• Trang chủ

UBGLĐT-HĐGMVN - HDTQ VD GIÁO LÝ - Lời mở đầu


HƯỚNG DẪN TỔNG QUÁT VIỆC DẠY GIÁO LÝ - LỜI TỰA (16/07/11, 6:05 pm)
Hướng dẫn Tổng quát việc Dạy giáo lý là một văn kiện của Bộ Giáo Sĩ về việc dạy giáo lý, được phát hành năm 1997. Trang web sẽ lần lượt giới thiệu cùng bạn đọc toàn bộ văn kiện này. Kính mời bạn đọc cùng theo dõi.

1.         Thực hiện chỉ thị của Công Đồng Vaticanô II liên quan đến việc soạn thảo “Hướng Dẫn dạy giáo lý cho các Kitô hữu[1], Thánh Bộ Giáo Sĩ đã thu thập nhiều ý kiến và nhận xét về dự án này qua một uỷ ban gồm các chuyên gia, và qua việc tham khảo các Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới. Bản văn soạn thảo đã được Uỷ Ban chuyên trách về những vấn đề thần học hiện tại và Bộ Giáo Lý Đức Tin phê duyệt. Ngày 18.3.1971, Đức Phaolô VI đã phê chuẩn và ngày 11.4.1971 đã ban hành với tựa đề Hướng Dẫn Tổng Quát Việc Dạy Giáo Lý.
2.         Ba mươi năm trôi qua kể từ khi bế mạc Công Đồng Vaticanô II cho tới lúc sắp bước vào Thiên niên kỷ thứ ba, hẳn đã có biết bao định hướng và cổ võ cho việc dạy giáo lý. Có thể nói được rằng đây là thời gian đã làm cho Hội Thánh lấy lại sức sống ban đầu của mình trong việc rao giảng Tin Mừng, làm cho giá trị những giáo huấn của các Giáo Phụ được nổi bật lên và đã giúp cho việc trở về với thời kỳ dự tòng xa xưa một cách khôn ngoan. Từ năm 1971, cuốn Hướng Dẫn Tổng Quát Việc Dạy Giáo Lý đã hướng dẫn các Giáo Hội địa phương trên đường dài canh tân huấn giáo. Tài liệu này đã được coi là điểm qui chiếu cả về nội dung lẫn đường lối sư phạm và các phương pháp phải theo.
Con đường mà việc dạy giáo lý đã trải qua trong thời kỳ này là đâu đâu cũng được ghi dấu bằng sự tận tình quảng đại của nhiều người, bằng những sáng kiến đáng khen, bằng những kết quả tốt đẹp đối với sự nghiệp giáo huấn và sự trưởng thành trong đức tin của thanh thiếu niên và người lớn. Tuy nhiên vẫn còn có những thiếu sót về mặt giáo thuyết và kinh nghiệm đã làm cho phẩm chất của việc dạy giáo lý nghèo nàn đi. Những điều ấy phần lớn là do biến chuyển của bối cảnh văn hóa toàn cầu và do những vấn đề của Hội Thánh, ngoài phạm vi giáo lý.
3.         Huấn Quyền của Hội Thánh, trong suốt những năm đó đã không ngừng quan tâm mục vụ về việc dạy giáo lý. Trong tất cả các Châu lục, nhiều Giám Mục và nhiều Hội Đồng Giám Mục đã hết sức đẩy mạnh hoạt động giáo lý, đặc biệt là phổ biến những sách giáo lý hay, và các đường hướng mục vụ, bằng cách cổ võ việc đào tạo các chuyên viên và việc nghiên cứu giáo lý. Các nỗ lực đó rất phong phú và đã ảnh hưởng thuận lợi cho việc dạy giáo lý ở các Giáo Hội địa phương. Cuốn Nghi thức khai tâm Kitô giáo dành cho người trưởng thành ban hành ngày 6.1.1972 do Thánh Bộ Phụng Tự cũng đã mang lại sự phong phú đặc biệt cho công cuộc canh tân huấn giáo.
Cũng phải đặc biệt nhắc đến vai trò của Đức Phaolô VI, vị Giáo Hoàng đã hướng dẫn Hội Thánh trong giai đoạn đầu của thời hậu Công Đồng. Đức Gioan Phaolô II đã nói về vị tiền nhiệm của mình như sau: “Qua những cử chỉ, lối giảng thuyết, lối cắt nghĩa có thẩm quyền về Công Đồng Vaticanô II,- mà ngài cho là một sách giáo lý vĩ đại của thời đại mới - bằng cả cuộc đời mình, vị tiền nhiệm đáng kính của ta đã phục vụ cho huấn giáo của Hội Thánh một cách đặc biệt gương mẫu”.[2]
 4.        Viên đá góc quyết định cho việc dạy giáo lý là suy tư được bàn thảo tại Đại Hội của Thượng Hội Đồng Giám Mục về công cuộc Phúc Âm hóa trong thế giới hiện đại, hồi tháng 10 năm 1974. Các đề nghị này đã được trình lên Đức Thánh Cha Phaolô VI, người sẽ công bố Tông Huấn Evangelii Nuntiandi (Loan Báo Tin Mừng) vào ngày 8.12.1975. Văn kiện này đã đề nghị một trong những nguyên tắc cần được nhấn mạnh, đó là việc dạy giáo lý là một hoạt động loan báo Tin Mừng nằm trong khuôn khổ sứ mạng lớn lao của Hội Thánh. Từ nay trở đi, hoạt động giáo lý phải luôn luôn được coi là thành phần trong những nhu cầu khẩn thiết và những ưu tư đặc thù của mệnh lệnh truyền giáo cho thời đại chúng ta.
Cũng thế, hội nghị cuối cùng của Thượng Hội Đồng Giám Mục do Đức Phaolô VI triệu tập tháng 10 năm 1977 đã chọn việc dạy giáo lý như là một đề tài để phân tích và suy nghĩ cho các Giám Mục. Thượng Hội Đồng đã nhìn nhận “sự canh tân huấn giáo là một ơn quý báu của Chúa Thánh Thần cho Hội Thánh ngày nay”.[3]
5.         Đức Gioan Phaolô II đã tiếp nhận di sản này vào năm 1978 và đã soạn thảo những định hướng đầu tiên cho Tông huấn “Catechesi Tradendae” (Dạy Giáo Lý), công bố ngày 16.10.1979. Tông huấn này làm thành một tổng thể hòa hợp với Tông huấn Evangelii Nuntiandi (Loan Báo Tin Mừng) và xác định lại vị trí của việc dạy giáo lý trong khuôn khổ của công cuộc rao giảng Tin Mừng.
