• Trang chủ

GIÁO LÝ VIÊN TRƯỚC NHỮNG THÁCH ĐỐ HIỆN NAY


BÀI ĐỌC THÊM:
Hoạt động loan báo Tin Mừng của Giáo Hội nhiệm vụ của Huấn giáo nói riêng đặt giáo lý viên trước những thách đố của thời đại hiện nay để làm sao có thể loan báo Tin Mừng Chúa Kitô trong môi trường của chúng ta đang sống và hoạt động, và là những chứng tá của đức tin và đời sống Kitô giáo.
Trong hoàn cảnh tại Việt Nam hiện nay, xin nêu những thách đố sau: quan tâm đến đời sống cộng đồng, thăng tiến con người – ưu tiên người nghèo, hội nhập văn hoá, đối thoại với các giáo hội Kitô giáo anh em và các tôn giáo bạn.
I. Quan Tâm Đến Đời Sống Cộng Đồng [2]:
1. Ý Nghĩa Của Phục Vụ?
Giáo lý viên đáp lại tiếng gọi của Chúa, làm môn đệ Người nên phải noi theo Đấng là Thầy và là Chúa mà đã sống như một người phục vụ:“Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ” (Lc 22,27)
Việc phục vụ đưa đến sự hiệp thông với Thiên Chúa, với Giáo Hội và giữa các thành viên trong cộng đồng.
2. Phục Vụ Những Ai ?
Phục vụ tất cả mọi người, dù họ thuộc loại nào: thiếu niên và trưởng thành, nam và nữ, sinh viên và công nhân, người khoẻ và người bệnh, công giáo, các Kitô hữu anh em và những người chưa gia nhập Kitô giáo.
Trên thực tế đó là chăm lo cụ thể cho những người được trao phó cho mình và luôn sẳn sàng để hiểu biết những nhu cầu riêng biệt của họ, để có thể giúp đỡ họ.
Cách riêng quan tâm đặc biệt đến các bệnh nhân và những người lớn tuổi. Với các bệnh nhân, giúp họ biết kết hợp với Chúa Giêsu, “Đấng đã mang lấy những yếu đuối và chữa lành các bệnh tật của chúng ta” (Mt 8,17; Is 53, 4). Với những người già giúp họ sống hoà mình giữa gia đình và cảm thấy được mọi người gần gũi, nhất là cảm thấy vui vì hy vọng được sự sống đời đời.
Và cũng luôn nhạy cảm với một số người sống trong những trường hợp khó khăn như vợ chồng rối, con cái có cha mẹ ly dị, ly thân, … chia sẻ và bày tỏ cho họ lòng thương xót của Thiên Chúa được thực hiện nơi Con của Ngài làĐức Giêsu Kitô.” (Mt 9,36; Mc 6, 34; Lc 7, 13).
II. Thăng Tiến Con Người [3]
1. Vấn Đề Thăng Tiến Con Người Và Ưu Tiên Chọn Người Nghèo
Thăng tiến con người là làm cho đời sống kinh tế, xã hội, văn hoá, chính trị được nâng cao và phát triển, xoá bỏ dần nghèo đói, ngu dốt, áp bức, bóc lột, thiếu dân chủ và tự do…
Ưu tiên bảo vệ người nghèo là chọn lựa của Chúa Kitô, của Giáo Hội, là đòi hỏi của đức ái Kitô giáo và cũng là đòi hỏi của đức công bằng
Người nghèo trước hết là những người thiếu thốn vật chất. Họ đang chiếm đa số trong thế giới. Ngoài ra còn có những người bị áp bức, bị bách hại, bị đẩy ra bên lề xã hội, và những người rất cần được cứu giúp như người tàn tật, thất nghiệp, tù nhân, tị nạn, di cư, nghiện ngập, bệnh nhân Sida…
2. Bổn Phận Của Giáo Lý Viên
“Sứ điệp Tin Mừng có sức mạnh hoán cải tâm hồn và lý trí, giúp nhận ra phẩm giá con người, cổ võ tình liên đới, dấn thân và phục vụ thúc đẩy con người cùng nhau xây dựng một xã hội hoà bình, công bằng.” Như thế, việc thăng tiến con người liên kết chặt chẽ với việc loan báo Tin Mừng [4]. Đó là sứ mạng duy nhất của Giáo Hội.
