• Trang chủ

UBGLĐT-HĐGMVN - HDTQ VD GIÁO LÝ -PHẦN IV-Chương5


PHẦN IV - CHƯƠNG V: Dạy giáo lý trong bối cảnh văn hóa-xã hội[1] (04/11/11, 3:01 pm)

Dạy giáo lý và văn hóa đương thời[2]

202.     “Chúng ta có thể xác quyết rằng việc dạy giáo lý cũng như việc Phúc Âm hóa nói chung cốt là để đưa sức mạnh Tin Mừng vào trong lòng văn hóa và các nền văn hóa”[3]. Chúng ta đã trình bày các nguyên tắc về sự thích nghi và hội nhập văn hóa của huấn giáo[4]. Vậy chỉ cần khẳng định lại rằng tất cả huấn giáo đều có một sự hướng dẫn tuyệt vời trong “luật đức tin” được Huấn quyền ban hành và được thần học đào sâu. Cũng phải nhắc lại rằng, lịch sử huấn giáo, đặc biệt vào thời các Giáo Phụ, là lịch sử của việc hội nhập đức tin dưới nhiều hình thức khác nhau, đáng được học hỏi và suy gẫm. Vả lại, đó là một lịch sử chưa bao giờ hoàn tất và cần một thời gian lâu dài để không ngớt thấm nhuần Tin Mừng.
Chương này đưa ra những chỉ dẫn về các phương pháp phải theo để hoàn thành một công việc vừa cần thiết lại vừa đòi hỏi, vừa khó khăn lại vừa dễ dàng đưa đến những mối nguy hỗn tạp và những hiểu lầm. Vấn đề này đặc biệt quan trọng trong thời buổi hiện nay, đòi hỏi một suy tư sâu sắc hơn, có kế hoạch và mang tính toàn cầu về kinh nghiệm dạy giáo lý.
Những nhiệm vụ của việc dạy giáo lý nhằm hội nhập văn hóa đức tin[5]

203.     Những nhiệm vụ đó tạo thành một tổng thể có tổ chức mà chúng tôi xin tóm tắt như sau:
- Hiểu biết sâu xa văn hóa của con người và mức độ mà nền văn hóa ấy ăn sâu vào đời sống của họ.
- Lột tả chiều kích văn hóa của Tin Mừng; khẳng định rằng Tin Mừng không xuất hiện một cách tự phát từ một lãnh vực văn hóa nào; nhìn nhận rằng Tin Mừng không cách ly với văn hóa mà nó đã được tháp nhập vào và được diễn tả từ bao thế kỷ nay.
- Loan báo sự biến đổi sâu xa, sự cải hóa mà sức mạnh của Tin Mừng đã sản sinh trong các nền văn hóa, sức mạnh ấy vốn là “một sức mạnh biến đổi và tái sinh ở khắp nơi”[6].    
- Làm chứng rằng Tin Mừng vượt lên trên các nền văn hóa, không làm nô lệ cho văn hóa nhưng phân biệt những hạt giống Tin Mừng chứa đựng trong đó.
- Cổ động cho cách diễn tả mới về Tin Mừng trong nền văn hóa đã đón nhận Phúc Âm, bằng cách tìm kiếm một thứ ngôn ngữ đức tin, là gia sản chung của các tín hữu và cũng là một yếu tố chủ yếu của sự hiệp thông.
- Duy trì sự toàn vẹn nội dung đức tin của Hội Thánh và giải thích các công thức đức tin của Thánh Truyền và các thí dụ kèm theo, sao cho phù hợp với văn hóa và lịch sử của người nghe, đồng thời luôn tránh những cắt xén và sai lạc về nội dung.
Tiến trình phương pháp luận
204.     Chắc hẳn huấn giáo phải tránh không được lèo lái văn hóa, nhưng cũng không thể cam tâm kết hợp đơn thuần Tin Mừng vào văn hóa theo kiểu “trang trí”; trái lại phải trình bày Tin Mừng “một cách sống động, có chiều sâu”[7]thấm vào tận gốc rễ của các nền văn hóa khác của con người.
Điều ấy sẽ ấn định một tiến trình năng động và cộng lực: cố gắng đi sâu vào văn hóa các dân tộc như tiếng vọng của Lời Chúa (tiên báo,  khẩn cầu, dấu chỉ…), đồng thời phân biệt trong đó những yếu tố Tin Mừng thực sự hay ít nữa mở ra cho Tin Mừng; tinh luyện những gì còn mang bóng dáng tội lỗi (những đam mê, những cơ cấu của sự dữ…) hoặc sự yếu đuối của con người; mở ra một lỗ hổng trong tâm hồn để dẫn họ từng bước đến sự dứt khoát trở về với Thiên Chúa, đến sự đối thoại với anh em và đến sự trưởng thành nội tâm.

