• Trang chủ

UBGLĐT-HĐGMVN - HDTQ VD GIÁO LÝ -PHẦN IV-Chương2


HƯỚNG DẪN TỔNG QUÁT VIỆC DẠY GIÁO LÝ - CHƯƠNG II: Huấn luyện để phục vụ cho huấn giáo (15/11/11, 8:34 am)
 
Mục vụ cho các giáo lý viên trong Giáo Hội địa phương
 
233.     Để thừa tác vụ dạy Giáo Lý trong Giáo Hội địa phương được hoạt động tốt, xác định một mục vụ thích hợp dành cho giáo lý viên là điều vô cùng quan trọng.  Trong mục vụ này, cần lưu ý đến nhiều khía cạnh khác nhau. Đặc biệt là phải cố gắng thực hiện những việc sau đây:
- Thúc đẩy trong các giáo xứ và cộng đoàn tín hữu những ơn gọi cho việc huấn giáo. Hiện nay, trong khi các nhu cầu về huấn giáo ngày càng đa dạng, cần phải cổ võ nhiều mẫu giáo lý viên khác nhau. “ Những giáo lý viên chuyên biệt rất cần thiết”[1].  Về vấn đề này cần xác định những tiêu chuẩn chọn lựa.
- Đảm bảo một số lượng giáo lý viên trọn thời gian cống hiến trọn vẹn và thường xuyên hơn cho việc dạy giáo lý[2], để hỗ trợ cho các giáo lý viên bán thời gian thường là đông hơn cả.
- Thiết lập một sự phân bổ các giáo lý viên cân bằng hơn cho các đối tượng học giáo lý. Chẳng hạn như ý thức về sự cần thiết của một huấn giáo dành cho giới trẻ và người trưởng thành sẽ dẫn đến việc bố trí số giáo lý viên đông hơn so với số giáo lý viên dành cho trẻ em và thiếu niên.
- Khuyến khích những linh họat viên phụ trách hoạt động giáo lý đang đảm nhận những trách nhiệm ở cấp giáo phận, giáo hạt và giáo xứ [3].
- Tổ chức cách thích hợp việc huấn luyện giáo lý viên, huấn luyện cơ bản cũng như thường huấn.
 - Cần chú ý về mặt nhân bản và thiêng liêng của các giáo lý viên cũng như các nhóm giáo lý viên đúng nghĩa. Nhiệm vụ này chính yếu thuộc thẩm quyền của các linh mục, trong các cộng đoàn Kitô hữu riêng biệt.
- Kết hợp các giáo lý viên với những nhân viên khác trong công tác mục vụ nơi các cộng đoàn Kitô hữu nhằm thực hiện hoạt động loan báo Tin mừng hòa hợp và để cho nhóm giáo lý viên không bị cô lập cũng như ở bên lề đời sống cộng đoàn.
 
Tầm quan trọng của việc đào tạo các giáo lý viên
234.     Tất cả những nhiệm vụ trên là do xác tín rằng bất cứ hoạt động mục vụ nào cũng có thể làm tổn hại đến phẩm chất công việc, nếu không tận hưởng được sự cộng tác của những người thực sự được đào tạo và chuẩn bị. Ngay những phương tiện làm việc cũng sẽ vô ích, nếu không được sử dụng bởi những giáo lý viên được đào tạo kỹ càng.  Vì vậy, việc đào tạo thích hợp cho các giáo lý viên cần để ý đến việc đổi mới các tài liệu huấn luyện hay một tổ chức huấn giáo tốt hơn[4].
Vì thế mục vụ giáo phận phải dành ưu tiên tuyệt đối cho việc đào tạo giáo lý viên giáo dân.  Đồng thời - như là yếu tố thực sự quyết định - phải chú trọng đến việc đào tạo huấn giáo cho các linh mục, ngay trong chương trình học tại chủng viện cũng như trong các khóa thường huấn. Các Giám mục phải làm thế nào để việc đào tạo này được thực hiện cách nghiêm túc.
 
