• Trang chủ

UBGLĐT-HĐGMVN - HDTQ VD GIÁO LÝ -PHẦN V-Chương3


HƯỚNG DẪN TỔNG QUÁT VIỆC DẠY GIÁO LÝ - PHẦN V - CHƯƠNG III Địa điểm và đường lối dạy giáo lý (21/11/11, 10:06 am)
 

Cộng đoàn Kitô hữu như là trung tâm huấn giáo[1]
253. Trong lịch sử, cộng đoàn Kitô hữu là biểu thị của ơn “hiệp thông” (koinonia)[2], vốn là hoa trái của Chúa Thánh Thần. 
Sự “hiệp thông”diễn tả cốt lõi sâu xa của Hội Thánh hoàn vũ và của các Giáo Hội địa phương, làm nên cộng đoàn Kitô hữu mẫu mực. Cộng đoàn này trở nên gần gũi và thấy được trong sự đa dạng của các cộng đoàn Kitô hữu trực thuộc: đó là gia đình, giáo xứ, trường học Công giáo, các hiệp hội và phong trào Công giáo, các cộng đoàn Giáo Hội cơ bản…, ở những nơi ấy người Kitô hữu được sinh ra, được giáo dục và sống trong đức tin. Đó cũng chính là những “địa điểm” huấn giáo, nghĩa là những không gian cộng đoàn, nơi thực hiện việc dạy giáo lý theo mẫu dự tòng và huấn giáo thường xuyên.[3]
 
254.  Cộng đoàn Kitô hữu là nguồn gốc, không gian và mục tiêu của huấn giáo. Cộng đoàn ấy luôn là nơi phát sinh việc loan báo Tin Mừng để mời gọi con người trở lại và đi theo Đức Kitô. Cũng chính cộng đoàn ấy đón nhận những người ao ước được biết Chúa và muốn dấn thân trong một đời sống mới. Cộng đoàn đó đồng hành với các dự tòng và các học viên trong suốt chặng đường huấn giáo và với tình săn sóc mẫu tử, làm cho họ tham dự vào kinh nghiệm đức tin của mình, và sát nhập họ vào cộng đoàn[4].
Việc dạy giáo lý vẫn luôn là một. Nhưng các “nơi”[5] huấn giáo ấy lại tạo nên đặc điểm cho việc dạy giáo lý, với những sắc thái độc đáo của từng nơi. Điều quan trọng là nhận biết vai trò của mỗi nơi đối với việc dạy giáo lý.
 
Gia đình như là môi trường hay phương tiện phát triển đức tin.
255.  Cha mẹ là các nhà giáo dục đức tin đầu tiên. Và cùng với các ngài, nhất là trong một số nền văn hóa, mọi thành viên trong gia đình đóng một vai trò chủ động trong việc giáo dục các thành viên trẻ hơn. Nhưng theo nghĩa nào mà cộng đoàn gia đình Kitô hữu là “nơi” dạy giáo lý, điều ấy cần phải xác định một cách cụ thể hơn.
 Gia đình được định nghĩa là “Hội Thánh tại gia”[6], có nghĩa là trong mỗi gia đình Kitô hữu phải có những phương diện hay những nhiệm vụ khác nhau của toàn thể Hội Thánh: sứ mạng tông đồ, huấn giáo, chứng tá, cầu nguyện, v.v... Thật vậy, như Hội Thánh, gia đình là “ một nơi mà Tin Mừng được truyền đạt và tỏa sáng”[7]. Gia đình như là “nơi” huấn giáo có một đặc quyền duy nhất là truyền đạt Tin Mừng qua việc làm cho nó đâm rễ vào trong một tập hợp những giá trị nhân bản sâu xa [8]. Dựa trên nền tảng nhân bản này, việc khai tâm vào đời sống Kitô giáo được sâu sắc hơn, chẳng hạn như: khơi dậy lên cảm thức về Thiên Chúa, khởi đầu những bước đi vào cầu nguyện; giáo dục ý thức đạo đức; đào tạo cảm thức Kitô giáo về tình yêu nhân lọai, một tình yêu được coi như là phản ảnh của tình yêu Thiên Chúa, là Cha và là Đấng Sáng tạo. Tóm lại,  đây là một sự giáo dục Kitô giáo có tính chứng tá hơn là giảng dạy, có tính cơ hội hơn là hệ thống, có tính thường xuyên và thường nhật hơn là cấu trúc theo giai đoạn. Trong việc dạy giáo lý tại gia đình, sự đóng góp của ông bà luôn luôn trở nên quan trọng hơn. Sự khôn ngoan và lòng đạo đức của các ngài thường đóng vai trò chủ chốt trong việc tạo nên một bầu khí Kitô giáo thực sự.
 
