN TRỜI NGỰ BÊN HỮU ĐỨC CHÚA CHA PHÉP TẮC VÔ CÙNG”
(Bản
Toát yếu sách GLHTCG, số 128-131)
Giáo lý
- Bài 41 : Chúa Giêsu lên trời và sẽ ngự đến trong vinh quang
1. Việc
Ðức Kitô lên trời có ý nghĩa gì?
Trong vòng bốn mươi ngày, Ðức Kitô
hiện ra với các tông đồ dưới hình dạng con người bình thường, che giấu vinh
quang của Ðấng Phục sinh, sau đó Người lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa Cha.
Người là Chúa, từ nay với nhân tính của Người, Người ngự trị trong vinh quang vĩnh cửu của Con Thiên Chúa và không
ngừng chuyển cầu cho chúng ta nơi Thiên Chúa Cha. Người cử Thánh Thần của Người
đến với chúng ta và ban cho chúng ta niềm hy vọng một ngày kia sẽ được theo
Người, đến nơi Người đã dọn sẵn cho chúng ta.
“NGÀY
SAU BỞI TRỜI LẠI XUỐNG PHÁN XÉT KẺ SỐNG VÀ KẺ CHẾT”.
2.
Hiện tại, Chúa Giêsu thống trị như thế nào?
Là Ðức Chúa của vũ trụ và lịch sử, là
Đầu Hội Thánh của Người, Ðức Kitô vinh hiển vẫn hiện diện cách mầu nhiệm trên
trần gian, nơi Nước của Người đã hiện diện như hạt giống và đã khởi đầu trong
Hội Thánh. Một ngày kia, Người sẽ trở lại trong vinh quang, nhưng chúng ta
không biết được ngày nào giờ nào. Vì thế, chúng ta sống tỉnh thức trong cầu
nguyện: "Lạy Chúa, xin ngự đến" (Kh 22,20).
3. Việc
Chúa ngự đến trong vinh quang sẽ diễn ra như thế nào?
Sau cuộc đảo lộn cuối cùng của vũ trụ,
thế giới này qua đi, Ðức Kitô sẽ ngự đến vinh quang. Đó sẽ là chiến thắng tối
hậu của Thiên Chúa khi Đức Kitô quang lâm, và sẽ là cuộc phán xét cuối cùng.
Như thế, Nước Thiên Chúa sẽ được hoàn thành.
4.
Ðức Kitô
sẽ phán xét kẻ sống và kẻ chết như thế nào?
Ðức Kitô sẽ phán xét với quyền năng
mà Người đã đạt được với tư cách là Ðấng Cứu Thế đã đến để cứu độ loài người.
Những điều kín nhiệm trong tâm hồn cũng như thái độ của mỗi người đối với Thiên
Chúa và tha nhân sẽ được tỏ ra. Mỗi người sẽ được tràn đầy sự sống hay bị kết
án đời đời tùy theo các công việc họ đã làm. Như thế, "sự viên mãn của Ðức
Kitô" (Ep 4,13) sẽ được thực hiện, trong đó "Thiên Chúa có toàn quyền
trên muôn loài" (1 Cr 15,28).
(Bản Toát yếu sách GLHTCG, số 132-135)
Giáo lý
- Bài 42 : Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần
1. Hội
Thánh muốn nói gì khi tuyên xưng: "Tôi tin kính Ðức Chúa Thánh Thần"?
Tin vào Chúa Thánh Thần là tuyên xưng
rằng Ngài là Ngôi Thứ Ba của Ba Ngôi Cực Thánh; Ngài xuất phát từ Chúa Cha và
Chúa Con, và Ngài "được phụng thờ và tôn vinh cùng với Chúa Cha và Chúa
Con". Chúa Thánh Thần được "sai đến trong lòng chúng ta" (Gl
4,6) để chúng ta có thể nhận lãnh sự sống mới của những người con của Thiên
Chúa.
2. Tại
sao sứ vụ của Chúa Con và sứ vụ của Chúa Thánh Thần không thể tách rời nhau?
