• Trang chủ

GIẢI QUYẾT XUNG ĐỘT TRONG ĐOÀN

Xung đột là tình trạng thái gãy đổ trong tương quan, là tình trạng đối kháng giữa con người với nhau.
“Bá nhân bá tánh” Con người đã xung đột từ khi có mặt trên thế gian (Adam Eva, Cain Abel,..). Lịch sử đã cho thấy xung đột đã không ngừng diễn ra giữa con người với con người và sẽ còn mãi mãi, không chỉ vì quyền lợi. Xung đột được diễn ra dưới nhiều tên gọi khác nhau: địa vị, quyền lực, lý tưởng, vinh dự, tiền của, đất đai, tài nguyên, tình yêu… Xung đột hiển hiện khắp nơi, chỗ nào có con người là có xung đột, bao lâu còn xung đột! thì còn phải giải quyết xung đột.
Xung đột có thể diễn ra giữa cá nhân với cá nhân, cá nhân với gia đình, gia đình với gia đình, gia đình với tổ chức, tổ chức với tổ chức, quốc gia với quốc gia, và từng nhóm nhỏ ngay trong nội bộ các cộng đồng dưới nhiều hình thức:
- “Chiến tranh lạnh”: không ồn ào nhưng không kém phần nguy hiểm, khó chịu, nó làm cho bầu khí gia đình, đoàn thể, tổ chức trở nên ảm đạm, bất hợp tác, tiêu cực, đề phòng nhau, bắt lỗi nhau và bùng nổ bất cứ lúc nào khi một bên mất kềm chế.
- “Bút chiến”: dùng thư từ, báo chí, sách vở, làm phương tiện tranh cãi, tấn công, bôi nhọ nhau: Lời nói trực tiếp còn không thểû diễn tả hết ý tưởng, chữ viết càng nghèo nàn. Thế mà trong bút chiến người ta dùng phương tiện này để trình bày. Vì thế càng bút chiến, mâu thuẫn càng gia tăng, xung đột càng trầm trọng hơn.
- “Chiến tranh nóng”: trực tiếp tranh cãi, chống đối, tẩy chay, dùng vũ lực, trách móc, bới lá tìm sâu, phá đám…khiến cho bầu khí gia đình, đoàn thể, tổ chức rối loạn, mọi người nhìn nhau với “đôi mắt mang hình viên đạn” còn tâm trí và thời gian đâu để xây dựng!
Với bất cứ lý do nào, dưới bất kỳ hình thức nào, xung đột là điều xấu cần loại trừ. Ở đây, chúng ta chỉ bàn tới những xung đột thường xẩy ra trong Đoàn, nhận diện nguyên nhân, đối tượng, hình thức, hậu quả và cách giải quyết những xung đột đó. Xung đột thường xảy ra giữa:
- Các thành viên trong Ban Quản Trị.
- Ban Quản Trị với các huynh trưởng.
- Các cá nhân huynh trưởng với nhau.
- Huynh trưởng với các đội trưởng
- Huynh trưởng với Ban Phụ Huynh
- Huynh trưởng với Ban Trợ Tá
- Cha Tuyên uý với ban quản trị, với các huynh trưởng
- Trợ uý với huynh trưởng
Để giải quyết xung đột trong Đoàn, Trưởng cần đặt ra cho mình những câu hỏi và tự trả lời những câu hỏi này trước khi đưa ra giải pháp:
• Những ai đang tham dự vào cuộc xung đột: Họ là những ai?  Cấp trên với cấp dưới, giữa các trưởng với nhau, giữa các trưởng với Ban quản trị hay với chính Đoàn Trưởng. Ai là nhân vật chính của mỗi bên.