Sự cần thiết của việc lượng giá và những tiêu chuẩn để lượng giá.
205.     Trong giai đoạn lượng giá, nhất là khi mới thử nghiệm lần đầu hoặc mới đưa ra thực hành phải cẩn thận không để những yếu tố hỗn hợp tôn giáo thâm nhập vào tiến trình dạy giáo lý. Trong trường hợp đó những thử nghiệm để hội nhập văn hóa trở nên nguy hiểm, sai lạc và cần được sửa chữa lại.
Một huấn giáo đích thực sẽ không chỉ đưa người ta đến sự hấp thụ kiến thức đức tin mà còn chạm đến con tim và làm biến đổi nếp sống. Như thế việc dạy giáo lý phải làm phát sinh một sức sống đầy năng động và hợp nhất của đức tin, lấp đầy hố sâu giữa điều con người tin và điều họ sống, giữa sứ điệp Kitô giáo và bối cảnh văn hóa, đồng thời thúc đẩy hoa trái của sự thánh thiện.
Những người chịu trách nhiệm của tiến trình hội nhập văn hóa
206.     “Hội nhập văn hóa phải là công trình của toàn thể Dân Chúa chứ không phải chỉ là của một vài chuyên gia, bởi vì đã rõ Dân Chúa phản ánh cảm thức chân thực của đức tin, điều mà ta không bao giờ được quên. Thực vậy, việc hội nhập văn hóa phải được hướng dẫn và khích lệ nhưng không được gò ép để khỏi gây ra những phản ứng tiêu cực nơi các Kitô hữu: đó phải là cách diễn tả đời sống cộng đoàn, tức là phải chín muồi giữa lòng cộng đoàn, chứ không phải chỉ là kết quả của những nghiên cứu uyên bác”[8]. Công trình nhập thể của Tin Mừng, là mục tiêu đặc thù của hội nhập văn hóa, đòi hỏi tất cả những ai đang sống trong cùng một bối cảnh văn hóa - linh mục, người làm mục vụ (giáo lý viên) và giáo dân - phải tham gia vào việc dạy giáo lý.
Những hình thức và những con đường ưu tiên
207.     Trong số những hình thức thích hợp nhất cho việc hội nhập văn hóa của đức tin, phải lưu ý đến việc dạy giáo lý cho giới trẻ và cho người trưởng thành, với những khả năng mà việc ấy đem lại để kết hợp cách sâu xa đức tin và đời sống.
Không nên coi thường sự hội nhập văn hóa của đức tin trong giai đoạn khai tâm Kitô giáo nơi trẻ em, vì những liên đới đặc biệt của nó với văn hóa như: việc đón nhận những động lực sống mới, việc giáo dục lương tâm, việc học hỏi ngôn ngữ Thánh Kinh và bí tích, sự hiểu biết về giá trị lịch sử của Kitô giáo.
Dạy giáo lý phụng vụ là một phương tiện ưu tiên do có nhiều dấu chỉ để trình bày sứ điệp và do sự tiếp cận dành cho phần đông Dân Chúa. Cũng cần phải đánh giá lại nội dung của các bài đọc, cấu trúc của năm phụng vụ, bài giảng ngày chủ nhật và cả những dịp dạy giáo lý mang ý nghĩa đặc biệt (hôn phối, an táng, thăm viếng bệnh nhân, lễ bổn mạng, vv..). Sự quan tâm đến gia đình là điều chính yếu vì chính gia đình tạo nên bước khởi đầu cho việc truyền đạt sâu xa về đức tin. Việc dạy giáo lý còn mang một ích lợi đặc biệt nữa trong bối cảnh đa chủng tộc, vì nó giúp khám phá thêm gia sản của những nhóm sắc tộc khác nhau cũng như cần quan tâm đến chúng khi tiếp nhận và diễn tả mới về đức tin.