Đem sứ điệp Tin Mừng vào lãnh vực trần thế là nhiệm vụ của giáo dân [5]. Giáo lý viên có vai trò rất đặc biệt trong lãnh vực này. Nhờ sống gần gũi với mọi người trong môi trường xã hội mình sống và làm việc, giáo lý viên giải thích và giải quyết mọi vấn đề, mọi hoàn cảnh dưới ánh sáng Tin Mừng, giúp những người xung quanh ý thức thực tại họ đang sống để cải thiện nó. Và nếu cần lên tiếng thay cho những người yếu đuối để bảo vệ quyền lợi của họ.
III. Hội Nhập Văn Hoá [6]
1. Hội Nhập Tin Mừng Vào Các Nền Văn Hoá
Giáo Hội dùng cụm từ “Hội nhập văn hoá” để chỉ việc Tin Mừng Chúa Kitô hội nhập vào các nền văn hoá khác nhau.
Hội nhập Tin Mừng vào các nền văn hoá, Giáo Hội truyền thông cho các nền văn hoá các giá trị của Tin Mừng và đón nhận những giá trị tốt đẹp của các nền văn hoá và canh tân chúng từ bên trong.
2. Hội Nhập Văn Hoá Như Thế Nào?
Các Giáo Hội địa phương hội nhập văn hoá ngay nơi địa phương mình. Các mục tử có nhiệm vụ nêu ra đường hướng căn bản, các chuyên viên động viên và trợ giúp.
Hội nhập văn hoá dựa trên hai nguyên tắc:
- Dựa vào Lời Chúa trong Kinh Thánh.
- Triển khai việc hội nhập theo Thánh truyền và những chỉ thị của Huấn quyền, tránh làm phương hại đến sự hiệp nhất.
Lòng đạo đức bình dân là một hình thức diễn tả việc hội nhập Tin Mừng vào một nền văn hoá nhất định.
3. Huấn Giáo Với Việc Hội Nhập Văn Hoá
Huấn giáo cũng được mời gọi đem Tin Mừng vào trong văn hoá vá các nền văn hoá [7].
Để dấn thân vào công cuộc hội nhập năng động này, giáo lý viên cần:
- Nghiên cứu về nhân văn và ngôn ngữ dân tộc,
- Nắm vững các hướng dẫn của Giáo Hội về hội nhập văn hoá
- Tham gia các dự án mục vụ chung được thẩm quyền Giáo Hội phê chuẩn.
- Tránh phiêu lưu trong các kinh nghiệm riêng lẻ có thể gây hoang mang cho các tín hữu hoặc đi lạc hướng.
IV. Đối Thoại Với Các Giáo Hội Kitô Anh Em Và Các Tôn Giáo Khác
1. Tinh Thần Đối Thoại
Đối thoại là trò chuyện để trao đổi, bàn bạc, tìm hiểu để biết rõ lẫn nhau, xóa bỏ đi những thành kiến, hiểu lầm và giải quyết những tranh cấp trong tôn trọng và hoà bình.
Phải đối thoại với lòng yêu mến chân lý, luôn cởi mở, lắng nghe, tôn trọng sự khác biệt, sự tự do theo lương tâm của người khác, nhưng chú ý tới các phẩm trật chân lý, dưới sự hướng dẫn của các chủ chăn, và cần cân nhắc kỹ lưỡng [8].
Tránh những tranh cãi, chế nhạo, cạnh tranh bất chính, tránh những thành kiến, áp đặt, cưỡng bách, dụ dỗ…  hoặc xu thời sai lệch.