• Tại sao họ xung đột:  Khi phát hiện có xung đột hoặc “dấu chỉ” xung đột, Đoàn Trưởng phải tìm hiểu để biết nguyên nhân chính của xung đột. Từ đó xác định bản chất của cuộc xung đột: xung đột vì quyền lợi, vì chức vụ, vì tình cảm, vì danh dự,…
• Xung đột bắt nguồn từ đâu. Giải quyết xung đột phải giải quyết ngay từ nguyên nhân ban đầu. Xung đột thường bắt đầu từ những chuyện nhỏ, nhưng do để lâu hoặc do cách giải quyết không đúng, mà sinh ra trầm trọng. “chuyện bé xé ra to”
• Tầm mức của cuộc xung đột:  Sau khi biết nguyên nhân và đối tượng của xung đột, phải lượng giá được mức độ trầm trọng của vấn đề mới có thể đưa ra phương án giải quyết. Đừng phóng đại chuyện nhỏ, cũng đừng đơn giản hoá chuyện lớn.
. Ai có trách nhiệm giải quyết: Tuỳ vào bản chất, tầm mức và hậu quả của cuộc xung đột, đoàn trưởng cần biết vấn đề thuộc thẩm quyền và khả năng giải quyết của ai: không nhất thiết việc gì cũng cậy đến cha Tuyên uý hoặc đoàn trưởng mà có thể nhờ một trưởng nào đó nhưng phải tham khảo ý kiến cha Tuyên uý hoặc đoàn trưởng đồng thời có giảipháp phù hợp.
. Giải quyết cách nào: Giải quyết xung đột là lập lại quan hệ bình thường vốn đã có giữa người với người, giữa tập thể với tập thể; Giải quyết xung đột là nối lại tình đoàn kết, sự cộng tác chân thành, bầu khí vui vẻ yêu thương đã tạm bị đình trệ do xung đột gây ra.
 Tuỳ theo bản chất xung đột, người giải quyết có chức năng, có khả năng và có phương cách thích hợp có thể giải quyết rốt ráo mọi sự. Theo kinh nghiệm của những người từng “trận mạc” và dày kinh nghiệm, xung đột trong đoàn thường xoay quanh một số trường hợp tương đối phổ biến, và cách giải quyết như sau:
- Đối với những người có cá tính đặc biệt không vừa lòng với bất kỳ ai, việc gì không phải là tác phẩm hay “công lao” của họ; là họ chống đối cho thoả lòng mà chẳng cần biết hậu quả sẽ ra sao. Hãy tìm hiểu xem:
. Không vừa lòng với ai, yêu cầu nêu lý do và đưa ra đề nghị cụ thể. Nếu lý do và đề nghị đúng, Đoàn trưởng phải nhìn nhận, chỉnh sửa. Ngược lại, hãy giải thích cho họ thấy chỗ sai của họ và dẫn họ đến sự phục thiện.
. Không đồng ý về điều gì? Yêu cầu nêu lý do và đưa ra đề nghị cụ thể. Nếu đó là nhận xét đúng và là đề nghị hay, đoàn trưởng phải tiếp thu và đề nghị họ cộng tác. Ngược lại, hãy giải thích cho họ thấy chỗ sai và đề nghị họ hãy phục thiện.
- Người thực sự có khả năng nhưng không được trọng dụng vì nguyên nhân nào đó. Do đó bất mãn, bất hợp tác và chống đối. Đây là loại người tích cực bị lãng quên. Đoàn trường cần tỉnh táo để phân công, phân nhiệm đúng khả năng của họ. Hoặc nếu thấy họ còn mặt hạn chế nào, hãy giúp họ kiện toàn để có thể đảm nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
- Người không có khả năng, nhưng ảo tưởng về chính mình và không bằng lòng với vị trí hiện tại của mình, muốn mọi sự theo ý mình; muốn làm những việc mà cấp trên nhận thấy họ không có khả năng. Do đó nghĩ mình bị trù dập, bị bỏ quên, sinh ra bất mãn, tranh chấp dưới nhiều hình thức. Hỏi họ xem trong những công tác hiện nay, anh hay chị thích công việc nào. nghiên cứu, nếu có thể hãy giao việc ấy cho họ, hãy cử người hoặc chính đoàn trưởng giúp đỡ họ hoàn thành nhiệm vụ, chứ không phải gài bẫy để họ không làm được. Sau khi kết thúc công việc, họ sẽ nhận ra khả năng thực sự của họ và sẽ trở nên quân bình hơn.
