• Trang chủ

UBGLĐT-HĐGMVN - HDTQ VD GIÁO LÝ -PHẦN II-Chương I


PHẦN II. SỨ ĐIỆP TIN MỪNG. 

« Sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Chúa Giêsu Kitô. » (Ga 17,3)
« Chúa Giêsu đến Galilêa, rao giảng Tin Mừng Thiên Chúa và nói rằng: Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng. » (Mc 1,14-15)
« Tôi xin nhắc lại cho anh em Tin Mừng mà tôi đã rao giảng cho anh em… Tôi đã rao giảng cho anh em trước hết điều mà chính tôi đã lãnh nhận, nghĩa là Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta như lời Thánh Kinh, Người đã được táng trong mồ, ngày thứ ba Người đã sống lại như lời Thánh Kinh» (1Co 15,1-4).
Ý nghĩa và mục đích của phần này
92.       Đức tin Kitô giáo đã khiến một người thưa « vâng » với Chúa Giêsu Kitô, có thể hiểu theo hai khía cạnh :
            - Hoặc như sự kết hiệp với Thiên Chúa, Đấng tự mạc khải, sự kết hiệp này được ban cho con người nhờ ảnh hưởng của ân sủng. Trong trường hợp đó, đức tin hệ tại sự tín nhiệm và phó thác vào Lời Chúa (fides qua).
            - Hoặc như nội dung của Mạc Khải và của sứ điệp Tin Mừng. Theo nghĩa đó, đức tin sẽ biểu lộ qua việc dấn thân tìm hiểu ngày càng hơn ý nghĩa sâu xa của Lời Chúa(fides quae).


            Tự bản tính của chúng, hai khía cạnh này không thể tách rời nhau. Sự chín chắn và tăng trưởng của đức tin đòi hỏi hai khía cạnh đó phải phát huy một cách có hệ thống và chặt chẽ. Tuy nhiên, vì lý do phương pháp, ta có thể xem xét chúng cách riêng biệt nhau.[1]
93.       Phần thứ Hai của sách này bàn về nội dung của sứ điệp Tin Mừng (fides quae).
            - Chương thứ nhất đưa ra những quy tắc và tiêu chuẩn mà việc dạy giáo lý phải theo để đặt nền tảng, thể thức và trình bày những nội dung của nó. Thực vậy, mỗi hình thức của tác vụ Lời Chúa đều phải tổ chức và trình bày sứ điệp Tin Mừng theo tính chất riêng của nó.
            - Chương thứ hai bàn về nội dung đức tin, theo đúng như sự trình bày của Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, là bản văn qui chiếu chính thức của việc dạy giáo lý. Vì thế, ở đây người ta trình bày một số chỉ dẫn có thể giúp tiếp thu và nội tâm hóa sách giáo lý, cũng như định vị nó trong lòng hoạt động giáo lý của Hội Thánh.
            Ngoài ra, phần thứ hai này cũng cung cấp một số tiêu chuẩn giúp các Giáo Hội địa phương soạn thảo những sách giáo lý riêng cho mình, dựa theo sách Giáo Lý chung của Hội Thánh Công Giáo, bằng cách giữ gìn sự toàn vẹn của đức tin mà vẫn lưu ý đến những khác biệt về hoàn cảnh văn hóa, điều mà giáo lý phải có.

CHƯƠNG I
Những qui tắc và những tiêu chuẩn cho việc trình bày sứ điệp Tin Mừng trong việc dạy giáo lý.
            “Nghe đây, hỡi Israel, Chúa là Thiên Chúa chúng ta là Thiên Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết sức ngươi. Chớ gì những lời Ta nói với ngươi hôm nay ở lại trong tâm hồn ngươi; ngươi hãy nhắc lại cho con cái, ngươi sẽ nói với chúng khi ngồi trong nhà cũng như khi đi ngoài đường; khi nằm cũng như khi đứng; ngươi hãy buộc lời đó vào bàn tay như một ký hiệu, trên trán ngươi như một băng đội đầu; ngươi sẽ viết chúng trên cột nhà và trên cửa nhà ngươi” (Đnl 6,4-9).
            “Và Ngôi Lời đã trở thành nhục thể và ở giữa chúng ta” (Ga 1,14).
Lời Chúa, nguồn mạch của việc dạy giáo lý.
94.       Việc dạy giáo lý kín múc sứ điệp của nó từ nguồn mạch Lời Chúa.
“Việc dạy giáo lý bao giờ cũng lấy nội dung ở nguồn mạch sống động là Lời Chúa, được truyền đạt trong Thánh Truyền và Thánh Kinh, vì Thánh Truyền và Thánh Kinh hợp thành một kho tàng duy nhất thánh thiêng chứa đựng Lời Chúa, được trao phó cho Hội Thánh”[2].
“Kho tàng đức tin” này[3] giống như kho tàng của chủ nhà được trao cho Hội Thánh là gia đình của Thiên Chúa; Hội Thánh luôn rút ra từ đó những cái mới và cái cũ[4]. Tất cả con cái của Chúa Cha được sống động nhờ Thánh Thần, được nuôi dưỡng nhờ kho tàng Lời Chúa. Họ biết rằng Lời Chúa chính là Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời làm người và tiếng Người tiếp tục vang dội qua Chúa Thánh Thần trong Hội Thánh và trong thế giới.
Bởi một sự “ hạ cố ”[5] thần thiêng tuyệt vời,  Lời Chúa đã nói với chúng ta và đã đến với chúng ta bằng những “công trình và lời” của con người cũng như “xưa Ngôi Lời của Chúa Cha hằng hữu, đã mang lấy sự yếu đuối của thân xác chúng ta, đã trở nên giống như mọi người”[6]. Vốn là Lời Chúa, nó được diễn tả bằng lời con người. Mặc dù gần gũi nhưng Lời Chúa vẫn còn bị che khuất, trong một tình trạng “kénose” (“tự huỷ”). Được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, Hội Thánh cần phải giải thích liên tục Lời Chúa và trong khi chiêm ngắm Lời Chúa với tinh thần đức tin sâu xa, “Hội Thánh vẫn lắng nghe với lòng cung kính, gìn giữ một cách thánh thiện và trình bày một cách trung thành”[7].
Nguồn mạch và “những nguồn mạch” của sứ điệp giáo lý[8].
95.       Lời Chúa được chứa đựng trong Thánh Truyền và trong Thánh Kinh:
            - Được luôn suy niệm và hiểu biết một cách sâu sắc qua cảm thức đức tin của toàn thể Dân Chúa, dưới sự hướng dẫn của Huấn Quyền, dạy dỗ với uy quyền của mình.
            - Được cử hành trong phụng vụ nơi mà Lời Chúa luôn luôn được công bố, được lắng nghe, được nội tâm hoá và được giải thích;
            - Được tỏa sáng trong đời sống và trong lịch sử hai ngàn năm của Hội Thánh và nhất là trong chứng tá của các Kitô hữu, đặc biệt của các Thánh.
            - Được đào sâu trong việc nghiên cứu thần học, giúp các tín hữu ngày càng hiểu biết sống động hơn về các mầu nhiệm của đức tin.
            - Được biểu lộ trong những giá trị tôn giáo và luân lý đích thực, đã lan tỏa trong xã hội con người và trong những nền văn hoá đa dạng như là hạt giống Lời Chúa.
96.       Đây là những nguồn mạch, chính hay phụ của việc dạy giáo lý mà trong mọi trường hợp, chúng không được hiểu theo một nghĩa hạn hẹp[9]. Thánh Kinh là “Lời Chúa, dưới sự linh ứng của Chúa Thánh Thần, đã được ghi lại bằng chữ viết”[10]; và Thánh Truyền “chuyển giao toàn bộ Lời Chúa cho những đấng kế vị các Tông đồ, Lời ấy đã được phó thác cho các tông đồ bởi Đấng Kitô, Đức Chúa và bởi Chúa Thánh Thần”[11]. Huấn Quyền có nhiệm vụ “giải thích Lời Chúa một cách chính thức”[12], nhân danh Chúa Giêsu Kitô, thi hành việc phục vụ căn bản của Hội Thánh. Thánh Truyền, Thánh Kinh và Huấn Quyền, gắn bó mật thiết và liên đới với nhau, “mỗi bên theo cách thế của mình”[13] đều là những nguồn mạch chính yếu của việc dạy giáo lý.
