PHẦN I: VIỆC DẠY GIÁO LÝ TRONG SỨ MẠNG RAO GIẢNG TIN MỪNG CỦA HỘI THÁNH
“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” (Mc 16, 15)
“ Vậy anh em hãy đi và làm cho
muôn dân trở thành môn đệ, làm Phép Rửa cho họ nhân danh Cha và Con và
Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và
đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế“ (Mt 28,19-20).
“Anh em sẽ nhận được sức mạnh của
Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng
nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho
đến tận cùng trái đất.” (Cv 1,8).
Lệnh truyền giáo của Chúa Giêsu.
34. Sau khi sống lại, Chúa Giêsu đã
gởi Thánh Thần của Chúa Cha đến để Ngài hòan tất chương trình cứu độ tự
bên trong và để khuyến khích các môn đệ theo đuổi sứ mạng của mình
trong toàn thế giới như chính Người đã được Cha sai đến. Người là vị rao
giảng Tin Mừng đầu tiên vĩ đại nhất. Người loan báo Nước Thiên Chúa[1] như là sự can thiệp mới mẻ và dứt khoát của Thiên Chúa vào lịch sử và đã gọi cuộc loan báo đó là “Phúc Âm”,
nghĩa là Tin Mừng. Người hiến cả cuộc đời trần thế cho sứ vụ đó: Người
đã làm cho người đời cảm thấy vui mừng được thuộc về Nước Trời [2], được biết những yêu sách và đại hiến chương[3], biết những mầu nhiệm[4] hàm chứa trong đó, biết đời sống huynh đệ của những ai gia nhập[5] và sự sung mãn của Nước Chúa trong tương lai[6].
Ý nghĩa và mục đích của phần này.
35. Phần thứ nhất nhằm định nghĩa tính đặc thù của việc dạy giáo lý.
Chương thứ nhất chú ý đến thần học, vắn tắt nhắc lại khái niệm Mạc Khải đã được trình bày trong Hiến Chế Dei Verbum (Mạc Khải). Nó xác định cách hiểu tác vụ Lời Chúa. Những khái niệm Lời Chúa, Phúc Âm, Nước Thiên Chúa và Thánh Truyền được dùng trong Hiến chế Tín lý tạo nên ý nghĩa của việc dạy giáo lý. Cùng với chúng, khái niệm Phúc Âm hóa
trở thành điểm quy chiếu bắt buộc đối với việc dạy giáo lý. Tính năng
động và những yếu tố của nó đã được trình bày rất rõ rệt, mới mẻ và sâu
sắc trong Tông huấn Evangelii Nuntiandi (Loan Báo Tin Mừng).
Chương thứ hai đặt việc dạy giáo lý vào
khung cảnh việc rao giảng Tin Mừng và liên kết nó với các hình thức khác
của tác vụ Lời Chúa. Nhờ vào mối tương quan đó, người ta dễ nhận ra nét
đặc thù của việc dạy giáo lý hơn.
Chương thứ ba phân tích trực tiếp hơn
việc dạy giáo lý: tính Hội Thánh của việc dạy giáo lý; mục tiêu của việc
dạy giáo lý thông hiệp với Chúa Giêsu Kitô; những nhiệm vụ của việc dạy
giáo lý, tinh thần giáo lý dự tòng thời Giáo hội sơ khai linh hoạt cho
việc dạy giáo lý.
Quan điểm về việc dạy giáo lý như thế quyết định một cách sâu xa việc tuyển chọn và sắp đặt nội dung của việc dạy giáo lý (kiến thức, kinh nghiệm, thái độ),
phải xác định rõ những đối tượng của việc dạy giáo lý và xác định
phương pháp giảng dạy cần phải có nhằm đạt được những mục tiêu.
Hạn từ “dạy giáo lý” tiến triển theo ngữ
nghĩa học suốt hai mươi thế kỷ của lịch sử Hội Thánh. Trong cuốn Hướng
dẫn này, khái niệm “dạy giáo lý” được gợi hứng từ những tông huấn hậu
công đồng, nhất là: Evangelii Nuntiandi, Catechesi Tradendae và Redemptoris Missio. (Loan Tin Mừng, Dạy Giáo Lý, Sứ Vụ Đấng Cứu Độ).
CHƯƠNG I
Mạc khải và truyền đạt mạc khải bằng rao giảng Tin Mừng
“Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ
Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Trong Đức Kitô, từ cõi trời, Người đã
thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần... Người
cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu: thiên ý này là kế hoạch yêu thương
Người đã định từ trước trong Đức Kitô. Đó là đưa thời gian tới hồi viên
mãn là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức
Kitô”.(Ep 1,3-10)
Việc Mạc Khải ý định an bài của Thiên Chúa.
36. “Thiên Chúa, Đấng tạo dựng và
bảo tồn mọi sự nhờ Ngôi Lời, không ngừng làm chứng về mình trước mặt
loài người qua các thụ tạo”[7].
Con người, do bản tính và ơn gọi, “có khả năng nhận biết Thiên Chúa”.
Vì vậy, khi nghe sứ điệp của công cuộc Sáng Tạo, họ có thể biết chắc
chắn rằng Thiên Chúa là nguyên nhân và cùng đích của mọi sự, Ngài hiện
hữu và có thể tỏ mình ra cho con người.
Hiến chế Dei Verbum của Công
Đồng Vaticanô II đã miêu tả Mạc Khải là tác động Thiên Chúa tự tỏ mình
cho con người. Thực vậy, Thiên Chúa tỏ mình ra như Đấng muốn tự thông
đạt chính mình, bằng cách làm cho con người thông phần vào bản tính
Thiên Chúa[8]. Ngài đã thực hiện ý định tình thương của Ngài như vậy.
“Thiên Chúa nhân lành và khôn ngoan đã
muốn mạc khải chính mình và tỏ cho mọi người biết mầu nhiệm thánh ý
Ngài… để mời gọi và đón nhận họ hiệp thông với Ngài”[9]
37. Ý định quan phòng[10] của Chúa Cha, đã được mạc khải trọn vẹn trong Chúa Giêsu Kitô và được thực hiện bởi sức mạnh Thánh Thần.
Việc đó bao gồm:
- Sự Mạc Khải của Thiên Chúa về “chân lý thẳm sâu của Ngài”[11], về “sự kín nhiệm của Ngài”[12], về ơn gọi đích thực và phẩm giá con người[13].
- Việc ban ơn cứu độ cho mọi người, như là ân sủng và lòng nhân từ của Thiên Chúa[14], bao hàm sự giải thoát khỏi sự dữ, tội lỗi và cái chết[15].
- Lời mời gọi chung cuộc nhằm tập hợp mọi con cái đang tản mác, thành gia đình của Thiên Chúa, trong tình hợp nhất huynh đệ[16].