2. Tinh Thần Đại Kết [9]
Sự chia rẽ giữa các Kitô hữu là điều nghịch lại ý muốn hiệp nhất của Chúa Kitô (x. Ga 17,20) là gương xấu cho thế giới và tổn hại đến việc loan báo Tin Mừng. Sự chia rẽ, ngay từ ban đầu đôi khi là lỗi của những người ở cả hai bên, những người ngày nay sinh trưởng trong các cộng đoàn ấy không thể bị kết tội chia rẽ [10]
Các giáo hội Kitô anh em là Giáo hội Chính Thống Giáo (năm 1054), Giáo hội Cải Cách = Tin Lành (năm 1517), Giáo hội Anh Giáo (tk XVI)
Giáo lý viên cần phải:
- Vun đắp ước vọng hiệp nhất Kitô hữu, tự nguyện đi vào các cuộc đối thoại đại kết, dấn thân vào những sáng kiến đại kết theo vai trò của mình.
- Hiểu biết và trình bày đúng đắn về các Giáo hội Kitô anh em.
- Quan hệ tốt với tín hữu thuộc các giáo hội Kitô anh em, tránh gây tranh cãi và đụng chạm mà cần sống chung hoà hợp và kính trọng nhau, cùng nhau dấn thân để trở thành những người “xây dựng hoà bình”.
3. Đối Thoại Liên Tôn [11]
Giáo Hội không hề phủ nhận những gì là chân thật nơi những tôn giáo ngoài Kitô giáo.
Giáo Hội khuyến khích con cái mình nhìn nhận, duy trì và cổ động cho những giá trị thiêng liêng, luân lý và xã hội nơi các tôn giáo khác, bằng con đường đối thoại và hợp tác cách thận trọng và bác ái với các tín đồ của các tôn giáo ấy mà vẫn là chứng tá của đức tin và đời sống Kitô giáo [12].
Đối thoại là một phần của loan báo Tin Mừng. Để có thể đối thoại và loan báo, giáo lý viên cần:
- Lắng nghe Chúa Thánh Thần, Đấng thúc đẩy đối thoại và làm cho có kết quả.
- Có hiểu biết đúng đắn về các tôn giáo có mặt trong xứ mình.
- Xác tín ơn cứu độ đến từ Đức Kitô, do đó đối thoại gắn liền với loan báo.
- Hợp tác thiết thực với các tổ chức tôn giáo ngoài Kitô giáo.
V. Các Định Hướng Cho Việc Dạy Giáo Lý Trước Những Thách Đố Thời Đại
Theo Thánh bộ Giáo sĩ, trong “Hướng dẫn tổng quát về việc dạy giáo lý”, 1997, số 33, để việc dạy giáo lý hôm nay của Giáo Hội biểu thị sức sống và công hiệu trước những thách đố phải có những định hướng sau:
-          Xem việc dạy giáo lý là công việc phục vụ đích thực cho việc rao giảng Tin Mừng của Giáo Hội, vì thế cần nhấn mạnh đến đặc tính truyền giáo (nhiệm vụ thứ sáu của giáo lý)
-          Như truyền thống của Giáo Hội, việc dạy giáo lý phải luôn dành ưu tiên cho nhi dồng, thiến nhi, thiếu niên, giới trẻ và trưởng thành, cách riêng từ người trưởng thành trở xuống.
-          Theo gương các giáo phụ[13], việc dạy giáo lý phải rèn luyện nhân cách của người tín hữu và như vậy công việc trở thành trường học thực sự và là nét đặc trưng của sư  phạm Kitô giáo.
-          Việc dạy giáo lý phải nhằm loan báo các mầu nhiệm chính yếu của Kitô giáo, cổ võ việc cảm nghiệm đức tin về đời sống Ba Ngôi trong Đức Kitô như là trung tâm của đời sống đức tin.
Việc dạy giáo lý phải ưu tiên cho việc đào tạo nhà giáo dục Kitô để họ có một đức tin sâu sắc.