            Những “nguồn mạch” của việc dạy giáo lý, mỗi thứ có ngôn ngữ riêng, được diễn tả bằng những “tài liệu đức tin”, rất đa dạng. Giáo lý là truyền thống sống động của những tài liệu này[14]: những đoạn văn Thánh Kinh, những bản văn phụng vụ và những tác phẩm của các Giáo Phụ, những hướng dẫn của Huấn Quyền, những biểu thức đức tin, những chứng tá của các Thánh và những suy tư thần học.
             Nguồn mạch sống động của Lời Chúa và những “nguồn mạch” xuất phát từ Lời Chúa và giải thích Lời Chúa, tất cả đều cung cấp cho việc dạy giáo lý những tiêu chuẩn để truyền đạt sứ điệp của mình cho tất cả những người đã quyết định theo Chúa Giêsu Kitô một cách chín chắn.
Những tiêu chuẩn để trình bày sứ điệp.
97.       Những tiêu chuẩn để trình bày sứ điệp Tin Mừng trong việc dạy giáo lý đều liên kết chặt chẽ với nhau bởi vì chúng xuất phát từ cùng một nguồn mạch.
            - Sứ điệp được tập trung vào con người Chúa Giêsu Kitô (qui Kitô), nhờ đặc tính linh động nội tại của nó, dẫn đưa chúng ta vào chiều kích Ba Ngôi của sứ điệp.
            - Việc rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa  được tập trung vào ơn cứu độ, bao hàm một sứ điệp giải thoát.
            - Đặc tính Hội Thánh của sứ điệp qui chiếu vào đặc tính lịch sử của nó, bởi vì việc dạy giáo lý, hiểu như là việc rao giảng Tin Mừng nói chung, đều thực thi trong “thời gian của Hội Thánh”.
            - Sứ điệp Tin Mừng hiểu là Tin Mừng được dành cho tất cả mọi dân tộc, tìm kiếm sự hội nhập văn hoá, sự hội nhập văn hoá này chỉ có thể thực hiện trong chiều sâu nếu sứ điệp được trình bày toàn bộ nguyên tuyền.
            - Sứ điệp Tin Mừng nhất thiết là một sứ điệp có hệ thống theo bậc thang giá trị riêng của các chân lý. Chính cái nhìn hòa hợp này của Tin Mừng biến đổi sứ điệp thành một biến cố có ý nghĩa phong phú đối với con người.
            Cho dầu những tiêu chuẩn đó có giá trị đối với mọi tác vụ Lời Chúa, chúng ta cũng phải phát huy chúng trong tương quan với việc dạy giáo lý.
Tính qui Kitô của sứ điệp Tin Mừng.
98.       Chúa Giêsu Kitô không chỉ truyền đạt Lời Chúa mà thôi:  chính Người còn là Lời của Thiên Chúa. Vậy toàn bộ việc dạy giáo lý phải quy chiếu về Người.
            Theo nghĩa này, điều làm rõ nét trước hết sứ điệp được truyền đạt qua việc dạy giáo lý chính là tính “qui Kitô”[15], vì thế phải được hiểu theo nhiều nghĩa:
            - Trước tiên, qui Kitô có nghĩa là, “ trong việc dạy giáo lý chúng ta chủ yếu tìm kiếm một Ngôi vị, Ngôi vị ấy là Chúa Giêsu Nagiarét, Con Một của Chúa Cha, đầy ân sủng và chân lý”[16]. Thực vậy, nhiệm vụ căn bản của việc dạy giáo lý là giới thiệu Đức Kitô và phần còn lại là qui chiếu về Người. Cuối cùng, điều mà việc dạy giáo lý đem lại chính là theo Chúa Giêsu, hiệp thông với Người.  Mỗi yếu tố của sứ điệp phải hướng về điều đó.
            - Thứ đến qui Kitô có nghĩa là việc dạy giáo lý phải trình bày Đức Kitô là “trung tâm của lịch sử Cứu độ”[17]. Thực vậy, Người là biến cố tối hậu mà tất cả lịch sử thánh đều hướng về. Người là Đấng đã đến trong “thời gian viên mãn”(Gl 4, 4). Người là “chìa khoá, là tâm điểm và là cứu cánh của tất cả lịch sử nhân loại”[18]. Sứ điệp giáo lý giúp người tín hữu xác định chỗ đứng của mình trong lịch sử và tham gia vào lịch sử một cách tích cực, để chỉ cho thấy Đức Kitô là ý nghĩa tối hậu của lịch sử này như thế nào.
            - Ngoài ra, qui Kitô còn có nghĩa là sứ điệp Tin Mừng không phải là công trình loài người, nhưng là Lời Thiên Chúa. Nhân danh Người, Hội Thánh và tất cả các giáo lý viên có thể nói một cách chân thật rằng: “Giáo lý của tôi không phải bởi tôi mà là của Đấng đã sai tôi”(Ga 7,16). Vì thế, những gì mà việc dạy giáo lý truyền đạt “chính là giáo huấn của Chúa Giêsu Kitô, là Chân lý mà Người thông truyền cho chúng ta, hay đúng hơn, chân lý chính là Người”[19]. Đặc tính qui Kitô đòi buộc việc dạy giáo lý truyền đạt những gì mà Chúa Giêsu dạy về Thiên Chúa, về loài người, về hạnh phúc, về đời sống luân lý, về sự chết … không cho phép thay đổi một điều gì về tư tưởng của Người[20].
            Những sách Tin Mừng thuật lại đời sống của Chúa Giêsu Kitô phải là trọng tâm sứ điệp của việc dạy giáo lý. Những sách ấy sẵn có một “cấu trúc của việc dạy giáo lý”[21], cho thấy việc giảng dạy mà người ta đề ra cho những cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên và việc giảng dạy đó đã truyền đạt cuộc đời, sứ điệp và những công trình cứu độ của Chúa Giêsu Kitô. Trong việc dạy giáo lý “Bốn sách Tin Mừng phải giữ một vị trí trọng tâm bởi vì Đức Kitô Giêsu là chính trọng tâm của nó”[22].


Tính qui Kitô theo chiều kích Ba Ngôi của sứ điệp Tin Mừng.
99.       Lời Thiên Chúa được nhập thể trong Chúa Giêsu Nagiarét, con Đức Maria trọn đời đồng trinh là Lời của chính Chúa Cha, Đấng đã nói với thế gian qua Thánh Thần của Ngài. Chúa Giêsu không ngừng hướng về Chúa Cha, Đấng mà Người biết mình là Con duy nhất, và quy về Chúa Thánh Thần Đấng mà Người biết là Đấng Xức Dầu cho mình. Người là “đường” dẫn vào mầu nhiệm sâu thẳm của Thiên Chúa[23].
            Nhờ sự năng động nội tại của nó, tính qui Kitô của việc dạy giáo lý đưa đến việc tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Đó chính là một đặc tính qui Kitô chủ yếu theo chiều kích Ba Ngôi. Trong Bí tích Rửa tội, các Kitô hữu đã nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, là “Một trong Ba Ngôi”[24] và là “con trong Người Con”, họ được đưa vào hiệp thông với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Vì thế, đức tin của họ có nguồn gốc là Ba Ngôi. “Mầu Nhiệm Ba Ngôi Cực Thánh là trọng tâm của đức tin và của đời sống Kitô hữu”[25].
100.     Tính qui Kitô theo chiều kích Ba Ngôi của sứ điệp Tin Mừng hướng dẫn việc dạy giáo lý lưu ý đến những phương diện khác nhau sau đây:
            - Cấu trúc nội tại của việc dạy giáo lý, mỗi cách trình bày sẽ phải  luôn qui về Đức Kitô và Ba Ngôi: “Nhờ Đức Kitô hướng về Chúa Cha, trong Thánh Thần”[26]. Một việc dạy giáo lý mà bỏ qua một trong các chiều kích này hay là không biết đến mối liên hệ chặt chẽ ấy thì có nguy cơ phản bội sự nguyện vẹn của sứ điệp Kitô giáo[27].