Mạc Khải : sự kiện và lời nói.
38. Để mạc khải cho loài người, Thiên Chúa quyền năng, đã dùng một khoa sư phạm[17]:
Ngài thông truyền ý định của mình qua những biến cố và lời nói của con
người; Ngài thực hiện cách tiệm tiến, qua từng giai đoạn[18]
để gần gũi với con người hơn. Thực vậy, Thiên Chúa đã bộc lộ cho loài
người hiểu được ý định cứu độ của Ngài qua những biến cố của lịch sử Cứu
độ và những lời linh ứng kèm theo để giải thích.
“Nhiệm cục Mạc Khải này được thực hiện bằng các biến cố và lời nói liên kết mật thiết với nhau, sao cho:
- Những công trình Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử Cứu độ bày tỏ, củng cố giáo lý và những điều được giải thích qua lời nói.
- Còn lời nói thì công bố những việc làm và soi sáng mầu nhiệm chứa đựng trong đó”[19]
39. Việc rao giảng Tin Mừng, truyền
đạt Mạc Khải cho thế giới, cũng được hoàn thành bằng những công trình
và lời nói. Việc rao giảng Tin Mừng vừa làm chứng vừa loan báo; vừa lời
nói vừa bí tích; vừa giáo huấn vừa dấn thân.
Còn việc dạy giáo lý thì truyền đạt những
sự kiện và lời nói của Mạc Khải: bằng việc công bố và thuật lại, đồng
thời soi sáng những mầu nhiệm thâm sâu hàm chứa trong đó. Mặt khác, việc
dạy giáo lý không chỉ nhắc nhớ những kỳ công Chúa đã làm trong quá khứ,
mà còn nhờ Mạc Khải là nguồn ánh sáng soi cho loài người, để giải thích
những dấu chỉ thời đại và cuộc sống hiện nay của con người, bởi vì
chính nơi họ mà Thiên Chúa hoàn tất chương trình cứu độ thế gian[20].
Chúa Giêsu Kitô, Đấng trung gian và sự viên mãn của Mạc Khải.
40. Thiên Chúa mạc khải cho con
người một cách tiệm tiến, qua trung gian các tiên tri và các biến cố cứu
độ, cho đến khi hoàn tất Mạc Khải của Ngài bằng việc sai chính Con chí
ái của Ngài[21].
“Chúa Giêsu Kitô, bằng tất cả sự hiện
diện và tỏ mình qua lời nói cũng như việc làm, dấu chỉ và phép lạ, nhất
là qua cái chết và sự sống lại vinh quang từ kẻ chết, sau cùng bằng việc
phái Thần Chân Lý đến bổ túc và hoàn tất Mạc Khải”[22].
Chúa Giêsu Kitô không những là vị tiên
tri lớn nhất, mà còn là Người Con vĩnh hằng của Thiên Chúa đã làm người,
và vì thế, là biến cố cuối cùng hội tụ mọi biến cố của lịch sử Cứu độ[23]. Thực vậy, Người là “Lời duy nhất, hoàn hảo và dứt khoát của Chúa Cha”[24].
41. Tác vụ Lời Chúa phải làm nổi
bật đặc tính tuyệt vời và đặc thù này của nhiệm cục Mạc Khải, đó là Con
Thiên Chúa đã đi vào lịch sử của con người, đã nhận lấy sự sống và sự
chết của nhân loại, đã thực hiện Giao ước mới và chung cuộc giữa Thiên
Chúa và con người. Vai trò riêng biệt của việc dạy giáo lý là tỏ cho
biết Chúa Giêsu Kitô là ai - về đời sống và mầu nhiệm của Người -, cũng
như trình bày đức tin Công Giáo như là việc bước theo Người[25].
Vì thế, việc dạy giáo lý phải khởi đi từ những sách Tin Mừng, “tâm điểm
của Thánh Kinh vì nó là chứng tá nền tảng về đời sống và giáo huấn của
Ngôi Lời Nhập thể, Đấng Cứu Độ chúng ta”[26].
Sự kiện Chúa Giêsu Kitô, sự viên mãn của Mạc Khải là nền tảng của tính “qui Kitô”[27]
trong việc dạy giáo lý: trong sứ điệp mạc khải, mầu nhiệm Đức Kitô
không phải là một yếu tố thêm vào với bao yếu tố khác nhưng là tâm điểm
từ đó mà mọi yếu tố khác được sắp xếp và soi sáng.
Việc thông truyền Mạc Khải qua Hội Thánh là công trình của Chúa Thánh Thần.
42. Mạc Khải của Thiên Chúa, đạt
đỉnh cao trong Chúa Giêsu Kitô, được dành cho toàn thể nhân loại: “Thiên
Chúa muốn cho mọi người được cứu độ và đạt tới sự nhận biết chân lý”
(1Tm 2,4). Theo ý muốn cứu độ phổ quát này, Thiên Chúa đã liệu cho Mạc
Khải được truyền đến mọi dân tộc, mọi thế hệ và vẫn luôn nguyên tuyền [28].
43. Để hoàn tất chương trình của
Thiên Chúa, Chúa Giêsu Kitô đã thiết lập Hội Thánh trên nền tảng các
Tông Đồ và sau khi đã gởi Thánh Thần của Chúa Cha đến thì Người sai họ
đi giảng Tin Mừng trên toàn thế giới. Các Tông Đồ đã dùng lời nói, việc
làm và những bút tích, để trung thành thực hiện lệnh truyền đó [29].
Truyền thống tông đồ đó vẫn tiếp nối
trong và qua Hội Thánh. Toàn thể Hội Thánh, cả mục tử và giáo dân đều
cẩn thận gìn giữ và thông truyền. Thực vậy, trong Hội Thánh, Tin Mừng
được bảo toàn nguyên vẹn và sinh động: các môn đệ của Chúa Giêsu Kitô
luôn chiêm ngắm và suy niệm Tin Mừng, sống Tin Mừng hằng ngày và loan
báo theo sứ vụ của mình. Chúa Thánh Thần không ngừng làm phong phú Hội
Thánh khi Hội Thánh sống Tin Mừng; Ngài làm cho Hội Thánh lớn lên không
ngừng trong việc am hiểu Tin Mừng, hằng thúc đẩy và nâng đỡ Hội Thánh
trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng trên khắp mặt đất[30].
44. Việc bảo tồn nguyên vẹn Mạc
Khải, là Lời Chúa được chứa đựng trong Thánh Kinh và Thánh Truyền, cũng
như việc lưu truyền liên tục Lời Chúa phải bảo đảm tính chân thực. Được
Chúa Thánh Thần nâng đỡ và phú ban “đặc sủng chân lý”, Huấn Quyền của
Hội Thánh có nhiệm vụ “giải thích Lời Chúa cách xác thực”[31].
