• Trang chủ

UBGLĐT-HĐGMVN - HDTQ VD GIÁO LÝ -PHẦN IV-Chương4


HƯỚNG DẪN TỔNG QUÁT VIỆC DẠY GIÁO LÝ - PHẦN IV - CHƯƠNG IV Dạy giáo lý trong bối cảnh xã hội tôn giáo (24/10/11, 10:32 am)

Dạy giáo lý trong hoàn cảnh đa dạng và phức tạp[1]
193.     Có nhiều cộng đoàn và cá nhân sống trong một thế giới đa dạng và tục hóa[2], nơi đó những hình thức vô tín và lãnh đạm tôn giáo đi đôi với những hình thức sinh động trong sự đa dạng tôn giáo và văn hóa. Một đàng, ta có thể gặp thấy nơi nhiều người nỗi khao khát những gì là chắc chắn và giá trị, đàng khác, lại mang những hình thức tôn giáo giả hiệu tuy có đức tin nhưng không đủ xác tín. Trước sự phức tạp ấy, người Kitô hữu cảm thấy lạc lõng, nao núng, không biết đối phó với tình huống, cũng chẳng đủ phán đoán những thông tin thường nhật, họ bỏ quên việc đạo đức thường ngày, họ sống như không có Thiên Chúa và đặt lòng tin vào những thứ khác thay cho tôn giáo. Đức tin của họ bị thử thách và đe dọa; có nguy cơ bị tiêu diệt vì ngạt thở hay đói lả, nếu không ngừng được nuôi dưỡng và nâng đỡ…
194.     Trong những trường hợp đó, cần phải có một huấn giáo mang tính cách rao giảng Tin Mừng, nghĩa là “một huấn giáo đầy nhựa sống Tin Mừng, nhờ một ngôn ngữ thích hợp với thời đại và con người”[3]. Huấn giáo ấy sẽ giáo dục các Kitô hữu về ý nghĩa căn tính của người đã chịu phép Rửa, người có niềm tin và là thành viên của một Hội Thánh luôn mở rộng và đối thoại với thế giới. Huấn giáo ấy phải nhắc lại cho họ những yếu tố căn bản của đức tin, thúc đẩy họ thực hiện một tiến trình hoán cải thật sự. Huấn giáo ấy cũng sẽ trả lời cho các vấn nạn về lý thuyết và thực hành bằng việc đào sâu chân lý và giá trị của sứ điệp Kitô giáo. Huấn giáo ấy sẽ giúp họ hiểu và sống Tin Mừng hằng ngày, chuẩn bị họ biết lý giải niềm hy vọng nơi mình[4] và khuyến khích họ chu toàn ơn gọi thừa sai bằng chứng tá, đối thoại và rao giảng.
Việc dạy giáo lý và tín ngưỡng bình dân[5]
195.     Người ta cũng thấy trong các cộng đoàn Kitô hữu có những lối diễn tả riêng biệt về việc tìm kiếm Thiên Chúa và đời sống đạo đức, đầy sốt sắng và ý hướng trong sáng đôi khi rất cảm động, vốn là một chiều kích sinh động của đạo Công Giáo.
Những diễn tả đó xứng đáng với tước hiệu “lòng đạo đức bình dân”. Lòng đạo đức ấy “biểu lộ niềm khao khát Thiên Chúa mà chỉ những người đơn sơ nghèo khó mới có thể cảm nhận được. Lòng đạo đức ấy khiến ta có thể quảng đại và hy sinh đến mức anh hùng khi phải chứng tỏ đức tin. Lòng đạo đức ấy chất chứa một ý thức sắc bén về các phẩm tính sâu xa của Thiên Chúa như: tình phụ tử, sự quan phòng, sự hiện diện yêu thương và bền vững của Ngài; làm phát sinh những thái độ nội tâm ít thấy có cùng một mức độ ở nơi khác như: lòng kiên nhẫn, yêu mến thập giá trong đời sống hằng ngày, từ bỏ, cởi mở với tha nhân, lòng sùng mộ”[6]. Đây là một thực tại vừa phong phú lại vừa mong manh; đức tin, nền tảng của lòng đạo đức này, cần phải được tinh luyện và củng cố.
Do đó phải cần một huấn giáo có khả năng tiếp nhận những chiều kích nội tâm và những giá trị hiển nhiên của một nguồn lực tôn giáo như thế, đồng thời giúp vượt qua những nguy hiểm của sự cuồng tín, dị đoan, hỗn tạp và thiếu hiểu biết về tôn giáo. “Đối với quần chúng bình dân, nếu được hướng dẫn tốt, lòng mộ đạo ấy có thể dần dần biến thành cuộc gặp gỡ đích thực với Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô”[7].        
196.     Lòng tôn sùng của các tín hữu đối với Mẹ Thiên Chúa cũng mang nhiều hình thức tùy nơi và tùy thời, tùy sự nhạy cảm và truyền thống văn hóa của dân chúng. Những cách thức biểu lộ lòng sùng kính Đức Maria thời nay đang bị lạm dụng. Chúng cần đến một khoa huấn giáo đổi mới có khả năng lọc ra những yếu tố lỗi thời và làm nổi bật những giá trị bất biến, đồng thời đưa vào đấy những điểm giáo lý rút ra từ các suy tư thần học mà Huấn quyền của Hội Thánh đã ban hành.
Lọai huấn giáo này hết sức cần thiết. Nó cũng phải trình bày rõ nét đặc điểm về Chúa Ba Ngôi, về Kitô học, về Giáo Hội học vốn là yếu tố nội tại của Thánh Mẫu học. Sau cùng, trong việc xét lại cũng như việc sáng tạo ra những cách thức biểu lộ lòng sùng kính Đức Maria, cần phải quan tâm đến chiều kích Thánh Kinh, Phụng vụ, Đại kết và con người[8].