Trong Ba Ngôi không thể phân chia,
Chúa Con và Chúa Thánh Thần phân biệt với nhau, nhưng không tách rời nhau. Thực
vậy, từ khởi đầu cho đến cùng tận thời gian, khi Chúa Cha sai Con Ngài, thì
cũng sai Thánh Thần của mình, Ðấng kết hợp chúng ta với Ðức Kitô trong đức tin,
để với tư cách là dưỡng tử, chúng ta có thể gọi Thiên Chúa là "Cha"
(Rm 8,15). Chúa Thánh Thần vô hình, nhưng chúng ta biết được Ngài qua tác động
của Ngài, khi Ngài mạc khải Ngôi Lời cho chúng ta và khi Ngài hoạt động trong
Hội Thánh.
3. Những
danh hiệu của Chúa Thánh Thần là gì?
"Chúa Thánh Thần" là Danh
xưng của Ngôi Ba. Chúa Giêsu cũng gọi Chúa Thánh Thần là Ðấng An Ủi (Parakletos
- Đấng bảo trợ) và Thần Chân Lý. Tân Ước còn gọi Ngài là Thánh Thần của Ðức
Kitô, của Ðức Chúa, của Thiên Chúa, Thánh Thần của Vinh quang, Thánh Thần của
Lời hứa.
4. Những biểu tượng của Chúa Thánh Thần là gì?
Có
nhiều biểu tượng của Chúa Thánh Thần: nước hằng sống tuôn trào từ trái tim bị
đâm thâu của Ðức Kitô và giải cơn khát cho những người đã được Rửa tội; việc
xức dầu, là dấu chỉ của Bí tích Thêm sức; lửa biến đổi tất cả những gì lửa bén
tới; áng mây, mờ tối hay rạng ngời, trong đó vinh quang Thiên Chúa tỏ hiện;
việc đặt tay thông ban Chúa Thánh Thần; chim bồ câu đã ngự xuống và ở lại trên
Ðức Kitô lúc Người chịu phép rửa.
(Bản Toát yếu sách GLHTCG, số 136-139)
Giáo
lý - Bài 43: Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần (tiếp theo)
1. "Chúa
Thánh Thần đã dùng các tiên tri mà phán dạy" nghĩa là gì?
Từ
tiên tri ở đây được dùng để chỉ những người được Chúa Thánh Thần linh
hứng để họ nói nhân danh Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần đã làm cho các lời tiên
tri trong Cựu Ước được ứng nghiệm hoàn toàn nơi Ðức Kitô; cũng chính Chúa Thánh
Thần mạc khải mầu nhiệm Ðức Kitô trong Tân Ước.
2. Hoạt động của Chúa Thánh Thần nơi thánh Gioan
Tẩy Giả như thế nào?
Chúa Thánh Thần đổ tràn trên thánh
Gioan Tẩy Giả, vị tiên tri cuối cùng của Cựu Ước. Dưới tác động của Thánh Thần,
ông được sai đi để "chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa" (Lc 1,17) và
để loan báo việc Ðức Kitô, Con Thiên Chúa, ngự đến: đó là Ðấng mà ông đã thấy
Thánh Thần ngự xuống và ở lại trên Người, Ðấng " làm phép rửa trong Thánh
Thần" (Ga 1,33).
3. Ðâu
là hành động của Chúa Thánh Thần nơi Ðức Maria?
Nơi Đức Maria, Chúa Thánh Thần hoàn
thành tất cả sự trông chờ và chuẩn bị trong Cựu Ước để đón Chúa Kitô đến. Một
cách độc nhất vô nhị, Chúa Thánh Thần đã đổ tràn ân sủng trên Ðức Maria và làm
cho đức trinh khiết của Mẹ có khả năng sinh nở, để Mẹ sinh hạ Con Thiên Chúa nhập
thể. Chúa Thánh Thần đã làm cho Ðức Maria trở thành Mẹ của "Ðức Kitô toàn
thể," nghĩa là của Ðức Kitô là Ðầu và của Hội Thánh là thân thể Người. Ðức
Maria hiện diện giữa Nhóm Mười Hai ngày lễ Ngũ Tuần, khi Thánh Thần khai mở
"thời đại cuối cùng" với việc xuất hiện của Hội Thánh.
4. Trong
sứ vụ trần thế, Ðức Giêsu Kitô có liên hệ gì với Chúa Thánh Thần?
Từ khi nhập thể, nhờ việc xức dầu bằng
Chúa Thánh Thần, Con Thiên Chúa đã được thánh hiến làm Đấng Mêsia trong nhân tính
của Người. Ðức Kitô mạc khải Chúa Thánh Thần trong giáo huấn của Người, hoàn
thành lời hứa đã được ban cho các tổ phụ. Người trao ban Thánh Thần cho Hội
Thánh vừa mới sinh khi thổi hơi trên các Tông đồ sau khi Người Phục sinh.
