• Trang chủ

UBGLĐT-HĐGMVN - HDTQ VD GIÁO LÝ -PHẦN III-Chương 1


HƯỚNG DẪN TỔNG QUÁT VIỆC DẠY GIÁO LÝ - PHẦN III: SƯ PHẠM ĐỨC TIN - Chương I: Sư phạm của Thiên Chúa, nguồn gốc và khuôn mẫu của sư phạm đức tin (26/08/11, 8:40 am)


“Ta đã tập đi cho Êphraim, đã đỡ cánh tay nó, nhưng chúng không hiểu là Ta chữa lành chúng. Ta lấy dây nhân nghĩa, lấy mối ân tình mà lôi kéo chúng. Ta xử với chúng như người nựng trẻ thơ, nâng lên áp vào má Ta cúi xuống gần nó mà đút cho nó ăn” (Hs 11,3-4).

“Khi còn một mình Đức Giêsu, những người thân cận cùng với nhóm Mười Hai hỏi Người về những dụ ngôn. Người nói với các ông: "Phần anh em, mầu nhiệm Nước Thiên Chúa đã được ban cho anh em; Người không bao giờ rao giảng cho họ mà không dùng dụ ngôn. Nhưng khi chỉ có thầy trò với nhau, thì Người giải nghĩa hết”(Mc 4,11.34).

“Anh em chỉ có một Thầy là Đức Kitô” (Mt 23,10)
137.     Chúa Giêsu đã cẩn thận huấn luyện các môn đệ rồi sai đi truyền giáo. Người đã tự giới thiệu với các ông vừa như vị Thầy duy nhất, vừa như người bạn kiên nhẫn và trung thành[1], Người đã thực hiện việc giáo huấn đích thực trong suốt cuộc đời mình[2]; bằng cách gợi lên cho các ông những câu hỏi thích hợp[3], Người đã giải thích cho các ông một cách sâu xa những gì Người đã loan báo cho dân chúng[4]; Người đã dạy các ông cầu nguyện[5]; sai các ông đi thực tập truyền giáo[6]; Người đã hứa và rồi đã cử Thánh Thần của Chúa Cha đến để hướng dẫn cho các ông hiểu được toàn bộ chân lý[7] và nâng đỡ các ông trong những lúc khó khăn không thể tránh khỏi[8]. Chúa Giêsu Kitô là “Vị Thầy mạc khải Thiên Chúa cho con người và mạc khải con người cho chính họ, Người là Vị Thầy cứu độ, thánh hóa và hướng dẫn, là Đấng hằng sống, nói năng, đánh động, thúc giục, nâng dậy, phán xét, tha thứ, hằng ngày cùng đi với chúng ta trên con đường lịch sử. Vị Thầy đang đến và sẽ đến trong vinh quang”[9]. Nơi Đức Giêsu, là Chúa và là Thầy, Hội Thánh tìm được ân sủng siêu việt, sự linh ứng thường xuyên, khuôn mẫu có sức thuyết phục để thông truyền đức tin.

Ý nghĩa và mục đích của phần này

138.     Nơi trường học của Thầy Giêsu, với tư cách là người có trách nhiệm, giáo lý viên liên kết chặt chẽ sinh hoạt của mình với tác động huyền nhiệm của ơn thánh Chúa. Vì thế, việc dạy giáo lý là việc thực thi “chính khoa  sư  phạm đức tin”[10].
Việc loan truyền Tin Mừng qua Hội Thánh, trước hết và luôn luôn vẫn là công trình của Chúa Thánh Thần, đồng thời tìm được trong Mạc Khải chứng tá và chuẩn mực căn bản (Chương I).
Nhưng Chúa Thánh Thần lại sử dụng những con người lãnh nhận sứ mạng loan báo Tin Mừng mà những khả năng và kinh nghiệm nhân loại của họ đã góp phần vào khoa sư phạm đức tin.
Từ đó, nảy sinh một loạt những vấn đề đã được nghiên cứu sâu rộng trong lịch sử của việc dạy giáo lý liên quan đến hoạt động giáo lý, nguồn mạch, phương pháp, người đón nhận và tiến trình hội nhập văn hóa.
Chương II không có tham vọng đề ra một trình thuật đầy đủ về sư phạm đức tin mà chỉ bàn đến những điểm ngày nay được coi là đặc biệt quan trọng cho toàn thể Hội Thánh. Sẽ có những sách Hướng dẫn, những phương tiện làm việc khác nhau của từng Giáo Hội địa phương để đáp ứng một cách thích hợp những vấn đề chuyên biệt.
CHƯƠNG I