Ngôn ngữ[9]
208.     Việc hội nhập đức tin xét về nhiều phương diện, chính yếu vẫn là vấn đề ngôn ngữ. Vậy bổn phận của huấn giáo là phải tôn trọng và đánh giá cao ngôn ngữ riêng của sứ điệp, trước hết là ngôn ngữ Thánh Kinh, cũng như ngôn ngữ lịch sử và ngôn ngữ truyền thống của Hội Thánh (kinh Tin Kính, phụng vụ) và ngôn ngữ tín lý (những định tín). Huấn giáo cũng cần phải được truyền đạt với những kiểu nói và những hạn từ riêng của văn hóa người học. Sau cùng giáo lý phải khuyến khích những cách diễn đạt mới về Tin Mừng trong nền văn hóa mà Tin Mừng ấy được gieo trồng.
Trong tiến trình hội nhập văn hóa của Tin Mừng, huấn giáo không nên ngại sử dụng những công thức truyền thống và những hạn từ chuyên môn về đức tin, nhưng phải giải thích ý nghĩa và làm nổi bật giá trị hiện sinh của những hạn từ ấy. Đàng khác, nhiệm vụ của huấn giáo là phải “ tìm ra thứ ngôn ngữ phù hợp với trẻ em, với giới trẻ thời nay nói chung và nhiều đối tượng khác như: sinh viên, người trí thức, người làm khoa học, người mù chữ hay những người có văn hóa bình dân, người thiểu năng v.v…[10]

