• Trang chủ

UBGLĐT-HĐGMVN - HDTQ VD GIÁO LÝ -PHẦN II-Chương 2


CHƯƠNG II: Việc dạy giáo lý theo lứa tuổi (27/09/11, 3:23 pm)
 
Những chỉ dẫn tổng quát
171.     Việc dạy giáo lý theo những lứa tuổi khác nhau là điều cần thiết chính yếu của cộng đoàn Kitô hữu. Thực vậy, một đàng đức tin tham gia vào sự phát triển của con người; đàng khác, mỗi giai đoạn trong đời sống đều gặp phải thách đố do các phong trào bài Kitô giáo và nhất là phải đương đầu với những bổn phận luôn mới mẻ của ơn gọi làm Kitô hữu.
Vì thế thật hợp lý phải có những huấn giáo được thay đổi và bổ sung tùy theo các lứa tuổi, sao cho phù hợp với nhu cầu và khả năng của người đón nhận[1].
Do đó tầm quan trọng là phải chú ý đến mọi yếu tố liên hệ, về nhân chủng học và tiến hóa cũng như về thần học và mục vụ, đồng thời cũng cần nhờ đến những dữ kiện mới của các khoa nhân văn và sư phạm liên quan mật thiết đến mỗi lứa tuổi.
Cũng phải cố gắng phối hợp một cách khôn ngoan những giai đoạn khác nhau của tiến trình đức tin, bằng cách đặc biệt lo cho việc dạy giáo lý trẻ em được phát huy một cách hài hòa trong suốt những giai đoạn tiếp nối.
Cũng vì lẽ đó, thật là hữu hiệu về mặt sư phạm sự quy chiếu vào việc dạy giáo lý cho người trưởng thành và theo đó mà hướng dẫn giáo lý cho những giai đoạn khác trong cuộc đời.
Ở đây chúng tôi chỉ nêu lên một vài yếu tố tổng quát làm ví dụ và để lại các vấn đề chuyên biệt sau này cho những cuốn hướng dẫn về việc dạy giáo lý của các Giáo Hội địa phương và Hội Đồng Giám Mục.

DẠY GIÁO LÝ CHO NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH.[2]

Người trưởng thành học giáo lý.[3]
172.     Khi đề cập đến đức tin cho những người trưởng thành cần nghiêm chỉnh lưu tâm đến những kinh nghiệm cuộc đời, những điều kiện sống và những thách đố họ gặp phải. Những vấn nạn và những nhu cầu đức tin của họ có rất nhiều và đa dạng[4].
Có thể phân biệt như sau:
- những tín hữu trưởng thành sống phù hợp với sự chọn lựa đức tin của mình và thành thực muốn đào sâu đức tin.
- những người trưởng thành, mặc dầu đã được rửa tội, nhưng không được học giáo lý cho cẩn thận như đòi buộc hay chưa hoàn tất quãng đường khai tâm Kitô giáo hay đã sống xa lìa đức tin, đến nỗi có thể gọi họ “gần như là dự tòng”[5].
- những người trưởng thành chưa được rửa tội thích hợp với thời kỳ dự tòng[6] thực sự và đúng nghĩa.
Cũng phải kể đến những người trưởng thành đến từ các giáo phái Kitô, không hoàn toàn hiệp thông với Hội Thánh Công Giáo.

