Phận vụ của giáo phận về việc dạy giáo lý.
265. Tổ chức mục vụ huấn giáo được coi là việc ưu tiên của Giám mục và của giáo phận. Ban giáo lý (Officium catechisticum)
là “cơ quan qua đó Giám mục, người chịu trách nhiệm cộng đoàn và thầy
dạy đức tin, điều hành và hướng dẫn tất cả các sinh hoạt huấn giáo của
giáo phận”.[1]
266. Những bổn phận chính của Ban giáo lý giáo phận là:
a/ Thực hiện một cuộc phân tích tình hình[2]
giáo dục đức tin trong giáo phận. Cuộc phân tích này phải xác định
những nhu cầu thật sự của giáo phận liên quan đến hoạt động huấn giáo.
b/ Soạn thảo một chương trình hành động[3] ấn định những mục tiêu rõ ràng, đề ra những phương hướng và tiên liệu những hoạt động cụ thể.
c/ Khuyến khích và đào tạo các giáo lý viên. Thiết lập những học viện nếu thấy cần thiết[4].
d/ Soạn thảo hay ít là cho các giáo xứ và
các giáo lý viên biết những phương tiện cần thiết cho việc dạy giáo lý:
sách giáo lý, sách chỉ nam, những chương trình thích hợp cho các lứa
tuổi khác nhau, sách hướng dẫn cho các giáo lý viên, vật dụng cho các
người học giáo lý, các phương tiện nghe nhìn...[5].
e/ Tăng cường và nâng đỡ những học viện chuyên biệt về giáo lý của giáo phận (giáo lý dự tòng, giáo lý cấp giáo xứ, nhóm người có trách nhiệm dạy giáo lý) làm thành những “tế bào căn bản”[6] cho sinh hoạt huấn giáo.
f/ Nhất là lưu tâm đến việc cải thiện những nguồn nhân lực và vật lực cả ở mức độ giáo phận lẫn mức độ giáo xứ hay giáo hạt[7].
g/ Cộng tác với uỷ ban Phụng vụ phải được
coi là điều rất quan trọng đối với việc dạy giáo lý, đặc biệt là dạy
giáo lý khai tâm và dự tòng.
267. Để hoàn tất những công việc
trên, văn phòng giáo lý phải nhờ đến “một nhóm người có khả năng chuyên
môn. Tính cách sâu rộng và đa dạng của những vần đề trình bày đòi hỏi
phải được phân chia trách nhiệm cho nhiều người thực sự có khả năng”[8]. Phận vụ của giáo phận nên gồm có các linh mục, tu sĩ và giáo dân.
Việc dạy giáo lý là một sinh hoạt rất
quan trọng trong đời sống của một Giáo Hội địa phương, đến nỗi “không
một giáo phận nào mà không cần đến một Ban giáo lý”[9].
Phận vụ của việc cộng tác liên giáo phận.
268. Việc cộng tác này ngày nay hết
sức phong phú, vì những lý do gần gũi về địa lý cũng như đồng nhất về
văn hóa, nên khuyến khích làm việc chung với nhau trong phạm vi huấn
giáo. Thực vậy, “các giáo phận khác nhau nên kết hợp những hoạt động
riêng lại với nhau, góp chung những kinh nghiệm và những việc làm, những
khả năng và những phương tiện, để các giáo phận có nhiều khả năng hơn
giúp đỡ các giáo phận khác và người ta có thể soạn thảo một chương trình
hành động chung mang tính cách địa phương”[10].
Phận vụ của Hội Đồng Giám Mục
269. Bên cạnh Hội đồng Giám mục, phải
thiết lập một ban huấn giáo, mà nhiệm vụ chính là giúp đỡ mỗi giáo phận
về vấn đề dạy giáo lý[11].
Khả năng đó đã được tiên liệu trong Bộ
Giáo Luật thì nay đã thành hiện thực nơi phần lớn các Hội đồng Giám mục.
Ban huấn giáo hay trung tâm quốc gia về huấn giáo bên cạnh Hội đồng
Giám mục có hai bổn phận[12]:
- Phục vụ những nhu cầu dạy giáo lý trong
các giáo phận thuộc lãnh địa mình; lo xuất bản những tài liệu cấp quốc
gia, tổ chức những hội nghị toàn quốc, những liên hệ với giới truyền
thông và cách chung, tất cả những công việc và những bổn phận vượt quá
khả năng của giáo phận hay của miền.