Trong suốt triều đại của mình, Đức Gioan Phaolô II đã không ngừng thi hành một huấn quyền mang đậm tính giáo lý. Trong số các diễn văn, tông thư và giáo huấn của ngài, nổi bật là mười hai thông điệp từ Redemptor Hominis (Đấng Cứu Chuộc Loài Người) đến Ut Unum Sint (Để Chúng Nên Một). Những văn kiện đó hợp thành một khối giáo lý tổng hợp và có hệ thống, bằng cách áp dụng việc canh tân đời sống Hội Thánh theo ý muốn của Công Đồng Vaticanô II.
Trong những văn kiện thuộc Huấn Quyền của Đức Gioan Phaolô II, có một số thông điệp nổi bật về giá trị giáo lý như: Redemptor Hominis (Đấng Cứu Chuộc Loài Người, 4.3.1979), Dives in misericordia (Thiên Chúa giàu lòng thương xót, 30.11.1980), Dominum et vivificantem (Người là Chúa và là Đấng ban sự sống, 18.5.1986) và thông điệp Redemptoris Missio (Sứ Vụ Đấng Cứu Độ, 7.12.1990) nhằm tái khẳng định hiệu lực bền vững của mệnh lệnh truyền giáo.
6.         Đàng khác trong các hội nghị chung kể cả thường niên và ngoại lệ của Thượng Hội Đồng Giám Mục, đều có âm hưởng đặc biệt về việc dạy giáo lý. Những Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 1980 và năm 1987 về sứ mệnh gia đình và ơn gọi giáo dân cũng thế. Công việc của hai Thượng Hội Đồng đó được tiếp nối bằng những Tông huấn Familiaris Consortio (về gia đình) của Đức Gioan Phaolô II (công bố ngày 22.11.1981) và Christifideles Laïci (Người Kitô Hữu Giáo Dân, 30.12.1988). Cũng vậy, Thượng Hội Đồng ngoại lệ năm 1985 có tầm mức quan trọng quyết định cho hiện tại và tương lai của việc dạy giáo lý. Một bản tổng kết hai mươi năm áp dụng giáo huấn Công Đồng Vaticanô II đã được đưa ra vào dịp này, và các Nghị phụ trong Thượng Hội Đồng đã đề nghị lên Đức Thánh Cha soạn thảo sách giáo lý chung cho toàn thể Hội Thánh Công Giáo. Đức Gioan Phaolô II không những rất ưng thuận đề nghị này mà còn coi đó là công việc của ngài. Sau một thời gian làm việc kiên nhẫn và phức tạp, sách “Giáo lý Hội Thánh Công Giáo” đã được trao cho các Giám Mục và các Giáo Hội địa phương qua Tông hiến Fidei Depositum (Kho Tàng Đức Tin) công bố ngày 11.10.1992.
7.         Biến cố giàu ý nghĩa này và toàn bộ những văn kiện, những giáo huấn của Huấn Quyền mà chúng tôi đã nêu ra, đòi hỏi phải duyệt lại cuốn “Hướng Dẫn Tổng Quát Việc Dạy Giáo Lý ” để thích nghi tài liệu thần học và mục vụ quý báu này vào hoàn cảnh và những đòi hỏi mới. Đón nhận di sản này và từ đó thực hiện một tổng hợp giúp cho hoạt động giáo lý, luôn luôn trong viễn ảnh  giai đoạn hiện nay của đời sống Giáo Hội, chính là việc phục vụ mà Tòa Thánh dành cho mọi người.
Công việc duyệt lại nội dung cuốn Hướng Dẫn Tổng Quát Việc Dạy Giáo Lý, mà Thánh Bộ Giáo Sĩ hết sức lưu tâm, được một nhóm Giám Mục và chuyên gia về thần học và giáo lý thực hiện. Bản văn đã được gởi đi để lấy ý kiến của các Hội Đồng Giám Mục, các chuyên gia nhiều ngành, các Học viện hay các Trung tâm giáo lý; công việc đã được thực hiện, nhưng về bản chất vẫn tôn trọng tinh thần và nội dung của bản văn năm 1971.
Bản soạn thảo mới của cuốn Hướng Dẫn Tổng Quát Việc Dạy Giáo Lý tất nhiên đã quan tâm đến hai đòi hỏi lớn sau đây:
 - Một đàng, đưa việc dạy giáo lý vào công cuộc Phúc Âm hóa theo yêu cầu của các Tông huấn Evangelii Nuntiandi (Loan Báo Tin Mừng) và Catechesi Tradendae (Dạy Giáo Lý);
- Đàng khác, quan tâm tới những nội dung đức tin mà sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo đã đề xướng.
8.         Cuốn Hướng Dẫn Tổng Quát Việc Dạy Giáo Lý vẫn duy trì cấu trúc cơ bản của bản văn 1971, được sắp xếp như sau:
            - Lời mở đầu đưa ra những chỉ dẫn giúp cho việc giải thích và hiểu biết các hoàn cảnh của con người và của Hội Thánh, theo ánh sáng đức tin và sự tin cậy ở sức sống của hạt giống Tin Mừng. Đó là những định hướng ngắn gọn nhằm vào sứ mệnh truyền giáo.
- Phần thứ nhất [4] gồm ba chương và chú trọng đến việc dạy giáo lý theo Hiến Chế Dei Verbum (Mạc Khải), đặt việc dạy giáo lý vào trong khung cảnh Phúc Âm hóa đã được giới thiệu bởi các Tông huấn Evangelii Nuntiandi (Loan Báo Tin Mừng) và Catechesi Tradendae (Dạy Giáo Lý). Phần này cũng đã làm sáng tỏ bản chất của việc dạy giáo lý.
- Phần thứ hai [5] gồm hai chương. Chương thứ nhất, có tựa đề là “Những quy tắc và những tiêu chuẩn cho việc trình bày sứ điệp Tin Mừng trong việc dạy giáo lý”: với một kết cấu mới và trong một viễn tượng phong phú, đã thu thập toàn bộ nội dung của chương này trong bản văn năm 1971. Chương thứ hai, làm mới hoàn toàn, dành cho việc trình bày giáo lý của Hội Thánh Công Giáo như bản văn quy chiếu cho việc truyền thông đức tin qua việc dạy giáo lý và cho việc soạn thảo các sách giáo lý địa phương. Chương này cũng đã cung cấp những nguyên tắc cơ bản nhằm soạn thảo những sách giáo lý cho các Giáo Hội địa phương và các Giáo Hội cấp vùng.
- Phần thứ ba [6] trình bày một vấn đề liên quan đến thần học và khoa học nhân văn, dưới một hình thức khá mới mẻ, bằng cách đưa ra những đường nét chủ yếu về sư phạm đức tin dựa trên sư phạm của Thiên Chúa.