Thời kỳ dự tòng cho người trưởng thành[9]
256.  Thời kỳ dự tòng là một địa điểm điển hình của việc dạy giáo lý, được Hội Thánh thiết lập để chuẩn bị cho những người trưởng thành ao ước trở nên Kitô hữu để đón nhận những Bí Tích khai tâm[10]. Thực vậy, chính thời kỳ dự tòng đã thực hiện “việc đào tạo đặc biệt này, nhờ đó, người trưởng thành, một khi đã trở lại với đức tin, được dẫn đến việc tuyên xưng đức tin khi chịu phép rửa tội trong đêm Vọng Phục Sinh”[11]
Việc dạy giáo lý trong thời kỳ dự tòng được nối kết chặt chẽ với cộng đoàn Kitô hữu[12]. Ngay từ khi bước vào thời kỳ dự tòng, Hội Thánh đã bao bọc những người dự tòng “bằng tình thương yêu, bằng sự chăm sóc như thể họ đã là con cái mình: thật vậy, họ đã thuộc về gia đình Đức Kitô”[13]. Do đó, cộng đoàn Kitô hữu phải giúp những “ứng viên và những người dự tòng trong suốt tiến trình khai tâm, từ thời tiền dự tòng đến thời dự tòng, rồi đến thời kỳ nhiệm huấn”[14]
Sự hiện diện thường xuyên này của cộng đoàn Kitô hữu được biểu lộ bằng những cách khác nhau, như đã được mô tả rõ ràng trong sách Nghi thức khai tâm Kitô giáo dành cho người trưởng thành[15]
 
Giáo xứ như là môi trường huấn giáo
257. Không nghi ngờ gì nữa, giáo xứ là địa điểm có ý nghĩa nhất trong đó cộng đoàn Kitô hữu được hình thành và được biểu lộ. Giáo xứ được mời gọi để trở thành một mái ấm gia đình, huynh đệ và niềm nở đón tiếp, nơi mà người Kitô hữu ý thức mình là Dân Thiên Chúa[16]. Thực vậy, giáo xứ quy tụ nên một tất cả những thành phần nhân loại khác nhau, và đưa họ vào tinh thần đại đồng của Hội Thánh[17]. Giáo xứ cũng là môi trường mà bình thường con người được sinh ra và lớn lên trong đức tin. Vì thế, giáo xứ là một không gian cộng đoàn rất thích hợp để thừa tác vụ Lời Chúa được thể hiện qua việc giảng dạy, giáo dục cũng như kinh nghiệm sống.
 Ngày nay, tại nhiều quốc gia, giáo xứ đang trải qua những chuyển biến sâu xa.  Những thay đổi về xã hội đã ảnh hưởng mạnh mẽ trên giáo xứ. Tại các thành phố lớn “giáo xứ như bị lung lay do hiện tượng đô thị hóa”[18]. Dù vậy, giáo xứ vẫn là điểm qui chiếu chính cho người Kitô hữu, kể cả cho những người không sống đạo”[19]. Tuy nhiên giáo xứ mãi mãi vẫn là người cổ võ và là “địa điểm ưu tiên”[20] cho huấn giáo, dẫu biết rằng giáo xứ không thể là trọng tâm cho mọi chức năng của Hội Thánh liên quan đến huấn giáo, và giáo xứ còn phải liên kết với các cơ chế khác. 
 