Mục đích và bản chất của việc đào tạo các giáo lý viên
235.     Việc đào tạo nhằm giúp các giáo lý viên có khả năng truyền đạt Tin Mừng cho những ai ước ao hiến thân cho Chúa Giêsu Kitô. Vì thế, cứu cánh của việc đào tạo đòi buộc các giáo lý viên phải có khả năng thông truyền: “Mục đích chủ yếu của việc đào tạo huấn giáo là khả năng thông truyền sứ điệp Kitô giáo”[5].
Cứu cánh quy Kitô của huấn giáo, nhằm tạo điều kiện cho người trở lại hiệp thông với Chúa Giêsu Kitô, ghi đậm dấu ấn trên toàn bộ việc đào tạo các giáo lý viên.[6]  Thực vậy, việc đào tạo này chỉ nhằm giúp các giáo lý viên biết cách linh hoạt hữu hiệu một hành trình huấn giáo trong đó, xuyên qua các giai đoạn cần thiết, họ loan báo Chúa Giêsu Kitô, họ dạy cho biết đời sống của Người, bằng cách đặt đời sống ấy trong toàn bộ lịch sử ơn Cứu độ; giải thích mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người để cứu độ chúng ta; và cuối cùng giúp người dự tòng hay học viên giáo lý trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu Kitô qua các bí tích khai tâm[7].  Trong các khóa thường huấn, giáo lý viên chỉ cần đào sâu những phương diện căn bản này. 
Nhãn quan Kitô học này ảnh hưởng trực tiếp đến căn tính của người giáo lý viên và việc huấn luyện của họ. “Sự thống nhất và hòa điệu nơi người giáo lý viên phải được xem xét trong một nhãn quan qui Kitô và được xây dựng trong một sự thân tình sâu xa với Đức Kitô và với Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần”[8].

236.     Việc đào tạo nhằm làm cho giáo lý viên có khả năng truyền đạt Tin Mừng nhân danh Hội Thánh, do chính điều này, việc đào tạo mang bản chất Hội Thánh.  Việc đào tạo không là gì khác ngoài sự giúp đỡ để họ có cùng một ý thức sống động và thiết thực về Tin Mừng như Hội Thánh, vì vậy họ có thể truyền đạt Tin Mừng nhân danh Hội Thánh.
Nói một cách cụ thể hơn, khi được đào tạo, người giáo lý viên hiệp thông với ý muốn của Hội Thánh. Hội Thánh như vị hôn thê, “bảo tồn toàn vẹn và tinh tuyền đức tin đã nhận được của Phu Quân”[9]và, như là “mẹ và thầy”, Hội Thánh muốn truyền đạt Tin Mừng với tất cả sự xác thực tự thân, khi thích nghi Tin Mừng vào các nền văn hóa, tuổi tác và hoàn cảnh.  Bản chất Hội Thánh của việc truyền đạt Tin Mừng phải thấm nhập toàn bộ công cuộc đào tạo giáo lý viên.

Những tiêu chuẩn đào tạo giáo lý viên
237.     Để quan niệm đúng về việc đào tạo các giáo lý viên, cần phải quan tâm trước tiên đến một số tiêu chuẩn sẽ chi phối sự đào tạo đó, với những lưu ý khác nhau:
- Trước hết, việc đào tạo các giáo lý viên là để đáp ứng những nhu cầu của việc Phúc Âm hóa cho thời đại hôm nay, cùng với những giá trị, những thách đố và những bóng tối của nó. Để thực hiện nhiệm vụ này, các giáo lý viên phải có một đức tin sâu xa[10], một căn tính Kitô hữu và Hội Thánh rõ ràng[11], và một sự nhạy cảm cao về xã hội[12].  Mọi chương trình đào tạo giáo lý viên phải quan tâm đến những phương diện này.
- Trong việc đào tạo, cũng cần phải quan tâm đến ý niệm huấn giáo mà ngày nay Hội Thánh đang bảo vệ.  Đó là đào tạo các giáo lý viên để họ đạt được không những khả năng giảng dạy, mà còn có khả năng đào tạo Kitô hữu toàn diện, nhờ việc thăng tiến “những nhiệm vụ khai tâm, giáo dục và giảng dạy”[13].  Nói cách khác, các giáo lý viên vừa là thầy, là nhà giáo dục và là chứng tá.
- Thời điểm huấn giáo mà Hội Thánh đang sống là một lời mời gọi phải chuẩn bị những giáo lý viên có khả năng vượt thắng những “khuynh hướng đơn phương bất đồng”[14], cung cấp một huấn giáo đầy đủ và trọn vẹn.  Họ biết kết hợp chiều kích chân lý với chiều kích mang ý nghĩa đức tin, sự chính xác về giáo thuyết với sự chính xác về hành động, ý nghĩa Hội Thánh với ý nghĩa xã hội.  Việc đào tạo phải góp sức cho những cặp yếu tố này, có thể chịu đựng những căng thẳng, làm phong phú lẫn nhau.
- Việc đào tạo giáo lý viên giáo dân không được bỏ qua tính cách đặc thù của người giáo dân trong Hội Thánh, và cũng đừng quan niệm như một tổng hợp thuần túy của việc đào tạo vốn dành cho các tu sĩ hay linh mục.  Trái lại phải nhớ rằng “việc đào tạo tông đồ của họ mang một đặc điểm về tính cách thế tục riêng biệt cho giáo dân, cũng như hình thức đời sống thiêng liêng của họ ” (AA 29a).
- Cuối cùng, sư phạm áp dụng cho việc đào tạo này có một tầm quan trọng căn bản. Như tiêu chuẩn chung, cần phải nhấn mạnh đến sự cần thiết về tính nhất quán giữa sư phạm tổng quát của việc đào tạo giáo lý viên và sư phạm riêng biệt cho một tiến trình huấn giáo. Trong khi hành động, giáo lý viên sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc ứng tác một kiểu dạy và một nhạy cảm mà mình không hề được thụ giáo trong quá trình đào tạo.
 