- Người ở cấp trên sợ mất quyền, sợ người khác chiếm vị trí lãnh đạo hiện tại của mình; không dám cất nhắc hoặc tiến cử nhân tài vào công việc xứng đáng với họ. Do đó trở thành độc đoán và đương nhiên bị chống đối: xung đột. Nếu dưới quyền của họ, bạn đừng chống đối hay đòi hỏi họ tiến cử nhưng hãy làm thật tốt bất cứ việc nào họ trao phó. Nếu họ không nhận ra khả năng của bạn, họ là người chỉ huy tồi, và cấp chỉ huy cao nữa sẽ nhận ra và dùng bạn đúng chỗ. Nếu chính bạn là loại người này, bạn cần xét lại bản thân, phải khách quan nhìn vào mình và người khác, sẵn sàng cất nhắc, tiến cử người đạo đức tài ba vào việc tương xứng tài đức của họ, thậm chí rút lui và nhường chỗ cho người tài đức hơn.
- Người hay phân bì, đố kị về vị trí, công lao với kẻ khác, hay khiếu nại, kiện cáo. Hãy đề nghị họ liệt kê những việc trong nhiệm vụ của họ và nêu rõ những gì họ đã hoàn thành, những gì chưa; Với thành tích đó anh hay chị muốn được đáp trả như thế nào. Còn việc của người khác anh hay chị không nên so sánh.
- Người thẳng thắn nhưng nóng nảy, nói năng thiếu chọn lựa, nhất thời thì gây mất lòng, lâu dài biến thành xung đột. Chính bạn phải là người điềm tĩnh và nhẫn nại trước, để giảm bớt “nhiệt độ” nơi họ, rồi hãy nói “chuyện phải trái”.
- Xung đột xẩy ra giữa hai nhóm về chủ trương, đường lối tuy không ồn ào nhưng sâu sắc và dễ gây đổ vỡ. Đây là vấn đề lớn. Đừng vội đưa vấn đề ra buổi họp khi chưa có sự chuẩn bị kỹ: Trước hết hãy gặp từng bên, tìm ra điểm đúng, điểm sai của mỗi bên; tìm ra những điểm chung cũng như những điểm xung khắc giữa hai bên;
. Trình bày chính xác sự việc với cha Tuyên uý, cùng ngài phân tích, chọn lựa phương hướng giải quyết. Gặp người có liên quan chính của hai nhóm để trao đổi, hoà giải. Nếu cần, mới đưa vấn đề ra giải quyết tại buổi họp hội đồng huynh trưởng, có cha Tuyên uý chủ toạ, nhằm công nhận những điểm đúng của hai bên; hoá giải những khác biệt giữa hai bên theo hướng đã chọn lựa.
. Nếu “bất phân thắng bại”, trước mắt, ý kiến của cha Tuyên úy là quyết định, nhưng cần quyết định kèm sự thuyết phục hơn là quyết định một chiều bằng quyền.
Dù xung đột xẩy ra dưới hình thức nào, cũng phải: Giải quyết với tinh thần khách quan, công bằng. Giải quyết trên nền tảng của tình huynh đệ với lòng bao dung, tha thứ và yêu thương. Chỉ đưa vấn đề ra hội đồng huynh trưởng sau khi mọi người đã hiểu rõ cách khách quan và có thời gian để suy nghĩ. “không lấy thịt đè người”.
- Tôn trọng nhau trong mọi tình huống, nhất là khi tranh luận căng thẳng. Tuyệt đối không hạ nhục nhau.