- Phần thứ bốn [7] có tựa đề: “Những người thừa hưởng việc dạy Giáo lý”. Trong năm chương ngắn ngủi, phần này duyệt xét những hoàn cảnh rất khác nhau, về những người mà việc dạy giáo lý nhắm tới, về những khía cạnh liên quan đến hoàn cảnh xã hội, tôn giáo và đặc biệt là về vấn đề hội nhập văn hóa.
- Phần thứ năm [8] xem Giáo Hội địa phương là trọng tâm của việc dạy giáo lý; bổn phận chủ yếu của Giáo Hội là cổ vũ, tiên liệu, gìn giữ và bố trí các sinh hoạt giáo lý. Ở đây, người ta đặc biệt chú ý đến việc miêu tả những vai trò riêng biệt của những tác nhân khác nhau (những tác nhân đó luôn luôn quy chiếu vào vị chủ chăn của Giáo Hội địa phương), cũng như những đòi hỏi phải huấn luyện theo từng trường hợp.
- Phần kết kêu mời chúng ta tăng cường hoạt động giáo lý trong thời buổi hiện nay, kết thúc suy tư và những phương hướng trên bằng việc mời gọi tín thác vào hoạt động của Chúa Thánh Thần và vào hiệu quả của Lời Chúa được gieo vãi trong tình yêu.
9.         Như đã thấy, mục tiêu của cuốn Hướng dẫn này cũng là mục tiêu của bản văn năm 1971. Thực vậy, bản văn ấy đã nêu ra “những nguyên tắc cơ bản có tính thần học-mục vụ, dựa vào Huấn Quyền và đặc biệt là vào Công Đồng Vaticanô II, ngõ hầu hoạt động mục vụ thuộc sứ vụ Lời Chúa - mà cụ thể là dạy giáo lý - được hướng dẫn và bố trí một cách thích nghi hơn”[9]. Vì thế, ý định chủ yếu vẫn là cung cấp những suy tư và những nguyên tắc hơn là gợi ý những áp dụng tức thời hay những hướng dẫn thực hành. Điều đó đã được chấp nhận vì lý do sau đây: nhờ hiểu biết đúng đắn ngay từ đầu về bản chất và những mục tiêu của việc dạy giáo lý cũng như những chân lý và những giá trị phải được truyền đạt, mà người ta tránh được những thiếu sót và những sai lầm trong vấn đề huấn giáo[10].
Chỉ có thẩm quyền riêng của hàng Giám Mục mới có thể cho phép áp dụng một cách cụ thể những nguyên tắc và những phát biểu đó bằng những định hướng và chỉ dẫn có tính cách quốc gia, địa phương hay giáo phận, bằng các sách giáo lý và bằng tất cả những phương tiện nào khác mà các ngài xét là thích hợp để thăng tiến một cách hiệu quả việc dạy giáo lý.
10.       Hiển nhiên là tất cả những phần trong cuốn Hướng dẫn không có tầm quan trọng như nhau. Những phần có giá trị cho mọi người là phần bàn về Mạc Khải Thánh, về bản chất của việc dạy giáo lý, về những tiêu chuẩn chi phối việc loan báo sứ điệp Kitô giáo. Ngoài ra, những phần có liên quan đến hoàn cảnh hiện tại, đến phương pháp và cách thích nghi giáo lý cho những lứa tuổi và những bối cảnh văn hóa khác nhau, nên được coi như là những chỉ dẫn và định hướng[11].
11.       Cuốn Hướng dẫn này trước tiên là dành cho các Giám Mục, các Hội Đồng Giám Mục, thứ đến là những người thừa lệnh các ngài, có trách nhiệm trong lãnh vực huấn giáo. Như thế cuốn Hướng dẫn có thể là một dụng cụ hữu ích cho việc đào tạo các ứng viên linh mục, cho việc thường huấn các linh mục và cho việc đào tạo các giáo lý viên.
Một mục tiêu trước mắt của cuốn Hướng dẫn là giúp soạn thảo những hướng dẫn cho việc dạy giáo lý và sách giáo lý. Theo những gợi ý sâu sắc của một số Giám Mục, nhiều chú thích và tham chiếu đã được thêm vào, đem lại lợi ích lớn lao cho việc soạn thảo những tài liệu như thế.
12.       Cuốn Hướng dẫn vì được dành cho các Giáo Hội địa phương, mà những hoàn cảnh và những nhu cầu mục vụ rất khác nhau, nên rất có thể chỉ quan tâm đến những hoàn cảnh chung chung hay trung bình mà thôi. Cũng phải hiểu như thế khi bàn về việc tổ chức dạy giáo lý cho những trình độ khác nhau. Nên chú ý đến nhận xét đó, khi sử dụng cuốn Hướng dẫn này. Cũng như bản văn 1971 đã lưu ý, điều dường như không đủ trong những miền mà việc dạy giáo lý đã đạt tới trình độ cao, cả về phẩm chất lẫn phương tiện, nhưng lại có vẻ là quá cao đối với những nơi mà việc dạy giáo lý chưa đạt tới trình độ phát triển như thế.
13.       Khi công bố văn kiện này, như bằng chứng mới về sự ân cần mà Tòa Thánh dành cho sứ vụ dạy giáo lý, chúng tôi mong rằng tài liệu được đón nhận, được xem xét và nghiên cứu một cách thận trọng, đồng thời phải quan tâm đến những nhu cầu mục vụ của mỗi Giáo Hội địa phương. Và chúng tôi cũng mong rằng tài liệu có thể được đem ra học tập và nghiên cứu sâu sắc hơn, đáp ứng lại những nhu cầu của việc dạy giáo lý cũng như những quy tắc và các định hướng của Huấn Quyền.
Xin Đức Trinh Nữ Maria, là ngôi sao dẫn đường cho việc canh tân công cuộc Phúc Âm hóa, hướng dẫn chúng ta đến việc hiểu biết Chúa Giêsu Kitô là Thầy và Chúa chúng ta.
“Sau cùng, xin anh em cầu nguyện cho chúng tôi, nguyện xin cho Lời Chúa được phổ biến và được tôn vinh, như đã thấy nơi anh em” (2Tx 3, 1).
Vatican ngày 15 - 8 - 1997
LỄ TRỌNG KÍNH ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI.