Những chiều kích đào tạo:  Con người, sự hiểu biết và sự thành thạo
238.     Việc đào tạo các giáo lý viên mang nhiều chiều kích. Chiều kích sâu xa nhất liên quan đến con người của giáo lý viên, là chiều kích nhân bản và Kitô giáo.  Vì vậy, việc đào tạo phải giúp họ trưởng thành, trước hết, phải là con người, là tín hữu và là tông đồ.  Kế đến, có những điều mà giáo lý viên phải hiểu biết để chu toàn tốt trách nhiệm của mình. Chiều kích này được biểu lộ bởi sự trung thành với sứ điệp và với bản thân con người, đòi hỏi giáo lý viên vừa phải hiểu biết rõ sứ điệp mà mình truyền đạt, vừa phải biết rõ con người đang chuẩn bị đón nhận sứ điệp đó cũng như bối cảnh xã hội mà họ đang sống. Cuối cùng còn có chiều kích nữa là sự chuyên nghiệp, vì việc huấn giáo là một hành động truyền thông. Việc đào tạo nhằm làm cho giáo lý viên “thành nhà giáo dục về con người và về đời sống con người”[15].
 
Sự trưởng thành nhân bản, Kitô giáo, và tông đồ của các giáo lý viên.
239.     Xuất phát từ sự trưởng thành nhân bản ban đầu[16], việc thực hành huấn giáo, không ngừng được xét lại và đánh giá, giúp giáo lý viên tăng trưởng trong sự quân bình về tình cảm, óc phán đoán, thống nhất nội tâm,  khả năng giao tiếp và đối thọai, tinh thần xây dựng, và làm việc theo nhóm[17]. Trước hết giáo lý viên sẽ tìm cách phát triển những phẩm tính này vì tôn trọng và yêu mến anh chị em dự tòng và những học viên giáo lý. “Tình yêu này là gì? Hơn cả tình yêu của một nhà giáo, đó là tình yêu của một người cha và còn hơn thế nữa là tình yêu của một người mẹ.  Chính Đức Kitô mong đợi nơi mỗi người rao giảng Tin Mừng, nơi mỗi người thợ xây dựng Hội Thánh thứ tình yêu này”[18].
Đồng thời việc đào tạo cũng phải liệu sao cho việc thực hành huấn giáo nuôi dưỡng đức tin của giáo lý viên khi làm cho họ lớn lên như người tín hữu. Tiên vàn, việc đào tạo đích thực cũng phải nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của giáo lý viên[19]để họat động của họ thực sự bắt nguồn từ chứng tá đời sống của họ.  Mỗi đề tài mà giáo lý viên giảng dạy, trước hết phải nuôi dưỡng đức tin cho chính họ.  Người ta dạy giáo lý cho người khác bằng cách trước tiên dạy giáo lý cho chính mình.
Để kết thúc, việc đào tạo phải thường xuyên nuôi dưỡng ý thức tông đồ, tinh thần rao giảng Tin Mừng của giáo lý viên. Như thế, họ phải biết và sống theo chương trình cụ thể về việc Phúc Âm hóa của Hội Thánh trong giáo phận và theo chương trình của giáo xứ mình, để cùng hòa hợp với ý thức về sứ mạng riêng của Giáo Hội địa phương. Cách tốt nhất để nuôi dưỡng sự trong sáng tông đồ này là đồng hóa với Chúa Giêsu Kitô, là thầy và là nhà đào tạo các môn đệ, bằng cách làm cho mình có cùng lòng nhiệt thành mà Người đã biểu lộ đối với Nước Thiên Chúa.  Nhờ việc thực hành huấn giáo, ơn gọi tông đồ của giáo lý viên, vốn được nâng đỡ bằng những khóa thường huấn, sẽ dần dần trưởng thành.
 