(Bản Toát yếu sách GLHTCG, số 140-143)
Giáo lý
- Bài 44: Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần (tiếp
theo)
1.
Ðiều gì đã xảy ra trong ngày lễ Ngũ tuần?
Năm mươi ngày sau cuộc Phục sinh, vào
lễ Ngũ tuần, Ðức Giêsu Kitô vinh hiển đã đổ tràn Thánh Thần và mạc khải Ngài là
một Ngôi Vị Thiên Chúa; như vậy Ba Ngôi cực thánh được mạc khải trọn vẹn. Sứ vụ
của Ðức Kitô và của Chúa Thánh Thần trở thành sứ vụ của Hội Thánh, được sai đi
công bố và loan truyền mầu nhiệm hiệp thông của Chúa Ba Ngôi.
2. Chúa
Thánh Thần làm gì trong Hội Thánh?
Chúa Thánh Thần xây dựng Hội Thánh,
ban sinh khí - và thánh hóa Hội Thánh: Là Thánh Thần Tình Yêu, Ngài làm cho
những người đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội nhận lại được ơn giống Thiên Chúa đã
bị đánh mất vì tội lỗi; Ngài cho họ sống trong Ðức Kitô bằng chính Sự Sống của
Ba Ngôi cực thánh. Ngài sai họ đi làm chứng cho Chân lý của Ðức Kitô và cắt đặt
họ vào trong các phận vụ đối với nhau, để mọi người sinh "hoa trái của
Thánh Thần" (Gl 5,22).
3.
Ðức Kitô và Thánh Thần của Người hoạt động như
thế nào trong tâm hồn các tín hữu?
Nhờ các Bí tích, Ðức Kitô thông
truyền Thánh Thần của Người và ân sủng của Thiên Chúa cho các chi thể trong
Thân thể Người. Ân sủng này sinh hoa trái của đời sống mới theo Thánh Thần.
Cuối cùng, Thánh Thần là Thầy dạy cầu nguyện.
(Bản Toát yếu sách GLHTCG, số 144-146)
Giáo lý
- Bài 45: Hội Thánh trong kế hoạch của Thiên Chúa
1. Hai
tiếng Hội Thánh có nghĩa là gì?
Hội Thánh là dân được Thiên Chúa kêu
gọi và qui tụ từ khắp nơi trên thế giới, làm thành cộng đoàn gồm những người,
nhờ đức tin và Bí tích Rửa tội, trở nên con cái Thiên Chúa, chi thể của Ðức
Kitô và đền thờ của Chúa Thánh Thần.
2. Trong
Thánh Kinh, có những danh hiệu và hình ảnh nào khác để chỉ Hội Thánh không?
Trong Thánh Kinh chúng ta tìm thấy
nhiều hình ảnh làm nổi bật những phương diện khác nhau của mầu nhiệm Hội Thánh.
Cựu Ước hay dùng những hình ảnh liên hệ với dân
Thiên Chúa. Tân Ước hay dùng những hình ảnh liên hệ với Ðức Kitô là Đầu của
dân là Thân thể Người. Có những hình ảnh khác lấy từ đời sống chăn nuôi (chuồng
chiên, đàn chiên, con chiên), từ đời sống nông thôn (cánh đồng, cây ôliu, vườn
nho), từ nhà cửa (nhà ở, viên đá, đền thờ) và từ cuộc sống gia đình (người vợ,
người mẹ, gia đình).
3. Ðâu
là khởi đầu và hoàn thành của Hội Thánh?
Cả khởi đầu và sự hoàn thành của Hội
Thánh đều nằm trong kế hoạch vĩnh cửu của Thiên Chúa. Hội Thánh đã được chuẩn
bị trong Giao ước cũ qua việc tuyển chọn Israel , là dấu chỉ cuộc tập họp
trong tương lai gồm tất cả các dân tộc. Hội Thánh được đặt nền tảng trên các lời
nói và việc làm của Ðức Giêsu Kitô, và đặc biệt được thực hiện nhờ cái chết cứu
chuộc và cuộc phục sinh của Người. Rồi Hội Thánh được tỏ hiện như mầu nhiệm cứu
độ qua việc Thánh Thần được tuôn đổ trong ngày lễ Hiện Xuống. Hội Thánh sẽ hoàn
thành vào ngày tận thế như cuộc tập họp trên thiên quốc của tất cả những người
được cứu chuộc.