Những yếu tố và những tiêu chuẩn đặc thù của việc dạy giáo lý cho người trưởng thành[7].
173.     Việc dạy giáo lý cho người trưởng thành liên quan đến những người có quyền và có bổn phận phải làm cho mầm mống đức tin mà Thiên Chúa đặt nơi họ[8]đạt tới mức độ trưởng thành. Việc dạy giáo lý ấy dành cho những cá nhân được mời gọi đảm nhận những trách vụ khác nhau trong xã hội và cũng nhắm đến những thành phần đang sống trong những biến chuyển và khủng hoảng đôi khi rất trầm trọng. Vì thế đức tin của người trưởng thành phải không ngừng được soi sáng, củng cố và bảo vệ để có thể đạt được sự khôn ngoan Kitô giáo, đem lại ý nghĩa, sự thống nhất và niềm hy vọng cho nhiều kinh nghiệm trong đời sống cá nhân, xã hội và tinh thần của họ.
Việc dạy giáo lý cho người trưởng thành đòi phải chú ý nhận ra những nét tiêu biểu về đức tin của người Kitô hữu trưởng thành, để có thể quyết định đâu là những mục tiêu và nội dung; đồng thời xác định một số điểm bất biến trong việc trình bày sứ điệp và ấn định những tiêu chuẩn về phương pháp hiệu quả nhất; chọn lựa cho họ những hình thức và những kiểu mẫu. Cũng cần đặc biệt quan tâm đến con người, căn tính và việc đào tạo của giáo lý viên được chọn để dạy giáo lý cho người trưởng thành, cũng như đến những người có trách nhiệm về việc dạy giáo lý cho người trưởng thành trong cộng đoàn[9].
174.     Trong số những tiêu chuẩn cần phải theo để bảo đảm tính cách xác thực và hiệu quả của việc dạy giáo lý cho người trưởng thành, chúng ta cần nhắc lại[10]:
- quan tâm đến những người học giáo lý theo điều kiện của họ, trưởng thành, nam hay nữ; quan tâm đến những vấn đề, những kinh nghiệm, hành trang tinh thần và văn hóa của họ, nhưng cũng hết sức tôn trọng những khác biệt.
- quan tâm đến tình trạng giáo dân của những người trưởng thành, do Bí tích Rửa tội, họ được mời gọi “tìm kiếm Nước Thiên Chúa bằng cách làm các việc trần thế và xếp đặt chúng theo ý Thiên Chúa.”[11], cũng như được mời gọi tiến đến sự thánh thiện[12].
- quan tâm đến việc tham gia của cộng đoàn, để cộng đoàn là nơi tiếp nhận và nâng đỡ cho người trưởng thành.
- quan tâm đến một chương trình mục vụ có tổ chức cho người trưởng thành, trong đó phần đào tạo về phụng vụ và công tác bác ái phải có trong việc dạy giáo lý.
 
Những bổn phận chung và riêng của việc  dạy giáo lý cho người trưởng thành[13].
175.     Để có thể đáp ứng những mong đợi sâu xa nhất của thời đại chúng ta, việc dạy giáo lý cho người trưởng thành phải trình bày một đức tin công giáo toàn vẹn, xác thực và mạch lạc, như Hội Thánh hiểu, phải đặt lên hàng đầu việc loan báo ơn cứu độ, soi sáng cho nhiều khó khăn hiện nay, như những mập mờ, hiểu lầm, thiên kiến và ngăn trở; làm cho thấy giá trị thiêng liêng và đạo đức của sứ điệp; dạy cho biết đọc Thánh Kinh với đức tin và thực hành việc cầu nguyện. Việc dạy giáo lý phải dựa rất nhiều vào sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo và các sách giáo lý dành cho những người trưởng thành của các Giáo Hội địa phương, nhưng cần tham chiếu vào sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo.
Cách riêng đây là những bổn phận của việc dạy giáo lý cho người trưởng thành:
- Phải cổ võ cho việc đào tạo và sự trưởng thành đời sống trong Thánh Thần của Ðức Kitô Phục Sinh bằng những phương tiện thích hợp: sư phạm bí tích, tĩnh tâm, linh hướng …
- Phải giáo dục cho biết xét đoán đúng những biến đổi về xã hội-văn hóa của xã hội chúng ta theo ánh sáng đức tin.. Vì thế Kitô hữu phải biết phân biệt những giá trị đích thực cũng như những nguy hại của nền văn minh và phải chọn lựa những thái độ thích đáng.
- Phải soi sáng những vấn đề tôn giáo và đạo đức hiện nay, nghĩa là những vấn đề được đặt ra cho con người ngày nay liên quan đến, chẳng hạn, đạo đức tập thể và cá nhân, những vấn đề xã hội, việc giáo dục những thế hệ mới.
- Phải giải thích những mối liên hệ giữa hoạt động trần thế và hoạt động của Hội Thánh, bằng cách đưa ra ánh sáng những khác biệt, những tương quan cũng như những tương tác không thể tránh được giữa hai lãnh vực này. Trong mục đích ấy, học thuyết xã hội của Hội Thánh là một phần của việc đào luyện những người truởng thành.
- Phải phát huy những nền tảng lý luận của đức tin. Một sự hiểu biết đúng về đức tin phải biểu lộ sự phù hợp giữa hành vi của đức tin và những chân lý phải tin với những đòi hỏi của lý trí con người. Tin Mừng luôn mang tính thời sự và thích hợp, do đó cần phải cổ động một cách hữu hiệu một khoa mục vụ về tư tưởng và văn hóa Kitô giáo, điều đó giúp vượt qua một số hình thức bảo thủ, duy văn tự và tránh đi những kiểu giải thích độc đoán và chủ quan.
- Phải giáo dục cho biết nhận lãnh trách nhiệm trong sứ mạng của Hội Thánh và biết làm chứng cho Kitô giáo trong xã hội.
Người trưởng thành phải học khám phá, đánh giá và thực hành những gì đã nhận được từ thiên nhiên và từ ân sủng trong cộng đoàn Hội Thánh cũng như trong cộng đồng nhân loại. Vì thế họ sẽ có đủ khả năng tránh được những cạm bẫy của chủ nghĩa quần chúng và chủ nghĩa vô danh vốn đầy dẫy trong xã hội hiện nay và dẫn tới tình trạng đánh mất căn tính cũng như không còn tin vào những phẩm chất và tài lực của mỗi người.