45. Hội Thánh là “bí tích cứu độ phổ quát”[32],
được Chúa Thánh Thần tác động đang thông truyền Mạc Khải qua việc rao
giảng Tin Mừng; Hội Thánh loan báo Tin Mừng về ý định cứu độ của Chúa
Cha, và thông ban các ơn thánh qua các bí tích.
Nhờ sự vâng phục đức tin đối với Thiên
Chúa, Đấng Mạc Khải, con người tự do tháp nhập vào “Tin Mừng về ân sủng
của Thiên Chúa” với sự ưng thuận trọn vẹn của trí khôn và ý chí. (Cv
20,24). Được hướng dẫn bởi đức tin là ân huệ của Chúa Thánh Thần, con
người đạt tới việc chiêm ngưỡng và cảm nếm Thiên Chúa tình yêu, Đấng đã
mạc khải sự phong phú của vinh quang mình trong Chúa Giêsu Kitô[33].
Việc loan báo Tin Mừng [34]
46. Hội Thánh “hiện hữu để rao giảng Tin Mừng”[35], nghĩa là “đem Tin Mừng cho mọi tầng lớp nhân loại và nhờ ảnh hưởng Tin Mừng, canh tân nhân loại từ bên trong”[36].
Lệnh truyền giáo của Chúa Giêsu có nhiều khía cạnh liên kết mật thiết
với nhau: “loan báo” (Mc 16,15), “ thâu nạp môn đệ và dạy dỗ”[37], “hãy trở thành chứng nhân”[38], “hãy rửa tội”[39],
“hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Lc 22,19), “hãy yêu thương nhau”
(Ga 15,12). Loan báo, làm chứng, giáo huấn, các bí tích, yêu tha nhân,
thâu nạp môn đệ... những sắc thái ấy đều là những con đường và phương
tiện cho việc truyền đạt Phúc Âm và cấu thành những yếu tố của việc rao
giảng Tin Mừng.
Một số yếu tố có tầm quan trọng đến nỗi
đôi khi người ta như muốn đồng hóa nó với việc rao giảng Tin Mừng. Tuy
nhiên, “không một định nghĩa riêng lẻ và rời rạc nào lại có khả năng lý
giải được thực tại phong phú, phức tạp và sinh động của việc rao giảng
Tin Mừng.”[40] Vì làm như vậy, có nguy cơ khiến nó nghèo đi, hay què quặt. Mà đúng ra nó phải được phát triển “toàn diện”[41] và kết hợp chặt chẽ hai khía cạnh riêng biệt của nó: làm chứng và loan báo[42], lời và bí tích[43], thay đổi nội tâm và cải tạo xã hội[44]. Những thừa tác viên của việc rao giảng Tin Mừng phải biết hành động với một “cái nhìn tổng thể”[45] trong việc rao giảng Tin Mừng và đồng hóa nó với toàn bộ sứ vụ của Hội Thánh[46].
Tiến trình rao giảng Tin Mừng.
47. Hội Thánh, tuy mang theo trong mình đầy đủ mọi phương tiện cứu độ nhưng hành động một cách tuần tự[47]. Sắc lệnh Công Đồng Ad Gentes
(Đến Với Muôn Dân)đã giải thích rất rõ sự năng động của tiến trình rao
giảng Tin Mừng: chứng tá của người Kitô hữu, đối thoại và hiện diện bằng
đức ái (số 11-12), rao giảng Tin Mừng và kêu mời hoán cải (13), giáo lý
dự tòng và khai tâm Kitô giáo (14), đào tạo cộng đoàn Kitô hữu bằng các
bí tích và các tác vụ (15-18)[48]. Đó là sức năng động của việc đặt nền móng và xây dựng Hội Thánh.
48. Vì thế, việc rao giảng Tin Mừng
phải được quan niệm như tiến trình qua đó Hội Thánh loan báo và phổ
biến Tin Mừng cho toàn thế giới, dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần :
- Hội Thánh được đức ái thôi thúc, tiếp tục thấm nhập và biến đổi mọi trật tự trần thế, bằng cách đảm nhận và canh tân các nền văn hóa[49].
- Hội Thánh làm chứng cho các dân tộc[50] bằng sự hiện diện và sống một cách thế mới, vốn là nét đặc thù của các Kitô hữu.
- Hội Thánh khai tâm đức tin và đời sống Kitô hữu, qua “việc dạy giáo lý”[53] và qua các “bí tích khai tâm”[54],
cho những ai trở lại với Chúa Giêsu Kitô hay cho những ai muốn khởi đầu
lại hành trình đi theo Người, tháp nhập họ vào cộng đoàn Kitô hữu[55].
- Hội Thánh không ngừng phát triển ơn thông hiệp[56]
nơi các tín hữu, bằng việc giáo dục thường xuyên về đức tin (qua các
bài giảng, các hình thức cử hành Lời Chúa), bằng các bí tích và việc
thực thi bác ái.
- Hội Thánh không ngừng thúc đẩy việc truyền giáo [57], bằng cách sai các môn đệ của Đức Kitô đi rao truyền Tin Mừng, bằng lời nói và việc làm trên toàn thế giới.
49. Vì vậy, tiến trình rao giảng Tin Mừng [58] được tổ chức theo từng giai đoạn hay vào những “thời điểm chính yếu”[59]:
hoạt động truyền giáo cho những người không tin và cho những người đang
sống lãnh đạm với tôn giáo; hoạt động giáo lý khai tâm dành cho những
ai đã chọn lựa sống theo Tin Mừng và cho những ai cần bổ sung hay tái
sắp xếp đời sống khai tâm của mình; và hoạt động mục vụ đối với những
giáo hữu đã trưởng thành nơi cộng đoàn tín hữu[60].
Những thời điểm ấy không phải là giai đoạn cuối cùng: nếu cần chúng
phải được lập lại, vì chúng sẽ đem lại lương thực Phúc Âm thích hợp hơn
cho sự phát triển thiêng liêng của mỗi người hay mỗi cộng đoàn.
Tác vụ Lời Chúa trong việc rao giảng Tin Mừng
50. Tác vụ Lời Chúa[61]
là yếu tố nền tảng của việc rao giảng Tin Mừng. Sự hiện diện của người
Kitô hữu giữa những nhóm người khác nhau và chứng tá đời sống cần phải
được sáng tỏ và chứng thực bằng việc loan báo minh nhiên về Chúa Giêsu
Kitô là Chúa. “Không có việc rao giảng Tin Mừng thật sự nếu danh tánh,
giáo huấn, đời sống, các lời hứa, Vương quốc, mầu nhiệm của Chúa Giêsu
Nagiarét, Con Thiên Chúa, không được loan báo”[62].