- Phục vụ các giáo phận và các miền để
phổ biến những thông tin và những kế hoạch về huấn giáo, phối hợp sinh
hoạt và giúp đỡ các giáo phận thiếu trang bị về vấn đề huấn giáo.
Nếu hàng Giám mục xét thấy thuận lợi, thì
ban huấn giáo hay trung tâm quốc gia cũng có quyền phối hợp sinh hoạt
của mình với sinh hoạt của những ban khác thuộc cấp quốc gia của hàng
Giám mục, và của những học viện giáo lý khác; cũng như có thể cộng tác
với những sinh hoạt giáo lý trên bình diện quốc tế, luôn với danh nghĩa
là cơ quan giúp cho các giám mục của Hội đồng Giám mục.
Phận vụ của Tòa Thánh.
270. “Lệnh Đức Kitô truyền phải rao
giảng Tin Mừng cho mọi thụ tạo trước hết và trực tiếp liên quan đến các
Giám mục, cùng với thánh Phêrô và tùy thuộc vào thánh Phêrô”[13].
Qua lệnh truyền mang tính cách tập đoàn của Chúa Giêsu về việc loan báo
và truyền đạt Tin Mừng, tác vụ Kế vị thánh Phêrô có một vai trò cơ bản.
Thực vậy, tác vụ này phải được xem “không những chỉ như một sự phục vụ chung liên quan đến toàn thể Hội Thánh từ bên ngoài, mà còn như thuộc về bản chất của mỗi Giáo Hội địa phương từ bên trong.”[14]
Trong việc huấn giáo, tác vụ của Phêrô
được thực thi một cách tuyệt vời qua những giáo huấn của người. Về vấn
đề huấn giáo, Đức Giáo Hoàng đã hành động cách trực tiếp và đặc biệt qua
trung gian của Bộ Giáo sĩ, vốn giúp đỡ “Giám mục Rôma trong việc thực
thi trách vụ mục tử tối cao của người”[15].
271. « Theo đúng chức vụ mình, Bộ Giáo sĩ:
- Khởi xướng việc đào tạo tôn giáo cho các tín hữu thuộc mọi lứa tuổi và mọi cảnh huống;
- Ban hành những qui tắc đúng lúc để việc dạy giáo lý được thực hiện một cách thích hợp;
- Lo cho việc đào tạo về giáo lý được thực hiện sao cho đúng dắn;
- Xin Toà Thánh phê chuẩn, với sự ưng
thuận của Bộ Giáo lý Đức tin đối với những sách giáo lý và những tài
liệu khác liên quan đến huấn giáo;[16]
- Phải bảo trợ các ban giáo lý và theo
dõi những sáng kiến liên quan đến việc đào tạo tôn giáo và mang tính
cách quốc tế, bằng cách phối hợp sinh hoạt và giúp đỡ khi cần thiết[17].
PHỐI HỢP TRONG VIỆC DẠY GIÁO LÝ
Tầm quan trọng của sự phối hợp hữu hiệu trong việc dạy giáo lý.
272. Sự phối hợp trong việc dạy giáo lý là một bổn phận quan trọng của một Giáo Hội địa phương. Phải quan tâm:
- Vào chính trọng tâm việc dạy giáo lý, giữa nhiều hình thức được dành cho các lứa tuổi và môi trường xã hội khác nhau;
- Hướng tới những liện hệ của việc dạy
giáo lý với những hình thức khác của tác vụ Lời Chúa và những hoạt động
khác của việc loan báo Tin mừng.
Sự phối hợp trong việc dạy giáo lý không
phải chỉ là một vấn đề thuần túy chiến lược làm cho hoạt động loan báo
Tin Mừng được hiệu quả hơn, mà còn mang một chiều kích thần học cơ bản.
Hoạt động loan báo Tin mừng phải được phối hợp cho tốt vì nó nhằm sự hiệp nhất đức tin vốn nâng đỡ mọi hoạt động của Hội thánh.
273. Trong lãnh vực này, cần phải đạt tới:
- Sự phối hợp bên trong của việc dạy giáo lý, để Giáo Hội địa phương phục vụ một cách duy nhất và chặt chẽ trong việc huấn giáo.
- Sự liên kết giữa sinh hoạt truyền giáo
và sinh hoạt dự tòng - bên này cần đến bên kia - trong bối cảnh của sứ
mệnh đến với muôn dân (ad gentes)[18] hay một công cuộc “tân Phúc Âm hóa”[19].