Dạy giáo lý và vấn đề đại kết[9]
197.     Mọi cộng đoàn Kitô hữu xứng danh đều được Chúa Thánh Thần hướng dẫn sống ơn gọi đại kết bất cứ nơi đâu, bằng cách tham dự vào cuộc đối thoại đại kết và những sáng kiến nhằm hợp nhất các Kitô hữu. Do đó, huấn giáo ở mọi nơi và trong mọi thời đều phải có “chiều kích đại kết”[10]. Huấn giáo ấy được thực hiện bằng việc trình bày tất cả Mạc khải mà Hội Thánh Công Giáo nắm giữ kho tàng, trong sự tôn trọng thứ bậc của các chân lý[11]. Kế đến Huấn giáo ấy còn phải trình bày rõ ràng mối liên  quan đức tin nối kết các Kitô hữu, đồng thời phải giải thích những chia rẽ còn tồn tại, cũng như đưa ra những biện pháp để vượt qua[12]. Nó phải khuyến khích và nuôi dưỡng một ước muốn hiệp nhất đích thực, đặc biệt nhờ lòng yêu mến Thánh Kinh. Sau cùng, Huấn giáo ấy phải cố gắng chuẩn bị cho các trẻ em, các thanh thiếu niên và người lớn sống tình thân thiện với các anh chị em khác niềm tin, bằng cách vừa vun trồng căn tính Công Giáo của mình nhưng vẫn tôn trọng niềm tin của người khác.