+DARÍO CASTRILLÓN HOYOS
Tổng Giám Mục hiệu tòa Burcaramanga
                            Tổng Trưởng
+CRESCENZIO SEPE
  Tổng Giám Mục hiệu tòa Grado
                            Thư ký.\

Loan báo Tin Mừng trong thế giới hôm nay (20/07/2011)
  “Các người nghe đây! Người gieo giống đi ra gieo giống. Trong khi gieo, có hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất. Có hạt rơi trên sỏi đá, chỗ không có nhiều đất; nó mọc ngay, vì đất không sâu; nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô. Có hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó nghẹt và không sinh hoa kết quả. Có những hạt rơi nhằm đất tốt, nó mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả: hạt được ba mươi, hạt được sáu mươi, hạt được một trăm” (Mc 4,3-8).

14.       Lời mở đầu này nhằm khuyến khích các mục tử và các giáo lý viên ý thức sự cần thiết phải hết sức chú ý đến mảnh đất gieo hạt giống Tin Mừng, và thực hiện việc này với cái nhìn đức tin và với lòng thương xót. Việc giải thích về thế giới hôm nay được trình bày ở đây hiển nhiên mang tính tạm thời, gắn liền với những diễn biến lịch sử.
“Người gieo hạt giống đi gieo” (Mc 4,3).
15.       Dụ ngôn này là nguồn cảm hứng cho việc loan báo Tin Mừng. “Hạt giống, chính là Lời Chúa” (Lc 8, 11). Người gieo là Chúa Giêsu Kitô. Người đã loan Tin Mừng trong nước Palestina cách đây hai ngàn năm và đã sai các môn đệ đi gieo hạt giống Tin Mừng ấy trên khắp thế giới. Chúa Giêsu Kitô hôm nay đang hiện diện trong Hội Thánh bằng Thánh Thần của Người và Người vẫn tiếp tục loan truyền Lời của Cha trên cánh đồng thế giới.
Phẩm chất của mảnh đất luôn rất đa dạng. Tin Mừng rơi “xuống vệ đường” (Mc 4,4) khi không thực sự được đón nghe; Tin Mừng rơi xuống “đất sỏi” (Mc 4,5) không ăn sâu vào đất được; Tin Mừng rơi “vào bụi gai” (Mc 4,7) sớm bị bóp nghẹt trong lòng những con người đa mang muôn việc. Nhưng một số hạt rơi “vào đất tốt” (Mc 4,8) nghĩa là Tin Mừng được gieo nơi những con người, nam cũng như nữ, biết mở lòng ra sống tương quan với Thiên Chúa và liên đới với tha nhân, và họ sinh hoa kết trái dồi dào.
Trong dụ ngôn đó, Chúa Giêsu đã loan báo một Tin Mừng: Nước Thiên Chúa đến, bất chấp những khó khăn do thửa đất, do những căng thẳng, những xung đột và những vấn đề của thế giới. Hạt giống Tin Mừng làm cho lịch sử loài người phong nhiêu và loan báo một mùa gặt bội thu. Chúa Giêsu cũng cho biết rằng Lời Chúa chỉ nẩy mầm trong một con tim sẵn sàng đón nhận Lời Chúa.

Nhìn vào thế giới với con mắt đức tin.
16.       Hội Thánh tiếp tục gieo Tin Mừng Chúa Giêsu trong cánh đồng bao la của Thiên Chúa. Các Kitô hữu được đặt trong những bối cảnh xã hội rất khác nhau, nhìn vào thế giới với cùng một cái nhìn như Chúa Giêsu đối với xã hội trong thời đại của Người. Thực vậy, người môn đệ của Đức Kitô tự đáy lòng mình chia sẻ “những niềm vui và hy vọng, những buồn sầu và lo lắng của nhân loại thời nay”[1], người môn đệ nhìn và tham dự vào lịch sử nhân loại không phải chỉ bằng lý trí mà còn bằng đức tin. Dưới ánh sáng đức tin, thế giới trong cùng một lúc đã được “tình yêu của Đấng Tạo Hóa tác thành và gìn giữ, đã rơi vào ách nô lệ tội lỗi, nhưng đã được giải thoát nhờ Đức Kitô chịu đóng đinh và sống lại, đã đập tan quyền lực của Thần Dữ”[2].