Sư phạm của Thiên Chúa,
nguồn gốc và khuôn mẫu của sư phạm đức tin[11]

Sư phạm của Thiên Chúa

139.     “Thiên Chúa đối xử với anh em như với những người con. Thực vậy, có đứa con nào mà người cha không sửa phạt ?” (Dt 12,7). Trong lịch sử, sự cứu rỗi con người, mục tiêu của Mạc Khải, cũng là hoa trái “khoa sư phạm của Thiên Chúa”, vừa độc đáo vừa hữu hiệu. Nói theo kiểu tương tự với những cách sử dụng của con người và tùy theo những chủng loại văn hoá của thời đại, Thiên Chúa được trình bày trong Thánh Kinh như một người Cha nhân từ, một vị thầy, một bậc thánh hiền[12]đón nhận con người - cá nhân và tập thể - trong điều kiện họ sinh sống, giải thoát họ khỏi những xiềng xích của sự dữ, lôi kéo họ về với mình bằng mối dây tình yêu, kiên nhẫn làm cho họ lớn dần cho đến khi họ đạt tới sự trưởng thành của người con tự do, trung thành và tuân giữ lời Ngài. Trong mục đích ấy, với tư cách nhà giáo dục tài ba và sáng suốt, Thiên Chúa biến đổi những thăng trầm của đời sống dân Ngài thành những bài học khôn ngoan thích nghi với những lứa tuổi và những hoàn cảnh sống khác nhau [13]. Ngài để lại cho họ những lời giáo huấn và giáo lý  được truyền đạt từ thế hệ này qua thế hệ khác[14], Ngài khích lệ bằng cách đưa ra phần thưởng và hình phạt, Ngài đem lại cho những thử thách và ngay cả những đau khổ một đặc tính giáo dục[15]. Nhiệm vụ của giáo lý viên là thực sự làm cho Thiên Chúa gặp gỡ con người, biến mối liên hệ của con người với Thiên Chúa thành một mối liên hệ chính yếu và cá nhân, để cho Ngài hướng dẫn.