Những hình thức đặc biệt của việc dạy giáo lý cho người trưởng thành[14].
176.     Có những tình trạng và những hoàn cảnh đòi hỏi những hình thức đặc biệt cho việc dạy giáo lý:
- Việc dạy giáo lý khai tâm Kitô giáo hay giáo lý dự tòng cho những người trưởng thành, được trình bày trong quyển RICA (Nghi thức khai tâm Kitô giáo dành cho người trưởng thành).
- Việc dạy giáo lý cho Dân Chúa dưới những hình thức cổ truyền đã được thích nghi một cách hợp lý, trong suốt năm phụng vụ hay dưới hình thức đặc biệt của các xứ truyền giáo;
- Việc dạy giáo lý bồi dưỡng cho những người có trách nhiệm đào tạo trong cộng đoàn: những giáo lý viên hay những người dấn thân trong việc tông đồ giáo dân;
- Việc dạy giáo lý nhân dịp các biến cố đặc biệt có ý nghĩa trong đời sống: hôn nhân, rửa tội trẻ em và những bí tích khai tâm Kitô giáo khác, những giai đoạn rất tế nhị trong việc giáo dục con cái, những lúc bệnh tật, vv… Những hoàn cảnh trong đó người ta dễ đi đến chỗ tự hỏi về ý nghĩa đích thực của cuộc sống.
- Việc dạy giáo lý dựa theo các kinh nghiệm đặc biệt khác của đời sống như: bắt đầu đi làm, đi nghĩa vụ quân sự, di cư… Đó là những thay đổi có thể trở thành cơ hội làm cho lầm lạc, do đó rất cần Lời Chúa soi dẫn và nâng đỡ.
- Việc dạy giáo lý về sự hưởng dùng các thú vui theo tinh thần Kitô giáo, đặc biệt dịp nghỉ hè và  du lịch;
- Việc dạy giáo lý nhân dịp các biến cố đặc biệt trong  đời sống Hội Thánh và xã hội.
Những hình thức đặc biệt này của việc dạy giáo lý và nhiều hình thức khác sẽ không thay thế nhưng chỉ bổ sung cho những chu kỳ dạy giáo lý có tổ chức, có hệ thống và thường xuyên mà tất cả cộng đoàn Hội Thánh phải bảo đảm cho những người trưởng thành.