Người Kitô hữu biết rằng mọi thực tại và mọi biến cố của con người đều bị dằng co bởi những yếu tố sau đây:
- Hành động sáng tạo của Thiên Chúa thông truyền cho mọi tạo vật lòng nhân hậu của Ngài.
- Sức mạnh phát sinh do tội lỗi làm giới hạn và làm tê liệt con người.
- Tính năng động phát xuất từ sự Phục Sinh của Đức Kitô, như mầm  mống canh tân, đem lại cho người tín hữu niềm hy vọng vào “sự hoàn tất”[3]chung cuộc.
Một cái nhìn về thế giới mà không quan tâm đến một trong ba yếu tố đó, thì không phải là cái nhìn Kitô giáo đích thực. Vì thế, điều quan trọng là việc dạy giáo lý phải giúp cho những người dự tòng và những người học giáo lý giải quyết những vấn đề hiện đại theo cái nhìn đức tin[4].
CÁNH ĐỒNG THẾ GIỚI
17-       Hội Thánh, mẹ nhân loại, rất đau lòng khi thấy “số đông vô kể những người nam nữ, già trẻ lớn bé, tắt một lời là những con người cụ thể và duy nhất đang đau khổ dưới ách bần cùng khôn tả ” [5].
Nhờ một nền giáo lý có chỗ đứng cho giáo huấn về xã hội [6], nên Hội Thánh mong ước khơi lên trong lòng người tín hữu “sự dấn thân cho công lý”[7]và “sự lựa chọn hoặc yêu thương cách riêng đối với người nghèo”[8], để làm cho sự hiện diện của Hội Thánh thực sự là ngọn đèn chiếu sáng và là muối ướp biến đổi con người.
Nhân quyền
18.       Khi phân tích cánh đồng thế giới, Hội Thánh rất nhạy cảm với tất cả những gì xúc phạm đến nhân phẩm. Hội Thánh biết rằng mọi quyền con người đều phát xuất từ phẩm cách này[9]; chúng là đối tượng mà người Công giáo phải liên tục quan tâm và dấn thân. Do đó, cái nhìn của Hội Thánh không phải chỉ hướng đến các chỉ dẫn về kinh tế và xã hội [10], mà còn đặc biệt hướng đến những chỉ dẫn về văn hóa và tôn giáo. Mục tiêu của Hội Thánh là việc phát triển toàn diện con người và các dân tộc[11].
Hội Thánh vui mừng thấy ngày nay “một trào lưu làm việc thiện đang lan rộng và tràn ngập vào mọi dân tộc trên trái đất, họ đã ý thức về nhân phẩm hơn”[12]. Ý thức đó được biểu lộ bằng mối quan tâm sâu xa đến việc tôn trọng các quyền con người và bằng quyết tâm khước từ những sự xâm phạm đến các quyền ấy. Quyền được sống, quyền có việc làm, quyền được giáo dục, quyền được có gia đình, quyền tham dự vào đời sống công cộng, quyền tự do tôn giáo, những quyền đó ngày nay là những đòi buộc đặc biệt.
19.       Tuy nhiên ở nhiều nơi, dường như có sự mâu thuẫn trong nhận thức về phẩm giá con người, khiến quyền con người rõ ràng bị chà đạp[13]. Điều đó tạo ra những hình thức nghèo nàn khác không phải về mặt vật chất mà là một thứ nghèo nàn về văn hóa và tôn giáo, làm cho cộng đoàn Hội Thánh cũng phải bận tâm. Thực vậy, sự phủ nhận và hạn chế những quyền con người bần cùng hoá con người và các dân tộc không khác gì sự tước đoạt của cải vật chất[14].
Công cuộc rao giảng Tin Mừng của Hội Thánh, trong lãnh vực rộng lớn về quyền con người, không thể bỏ qua bổn phận khám phá ra nhân phẩm bất khả xâm phạm của mỗi người. Theo một nghĩa nào đó, “đây là nhiệm vụ trung tâm và thống nhất mà Hội Thánh và các tín hữu được mời gọi để phục vụ gia đình nhân loại”[15]. Việc dạy giáo lý phải chuẩn bị cho họ sống bổn phận đó.
Văn hoá và các văn hoá
20.       Người gieo giống biết rằng hạt giống sẽ chìm sâu vào mảnh đất cụ thể và nó phải hấp thụ mọi yếu tố cần thiết để trổ sinh hoa trái [16]. Người gieo giống cũng biết rằng đôi khi, một số yếu tố nào đó có thể làm trở ngại cho việc nảy mầm và thu hoạch kết quả.
Hiến chế “Gaudium et Spes ” (Vui Mừng và Hy Vọng) nhấn mạnh đến tầm quan trọng của khoa học và kỹ thuật trong việc đầu tư và phát triển nền văn hóa hiện đại. Quan điểm khoa học nảy sinh từ đó “đã làm đổi thay sâu xa tình trạng văn hóa và cách suy nghĩ”[17]với những ảnh hưởng mạnh mẽ về nhân bản và tôn giáo. Não trạng khoa học và thực nghiệm đã ăn rễ sâu vào trong con người hôm nay.
Tuy nhiên, ngày nay người ta đang ý thức rằng tính hữu lý đó không thể giải thích được mọi điều. Bản thân khoa học gia cũng ý thức rằng cần phải thêm vào tính chính xác của thực nghiệm, một kiểu nhận thức khác, để hiểu được chiều sâu của hữu thể con người. Chẳng hạn sự suy tư triết học về ngôn ngữ cho thấy rằng tư duy biểu tượng là một hình thức tiếp cận mầu nhiệm con người, ngoài ra không còn cách nào khác. Do đó buộc phải có một tính hữu lý không phân chia con người, hội nhập cảm thụ tính của con người, thống nhất nó, đem lại cho cuộc sống của nó một ý nghĩa sâu sắc hơn.
21.       Ngày nay cùng với “những hình thức văn hóa mới”[18]đi kèm với ao ước ngày càng lớn muốn làm nổi bật giá trị những văn hoá bản địa. Vấn nạn của Công Đồng vẫn là “phải làm thế nào để phát huy sự truyền bá và sức năng động của nền văn hóa mới mà vẫn trung thành gắn bó với di sản của các truyền thống”[19].
- Ở nhiều địa phương, người ta ý thức rằng các nền văn hóa cổ truyền đang chịu sự xâm lược mãnh liệt của những ảnh hưởng bên ngoài và bởi những rập khuôn tha hóa của những cách sống ngoại nhập, chúng đang từng bước gặm nhấm căn tính và những giá trị cố hữu của các dân tộc.
- Người ta cũng nhận thấy ảnh hưởng lớn lao của những phương tiện truyền thông, mà nhiều khi vì lợi nhuận kinh tế hay ý thức hệ, áp đặt một quan điểm sống vốn chẳng tôn trọng bộ mặt văn hóa của các dân tộc mà chúng tiếp cận.
Như vậy công cuộc loan báo Tin Mừng cũng gặp phải một trong những thách đố lớn lao đối với việc hội nhập văn hóa. Theo ánh sáng Tin Mừng, Hội Thánh phải nhìn nhận giá trị tích cực của từng văn hóa cũng như của các nền văn hóa, [20]đồng thời, phải loại bỏ những yếu tố ngăn trở mọi người và mọi dân tộc phát triển những tiềm năng đích thực của họ.

Tình hình tôn giáo và luân lý
22-       Giữa những yếu tố cấu thành gia sản văn hóa của một dân tộc, thì sắc thái tôn giáo và luân lý mang một tầm quan trọng đặc biệt đối với người gieo giống. Trong nền văn hóa hiện nay thì sự dửng dưng với tôn giáo đang tiếp tục bành trướng: “Có nhiều người đương thời với chúng ta (…) không hề nhận ra hoặc công khai gạt bỏ sự liên kết mật thiết và sống động giữa con người với Thiên Chúa”[21].
Chủ nghĩa vô thần phủ nhận Thiên Chúa “phải được kể là một trong những hiện tượng nghiêm trọng nhất thời nay”[22]. Nó biểu thị dưới nhiều sắc thái khác nhau, nhưng ngày nay nó xuất hiện dưới hình thức chủ nghĩa thế tục, dựa trên cái nhìn tự lập về con người và về thế giới “theo đó con người tự lý giải mọi sự mà không cần nhờ đến Thiên Chúa”[23]. Tuy nhiên trong phạm vi thuần túy tôn giáo, có “những dấu hiệu trở về với sự thánh thiêng”[24], một sự khát khao mới về những thực tại siêu việt và thần linh. Thế giới hiện nay đang khẳng định dưới nhiều hình thức rộng rãi và linh động hơn, “một thứ bừng tỉnh đi tìm tôn giáo”[25]. Tất nhiên hiện tượng này hẳn không thiếu tính hàm hồ[26]. Sự phát triển rộng rãi của những giáo phái và những trào lưu mới của các tôn giáo cũng như sự nở rộ  của các “cộng đồng cơ bản”[27], đang khiến Hội Thánh phải tự vấn một cách nghiêm túc và phải phân tích một cách rất cẩn thận.
23.       Hoàn cảnh luân lý ngày nay cũng biến chuyển song song với hoàn cảnh tôn giáo. Thực vậy, người ta đang thấy có sự lu mờ về chân lý hữu thể của con người. Mọi sự đang xảy ra như thể là sự phủ nhận Thiên Chúa muốn ám chỉ một sự rạn nứt nội giới của những khát vọng nơi hữu thể con người [28]. Do đó, người ta đang chứng kiến ở nhiều nơi một thứ “chủ nghĩa đạo đức tương đối muốn tước bỏ khỏi tập thể dân sự, mọi quy chiếu luân lý chắc chắn”[29].
Việc rao giảng Tin Mừng gặp được trong lãnh vực tôn giáo và luân lý một môi trường ưu việt. Thực vậy, sứ mạng đầu tiên của Hội Thánh là loan báo có Thiên Chúa và làm chứng về Ngài trước mặt thế gian, là làm cho người ta thấy dung mạo đích thực của Thiên Chúa cũng như ý định yêu thương và cứu độ của Ngài đối với con người như Chúa Giêsu Kitô đã mạc khải.
Để chuẩn bị cho những chứng tá như thế, Hội Thánh phải phát triển việc dạy giáo lý quan tâm đến việc gặp gỡ Thiên Chúa và tăng cường mối dây hiệp thông thường xuyên với Ngài.