- Sự cần thiết một mục vụ giáo dục được
phối hợp tốt, đối với số đông những nhà giáo dục lo cho cùng một đối
tượng, nhất là cho ấu nhi, thiếu nhi và thiếu niên.
Công đồng Vaticanô II đã mạnh mẽ đòi hỏi
phải phối hợp trong tất cả sinh hoạt mục vụ để sự thống nhất Giáo Hội
địa phương luôn sáng tỏ hơn.[20]
Một kế hoạch giáo lý cấp giáo phận có bố cục chặt chẽ.
274. Kế hoạch giáo lý cấp giáo phận là
một cống hiến toàn bộ về giáo lý của một Giáo Hội địa phương bao gồm,
một cách mạch lạc, chặt chẽ và phối hợp, những tiến trình dạy giáo lý mà
giáo phận đề ra cho những người được thừa hưởng thuộc các lứa tuổi khác
nhau.[21]
Như thế, mỗi Giáo Hội địa phương, nhất là về việc khai tâm Kitô giáo, phải cung cấp ít là hai điều:
a. Một tiến trình khai tâm Kitô giáo, thống nhất và chặt chẽ, dành cho ấu nhi, thiếu nhi, thiếu niên và giới trẻ, được liên kết mật thiết với các bí tích khai tâm đã lãnh nhận hoặc sẽ lãnh nhận, và với mục vụ về giáo dục.
b. Một tiến trình giáo lý đối với người trưởng thành,
dành cho những Kitô hữu cần có một nền tảng đức tin, bằng cách bổ túc
việc khai tâm Kitô giáo đã bắt đầu với phép Rửa tội, hay bằng cách thực
hiện việc khai tâm đó để lãnh nhận bí tích Rửa tội.
Ngày nay trong nhiều nước, thấy cần phải có một tiến trình giáo lý dành cho những người cao tuổi,
những Kitô hữu đã đạt đến lứa tuổi thứ ba và sau cùng của cuộc đời, có
thể là lần đầu tiên, họ muốn củng cố nền tảng đức tin của mình cho vững
chắc.
275. Những tiến trình giáo lý khác
nhau này, thích nghi với những hoàn cảnh xã hội - văn hóa, không được tổ
chức tách biệt, như thể là “những lãnh vực bưng bít và không thông hiệp
gì với nhau”[22].
Vì thế việc cống hiến về giáo lý của Giáo Hội địa phương phải được phối
hợp chặt chẽ. “Cần phải giúp cho việc bổ túc những hình thức huấn giáo
khác nhau được hoàn hảo”[23].
Như đã lưu ý, nguyên tắc tổ chức đảm bảo sự liên kết chặt chẽ
giữa các tiến trình dạy giáo lý trong Giáo Hội địa phương là quan tâm
đến việc dạy giáo lý cho người trưởng thành. Đây là trục chính mà việc
dạy giáo lý cho lứa tuổi thứ nhất và lứa tuổi thứ ba xoay quanh và được
gợi hứng từ đó.[24]
Cung cấp những tiến trình huấn giáo khác
nhau trong một kế hoạch giáo lý duy nhất thuộc giáo phận không có nghĩa
là người học phải học từ đầu đến cuối hết mọi tiến trình đó. Nếu một
người trẻ đến tuổi trưởng thành đã có một đức tin vững chắc, thì không
cần phải học thứ giáo lý dành cho dự tòng người lớn, nhưng cần đến những
thức ăn khác đặc hơn, giúp họ không ngừng trưởng thành đức tin. Tình
trạng cũng thế đối với những người đạt tới lứa tuổi thứ ba đã có một đức
tin vững chắc rồi.
Bên cạnh việc cung cấp tiến trình khai
tâm này, là việc tuyệt đối không thể thay thế được, Giáo Hội địa phương
cũng phải cung cấp những tiến trình giáo lý liên tục cho những Kitô hữu
trưởng thành.
Sinh hoạt giáo lý trong bối cảnh tân Phúc Âm hóa
276. Trong khi định nghĩa dạy giáo lý như là thời điểm
của toàn bộ tiến trình về việc loan báo Tin mừng, thì cần phải đặt vấn
đề phối hợp hoạt động dạy giáo lý với hoạt động truyền giáo đi trước, và
với hoạt động mục vụ theo sau. Thực vậy, có những yếu tố “chuẩn bị cho
việc dạy giáo lý hay những yếu tố xuất phát từ đó”[25].
