• Trang chủ

BÀI 8. HỌC TẬP CHỮ DŨNG


I. ĐỨC TỰ CHỦ
1.  Ý nghĩa:
    Theo nghĩa chữ, tự chu là mình tự làm chủ lấy mình, không phải lệ thuộc ai, không bị ai điều khiển...nhưng thường thì chữ tự chủ được hiểu như là một đức tính giúp con người có đủ nghị lực để chi phối, khắc phục và điều khiển dục vọng của mình. Đó là người:
     -  Đối với dục vọng: người tự chủ chế ngự và trấn át được dục vọng và những bản năng thấp hèn của mình.
     -  Đối với miệng lưỡi: nguời tự chủ là người trầm tĩnh, nghe nhiều nói ít, không nói những lời vô ích, không quá lời.
     -  Đối với bộ thần kinh: người tự chủ có thể giữ được tỉnh táo khi đứng trước cảnh nguy nan, nhờ đó làm cho người dưới an tâm vững dạ. Không bao giờ để lộ ra vẻ mặt lo sợ, buồn bã, lính quýnh, luống cuống..., vì chỉ làm cho công việc ra tệ hại hơn.
    -  Đôi với quả tim: người tự chủ nhân từ, khoan dung, hiểu biết và không bao giờ để cho sở thích hoặc đố kỵ khiển mình. Không hành động theo cảm tình mình, mà chỉ theo lý trí sáng suốt.
2.  Ích lợi của đức tính tự chủ:
    a. Người tự chủ là người luôn luôn điều khiển được sinh hoạt của mình. Họ cũng có những tình cảm, dục vọng và mọi thị hiếu như những người khách, nhưng không nô lệ cho chúng; họ cũng hăng say hoạt động với mọi thứ thị hiếu và khuynh hướng riêng, nhưng bao giờ cũng hành động có ý thức và đầy đủ cương quyết.
    Vì hành động theo lý trí, nên họ là người có lý tưởng và làm việc theo chương trình hẳn hoi, và luôn giữ một nếp sống họ tự đề ra cho mình, bất kể sự thay đổi của hoàn cảnh chung quanh.
   b. Còn người không biết tự chủ, thì tâm trí họ như mảnh vườn hoang mặc cho dục vọng, tính mê tật xấu đua nhau tung hoành, rồi: giận qúa mất khôn, lo qúa rối trí, mừng qúa sinh ảo tưởng v.v... không thể kể hết thiệt hại.
3.  Tự chủ theo quan niệm thần học:
    Theo quan niệm thần học, tự chủ là tái lập sự quân bình tiên khởi nơi bản tinh loài người đã bị đánh mất bởi tội nguyên tổ.
   Thuở ban đầu, trước khi phạm nguyên tội, thì các hoạt động tâm linh hạ đẳng nơi bản tính con người như cảm tình, bản năng, khuynh hướng, giác quan v .v... đều tùng phục các tài năng thượng đảng là trí tuệ và ý trí của ta, và lý trí lệ thuộc Thiên Chúa.
           Ta có sơ đồ:
                    THIÊN CHÚA -  LÝ TRÍ  -  GIÁC QUAN
    Ýnghĩa: Nơi nguyên tổ trước khi phạm tội, các giác quan lệ thuộc lý trí, còn lý trí lại lệ thuộc Thiên Chúa. Vì thế, con người làm chủ hoàn toàn mọi hoạt động của mình và qui hướng mọi hoạt động đó theo ý Thiên Chúa, khi lý trí con người không muốn tùng phục Thiên Chúa, trật tự trên đã bị đảo lộn, lý trí không còn làm chủ được mọi hoạt động của con người nữa: suy tư, phán đoán, yêu thương, giận ghét, ăn uống, học hành, ngủ nghỉ v.vv...
    Do đó, tự chủ chính là tái lập lại thế quân bình của con người lúc ban đầu: rèn luyện cho giác quan tùng phục lý trí, và lý trí tùng phục thiên Chúa.