VIỆC DẠY GIÁO LÝ CHO CÁC EM ẤU NHI VÀ THIẾU NHI.[15]

Tình trạng và vai trò quan trọng của tuổi ấu nhi và thiếu nhi[16].
177.     Người ta thường chia độ tuổi này thành tuổi ấu nhi hay tuổi tiền học đường, và tuổi thiếu nhi, dưới con mắt đức tin và lý trí, khoảng tuổi này có được ân sủng mở đầu cho cuộc sống. “Vào tuổi thiếu nhi, những khả năng hoạt động rất quý giá được mở ra để xây dựng Hội Thánh cũng như để nhân bản hóa xã hội”[17], cần phải được đáp ứng. Là con Thiên Chúa nhờ Bí tích Rửa tội, em nhỏ được Đức Kitô công nhận là thành viên ưu tuyển của Nước Thiên Chúa[18].
Vì nhiều lý do khác nhau, ngày nay hơn ngày xưa, trẻ em có quyền được tôn trọng và giúp đỡ trong việc phát triển nhân bản nhờ việc học giáo lý. Điều đó không bao giờ được quên thiếu đối với trẻ em Kitô giáo. Những ai đã trao ban cho các em sự sống bằng cách làm cho nên phong phú nhờ ân sủng của Phép Rửa tội, đều có bổn phận phải liên tục nâng đỡ sự sống ấy.

Những đặc tính của việc dạy giáo lý cho các em ấu nhi và thiếu nhi[19].
178.     Việc dạy giáo lý cho các em nhỏ cần phải liên kết với hoàn cảnh và điều kiện đời sống của các em, đó là công trình của nhiều yếu tố giáo dục bổ sung, trong đó một số có tầm quan trọng đặc biệt và có một phạm vi phổ quát.
-  Mỗi lứa tuổi, ấu nhi cũng như thiếu nhi, cần phải được hiểu và đối xử  theo những  đặc tính riêng, làm nên giai đoạn đầu tiên của đời sống xã hội và của việc giáo dục nhân bản cũng như Kitô giáo trong môi trường gia đình, học đường và Hội Thánh. Phải coi đó là những giai đoạn quyết định cho đời sống đức tin mai sau.
- Theo truyền thống nền tảng, giai đoạn khai tâm Kitô giáo được bắt đầu với Bí tích Rửa tội, thường được hoàn tất trong lứa tuổi này. Việc lãnh nhận các bí tích giúp cho đức tin của em được hình thành một cách có hệ thống cũng như dẫn đưa em vào đời sống của Hội Thánh[20].
- Trong thời thơ ấu, tiến trình dạy giáo lý tất nhiên phải có tính cách giáo dục, quan tâm phát huy những nguồn năng lực nơi con người, vốn là nền tảng nhân bản của đời sống đức tin, như ý thức về lòng tin tưởng, vô vị lợi, hy sinh, kêu xin, hợp tác cách vui tươi... dạy cho biết cầu nguyện, cũng như khai tâm vào Thánh Kinh là những khía cạnh chính yếu của nền giáo dục Kitô giáo dành cho trẻ em[21].
- Sau cùng, hai địa điểm giáo dục trọng yếu là gia đình và nhà trường. Việc dạy giáo lý trong gia đình là điều không thể thay thế được, vì đó là một môi trường tích cực và sẵn sàng đón nhận để việc dạy giáo lý được thực hiện nhờ gương sáng của những người trưởng thành, và vì gia đình là nơi đầu tiên để tiếp cận và thực hành đức tin.
179.     Đối với trẻ em, đi tới trường là bước vào một xã hội rộng lớn hơn gia đình, ở đó em có thể phát huy nhiều hơn những năng lực về trí tuệ, những khả năng về tình cảm và cư xử. Tại nhà trường, em thường được tiếp nhận một kiến thức về tôn giáo chuyên biệt.
Tất cả những điều đó đòi hỏi một sự cộng tác thường xuyên giữa các giáo lý viên, cha mẹ và thầy dạy[22]. Các vị mục tử phải biết rằng, khi giúp đỡ cha mẹ và các nhà giáo dục hoàn thành sứ mạng của họ, các ngài góp phần xây dựng Hội Thánh. Đàng khác, công việc này đem lại một cơ hội tuyệt vời để dạy giáo lý cho những người trưởng thành[23].