Theo ý nghĩa ấy, mối liên kết giữa việc
rao giảng mang tính cách truyền giáo, nhằm khơi dậy đức tin, và việc dạy
giáo lý khai tâm, nhằm đặt những nền móng, là yếu tố quyết định cho
việc loan báo Tin mừng.
Một cách nào đó, sự nối kết này được thấy rõ trong bối cảnh của sứ mệnh đến với muôn dân (ad gentes)[26]. Những người trưởng thành trở lại nhờ việc loan báo đầu tiên gia nhập vào tiến trình dự tòng và được học giáo lý.
Trong trường hợp đòi hỏi một “việc tân Phúc Âm hóa”[27],
sự phối trí trở nên phức tạp hơn: đôi khi người ta chủ trương chỉ dạy
một thứ giáo lý bình thường cho người trẻ và người trưởng thành, mà đáng
lý ra, họ cần có thời gian cho việc loan báo đầu tiên và khơi dậy trong
họ sự gắn bó với Đức Kitô; những vấn đề tương tự cũng phải được đặt ra
về những gì liên quan đến việc dạy giáo lý cho trẻ em và việc huấn luyện
cho cha mẹ chúng[28].
Có khi, người ta lại đề nghị những hình thức dạy giáo lý thường xuyên
cho người trưởng thành trong khi họ cần đến một thứ giáo lý khai tâm
thực sự.
277. Tình trạng loan báo Tin Mừng
hiện nay đòi hỏi cả hai hoạt động, việc rao giảng mang tính cách truyền
giáo và việc dạy giáo lý khai tâm, phải được quan niệm một cách có phối
hợp, và phải được cung cấp trong Giáo Hội địa phương qua một kế hoạch
loan báo Tin Mừng vừa mang tính cách truyền giáo lại vừa mang tính cách dự tòng. Ngày
nay, việc dạy giáo lý trước tiên phải được coi như là kết quả của một
công cuộc rao giảng hữu hiệu mang tính cách truyền giáo. Chỉ dẫn của sắc
lệnh Ad gentes - đặt thời kỳ dự tòng trong bối cảnh hoạt động
truyền giáo của Hội Thánh - là một tiêu chuẩn qui chiếu rất có giá trị
cho việc dạy giáo lý[29].
Giáo lý trong mục vụ giáo dục.
278. Việc mục vụ giáo dục trong Giáo
Hội địa phương phải bảo đảm việc phối hợp cần thiết giữa các "nơi" khác
nhau của việc giáo dục đức tin. Điều hết sức quan trọng là làm thế nào
để tất cả các con đường dạy giáo lý đều "thực sự quy tụ về cùng một
việc tuyên xưng đức tin, cũng là thành phần của Hội Thánh, cùng dấn thân
trong một xã hội để sống theo cùng một tinh thần Tin Mừng"[30].
Sự phối hợp giáo dục liên quan chính yếu
đến các ấu nhi, thiếu nhi, thiếu niên và giới trẻ. Thật là hữu ích khi
Giáo Hội địa phương kết hợp trong cùng một dự án mục vụ giáo dục duy
nhất những khu vực và môi trường khác nhau của việc phục vụ giáo dục
Kitô giáo cho giới trẻ. Tất cả những nơi này bổ sung cho nhau, không một
khu vực nào riêng rẽ mà có thể thực hiện trọn vẹn việc giáo dục Kitô
giáo.
Bởi vì những hoạt động giáo dục khác nhau
đều chỉ dành cho cùng một con người, dù đó là đứa trẻ hay thanh niên,
thì điều quan trọng là những ảnh hưởng khác nhau đều có cùng một cảm
hứng nền tảng. Tất cả mâu thuẫn giữa những hoạt động này thật tai hại vì
mỗi hoạt động đều mang tính đặc thù và quan trọng của nó.
Chính vì thế, điều quan trọng nhất đối
với một Giáo Hội địa phương là phải cung cấp một chương trình khai tâm
Kitô giáo, chương trình này bao gồm những nhiệm vụ giáo dục khác nhau và
quan tâm đến những đòi hỏi của việc tân phúc âm hoá.