Sư phạm của Đức Kitô

140.     Khi đến thời gian viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con của Ngài, là Chúa Giêsu Kitô, đến với loài người. Người đã đem lại cho thế gian hồng ân cứu độ, đang khi hoàn tất sứ mệnh cứu thế của Người trong một quá trình tiếp nối “khoa sư phạm của Thiên Chúa” với sự hoàn thiện và hữu hiệu của sự mới mẻ ngôi vị mình. Qua những lời nói, những dấu chỉ, những công trình của Người, suốt một đời tuy ngắn ngủi nhưng mãnh liệt, các môn đệ đã kinh nghiệm trực tiếp tất cả những gì là những nét căn bản « khoa sư phạm của Chúa Giêsu » và sau đó đã cho biết trong những sách Tin Mừng: sự đón nhận người khác, nhất là người nghèo khổ, trẻ nhỏ, người tội lỗi, như một con người mà Thiên Chúa hằng yêu thương và tìm kiếm; sự loan báo rõ ràng về Vương Quốc Thiên Chúa như tin vui về chân lý và về sự an ủi của Chúa Cha: một cách thức yêu thương, vừa tế nhị vừa mạnh mẽ, để giải thoát con người khỏi sự dữ và nâng đỡ cuộc đời họ; lời mời gọi khẩn cấp cho một nếp sống được nâng đỡ bởi niềm tin vào Thiên Chúa, bởi lòng cậy trông vào Nước trời và tình yêu thương đối với tha nhân; việc sử dụng mọi nguồn hiệp thông giữa con người, như lời nói, sự im lặng, ẩn dụ, hình ảnh, gương mẫu, biết bao nhiêu dấu chỉ khác nhau, như các tiên tri trong Thánh Kinh đã làm. Khi kêu gọi các môn đệ bước theo mình một cách trọn vẹn và không hối tiếc[16], Đức Kitô đã trao lại cho các ông khoa sư phạm đức tin của Người như dấu chỉ chia sẻ toàn bộ sự nghiệp và định mệnh của Người.
Sư phạm của Hội Thánh
141.     Ngay từ cội nguồn, Hội Thánh ở “trong Đức Kitô như một bí tích”[17]đã sống sứ mệnh của mình như sự tiếp nối vừa hữu hình vừa hiện đại khoa sư phạm của Chúa Cha và Chúa Con. “Với tư cách là Mẹ chúng ta, Hội Thánh cũng là nhà giáo dục đức tin của chúng ta”[18].
Vì những lý do sâu xa ấy mà cộng đoàn Kitô giáo tự bản chất đã là một trường dạy giáo lý sống động. Chính vì thế, cộng đoàn Kitô giáo vẫn loan báo, cử hành, hoạt động và mãi mãi là môi trường trọng yếu, cần thiết và đầu tiên của việc dạy giáo lý.
Qua bao thế kỷ, Hội Thánh đã tạo nên một kho tàng vô song về sư phạm đức tin: Trước hết là chứng tá của các anh chị giáo lý viên thánh thiện. Ngoài ra còn có những phương thế và những hình thức độc đáo khác nhau để thông truyền tôn giáo như thời kỳ dự tòng, những sách giáo lý, những hành trình của đời sống Kitô giáo; một sản nghiệp quí báu về huấn giáo, về văn hóa đức tin, những học viện và những trợ giúp cho việc dạy giáo lý. Tất cả đã làm nên lịch sử việc dạy giáo lý và dĩ nhiên sẽ còn mãi trong ký ức của cộng đoàn và trong việc thực hành của giáo lý viên.
Sư phạm thần linh, hoạt động của Chúa Thánh Thần trong mỗi Kitô hữu
142.     “Hạnh phúc thay kẻ được Ngài giáo huấn, được Ngài lấy luật mà dạy dỗ bảo ban.” (Tv 94,12). Qua trường học Lời Chúa được đón nhận trong Hội Thánh, nhờ ơn huệ Chúa Thánh Thần được Đức Kitô sai đến, người môn đệ lớn lên như Thầy mình “về khôn ngoan, về tuổi tác và về ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (Lc 2,52) và họ làm tăng trưởng nơi mình “sự giáo dục thần linh” được tiếp nhận qua việc dạy giáo lý và qua những nguồn khoa học và kinh nghiệm[19]. Như vậy, nhờ luôn biết rõ hơn mầu nhiệm cứu độ, nhờ học tập tôn thờ Thiên Chúa là Cha và “nhờ sống trong chân lý theo đức ái”, người môn đệ cố gắng “lớn lên về mọi phương diện vươn tới Đức Kitô, vì Người là Đầu”. (Ep 4,15).
Sư phạm của Thiên Chúa có thể được coi như đã hoàn tất khi người môn đệ đạt tới “tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô” (Ep 4,13). Do đó, không thể làm những thầy dạy và những nhà sư phạm đức tin cho người khác mà lại không phải là những môn đệ xác tín và trung thành của Đức Kitô trong Hội Thánh của Người.