Ngay cả những người đã là môn đệ của Đức Kitô cũng cần được Lời Chúa
thường xuyên nuôi dưỡng, để đời sống Kitô hữu của họ được tăng trưởng.[63]
Tác vụ Lời Chúa trong việc rao giảng Tin
Mừng, phải truyền đạt Mạc Khải qua Hội Thánh, bằng cách sử dụng “những
lời” của con người. Nhưng những lời đó phải luôn luôn được quy chiếu vào
“việc làm”: những việc mà Thiên Chúa đã hoàn thành và tiếp tục hoàn
thành, đặc biệt trong phụng vụ; chứng tá đời sống người Kitô hữu; công
cuộc biến đổi mà những người Kitô hữu này cùng với bao nhiêu người thiện
chí nữa thực thi trong thế giới. Lời nhân loại trong Hội Thánh là
phương tiện mà Thánh Thần Chúa đã dùng để tiếp tục đối thoại với con
người. Thực vậy, Chúa Thánh Thần là tác nhân chính của tác vụ Lời Chúa,
nhờ Ngài mà tiếng vang của Tin Mừng dội lại trong Hội Thánh và qua Hội
Thánh, vang lên trong thế giới”[64]
Có “nhiều cách”[65] thực thi tác vụ Lời Chúa. Ngay từ thời các thánh Tông Đồ[66], Hội Thánh đã muốn cống hiến Lời Chúa một cách thích nghi nhất nên đã thực thi tác vụ đó dưới nhiều hình thức[67]. Tất cả những hình thức này đều nhằm thực hiện những chức năng nền tảng mà tác vụ Lời Chúa được mời gọi phải chu toàn.
Những chức năng và hình thức của tác vụ Lời Chúa
51. Những chức năng chính yếu của tác vụ Lời Chúa:
- Triệu tập và mời gọi đón nhận đức tin.
Đó là nhiệm vụ trực tiếp xuất phát từ
lệnh truyền giáo của Chúa Giêsu. Nhiệm vụ này thực hiện qua lời “loan
báo đầu tiên” cho những kẻ không tin: những người không muốn tin, những
người đã chịu Phép Rửa nhưng không giữ đạo và những người thuộc những
tôn giáo khác...[68] Sự khơi dậy tình cảm tôn giáo nơi trẻ nhỏ trong các gia đình Kitô giáo cũng là một hình thức rất quan trọng của nhiệm vụ này.
- Sự khai tâm.
Những người được ân sủng thúc đẩy và
quyết định đi theo Chúa Giêsu thì “được dẫn vào đời sống đức tin, đời
sống phụng vụ và đời sống bác ái của Dân Thiên Chúa”[69].
Hội Thánh thực hiện nhiệm vụ này, chủ yếu nhờ việc dạy giáo lý, kết hợp
chặt chẽ với các bí tích khai tâm mà họ đã hay sẽ lãnh nhận. Những hình
thức quan trọng là: dạy giáo lý cho người lớn chưa chịu Phép Rửa tội
trong thời kỳ dự tòng; dạy giáo lý cho người lớn đã chịu Phép Rửa tội
muốn trở lại đời sống đức tin, hay những người cần hoàn tất thời kỳ khai
tâm của họ; dạy giáo lý cho trẻ em, cho giới trẻ, vốn là những người
cần được khai tâm. Ngay cả việc giáo dục Kitô giáo tại gia hay việc dạy
giáo lý ở học đường cũng đóng vai trò khai tâm.
- Việc giáo dục thường xuyên về đức tin.
Ở nhiều nơi, việc này được gọi là “dạy giáo lý thường xuyên”[70].
Việc giáo dục này dành cho những Kitô hữu
mới được khai tâm về những yếu tố nền tảng, suốt đời họ cần phải không
ngừng nuôi dưỡng và tăng trưởng đức tin. Công việc này được thực hiện
dưới nhiều hình thức khác nhau: “theo hệ thống hay cơ hội, cá nhân hay
cộng đoàn, có tổ chức hay tự phát v.v...”[71].
- Chức năng phụng vụ.
Tác vụ Lời Chúa cũng bao gồm chức năng
phụng vụ, vì khi được thực hiện trong một hành vi thánh thiêng, thì nó
là thành phần của hành vi ấy[72].
Tác vụ Lời Chúa biểu lộ cách tuyệt vời nhất qua bài giảng lễ. Ngoài ra
trong khi cử hành Lời Chúa, còn có những hình thức khác, như những huấn
dụ và hướng dẫn. Cũng phải kể đến việc chuẩn bị gần cho các bí tích khác
nhau, cho việc cử hành bí tích, và nhất là giúp cho giáo dân tham dự Bí
tích Thánh Thể, như là hình thức đầu tiên của việc giáo dục đức tin.
- Chức năng thần học.
Tìm cách phát huy sự hiểu biết về đức tin
bằng cách dùng « đức tin để tìm kiến thức », nghĩa là nhờ đức tin mà
hiểu biết nhiều hơn[73].
Để hoàn tất chức năng này, khoa thần học phải tiếp xúc và đối thoại với
những trào lưu tư tưởng triết học, với các thuyết nhân bản vốn đặt nặng
về văn hoá và với các khoa học nhân văn. Thần học được trình bày dưới
nhiều dạng thức khác nhau tạo thuận lợi cho việc « trình bày có hệ thống
và việc nghiên cứu có khoa học về các chân lý đức tin. »[74].
52. Những hình thức quan trọng của
tác vụ Lời Chúa là: sự loan báo đầu tiên hay lời giảng truyền giáo; việc
dạy giáo lý trước và sau rửa tội; những hình thức phụng vụ và thần học.
Thông thường những hình thức đó, vì lý do mục vụ, phải đảm nhận cùng
một lúc nhiều chức năng khác nhau. Chẳng hạn việc dạy giáo lý, đồng thời
với chức năng khai tâm, thường phải hoàn tất những công việc truyền
giáo. Chính việc giảng lễ, tùy hoàn cảnh cũng phải đảm nhiệm công việc
triệu tập và khai tâm một cách có tổ chức.
Sự hoán cải và đức tin.
53. Khi loan báo Tin Mừng Mạc Khải cho thế giới, việc rao giảng Phúc Âm mời gọi mọi người hoán cải và tin theo[75].
Ngày nay, lời kêu gọi của Chúa Giêsu, “hãy sám hối và tin vào Tin
Mừng”(Mc 1, 15) cũng còn đang vang lên, qua công trình rao giảng Phúc Âm
của Hội Thánh.