VÀI NHIỆM VỤ RIÊNG CỦA VIỆC DẠY GIÁO LÝ
Phân tích tình hình và các nhu cầu
279. Khi tổ chức hoạt động huấn giáo, Giáo Hội địa phương phải bắt đầu bằng việc phân tích tình hình.
"Đối tượng của việc nghiên cứu này rất phức tạp. Thật vậy, nó bao gồm
việc kiểm điểm hoạt động mục vụ, và phân tích tình hình tôn giáo cũng
như các điều kiện xã hội, văn hóa và kinh tế, vì những dữ kiện của đời
sống tập thể có thể có một ảnh hưởng lớn lao trên sự phát triển của việc
phúc âm hoá"[31]. Đó là việc ý thức về thực tại có liên quan đến huấn giáo và những nhu cầu của nó.
Nói cách cụ thể hơn:
- Trong việc " kiểm điểm hoạt động mục vụ",
điều quan trọng là có một ý thức rõ ràng tình trạng huấn giáo: vị trí
thật sự của nó trong tiến trình phúc âm hoá; sự cân bằng và sự hòa hợp
giữa những lãnh vực khác biệt của huấn giáo (trẻ nhỏ, thiếu nhi, thiếu
niên, người trẻ, người lớn…); sự phối hợp huấn giáo với việc giáo dục
Kitô giáo trong gia đình, với việc giáo dục học đường, với việc giảng
dạy tôn giáo nơi trường học, và với những hình thức khác của việc giáo
dục đức tin; phẩm chất nội tại của nó; những nội dung giảng dạy và
phương pháp sử dụng; những đặc tính của giáo lý viên và việc đào tạo của
họ.
- Sự phân tích tình hình tôn giáo nhắmchính yếu trên ba mức độ liên hệ chặt chẽ với nhau: cảm thức về sự thánh thiêng, nghĩa là những cảm nghiệm của con người mở ra cho mầu nhiệm trong thẳm sâu cõi lòng họ; cảm thức tôn giáo, là biết những cách thức cụ thể, qua đó một dân tộc nào đó đón nhận và hiệp thông với Thiên Chúa; và các tình trạng đức tin, với những loại tín hữu khác nhau. Cuối cùng, trong liên hệ với những mức độ trên, tình trạng luân lý đã sống, với những giá trị nảy sinh và những bóng tối hay những giá trị đối nghịch phổ biến nhất.
-"Phân tích văn hóa - xã hội " điều đã được đặt ra cho các khoa nhân văn trong việc đào tạo giáo lý viên[32], cũng cần thiết. Phải chuẩn bị cho những người dự tòng và những học viên giáo lý về sự hiện diện Kitô giáo trong xã hội.
280. Việc phân tích tình huống, ở tất
cả các mức độ này "cũng phải thuyết phục những thừa tác viên Lời Chúa
rằng các hoàn cảnh nhân lọai có hai mặt về những gì liên quan đến hoạt
động mục vụ. Vì vậy, những người thợ của Tin Mừng phải học biết để phân
biệt những khả năng mở ra cho hành động của họ trong một hoàn cảnh mới
và thay đổi.... Một tiến trình biến đổi luôn có thể mở lối dẫn tới đức
tin"[33].
Việc phân tích hoàn cảnh này là một
phương thế làm việc đầu tiên do việc phục vụ huấn giáo đem lại cho các
mục tử và các giáo lý viên nhằm thông tin cho họ.
Chương trình hành động và những định hướng cho việc dạy giáo lý.
281. Một khi tình hình đã được xem xét cẩn thận, thì cần phải đưa ra một chương trình hành động,
trong đó xác định những mục tiêu, những phương tiện của mục vụ huấn
giáo và những quy tắc điều hành, quan tâm đến những nhu cầu địa phương,
đồng thời cũng để ý đến sự hòa điệu trọn vẹn với những mục tiêu và những
quy tắc của Hội Thánh toàn cầu.
Chương trình hay kế họach hành động phải
có tính khả thi, vì nó định hướng hoạt động giáo lý của giáo phận hoặc
liên giáo phận. Vì bản chất của nó, người ta thường dự kiến một thời
gian nhất định, vào cuối thời gian ấy, chương trình mới được canh tân
với những nhấn mạnh, những mục tiêu và phương tiện mới.
Kinh nghiệm cho thấy một chương trình
hành động sẽ rất hữu ích cho huấn giáo vì, khi xác định rõ một số những
mục tiêu chung, thì nó dẫn tới việc hợp nhất những nỗ lực và làm việc
trong một viễn tượng nhất trí với nhau. Vì thế, điều kiện đầu tiên là
phải thực tế, hợp nhất trong sự đơn giản, súc tích và rõ ràng.