(Bản
Toát yếu sách GLHTCG, số 147-149)
Giáo lý
- Bài 46: Hội Thánh trong kế hoạch của Thiên Chúa (tiếp theo)
1. Sứ
mạng của Hội Thánh là gì?
Sứ mạng của Hội Thánh là rao truyền
Nước Thiên Chúa mà Ðức Giêsu Kitô đã khởi đầu và thiết lập Nước ấy giữa mọi dân
tộc. Trên trái đất, Hội Thánh là mầm giống và khởi điểm của nước cứu độ này.
2. Hội
Thánh là mầu nhiệm theo nghĩa nào?
Hội Thánh là mầu nhiệm bởi vì, trong
thực tại hữu hình của mình, có một thực tại thiêng liêng thần linh đang hiện diện
và hoạt động, mà chỉ con mắt đức tin mới có thể nhận ra.
3. "Hội Thánh là bí tích phổ quát của ơn cứu
độ" có nghĩa là gì?
Câu này muốn nói Hội Thánh là dấu chỉ
và khí cụ cho việc giao hòa và hiệp thông toàn thể nhân loại với Thiên Chúa
cũng như cho sự hợp nhất tất cả loài người.
(Bản Toát yếu sách GLHTCG, số 150-152)
Giáo
lý - Bài 47 : Hội Thánh là Dân Thiên Chúa
1. Tại
sao Hội Thánh là Dân Thiên Chúa?
Hội Thánh là Dân Thiên Chúa, bởi vì
Ngài muốn thánh hóa và cứu độ mọi người không phải cách riêng rẽ, nhưng thiết
lập họ thành một Dân duy nhất, được qui tụ trong sự hợp nhất của Chúa Cha, Chúa
Con và Chúa Thánh Thần.
2. Ðâu
là những đặc tính của Dân Thiên Chúa?
Dân Thiên Chúa mà chúng ta là thành
phần nhờ đức tin vào Ðức Kitô và nhờ Bí tích Rửa tội, có cội nguồn là Thiên
Chúa Cha, có Thủ lãnh là Ðức Giêsu Kitô, có địa vị là phẩm giá và sự tự do của
con cái Thiên Chúa, có Lề luật là điều răn mới của tình yêu, có sứ vụ là trở
thành muối và ánh sáng cho thế giới, có cùng đích là Nước Thiên Chúa, đã được
khởi đầu trên trần thế.
3. Dân Thiên Chúa dự phần như thế nào vào ba chức
năng của Ðức Kitô là Tư tế, là Tiên tri và là Vương đế?
Dân Thiên Chúa được dự phần vào chức
năng Tư tế của Ðức Kitô, vì các người đã chịu phép Rửa tội được Chúa Thánh Thần
thánh hiến để dâng các hy lễ thiêng liêng. Họ được dự phần vào chức năng Tiên
tri, vì nhờ cảm thức siêu nhiên của đức tin, họ gắn bó vĩnh viễn với đức tin,
đào sâu để hiểu biết đức tin và trở thành chứng nhân cho đức tin. Họ được dự phần
vào chức năng vương đế qua việc phục vụ, noi gương Ðức Kitô Giêsu, là Vua vũ
trụ đã trở nên tôi tớ mọi người, nhất là những người nghèo khó và đau khổ.
(Bản Toát yếu
sách GLHTCG, số 153-155)
Giáo lý
- Bài 48: Hội Thánh là Thân Thể của Đức Kitô
1. Hội
Thánh là Thân thể của Ðức Kitô theo cách nào?
Ðức Kitô, Đấng đã chết và đã phục
sinh, kết hợp các tín hữu với chính Người cách mật thiết, nhờ Chúa Thánh Thần.
Như thế những ai tin vào Ðức Kitô, vì được kết hợp chặt chẽ với Người, nhất là
trong Bí tích Thánh Thể, thì cũng kết hợp với nhau nhờ đức ái, tạo thành một
thân thể duy nhất là Hội Thánh, sự hợp nhất của Hội thánh thực hiện trong sự đa
dạng của các chi thể và các phận vụ.