Đức tin Kitô giáo, trước tiên là trở về với Chúa Giêsu Kitô[76], kết hợp trọn vẹn và chân thành với Ngôi vị của Người, và quyết tâm bước theo Người[77].
Đức tin là một cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu Kitô, trở thành môn
đệ Người, biết dấn thân suy tư như Người, phán đoán như Người và sống
như Người đã sống[78]. Do đó, người tín hữu liên kết với cộng đoàn các môn đệ và lấy đức tin của Hội Thánh làm đức tin của mình[79].
54. Lời “xin vâng” theo Chúa Giêsu
Kitô, Ðấng Mạc Khải trọn vẹn về Chúa Cha, bao gồm hai chiều kích: tín
thác vào Thiên Chúa và yêu mến đón nhận tất cả những gì Ngài đã mạc khải
cho chúng ta. Điều đó chỉ thực thi được nhờ tác động của Chúa Thánh
Thần[80].
- “Nhờ sự vâng phục đức tin, con người phó thác trọn vẹn bản thân cho Thiên Chúa một cách tự do.
- Trong sự tôn kính trọn vẹn của lý trí
và ý chí đối với Thiên Chúa, Đấng mạc khải và trong sự vâng phục tự
nguyện đối với Mạc Khải mà Chúa đã tặng ban”[81]
“Tin qui chiếu vào hai điểm: Đấng Mạc Khải và chân lý mạc khải ; tin chân lý mạc khải vì tin tưởng ở Đấng Mạc Khải”[82].
55. Đức tin bao hàm một sự thay đổi đời sống, một “metanoïa”[83],
nghĩa là một biến đổi sâu xa lòng trí dẫn người tin đến “một cách hiện
hữu mới, một cách sống mới, một cách sống chung mới mà Tin Mừng đã khởi
xướng”[84].
Sự thay đổi này được biểu lộ trên mọi lãnh vực của đời sống người Kitô
hữu, trong đời sống nội tâm là tôn thờ và đón nhận thánh ý Chúa; trong
sự tham gia vào sứ mạng của Hội Thánh; trong đời sống hôn nhân và gia
đình; trong đời sống nghề nghiệp; trong mọi sinh hoạt kinh tế và xã hội.
Đức tin và sự hoán cải nảy sinh từ “cõi
lòng”, nghĩa là từ chốn thẳm sâu nhất của con người và liên quan đến
toàn diện của con người ấy. Nhờ sự gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô và gắn bó với
Người, con người được thoả mãn những nguyện ước sâu xa nhất của mình, họ
gặp được điều họ hằng tìm kiếm và chiếm hữu nó một cách dồi dào[85]. Đức tin đáp ứng “nguyện vọng”[86],
thường là cách vô thức và giới hạn, được nhận biết chân lý về Chúa, về
con người và về định mệnh của mình. Nó giống như dòng nước trong[87] mà con người gặp được trên đường lữ hành tìm về nhà mình.
Đức tin là hồng ân Chúa ban. Nó nảy sinh từ đáy lòng con người như một thứ hoa trái của “ơn dự phòng và trợ lực”[88],
và như một đáp trả hoàn toàn tự do đối với tiếng gọi của Chúa Thánh
Thần, Ðấng đánh động con tim và hướng nó về Thiên Chúa, bằng cách đem
lại cho nó sự “ngọt ngào được nếm cảm và tin theo chân lý”[89].
Đức Trinh Nữ Maria đã sống mọi chiều kích
của đức tin này một cách hoàn hảo nhất. Hội Thánh tôn kính nơi Mẹ “sự
thể hiện tinh ròng nhất của đức tin”[90].
Tiến trình hoán cải thường xuyên.
56. Đức tin là một hồng ân được phát triển trong tâm hồn người tín hữu[91]. Thực vậy, việc gắn bó với Chúa Giêsu Kitô, mở ra một tiến trình hoán cải thường xuyên đến suốt đời[92]. Con người đón nhận đức tin giống như một em bé sơ sinh[93], dần dần lớn lên và trưởng thành làm nên « Con Người hoàn hảo »[94], thực hiện sự viên mãn của Đức Kitô.
Theo quan điểm thần học thì trong tiến trình đức tin và hoán cải, cần lưu ý đến những giai đoạn chính yếu sau đây :
a) Quan tâm đến Tin Mừng: Thời
điểm trước hết là thời điểm lời loan báo đầu tiên làm nảy sinh trong
tâm hồn của người chưa tin, của người còn dửng dưng hoặc đang thuộc về
một tôn giáo khác, một quan tâm đến Tin Mừng dù chưa có một quyết định
chắc chắn. Tác động đầu tiên này nhằm hướng tâm trí con người về đức
tin, đã là hoa trái của ân sủng, mang nhiều tên gọi như: “một hướng
chiều về đức tin”[95], “chuẩn bị đón nhận Tin Mừng”[96], xu hướng tin theo, “tìm kiếm đạo giáo”[97]. Hội Thánh gọi những người biểu lộ sự quan tâm này là những “cảm tình viên”[98].
b) Sự hoán cải: mối quan tâm đầu tiên đối với Tin Mừng đòi một thời gian tìm hiểu[99]trước
khi có được một chọn lựa chắc chắn. Chọn lựa đức tin là một quyết định
có cân nhắc kỹ lưỡng. Nhờ tác động của Chúa Thánh Thần và lời rao giảng
đầu tiên, sự tìm kiếm ấy đưa đến việc hoán cải, tất nhiên mới chỉ là
« ban đầu »[100],
nhưng đã dẫn người ta đến việc gắn bó với Đức Kitô và ước muốn đi theo
Người. Sự “lựa chọn căn bản” đó làm nền tảng cho tất cả cuộc sống Kitô
hữu, của người môn đệ Chúa[101].
c) Tuyên xưng đức tin. Niềm tín
thác nơi Chúa Giêsu Kitô làm nảy sinh nơi người tín hữu ước muốn được
nhận biết Người cách sâu xa hơn và nên giống Người. Việc dạy giáo lý
khởi sự giúp họ nhận biết đức tin và tập sống đời Kitô hữu, bằng cách
giới thiệu cho họ con đường thiêng liêng “dần dần thay đổi não trạng và
thói quen”[102],
làm cho họ biết từ bỏ và phấn đấu, cũng như đem lại cho họ niềm vui
khôn lường Chúa ban. Người môn đệ của Chúa Giêsu Kitô lúc đó phải sẵn
sàng để tuyên xưng đức tin sống động, tỏ tường và mãnh liệt[103].
d) Đường dẫn đến sự trọn lành.