Các phương tiện truyền thông
209.     Những cách thức truyền thông thường có liên hệ chặt chẽ với ngôn ngữ. Một trong những phương tiện hữu hiệu và phổ biến nhất là những phương tiện truyền thông đại chúng (mass media): “Ngay việc Phúc Âm hóa nền văn hóa hiện đại cũng lệ thuộc phần lớn vào ảnh hưởng của những phương tiện truyền thông đại chúng”[11].
Chúng ta xem lại những đọan văn có liên quan đến vấn đề ấy trong cuốn Hướng Dẫn này[12], nhưng cũng xin nhắc lại đây vài chỉ dẫn có ích cho việc hội nhập văn hóa. Đó là:
- phải đánh giá cao về những phương tiện truyền thông đại chúng, tùy theo chức năng chuyên biệt của truyền thông mà giữ sự quân bình giữa ngôn ngữ hình ảnh và ngôn ngữ lời nói
- bảo vệ ý nghĩa tôn giáo đích thực trong những công thức diễn đạt đã được chọn lựa
- đề cao khả năng nhận xét của học viên và khuyến khích họ đào sâu những gì đã nhận được từ các phương tiện truyền thông đại chúng
- khuyến khích việc tạo nên những phương tiện huấn giáo dành cho việc truyền thông đại chúng
- cổ võ sự hợp tác hữu hiệu giữa những người cùng làm công tác mục vụ với nhau[13].
210.     Phương tiện giữ vai trò trọng tâm trong tiến trình hội nhập văn hóa là sách giáo lý. Trước hết, là Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, mà ta phải biết “ làm nổi bật lãnh vực phục vụ rộng lớn của nó… cũng như nhấn mạnh đến việc hội nhập văn hóa, mà muốn hữu hiệu thì phải luôn tôn trọng tính chân thật”[14].
            Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo khuyến khích việc soạn thảo những sách giáo lý địa phương trong đó thể hiện những “thích nghi mà các khác biệt về văn hóa, tuổi tác, sự trưởng thành thiêng liêng, hoàn cảnh xã hội và Giáo hội của học viên đòi hỏi”[15].
Các môi trường nhân văn và các khuynh hướng văn hóa
211.     Tin Mừng đòi hỏi một huấn giáo mở rộng, quảng đại, can đảm gặp gỡ con người nơi họ sinh sống, đạt đến những trung tâm của cuộc sống con người như: gia đình, trường học, nơi làm việc, giải trí, cũng là nơi xuất hiện những trao đổi văn hóa nền tảng đầu tiên.
            Điều quan trọng nữa là huấn giáo phải biết phân định và đi sâu vào những môi trường nhân văn này nơi mà các khuynh hướng văn hóa thường ảnh hưởng nhiều đến sự phát sinh hay phổ biến những kiểu sống, như khu vực thành phố, các phong trào du lịch và di dân, thế giới người trẻ và những hiện tượng xã hội quan trọng khác.
            Còn những lãnh vực văn hóa khác được gọi là “những địa điểm văn hóa quan trọng hiện nay” cần được “ánh sáng Tin Mừng soi tỏ”[16]như truyền thông, sự dấn thân vì hòa bình, vấn đề phát triển, giải phóng các dân tộc, bảo vệ môi trường, bảo vệ nhân quyền, đặc biệt là quyền của người thiểu số, của phụ nữ và trẻ em, nghiên cứu khoa học và các tương quan quốc tế…
Sự can thiệp trong những hoàn cảnh cụ thể
212.     Tiến trình hội nhập văn hóa mà việc dạy giáo lý theo đuổi luôn diễn tiến trong những hoàn cảnh cụ thể, vừa nhiều lại vừa khác nhau. Chúng ta nên lưu ý những tình huống quan trọng và thường xảy ra nhất.
            Trước hết phải phân biệt giữa hội nhập văn hóa trong các nước mới gia nhập truyền thống Công Giáo mà việc truyền giảng đầu tiên còn đang phải củng cố, và sự hội nhập văn hóa trong các nước Công Giáo truyền thống đang cần một công cuộc tân Phúc Âm hóa.
            Tiếp đến, còn phải quan tâm đến những hoàn cảnh đang bị đe dọa bởi những căng thẳng và xung đột đôi khi rất gay gắt, vì lý do đa chủng tộc và vì sự phát triển không đồng đều, vì điều kiện sống ở thành thị và nông thôn, vì hệ thống cai trị bị tác động bởi khuynh hướng tục hóa tràn lan ở nước này hoặc lối sống sùng đạo ở nước kia.
            Cuối cùng, cần phải chú ý đến những khuynh hướng của địa phương đặc biệt có ý nghĩa về mặt văn hóa, đại diện bởi các tầng lớp xã hội và nghề nghiệp khác nhau, như các nhà khoa học, giới trí thức, giới thợ thuyền, giới trẻ, giới bị bỏ rơi, người nước ngoài, người khuyết tật…
            Nói chung, “việc đào tạo giáo dân phải quan tâm đến nền văn hóa nhân bản của địa phương vì nó góp phần vào chính việc đào tạo cũng như giúp thẩm định những giá trị có sẵn trong nền văn hóa truyền thống và những giá trị trong nền văn hóa hiện nay. Phải cẩn thận lưu ý đến những nền văn hóa khác nhau đồng hiện diện trong cùng một dân tộc và trong cùng một đất nước”[17].
Nhiệm vụ của Giáo Hội địa phương[18]
213.     Việc hội nhập văn hóa thuộc về trách nhiệm của các Giáo Hội địa phương và liên quan đến mọi lĩnh vực của đời sống Kitô hữu. Việc dạy giáo lý cũng là một khía cạnh của công cuộc ấy. Tự bản chất, việc hội nhập văn hóa phải được thực hiện trong những hoàn cảnh cụ thể và đặc trưng, “Hội Thánh chỉ trở nên phong phú nếu biết lưu tâm cách thích đáng đến những Giáo Hội địa phương. Điều đó cần thiết và khẩn cấp”[19].
            Theo mục đích đó, các Hội đồng Giám mục đã đề ra một cách rất chính xác và gần như ở khắp nơi những hướng dẫn cho việc dạy giáo lý (và những phương tiện tương tự), những sách giáo lý, những tài liệu khác, những trung tâm nghiên cứu và đào tạo. Dưới ánh sáng của những gì đã nói trong cuốn Hướng Dẫn này, thì việc xem xét lại và thực hiện những chỉ dẫn thuộc địa phương là điều rất cần thiết. Điều đó được thực hiện bằng cách khuyến khích sự cộng tác của các trung tâm nghiên cứu, bằng cách nhờ vào kinh nghiệm của các giáo lý viên và cổ võ sự tham gia của toàn thể Dân Chúa.
Những sáng kiến được hướng dẫn
214.     Tầm quan trọng của tài liệu này cũng như giai đoạn không thể thiếu cho việc nghiên cứu và thử nghiệm nó, đòi hỏi các sáng kiến được hướng dẫn bởi các vị mục tử, về những vấn đề như:
- Khuyến khích một sự huấn giáo mở rộng và chi tiết giúp vượt qua trở ngại lớn nhất cho công cuộc hội nhập văn hóa, do sự vô tri hoặc do thông tin sai lạc. Điều ấy sẽ tạo thuận lợi cho việc đối thoại và trực tiếp dấn thân của những con người, mà chính họ sẽ chỉ ra cách tốt hơn cả những con đường hữu hiệu nhất cho việc rao giảng Tin Mừng.
            - Thực hiện những kinh nghiệm tiên phong về việc hội nhập văn hóa đức tin ngay trong một chương trình mà Hội Thánh đã thiết lập. Về vấn đề này, việc thực hành thời kỳ dự tòng dành cho người lớn theo Nghi Thức Khai Tâm Kitô Giáo Cho Người Trưởng Thành (RICA) đóng vai trò đặc biệt quan trọng.
            - Nếu trong cùng một lãnh thổ của Giáo Hội có nhiều chủng tộc đa ngôn ngữ thì phải soạn thảo những cuốn hướng dẫn về việc dạy giáo lý được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau và phải cổ động một chương trình dạy giáo lý phù hợp cho từng nhóm ngôn ngữ qua trung gian của những trung tâm huấn giáo.
- Thiết lập một mối tương quan hiệp thông và biết lắng nghe giữa các Giáo Hội địa phương với nhau cũng như với Tòa Thánh. Điều ấy sẽ giúp lượng giá những kinh nghiệm, những tiêu chuẩn, những lộ trình và những phương tiện làm việc hữu hiệu nhất cho việc hội nhập văn hóa.