            - Khi theo đường lối sư phạm của chính Chúa Giêsu trong mạc khải của Người về Chúa Cha, về chính bản thân Người là Con và về Chúa Thánh Thần, thì việc dạy giáo lý sẽ phải trình bày đời sống thâm sâu của Thiên Chúa khởi đi từ những công trình cứu độ của Ngài dành cho nhân loại[28]. Những công trình của Thiên Chúa mạc khải Ngài là ai, trong khi mầu nhiệm Hữu Thể kín nhiệm của Ngài soi sáng trí khôn các thụ tạo. Nói theo cách loại suy, nó cũng tương tự như vậy trong những tương quan con người; những ngôi vị tự mạc khải qua hành động của họ, chúng ta càng biết sâu xa về họ thì chúng ta càng hiểu những hành động này hơn[29].
            Việc trình bày hữu thể nội tại của Thiên Chúa được Đức Kitô mạc khải, một trong bản thể và ba trong ngôi vị, sẽ làm cho thấy rõ những liên hệ căn bản trong đời sống con người. Tuyên xưng một Thiên Chúa duy nhất có nghĩa là con người không phải hy sinh tự do cá nhân của mình một cách tuyệt đối cho bất cứ một quyền lực trần thế nào”[30]. Điều đó cũng có nghĩa là nhân loại, được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, Đấng là “hiệp thông của các ngôi vị”, được gọi làm thành một xã hội huynh đệ, gồm những người con cùng một Cha, bình đẳng trong nhân phẩm[31]. Những liên hệ nhân bản và xã hội của quan niệm Kitô giáo về Thiên Chúa thì rất bao la. Khi tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi và loan báo Chúa Ba Ngôi cho thế giới, Hội Thánh quan niệm chính mình là “một dân tộc được quy tụ trong sự duy nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”[32].
Một sứ điệp loan báo Ơn Cứu Độ.
101.     Sứ điệp của Chúa Giêsu về Thiên Chúa là một tin mừng cho nhân loại; thực vậy, Người đã loan báo Vương Quốc của Thiên Chúa[33]: một sự can thiệp mới mẻ và vĩnh viễn của Thiên Chúa, với quyền năng biến đổi không những lớn lao mà còn trổi vượt hơn quyền năng đã được sử dụng trong việc tạo dựng thế giới[34]. Theo nghĩa đó, “Đức Kitô loan báo ơn cứu độ như là cốt lõi và trọng tâm Tin Mừng của Người, hồng ân đó giải thoát con người khỏi mọi áp lực, nhất là khỏi tội lỗi và Ác thần, trong niềm vui được biết Thiên Chúa và được Ngài nhận biết, được thấy Ngài và được phó thác cho Ngài”[35].
            Việc dạy giáo lý truyền đạt sứ điệp Nước Chúa, trọng tâm lời giảng dạy của Chúa Giêsu. Như thế sứ điệp “dần dần đi sâu và phát huy trong những hệ luận mặc nhiên của nó”[36] cho thấy những âm hưởng lớn lao của nó cho con người và thế giới.
102.     Trong việc làm sáng tỏ lời rao giảng tiên khởi của Chúa Giêsu, việc dạy giáo lý phải nhấn mạnh đến những phương diện cơ bản sau đây:
            - Với sự xuất hiện của Nước Trời, Chúa Giêsu loan báo và mạc khải rằng Thiên Chúa không phải là một hữu thể xa lạ không thể tiếp cận được, “một quyền lực vô danh và xa xăm”[37], nhưng Ngài là Cha, hiện diện giữa các thụ tạo của Ngài, hành động bằng tình yêu và bằng quyền năng của Ngài. Sự làm chứng về Thiên Chúa là Cha, được ban một cách đơn giản và trực tiếp, là nền tảng trong việc dạy giáo lý.
            - Đồng thời, Chúa Giêsu rao giảng rằng Thiên Chúa tặng ban ơn cứu độ toàn diện, giải thoát khỏi tội lỗi, đưa con người vào hiệp thông với Chúa Cha, ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa và hứa ban sự sống vĩnh cửu cùng với Vương quốc của Người nhờ chiến thắng trên sự chết[38]. Ơn cứu độ toàn diện này vừa là nội tại vừa là cánh chung, bởi vì nó “bắt đầu từ cuộc sống này, nhưng được hoàn tất trong cõi đời đời”[39].
            - Khi rao giảng về Vương quốc, Chúa Giêsu đã loan báo sự công chính của Thiên Chúa: Người công bố sự phán xét của Thiên Chúa và trách nhiệm của chúng ta. Lời công bố về phán xét của Thiên Chúa, với quyền năng đào luyện lương tâm con người, là nội dung chính yếu của Tin Mừng và là tin vui cho thế giới. Người là tin vui cho những ai đau khổ vì thiếu sự công bình và cho những ai đấu tranh để xây dựng nó. Người cũng là tin vui cho những ai không biết thương yêu cũng như không biết liên đới, vì sự sám hối và tha thứ là có thể, bởi trong thánh giá Đức Kitô, chúng ta nhận được sự cứu chuộc. Nền tảng của việc dạy giáo lý là lời kêu gọi sám hối và tin vào Tin Mừng Nước Trời là nước công bằng, nước tình yêu và hoà bình; và dưới ánh sáng của nó mà chúng ta sẽ được xét xử.
            - Chúa Giêsu tuyên bố rằng Nước Thiên Chúa đã được khai mở nơi Người, trong chính Ngôi vị của Người[40]. Thực vậy, Người mạc khải rằng chính Người đã được đặt làm Chúa, có sứ mệnh thực hiện Nước đó và khi hoàn tất Người sẽ trao lại cho Cha Người, khi Người trở lại trong vinh quang[41]. “Nước đó đã hiện diện trong thế gian này một cách mầu nhiệm, nó sẽ đạt tới sự viên mãn khi Chúa trở lại ”[42].
            - Chúa Giêsu cũng nói rằng cộng đoàn các môn đệ của Người, tức Hội Thánh, “là mầm mống và khởi đầu của Vương quốc ấy trên trần gian”[43] đồng thời, là men trong bột, Hội Thánh muốn rằng mầm mống đó lớn lên trong thế gian như một cây vĩ đại, hội nhập vào mọi dân tộc và mọi nền văn hoá. “Hội Thánh phục vụ Nước Trời một cách hữu hiệu và cụ thể”[44].
            - Sau cùng Chúa Giêsu cho thấy rằng lịch sử nhân loại không phải để phó mặc cho hư không, nhưng trong Người, Thiên Chúa đã đảm nhận nó với những mặt ân sủng và tội lỗi để biến đổi nó. Trong cuộc lữ hành hiện nay tiến về nhà Cha, lịch sử  đã cho nếm trước về thế giới tương lai, trong đó sau khi đã được nâng cao và thanh tẩy, lịch sử sẽ đạt đến sự hoàn hảo. “Việc phúc âm hóa không thể không chứa đựng sự tiên báo về một thế giới bên kia, vì đó là định mệnh sâu xa và quyết định của con người vừa liên tục, vừa gián đoạn với hoàn cảnh hiện tại …”[45]
Một sứ điệp giải thoát
103.     Tin Mừng Nước Thiên Chúa loan báo ơn cứu độ bao gồm một sứ điệp giải thoát[46]. Khi loan báo Vương quốc đó, Chúa Giêsu đã ngỏ lời cách rất đặc biệt với người nghèo: “Phúc cho các con, hỡi những kẻ nghèo, vì Nước Thiên Chúa là của các con. Phúc cho các con những kẻ hôm nay phải đói rách, vì các con sẽ được thỏa thuê. Phúc cho các con bây giờ đang khóc lóc, vì các con sẽ được vui cười”(Lc 6, 20-21). Những mối phúc mà Chúa Giêsu đã gởi tới những ai đang đau khổ là một lời loan báo cánh chung của ơn cứu độ mà Vương quốc mang lại. Những mối phúc đó miêu tả những hoàn cảnh đau thương mà Tin Mừng rất nhạy cảm: sự nghèo khó, sự đói khát và sự đau khổ của nhân loại.