198.     Với sự hiện diện của những giáo hội Kitô khác, các Giám mục có thể nhận định xem một vài thử nghiệm hợp tác trong phạm vi giáo lý là đúng lúc hay thậm chí là cần thiết. Tuy nhiên, người Công Giáo phải tiếp tục được đón nhận một nền huấn giáo hoàn toàn Công Giáo[13]. Cũng thế, việc dạy tôn giáo trong các nhà trường có cả những thành viên của các giáo hội Kitô khác, cũng mang một tầm mức quan trọng về đại kết khi việc giảng dạy đó trình bày chân thực giáo thuyết Kitô giáo. Đó cũng là một cơ hội đối thoại có thể giúp vượt qua sự thiếu hiểu biết và những thiên kiến, đồng thời giúp hiểu nhau hơn.
Dạy giáo lý và Do Thái giáo
199.     Việc dạy giáo lý phải quan tâm đặc biệt đến Do Thái giáo[14]. Thực vậy, “khi tìm hiểu kỹ càng mầu nhiệm của chính mình, Hội Thánh, dân Thiên Chúa trong Giao Ước mới, khám phá ra mối liên hệ giữa mình với dân Do Thái là dân đầu tiên được Thiên Chúa ngỏ lời”[15].
“Việc giáo dục tôn giáo, việc dạy giáo lý và rao giảng phải huấn luyện không chỉ về tính khách quan, tính công bằng và lòng bao dung, mà còn về sự cảm thông và đối thoại. Hai truyền thống của chúng ta liên kết chặt chẽ đến nỗi không thể không biết nhau. Vì thế, phải khuyến khích sự hiểu biết lẫn nhau trong mọi mức độ”[16]. Một trong những mục tiêu của huấn giáo là phải đặc biệt vượt qua mọi hình thức bài Do Thái[17].

Dạy giáo lý và các tôn giáo khác[18]
200.     Ngày nay phần đông người Kitô hữu sống trong bối cảnh đa tôn giáo, ở đó họ thường chỉ là thiểu số. Trong một hoàn cảnh như thế, đặc biệt khi có liên quan đến Hồi giáo, việc dạy giáo lý có tầm quan trọng đáng kể; nó được mời gọi mang lấy một trọng trách được thực hiện trong nhiều chiều hướng.
Trước hết, việc dạy giáo lý phải đào sâu và củng cố căn tính của người tín hữu - nhất là ở những nơi họ chỉ là thiểu số - bằng một sự thích nghi hoặc một sự hội nhập văn hoá thích đáng. Nó cần phải đối chiếu Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô với sứ điệp của các tôn giáo khác. Điều đó rõ ràng đòi phải có những cộng đoàn Kitô hữu vững chắc và nhiệt thành cũng như những giáo lý viên địa phương được chuẩn bị kỹ lưỡng.
Tiếp đến, việc dạy giáo lý cũng phải giúp ta ý thức về sự hiện diện của các tôn giáo khác. Nó làm cho người tín hữu có thể phân biệt những yếu tố trái ngược với lời rao giảng của Kitô giáo, đồng thời dạy cho họ nhận ra những hạt giống Tin Mừng (semina verbi) nằm trong các tôn giáo ấy khả dĩ làm nên một sự chuẩn bị đích thực cho Tin Mừng.
Sau cùng, việc dạy giáo lý phải khơi dậy nơi mọi tín hữu ý thức thừa sai. Ý thức này được biểu lộ bằng một chứng tá đức tin trong sáng, một thái độ tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, việc đối thoại và cộng tác nhằm phục vụ cho quyền con người, cho người nghèo, và bằng việc loan báo Tin Mừng cách công khai nơi nào có thể được.