HỘI THÁNH TRONG CÁNH ĐỒNG THẾ GIỚI
Đức tin của các Kitô hữu
24.       Các môn đệ Chúa Giêsu được hòa nhập trong thế giới như men trong bột, nhưng vì ở mỗi thời đại, họ lại không tránh khỏi ảnh hưởng của cõi nhân sinh.
Vì thế, cần phải tự tra vấn về hoàn cảnh hiện tại của đức tin người kitô hữu.
Sự canh tân việc dạy giáo lý được thể hiện trong Hội Thánh xuyên suốt mấy thập niên qua vẫn còn mang lại nhiều kết quả tích cực[30]. Việc dạy giáo lý cho thiếu nhi, cho giới trẻ và giới trưởng thành trong những năm gần đây đã làm phát sinh một giới tín hữu thực sự có ý thức về đức tin của mình và sống phù hợp với đức tin ấy. Thực vậy, việc dạy giáo lý đã tạo ra nơi các tín hữu đó:
- Một cảm nghiệm sống động mới về Thiên Chúa như người Cha nhân từ.
- Một tái khám phá sâu sắc hơn về Chúa Giêsu Kitô, không những chỉ về thiên tính mà còn cả nhân tính đích thực của Người.
- Một ý thức đồng trách nhiệm về sứ vụ của Hội Thánh trong thế giới.
- Một ý thức về những đòi buộc xã hội của đức tin.
25.       Tuy nhiên, đứng trước viễn cảnh về tôn giáo hôm nay, những con cái của Hội Thánh buộc phải kiểm chứng: “Đến mức độ nào thì chính bản thân họ không bị ảnh hưởng bởi bầu khí của chủ nghĩa thế tục và chủ nghĩa tương đối về luân lý”[31].
Loại thứ nhất gồm “một số đông những người đã chịu phép Rửa tội mà sống hoàn toàn bên ngoài đời sống Kitô hữu”[32]. Đó là những Kitô hữu “không hành đạo”[33], dẫu trong đáy lòng họ, tâm tình tôn giáo chưa hoàn toàn biến mất. Thức tỉnh họ về với đức tin quả là một thách đố thực sự đối với Hội Thánh.
Ngoài ra còn có những “người đơn sơ”[34], thỉnh thoảng cũng biểu lộ những tâm tình tôn giáo rất chân thành và một “lòng đạo bình dân”[35]rất vững chắc. Họ cũng có đức tin chắc chắn, “nhưng lại nhận thức sai về nền tảng”[36]. Còn có nhiều Kitô hữu rất học thức, nhưng họ chỉ nhận được một nền giáo lý thời thơ ấu, và họ cảm thấy có nhu cầu xét lại đức tin của mình và làm cho nó trưởng thành dưới một ánh sáng khác[37].
26.       Ngoài ra, có một số những người đã chịu phép Rửa tội, tiếc thay họ lại giấu căn tính Kitô hữu của mình, hoặc vì hiểu lầm về đối thoại liên tôn, hoặc vì không thấy thoải mái khi làm chứng cho niềm tin của mình vào Chúa Giêsu Kitô trong xã hội đương thời.
Những hoàn cảnh đức tin như thế của những Kitô hữu đòi hỏi người gieo giống phải gấp rút khai triển một “công cuộc tân Phúc Âm hóa[38], nhất là trong những Giáo Hội có truyền thống Kitô giáo lâu đời, nơi mà chủ nghĩa thế tục đã ăn rễ rất sâu. Trong hoàn cảnh mớiđang cần phải rao giảng Tin Mừng, thì việc truyền giáo và việc dạy giáo lý, nhất là cho giới trẻ và người trưởng thành, dĩ nhiên là vấn đề ưu tiên.
Đời sống nội tại của cộng đoàn Hội Thánh
27.       Điều quan trọng là cũng phải xem xét chính đời sống của cộng đoàn Hội Thánh, về phẩm chất thâm sâu của nó.
Trước hết, phải xét coi Công Đồng Vaticanô II đã được Hội Thánh đón nhận ra sao và đã mang lại những thành quả nào. Những văn kiện lớn của Công Đồng không còn là những chữ chết: người ta đã nhận thấy những hiệu quả của nó. Bốn Hiến Chế (Sacrosanctum Concilium, Lumen Gentium, Dei Verbum và Gaudium et Spes) đã làm cho Hội Thánh thêm phong phú. Thực vậy :
- Đời sống phụng vụ được nhận thức sâu sắc hơn như là nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Hội Thánh.
- Dân Chúa có ý thức sống động hơn về “chức tư tế cộng đồng”[39]bắt nguồn từ Bí tích Rửa tội. Đồng thời, họ cũng khám phá rõ hơn ơn gọi phổ quát phải nên thánh và có cảm thức sống động hơn về việc phục vụ của đức ái.
- Cộng đoàn Hội Thánh đã thấu hiểu ý nghĩa Lời Chúa một cách sống động hơn. Chẳng hạn Thánh Kinh được đọc, được cảm nghiệm và được suy gẫm một cách mãnh liệt hơn.
- Sứ vụ của Hội Thánh trong thế giới được nhận thức một cách mới mẻ hơn. Thực vậy, dựa trên cơ sở một cuộc canh tân nội bộ, Công Đồng chỉ cho người Công giáo thấy yêu cầu của việc rao giảng Tin Mừng luôn gắn liền với việc thăng tiến con người, sự cần thiết của việc đối thoại với thế giới, với những nền văn hóa, tôn giáo khác nhau và nhu cầu khẩn trương tìm kiếm sự hợp nhất các Kitô hữu.
28.       Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận những sai sót và những khó khăn trong việc tiếp nhận Công Đồng[40]. Mặc dù Giáo lý về Hội Thánh thì rộng lớn và sâu sắc, nhưng ý thức thuộc về Hội Thánh lại yếu đi, người ta thường chứng kiến “sự mất cảm tình đối với Hội Thánh”[41]. Đôi khi người ta nhìn Hội Thánh một cách phiến diện và coi đó như một cơ chế thuần túy, không có tính mầu nhiệm.
Đôi khi người ta giữ lập trường thiên vị và đối lập, khi giải thích và áp dụng việc canh tân mà Công Đồng Vaticanô II đòi hỏi. Những ý thức hệ và những thái độ như vậy đã đưa đến những đổ vỡ làm phương hại đến đời sống chứng tá về tình hiệp thông cần thiết cho việc loan báo Tin Mừng.
Hoạt động Phúc Âm hóa của Hội Thánh, trong đó có việc dạy giáo lý, phải quyết liệt củng cố sự kết hợp chặt chẽ trong Hội Thánh. Vì mục tiêu đó, phải khẩn trương cổ võ và đào sâu môn Giáo Hội học đích thực về sự hiệp thông[42], và làm nẩy sinh nơi các tín hữu một linh đạo sâu xa về Hội Thánh.