            Cộng đoàn các môn đệ của Chúa Giêsu là Hội Thánh, ngày nay chia sẻ tâm tình mà Thầy mình đã biểu lộ. Với niềm đau sâu xa, Hội Thánh hướng về những “dân tộc đã dấn thân bằng tất cả năng lực của mình, trong cố gắng và phấn đấu vượt thắng tất cả những gì buộc họ phải ở bên lề cuộc sống: đói kém, bệnh tật kinh niên, mù chữ, nghèo khổ, bất công trong những quan hệ quốc tế..., những hoàn cảnh thực dân mới về kinh tế và văn hoá”[47]. Hội Thánh luôn bận tâm đến tất cả những hình thức nghèo khổ “không phải chỉ về mặt kinh tế mà còn về mặt văn hoá và tôn giáo”[48].
            Đây là một chiều kích quan trọng của sứ vụ mình: Hội Thánh “có bổn phận loan báo sự giải thoát hàng triệu sinh linh, trong đó nhiều người là con cái mình; có bổn phận giúp cho sự giải thoát này khai sinh và minh chứng cho nó, cũng như làm cho nó được hoàn tất”[49].
104.     Để chuẩn bị cho các Kitô hữu đảm nhận trách vụ này, việc dạy giáo lý phải quan tâm đến những mặt sau đây:
            - Phải đặt sứ điệp giải thoát vào viễn tượng “cứu cánh tôn giáo của việc rao giảng Tin Mừng”[50]. Vì việc rao giảng này sẽ mất lý do tồn tại nếu “lìa xa trục tôn giáo hướng dẫn nó: Đó là Nước Thiên Chúa trên hết mọi sự, theo ý nghĩa hoàn toàn thần học”[51]. Cũng vậy, sứ điệp giải thoát đó “không thể bị giản lược vào chiều kích đơn giản và hạn hẹp về kinh tế, chính trị, xã hội hay văn hoá, mà phải nhắm tới con người toàn diện, trong mọi chiều kích, gồm cả việc hướng về tuyệt đối, ngay cả Đấng Tuyệt Đối của Thiên Chúa”[52].
            - Trong bổn phận giáo dục luân lý của mình, phải trình bày một nền luân lý Kitô giáo về xã hội như là một đòi hỏi của sự công chính nơi Thiên Chúa và như một kết quả của “sự giải thoát tận gốc đã được Đức Kitô thực hiện”[53]. Thực vậy, lòng đầy hy vọng, người Kitô hữu tuyên xưng Tin Mừng: Đức Kitô đã giải thoát thế gian và còn tiếp tục giải thoát. Chính từ đây mà phát sinh việc thực hành giới luật yêu thương quan trọng của Kitô giáo.
- Trong nhiệm vụ khai tâm vào sứ mạng truyền giáo, việc dạy giáo lý phải khích lệ các dự tòng và những người học giáo lý “sự lựa chọn ưu tiên đứng về phía người nghèo”[54], “tránh chủ nghĩa cá nhân hay bè phái, nhưng phải biểu lộ tính phổ quát thuộc về bản chất và sứ vụ của Hội Thánh. Sự lựa chọn đó không có tính cách tuyệt đối”[55], nhưng bao hàm “việc dấn thân phục vụ cho công lý, tùy theo vai trò, ơn gọi và điều kiện của mỗi người”[56].
Đặc tính Hội Thánh của sứ điệp Tin Mừng
105.     Bản chất Hội Thánh của việc dạy giáo lý mang lại cho sứ điệp Tin Mừng mà nó truyền đạt một đặc tính Hội Thánh nội tại. Việc dạy giáo lý phát sinh từ việc tuyên xưng đức tin của Hội Thánh và dẫn đến việc tuyên xưng đức tin của người dự tòng cũng như của người học giáo lý. Sau khi được biết tên người trưởng thành sắp chịu Bí tích Rửa tội, lời đầu tiên chính thức mà Hội Thánh nói với người ấy là: “Con xin gì cùng Hội Thánh Chúa?” Thỉnh nguyện viên thưa: “Con xin đức tin”[57]. Thực vậy, người dự tòng biết rằng Tin Mừng mà họ đã khám phá và ước ao nhận biết, đang sống động trong lòng những người tin. Việc dạy giáo lý chỉ là quá trình truyền đạt Tin Mừng như cộng đoàn tín hữu đã nhận được, thấu hiểu, cử hành, sống và thông truyền bằng nhiều cách thế khác nhau.
            Cũng vậy, khi việc dạy giáo lý truyền đạt mầu nhiệm Đức Kitô, thì sứ điệp của nó vang lên từ đức tin của toàn thể Dân Chúa xuyên suốt dòng lịch sử: đức tin của các Tông đồ được nhận lãnh từ chính Đức Kitô và tác động của Chúa Thánh Thần; đức tin của các vị Tử đạo đã tuyên xưng và tuyên xưng bằng máu đào của các ngài; đức tin của các Thánh đã sống và sống một cách sâu xa; đức tin của các Giáo phụ và các Tiến sĩ Hội Thánh đã giảng dạy một cách tuyệt vời; đức tin của các thừa sai đã rao giảng không mệt mỏi; đức tin của các nhà thần học đã giúp mọi người thấu hiểu hơn; sau cùng đức tin của các mục tử đã được các ngài bảo tồn với lòng nhiệt thành, yêu mến và giải thích một cách xác thực. Thực vậy, cả đức tin của những người tin và đang theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần cũng hiện diện trong việc dạy giáo lý.
106.     Đức tin được truyền đạt bởi cộng đoàn Hội Thánh là duy nhất. Cho dầu các môn đệ của Chúa Giêsu Kitô đã hình thành một cộng đoàn lan rộng khắp thế giới, cho dầu việc dạy giáo lý truyền đạt đức tin bằng những ngôn ngữ văn hoá rất khác nhau, người ta cũng chỉ loan báo một Tin Mừng duy nhất, tuyên xưng một đức tin duy nhất, đón nhận một phép Rửa duy nhất: “Chỉ một Chúa, một đức tin, một phép Rửa, một Thiên Chúa, Cha của mọi người.”(Ep 4,5).
            Như vậy trong Hội Thánh, việc dạy giáo lý là việc phục vụ dẫn đưa các dự tòng và những người học giáo lý đến sự hiệp nhất trong việc tuyên xưng đức tin.[58] Bởi vì tự bản chất, việc tuyên xưng đức tin củng cố mối dây hiệp nhất,[59] bằng cách ý thức mình thuộc về cùng một cộng đoàn lớn lao cho dù không gian hay thời gian cũng không thể giới hạn được: “Từ Abel công chính cho đến người được tuyển chọn cuối cùng, cho đến tận cùng trái đất, cho đến tận thế”[60].
Đặc tính lịch sử của mầu nhiệm cứu độ.
107.     Việc tuyên xưng đức tin của các môn đệ Chúa Giêsu Kitô phát sinh từ Hội Thánh lữ hành được sai đi truyền giáo. Việc tuyên xưng ấy chưa phải là lời công bố vinh quang của đoạn đường cuối cùng nhưng là lời công bố trong “thời gian của Hội Thánh[61].  Bởi thế, “Nhiệm cục Cứu độ” mang đặc tính lịch sử vì được thực hiện trong thời gian: “đã bắt đầu trong quá khứ, đã phát triển và đạt tới chóp đỉnh trong Đức Kitô, đang tỏ ra sức mạnh trong hiện tại và đang đạt đến sự hoàn thành trong tương lai[62].