Việc đào tạo Thánh Kinh và Thần Học cho giáo lý viên
240.     Giáo lý viên không những phải là một chứng nhân mà còn là một thầy dạy đức tin.  Sự đào tạo về Kinh Thánh và thần học giúp giáo lý viên có được kiến thức cơ bản về sứ điệp Kitô giáo, được nối kết chung quanh mầu nhiệm trung tâm của đức tin, đó là Chúa Giêsu Kitô.
Việc đào tạo giáo thuyết phải chứa đựng tất cả các phần của một chương trình huấn giáo cơ bản:
- Ba giai đoạn lớn của lịch sử Cứu độ: Cựu Ước, cuộc đời Chúa Giêsu Kitô và lịch sử Giáo Hội.
- Những cốt lõi quan trọng của sứ điệp Kitô giáo là: Kinh Tin kính, Phụng vụ, đời sống luân lý, và cầu nguyện.
Ở mức độ giảng dạy thần học, nội dung việc đào tạo giáo thuyết cho một giáo lý viên cũng chính là nội dung mà việc huấn giáo phải truyền đạt.  Còn về Thánh Kinh, phải là như “linh hồn cho việc đào tạo” này[20]Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo sẽ là điểm qui chiếu nền tảng về giáo thuyết, đồng thời với các sách giáo lý của Giáo Hội địa phương.

241.     Việc đào tạo về Thánh Kinh và thần học này phải mang tính chất như sau:
a) Trước hết, phải có tính cách tổng hợp của sứ điệp được truyền đạt, trong đó những yếu tố khác nhau của đức tin Kitô giáo được trình bày với cấu trúc chặt chẽ và hòa điệu với nhau, trong một cái nhìn có hệ thống, tôn trọng “phẩm trật các chân lý.”
b) Bản tổng hợp đức tin này phải làm thế nào giúp giáo lý viên trưởng thành trong đức tin, đồng thời làm cho họ có đủ khả năng lý giải niềm hy vọng trong thời gian thi hành sứ vụ: “Việc đào tạo giáo thuyết cho người giáo hữu hiện nay cho thấy ngày càng trở nên khẩn thiết hơn, không chỉ do sự năng động tự nhiên của việc đào sâu đức tin, mà còn do sự cần thiết phải lý giải về niềm hy vọng đang đối đầu với thế giới và các vấn đề nghiêm trọng và phức tạp của nó ”[21].
c) Việc đào tạo thần học này phải thật gần gũi với kinh nghiệm của con người, có khả năng liên kết những phương diện khác nhau của sứ điệp Kitô với đời sống cụ thể của họ,“ để soi dẫn và phê phán nó, dưới ánh sáng Tin Mừng”[22]. Tuy vẫn là một giảng dạy thần học, sự đào tạo ấy, một cách nào đó, vẫn phải mang phong cách giáo lý.
d) Cuối cùng, việc đào tạo này phải làm thế nào cho giáo lý viên “không chỉ có thể truyền đạt sứ điệp Tin Mừng một cách chính xác, mà còn có khả năng đón nhận sứ điệp ấy một cách tích cực; giáo lý viên cũng có thể phân định trong lộ trình thiêng liêng của các học viên điều gì phù hợp với đức tin”[23].
 
Các khoa nhân văn trong việc đào tạo giáo lý viên.
242.     Giáo lý viên học biết con người và thực tại họ đang sống bằng cách sử dụng chính các khoa nhân văn mà ngày nay chúng kết thành một điểm phát triển đặc biệt. “Chớ gì trong mục vụ, người ta có được một sự hiểu biết đầy đủ không những các nguyên tắc thần học, mà còn cả những khám phá của khoa học phần đời, nhất là khoa tâm lý và xã hội và đem ra thực hành: như vậy, các tín hữu, đến lượt mình, cũng sẽ được dẫn tới một đức tin tinh ròng và trưởng thành nhất”[24].
Vì thế, giáo lý viên cần được tiếp xúc ít là một số khái niệm căn bản về tâm lý học: sự năng động tâm lý của con người; cấu trúc của nhân cách; các nhu cầu và những ước muốn sâu xa nhất của lòng người; tâm lý tiến hóa và các giai đoạn của chu kỳ sự sống con người; tâm lý tôn giáo và những kinh nghiệm khai mở con người vào mầu nhiệm thần linh.
Các khoa xã hội giúp nhận biết bối cảnh văn hóa- xã hội, trong đó con người sống và chịu ảnh hưởng mạnh mẽ. Vì thế, trong việc đào tạo giáo lý viên “người ta sẽ phân tích các điều kiện xã hội, văn hóa và kinh tế, vì những dữ kiện này của đời sống chung có thể có một ảnh hưởng lớn lao trên sự phát triển của việc rao giảng Tin Mừng ”[25].
Cùng với những khoa đã được Công Đồng Vaticanô II đề ra một cách rõ ràng, còn có những khoa, cách này hay cách khác phải góp phần vào việc đào tạo giáo lý viên, đặc biệt là các khoa về giáo dục và truyền thông.