- Dù giải quyết cách nào, cũng phải nhắm mục đích: Tái lập và củng cố sự đoàn kết, yêu thương trong đoàn. Không loại trừ nhau. Giúp mọi người nhận ra cái đúng cái sai của mình hầu chấp nhận sự thật.
- Giải quyết xung đột là vấn đề quan trọng, nhưng hậu quả của việc giải quyết cũng quan trọng không kém. Sau khi giải quyết, thường có bên đúng nhiều, bên đúng ít hoặc sai. Phải giữ sao cho “bên thắng” không kiêu, “bên thua” không mặc cảm để cùng tồn tại trong sự hài hoà, thông cảm, cùng nhau làm lại từ đầu. Biện pháp loại trừ không phải là giải pháp tối ưu.
Giải quyết xung đột dựa trên những biện pháp, tính toán của loài người vẫn chỉ có giá trị tạm bợ và hạn chế. Là huynh trưởng Thiếu nhi Thánh Thể vốn nhận Lời Chúa là nền tảng và là chất liệu đặc biệt để giáo dục thiếu nhi, ngoài những phương thế chân chính của loài người như tâm lý, nghệ thuật lãnh đạo và giao tế, còn phải dựa trên nền tảng là Lời Chúa để nhận ra rằng xung đột giữa chúng ta còn có nguyên nhân sâu xa và căn bản hơn: Chúng ta xung đột vì chúng ta đang làm việc cho Chúa mà không cần tới Chúa. Kinh nghiệm từ cuộc xung đột khởi nguyên và những đổ vỡ tiếp theo của nhân loại cho thấy khi người ta từ chối Chúa, từ chối sự can thiệp của Chúa trong đời mình hoặc trong cộng đoàn của mình thì người ta khó có thể ngồi chung và dễ dàng từ chối, loại trừ nhau.
Tóm lại, khi giải quyết xung đột, ngoài những biện pháp tự nhiên, trưởng cần phải: Nhìn thấy Chúa trong anh em, trong công việc và tìm ý Chúa trong sự kiện. Tranh luận, bàn cãi với sự hiện diện của Chúa
Nhận xét về nhau trong tình yêu thương, công bằng, bác ái. Nhận định, phán xét khách quan, kể cả khi chính mình là đối tượng của xung đột, để nhận ra cái sai của mình, cái đúng của anh em. Đừng quên bàn hỏi với người khôn ngoan, kinh nghiệm, nhất là khi chính Đoàn Trưởng là đối tượng xung đột.
Khích lệ người làm đúng. Không thành kiến, nhưng thông cảm, tha thứ, chân thành an ủi, nâng đỡ người sai lầm. Nếu chính Đoàn Trưởng ở trong cuộc xung đột, hãy tự nhìn lại mình trước khi nghĩ đến việc giải quyết.
Hãy nhớ: PHÒNG BỆNH HƠN CHỮA BỆNH.
Muốn đề phòng xung đột, đoàn trưởng cần: Xác tín rằng làm việc, là làm việc của Chúa và với Chúa. Lãnh đạo là phục vụ chứ không phải cai trị.
Nhớ rằng trưởng là người của mọi người trong đoàn, chứ không của riêng ai. Nghĩ đến ích lợi chung trước, rồi mới nghĩ đến quyền lợi chính đáng của mình.
Không ngừng học hỏi, sẵn sàng sửa sai. Luôn đối xử công bằng và trong sáng trong mọi việc. Làm gương trong sự hy sinh, hòa hợp, tha thứ. Là chất kết dính của sự đoàn kết anh chị em. Nhớ rằng “thượng bất chính, hạ tắc loạn” : Trên không nghiêm, dưới nổi loạn
Thành tâm+Khiêm tốn+Công bình+bao dung = Giải Pháp
Mánh lới+Kiêu căng+Thiên vị+bất khoan dung = Đổ Vỡ