Những em ấu nhi và thiếu nhi không được nâng đỡ về phương diện tôn giáo trong gia đình hay không được đi học[24].
180.     Con số những em thiếu nhi và ấu nhi bị thiệt thòi trầm trọng ngày một gia tăng, vì các em không được nâng đỡ một cách thích hợp về phương diện tôn giáo trong gia đình hay vì các em không có một gia đình đích thực hay vì các em không được đến trường hay vì các em phải cam chịu sự bất ổn nơi xã hội, thiếu thích nghi hay vì những nguyên nhân khác do hoàn cảnh chung quanh gây nên. Thậm chí có nhiều em không được rửa tội, những em khác chưa học xong giai đoạn khai tâm. Cộng đoàn Kitô hữu có nhiệm vụ phải lo liệu cho các em có được sự bổ túc quảng đại, thông thạo và thiết thực, bằng cách đối thoại với các gia đình, đề nghị với họ những hình thức giáo dục học đường thích hợp, dạy giáo lý theo những khả năng và nhu cầu cụ thể của các em.

DẠY GIÁO LÝ CHO GIỚI TRẺ[25]
 
Tiền thiếu niên, thiếu niên và thanh niên[26]
181.     Cách chung người ta nhận thấy những nạn nhân đầu tiên của cuộc khủng hoảng về tinh thần và văn hoá vốn khiến cho xã hội xáo trộn[27]là những thế hệ trẻ. Tuy nhiên, chính nhờ sự dấn thân của họ mà người ta rất hy vọng có được một thế giới tốt đẹp hơn.
Điều đó phải khuyến khích Hội Thánh hơn nữa trong việc loan truyền Tin Mừng cho giới trẻ với lòng can đảm và sáng tạo.
Về vấn đề này, kinh nghiệm cho thấy phân biệt các lứa tuổi tiền thiếu niên, thiếu niên và thanh niên, theo những kết quả nghiên cứu mang tính cách khoa học và theo điều kiện sống của các quốc gia khác nhau là điều rất ích lợi cho việc dạy giáo lý.
Chính trong các nước phát triển nhất mà vấn đề tuổi tiền thiếu niên được đặt ra nhiều hơn, người ta không quan tâm đủ tới những khó khăn, những nhu cầu, những tài năng về con người cũng như về tinh thần của lứa tuổi này, như thể lứa tuổi này không được biết đến.
Vào lứa tuổi này, cậu bé (hay cô bé), sau khi đã lãnh nhận Bí tích Thêm sức, thường chấm dứt giai đoạn khai tâm bí tích, hầu như từ bỏ hoàn toàn việc thực hành đức tin. Thái độ đó cần phải được lưu ý một cách nghiêm túc; đòi hỏi phải có một hình thức mục vụ đặc biệt để khai triển những gì cần phải tiếp tục đào tạo sau thời gian khai tâm.
Đối với hai lứa tuổi kia, cần phải phân biệt tuổi thiếu niên với tuổi thanh niên, mặc dù khó xác định. Cách chung, đây là giai đoạn " chuyển tiếp " trong đời trước khi nhận lãnh những trách nhiệm, vốn là đặc tính riêng của lứa tuổi trưởng thành.
Việc dạy giáo lý cho giới trẻ cũng phải được xem xét lại và được triển khai theo chiều sâu.

