• Trang chủ

UBGLĐT-HĐGMVN - HDTQ VD GIÁO LÝ -- KẾT LUẬN


HƯỚNG DẪN TỔNG QUÁT VIỆC DẠY GIÁO LÝ - KẾT LUẬN (09/12/11, 10:16 am)
 
286.  Trong việc hình thành những đường hướng và chỉ dẫn trên đây, không một nỗ lực nào bị loại bỏ, để cho mỗi suy tư đều có nguồn gốc và nền tảng trong những giáo huấn của Công Đồng Vaticanô II, và trong những can thiệp chính yếu sau đó của Huấn quyền Giáo Hội. Ngoài ra, có sự cảnh giác theo kinh nghiệm của Hội Thánh qua thời gian sống với các dân tộc khác nhau. Lòng trung thành đối với Thần Khí của Thiên Chúa đã soi sáng cho sự phân định cần thiết, luôn gắn liền với sự canh tân của Hội Thánh và sự phục vụ tốt nhất cho việc Phúc Âm hoá.

287.  Cuốn Hướng Dẫn Tổng Quát Việc Dạy Giáo Lý được giới thiệu cho tất cả các Mục Tử của Hội Thánh, những cộng tác viên của các ngài, và các giáo lý viên, với hy vọng sẽ khuyến khích các vị ấy trong việc phục vụ mà Hội Thánh và Thánh Thần giao phó cho họ: là giúp làm tăng trưởng đức tin nơi những người đã tin.
Những đường hướng nêu ra trong sách này không những muốn hướng dẫn hay làm sáng tỏ bản chất của huấn giáo, cũng như những qui tắc và tiêu chuẩn hướng dẫn tác vụ rao giảng Tin Mừng của Hội Thánh; mà còn nuôi dưỡng niềm hy vọng nơi những người đang vất vả trong lãnh vực ưu tiên này của hoạt động Hội Thánh, nhờ quyền năng của Lời Chúa và tác động bên trong của Chúa Thánh Thần. 
 
288.     Hiệu quả của việc dạy giáo lý đang và sẽ luôn là một ân huệ của Thiên Chúa, qua công trình của Thánh Thần, Chúa Cha và Chúa Con.
Việc dạy giáo lý hoàn toàn lệ thuộc vào sự can thiệp của Thiên Chúa, như thánh Phaolô đã dạy cho các tín hữu Côrintô, khi ngài nhắc nhở họ: "Tôi trồng, anh A-pô-lô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên. Vì thế, kẻ trồng hay người tưới chẳng là gì cả, nhưng Thiên Chúa, Đấng làm cho lớn lên, mới đáng kể" (1Cr 3,6-7).
Sẽ chẳng bao giờ có việc giảng dạy giáo lý, cũng như việc Phúc Âm hoá, nếu không có hành động của Thiên Chúa, Đấng hành động nhờ Thánh Thần của Ngài[1].  Trong việc thực hành huấn giáo, không phải các kỹ năng sư phạm tân tiến nhất, cũng chẳng phải những giáo lý viên có nhân cách lôi cuốn nhất, có thể thay thế cho hành động thầm lặng và kín đáo của Chúa Thánh Thần[2]. “Chính Ngài " là người chủ chốt đích thực của tất cả sứ mạng Hội Thánh"[3]; chính Ngài là giáo lý viên đầu tiên; chính Ngài là “vị Thầy nội tâm”của những ai lớn lên trong Đức Kitô[4].  Thực vậy, chính Ngài là "người gợi hứng chính cho tất cả mọi hoạt động giáo lý và cho tất cả những ai hoàn tất công việc này" [5].

289.     Vì thế, ước gì trong đời sống thiêng liêng của giáo lý viên luôn có sự kiên nhẫn, cũng như xác tín rằng chính Thiên Chúa Đấng đã làm cho hạt giống của Lời Ngài, được gieo vào nơi đất tốt, được chăm sóc bằng tình thương yêu,  nảy sinh, lớn lên và sinh hoa kết trái. Thánh Marcô, vị thánh sử duy nhất tường thuật cho chúng ta dụ ngôn, mà qua đó Chúa Giêsu giải thích - theo thứ tự trước sau - các giai đọan phát triển từng bước và liên tục của hạt giống được gieo: “Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nảy mầm và mọc lên, bằng cách nào thì người ấy không biết. Đất tự động sinh ra hoa màu: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt. Lúa vừa chín, người ấy đem liềm hái ra gặt, vì đã đến mùa” (Mc 4,26-29).
290.     Hội Thánh, có trách nhiệm dạy giáo lý cho những người tin, khẩn cầu Thánh Thần của Chúa Cha và Chúa Con, nài xin Ngài làm trổ sinh hoa trái và củng cố từ bên trong cho biết bao công việc ở khắp nơi nhằm gia tăng đức tin và việc bước theo Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ.
 
291.     Chính Đức Trinh Nữ Maria đã thấy Con mình lớn lên trong sự “khôn ngoan, tuổi tác và ân sủng” (Lc 2, 52), mà người lo việc huấn giáo ngày nay vẫn chạy đến nương nhờ, lòng đầy tin tưởng vào sự chuyển cầu của Mẹ.  Họ tìm thấy nơi Đức Maria gương mẫu thiêng liêng để theo đuổi và củng cố sự canh tân việc dạy giáo lý hiện nay trong đức tin, đức cậy và đức mến. Nhờ lời “Đức Trinh Nữ của ngày lễ Ngũ tuần”[6] chuyển cầu, ước gì trong Hội Thánh trào dâng một sức mạnh mới để sinh ra những người con trong đức tin và giáo dục họ đạt tới sự sung mãn trong Đức Kitô.
 
Ngày 11.8.1997, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã chuẩn y cuốn Hướng Dẫn Tổng Quát Việc Dạy Giáo Lý, và  đã cho phép xuất bản.