Sự trưởng thành ban đầu này, nguồn mạch của việc tuyên xưng đức tin,
chưa phải là giai đoạn cuối trong tiến trình hoán cải thường xuyên. Sự
tuyên xưng đức tin ngày chịu Phép Rửa là nền móng của một tòa nhà thiêng
liêng được xây cao lên mãi. Người chịu Phép Rửa luôn được tác động bởi
Chúa Thánh Thần, được nuôi dưỡng bởi các bí tích, bởi sự cầu nguyện, bởi
sự thực thi đức ái, và được trợ lực bằng nhiều hình thức giáo dục
thường xuyên về đức tin. Họ tìm cách làm cho ước muốn của Đức Kitô thành
của mình: “Hãy nên trọn lành như Cha các ngươi ở trên trời là Đấng trọn
lành” (Mt 5, 48)[104]. Đó là lời mời gọi nên trọn lành dành cho mọi người đã được rửa tội.
57. Tác vụ Lời Chúa nhằm phục vụ
tiến trình hoán cải trọn vẹn này. Lời loan báo đầu tiên nhằm mời gọi
người ta đón nhận đức tin, việc dạy giáo lý xây dựng nền tảng cho sự
hoán cải và một cấu trúc cơ bản cho đời sống Kitô hữu; việc giáo dục
thường xuyên về đức tin, trong đó Bài Giảng Lời Chúa đóng một vai trò
đặc biệt, là thứ của ăn mà mọi cơ thể trưởng thành cần đến để sống[105].
Việc rao giảng Tin Mừng và các hoàn cảnh xã hội - tôn giáo khác nhau.
58. Trong bối cảnh tôn giáo phức tạp và biến động đang diễn ra cho việc rao giảng Tin Mừng, có “ba tình huống”[106]sau đây đòi hỏi phải có những giải đáp tương xứng và khác biệt.
a) Hoàn cảnh của “các dân tộc, các nhóm
người, các bối cảnh xã hội văn hóa trong đó Đức Kitô và Tin Mừng của
Người chưa được biết đến, hoặc trong đó không có những cộng đồng Kitô
hữu đủ trưởng thành để có thể làm cho đức tin tháp nhập vào môi trường
của họ và loan báo đức tin cho những nhóm khác”[107]. Hoàn cảnh này đòi hỏi “sứ mệnh đến với muôn dân” (mission ad gentes)[108],
tập trung ưu tiên vào người trẻ và người trưởng thành. Nét đặc thù của
nó là nhằm vào những người không phải là Kitô hữu, để kêu mời họ trở
lại. Trong hoàn cảnh này, việc dạy giáo lý được thực hiện bình thường
như thời kỳ dự tòng.
b) Ngoài ra, còn có những hoàn cảnh khác,
mà trong một bối cảnh xã hội văn hóa nhất định, người ta thấy “những
cộng đoàn Kitô hữu có cơ cấu Giáo Hội vững mạnh và thích nghi, có lòng
tin và lòng đạo sốt sắng, làm chứng tá Tin Mừng một cách rạng ngời trong
môi trường của họ và ý thức bổn phận truyền giáo chung”[109]. Những cộng đoàn đó vì đã được hợp thành bởi những con người và những gia đình có một nếp sống Kitô hữu sâu sắc nên cần “một hoạt động mục vụ mạnh mẽ của Hội Thánh”.
Trong bối cảnh đó, việc dạy giáo lý cho trẻ em, cho thiếu niên và giới
trẻ phải xúc tiến những tiến trình khai tâm Kitô giáo thật cẩn thận,
giúp họ đạt tới tuổi trưởng thành với một đức tin chín chắn. Từ những
người được rao giảng Tin Mừng, việc dạy giáo lý làm cho họ trở thành
những người đi rao giảng Tin Mừng. Trong những hoàn cảnh đó, còn phải áp
dụng các phương pháp khác nhau để đào tạo Kitô giáo cho người trưởng
thành.
c) Trong nhiều nước có truyền thống Kitô giáo lâu đời và đôi khi cả trong những Giáo Hội trẻ hơn, còn có một “hoàn cảnh nửa vời”[110]trong
đó có “những nhóm người đã được chịu Phép Rửa nhưng đánh mất cảm thức
đức tin sống động hoặc không còn nhận ra mình là thành phần của Hội
Thánh nữa, họ sống xa cách Đức Kitô và Tin Mừng của Người”[111]. Hoàn cảnh đó đòi phải có một “cuộc tân Phúc Âm hóa”.
Đặc trưng của nó là hoạt động truyền giáo phải nhằm vào những người
thuộc mọi lứa tuổi đã được chịu Phép Rửa nhưng đang sống trong một bối
cảnh tôn giáo mà những quy chiếu Kitô giáo vẫn còn nhưng chỉ được nhận
thức một cách hời hợt. Trong hoàn cảnh này, sự loan báo đầu tiên và việc
dạy giáo lý cơ bản phải được coi là ưu tiên.
Sự phụ thuộc lẫn nhau giữa những hoạt động loan báo Tin Mừng trong những hoàn cảnh này.
59. Những hoàn cảnh xã hội tôn giáo
này quả là rất khác nhau và đừng nên đồng hóa chúng với nhau. Sự khác
biệt ấy vốn đã làm rõ nét cho công cuộc truyền giáo của Hội Thánh, thì
ngày nay, trong thế giới đổi thay này, nó mang một sắc thái mới. Thực
vậy có nhiều hoàn cảnh khác nhau cùng hiện hữu trên một lãnh thổ. Chẳng
hạn như trong những thành phố lớn, phải ứng phó với hoàn cảnh yêu cầu
“sứ mệnh đến với muôn dân” (mission ad gentes) và với hoàn cảnh cần có
“một cuộc tân Phúc Âm hóa”. Giữa những hoàn cảnh như thế, những cộng
đoàn Kitô hữu truyền giáo hiện diện, được xây dựng nhờ một “hoạt động
mục vụ” thích hợp. Thông thường ở thời đại chúng ta, trên địa bàn của
một Giáo Hội địa phương, cần phải đương đầu với toàn bộ những hoàn cảnh
như vậy. “Những ranh giới trách nhiệm mục vụ cho tín hữu, cho việc Phúc
Âm hóa mới, cho hoạt động thừa sai chuyên biệt không thể xác định rõ
ràng được và người ta cũng không nên tạo ra giữa chúng những rào cản hay
một bức tường cứng nhắc”[112]. Thực tế là “mỗi hoàn cảnh đều ảnh hưởng trên nhau, khích lệ và hỗ trợ lẫn nhau”[113].