Sư phạm thần linh và việc dạy giáo lý
143.     Việc dạy giáo lý, hiểu như là sự thông truyền mạc khải thần linh, phải triệt để phỏng theo khoa sư phạm của Thiên Chúa, đúng như đã được biểu lộ trong Đức Kitô và trong Hội Thánh; đón nhận từ đó những đặc tính cấu tạo và cũng từ đó nhờ Chúa Thánh Thần hướng dẫn, việc dạy giáo lý thực hiện một sự tổng hợp khôn ngoan giúp cho có một kinh nghiệm đích thực về đức tin, một sự gặp gỡ thân tình với Thiên Chúa. Theo cách ấy việc dạy giáo lý:
- là một thứ sư phạm gắn liền và phục vụ cho “cuộc đối thoại về ơn cứu độ” giữa Thiên Chúa và con người, bằng cách nhấn mạnh như là mục tiêu phổ quát của ơn cứu độ; đối với Thiên Chúa, nó nhấn mạnh đến sáng kiến thần linh, động lực tình thương, tính cách nhưng không, việc Ngài tôn trọng sự tự do; đối với con người, nó làm sáng tỏ giá trị của hồng ân đã lãnh nhận và đòi hỏi phải lớn lên mãi trong hồng ân này[20];
- chấp nhận nguyên lý tiệm tiến của Mạc Khải, sự siêu việt và mầu nhiệm của Lời Chúa, kể cả khả năng thích nghi với những con người và những nền văn hóa khác nhau;
- nhận biết vị trí trung tâm của Chúa Giêsu Kitô, Lời của Thiên Chúa đã làm người; tính trung tâm đó làm cho việc dạy giáo lý trở thành “một thứ sư phạm của mầu nhiệm Nhập Thể”; vì thế Tin Mừng vẫn luôn được đề ra cho cuộc sống và trong cuộc sống của mọi người;
- làm tăng giá trị kinh nghiệm cộng đồng đức tin, riêng cho Dân Chúa và cho Hội Thánh;
- bén rễ sâu vào mối tương quan liên vị và chú trọng đến tiến trình đối thoại;
- phải trở thành khoa sư phạm về dấu chỉ, trong đó bao gồm các biến cố và lời nói, giáo huấn và kinh nghiệm[21].
- vì tình yêu Thiên Chúa là lý do tối hậu của việc Ngài mạc khải, nên việc dạy giáo lý phải kín múc trong tình yêu thần linh vô tận là Thánh Thần, sức mạnh chân lý và sự kiên trì dấn thân để làm chứng tá cho tình yêu[22].
Như thế việc dạy giáo lý được trình bày như một tiến trình, một đường nẻo, một dấn bước theo Đức Kitô của Tin Mừng, trong Thánh Thần, đến với Chúa Cha, đạt tới sự trưởng thành Đức tin “tùy theo mức độ ơn sủng Đức Kitô ban cho“ (Ep 4,7), cũng như đạt tới những khả năng và những nhu cầu của mỗi người.
Sư phạm độc đáo của đức tin[23]
144.     Như vậy việc dạy giáo lý là một thứ sư phạm bằng hành động của đức tin khi chu toàn những nhiệm vụ ấy, không được phép để cho những tư tưởng của ý thức hệ hoặc của những lợi nhuận thuần tuý phàm tục đưa đẩy[24]; việc dạy giáo lý cũng không được lẫn lộn hành động cứu độ của Thiên Chúa, là ân sủng thuần túy, với hoạt động sư phạm của con người; tuy nhiên nó không chống lại và cũng không tách biệt chúng. Chính cuộc đối thoại mà Thiên Chúa thiết lập một cách đầy yêu thương với mỗi người, trở thành nguồn cảm hứng và mẫu mực cho việc dạy giáo lý; từ cuộc đối thoại ấy, việc dạy giáo lý phải trở thành “tiếng vang” không ngừng, bằng cách luôn tìm kiếm cuộc đối thoại với mọi người theo những chỉ dẫn quan trọng của Huấn Quyền Hội Thánh[25].
Có những mục tiêu rõ ràng khơi nguồn cảm hứng cho những chọn lựa về phương pháp:
- đề cao một sự tổng hợp tiệm tiến và chặt chẽ của việc liên kết toàn diện con người với Thiên Chúa (fides qua) và những nội dung sứ điệp Kitô giáo (fides quae);
- phát huy mọi chiều kích đức tin, làm thế nào để trở thành một đức tin được nhận biết, được cử hành, được sống và được cầu nguyện[26];
- khuyến khích con người phó dâng “một cách trọn vẹn và tự do” cho Thiên Chúa[27]: trí khôn, ý muốn, con tim, ký ức;
- giúp con người nhận ra ơn gọi Chúa dành cho họ.
Như vậy, việc dạy giáo lý hoàn tất một công trình gồm cả khai tâm, giáo dục và giáo huấn.
Trung thành với Thiên Chúa và trung thành với con người[28]
145.     Chúa Giêsu Kitô là mối tương quan sống động và hoàn hảo của Thiên Chúa với con người và của con người với Thiên Chúa. Sư phạm đức tin nhận lãnh từ Người “một lề luật căn bản cho tất cả đời sống Hội Thánh” và cũng cho việc dạy giáo lý nữa: “luật trung thành với Thiên Chúa và trung thành với con người trong cùng một thái độ yêu thương”[29].
Do đó, việc dạy giáo lý được coi là đích thực, khi giúp nhận ra tác động của Thiên Chúa trong suốt chặng đường đào luyện bằng cách tạo nên một bầu khí lắng nghe, tạ ơn và cầu nguyện[30], bằng cách thôi thúc con người đáp trả một cách tự do, bằng cách khuyến khích những người học giáo lý tích cực tham gia.