Dạy giáo lý và những “phong trào tôn giáo mới[19]
201.     Ngày nay trong bầu khí của chủ nghĩa tương đối về tôn giáo và văn hóa, cũng như đôi khi vì cách sống sai trái của một số Kitô hữu mà người ta đang thấy tràn lan những “phong trào tôn giáo mới”, cũng gọi là các giáo phái hay các sự sùng bái. Tên gọi và khuynh hướng của họ quá nhiều đến nỗi khó mà xếp loại cách có hệ thống và chính xác được. Tuy nhiên, người ta có thể phân biệt những phong trào có nguồn gốc Kitô giáo, những phong trào khác phát xuất từ các tôn giáo Đông phương, hay từ những truyền thống bí truyền. Những phong trào này thật đáng lo ngại vì giáo thuyết và cách sống của họ thường có khuynh hướng lìa xa các nội dung đức tin Kitô giáo.
Vậy vì lợi ích của những Kitô hữu mà đức tin đang bị đe dọa, “cần phải dấn thân cho một việc rao giảng Tin Mừng và cho một huấn giáo toàn diện, có hệ thống, đi đôi với chứng tá đời sống”[20]. Cần phải vượt qua cạm bẫy của sự thiếu hiểu biết và thiên kiến, cần giúp những giáo hữu tiếp cận Thánh Kinh cách đúng đắn, khuyến khích họ thực hiện những kinh nghiệm cầu nguyện sống động, bảo vệ họ khỏi những kẻ gieo rắc sai lầm, giáo dục họ có tinh thần trách nhiệm đối với đức tin đã lãnh nhận, đối đầu với những tình huống nguy hiểm của cô đơn, nghèo khó, đau khổ bằng tình yêu của Tin Mừng. Chính vì các phong trào đó có thể biểu hiện một nhu cầu tôn giáo, nên chúng là một “địa điểm quan trọng để rao giảng Tin Mừng”, trong đó những vấn nạn sâu xa nhất có thể tìm ra câu trả lời. “Vì chưng Hội Thánh có một di sản thiêng liêng lớn lao dâng tặng cho nhân loại trong Đức Kitô, Đấng tự tuyên bố là “Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Ga 14,6)”[21].




[1]x.EN 51- 56; MPD 15.
[2]x. Dẫn nhập tổng quát, 23- 24.
[3]EN 54.
[4]x. 1Pr 3,15.
[5]x. DGC (1971) 6; EN 48; CT 54.
[6]EN 48
[7]Ibid.
[8]x. PAUL VI, Tông Huấn Marialis cultus (2/2/1974), những số 24, 25, 29 ; AAS 66 (1979), tr. 134-136, 141.
[9]x. DGC (1971) 27; MPD 15; EN 54; CT 32- 34; UỶ BAN GIÁO HOÀNG VỀ VIỆC CỔ VÕ SỰ HIỆP NHẤT CÁC KITÔ HỮU, Hướng dẫn áp dụng những nguyên tắc và những quy phạm vể Đại Kết (25/3/1993 ), 61: AAS 85 (1993) tr. 1063- 1064 ; TMA 34 ;  GIOAN PHAOLO II, Thông điệp Ut unum sint (25/5/1995), số 18 ; AAS 87 (1995) tr. 932.
[10]CT 32.
[11]x. UR 11.
[12]x. Hướng dẫn về đại kết số 190, l.c. tr. 1107.
[13]x. CT 33.
[14]x. NA 4 ; VĂN PHÒNG HIỆP NHẤT CÁC KITÔ HỮU (UỶ BAN LIÊN LẠC VỚI DO THÁI GIÁO) Dân Do Thái và Do Thái giáo trong việc rao giảng và huấn giáo Công giáo (24/6/1985).
[15]CEC 839.
[16]DânDo Thái và Do Thái giáo, sđd, số VII.
[17]x. NA 4.
[18]x. EN 53; MPD 15; ChL 35; RM 55-58; CEC 839-845 ; TMA 53 ; UỶ BAN GIÁO HOÀNG VỀ ĐỐI THOẠI LIÊN TÔN VÀ THÁNH BỘ TRUYỀN GIÁO, Huấn dụ Đối thọai và rao giảng (19/5/1981); AAS 84 (1992) tr. 414-446; 1263
[19]VĂN PHÒNG HỢP NHẤT CÁC KITÔ HỮU- VĂN PHÒNG NHỮNG NGƯỜI NGOÀI KITÔ HỮU- VĂN PHÒNG NHỮNG NGƯỜI KHÔNG TIN- UỶ BAN GIÁO  HOÀNG VỀ VĂN HÓA, Bản tường trình Hiện tượng cácgiáo phái hay những phong trào tôn giáo mới: thách đố mục vụ:  “L’Osservatore Romano” ngày 7/5/1986.
[20]Hiện tượng cácgiáo phái hay những phong trào tôn giáo mới: thách đố mục vụ, sđd số 5.4.
[21]RM 38.