Vì thế, muốn đem lại sự phong phú hỗ tương cho những hoạt động loan báo Tin Mừng cùng hiện hữu, thì phải lưu ý:
- Sứ mệnh đến với muôn dân (ad gentes),
dù thực hiện ở bất cứ khu vực hay môi trường nào, đều là trọng trách
đặc biệt do Chúa Giêsu uỷ thác cho Hội Thánh; vì vậy nó cũng là chuẩn
mẫu tuyệt vời cho mọi hoạt động truyền giáo của Hội Thánh. “Công cuộc
tân Phúc Âm hóa” không thể bóp chẹt hoặc thay thế “sứ mệnh đến với muôn
dân”, nhưng vẫn là hoạt động truyền giáo chuyên biệt và tiên quyết[114].
- “Kiểu mẫu của mọi việc dạy giáo lý là
giáo lý dự tòng. Nó tạo nên một cuộc huấn luyện đặc biệt, nhờ đó, người
trưởng thành trở lại với đức tin được dẫn đến việc tuyên xưng đức tin
khi chịu Phép Rửa tội trong đêm vọng Phục Sinh”[115]. Việc đào tạo dự tòng đó phải gợi ý cho tất cả những hình thức dạy giáo lý khác về mục tiêu cũng như động lực.
- “Giáo lý người lớn, được dành cho những
ai có khả năng đón nhận đức tin với đầy đủ trách nhịêm, phải được xem
xét là hình thức dạy giáo lý ưu việt nhất mà mọi hình thức khác - dù là
khẩn thiết - phải rập khuôn theo đó”[116].
Như vậy có nghĩa là việc dạy giáo lý dành cho những lứa tuổi khác, phải
quy chiếu vào đó và hình thành phương án dạy giáo lý kết hợp với mục vụ
giáo phận.
Vậy việc dạy giáo lý, nằm trong sứ mạng
rao giảng Tin Mừng của Hội Thánh và được coi là “thời điểm” chính yếu,
nó kín múc trong việc Phúc Âm hóa động lực truyền giáo đã đem lại cho nó
sự phong phú nội tại và căn tính đặc thù. Nên tác vụ dạy giáo lý là
việc phục vụ căn bản của Hội Thánh trong việc hoàn thành mệnh lệnh
truyền giáo của Chúa Giêsu.
[1]x. Mc 1, 15 và song song ; RM 12-20 ; CEC 541-560.
[2]x. Mt 5, 3-12.
[3]x. Mt 5, 1-7, 29.
[4]x. Mt 13, 11.
[5]x. Mt 18, 1-35.
[6]x. Mt 24, 1-25, 46.
[7]DV 3.
[8]x. 2Pr 1, 4 ; CEC 51-52.
[9]DV 2.
[10]x. Ep 1, 9.
[11]DV 2.
[12]EN 11.
[13]x. GS 22a.
[14]x. Ep 2, 8 ; EN 27.
[15]x. EN 9.
[16]x. Ga 11, 52 ; AG 2b và 3a.
[17]x. DV 15 ; CT 58 ; ChL 61 ; CEC 53 và 122 ; S. IRÉNÉE DE LYON, Adversus haereses, III, 20, 2 : Sch 211, 389-393. Xem dưới phần III, chương 1.
[18]CEC 54-64.
[19]DV 2.
[20]x. DGC (1971) 11b.
[21]x. Dt 1, 1-2.
[22]DV 4.
[23]x. Lc 24, 27.
[24]CEC
65 ; Thánh Gioan Thánh Giá phát biểu như sau: « Người đã nói hết tất cả
cho chúng ta một lần trong chính Lời duy nhất này. »: Montée du Carmel, 2, 22 ; x. PVGK q. 1, Kinh sách thứ Hai tuần II Mùa Vọng.
[25]x. CT 5 ; CEC 520 và 2053.
[26]CEC 125 trích DV 18.
[27]CT 5. Đề tài về tính qui Kitô được
trình bày với nhiều chi tiết hơn trong « Các mục tiêu của việc dạy giáo
lý: hiệp thông với Chúa Giêsu Kitô » (Phần I, chương 3), và trong
« Tính qui Kitô của sứ điệp Phúc Âm » (Phần II, chương 1).
[28]x. DV 7.
[29]x. DV 7a.
[30]x. DV 8 và CEC 75-79.
[31]DV 10 b ; x. CEC 85-87.
[32]LG 48 ; AG 1 ; GS 45 ; x. CEC 774-776.
[33]x. Cl 1,26.
[34]Trong Dei Verbum (các số 2-5) và trong Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (các
số 50-175), người ta đề cập đến đức tin như là lời đáp trả đối với Mạc
khải. Ở đây, vì những lý do dạy giáo lý và mục vụ, người ta thường liên
kết đức tin vào việc loan báo Tin Mừng hơn là vào mạc khải, vì đúng ra
mạc khải thường đến với con người thông qua việc loan báo Tin Mừng của
Hội Thánh.
[35]EN 14.
[36]EN 18.
[37]x. Mt 28,19-20.
[38]x. Cv 1,8.
[39]x. Mt 28,19.
[40]EN 17.
[41]EN 28.
[42]x. EN 22a.
[43]x. EN 47b.
[44]x. EN 18.
[45]EN 24d.
[46]x. EN 14.
[47]x. AG 6b.
[48]Trong
động lực của việc loan báo Tin Mừng phải phân biệt “các tình trạng ban
đầu” (initia), “những phát triển tiệm tiến” (gradus) và tình trạng
trưởng thành: “Ở mỗi điều kiện hay trạng thái cần phải có hành vi đặc
trưng tương ứng” (AG 6).
[49]x. EN 18-20 và RM 52-54; AG 11-12 và 22.
[50]x. EN 21 và 41; RM 42-43; AG 11.
[51]EN 51.52.53. x. CT 18. 19. 21. 25 ; RM 44.
[52]x. AG 13 ; EN 10 và 23 ; CT 19 ; RM 46.
[53]EN 22 ; CT 18 ; x. AG 14 và RM 47.
[54]AG 14 ; CEC 1212 ; x. CEC 1229-1233.
[55]x. EN 23 ; CT 24 ; RM 48-49 ; AG 15.
[56]x. ChL 18.
[57]x. ChL 32 chứng tỏ mối liên quan mật thiết giữa « hiệp thông » và « truyền giáo ».
[58]x. EN 24.
[59]CT 18.
[60]x. AG 6f ; RM 33 và 48.
[61]x. Cv 6,4. Tác vụ Lời Chúa được thực hiện trong Hội Thánh qua :
- các thừa tác viên có chức thánh (x. C.I.C., cc. 756-757) ;
- các thành viên của các tu hội sống đời thánh hiến, do sự tận hiến cho Thiên Chúa (x. C.I.C., c. 758) ;
- các tín hữu giáo dân, do phép rửa và thêm sức (x. C.I.C., c. 759).