 GIOAN LASAN –
NHÀ CẢI CÁCH GIÁO DỤC
“Chúa Thánh Thần là Đấng đổi mới mặt địa cầu, Ngài biết những lúc, những thời phải làm cho xuất hiện những con người cần cho các công cuộc mà hoàn cảnh lịch sử đòi hỏi. Vào thời Ngài đã định, Ngài đã gọi Bênađô, Phanxicô, Đaminh...; Ngài đã gọi Inhaxiô thành Loiôla, Têrêsa thành Avila, Gioan Thánh Giá... Trong những thế kỷ gần chúng ta hơn, Ngài đã gọi nhiều người trong đó có Gioan La San...”[14]
Những người được Thiên Chúa chọn gọi cách đặc biệt tham gia vào công trình của Người đáp ứng nhu cầu của thời đại đều được Thiên Chúa ban cho đặc ân có cái nhìn mang tính ngôn sứ.
Công cuộc của các ngài bước đầu chỉ nhằm đáp ứng một nhu cầu cụ thể của thời đại các ngài. Tuy nhiên, bên trong cái vỏ hạn hẹp mong manh của các công cuộc ấy, một mầm sống đặc biệt đã được Thiên Chúa cho ẩn tàng để tiếp tục công trình của Ngài trên thế giới. Mầm sống ấy như “men”, “muối” có đủ năng lực làm dậy lên và ướp mặn cả “khối bột” thế giới; như kim chỉ nam hướng dẫn lối đi cho ở nhiều thời đại và cho nhiều thế hệ khác nhau.
Vào thế kỷ XVII, Gioan LaSan được Thiên Chúa mời gọi và ban cho cái nhìn ngôn sứ về giáo dục. Công cuộc giáo dục của ngài thực hiện vào thời ấy tại Pháp quốc đã khơi dậy một đường lối cải cách cho các nền giáo dục được lịch sử giáo dục thế giới ghi nhận. Trong toàn bộ công cuộc giáo dục mà Thiên Chúa dùng tay ngài để thực hiện, có  vài điểm cải cách quan yếu mà Gioan La San đã thực hiện:
1.             Hội nhập văn hoá: Gioan La San đã táo bạo đề xướng cuộc cải cách trong việc sử dụng tiếng mẹ đẻ (tiếng Pháp) để dạy cho học sinh tập đọc tập viết thay vì dạy thứ tiếng Latinh xa lạ không thiết thực cho cuộc sống đám dân nghèo và con em thợ thuyền.
2.             Giáo dục thực tiễn nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế cuộc sống giúp học sinh có kiến thức và khả năng hội nhập dễ dàng và hữu hiệu vào xã hội: Gioan La San đã cải tổ chương trình, chọn dạy những môn mà nhóm học sinh con giới thợ thuyền có thể đem ra áp dụng được một cách hữu ích trong cuộc sống thực tế hằng ngày của chúng. Dạy cho các em học đọc, học viết, làm thư ký, tính toán...
3.             Tổ chức trường lớp và chương trình học một cách phù hợp với lứa tuổi và trình độ: Nước Pháp thời bấy giờ có các “Trường Nhỏ” tổ chức gần như theo kiểu dạy học của “thầy đồ” tại Việt Nam, Gioan La San tổ chức lại lớp học sắp xếp học sinh theo trình độ của chúng, phân chia giờ học, môn học, giờ nào việc nấy, giúp học sinh tiến dần từ dễ đến khó trong một hệ thống giáo dục liên tục và hợp lý.
4.             Đào tạo chính con người các thầy giáo: Ngay từ đầu khi tiếp xúc với các thầy, Gioan La San đã nhận ra rằng việc chuẩn bị các thầy giáo chính là nền tảng cho việc giáo dục. Và ngài đã hiến mình để đào tạo các thầy “để họ theo đuổi cùng một phương pháp sư phạm, sao cho việc thay thế một thầy giáo này bởi một thầy giáo khác không gây xáo trộn cho học sinh.”[15]  Và để đáp ứng nhu cầu giáo dục ngày càng tăng tại các vùng nông thôn, Gioan La San đã tổ chức trường đào tạo các giáo viên nông thôn “để chuẩn bị kỹ càng những thầy giáo được mời gọi thi hành công tác quan trọng giáo dục nơi thôn dã” một tiền thân của trường sư phạm hiện nay[16].