“Sự hạ cố của Thiên Chúa”[31], trường dạy con người
146.     Vì muốn nói với con người như với những người bạn[32], nên Thiên Chúa đặc biệt biểu lộ sư phạm của mình bằng cách ân cần thích nghi ngôn ngữ của Ngài cho phù hợp với điều kiện trần thế của chúng ta[33].
Đối với việc dạy giáo lý, điều đó bao gồm nhiệm vụ tìm kiếm không ngừng thứ ngôn ngữ khả dĩ thông truyền Lời Chúa và Kinh Tin Kính của Hội Thánh - kinh triển khai Lời Chúa - cho những hoàn cảnh khác nhau của người nghe[34], đồng thời chắc chắn rằng với ơn Chúa nhiệm vụ đó có thể thực hiện được và Chúa Thánh Thần ban niềm vui để làm việc ấy.
Vì thế, những chỉ dẫn sư phạm thích hợp cho việc dạy giáo lý là những chỉ dẫn giúp thông truyền toàn bộ Lời Thiên Chúa vào giữa lòng cuộc sống của con người[35].

Rao giảng Tin Mừng bằng giáo dục và giáo dục bằng Rao giảng Tin Mừng[36]
147.     Bằng cách không ngừng khơi nguồn từ sư phạm đức tin, giáo lý viên làm cho việc phục vụ của mình trở thành một đường lối giáo dục có phẩm chất; một đàng, họ giúp con người mở ra với chiều kích tôn giáo của đời sống, đàng khác, một cách nào đó họ giới thiệu Tin Mừng, để rồi Tin Mừng thấm nhiễm và biến đổi những thái độ của trí tuệ, lương tâm, tự do, hành động của con người, làm cho cuộc đời trở thành một hiến thân, theo gương Chúa Giêsu Kitô.Với mục đích ấy, giáo lý viên cũng cần đến những khoa về giáo dục, phù hợp với tinh thần Kitô giáo.





[1]x. Ga 15,15, Mc 9,33-37; 10,41-45.
[2]x. CT 9.
[3]x. Mc 8,14-21,27.
[4]x. Mc 4,34; Lc 12,41.
[5]x. Lc 11,1-2.
[6]x. Lc 10,1-20.
[7]x. Ga 16,13.
[8]x. Mt 10,20; Ga 15,26 ; Lc 4,31.
[9]CT 9.
[10]CT 58.
[11]DV 15; DGC (1971) 33; CT 58; ChL 61; CEC 53, 122, 684, 708, 1145, 1609, 1950, 1964
[12]x. Dt 8,5; Os 11,3-4; Pr 3,11-12.
[13]x. Dt 3,36-40; 11,2-7.
[14]x. Xh 12,25-27; Dt 6,4-8; 6,20-25; 31,12-13; Gs 4,21-24.
[15]x. Am 4,6; Os 7,10; Gr 2,30; Cn 3,11-12; Hc 12,4-11; Cv 3,19.
[16]x. Mc 8,34-38; Mt 8,18-22.
[17]LG 1.
[18]CEC 169; x. GE 3c.
[19]x. GE 4.
[20]x. ES 65-71.
[21]x. DV 2.
[22]x. RM 15; CEC 24b-25; DGC (1971) 10.
[23]x. MPD 11; CT 58.
[24]x. CT 52.
[25]x. PHAOLO VI, thông điệp Hội Thánh của mình. l. c 609-659.
[26]x. MPD 7-11; CEC 3; 13; DGC (1971) 36.
[27]DV 5.
[28]x. MPD 7; CT 55; DGC (1971) 4.
[29]CT 55.
[30]x. DGC (1971) 10 và 22.
[31]DV 13; CEC 864.
[32]x. DV2
[33]x. DV 13.
[34]x. EN 63; CT 59.
[35]x. CT 31.
[36]x. GE 1-4; CT 58.