282. Đồng thời với chương trình hành
động này - tập trung chủ yếu trên những lựa chọn công việc - nhiều Hội
Đồng Giám mục soạn thảo, trên bình diện quốc gia, những tài liệu quan
trọng thích hợp hơn cho việc suy tư và định hướng nhằm xác định những
tiêu chuẩn của một huấn giáo đúng đắn và thích hợp. Những tài liệu này
mang nhiều tên gọi khác nhau: Hướng dẫn về huấn giáo, Những đường hướng huấn giáo, Tài liệu căn bản, Những bản văn tham khảo,
v.v... chủ yếu được dành cho những người có trách nhiệm và cho các giáo
lý viên. Những tài liệu này sẽ làm rõ ý niệm của huấn giáo: bản chất,
mục tiêu, bổn phận, nội dung, đối tượng học giáo lý, phương pháp. Những
hướng dẫn này hoặc những bản văn định hướng tổng quát do các Hội Đồng
Giám mục soạn thảo hoặc ban hành với quyền hạn của các ngài, buộc phải
theo cùng một tiến trình soạn thảo và chuẩn nhận cho những sách giáo
lý. Nghĩa là, trước khi công bố, những tài liệu này, phải được Tòa Thánh
chuẩn y.[34]
Những đường lối hướng dẫn hoặc những định
hướng huấn giáo này thường là nguồn gợi hứng sâu sắc cho việc huấn giáo
ở các Giáo Hội địa phương. Những soạn thảo này được mong đợi và hợp
thời, vì nó tạo nên một điểm qui chiếu quan trọng cho việc đào tạo các
giáo lý viên. Loại tài liệu này liên hệ mật thiết và trực tiếp đến trách
nhiệm của Giám mục.
Việc soạn thảo những tài liệu và phương tiện giảng dạy cho hoạt động huấn giáo.
283. Bên cạnh những phương tiện dành cho việc định hướng và lên chương trình chung cho hoạt động huấn giáo (phân tích tình hình, chương trình hành động, hướng dẫn huấn giáo), còn có những phương tiện ứng dụng tức thời, được sử dụng ngay trong hoạt động huấn giáo. Trước tiên phải kể đến là các tài liệu giảng dạy[35], được trao tận tay cho người dự tòng và học viên giáo lý. Những hướng dẫn dành cho giáo lý viên - và cho cha mẹ trong trường hợp họ dạy giáo lý cho con cái - đều là những phương tiện hữu ích[36]. Cuối cùng, cũng cần nhấn mạnh đến tầm quan trọng của những phương tiện nghe-nhìn dùng trong huấn giáo nhưng cần phải xem xét cẩn thận.[37]
Tiêu chuẩn phải gợi ý cho những phương
tiện làm việc này là việc trung thành với Chúa và với con người, qui
luật nền tảng cho toàn thể đời sống Hội Thánh. Vấn đề là phải biết điều
hợp lòng trung thành tuyệt đối với giáo thuyết và với sự thích nghi sâu
xa vào con người, đồng thời cũng để ý đến tâm lý lứa tuổi và bối cảnh
văn hóa xã hội mà họ đang sống.
Tóm lại các phương tiện huấn giáo này cần phải:
- “Theo sát đời sống cụ thể của thế hệ mà
chúng nhắm tới, hiểu rõ những âu lo, những thắc mắc, những thách đố và
những hy vọng của họ" [38] ;
- Cố gắng “tìm ra một thứ ngôn ngữ dễ hiểu cho họ”[39];
- Nhắm “đến việc gợi lên nơi những người
phục vụ một sự hiểu biết sâu xa về những mầu nhiệm Đức Kitô, hướng tới
một sự hoán cải đích thực và một cuộc sống luôn luôn phù hợp với thánh ý
Chúa”[40].
Việc soạn thảo các sách giáo lý địa phương: một trách nhiệm trực tiếp của thừa tác vụ Giám mục
284. Trong tất cả những phương tiện giúp cho huấn giáo, thì những sách giáo lý có một chỗ đứng ưu tiên.[41]Tầm
quan trọng của chúng phát xuất từ sứ điệp mà chúng truyền đạt, được coi
như là xác thực và riêng biệt đối với những vị Mục tử của Hội Thánh.