4.  Phương thế luyện tập đức tính tự chủ:
      -  Tập trầm tĩnh, suy nghĩ nhiều hơn và nói ít hơn.
      -  Năng đọc hạnh các thánh, gương danh nhân, các sách học làm người v.v...
     -  Tập cho mình có thói quen chịu đựng những sự khó chịu nhỏ nhặt mà không kêu ca, như trời kêu nóng, lạnh, cơm khê, nhứ đầu v.v..
     -  Nên thường xuyên cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích để có được sức mạnh nội tâm và ân sủng Chúa.
II. CƯƠNG NGHỊ
1.  Ý nghĩa:
    Cương nghị là khi đã quyết định thi hành một công tác nào, thì nhất tâm làm, không do dự, không trì nghi, hay nói cách khác là nỗ lực làm cho đến nơi đến chốn.
    Theo B. Franklin thì cương nghị là “việc gì thấy cần thì phải làm cho kỳ được”.
    Người thiếu cương nghị cũng quyết định. Nhưng đến lúc thực hiện thì rụt rè, phân vân, nửa muốn làm, nửa muốn thôi, cuối cùng là bỏ dở dang.
2.  Tai hại cho người thiếu cương nghị:
    “Thành ư quả quyết, bại ư do dự”: người không cương nghị nay muốn làm việc này, mai lại muốn làm việc khác. Họ luôn luôn thay đổi: thay đổi công việc, thay đổi chương trình, thay đổi giờ giấc. ... do đó, lúc nào họ cũng ở vị trí bắt đầu mà không có gì hoàn tất được.
3.  Luyện tập đức cương nghị:
     -  Rèn luyện ý chí: khi đã suy xét kỹ càng và quyết định làm một điều gì, thì ta phải nhất định làm cho đến nơi đến chốn, trừ khi bị ngăn trở vì những lý do bất khả kháng.
     -  Tập quả quyết từ việc nhỏ,đừng bao giờ khinh thường rằng việc nhỏ không quan trọng.
III. ĐỨC NHẪN NẠI
1. Ý nghĩa:
     Nhẫn là nhịn, chịu đựng, dằn lòng xuống; Nại là chịu, quen chịu.
     Nhẫn nại là tính nhịn chịu những nổi vất vả, khó khăn gian khổ mà không sờn lòng, không chán nản, miễn sao đạt được mục đích mới thôi.
2.  Lợi ích của tính nhẫn nại:
     Người nhẫn nại là người duy trì ý chí vững vàng, không để một trở lực nào có thể thay đổi quyết định của mình. Đức nhẫn nại đã tạo ra những bậc anh hùng, kỳ tài trong nhân loại.
     Ngược lại, người không kiên nhẫn là hạng người khởi đầu rất hăng hái, nhưng khi gặp trở ngại, khó khăn, hay gặp công việc vui thích hơn thì bỏ cuộc ngay lập tức. Họ giống như chiếc thuyền trôi dạt trên dòng sông mà không đi đến đâu cả.
3.  Luyệntập đức kiên nhẫn:
   a. Xét về phương diện nhân bản:
   -  Đời là bể khổ, không thể tránh được thì than thân trách phận hay ngã lòng rủn chí nào có ích chi. Chỉ còn cách là cam chịu cách nào cho hữu ích nhất mà thôi.
   -  Thời gian là yếu tố cần thiết cho mọi sự thành công. “Kiến tha lâu cũng đầy tổ; nước chảy đá mòn”
   -  Không có nhân đức nào là vững vàng khi chưa qua thử luyện.
   b. Xét về mặt siêu nhiên:
     Đối với người tín hữu, có hai phương thế hiệu nghiệm để luyện tập đức kiên nhẫn là suy niệm và cầu nguyện:
   -  Suy niệm: sự khó mau qua, thiên đàng còn mãi. Chúa không đòi thành công mà chỉ đòi cố gắng.

   -  Cầu nguyện: Để có thể bền đỗ đến cùng nhờ ơn Chúa.