5.             Sáng Lập Dòng Anh em Trường Kitô: Nghề dạy học đối với Gioan La San là nghề đáng để cống hiến cả cuộc đời và là phương tiện hữu hiệu để tiến tới trong đàng nhân đức và nên thánh [17]. Được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, Gioan La San đã cùng các thầy lập ra Dòng Anh Em Trường Kitô. Ngoài những kỹ năng cần có để có thể dạy dỗ trẻ, Gioan La San muốn các Sư Huynh (Frère) phải gắn bó với trẻ suốt ngày, theo dõi uốn nắn trẻ từng ly từng tí từ kiến thức đến cách cư xử, ăn nói, đi đứng, từ nhân bản đến đời sống đạo đức, tôn giáo để giúp trẻ trở nên những con người toàn diện, quân bình. Trong đức tin, Gioan La San đã coi việc dạy học không còn là một nghề mà là một thừa tác vụ đến từ Thiên Chúa và nhận lãnh từ Giáo Hội. Ngài cho thấy các sư huynh là thừa tác viên của Thiên Chúa, là đại sứ của Chúa Kitô, là thừa tác viên của Giáo Hội... Hội Dòng này quan tâm trước hết tới những nhu cầu giáo dục của người nghèo đang khao khát ý thức phẩm giá làm người và làm con Thiên Chúa, để đem lại cho giới trẻ và người nghèo một nền giáo dục nhân bản và Kitô.
Gioan La San có một cái nhìn đặc sắc về giáo dục, trong đức tin và với lòng nhiệt thành, ngài đã vạch ra một đường lối giáo dục thích hợp với thời đại và trong tầm tay người trẻ. Trong đường lối giáo dục của ngài, không chỉ là việc truyền thụ kiến thức, không phải chỉ là tổ chức công việc cho hợp lý và khoa học... Cái chính yếu làm cho việc truyền bá kiến thức, việc tổ chức dạy học trở nên hữu hiệu nằm ở nơi chính con người của nhà giáo, ở trong mối tương quan giữa nhà giáo với Thiên Chúa và với các học sinh của mình. Đó là mấu chốt để đem đến sự thành công của công cuộc giáo dục mà ngài đã đề xướng và trở thành một đường lối cải cách cho các nền giáo dục.
Vậy mà điều quan yếu ấy dường như đang thiếu vắng trong sự nghiệp giáo dục của đất nước chúng ta hiện nay.


[1] x. Gp. Cần Thơ, Giáo huấn của GH về GLV, tài liệu huấn luyện GLV, bài 10 – 12
[2] Thánh bộ Truyền bá Tin Mừng, sđd, số 11.
[3] Thánh bộ Truyền bá Tin Mừng, sđd, số 13.
[4] ĐGH J.P II, Sứ vụ Đấng Cứu Chuộc (RM), 1990, số 59
[5] ĐGH J.P II, Tông huấn Kitô hữu giáo dân (LC), số 41 - 43
[6] Thánh bộ Truyền bá Tin Mừng, sđd, số 12.
[7] ĐGH J.P II, CT, số 53.
[8]  Vat 2, sắc lện h về hiệp nhất (DM) , 4,11, 24 – Sắc lệnh về truyền giáo  (AG), 15.
[9] Thánh bộ Truyền bá Tin Mừng, sđd, số 14
[10] CĐ Vat 2, DM, số 1và 3.
[11] Thánh bộ Truyền bá Tin Mừng, sđd, số 15.
[12] CĐ Vat 2, Tuyên ngôn liên lạc với các tôn giáo ngoài Kitô giáo (NA), số 2.
[13] Thánh Bộ Giáo Sĩ, sđd, 1997, số 129 – 130.
[14] ĐGH Gioan Phaolô II
[15] Chứng tá của Bouillet theo Frère Edgard Hengemule, Maitre Chretien, Thèmes Lasanllien 42
[16] ĐGH Piô XII, Đoản Sắc Tôn Phong Thánh Gioan La San Quan Thầy Các Nhà Giáo Dục, 15.05.1950
[17] ĐGH Piô XII