Vài tiêu chuẩn cho việc sử dụng các khoa nhân văn trong việc đào tạo giáo lý viên.
243.     Những tiêu chuẩn đó là:
a) Tôn trọng sự độc lập của các khoa: “Hội Thánh khẳng định sự độc lập hợp pháp của văn hóa và đặc biệt của các khoa”[26].
b) Sự phân định theo tinh thần Phúc Âm những khuynh hướng khác nhau hay những trường phái tâm lý, xã hội, và sư phạm: các giá trị và giới hạn của chúng.
c) Việc học hỏi về các khoa học nhân văn tự nó không phải là mục đích của việc đào tạo giáo lý viên. Người ta nhận thức về hoàn cảnh hiện sinh, tâm lý, văn hóa và xã hội của con người theo cái nhìn đức tin mà người ta phải hướng dẫn[27].
d) Trong việc đào tạo các giáo lý viên, thần học và các khoa nhân văn phải tác động phong phú lẫn nhau.Vì vậy, không được để cho các khoa này trở nên quy phạm duy nhất cho khoa sư phạm đức tin, mà không quan tâm đến những tiêu chuẩn thần học phát xuất từ chính khoa sư phạm của Thiên Chúa. Đó là những môn học cơ bản, cần thiết, nhưng luôn luôn phải phục vụ cho hoạt động loan báo Tin Mừng vốn không chỉ thuần là hoạt động của con người[28].
 
Việc đào tạo sư phạm
244.     Song song với con người và kiến thức, việc đào tạo giáo lý viên cũng phải bao gồm sự chuyên nghiệp. Giáo lý viên là một nhà giáo dục biết tạo điều kiện thuận lợi cho sự trưởng thành đức tin mà người dự tòng hay học viên giáo lý thực hiện với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần[29].
Điều đầu tiên phải quan tâm trong lãnh vực có tính quyết định này của việc đào tạo là tôn trọng khoa sư phạm nguyên thuỷ của đức tin. Thật vậy, giáo lý viên được chuẩn bị để tạo điều kiện dễ dàng cho sự phát triển một kinh nghiệm đức tin mà họ không phải là người đặt để. Chính Thiên Chúa mới là Đấng đã đặt để đức tin vào lòng con người. Nhiệm vụ của giáo lý viên là tập trung vào việc vun trồng ơn huệ này, dâng hiến, nuôi dưỡng và giúp nó tăng trưởng[30].
Việc đào tạo phải tìm cách phát huy nơi giáo lý viên khả năng giáo dục bao gồm: một khả năng chú ý đến con người, sự khéo léo để giải thích và đáp ứng đòi hỏi của việc giáo dục, óc sáng tạo để khởi động tiến trình học tập và nghệ thuật hướng dẫn một nhóm người tiến tới sự trưởng thành. Cũng như tất cả các nghệ thuật, điều quan trọng nhất là giáo lý viên phải đạt được cách dạy giáo lý riêng cho mình, bằng việc thích ứng những nguyên tắc tổng quát của khoa sư phạm giáo lý với nhân cách riêng của mình[31].

245.     Cụ thể hơn, giáo lý viên, nhất là giáo lý viên hiến trọn thời gian cho việc dạy giáo lý, phải có khả năng lên chương trình hoạt động giáo dục ngay giữa nhóm các giáo lý viên, bằng cách quan tâm đến những hoàn cảnh, soạn thảo một kế hoạch cụ thể, cũng như đánh giá và phê bình sau khi đã thực hiện[32]. Giáo lý viên phải có khả năng linh hoạt một nhóm, bằng cách sử dụng, với sự phân định, những kỹ thuật về linh hoạt nhóm mà khoa tâm lý cống hiến.
Khả năng giáo dục và sự chuyên nghiệp này, cùng với những kiến thức, những thái độ và các kỹ thuật mà chúng bao gồm, “có thể được thấm nhuần tốt hơn nếu chúng được sử dụng trong khi làm việc, chẳng hạn trong những khóa hội thảo mà người ta chuẩn bị và phân tích các bài học giáo lý”[33]
            Lý tưởng là các giáo lý viên trở thành những nghệ nhân của nghề mình, nghĩa là việc đào tạo của họ phải có tính sáng tạo chứ không chỉ là tiếp thu những quy luật bên ngoài. Do đó, việc đào tạo phải rất gần gũi với thực hành: phải đi từ thực hành để đến việc đào tạo[34].
 