Vai trò quan trọng của giới trẻ đối với xã hội và đối với Hội Thánh[28]
182.     Hội Thánh đặt “hy vọng” vào giới trẻ, nhận ra họ ngày nay như là “một thách thức lớn cho tương lai Hội Thánh”[29].
Sự thay đổi về văn hóa và xã hội một cách tốc độ và ồ ạt, sự gia tăng số lượng những người trẻ, thời gian dài hơn của tuổi trẻ trước khi họ dấn thân vào những trách nhiệm riêng dành cho giới trưởng thành, nạn thất nghiệp và tại một số nước, tình trạng chậm tiến triền miên, những áp lực của xã hội tiêu dùng…và biết bao yếu tố đang hình dung giới trẻ như là một thế giới của chờ đợi, vỡ mộng, buồn nản, âu lo và sống ngoài cuộc. Khuynh hướng xa lìa Hội Thánh hay ít ra phần nào ngờ vực đối với Hội Thánh, âm ỉ nơi nhiều người. Nguyên nhân của tình trạng này là do thiếu sự nâng đỡ thiêng liêng và đạo đức của gia đình cũng như những yếu kém về việc dạy giáo lý mà họ đã nhận lãnh.
Đàng khác, phần lớn giới trẻ lại hăng say tìm hiểu ý nghĩa cuộc sống, tình liên đới, sự dấn thân xã hội và cảm nghiệm tôn giáo…
183.     Từ đó phát sinh một vài hệ quả liên quan đến việc dạy giáo lý.
Việc phục vụ đức tin trước hết phải thấy được những ánh sáng và bóng tối của hoàn cảnh cụ thể nơi giới trẻ trong những nước và những môi trường sống khác nhau.
Trọng tâm của việc dạy giáo lý là lời đề nghị rõ ràng của Đức Kitô với chàng thanh niên trong Tin Mừng[30], cũng là lời mời gọi được gửi cho tất cả những người trẻ theo mức độ và những vấn đề của họ. Tin Mừng giới thiệu họ với chúng ta như là những người đối thoại trực tiếp với Đức Kitô, Đấng mạc khải cho họ thấy  sự “giàu có đặc biệt” của họ và đồng thời dẫn đưa họ vào một quá trình trưởng thành cá nhân và cộng đồng có giá trị to lớn cho vận mạng xã hội và Giáo Hội.[31]
Vì thế không được coi những người trẻ chỉ là như đối tượng của việc dạy giáo lý, mà còn là “những chủ thể hăng say góp phần vào việc rao giảng Tin Mừng và đổi mới xã hội”[32].

Những đặc tính của việc dạy giáo lý cho giới trẻ[33].
184.     Vì bổn phận ấy có tầm mức rộng lớn, nên những hướng dẫn về việc dạy giáo lý của các Giáo Hội địa phương và của các Hội Đồng Giám Mục cấp quốc gia và miền sẽ quy định tùy theo bối cảnh, những gì thích hợp nhất với mỗi địa phương. Xin lưu ý mấy nét tổng quát chung sau đây:
- Việc dạy giáo lý phải quan tâm đến tình trạng tôn giáo khác biệt; có những thanh niên chưa được rửa tội; có những thanh niên cũng chưa học xong giáo lý khai tâm Kitô giáo hay đang khủng hoảng đức tin có khi trầm trọng, những thanh niên khác đang hay đã mong ước được giúp đỡ để có một chọn lựa về đức tin.
- Không được quên rằng việc dạy giáo lý sẽ có hiệu quả khi được thực hiện với một hoạt động mục vụ rộng lớn hơn so với thiếu nhi và thiếu niên, nhằm lưu tâm đến toàn bộ những vấn đề liên quan đến đời sống của giới trẻ. Vì mục đích ấy, việc dạy giáo lý phải sử dụng một số những phương pháp, như phân tích hoàn cảnh, chú ý đến các khoa nhân văn và giáo dục, sự cộng tác của tín hữu nói chung và của chính giới trẻ nói riêng.
- Với hình thức sinh hoạt nhóm có tổ chức chu đáo, với việc tham gia vào những đoàn thể của giới trẻ[34], với việc đồng hành cá nhân với người trẻ mà sự linh hướng là một hình thức tuyệt vời nhất, tất cả đều là những phương tiện rất hữu ích để việc dạy giáo lý có kết quả.
185.     Trong số những hình thức dạy giáo lý cho giới trẻ, phải tiên liệu, tùy trường hợp, giáo lý dự tòng cho những em đang còn trong độ tuổi đến trường, giáo lý khai tâm, giáo lý về những đề tài đã lên chương trình và những cuộc gặp gỡ khác ít nhiều có tính cách cơ hội và không mang một hình thức nhất định.
Nói chung, phải đề ra một cách dạy giáo lý cho giới trẻ với những đường lối mới, quan tâm đến sự nhạy cảm và những vấn đề của lứa tuổi họ, thuộc phạm vi thần học, đạo đức, lịch sử, xã hội... Phải dành một vị trí chính đáng cho việc giáo dục chân lý và tự do theo Tin Mừng, về huấn luyện lương tâm, giáo dục tình yêu, ơn gọi và sự dấn thân Kitô giáo trong xã hội, về trách nhiệm truyền giáo trong thế giới[35]. Dù vậy phải ghi nhận rằng ngày nay, việc loan báo Tin Mừng cho giới trẻ thường phải có một chiều kích thừa sai hơn là chỉ có tính cách dự tòng. Thực vậy, hoàn cảnh luôn đòi buộc khi làm việc tông đồ nơi giới trẻ phải có một tinh thần hăng say mang tính nhân loại và thừa sai, như một bước đầu tiên cần thiết để làm chín muồi những dự định thuận lợi nhất cho việc dạy giáo lý thuần túy. Vì vậy, thực tế nhiều khi đòi buộc phải tăng cường hoạt động tiền dự tòng trong tiến trình giáo dục toàn diện.
Một trong những nút phải tháo gỡ liên quan đến sự khác biệt “ngôn ngữ” (tâm trạng, sự nhạy cảm, các sở thích, lối sống, ngôn từ...) giữa giới trẻ và Hội Thánh (việc dạy giáo lý, các giáo lý viên). Vì thế phải nhấn mạnh đến sự cần thiết thích nghi “việc dạy giáo lý cho giới trẻ” bằng cách diễn tả sứ điệp của Chúa Giêsu theo ngôn ngữ của họ “với lòng kiên trì và khôn ngoan, mà không làm sai lạc sứ điệp ấy”[36].
 