Nếu toàn bộ hoạt động huấn giáo phải luôn
được vị Giám mục điều khiển, thì việc xuất bản các sách giáo lý là
trách nhiệm trực tiếp của thừa tác vụ Giám mục. Những sách giáo lý toàn
quốc, địa phương hay giáo phận, được các chuyên viên về huấn giáo hợp
tác soạn thảo, cuối cùng vẫn tùy thuộc trách nhiệm của các Giám mục, là
những giáo lý viên tuyệt vời nhất của các Giáo Hội địa phương.
Trong việc soạn thảo sách giáo lý, trước hết phải tôn trọng hai tiêu chuẩn sau:
a. Phải hoàn toàn phù hợp với Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo: “bản văn qui chiếu chắc chắn và xác thực…. cho việc soạn thảo những sách giáo lý địa phương.”[42]
b. Phải quan tâm những qui tắc và tiêu chuẩn về việc trình bày sứ điệp Tin Mừng mà cuốn Hướng Dẫn Tổng Quát Việc Dạy Giáo Lý đã đề ra, cuốn này cũng là một “qui tắc tham chiếu”[43] cho việc giảng dạy giáo lý.
285. “Sự phê chuẩn tiên quyết của Tòa thánh”[44]
- điều bắt buộc đối với những sách giáo lý của các Hội Đồng Giám Mục -
phải được hiểu theo nghĩa là các tài liệu, qua đó Hội Thánh hoàn vũ dùng
để loan báo và thông truyền Tin Mừng, trong những bối cảnh xã hội - văn
hóa khác nhau - mà Hội Thánh được sai đến, và “sinh ra các Giáo Hội địa
phương, trong đó Hội Thánh bày tỏ chính mình”[45]. Chuẩn y sách giáo lý là thừa nhận rằng đó là bản văn của Hội Thánh toàn cầu dành cho một hoàn cảnh và một văn hóa nhất định.
[1]DGC (1971) 126. Ban Giáo lý giáo phận (officium catechisticum) đã được lập ra trong tất cả các giáo phận bởi sắc lệnh Provido sane: x. SACRA CONGREGATIO CONCILII, decretum Provido sane (12-1-1935): AAS 27 (1993) tr. 151; xem cả CIC 775 § 1.
[2]x. DGC (1971) 100. Xem đoạn văn được gợi ra trong phần Tiền dẫn, và trong chương này, đoạn: “Việc phân tích các tình hình và các nhu cầu”.
[3]x. DGC (1971) 103. Xem trong chương này: “Chương trình hành động và sự định hướng cho việc giảng dạygiáo lý”
[4]x. DGC (1971) 108–109. Xem phần V, ch. 2: “Mục vụ của các giáo lý viên trong Giáo Hội riêng biệt”, và “Trường giáo lý viên và Trung tâm cao cấp cho các chuyên gia về việc giảng dạy giáo lý”.
[5]x. DGC (1971) 116-124.
[6]DGC (1971) 126.
[7]x. CT 63 Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II mời gọi đem lại cho việc dạy giáo lý “một sự tổ chức thích hợp và hữu hiệu, huy động con người, các phương tiện và các công cụ, và cả các phương thế cần thiết” (Ibid)
[8]DGC (1971) 126.
[9]Ibid.
[10]DGC (1971) 127
[11]CIC 775 & 3
[12]x. DGC (1971) 129.
[13]AG 38a; x. CIC 756 §§1-2.
[14]GIOAN PHAOLO II, Huấn từ cho các giám mục Hoa kỳ tại cuộc gặp gỡ ở tiểu chủng viện Đức Bà Los Angeles (16.9.1987) Insegnamenti di Giovanni Paolo II, X, 3 (1987) tr. 556. Thuật ngữ đã được lập lại bởi BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN, thư Communionis notio, số 13; l.c. 846.
[15]Tông hiến Pastor Bonus,
ngày 28-6-1988, bàn về sự cải cách Giáo triều Rôma theo yêu cầu của
Công đồng: x. CD 9. Một cuộc cải cách đầu tiên đã được ban hành bởi Tông
hiến của Đức Phaolô VI, Regimini Ecclesiae Universae, ngày 15-8-1967: AAS 59 (1967), tr. 885-928.
[16]x. các số 282 và 285 của chương này.
[17]PB 94.
[18]RM 33.
[19]Ibid.
