• Trang chủ

BÀI 1. TẦM QUAN TRỌNG CỦA GIÁO DỤC NHÂN BẢN



 I.           GIÁO DỤC NHÂN BẢN LÀ GÌ?
Giáo dục nhân bản nói cách khác là học làm người. Đó là những gì chúng ta phải học để trở nên con người trưởng thành về tinh thần cũng như thể chất, nhờ đó chúng ta có thể dễ dàng thành đạt trong đời sống xã hội thường nhật, cũng như cuộc sống tâm linh, qua việc tập luyện các đức tính căn bản tốt đẹp mà mỗi người đều phải có.
II.        CÁC ĐỨC TÍNH NHÂN BẢN ĐÓ LÀ GÌ?
Tất cả những gì giúp con người dung hòa giữa tinh thần và thể chất, giữa lý trí và bản năng hạ đẳng, giữa lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội...đều có thể được coi là đức tính nhân bản; tuy nhiên, chúng ta có thể tóm lại trong tám đức tính lớn phù hợp với tâm trạng và xã hội người Việt nam là:
CẦN – KIỆM – LIÊM – CHÍNH
TRÍ – TÍN – DŨNG – NHÂN.
III.     TẦM QUAN TRỌNG CỦA GIÁO DỤC NHÂN BẢN:
Nhà văn Aldous Huxley có viết:”Làm một người đầy đủ, điều hòa là một việc khó khăn, nhưng đó là công việc duy nhất của chúng ta. Người ta chỉ xin chúng ta một điều duy nhất là nên một người: Một người, anh nghe rõ”.
Làm người, đó là mục tiêu trên hết và cuối cùng của cuộc sống tại thế của ta. Dù không có một đồng trong tay nhưng nếu ta là một con người trưởng thành, thì ta đang là người giầu có nhất, hạnh phúc nhất còn nếu ta thể trở nên một con người theo đúng ý nghĩa cao đẹp nhất của từ ngữ đó, thì ta đã đánh mất tất cả.
Một thi sĩ nổi tiếng nọ có một tập thơ nhan đề “ Ta đã làm chi đời ta?”, như muốn nói lên cái ý thức sâu sắc của ông về trách nhiệm của một con người đối với cuộc sống của chính mình. Có lẽ sẽ không có lời than thở nào đáng sợ cho bằng lời đau đớn của người đến phúc cuối cùng của đời mình mới bàng hoàng nhận ra mình đã đánh mất chính mình, đánh mất cuộc đời mình: “Ta đã làm chi đời ta?”. Và ngược lại, chắc là không có niềm vui nào lớn lao hơn niềm vui của người đã dám từ bỏ tất cả lạc thú, vinh sang miễn là mình có thể sống xứng đáng một con người, một người con chúa: Vì “Được cả và thế gian mà mất nước Thiên đàng nào có ích chi gì?” (Mt 11,26).
IV.      PHƯƠNG PHÁP HỌC LÀM NGƯỜI:
Có hai phương pháp thực tế giúp chúng ta học làm người
1.  Phương pháp của BENJAMIN FRANKLIN:

Ông Benjamin Fraklin thiết lập một bảng danh sách gồm 13 đức tính và ông bảo rằng ông không có tham vọng thực hiện tất cả 13 đức tính ấy cùng một lúc, trái lại, ông phải chú trọng từng đức tính một. Khi nào nắm vững được một đức tính rồi, ông mới bắt đầu rèn luyện một đức tính khác, và cứ như vậy lần lượt cho đến khi đạt được tất cả 13 đức tính. Quyết định thực tập như vậy rồi, ông còn nỗ lực tự kiểm hằng ngày. Phương pháp tự luyện của ông gồm có 3 nét đặc thù là: cá thể, tiệm tiến và kiểm tra hằng ngày.

2.  Phương pháp của linh mục Gaston Courtois:
Linh mục Gaston Courtois là một nhà giáo dục thời danh của giới Công giáo Pháp, lại chủ trương một phương pháp như sau:
-  Xét về phương diện cá thể: Chú trọng việc suy niệm về một đức tính, hầu làm cho nó nhập nhiễm vào trí óc; rồi mới tự vấn lương tâm xem mình đã, đang và sẽ thực tập đức tính đó như thế nào. Đồng thời, cổ võ lòng hăng say bằng việc đọc một ít gương các thánh nhân hay danh nhân để biết các vị ấy đã thực hành các đức tính đó như thế nào. Và cuối cùng đem ra thực hành.
- Xét về phương diện tập thể: Thảo luận từng nhóm nhỏ sẽ làm triển nở những quan niệm mới mẻ, sâu sắc và thực tế về cách thực hành một đức tính.

(Toát lược GDNB của Lm. FX. Nguyễn Hữu Tấn)