258.     Để giáo xứ có thể loan báo Tin Mừng một cách hoàn toàn hữu hiệu, việc dạy giáo lý phải tuân thủ một số điều kiện sau đây:
a. Việc dạy giáo lý cho người trưởng thành[21] phải ngày càng được ưu tiên. Vấn đề là phát động “một giáo lý sau rửa tội dưới hình thức dự tòng, gồm có việc trình bày lại một số yếu tố của sách Nghi Thức Khai Tâm Kitô Giáo Dành Cho Người Trưởng Thành, giúp họ đón nhận và tận hưởng kho tàng phong phú bao la và kỳ diệu của Bí Tích Rửa Tội đã lãnh nhận, cũng như thực hiện các trách nhiệm xuất phát từ  Bí Tích ấy”[22]
b. Với một lòng can đảm mới, cần phải xét đến việc loan báo Tin Mừng cho những người đang còn xa đức tin hoặc cho những người đang sống trong tình trạng dửng dưng tôn giáo[23]. Về việc này, những lần gặp gỡ chuẩn bị cho các Bí Tích (hôn phối, rửa tội, và rước lễ lần đầu của các em nhỏ…) có thể đóng một vai trò quan trọng căn bản[24].
c. Như một điểm qui chiếu vững vàng cho việc dạy giáo lý của giáo xứ, cần phải có một cộng đoàn hạt nhân bao gồm những Kitô hữu trưởng thành, đã có đức tin vững chắc, được quan tâm mục vụ cách thích hợp và đặc biệt. Đây là một mục tiêu dễ dàng đạt được nhờ việc thăng tiến các cộng đoàn nhỏ ngay trong các giáo xứ[25].
d. Nếu những điều kiện trên đây, chủ yếu liên quan đến người trưởng thành, được tuân thủ, thì việc dạy giáo lý cho thiếu nhi và thanh thiếu niên - vốn luôn luôn cần thiết - cũng sẽ rút ra được nhiều lợi ích lớn lao.

Trường Công Giáo
259. Trường công giáo[26] là một địa điểm rất quan trọng cho việc đào tạo nhân bản và Kitô giáo. Tuyên ngôn về Giáo dục Kitô giáo Gravissimum Educationis của Công Đồng Vaticanô II “đánh dấu một thay đổi quyết định trong lịch sử trường Công giáo: sự chuyển tiếp từ trường cơ chế qua trường cộng đồng”[27]
Trường Công giáo cũng giống như các trường khác, là theo đuổi những mục tiêu văn hóa và đào tạo nhân bản cho người trẻ. Nhưng nó có những chức năng đặc biệt:
- “Tạo cho môi trường học đường một bầu khí sống động, thấm nhuần tự do và bác ái theo tinh thần Phúc Âm.
- Giúp thanh thiếu niên phát triển nhân cách mình đồng thời làm phát triển con người mới đã được thành hình khi chịu phép rửa tội.
- Và sau cùng, trường Công giáo còn phải hướng nền văn hóa chung của nhân loại vào việc loan truyền ơn Cứu độ”[28].
Dự án giáo dục của trường Công giáo buộc phải xây dựng trên nền tảng của quan niệm này, đã được Công Đồng Vaticanô II đề ra. 
Dự án này được thực thi trong cộng đoàn nhà trường bao gồm: “Các giáo viên, hiệu trưởng, ban quản trị, các nhân viên, các bậc phụ huynh đóng vai trò hàng đầu xét như là những nhà giáo dục tự nhiên và không thể thay thế được cho con cái họ, và các bạn học lại là những người có trách nhiệm đầu tiên và là những chủ thể đích thực chủ động trong tiến trình giáo dục”[29].
 