[20]CD
17a : “Các phương pháp tông đồ khác nhau...phải được phối trí chặt chẽ
dưới sự hướng dẫn của giám mục, để tất cả các sáng kiến và cơ chế - huấn
giáo, truyền giáo, bác ái, xã hội, gia đình và bất cứ điều gì khác mang
bản chất mục vụ - được qui về một hành động phù hợp. Như vậy sự hiệp
nhất trong địa phận cũng sẽ được biểu lộ rõ rệt hơn”.
[21]x. phần IV, ch. 2 : “Việc dạy giáo lý tùy theo các lứa tuổi”.
[22]CT 45c.
[23]Ibid.
[24]x.
DGC (1971) 20, ở đó người ta lưu ý làm thế nào các hình thức khác của
việc dạy giáo lý được phối trí (ordinantur) với việc giảng dạy giáo lý
cho người trưởng thành.
[25]CT 18d.
[26]RM 33.
[27]Ibid..
[28]x. CT 19 và 42.
[29]x. AG 11-15. Ý niệm phúc âm hóa như một tiến trình qua các giai đoạn đã được đề cập tới trong phần I chương 1: “Các giai đoạn của việc phúc âm hóa”.
[30]CT 67b.
[31]DGC (1971) 100.
[32]x. phần V, chương 5.
[33]DGC (1971) 102 ; x. phần nhập đề, 16.
[34]X. DGC (1971) 117 và 134 ; PB 94.
[35]Bàn đến tập hợp này về các tác phẩm huấn giáo, Tông Huấn Dạy Giáo lý khẳng
định: « Một trong những khía cạnh quan trọng của cuộc canh tân huấn
giáo ngày nay nằm trong việc đổi mới và gia tăng các sách về huấn giáo
hầu như khắp nơi trong Hội Thánh. Nhiều công trình rất thành công đã ra
đời và tạo thành một gia sản thực sự phục vụ cho việc huấn giáo » (CT
69).
DGC (1971) số 120 định nghĩa các Bản văn giáo khoa như sau: « Các bản văn giáo khoa là những hỗ trợ dành cho cộng đoàn Kitô hữu đang thực hiện việc huấn giáo. Không có một văn bản nào có thể thay thế sự truyền thông sống động của sứ điệp Kitô. Tuy nhiên, các bản văn có một tầm quan trọng lớn lao, vì chúng tạo điểm tựa cho một việc giải thích rộng hơn về các giáo huấn của truyền thống Kitô giáo và những yếu tố hỗ trợ công cuộc huấn giáo ».
DGC (1971) số 120 định nghĩa các Bản văn giáo khoa như sau: « Các bản văn giáo khoa là những hỗ trợ dành cho cộng đoàn Kitô hữu đang thực hiện việc huấn giáo. Không có một văn bản nào có thể thay thế sự truyền thông sống động của sứ điệp Kitô. Tuy nhiên, các bản văn có một tầm quan trọng lớn lao, vì chúng tạo điểm tựa cho một việc giải thích rộng hơn về các giáo huấn của truyền thống Kitô giáo và những yếu tố hỗ trợ công cuộc huấn giáo ».
[36]Bàn đến các Hướng dẫn, DGC
(1971) số 121 lưu ý đến điều phải chứa trong nội dung của chúng như
sau: « Một bản trình bày sứ điệp Cứu độ (phải không ngừng qui chiếu vào
các nguồn và cẩn thận đánh dấu sự khác biệt giữa điều thuộc về đức tin
và về giáo thuyết chắc chắn, với điều thuộc về ý kiến đơn thuần của các
nhà thần học); những lời khuyên về tâm lý và sư phạm; những gợi ý về
phương pháp ».
[37]x. phần III, chương 2: « Truyền thông xã hội »; x. DGC (1971) 122.
[38]CT 49b.
[39]Ibid.
[40]Ibid.
[41]Đây
là vấn đề về các sách giáo lý địa phương trong phần hai, chương 2:
« Các sách giáo lý trong Giáo Hội địa phương ». Ở đây, chúng tôi chỉ
giới thiệu một vài tỉêu chuẩn trong việc soạn thảo. Khi nói « các sách
giáo lý địa phương », cuốn hướng dẫn này nhằm chỉ định các sách giáo lý
được giới thiệu bởi các Giáo Hội địa phương hoặc các Hội đồng Giám mục.
[42]FD 4c.
[43]CT 50.
[44]DGC (1971) 119, 134; CIC 775 §2; PB 94.
[45]THÁNH BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN, thư Communionis notio, số 9: l.c. 843.