            Chính vì thế, hôm nay đang khi truyền đạt sứ điệp Kitô giáo khởi đi từ ý thức mãnh liệt đã có, Hội Thánh không ngừng “tưởng nhớ” và kể lại những biến cố cứu độ của quá khứ. Hội Thánh giải thích theo ánh sáng ấy những biến cố hiện tại của lịch sử loài người mà trong đó Thánh Thần Chúa đang canh tân bộ mặt trái đất và Hội Thánh đang tin tưởng chờ đợi ngày Chúa đến. Trong việc dạy giáo lý theo tinh thần giáo phụ, thì việc kể lại (narratio) những kỳ công Chúa đã thực hiện và sự đợi chờ (exspectatio) Đức Kitô trở lại luôn luôn đi theo với việc trình bày những mầu nhiệm đức tin.[63]
108.     Đặc tính lịch sử của sứ điệp Kitô giáo đòi hỏi việc dạy giáo lý phải quan tâm đến những phương diện sau đây:
            - Trình bày lịch sử Cứu độ bằng việc dạy giáo lý Thánh Kinh làm cho nhận biết những “việc làm và lời nói” qua đó Thiên Chúa tự mạc khải cho nhân loại: những giai đoạn quan trọng của Cựu Ước nhờ đó Ngài chuẩn bị con đường của Tin Mừng[64]; đời sống của Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, Đấng đã hoàn tất việc Mạc Khải nhờ những hành vi và lời dạy của mình[65]; và lịch sử Hội Thánh thông truyền Mạc khải. Lịch sử đó, được đọc dưới ánh sáng đức tin, cũng là một phần căn bản của nội dung việc dạy giáo lý.
            - Trong khi giải thích Kinh Tin Kính và nội dung luân lý Kitô giáo qua việc dạy giáo lý, sứ điệp Tin Mừng phải soi sáng “cái hôm nay” của lịch sử Cứu độ. Như thế, sứ vụ Lời Chúa không những chỉ nhắc lại việc mạc khải những kỳ công của Chúa thể hiện trong thời gian …, mà đồng thời, nhờ ánh sáng của mạc khải đó, sứ vụ Lời Chúa còn giải thích đời sống của con người thời nay, những thực tại của thế giới này và những dấu chỉ thời đại, bởi vì chính trong chúng mà ý định của Thiên Chúa cứu độ loài người được hoàn tất[66].
            - Đặt các bí tích trong lịch sử Cứu độ bởi việc dạy giáo lý nhiệm huấn “…đọc lại và làm sống lại tất cả những biến cố lớn đó của lịch sử Cứu độ trong cái hôm nay của phụng vụ”[67]. Sự quy chiếu về “cái hôm nay” của lịch sử Cứu độ là chủ yếu trong việc dạy giáo lý này. Như thế người ta giúp cho các dự tòng và những người học giáo lý “…tự mở rộng trí thông minh “thiêng liêng” để hiểu nhiệm cục cứu rỗi…”[68]
            - Giúp chuyển từ dấu chỉ sang mầu nhiệm. “Những việc làm và lời nói” của Mạc Khải dẫn đến “mầu nhiệm mà chúng bao hàm”[69]. Dạy giáo lý dẫn đến việc khám phá, đằng sau nhân tính của Đức Kitô là tư cách Con Thiên Chúa của Người; đằng sau lịch sử Hội Thánh là mầu nhiệm “bí tích cứu độ”; đằng sau “những dấu chỉ thời đại” là những dấu vết sự hiện diện và ý định của Thiên Chúa. Như thế, việc dạy giáo lý dẫn đến sự hiểu biết đúng đắn về đức tin “là một thứ hiểu biết qua trung gian các dấu chỉ”[70].
Sự hội nhập văn hoá của sứ điệp Tin Mừng[71]
109.     Lời của Thiên Chúa đã làm người, một con người cụ thể ở trong thời gian và trong không gian, bén rễ sâu vào một nền văn hoá nhất định: “Đức Kitô qua cuộc nhập thể của Người đã liên kết mình với những điều kiện xã hội và văn hoá của những người đương thời với Người”[72]. Đây chính là “sự hội nhập văn hoá” nguyên thuỷ của Lời Thiên Chúa và là mẫu mực cho tất cả công trình rao giảng Tin Mừng của Hội Thánh “đã được mời gọi đem sức mạnh của Tin Mừng vào trong cốt lõi của văn hoá và mọi nền văn hoá”[73].
            Nhờ “việc hội nhập văn hoá”[74] của đức tin, “tất cả những sự phong phú của các dân tộc mà Đức Kitô đã nhận làm gia nghiệp”[75]được đón nhận trong một cuộc trao đổi tuyệt vời; sự hội nhập ấy là một tiến trình sâu xa và toàn thể đòi hỏi nhiều thời gian[76]. Bởi vì đây không phải là một cuộc thích nghi hời hợt chỉ muốn phết lên mình một lớp sơn trang trí nhằm làm cho sứ điệp Kitô giáo hấp dẫn.
            Trái lại, đây là một sự thấm nhập của Tin Mừng vào tận thẳm sâu của con người và các dân tộc, nhằm gặp gỡ họ “…một cách sinh động, sâu xa đến tận gốc rễ”[77] các nền văn hoá của họ.
            Tuy nhiên, trong công trình hội nhập văn hoá đó, những cộng đoàn Kitô hữu, phải biết phân biệt: một đàng, “đảm nhận”[78] những nét phong phú về văn hoá hoà hợp với đức tin, đàng khác giúp “chữa trị”[79] và “biến đổi”[80] những tiêu chuẩn, những hình thức suy tưởng và những cách sống mâu thuẫn với Nước Thiên Chúa. Hai nguyên tắc giúp cho sự phân biệt đó: “sự hoà hợp với Tin Mừng và sự hiệp thông với Hội Thánh toàn cầu”[81]. Tất cả Dân Chúa phải dấn thân vào tiến trình này, là tiến trình “…cần được thể hiện từng bước, miễn sao thực sự diễn tả kinh nghiệm Kitô giáo của cộng đoàn…”[82]
110.     Trong việc hội nhập văn hoá của đức tin, việc dạy giáo lý có nhiều bổn phận cụ thể khác nhau. Chẳng hạn:
- Phải coi cộng đồng Hội Thánh như là nhân tố chính của việc hội nhập văn hoá. Hình ảnh của giáo lý viên là một biểu lộ và còn là công cụ hữu hiệu của bổn phận này; ngoài cảm thức tôn giáo sâu xa, họ còn phải chứng tỏ sự nhạy cảm xã hội và phải bén rễ sâu vào môi trường văn hoá của mình.[83]
- Soạn những sách giáo lý địa phương đáp ứng những đòi hỏi của các nền văn hoá khác nhau,[84] bằng cách trình bày Tin Mừng liên quan đến những gợi ý, những thắc mắc và những vấn đề gặp phải trong các  nền văn hoá đó.
- Thực hiện một cuộc hội nhập văn hoá đúng đắn  cho thời kỳ dự tòng và những cơ chế  giáo lý, bằng cách đưa vào đó một cách có suy xét, ngôn ngữ, những biểu tượng và những giá trị của văn hoá mà trong đó người dự tòng cũng như người học giáo lý đang sống.
- Trình bày sứ điệp Kitô giáo thế nào cho những người được kêu gọi rao giảng Tin Mừng giữa nền văn hoá thường là lương dân và đôi khi là hậu Kitô giáo có khả năng “quan tâm đến niềm hy vọng đang có trong họ” (1Pr 3,15). Một thứ minh giáo hữu hiệu, khuyến khích việc đối thoại giữa đức tin và văn hoá, là rất cần thiết cho ngày hôm nay.
Sự toàn vẹn của sứ điệp Tin Mừng.
111.     Trong công việc hội nhâp văn hoá về đức tin này, việc dạy giáo lý phải truyền đạt sứ điệp Tin Mừng trong sự toàn vẹn và tinh ròng của nó. Chúa Giêsu loan báo Tin Mừng một cách toàn vẹn: “Tất cả những gì Ta đã nghe bởi Cha, thì Ta đã cho các con biết”(Ga 15,15). Đức Kitô đòi hỏi các môn đệ giữ trọn sự toàn vẹn này khi sai họ đi rao giảng: “… các con hãy dạy họ tuân giữ tất cả những gì Thầy đã truyền cho các con” (Mt 28,19). Cũng vậy, một tiêu chuẩn cơ bản cho việc dạy giáo lý là gìn giữ  tính toàn vẹn của sứ điệp, bằng cách tránh những lối trình bày phân mảnh hay méo mó: “Để cho sự dâng hiến đức tin của mình được hoàn hảo, thì người trở thành môn đệ của Đức Kitô có quyền tiếp nhận “lời đức tin” không bị thêm bớt, không bị làm sai lạc, không bị giảm thiểu, nhưng đầy đủ và trọn vẹn, trong tất cả sự nghiêm túc và mạnh mẽ của nó”[85].