Việc đào tạo các giáo lý viên giữa lòng các cộng đoàn Kitô hữu.
246.     Trong những nơi đào tạo giáo lý viên, nơi đầu tiên là cộng đoàn Kitô hữu của họ. Chính trong cộng đoàn này, giáo lý viên có kinh nghiệm về ơn gọi của mình và không ngừng phát triển tinh thần tông đồ. Để bảo đảm cho sự trưởng thành tiệm tiến của một tín hữu và một chứng nhân, thì hình ảnh của vị linh mục giữ một vai trò cơ bản[35]

247.     Một cộng đoàn Kitô hữu có thể thực hiện nhiều kiểu hoạt động đào tạo các giáo lý viên của mình:
a) Một trong các kiểu đó là nuôi dưỡng không ngừng ơn gọi phục vụ Hội Thánh của các giáo lý viên bằng việc duy trì cách sống động ý thức mình được chính Giáo Hội địa phương sai đi.
b) Điều không kém phần quan trọng là phải mang lại cho các giáo lý viên sự trưởng thành đức tin qua con đường bình thường, cũng qua con đường ấy, cộng đoàn Kitô hữu giáo dục những thành viên mục vụ của mình và những giáo dân dấn thân nhất trong đức tin [36].
Khi đức tin của các giáo lý viên chưa đạt đến mức trưởng thành, thì nên khuyên họ tham dự chương trình giáo lý kiểu dự tòng dành cho người trẻ hoặc người trưởng thành. Có thể theo lộ trình bình thường của cộng đoàn hay theo một lộ trình khác dành riêng cho họ.
c) Sự chuẩn bị trực tiếp cho việc dạy giáo lý, do nhóm giáo lý viên thực hiện, là một cách đào tạo tuyệt vời, nhất là khi được kèm theo một sự lượng giá về tất cả những kinh nghiệm đã thực hiện trong những khóa hội thảo về việc dạy giáo lý.
d) Trong khuôn khổ cộng đoàn, có thể có những hoạt động đào tạo khác: các khóa linh hoạt cho việc dạy giáo lý, chẳng hạn vào đầu năm mục vụ; các cuộc tĩnh tâm và các buổi gặp gỡ vào những thời điểm quan trọng của năm phụng vụ[37]; các khóa chuyên biệt về những đề tài cần thiết và cấp bách hơn, khóa đào tạo giáo lý hệ thống hơn, ví dụ học về Giáo lý Hội Thánh Công giáo.
Đó là những hoạt động đào tạo thường xuyên với sự làm việc cá nhân của giáo lý viên xem ra rất thích hợp[38].

Những trường dành cho các giáo lý viên và những trung tâm cao cấp dành cho các chuyên viên về huấn giáo.
248.     Việc theo học tại một Trường dành cho giáo lý viên[39]là một giai đoạn quan trọng trong việc đào tạo một giáo lý viên. Ở nhiều nơi, những Trường này được tổ chức ở hai cấp độ: “dành cho các giáo lý viên thông thường”[40]và dành cho những người có “trách nhiệm về huấn giáo”.

Trường dành cho các giáo lý viên thông thường
249.     Các trường này nhắm đào tạo việc dạy giáo lý căn bản, có tổ chức và có hệ thống. Người ta làm nổi bật, trong một thời gian khá dài, những chiều kích huấn giáo đặc trưng hơn của việc đào tạo: sứ điệp Kitô giáo, kiến thức về con người , bối cảnh văn hóa - xã hội và khoa sư phạm đức tin.
Các lợi ích của việc đào tạo này là đáng kể và liên quan đến:
- Phương diện hệ thống, vì đây là thời gian mà việc đào tạo ít tập trung vào hoạt động trực tiếp.
- Chất lượng được bảo đảm bởi các nhà đào tạo chuyên môn;
- Sự tiếp nhận các giáo lý viên thuộc những cộng đoàn khác củng cố sự hiệp thông trong Hội Thánh.