[1]x. Phần II, chương I; DGC (1971) 8; EN 20; 63; CT 53; RM 52-54; GIOAN PHAOLÔ II, Bài huấn từ cho những thành viên của Uỷ ban quốc tế về huấn giáo : “L’Osservatore Romano” ngày 27/9/1992; BỘ PHỤNG TỰ và KỶ LUẬT CÁC BÍ TÍCH; Chỉ thị La liturgie romaine et l’inculturation (25/1/1995); AAS 87 (1995), tr. 288-319; UỶ BAN THẦN HỌC QUỐC TẾ, Tài liệu Commissio Theologica về Đức tin và hội nhập văn hóa (3.8/10/1988); xem thêm GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn hậu thượng hội đồng, Ecclesia in Africa, l.c;  Những bài nói chuyện trong các chuyến công du mục vụ.
[2]x. EN 20; 63; CT 53; RM 52-54; CEC 172-175.
[3]CT 53.
[4]x. phần II, chương I.
[5]x. CT 53.
[6]CT 53.
[7]EN 20.
[8]RM 54.
[9]x. CT 59
[10]CT 59.
[11]RM 37.
[12]x. phần III, ch.2
[13]x. DGC (1971) 123.
[14]GIOAN PHAOLÔ II, bài nói chuyện với những thành viên Coincat, l.c.
[15]CEC 24; x. FD 4.
[16]RM 37.
[17]ChL 63.
[18]x. Phần V, ch.4.
[19]EN 63.