2. Ai là đầu của thân thể này?
Ðức Kitô là "Ðầu của thân thể,
nghĩa là đầu của Hội Thánh" (Cl 1,18). Hội Thánh sống nhờ Người, trong
Người và cho Người. Ðức Kitô và Hội Thánh tạo thành "Ðức Kitô toàn
thể" (thánh Augustinô). "Có thể nói: Ðầu và các chi thể làm thành
cùng một con người mầu nhiệm" (Thánh Tôma Aquinô).
3. Tại sao Hội Thánh được gọi là Hôn thê của Ðức
Kitô?
Hội Thánh được gọi là Hôn thê của Ðức
Kitô bởi vì chính Chúa đã tự xưng là "Hôn phu" (Mc 2,19), Ðấng đã yêu
thương Hội Thánh, đã kết ước với Hội Thánh bằng một Giao ước vĩnh cửu. Người đã
phó nộp mình vì Hội Thánh, để thanh tẩy Hội Thánh bằng Máu của Người, và “thánh
hoá Hội thánh” (Ep 5,26), làm cho Hội Thánh trở thành mẹ sinh ra tất cả các con
cái của Thiên Chúa. Nếu hai chữ "Thân thể" cho thấy sự hợp nhất giữa
"Ðầu" và các chi thể, thì hai chữ "Hôn thê" làm nổi bật sự
phân biệt giữa đôi bên trong quan hệ đối với nhau.
(Bản Toát yếu sách GLHTCG, số 156-158)
Giáo lý
- Bài 49: Hội Thánh là Đền thờ của Chúa Thánh Thần
1. Tại
sao Hội Thánh được gọi là Ðền thờ Chúa Thánh Thần?
Hội thánh được gọi thế bởi vì Chúa Thánh Thần ngự trong thân thể
là Hội Thánh, trong "Ðầu" và trong "các chi thể" của Hội
Thánh; Ngài cũng xây dựng Hội Thánh trong đức mến, nhờ Lời Chúa, các Bí tích,
các nhân đức và các đặc sủng.
"Linh hồn tương quan với các
chi thể thế nào, thì Chúa Thánh Thần cũng như thế đối với các chi thể của Ðức
Kitô, đối với thân thể Đức Kitô là Hội Thánh." (Thánh Augustinô).
2. Ðặc
sủng là gì?
Ðặc sủng là những ân huệ đặc biệt của
Chúa Thánh Thần được ban tặng cho một số người vì lợi ích của con người, vì
những nhu cầu của thế giới và đặc biệt là để xây dựng Hội Thánh. Chỉ có Huấn
quyền của Hội Thánh mới có thẩm quyền nhận định các đặc sủng.
(Bản Toát yếu sách GLHTCG, số 159-160)
Giáo lý
- Bài 50 : Tôi tin các thánh thông công
1. "Các
thánh thông công" có ý nghĩa gì?
Câu nói "các thánh thông công"
trước hết nói lên rằng tất cả các thành phần Hội Thánh đều cùng chia sẻ những
thực tại thánh (sancta): đức tin, các
Bí tích, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể, các đặc sủng và những ân huệ thiêng
liêng khác. Cội nguồn của sự hiệp thông là đức ái "không tìm tư lợi"
(1 Cr 13,5), nhưng thúc đẩy các tín hữu đặt "mọi sự là của chung" (Cv
4,32), kể cả của cải vật chất của họ, nhằm phục vụ những người nghèo khổ hơn.
2. Câu nói "các thánh thông công" còn
mang ý nghĩa nào khác nữa?
Câu này còn nói lên sự hiệp thông
giữa những người thánh (sancti),
nghĩa là những ai, nhờ ân sủng, được kết hợp với Ðức Kitô chịu chết và sống
lại. Một số còn lữ hành trên trần gian; một số khác, đã rời bỏ đời này, hiện
đang được thanh luyện, và cũng được trợ giúp bằng lời cầu nguyện của chúng ta;
sau cùng, một số khác nữa, đang được hưởng vinh quang Thiên Chúa và đang chuyển
cầu cho chúng ta. Tất cả cùng nhau làm thành một gia đình duy nhất trong Ðức
Kitô, là Hội Thánh, để ca ngợi và tôn vinh Chúa Ba Ngôi.
(Bản Toát yếu sách GLHTCG, số 194-195)