Tình hình việc dạy giáo lý:
Sự sinh động và những vấn đề.
29.       Trong những năm gần đây, nhiều khía cạnh tích cực của việc dạy giáo lý cho thấy nó rất sinh động. Những điều đáng kể là:
- Số đông các linh mục, tu sĩ và giáo dân tự hiến một cách hăng hái và kiên trì cho việc dạy giáo lý. Đó là một trong những hoạt động nổi bật nhất của Hội Thánh.
- Trong một thế giới mà cảm thức tôn giáo đang bị lu mờ, cần phải lưu ý đến đặc tính truyền giáo của việc dạy giáo lý hiện nay và ý hướng bảo đảm sự gắn bó với đức tin nơi các dự tòng và những người học giáo lý. Trong sự năng động đó, người ta thấy rõ việc dạy giáo lý phải có đặc tính của một cuộc huấn luyện toàn diện, và không được thu hẹp lại trong việc dạy dỗ mà thôi, nhưng phải gợi lên một sự hoán cải đích thực[43].
- Từ đó, cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của sự  phát triển việc dạy giáo lý cho người trưởng thành[44], trong chương trình giáo lý của rất nhiều Giáo Hội địa phương. Việc này xem ra ưu tiên trong những phương án mục vụ của nhiều giáo phận. Nó cũng dành vị trí trung tâm trong một số phong trào và đoàn thể của Hội Thánh.
- Chắc chắn nhờ có sự hướng dẫn mới đây của Huấn quyền, mà tư duy về việc dạy giáo lý ngày nay càng thêm cô đọng và sâu sắc. Rất nhiều Giáo Hội địa phương đã có những đường hướng mục vụ thích hợp.
30.       Tuy nhiên cũng cần phải thận trọng xem xét một số vấn đề để tìm ra cho chúng những giải pháp thích nghi.
-Vấn đề thứ nhất liên quan đến quan niệm dạy giáo lý như là trường dạy đức tin, như là thời kỳ học tập và huấn luyện toàn bộ đời sống Kitô hữu, quan niệm này vốn chưa ăn sâu vào ý thức của giáo lý viên.
- Liên quan đến việc định hướng nền tảng thì quan niệm “Mạc Khải” thường phải thấm nhuần vào hoạt động giáo lý, tuy nhiên quan niệm của Công Đồng về “Thánh Truyền” như là yếu tố được thực sự linh ứng, đang còn có ảnh hưởng rất ít. Thực ra, trong nhiều sách giáo lý, hầu như chỉ quy chiếu Thánh Kinh mà không  suy tư đủ, cũng chưa đề cập đủ đến đời sống của Hội Thánh hai thiên niên kỷ vừa qua[45]. Trong trường hợp này, bản chất Hội Thánh trong việc dạy giáo lý xem ra chưa rõ ràng . Mối tương quan giữa Thánh Kinh, Thánh Truyền và Huấn quyền, “mỗi thứ mỗi kiểu”[46]chưa làm phong phú cách hoà điệu việc truyền đạt giáo lý đức tin.
- Về mục tiêu của việc dạy giáo lý là cổ võ sự hiệp thông với Chúa Giêsu Kitô, cần trình bày toàn bộ chân lý về mầu nhiệm Đức Kitô một cách quân bình hơn. Đôi khi người ta chỉ nhấn mạnh đến nhân tính mà không quy chiếu minh nhiên đến thần tính của Người. Mặt khác, ngày nay tuy ít thấy hơn, lại nhấn mạnh quá đến thần tính, đến độ làm lu mờ thực tại của mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể [47].
- Về nội dung của việc dạy giáo lý, vẫn tồn đọng những vấn đề khác nhau, như một số thiếu sót về giáo thuyết liên quan đến chân lý về Thiên Chúa và loài người, về tội lỗi và ân sủng cũng như về cánh chung. Cần phải huấn luyện đời sống đức tin cho vững vàng hơn; lịch sử Hội Thánh chưa được trình bày cách thoả đáng và học thuyết xã hội của Hội Thánh không được nổi bật lắm. Trong nhiều địa phương, người ta đang phổ biến những sách giáo lý và những bản văn theo sáng kiến riêng tư, với xu hướng phiến diện và những nhấn mạnh quá khác biệt đến nỗi làm nguy hại cho sự duy nhất cần thiết của đức tin[48].
- “Việc dạy giáo lý phải liên kết mật thiết với toàn thể sinh hoạt phụng vụ và bí tích”[49]. Thế mà thường xuyên việc dạy giáo lý chỉ có mối tương quan yếu ớt hoặc rời rạc với phụng vụ. Người ta ít chú tâm đến dấu chỉ và nghi thức phụng vụ và ít làm nổi bật các nguồn mạch phụng vụ. Các giáo án rất ít hay không hề gắn liền với năm phụng vụ và những cử hành phụng vụ trong đó chỉ là chuyện phụ.
- Về mặt sư phạm, sau khi có một số người đã quá nhấn mạnh đến các phương pháp và kỹ thuật, người ta vẫn chưa chú trọng đến những đòi hỏi và tính độc đáo của sư phạm riêng của đức tin[50]. Người ta dễ rơi vào chủ nghĩa nhị nguyên “nội dung-phương pháp”, để rồi lại thu hẹp mặt này hoặc mặt kia. Còn về chiều kích sư phạm, sự phân định thần học cần thiết thì chẳng đả động gì đến.
- Sau cùng, liên quan tới sự dị biệt giữa những nền văn hoá trong việc phục vụ đức tin thì vấn đề còn lại là phải biết truyền đạt Tin Mừng, bằng cách lưu ý đến các bối cảnh văn hóa của các dân tộc mà Phúc Âm được loan báo, để Tin Mừng có thể được thực sự đón nhận như một tin vui lớn cho đời sống con người và xã hội.[51]
- Việc huấn luyện làm tông đồ và truyền giáo là một trong các công tác cơ bản của việc dạy giáo lý. Tuy nhiên, trong lúc mà hoạt động giáo lý tiến hành việc đào tạo cho những người tín hữu có một sự nhạy cảm mới để họ làm chứng tá Kitô giáo, đối thoại liên tôn và dấn thân vào đời, thì việc giáo dục sứ mệnh đến với muôn dân lại còn yếu kém và thiếu sót. Thường thì việc dạy giáo lý dành cho việc truyền giáo một quan tâm phụ thuộc và có tính cách giai đoạn.