112.     Hai chiều kích liên kết chặt chẽ với nhau, củng cố nguyên tắc này là :
- Trình bày sứ điệp Tin Mừng toàn vẹn: Không một phương diện căn bản nào được phép bỏ qua; không một sự chọn lựa nào được ảnh hưởng trên kho tàng đức tin[86]. Trái lại việc dạy giáo lý phải giới thiệu một cách “trung thành tất cả kho tàng của sứ điệp Kitô giáo”[87]. Việc dạy giáo lý sẽ thực hiện điều ấy một cách tuần tự, theo gương sư phạm của chính Thiên Chúa, Đấng đã tự mạc khải một cách tiệm tiến theo từng mức độ. Sự toàn vẹn phải kèm theo một sự thích nghi đúng đắn.
Vì vậy, việc dạy giáo lý khởi đi từ cách giới thiệu đơn giản của cấu trúc toàn diện sứ điệp Kitô giáo và trình bày sứ điệp ấy bằng cách thích nghi với những khả năng của người đón nhận. Tuy nhiên, không được dừng lại ở phần giới thiệu ban đầu. Việc dạy giáo lý sẽ trình bày sứ điệp từng bước theo cách thức mỗi ngày một rộng hơn và minh nhiên hơn, tùy khả năng của người học giáo lý và đặc tính riêng của việc dạy giáo lý[88]. Hai cấp độ trình bày trọn vẹn sứ điệp này được gọi là “toàn bộ chiều sâu” và “toàn bộ chiều rộng”.
- Trình bày sứ điệp Tin Mừng đích thực trong toàn bộ sự tinh ròng của nó, không giản lược những đòi hỏi của Tin Mừng vì sợ chối từ và không áp đặt những gánh nặng mà Tin Mừng không truyền dạy, bởi vì ách của Chúa Giêsu thì êm ái.[89]
- Tiêu chuẩn của sự xác thực được liên kết chặt chẽ với tiêu chuẩn của hội nhập văn hoá, bởi vì tiêu chuẩn sau có mục đích “chuyển dịch ”[90] cái cốt yếu của sứ điệp sang một ngôn ngữ văn hoá nhất định. Đây là một công việc tế nhị: “Việc rao giảng Tin Mừng sẽ đánh mất nhiều công sức và hiệu quả nếu không quan tâm đến dân tộc cụ thể mà mình ngỏ lời…”, tuy nhiên, “việc rao giảng Tin Mừng có thể bị bóp nghẹt hay tiêu tan, nếu người ta đánh mất hay làm biến dạng nội dung của nó lấy cớ là chuyển dịch nó ”[91].
113.     Mối liên hệ phức tạp giữa hội nhập văn hoá và sự toàn vẹn của sứ điệp Kitô giáo giả thiết một thái độ Tin Mừng “cởi mở truyền giáo vì phần rỗi của toàn thế giới”[92]. Một thái độ phải biết phối hợp việc đón nhận những giá trị thực sự nhân bản và tôn giáo, vượt lên trên chủ nghĩa ù lì, với sự dấn thân truyền giáo nhằm loan báo toàn bộ chân lý Tin Mừng, không nhượng bộ cho những thích nghi dễ dãi mà làm mất đi sức sống mạnh mẽ của Tin Mừng và đưa đến sự tục hóa Hội Thánh. Sự xác thực của Tin Mừng loại bỏ hai thái độ đó vì chúng mâu thuẫn với ý nghĩa thật của sứ vụ.
Một sứ điệp có hệ thống và thứ bậc.
114.     Sứ điệp mà việc dạy giáo lý truyền đạt có “đặc tính hệ thống và thứ bậc”[93]. Nó tạo thành một tổng hợp chặt chẽ và sống động của đức tin. Nó xoay quanh mầu nhiệm Ba Ngôi Chí Thánh, trong viễn tượng qui Kitô, bởi vì đó là “nguồn mạch của tất cả các mầu nhiệm khác của đức tin, là ánh sáng chiếu soi cho chúng…”[94]. Khởi đi từ mầu nhiệm này, sự hoà hợp của toàn thể sứ điệp đòi hỏi một “thứ bậc các chân lý”[95], bởi vì mỗi chân lý liên kết một cách khác nhau với nền tảng của đức tin. Tuy nhiên,  thứ bậc này “không có nghĩa là một số chân lý ít liên quan đến đức tin hơn một số chân lý khác, nhưng có một số chân lý phải dựa vào những chân lý khác quan trọng hơn và nhận sự soi sáng từ những chân lý ấy ”[96].
115.     Tất cả các phương diện và các chiều kích của sứ điệp Kitô giáo trình bày đặc tính hệ thống và thứ bậc này:
            - Lịch sử Cứu độ kể lại các “kỳ công của Thiên Chúa” (mirabilia Dei), những gì Ngài đã hoàn tất, đang hoàn tất và sẽ hoàn tất cho chúng ta, được thực hiện xoay quanh Chúa Giêsu Kitô, “trung tâm của lịch sử Cứu độ”[97]. Sự chuẩn bị cho Tin Mừng trong Cựu Ước, sự viên mãn của Mạc khải trong Chúa Giêsu Kitô và thời gian của Hội Thánh tạo nên toàn bộ lịch sử Cứu độ mà việc tạo dựng và cánh chung là khởi đầu và tận cùng.
            - Kinh Tin Kính của các Tông đồ cho thấy Hội Thánh đã luôn muốn trình bày mầu nhiệm Kitô giáo trong một tổng hợp sống động như thế nào. Kinh Tin Kính này là một tổng hợp và là chìa khoá để đọc toàn bộ Thánh Kinh và tất cả giáo thuyết của Hội Thánh, giáo thuyết ấy được xếp đặt theo thứ bậc xung quanh Kinh này[98].
            - Các bí tích cũng tạo thành một toàn bộ có hệ thống; như những sức mạnh sản sinh, các bí tích xuất phát từ mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu Kitô tạo thành một “hệ thống, trong đó mỗi bí tích có vị trí sống động của mình”[99]. Tuy nhiên, bí tích Thánh Thể chiếm vị trí độc tôn; tất cả những bí tích khác được xếp đặt theo đó: vì Thánh Thể là “bí tích của các bí tích”[100].
            - Hai giới răn mến Chúa và yêu người trong sứ điệp luân lý trình bày thứ bậc những giá trị đã được Chúa Giêsu thiết lập: “Lề Luật và các Tiên Tri đều tùy thuộc vào hai điều răn đó”(Mt 22,40). Mến Chúa và yêu người gồm tóm cả thập giới, nếu chúng được sống theo tinh thần các mối phúc của Tin Mừng, tạo nên đại hiến chương (magna charta) của đời sống Kitô giáo mà Chúa Giêsu đã công bố trong Bài Giảng trên núi[101].
            - Khi tóm lược điều cốt yếu của Tin Mừng, Kinh Lạy Cha tổng hợp và thứ tự hoá những nét phong phú vô tận của sự cầu nguyện chứa đựng trong Thánh Kinh và trong tất cả đời sống của Hội Thánh. Kinh này được chính Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ, cho thấy rõ lòng tin tưởng của người con và những ước muốn sâu xa nhất mà một con người có thể nói với Thiên Chúa[102].
Một sứ điệp có ý nghĩa đối với con người
116.     Ngôi Lời của Thiên Chúa khi làm người đã mặc lấy tất cả bản tính loài người, ngoại trừ tội lỗi. Như thế, Chúa Giêsu Kitô là “hình ảnh Thiên Chúa vô hình”(Cl 1,15), cũng là con người hoàn hảo. Từ đó chúng ta hiểu rằng “trong thực tế, mầu nhiệm của con người chỉ được thực sự soi tỏ trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể[103].