260. Khi các học sinh trường Công giáo mà đa số thuộc về những gia đình có liên hệ với nhà trường vì đặc tính Công giáo, thì thừa tác vụ Lời Chúa có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức:  lời loan báo đầu tiên, giáo dục tôn giáo ở nhà trường, dạy giáo lý và giảng Lời Chúa. Tuy nhiên, trong đó, có hai hình thức đóng vai trò quan trọng đặc biệt trong trường Công giáo: dạy về tôn giáo và dạy về giáo lý, mà đặc tính riêng biệt đã được lưu ý[30].
 Khi các học sinh và gia đình lui tới với nhà trường chỉ vì phẩm chất giáo dục, hay vì những động cơ nào khác, thì hoạt động giáo lý ở trường đó đương nhiên bị giới hạn, và việc giảng dạy tôn giáo - khi có thể được - cũng chỉ chú trọng đến tính chất văn hóa mà thôi. Sự đóng góp của loại trường này vẫn luôn là “một việc phục vụ có giá trị rất lớn cho con người”[31] và là một yếu tố trong công cuộc rao giảng Tin Mừng của Hội Thánh. 
Trước sự đa dạng của những hoàn cảnh xã hội, văn hóa và tôn giáo trong đó trường Công giáo đang hoạt động tại nhiều quốc gia khác nhau, các Giám mục và các Hội đồng giám mục nên qui định các hình thức sinh họat giáo lý mà trường Công giáo phải thực hiện.
 
Các hiệp hội, các phong trào và các nhóm tín hữu.
261. Các “hiệp hội, phong trào và tập thể tín hữu khác nhau[32] được phát triển trong Giáo Hội địa phương, có mục tiêu giúp các môn đệ của Đức Kitô hoàn thành sứ mạng giáo dân của họ trong thế giới và trong chính Hội Thánh. Ở những tập thể đó, các Kitô hữu dấn thân “vào việc thực thi lòng đạo đức, vào việc tông đồ trực tiếp, vào việc thực thi tình bác ái và tương trợ, vào việc hiện diện Kitô giáo trong các thực tại trần thế[33]
Trong tất cả các hiệp hội và phong trào ấy, bằng cách này cách khác, cần phải có một cuộc đào tạo nhằm củng cố sâu xa các chiều kích nền tảng của đời sống Kitô giáo: “Thật vậy, mỗi cộng đoàn với những phương pháp riêng của mình, tất cả đều có khả năng thực hiện một cuộc đào tạo dựa vào chính kinh nghiệm của đời tông đồ, chúng cũng có cơ hội bổ sung, cụ thể hóa và chỉ định rõ công cuộc đào tạo mà các thành viên của chúng đã lãnh nhận từ những vị thầy khác hay cộng đoàn khác”[34].
Việc dạy giáo lý luôn luôn là một chiều kích nền tảng của công cuộc đào tạo mỗi người tín hữu. Chính vì thế, các hiệp hội và các phong trào này thường dành những “thời gian cho việc học giáo lý”[35]. Như vậy dạy giáo lý không phải là một cái gì luân phiên với việc đào tạo Kitô hữu mà họ trao ban, nhưng dạy giáo lý là một chiều kích thiết yếu của việc đào tạo ấy.
 
262. Khi việc dạy giáo lý được thực hiện trong lòng các hiệp hội và các phong trào này, cần phải quan tâm đến một số khía cạnh sau:
a) Phải tôn trọng “bản tính đặc thù”[36] của việc dạy giáo lý bằng việc khai triển tất cả sự phong phú của ý niệm dạy giáo lý với ba chiều kích là lời nói, trí nhớ và chứng tá (giáo lý, cử hành, và dấn thân trong đời sống)[37]. Bất cứ “nơi” nào dạy giáo lý, thì huấn giáo trước hết là một cuộc huấn luyện căn bản và có tổ chức về đức tin. Vì thế, nó phải bao gồm “việc học hỏi nghiêm túc về giáo thuyết Kitô giáo”[38] và hình thành một cuộc đào tạo tôn giáo đúng đắn “hướng đến tất cả mọi yếu tố của đời sống Kitô hữu”[39].
b) Điều này không ngăn cản mục tiêu riêng của những hiệp hội và những phong trào có thể diễn tả - với những đặc sủng riêng - với những điểm nhấn đặc biệt một huấn giáo phải luôn trung thành bằng mọi cách với đặc tính riêng của mình. Giáo dục qua việc giới thiệu linh đạo của một hiệp hội hay phong trào - vốn luôn là một kho tàng phong phú cho Hội Thánh - phải được thực hiện cách đặc biệt sau việc đào tạo Kitô giáo căn bản, vốn là một cho tất cả các Kitô hữu. Trước hết nên đào tạo cái gì chung cho mọi thành viên của Giáo Hội, hơn là đào tạo cái đặc thù hay cá biệt.
c) Cũng vậy, cần phải khẳng định rằng về vấn đề huấn giáo, các phong trào và hiệp hội, không phải là một luân phiên bình thường với giáo xứ, nhưng giáo xứ vẫn luôn là cộng đoàn giáo dục thực sự đúng nghĩa[40].
 