Những trường dành cho các người có trách nhiệm về huấn giáo.
250.     Để giúp cho việc đào tạo những người có trách nhiệm về huấn giáo trong các giáo xứ, giáo hạt hay cho các giáo lý viên hiến trọn đời mình cho huấn giáo cách vững chắc và đầy đủ hơn[41], thì thật hữu ích khi xúc tiến ở cấp giáo phận và liên giáo phận, những trường dành cho các người có trách nhiệm về huấn giáo.
Dĩ nhiên, những trường này đòi hỏi một trình độ cao hơn. Bên cạnh một chương trình căn bản chung, những trường này sẽ dạy những môn chuyên biệt về huấn giáo mà giáo phận xét là cần thiết hơn cho hoàn cảnh riêng của mình.
Để tiết kiệm các phương tiện và nguồn lực, thật là chính đáng nếu những trường này được dành cho cả những người có trách nhiệm về các hoạt động mục vụ khác nhau và trở thành những trung tâm đào tạo nhân sự cho việc mục vụ. Khởi đi từ một sự đào tạo cơ bản chung (giáo lý và nhân bản), những môn học chuyên biệt sẽ được tổ chức chung quanh những đòi hỏi của các hoạt động mục vụ hay tông đồ khác nhau sẽ được trao phó cho họ.

Những trung tâm cao cấp cho các chuyên viên về huấn giáo.
251.     Một cuộc đào tạo huấn giáo cao cấp dành cho chính các linh mục, tu sĩ và giáo dân là một điều quan trọng sống còn cho huấn giáo. Vì thế, người ta nhắc lại nguyện vọng: “duy trì hay thiết lập những học viện cao cấp về mục vụ giáo lý với mục đích chuẩn bị những giáo lý viên có khả năng linh hoạt việc dạy giáo lý trong phạm vi giáo phận hay trong các hoạt động được dành cho các Hội dòng, những học viện cao cấp này có thể ở cấp quốc gia hoặc ngay cả ở cấp quốc tế. Đối với việc học tập, những học viện này phải theo mô hình của các đại học về những gì liên quan đến chu kỳ học, thời gian dành cho các môn học và các điều kiện nhập học”[42].
Ngoài việc đào tạo những người sẽ phải đảm nhận những trách vụ trong việc dạy giáo lý, những học viện này sẽ chuẩn bị các giáo sư về huấn giáo cho các Chủng viện, các Trung tâm đào tạo hay những Trường dành cho các giáo lý viên. Những học viện này cũng phải nâng cao việc nghiên cứu về huấn giáo.
252.     Mức độ đào tạo này rất thích hợp để có được một sự cộng tác hữu hiệu giữa các Giáo Hội: “Đây cũng là nơi mà sự giúp đỡ về vật chất do các Giáo Hội sung túc giúp cho Giáo Hội chị em khác túng thiếu hơn có thể tỏ ra hữu hiệu hơn cả: một Giáo Hội có thể đem lại điều gì tốt đẹp nhất cho Giáo Hội khác nếu không phải là giúp cho Giáo Hội đó tăng trưởng như một Giáo Hội bằng chính sức lực của mình?”[43]. Điều hiển nhiên là sự hợp tác này phải dựa trên sự tôn trọng các hoàn cảnh đặc thù của các Giáo Hội nghèo hơn và trên sự tôn trọng trách nhiệm riêng của họ.
Trong địa hạt giáo phận hay liên giáo phận, phải ý thức sự cần thiết đào tạo nhân sự ở mức độ cao cấp này, như người ta vốn chăm lo làm điều đó với các sinh hoạt khác của Giáo Hội hay đối với việc dạy các môn học khác.


