• Trang chủ

BÀI 2. HỌC TẬP CHỮ CẦN

cần mẫn - cần lao -  chú ý
I. CẦN MẪN
1. Thế nào là cần mẫn?
      Người cần mẫn, hay chuyên cần, là người siêng năng, ham làm việc và làm kỹ lưỡng đến nơi đến chốn.
2. Nghịch với đức là tính gì?
      Nghịch với đức tính cần mẫn là tính lười biếng:đó là những người ham ở nhưng, sợ công việc, sợ khó nhọc, nhất là sợ việc bổn phận, việc đạo đức...
      Tính lười biếng biểu lộ ra ngoài qua thái độ ơ hờ, trễ nải, lừng khừng, không thiết tha với công tác hoặc có làm thì làm cẩu thả, làm lấy có, lấy rồi.
3. Làm thế nào để tập tính cần mẫn?
    a. Để tập tính cần mẫn, ta phải năng suy niệm và tự nhủ mình:
    -  Làm việc là luật chung của trời đất, “Chim có cánh để bay, người có tay để làm”.
    -  Có làm việc, các tài năng của ta mới có dịp phát huy.
    -  Có làm việc, các nhu cầu mới được thỏa mãn.                
    -  Kẻ lười biếng thường mắc nhiều tật xấu, vì  “nhàn cư vi bất thiện”.
    -  Thế giới chưa đổi mới vì người ta còn quan niệm một sự thánh thiện ngoài bổn phận.
   b. Luyện tập làm việc từ việc dễ đến việc khó, từ nhỏ đến lớn.             
II.CẦN LAO:
1. Lao động là gì?
   Có một thời người ta hiểu sai lầm lao động là bần tiện và khinh chê lao động. Nhưng hiểu cho đúng thì lao động là việc có ý thức của con người để làm chủ và biến cải thiên nhiên thành những giá trị tinh thần hay vật chất cần thiết cho xã hội. Hiểu như thế lao động là một hành vi đáng quí và mang ý nghĩa sống còn đối với cuộc sống con người.
2.  Có mấy loại lao động?
      a.  Có hai loại lao động: Lao động chân tay và lao động trí óc. Phân chia như thế, nhưng thực ra mọi công việc lao động đều nằm trong cả hai hình thức lao động đó, nhưng tuỳ theo sự vận dụng tay chân hay trí óc nhiều hơn để phân chia mà thôi.
     b. Lao động chân tay và trí óc đều cần thiết cho xã hội, nên cần kết hợp chặt chẽ với nhau để sản sinh ra ngày càng nhiều của cải vật chất và tinh thần cho xã hội.
3.  Giá trị của lao động là gì?
     a.  Giá trị tự nhiên:
Con người lao động trước hết là để mưu sinh. Nhưng ngoài mục đích mưu sinh, người ta còn lao động để đạt tới những giá trị văn hóa cao hơn hầu phát triển cuộc sống nên tốt hơn và đẹp hơn, như những lao động nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật..
   -  Ngoài hai mục đích mà con người muốn đạt tới khi lao động nói trên, lao động còn giúp cho con người:
   - Trưởng thành hơn về quan điểm: Biết dung hòa quan điểm mình với tha nhân .
   - Rèn luyện nhiều đức tính tốt khác như: Chuyên cần, trách nhiệm, tiết kiệm, đoàn kết, bác ái và vị tha, óc sáng tạo, óc tổ chức. ...
  b. Giá trị siêu nhiên của lao động:
     Trước đây, Lao động thường bị coi là hình phạt con người phải chịu do tội tổ tông, nhưng thực ra, nguyên tổ loài người đã lao động từ trước khi họ phạm tội:”Yavê Thiên Chúa đã đem con người đặt trong vườn Eđen để họ canh tác và giữ vườn” {Kn2,15}. Do đó, ta hiểu rằng: Cái mà tội lỗi đem đến không phải là lao động, mà là tính cách cực nhọc vất vả của nó:”mồ hôi đẫm mặt, người ta mới có bánh ăn” (kn3,19)Còn chính lao động thì luôn là điều tốt và mang lại hai gía trị siêu nhiên sau:
    -  Qua lao động, con người được mời gọi cộng tác với Thiên Chúa trong việc tác tạo thế giới .
    -  Qua lao động chúng ta góp phần cứu rỗi chính mình và thế giới.
III. CHÚ Ý:
1. Chú ý là gì?
     Chú ý là sự tập trung mọi hoạt động của tinh thần vào một đối tượng nội giới hay ngoại giới.
2. Có mấy loại chú ý?
    Tùy theo đối tượng hay bản tính mà chú ý được chia thành nhiều loại như sau:
        a. Chú ý ngoại giới: là sự tập trung tinh thần hướng về đối tượng nằm ngoài bản thân ta, nhờ các giác quan.
        b. Chú ý nội giới: là sự tập trung tinh thần vào một đối tượng nằm trong lòng ta (một tri thức hay một tình cảm...)
        c. Chú ý tự phát: là sự tập trung tinh thần được phát khởi do bị đối tượng thúc bách, hấp dẫn.
        d. Chú ý cố tạo: là sự tập trung tinh thần do quyết định của chủ thể, như một học sinh cố gắng chú ý học một bài khó, dù không thích...
3.  Lợi ích của sự chú ý là gì?
       a. Trong việc học hành: sự chú ý giúp cho tâmtrí lĩnh hội đầy đủ và mau lẹ bài học. Học mà không chú ý thì cũng như ăn mà không tiêu hóa vậy, chẳng bổ ích gì.
     b. Trong việc làm: có chú ý ta mới chuyển được những ý nghĩ thành hành động hữu hiệu.
      c. Trong việc đạo đức: chú ý giúp ta tránh được chước cám dỗ và tập luyện được nhiều đức tính tốt.
4.  Nếu xấu nghịch với sự chú ý: Chia trí, lo ra
        a. Chia tri, lo ra là gì?
        - Chia trí là miệng nói chuyện này mà trí lại nhớ chuyện khác hoặc tay làm việc này mà lòng nghĩ đến việc kia,
        - Lo ra là lắng lo ngoài chuyện phải chú ý.
        b. Có mấy loại chia trí? Có hai loại:
        Chia trí vô tình: chia trí khi mình không muốn, mặc dù đã gắng sức chống trả sự chia trí. Sự chia trí này không làm giảm giá trị của lời cầu nguyện.
        Chia trí cố tình: là chia trí mà mình không muốn rời bỏ nguyên nhân gây chia trí, hay chỉ chống trả cách ươn hèn. Sự chia trí này làm cho việc cầu nguyện bị kém giá trị và có thể nên tội với Chúa.
5.  Phải tập luyện đức tính chú ý như thế nào?
        a. Cách tiêu cực:
        Phải triệt để bài trừ tất cả mọi tư tưởng tản mác về việc khác không phải là việc ta đang lo, đang làm. Có thể đó là những tư tưởng xấu, như cách trả thù; hay những tư tưởng không đâu, như tai nghe giảng mà lòng nhớ đến trò chơi ở nhà...: Ngay khi ý thức mình đang chia trí, ta phải quay trở lại ngay điều mình đang thực hiện.
        b. Cách tích cực:
   -  Tập sống giây phút hiện tại: “ Chỉ giây phút hiện tại là quan trọng nhất”.
  -  Tập thói quen chuẩn bị trước khi vào việc: có mặt trước giờ lớp, thinh lặng khi đến hiên nhà thờ...

   -  Chỉ làm một việc mà thôi và làm cho tận tình, bắt chước con cá măng chỉ đuổi theo một con mồi cho đến được. ĐGH Gioan XXIII viết trong nhật ký: “Tôi đặc biệt nhấn mạnh và theo nguyên tắc này: là làm kỹ mỗi việc, mỗi kinh, giữ mỗi giờ như là chỉ có bấy nhiêu đó thôi. Chúa sinh ra tôi chỉ vì một việc tôi đang làm mà thôi, việc đó làm xong hẳn hoi là đủ nên thánh, không cần lo nghĩ đến việc trước hay việc sẽ đến sau đó”.