Những cộng đoàn Giáo Hội cơ bản.
263. Những cộng đoàn Giáo Hội cơ bản đã phát triển rất mạnh vào những thập niên vừa qua[41]. Đó là những nhóm Kitô hữu “phát sinh từ nhu cầu sống đời sống Hội Thánh mỗi ngày mỗi mãnh liệt hay do lòng ước muốn và tìm kiếm một chiều kích nhân bản hơn, mà ngay những cộng đoàn Giáo hội lớn hơn cũng khó có thể đem lại...”[42]
Những cộng đoàn Giáo hội cơ bản là một “dấu chỉ sức sống của Hội Thánh”[43]. Các môn đệ của Đức Kitô họp nhau ở đó để lắng nghe Lời Chúa, tìm kiếm những mối dây huynh đệ hơn, cử hành những mầu nhiệm Kitô giáo trong đời sống của họ và dấn thân cải tạo xã hội. Thêm vào những chiều kích đặc biệt Kitô giáo trên còn có những giá trị nhân bản khác: tình bạn và sự tôn trọng tha nhân, tinh thần đồng trách nhiệm, óc sáng tạo, sự đáp trả ơn gọi, quan tâm đến những vấn đề của Hội Thánh và thế giới. Đây có thể là cơ hội cho một kinh nghiệm cộng đoàn rất phong phú, “một cách diễn tả đích thực của sự hiệp thông và một phương tiện để xây dựng một sự hiệp thông sâu xa hơn”.[44]
Để trở thành những cộng đoàn Giáo hội cơ bản đích thực “mọi cộng đoàn phải sống trong sự hiệp nhất với Giáo Hội địa phương và Hội Thánh toàn cầu, trong sự hiệp thông chân thành với các Chủ chăn và Huấn quyền, trong sự dấn thân truyền giáo bằng cách tránh đi mọi thứ co cụm và mọi kiểu lạm dụng tư tưởng.”[45]

264.  Những cộng đoàn Giáo hội cơ bản có thể là nơi phát triển một nền huấn giáo rất phong phú:
- Bầu khí huynh đệ, nét đặc trưng của những cộng đoàn này sẽ tạo nên một môi trường thích hợp cho việc dạy giáo lý toàn diện, với điều kiện phải tôn trọng bản chất và đặc tính riêng của việc dạy giáo lý.
- Mặt khác, việc dạy giáo lý giúp đào sâu đời sống cộng đoàn bởi vì nó đảm bảo những nền tảng căn bản của đời sống Kitô giáo cho các tín hữu. Nếu không có việc dạy giáo lý, các cộng đoàn Giáo hội cơ bản sẽ không còn bền vững được nữa.
- Sau cùng, cộng đoàn bé nhỏ là nơi thích hợp để đón nhận người đã hoàn tất một chặng đường huấn giáo.
 