            Trong khi trình bày sứ điệp Kitô giáo, việc dạy giáo lý không chỉ làm cho người ta nhận biết Thiên Chúa và kế hoạch cứu độ của Ngài, như Đức Kitô đã làm, mà còn phải biểu lộ một cách đầy đủ cho con người biết về chính mình và khám phá nơi con người sự cao cả của ơn gọi mình[104]. Thực vậy, mạc khải: “…không tách biệt và cũng không ở kề bên cuộc sống một cách giả tạo. Nó liên quan đến ý nghĩa cuối cùng của đời sống mà nó soi sáng để gợi hứng hoặc để phê phán dưới ánh sáng của Tin Mừng“[105].
            Tương quan giữa sứ điệp Kitô giáo và kinh nghiệm con người không chỉ đơn thuần là vấn đề phương pháp; nhưng xuất phát từ chính mục đích của việc dạy giáo lý, tức là đặt con người trong mối hiệp thông với Chúa Giêsu Kitô. Trong cuộc đời trần thế, Đức Kitô đã sống đầy đủ bản tính nhân loại của mình: “Người đã làm việc với đôi tay con người, Người đã suy nghĩ với trí óc con người, Người đã hành động với ý chí con người, Người đã yêu mến bằng quả tim con người”[106]. Như vậy “tất cả những gì Chúa Giêsu đã sống, Người làm để chúng ta có thể sống điều ấy trong Người và để Người sống điều ấy trong chúng ta”[107]. Việc dạy giáo lý cố gắng đạt tới sự đồng nhất về kinh nghiệm nhân loại giữa Đức Kitô là Thầy và người môn đệ; việc dạy giáo lý dạy suy nghĩ như Người, hành động như Người, yêu mến như Người[108]. Sống hiệp thông với Đức Kitô, chính là thực hiện kinh nghiệm về đời sống mới của ân sủng[109].
117.     Chính vì lý do Kitô học cao siêu này mà khi trình bày sứ điệp Kitô giáo, việc dạy giáo lý “phải giúp con người chú ý đến những kinh nghiệm bản thân và xã hội nổi bật nhất; cũng vậy, vai trò của việc dạy giáo lý là nhờ Tin Mừng soi tỏ những vấn nạn mà những kinh nghiệm ấy gợi lên, bằng cách thức tỉnh nơi con người ước muốn chính đáng biến đổi cách sống cá nhân của họ”[110]. Do đó:
            - Trong việc rao giảng Tin Mừng đầu tiên, đặc biệt cho thời kỳ tiền dự tòng hay tiền huấn giáo, việc loan báo Tin Mừng sẽ luôn thực hiện trong sự liên kết mật thiết với bản tính và ước vọng của con người, bằng cách chỉ cho họ thấy rằng Tin Mừng đáp ứng một cách đầy đủ những mong đợi của trái tim con người[111].
            Trong việc dạy giáo lý Thánh Kinh, chúng ta sẽ giúp giải thích cuộc sống con người hiện nay theo ánh sáng kinh nghiệm sống của Dân Israel, của Chúa Giêsu Kitô và của cộng đoàn Hội Thánh, nơi đó Thánh Thần của Đức Kitô Phục Sinh sống và hành động không ngừng.
            - Trong khi giải thích Kinh Tin Kính, việc dạy giáo lý chỉ cho thấy rằng những đề tài lớn của đức tin (sự tạo dựng, nguyên tội, mầu nhiệm nhập thể, Vượt Qua, Hiện Xuống và cánh chung…) luôn là nguồn mạch sự sống và ánh sáng cho con người.
            - Giáo lý về luân lý sẽ dạy cho biết một đời sống phù hợp với Tin Mừng hệ tại điều gì[112], sẽ trình bày những mối phúc như là tinh thần của Thập giới và làm cho những mối phúc đó đâm rễ sâu vào những đức tính nhân bản có sẵn trong lòng con người[113].
            - Trong việc dạy giáo lý về phụng vụ, chúng ta không ngừng quy chiếu vào những kinh nghiệm lớn lao của nhân loại đã được giới thiệu bằng những dấu chỉ và những biểu tượng của hoạt động phụng vụ, xuất phát từ văn hoá Do thái giáo và Kitô giáo[114].

Nguyên tắc về phương pháp cho việc trình bày sứ điệp[115]
118.     Những quy tắc và những tiêu chuẩn đã được chỉ ra trong chương này “có liên quan đến việc trình bày nội dung của việc dạy giáo lý, phải được áp dụng trong những hình thức dạy giáo lý khác nhau: dạy giáo lý theo Thánh Kinh và phụng vụ, toát yếu giáo lý, giải thích những điều kiện về sự hiện hữu con người, …”[116].
            Tuy nhiên, những tiêu chuẩn và những quy tắc này không chỉ định thứ tự phải theo trong việc trình bày nội dung. Thực vậy, “có thể trong hoàn cảnh dạy giáo lý hiện nay, có những lý do về phương pháp hay sư phạm khuyên phải tổ chức, như thế này hay thế khác, việc chuyển đạt chính nội dung phong phú của việc dạy giáo lý”[117]. Chúng ta có thể khởi đi từ Thiên Chúa để đến với Đức Kitô hay ngược lại, cũng vậy, chúng ta có thể khởi đi từ con người để đến với Thiên Chúa hay ngược lại. Sự chọn lựa một thứ tự nhất định trong việc trình bày sứ điệp phải thích hợp với những điều kiện và hoàn cảnh đức tin của học viên.
            Phải suy nghĩ đến phương pháp sư phạm thích hợp nhất cho những hoàn cảnh của đời sống cộng đoàn Hội Thánh hay của người học giáo lý. Từ đó cần phải có một nghiên cứu cẩn thận để tìm ra những đường lối và phương tiện đáp ứng tốt nhất cho những hoàn cảnh khác biệt.
Trong lãnh vực này, bổn phận của các Giám Mục là phải ban hành những quy phạm rõ ràng hơn và áp dụng chúng nhờ những sách hướng dẫn dạy giáo lý, những sách giáo lý tương ứng với từng lứa tuổi và điều kiện văn hóa khác nhau, cũng như những phương tiện khác được coi là hợp thời hơn[118].




[1]x. DGC (1971) 36a.
[2]CT 27.
[3]x. DV 10 a và b; 1Tim 6,20 và 2 Tim 1,14.
[4]x. Mt 13,52.
[5]DV 13.
[6]Ibid.
[7]DV 10.
[8]Chúng ta thấy hai kiểu nói được sử dụng: nguồn mạch và “những nguồn mạch”. Chúng ta nói “một” nguồn mạch của việc dạy giáo lý để nhấn mạnh tính thống nhất của Lời Chúa, bằng cách nhắc lại khái niệm Mạc Khải trong Hiến chế Dei Verbum. Chúng ta theo  CT số 27  cũng nói đến  nguồn mạch của việc dạy giáo lý. Nhưng người ta cũng duy trì kiểu nói “những nguồn mạch” theo cách dùng thông thường trong việc dạy giáo lý, để chỉ những nguồn mạch cụ thể mà việc dạy giáo lý có thể rút ra sứ điệp của nó ;  x. DGC (1971) 47.
[9]x. DGC (1971) 45b.
[10]DV 9.
[11]Ibid.
[12]DV 10b.
[13]DV 10c.
[14]X. MPD 9.
[15]x. CEC 426-429; CT 5-6; DGC (1971) 40.
[16]CT 5.
[17]DGC (1971) 41a; x. DGC (1971) 39, 40, 44.
[18]GS 10.
[19]CT 6.
[20]x. 1Cr 15,1-4; x. EN 15e, f.
[21]CT 11b.
[22]CEC 139.
[23]x. Ga 14,6.
[24]Thành ngữ “Một trong Ba Ngôi” đã được dùng trong Công Đồng chung Constantinople V (a.553): x. Constantinople II, Khoá họp thứ VIII, khoản 4; DS 424, kiểu nói đó được nhắc đến trong CEC 468.
[25]CEC 234 ; x. CEC 2157.
[26]DGC (1971) 41 ; x. Ep 2,18.
[27]x. DGC (1971) 41.
[28]CEC 258,236 và 259.
[29]x. CEC 236.
[30]x. CEC 450.
[31]x. CEC 1702; 1878; SRS 40 sử dụng, theo đề tài này cách nói “kiểu mẫu hiệp nhất”; CEC 2845 cũng nhắc đến sự hiệp thông Chúa Ba Ngôi như là “nguồn và là tiêu chuẩn của chân lý của mọi tương quan ”.