[1]GCM 5.
[2]Công Đồng Vaticano II phân biệt hai loại giáo lý viên: “ Các giáo lý viên hoàn toàn dấn thân “ và “các giáo lý viên phụ tá” (x. AG 17). Sự phân biệt này được lặp lại trong GCM 4, dưới những hạn từ “ giáo lý viên trọn thời gian ” và “ giáo lý viên bán thời gian ”.
[3]x. GCM 5.
[4]x. DGC (1971) 118a.
[5]DGC (1971) 111.
[6]x. CT 5. Bản văn này định nghĩa cứu cánh Qui Kitô của huấn giáo: xác định tính Qui Kitô trong nội dung huấn giáo, trong lời đáp trả của học viên giáo lý, lời xin vâng với Đức Kitô và trong linh đạo giáo lý viên cũng như chương trình đào tạo.
[7]Ở đây chúng tôi lưu ý đến bốn giai đọan của thời kỳ dự tòng trong cái nhìn qui Kitô.
[8]GCM 20.
[9]LG 64.
[10]X. DGC (1971) 114.
[11]X. GCM 7.
[12]X. GCM 13.
[13]DGC (1971) 31.
[14]CT 52 ; x. CT 22.
[15]CT 22d.
[16]x. GCM 21.
[17]Thánh bộ truyền bá đức tin cho các dân tộc, trong Hướng dẫn giáo lý viên (GCM) đã đề ra những phẩm tính nhân bản như sau: dễ tiếp xúc và đối thoại, có khả năng giao tiếp, sẵn sàng hợp tác, sư thận trọng của người hướng dẫn, phán đoán trong sáng, sự hiểu biết và tính thực tế, có khả năng an ủi và đem lại niềm hy vọng (cf. 21).
[18]EN 79.
[19]x. ChL 60.
[20]x. DGC (1971) 112. GCM 23  nhấn mạnh tầm quan trọng hàng đầu của Kinh Thánh trong việc đào tạo các giáo lý viên: “Kinh Thánh phải tiếp tục là đề tài giảng dạy chính và như linh hồn của mọi nghiên cứu thần học. Khi cần thiết, phải tăng cường việc giảng dạy ấy”.
[21]ChL 60c.
[22]CT 22.
[23]DGC (1971) 112.
[24]GS 62b.
[25]DGC (1971) 100.
[26]GS 59.
[27]“Việc dạy các môn khoa học nhân văn, xét theo trương độ và sự đa dạng của các môn học này, đặt ra nhiều vấn đề khó khăn trong chọn lựa và đặt để đúng chỗ. Vấn đề ở đây là đào tạo giáo lý viên chứ không phải đào tạo những chuyên viên tâm lý. Vì thế, quy tắc phải theo là: phân định và chọn lựa điều gì giúp giáo lý viên có được một khả năng truyền thông”, (DCG (1971) 112).
[28]Một văn bản nền tảng cho việc sử dụng các môn khoa học nhân văn trong việc đào tạo giáo lý viên vẫn là lời khuyến cáo này của Công Đồng Vaticanô II trong GS 62: “Bởi vậy các tín hữu phải sống liên kết hết sức chặt chẽ với những người đương thời, và để tâm tìm  hiểu tường tận lối suy tư và cảm nghĩ, theo văn hóa của họ.  Các giáo hữu hãy phối hợp những khám phá về khoa học, về việc giảng dạy, về những khám phá gần đây vào luân lý và tư tưởng đã được diễn tả qua  những tinh hoa văn hóa riêng của họ. Các tín hữu phải phối hợp những kiến thức khoa học và học thuyết mới cũng như những phát minh mới mẻ với nền luân lý và giáo lý Kitô giáo.Nhờ đó, đời sống đạo và tâm hồn chính trực của họ lớn lên song hành với kiến thức khoa học và kỹ thuật mỗi ngày một tiến bộ.Như vậy,họ có thể nhận định và giải thích mọi sự với lối cảm nghĩ hoàn toàn Kitô giáo”.
[29]“Tầm quan trọng của khoa sư phạm được CT 58 nhấn mạnh: “Trong số nhiều khoa học kỳ diệu về con người rất tiến bộ ngày nay, sư phạm chắc chắn là một trong những khoa học quan trọng nhất….Khoa học giáo dục và nghệ thuật giảng dạy không ngừng được xét lại để thích nghi tốt hơn hoặc nhằm một hiệu quả cao hơn”.
[30]x.CT 58.
[31]x. DGC (1971) 113.
[32]Ibid.
[33]DGC (1971) 112..
[34]x. GCM 28.
[35]“Các linh mục và các tu sĩ phải giúp các tín hữu giáo dân trong việc đào tạo họ. Về vấn đề này các Nghị phụ của Thượng Hội Đồng đã kêu gọi các linh mục và các ứng viên lãnh các Chức Thánh phải được chuẩn bị kỹ càng để có khả năng nâng đỡ ơn gọi và sứ mạng của giáo dân” (ChL 61)..
[36]x. ChL 61.
[37]“Người ta cũng mong muốn những sáng kiến của giáo xứ nhằm đẩy mạnh việc đào tạo thiêng liêng của các giáo lý viên, chẳng hạn như các nhóm cầu nguyện, các cuộc gặp gỡ huynh đệ, chia sẻ kinh nghiệm thiêng liêng, linh thao.  Các sáng kiến này không cách ly các giáo lý viên, trái lại giúp họ lớn lên trong linh đạo riêng của họ, và trong sự hiệp thông giữa họ với nhau.” (GCM, 22).
[38]x. DGC (1971) 110.
[39]x. về vấn đề trường học cho các giáo lý viên trong sứ mạng của họ:  AG 17c; RM 73; CIC 785 và GCM 30. Về Giáo Hội nói chung, x. DGC (1971) 109.
[40]Thành ngữ giáo lý viên bình thường được dùng trong DGC (1971) 112c.
[41]x. DGC (1971) 109b.
[42]DGC (1971) 109a.
[43]CT 71a.