DẠY GIÁO LÝ CHO NGƯỜI CAO TUỔI[37]
Tuổi thứ ba, ơn huệ Thiên Chúa dành cho Hội Thánh
186.     Tại nhiều nước trên thế giới, sự gia tăng con số những người cao tuổi đòi Hội Thánh phải có một bổn phận mục vụ mới và đặc biệt. Người cao tuổi thường bị coi là những yếu tố thụ động, ít nhiều gây phiền toái, nhưng trái lại theo ánh sáng đức tin, họ phải được coi như là một ơn huệ Thiên Chúa ban cho Hội Thánh và cho xã hội; họ có quyền và có bổn phận được dạy giáo lý một cách thích hợp như mọi Kitô hữu khác.
Vì thế phải quan tâm đến những hoàn cảnh khác nhau về cá nhân, gia đình và xã hội của họ, đặc biệt đến sự thử thách của nỗi cô đơn và nguy cơ bị bỏ rơi. Gia đình giữ một vai trò chủ yếu bởi vì ở đó việc rao giảng đức tin có thể được thực hiện trong bầu khí đón nhận và yêu thương, làm cho Lời Chúa được có hiệu lực hơn bất cứ nơi nào khác.
Trong mọi trường hợp, việc dạy giáo lý cho người cao tuổi phải kết hợp sự hiện diện thân tình của giáo lý viên và của cộng đoàn tín hữu với nội dung đức tin. Vì thế, điều đáng ước ao là những người cao tuổi phải tham dự đầy đủ vào quá trình dạy giáo lý của cộng đoàn.

Việc dạy giáo lý hoàn chỉnh và niềm hy vọng.
187.     Việc dạy giáo lý cho người cao tuổi phải quan tâm đến những khía cạnh đặc biệt về tình trạng đức tin của họ. Người cao tuổi có thể đạt được giai đoạn này của cuộc sống với một đức tin vững mạnh và đầy đủ: trong trường hợp đó, việc dạy giáo lý dẫn đưa con đường đức tin đã hoàn tất đến tình trạng viên mãn, bằng cách giúp họ sống thái độ biết ơn và tin tưởng chờ đợi; có những người cao tuổi khác sống một đức tin đã bị phai nhạt ít nhiều và thiếu thực hành; lúc đó việc dạy giáo lý là dịp đem lại một ánh sáng mới và một kinh nghiệm đạo đức; đôi khi, người đến tuổi già bị tổn thương sâu xa trong tinh thần và bị giảm sút nơi thân xác, việc dạy giáo lý phải giúp họ sống thân phận mình trong một thái độ khẩn cầu, tha thứ và bình an nội tâm.
Trong mọi trường hợp, hoàn cảnh của người cao tuổi đòi buộc phải có một giáo lý về niềm hy vọng phát xuất từ sự xác tín dứt khoát sẽ được gặp Chúa. Mãi mãi là điều rất ích lợi cho người tín hữu cao tuổi và cho cộng đoàn khi họ chứng tỏ một đức tin, càng đến gần giờ trọng đại được gặp gỡ với Chúa, thì lại càng sáng chói hơn.