[1] x. phần V, chương 1: “Cộng đoàn Kitô hữu và trách nhiệm của huấn giáo”, ở đây người ta bàn về cộng đoàn như là phụ trách về huấn giáo. Nó được xem là “nơi” huấn giáo.
[2] x. Bộ Giáo lý đức tin, thư Communionis notio, số 1: 1c. 838.
[3]x. MPD 13.
[4]x. CT 24.
[5]CT 67a. Đây là một thuật ngữ cổ điển trong việc huấn giáo. Tông Huấn nói về những địa điểm huấn giáo: (« de locis catecheseos »).
[6]x. LG 11 ; AA 11; FC 49.
[7]EN 71.
[8] x.GS 52 ;FC 37a
[9] Xem phần I, chương 3: “Thời kỳ dự tòng : cấu trúc và tiệm tiến ”. Người ta bàn về thời kỳ dự tòng như là một nơi dạy giáo lý, và theo như là cộng đoàn luôn có mặt thường xuyên ở đó.
[10] x. DGC (1971) 130 mô tả mục đích của thời kỳ dự tòng; x. RICA 4, chỉ dẫn sự liên kết giữa thời kỳ dự tòng và cộng đoàn Kitô hữu.
[11]Thượng Hội Đồng 1977, MPD 8c.
[12]x. RICA 4, 41.
[13]RICA 18.
[14]RICA 41.
[15]x. RICA 41.
[16]x. CT 67c.
[17]x. AA 10.
[18]CT 67b.
[19]Ibid.
[20]Ibid.
[21]Tầm quan trọng của việc dạy giáo lý cho người trưởng thành đã được nhấn mạnh trong Tông Huấn CT 43 và trong DGC (1971) 20.
[22]ChL 61.
[23]x. EN 52.
[24]x. DGC (1971) 96c.
[25]Cần lưu ý xem Đức Gioan Phaolô II phát biểu thế nào, trong ChL 61, về sự thích hợp của các cộng đoàn Giáo Hội nhỏ trong bối cảnh của các giáo xứ, và không phải như một phong trào song song thu hút những thành viên tốt nhất của giáo xứ: “Ở bên trong một số giáo xứ…các cộng đòan giáo hội nhỏ hiện diện có thể có lợi ích lớn trong việc huấn luyện các Kitô hữu, bằng cách làm cho ý thức và kinh nghiệm về sự hiệp thông và sứ mạng của Hội Thánh trở nên tinh vi và sâu sắc hơn ”.
[26]x. THÁNH BỘ GIÁO DỤC CÔNG GIÁO, Tài Liệu Trường Công Giáo: l.c.
[27]BỘ GIÁO DỤC CÔNG GIÁO, chiều kích tôn giáo của giáo dục trong trường Công giáo. Những hướng dẫn để suy nghĩ và xét lại, số  31: l.c.
[28]GE 8.
[29]BỘ GIÁO DỤC CÔNG GIÁO, chiều kích tôn giáo của giáo dục trong trường Công giáo…,  số 32, 1.c.
[30]“Tính cách riêng biệt và lý do sâu xa của trường Công giáo, cái lý do khiến các bậc cha mẹ Công giáo phải quí trọng trường ấy hơn các trường khác, chính là phẩm chất giảng dạy tôn giáo được kết hợp vào việc giáo dục học sinh” (CT 69); x. phần I, chương 2, các số 73-76.
[31]AG 12c.
[32]x. CT 70.
[33]CT 70 đề cập đến những hiệp hội, những phong trào hay những nhóm tín hữu mà các mục đích đào tạo làm cho người ta lo chăm sóc các phương diện huấn giáo, vốn không phát sinh trực tiếp mà tự cấu thành những môi trường huấn giáo.
[34]ChL 62.
[35]CT 67.
[36]CT 47b.
[37]Ibid.
[38]CT 47.  Trong bản văn này, Đức Gioan Phaolô II nói về những nhóm người trẻ khác nhau - những nhóm Công giáo tiến hành, những nhóm cầu nguyện, những nhóm suy tư Kitô giáo – Ngài yêu cầu họ đừng để thiếu “một nghiên cứu nghiêm chỉnh về giáo thuyết Kitô giáo”. Việc dạy giáo lý là một chiều kích không bao giờ được thiếu vắng trong đời sống tông đồ của giáo dân.
[39]CT 21.
[40]x. CT 67b-c.
[41]EN 58 lưu ý rằng các cộng đoàn Giáo hội cơ bảnnở rộ hầu như khắp nơi trong Hội Thánh. RM 51 khẳng định rằng vấn đề là một “hiện tượng có sự phát triển nhanh chóng”.
[42]EN 58c
[43]RM 51a; x. EN 58f; LC 69
[44]RM 51c.
[45]Ibid.; x. EN 58; LC 69.