« Còn về từ ngữ tác vụ (servitium), phải lưu ý rằng chỉ nguyên một sự quy chiếu sít sao vào nguồn mạch duy nhất của thừa tác vụ Đức Kitô …, thì trong một chừng mực nào đó, cũng đã có thể áp dụng một cách không mơ hồ từ ngữ tác vụ cho
cả các tín hữu giáo dân nữa … Trong ý nghĩa nguyên thủy này, từ ngữ đó
biểu thị một cách đơn thuần công việc mà qua đó các thành viên của Giáo
Hội tiếp nối, trong tâm hồn và cho thế giới, « sứ mạng và thừa tác vụ
của Đức Kitô » (x. LG 34). Ngược lại, khi từ ngữ ấy được hiểu trong
tương quan và so sánh giữa cáccông việc (munera) và những chức vụ (officia) khác nhau, thì lúc ấy nên chú ý rõ rằng chỉ duy nhất chiếu theo chức thánh mà từ ngữ ấy có trọn vẹn ý nghĩa này, vốn đã được Thánh Truyền luôn dành cho. » (Gioan Phaolô II, Huấn thị cho Hội nghị về « Sự tham dự của giáo dân vào thừa tác vụ linh mục », số 4 : Osservatore Romano (23/4/1994), tr. 4).
[62]EN 22 ; x. EN 51-53.
[63]X. EN 42-45 ; 54-57.
[64]DV 8c.
[65]PO 4b ; x. cd 13c.
[66]Có
nhiều hình thức rất khác nhau của thừa tác vụ duy nhất này trong Tân
Ước : « loan báo », « giáo huấn », « khuyến dụ »… Sư đa dạng về các biểu
thị cũng đáng được lưu ý.
[67]Những cách thế
qua đó thừa tác vụ Lời duy nhất này được chu toàn, trong thực tế, không
nằm sẵn trong sứ điệp Kitô giáo. Đúng ra chúng chỉ là những nhấn mạnh,
những kiểu nói, những khai triển ít nhiều minh nhiên, thích nghi vào các
hoàn cảnh đức tin của từng người và từng nhóm người trong bối cảnh nơi
họ sinh sống.
[68]X. EN 51-53.
[69]AG 14.
[70]Có nhiều lý do khác nhau hợp pháp hóa những thuật ngữ « giáo dục thường xuyên về đức tin » hoặc « dạy giáo lý thường xuyên »,
với điều kiện là không được tương đối hóa đặc tính ưu tiên, nền tảng,
cơ cấu và đặc biệt của việc dạy giáo lý, được hiểu như là khai tâm căn
bản. Thành ngữ « giáo dục thường xuyên về đức tin » chỉ lan rộng trong
hoạt động giáo lý kể từ Công đồng Vaticanô II, nhằm chỉ rõ một cấp độ
thứ hai của việc dạy giáo lý, theo sau giáo lý khai tâm, chứ không phải
nói đến toàn thể hoạt động giáo lý. Xem cách thế phân biệt giữa đào tạo căn bản và đào tạo thường xuyên, khi bàn về việc đào tạo linh mục: Gioan Phaolô II, Tông huấn hậu thượng hội đồng Pastores Dabo Vobis (Những mục tử như lòng mong ước), chương V và VI, đặc biệt số 71 : AAS 84 (1992), các trang 729 tt ; 778 tt ; 782-783.
[71]DGC (1971) 19d.
[72]X. SC 35 ; CEC 1154.
[73]X. THÁNH BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN, Huấn thị Donum veritatis về ơn gọi giáo hội của thần học gia (24/5/1990), số 6 : AAS 82 (1990), tr . 1552.
[74]DGC (1971) 17 ; x. GS 62g.
[75]x. Rm 10, 17; LG 16 và AG 7; x. CEC 846-848.
[76]x. AG 13a.
[77]x. CT 5b.
[78]x. CT 20b.
[79]x. CEC 166-167.
[80]x. CEC 150, 153 và 176.
[81]DV 5.
[82]CEC 177.
[83]x.EN 10; AG 13b; CEC 1430-1431.
[84]EN 23.
[85]x. AG 13.
[86]x. RM 45c.
[87]x. RM 46d.
[88]DV 5; x. CEC 153.
[89]DV 5; x. CEC 153.
[90]CEC 149.
[91]CT 20a: “Vấn đề là làm tăng trưởng, ở mức độ nhận thức và trong cuộc sống, hạt giống đức tin mà Chúa Thánh Thần đã gieo xuống ngay từ lời rao giảng đầu tiên. »
[92]x.RM 46b.
[93]x. 1P 2,2 ; Hi 5,13.
[94]Ep 4,13.
[95]RICA 12.
[96]x. Eusèbe de Césarée, Praeparatio evangelica, I, 1 : SCh206 ; LG 16 ; AG 3a.
[97]ChL Ac.
[98]RICA 12 và 111.
[99]x. RICA 6 và 7.
[100]AG 13b.
[101]x. AG 13; EN 10; RM 46; VS 66; RICA 10.
[102]AG 13b.
[103]x. MPD 8b ; CEC 187-189.
[104]x. LG 11c ; 40b ; 42e.
[105]x. DV 24 ; EN 45.
[106]x. RM 33.
[107]RM 33b.
[108]Ibid.Phải hết sức quan tâm đến các “bối cảnh” (fines)
(mục tiêu) mà RM gán cho “sứ mệnh đến với muôn dân”. Vấn đề không phải
chỉ là “lãnh thổ” (RM 37 mục a), nhưng còn là “cả thế giới và những hiện
tượng xã hội mới” ‘(RM 37 mục b), như các thành phố lớn, thế giới trẻ,
di dân … và những “khu vực văn hóa hay những trung tâm văn hóa hiện đại”
(RM 37 mục c), như thế giới truyền thông, khoa học, môi trường học…
Theo đó, một Giáo Hội địa phương, đã cắm rễ trên một lãnh thổ, thực hiện
sứ mệnh đến với muôn dân không chỉ ở “bên ngoài” mà còn ở cả “bên
trong” mọi biên giới.
[109]RM 33c.
[110]RM 33d.
[111]RM 33d.
[112]RM 34b.
[113]RM 34c. Bản văn đề cập một cách cụ thể đến việc phong phú hóa lẫn nhau giữa sứ mệnh bên trong và sứ mệnh bên ngoài. RM
ở § 59c, chứng tỏ “sứ mệnh đến với muôn dân” khuyến khích các dân tộc
phát triển, trong khi công cuộc “Phúc Âm hóa mới” ở các nước đã phát
triển tạo nên một ý thức rõ ràng về tình liên đới đối với tha nhân.
[114]x.RM 31 ; 34.
[115]MPD 8.
[116]DGC (1971) 20 ; x. CT 43 ; xem dưới phần IV, chương 2.