Khôn ngoan và đối thoại[38].
188.     Thánh Kinh giới thiệu cho chúng ta người tín hữu cao tuổi như biểu tượng của người đầy khôn ngoan và kính sợ Thiên Chúa, do đó họ như một kho tàng phong phú về kinh nghiệm cuộc sống; khiến họ có thể được coi là “giáo lý viên” mặc nhiên của cộng đoàn. Họ là chứng tá của truyền thống đức tin, thầy dạy về cuộc đời, người kiến tạo đức ái. Việc dạy giáo lý đề cao giá trị ơn huệ này bằng cách giúp người cao tuổi khám phá lại những điều phong phú và những khả năng của họ bằng cách khuyến khích họ nhận bổn phận dạy giáo lý cho trẻ em - mà thường họ là những bậc ông bà đáng kính - cho giới trẻ và những người trưởng thành. Như vậy người ta sẽ tạo thuận lợi cho một cuộc đối thoại căn bản giữa những thế hệ trong lòng gia đình và cộng đoàn.
 



[1]x. CT 45.
[2]x. DGC (1971) 20; 92-97; CT 43-44; COINCAT Việc dạy giáo lý những người trưởng thành trong cộng đồng Kitô giáo, 1990.
[3]x. DGC (1971) 20; CT 19; 44; COINCAT 10-18
[4]x. COINCAT 10-18.
[5]x. CT 44.
[6]x. CT 19.
[7]DGC (1971) 92-94; CT 43; COINCAT 20-26; 26-30; 33-84.
[8]x. 1Cr 13,11; Ep 4,13.
[9]x. COINCAT 33, 84.
[10]x. COINCAT 26-30.
[11]LG 31; Xem EN 70; ChL 23.
[12]x. ChL 57-59.
[13]DGC (1971) 97.
[14]x. phần I, chương 2; DGC (1971) 96.
[15]x. DGC (1971) 78-81 ; CT 36-37.
[16]DGC (1971) 78-79; ChL 47.
[17]ChL 47.
[18]x. Mc 10,14.
[19]DGC (1971) 78-79; CT 37.
[20]x. CT 37.
[21]x. THÁNH BỘ PHỤNG TỰ, Kim Chỉ Nam tham dự thánh lễ với trẻ em (1-11-1973); AAS 66 (1974) tr. 30-46.
[22]x. DGC (1971) 79.
[23]x. DGC (1971) 78-79.
[24]x. DGC (1971) 80-81, CT 42.
[25]x. DGC 82-91; EN 72; CT 38-42.
[26]x. DGC (1971) 83.
[27]x. Dẫn nhập chung, 23-24.

[28]x. DGC (1971) 82; EN 72; MPD 3; CT 38-39; ChL 46 ; TMA 58.
[29]GE 2 ; ChL 46.
[30]x. Mt 19,16-22; JEAN PAUL II, Thư gửi cho giới trẻ Parati semper (hãy luôn sẵn sàng) (31 tháng 3 năm 1985): AAS 77 (1985), tr. 579-628.
[31]x. JEAN PAUL II, Parati semper, sđd, số 3.
[32]ChL 46; x. DGC (1971) 89.
[33]x. DGC (1971) 84-89; CT 38-40.
[34]x. DGC (1971) 87.
[35]Còn có những đề tài có ý nghĩa khác: tương quan giữa đức tin và lý trí; tin có Chúa và ý nghĩa Thiên Chúa; vấn đề sự ác; Ngôi vị Đức Kitô; Hội Thánh; phạm vi nhân chủng liên quan với tính chủ thể cá nhân; sự gặp gỡ giữa người đàn ông và người đàn bà; giáo lý xã hội của Hội Thánh…
[36]CT 40.
[37]x. DGC (1971) 95 ; ChL 48.
[38]x. ChL 48.