VIỆC GIEO HẠT GIỐNG TIN MỪNG

31.       Sau khi xem xét thửa đất, người gieo giống bắt đầu sai các người thợ đi rao giảng Tin Mừng trên toàn cõi đất, bằng cách thông ban cho họ sức mạnh Thánh Thần của Người. Đồng thời dạy họ biết đọc các dấu chỉ của thời đại và cũng yêu cầu họ chuẩn bị rất chu đáo để thực hiện việc gieo giống.

Làm thế nào để đọc những dấu chỉ thời đại
32.       Tiếng nói của Thánh Thần mà Chúa Giêsu, qua Chúa Cha, gửi đến cho các môn đệ Người, đã được nghe thấy qua các biến cố lịch sử[52]. Đàng sau những biến đổi của tình huống hiện tại, trong những động cơ sâu xa của những thách đố đối với việc rao giảng Tin Mừng, cần phải thấy được “những dấu chỉ đích thực về sự hiện diện hay ý định của Thiên Chúa”[53]. Sự phân tích này phải được thực thi nhờ ánh sáng đức tin với lòng trắc ẩn và thương xót.
Nhờ sự trợ lực của các khoa học nhân văn[54]lúc nào cũng cần thiết, Hội Thánh cố khám phá ra ý nghĩa của hoàn cảnh hiện thời trong lòng lịch sử Cứu độ. Những phê phán của nó về thực tại luôn là những định hướng nhằm phục vụ cho việc truyền giáo.

Một số thách đố cho việc dạy giáo lý
33.       Nhằm biểu thị đúng mức sức sống và hiệu quả của mình, việc dạy giáo lý ngày nay phải có những định hướng sau đây:
- Trước hết, phải coi đó là việc phục vụ đích thực cho việc rao giảng Tin Mừng của Hội Thánh, nên phải nhấn mạnh đến đặc tính truyền giáo.
- Việc dạy giáo lý phải dành cho một số trong các đối tượng ưu tiên, như từ trước đến nay vẫn luôn dành cho các em nhỏ, các thiếu nhi, các thiếu niên, giới trẻ và người trưởng thành, nhất là phải bắt đầu từ người trưởng thành.
- Noi gương cách dạy giáo lý của thời các Giáo phụ, việc dạy giáo lý phải đào luyện nhân cách cho người tín hữu và như vậy trở thành trường học thực sự và đặc thù của sư phạm Kitô giáo;
- Việc dạy giáo lý phải nhằm loan báo những mầu nhiệm chính yếu của Kitô giáo, bằng cách cổ võ sự cảm nghiệm về đời sống Ba Ngôi trong Đức Kitô như là trung tâm của đời sống đức tin;
- Sau cùng, việc dạy giáo lý phải dành ưu tiên cho việc đào tạo các giáo lý viên để họ có một đức tin sâu xa.



[1]GS 1.
[2]GS 2.
[3]Ibid.
[4]x. SRS 35.
[5]SRS 13 b ; x. EN 30.
[6]x. CT 29 f.
[7]SRS 41 ; x. TÀI LIỆU THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC, II : De Justitia in mundo (30/11/1971), III, « giáo dục về công lý » : AAS 63 (1971) trang 935-937 ; LC 77.
[8]SRS 42 ; x. ChL 42 ; CEC 2444-2448 ; TMA 51.
[9]x. GIOAN XXIII, Thông điệp Pacem in Terris (11/4/1963), 9-27: AAS 55 (1963), trang 261-270. Trong đó những quyền căn bản của con người được nhấn mạnh. Ở các số 28-34 (AAS 55 [1963], tr. 270-273, người ta lưu ý đến những “quyền chính yếu của con người”. Việc dạy giáo lý phải chú ý đến hai mặt này.
[10]x. SRS 15 a.
[11]x. PP 14 ; CA 29.
[12]ChL 5 d ; x. SRS 26 b ; VS 31 c.
[13]x. ChL 5a ; THĐ 1985, II, D, 1.
[14]x. SRS 15 ; CEC 2444 ; CA 57b.
[15]ChL 37 a ; x. CA 47c.
[16]x.AG 22a.
[17]GS 5.
[18]GS 54.
[19]GS 56c.
[20]x. EN 20 ; CT 53.
[21]GS 19.
[22]Ibid.
[23]EN 55 ; x. GS 19 và LC 41.
[24]THĐ 1985, II, A, 1.
[25]ChL 4.
[26]x.RM 38.
[27]CA 29 ad c; 46c.
[28]x. GS 36. GIOAN PHAOLÔ II, trong thông điệp Dominum et vivificantem (18/5/1996) số 38: AAS 78 (1986), trang 851-852, liên tưởng đến:  “ý thức hệ về ‘cái chết của Thiên Chúa’ lại chứng tỏ qua các hậu quả, trên bình diện lý thuyết và thực hành, chính cái ý thức hệ về ‘cái chết của con người’ ”.
[29]VS 101; x. EV 19-20.
[30]x. CT 3; MPD 4.
[31]TMA 36b; x. GS 19c.
[32]EN 52; x. CT 19 và 42.
[33]EN 56.
[34]EN 52.
[35]EN 48; x. CT 54; ChL 34b; DGC (1971) 6; THĐ 1985, II, A, 4.
[36]EN 52.
[37]x. EN 52; CT 44.
[38]x. ChL 34b; RM 33d.
[39]LG 10.
[40]THĐ 1985, I, 3.
[41]Ibid.
[42]x. THÁNH BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN, Thư Communionis Notio (28/5/1992), số 1: AAS 85 (1993), trang 838; TMA 36e.
[43]x. CT 19b.
[44]x. CT 43.
[45]x.CT 27b.
[46]DV 10c.
[47]CT 29b.
[48]x. CT 30.
[49]CT 23.
[50]x. CT 58.
[51]x. EN 63.
[52]x. FC 4b ; ChL 3e.
[53]GS 11 ; x. GS 4.
[54]x. GS 62e ; FC 5 c.