[32]LG 4b, kể nguyên văn thánh Cypryanô, De dominica oratione 23 (Kinh lạy Cha): CCl 3A2;105.
[33]x.EN 11-14; RM 12-20; x. CEC 541-556.
[34]Phụng vụ của Hội Thánh đã biểu thị điều đó trong đêm canh thức Vượt qua: “… Người cho những kẻ mà Người đã cứu chuộc hiểu được rằng hành động sáng tạo ban đầu của thế giới không siêu việt hơn điều mà vào cuối đời Đức Kitô Chiên Vượt Qua của chúng ta đã tự hy sinh” (Missale Romanum)[Editio Typica Altera 1975], Canh thức Vượt Qua, lời nguyện sau bài đọc thứ I.
[35]EN 9.
[36]CT 25.
[37]EN 26.
[38]Hồng ân cứu độ đó đem lại cho chúng ta “sự công chính hoá”, nhờ ân sủng của đức tin và các bí tích của Hội Thánh. Ân sủng này giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi, đưa chúng ta vào thông hiệp với Thiên Chúa (LC52).
[39]EN 27.
[40]x. LG 3 và 5.
[41]x. RM 16.
[42]GS 39.
[43]LG 5.
[44]RM 20.
[45]EN 28.
[46]x. EN 30-35.
[47]EN 30.
[48]CA 57 ; x. CEC 2444.
[49]EN 30.
[50]EN 32; x. SRS 41 và RM 58.
[51]EN 32.
[52]EN 33; x. LC: Tông Huấn này là điểm quy chiếu bắt buộc cho việc dạy giáo lý.
[53]LC 71.
[54]CA 57; LC 68; x. SRS 42; CEC 2443-2449.
[55]LC 68.
[56]SRS 41;x. LC 77. về phần mình, Thượng Hội Đồng năm 1971 đã tranh luận đề tài rất quan trọng về phương diện căn bản đối với việc dạy giáo lý: “giáo dục công bằng”: xem Documents du Synode des évêques, II: Về công bằng trong thế giới, III: số 835-937.
[57]RICA 75; x. CEC 1253.
[58]x. CEC 172-175, đoạn văn được cảm hứng theo Thánh Irénê thành Lyon trong đó người ta phân tích tất cả nội dung phong phú về thực tại một đức tin duy nhất.
[59]CEC 815: “… sự duy nhất của Hội Thánh lữ hành cũng được bảo đảm bằng những mối dây cho thấy sự hiệp thông: sự tuyên xưng một đức tin duy nhất nhận từ các thánh tông đồ; sự cử hành chung phụng tự thánh, nhất là cử hành các bí tích; sự kế vị các tông đồ qua bí tích Truyền chức, và bây giờ là tình hoà hợp huynh đệ của gia đình Thiên Chúa”.
[60]EN 61, nhắc lại ý Thánh Grêgôriô  Cả và sách Didaché.
[61]CEC 1076.
[62]DGC (1971) 44.
[63]Các Thánh Giáo phụ khi củng cố nội dung việc dạy giáo lý bằng việc tường thuật các biến cố cứu độ, đã muốn cho Kitô giáo ăn rễ sâu vào thời gian, đã cho thấy rằng Kitô giáo là cả một lịch sử mang theo ơn cứu độ chứ không phải là một thứ triết lý tôn giáo đơn thuần; các ngài cũng muốn nhấn mạnh rằng Đức Kitô là trung tâm của lịch sử này
[64]CEC 54-64. Những bản văn sách Giáo lý, đều quy chiếu một cách chủ yếu đối với việc dạy giáo lý Thánh Kinh , đề ra những giai đoạn quan trọng nhất của Mạc Khải, mà trong đó Giao Ước là đề tài chính. x. CEC 1081 và 1093.
[65]x. DV 4.
[66]DGC (1971) 11.
[67]CEC 1095, xem CEC 1075; 1116; 129-130 và 1093-1094.
[68]CEC 1095. CEC ở số 1079 có đề cập đến tính dẫn nhập của “việc dạy giáo lý khai tâm” bởi vì phần giáo lý khai tâm này “đã khởi đi từ cái khả giác đền cái bất khả giác, từ cái khả ký (signifiant) đến cái sở ký (signifié), từ “các bí tích” đến “những mầu nhiệm”.
[69]DV 2.
[70]DGC (1971) 72; x. CEC 39-43.
[71]x. phần IV chương 5.
[72]AG 10; x. AG 22a.
[73]CT 53; x. EN 20.
[74]Từ “hội nhập văn hoá” đã được chấp nhận bởi nhiều văn kiện của Huấn quyền. x. CT 53, RM 52-54. Khái niệm “văn hoá” theo nghĩa tổng quát, hoặc theo nghĩa “xã hội học và nhân chủng học” đã được giải thích trong GS 53. x. ChL 44a.
[75]AG 22a; x. LG 13 và 17; GS 53-62; DGC (1971) 37.
[76]x. RM 52b đề cập đến một “thứ thời gian dài” cần cho sự hội nhập văn hoá.
[77]EN 20; x. EN 63; RM 52.
[78]LG 13 đã sử dụng thành ngữ “nâng đỡ và thâm nhập” (fovet et assumit).
[79]LG 17 có viết: “chữa trị, nâng cao và hoàn thành (sanare, elevare et consummare)”.
[80]EN 19 khẳng định: “đạt tới và như là đảo lộn”.
[81]RM 54a.
[82]RM 54b
[83]x. GCM 12.
[84]x. CEC 24.
[85]CT 30.
[86]X. Ibid.
[87]DGC (1971) 38a.
[88]x. DGC (1971) 38b.
[89]x. Mt 11,30.
[90]EN 63 đã sử dụng thành ngữ “truyền qua” (transferre) và “mang qua”(translatio); x. RM 53b.
[91]EN 63c; x. CT 53c và CT 31
[92]THĐ 1985, II, D, 3; xem EN 65.
[93]CT 31 cũng có trình bày sự toàn bộ sứ điệp, xem DGC (1971) 39 và 43.
[94]CEC 234.
[95]UR 11.
[96]DGC (1971) 43
[97]DGC (1971) 41
[98]Thánh Cyrillô thành Giêrusalem khẳng định về vấn đề Kinh Tin Kính: “Tổng hợp đức tin nầy không được làm theo những ý kiến của loài người, nhưng người ta đã rút ra trong tất cả Thánh Kinh những gì là quan trọng nhất, để đưa ra giáo huấn đuy nhất của đức tin trong tính toàn thể của nó” (Catecheses illuminandorum, 5, 12: PG 33; 521). Bản văn này cũng được nhắc lại trong CEC 186. Xem CEC 194.
[99]CEC 1211.
[100]Ibid.
[101]Thánh Augustinô giới thiệu bài giảng trên núi như là một “hiến chương hoàn hảo của đời sống Kitô giáo chứa đựng tất cả lời dạy thích hợp cho đời sống Kitô giáo” (De sermone Domin in monte, 1,1: CCL 35,1); x. EN 8.
[102]Kinh Lạy Cha thực sự là “bản tóm lược tất cả Tin Mừng” (Tertulianô, De oratione,1: CSEL 20.181); “Các bạn hãy lược qua tất cả những kinh có trong Thánh Kinh, và tôi không tin rằng các bạn có thể tìm thấy ở đó điều gì mà điều ấy không được hiểu trong Lời KinhChúa dạy” (Thánh Augustinô, Epistola,130, c.12: PL33, 502); x. CEC 2761.
[103]GS 22a.
[104]X. Ibid.
[105]CT 22c; x. EN 29.
[106]GS 22b.
[107]CEC 521; x. CEC 519-521.
[108]x. CT 20b.
[109]x. Rm 6,4.
[110]DGC (1971) 74; x. CT 29.
[111]x. AG 8a.
[112]x. Pl 1,27.
[113]x. CEC 1697.
[114]x. CEC 1145 -1152.
[115]x. phần III, chương 2.
[116]DGC (1971) 46.
[117]CT 31.
[118]CT 31.