• Trang chủ

UBGLĐT-HĐGMVN - HDTQ VD GIÁO LÝ -PHẦN I-Chương2


HƯỚNG DẪN TỔNG QUÁT VIỆC DẠY GIÁO LÝ - CHƯƠNG II: Đó là đức tin của chúng ta, Đó là đức tin của Hội Thánh (18/08/11, 3:44 pm)
“Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính.”(2Tm 3,16).
“Vậy, thưa anh em, anh em hãy đứng vững và nắm giữ các truyền thống chúng tôi đã dạy cho anh em, bằng lời nói hay bằng thư từ.”(2Tx 2,15).
119.     Chương này bàn về nội dung của việc dạy giáo lý như đã trình bày trong những bản tổng hợp đức tin mà Hội Thánh ban hành và đề ra một cách chính thức trong những sách giáo lý.
            Hội Thánh đã luôn có những cách thức trình bày đức tin dưới hình thức ngắn gọn, chứa đựng điều cốt yếu về những gì mà Hội Thánh tin và sống: những bản văn Tân ước, kinh Tin kính hay những bản tuyên xưng đức tin, những công thức Phụng vụ, những kinh nguyện Thánh Thể.  Sau đó, cũng đã cung cấp những cách thức trình bày đức tin sáng tỏ hơn, dưới hình thức tổng hợp có hệ thống, qua những sách giáo lý đã được soạn thảo ở mấy thế kỷ sau tại nhiều Giáo Hội địa phương. Trong cả hai thời điểm lịch sử: thời công đồng Trentô và thời chúng ta, người ta thấy đã đến lúc phải cung cấp một cách trình bày có hệ thống về đức tin bằng một Sách Giáo Lý có tính phổ quát, như điểm tham chiếu cho việc dạy giáo lý trong cả Hội Thánh. Đó là điều mà Đức Gioan Phaolô II đã muốn thực hiện khi công bố Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo  ngày 11-10-1992.
            Chương này cũng nhằm xác định vị trí của các sách giáo lý là những văn bản chính thức của Hội Thánh, trong tương quan với hoạt động giáo lý.
            Trước hết, chúng ta sẽ suy nghĩ về Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo bằng cách thử giải thích vai trò của nó trong toàn bộ việc dạy giáo lý của Hội Thánh. Kế đến, chúng ta sẽ phân tích sự cần thiết phải có những sách giáo lý địa phương mà mục đích của chúng là thích nghi nội dung đức tin vào những hoàn cảnh và những nền văn hoá khác nhau. Chúng ta sẽ đề ra những đường hướng để dễ dàng soạn thảo những sách giáo lý địa phương. Hội Thánh chiêm ngắm sự phong phú của nội dung đức tin đã được trình bày trong những tài liệu mà chính các vị Giám Mục đang đề ra với Dân Chúa, chúng giống như một bản “hoà tấu”[1] biểu thị những gì Hội Thánh tin, cử hành và sống. Và Hội Thánh công bố: “Đó là đức tin của chúng ta, đó là đức tin của Hội Thánh”.
Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáovà cuốnHướng Dẫn Tổng Quát Việc Dạy Giáo Lý.
120.     Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo và cuốn  Hướng dẫn tổng quát việc dạy giáo lý là hai văn bản riêng biệt nhưng bổ sung cho nhau, để phục vụ việc dạy giáo lý của Hội Thánh.
            - Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo là “một bản trình bày đức tin và giáo lý Công Giáo, được minh chứng và soi sáng bởi Thánh Kinh, Thánh Truyền và Huấn Quyền của Hội Thánh”[2].
            - Cuốn Hướng Dẫn Tổng Quát Việc Dạy Giáo Lý là bản đề xuất “những nguyên tắc cơ bản có tính thần học mục vụ, ban hành bởi Huấn Quyền của Hội Thánh, và cách đặc biệt bởi Công Đồng Vaticanô II, cả hai tự bản chất đều nhằm để hướng dẫn và phối hợp cách thích đáng[3] hoạt động giáo lý trong Hội Thánh.
            Hai văn bản này bổ túc cho nhau, mỗi thứ theo thể loại và quyền hạn riêng của mình.
            - Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo là một hành vi Huấn quyền của Đức Giáo Hoàng, qua đó với quyền tông tòa, ngài đã tổng hợp một cách qui phạm cho thời đại chúng ta toàn bộ đức tin Công giáo và ngài đã giới thiệu sách đó, trước hết cho các Giáo Hội, như là  điểm quy chiếu để trình bày một cách chính thống nội dung đức tin.
            - Cuốn Hướng Dẫn Tổng Quát Việc Dạy Giáo Lý đã được Toà Thánh đánh giá như những dụng cụ định hướng khi phê chuẩn và khẳng định như vậy. Đây là một văn bản chính thức cho việc truyền đạt sứ điệp Tin Mừng và cho toàn bộ hoạt động giáo lý.
            Vì là hai văn bản bổ sung cho nhau, cuốn Hướng Dẫn Tổng Quát Việc Dạy Giáo Lý nầy, như đã nói ở phần Lời tựa, không nhằm chia ra từng chương để trình bày những nội dung của đức tin, như sách Hướng dẫn năm 1971 đã làm với tựa đề: “Những yếu tố chính yếu của sứ điệp Kitô giáo[4]. Vì thế, những gì liên quan đến nội dung sứ điệp, cuốn Hướng dẫn Tổng Quát Việc Dạy Giáo Lý qui chiếu vào Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo và được coi như là công cụ có phương pháp để áp dụng cách cụ thể Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo.
            Việc trình bày Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo dưới đây không nhằm tóm tắt hay giải thích văn bản này của Huấn Quyền, nhưng nhằm giúp dễ hiểu và dễ tiếp thu trong việc dạy giáo lý.

SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

Mục đích và bản chất của Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo.
121.     Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo đã chỉ rõ mục đích theo đuổi ngay trong phần mở đầu : “Mục đích của sách giáo lý này là trình bày một cách có hệ thống và có tính cách tổng hợp những nội dung cốt yếu và căn bản của đạo lý công giáo về mặt đức tin cũng như về mặt luân lý, dưới ánh sáng của Công Đồng Vaticanô II và toàn bộ Truyền thống của Hội Thánh”[5].
Qua Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, Huấn Quyền của Hội Thánh muốn thể hiện một việc phục vụ cho thời đại chúng ta, khi nhìn nhận Sách ấy như:
- “Một văn bản quý giá và có thẩm quyền để phục vụ cho sự hiệp thông Hội Thánh[6]. Nó mong ước củng cố mối dây hiệp nhất nơi các môn đệ Chúa Giêsu Kitô, bằng cách tạo điều kiện dễ dàng cho “việc tuyên xưng một đức tin duy nhất đã nhận từ các Tông đồ”[7] ;
- “Một chuẩn mực chắc chắn cho việc “giảng dạy đức tin”[8]. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo cung cấp một giải đáp rõ ràng cho ước muốn chính đáng của tất cả những người đã được rửa tội là học biết nơi Hội Thánh những gì mà Hội Thánh đã nhận được và những gì mà Hội Thánh đã tin. Vậy nó là điểm qui chiếu bắt buộc cho việc dạy giáo lý và những hình thức khác của tác vụ Lời Chúa.
- “Một bản văn quy chiếu cho những sách giáo lý hay sách toát yếu được soạn thảo ở nhiều quốc gia khác nhau”[9]. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo thực sự “không phải để thay thế cho những sách giáo lý địa phương”[10], nhưng là để “ khuyến khích và hỗ trợ cho việc soạn thảo những sách giáo lý mới ở địa phương, không những chú tâm đến những hoàn cảnh và các nền văn hoá, mà còn phải bảo đảm tính duy nhất của đức tin và sự trung thành với giáo lý Công Giáo”[11].
Bản chất hay đặc tính riêng của tài liệu Huấn Quyền này hệ tại việc nó tự trình bày như là một tổng hợp có hệ thống về đức tin mang giá trị phổ quát. Về điểm ấy, bản tổng hợp này không giống với những tài liệu khác của Huấn Quyền, vì bản thân chúng không dụng ý cung cấp một bản tổng hợp như thế. Nó cũng khác với những sách giáo lý địa phương là những sách nhằm phục vụ một phần nhất định của Dân Chúa trong sự hiệp thông với Hội Thánh.
Bố cục của Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo.
122.     Lược đồ Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo xoay quanh bốn chiều kích cơ bản của đời sống Kitô hữu: tuyên xưng đức tin, cử hành phụng vụ, đời sống luân lý theo Tin Mừng và việc cầu nguyện. Bốn chiều kích này đều phát xuất từ cùng một hạt nhân: mầu nhiệm Kitô giáo. Mầu nhiệm này:
- Là đối tượng đức tin (Phần thứ nhất).
- Được cử hành và hiệp thông trong các hoạt động phụng vụ (Phần thứ hai).
- Hiện diện để soi sáng và nâng đỡ con cái Thiên Chúa trong hành động của mình (Phần thứ ba);
- Tạo nên kinh nguyện của chúng ta, mà đỉnh cao là Kinh Lạy Cha và trở thành đối tượng của lời chúng ta cầu xin, ngợi khen và chuyển cầu (Phần thứ bốn)[12];
Cấu trúc thành bốn phần như trên triển khai những khía cạnh chủ yếu của đức tin:
- Tin Thiên Chúa sáng tạo, Duy nhất trong Ba Ngôi và tin vào ý định cứu độ của Ngài.
- Được thánh hoá nhờ Ngài trong đời sống bí tích.
- Mến Chúa hết lòng và yêu tha nhân như chính mình.
- Cầu nguyện trong sự đợi chờ Vương Quốc của Ngài và được diện kiến Ngài.
Như vậy, Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo quy chiếu vào đức tin như đã được tin, được cử hành, được sống và được cầu nguyện; Sách ấy là một lời mời gọi việc giáo dục Kitô giáo toàn diện.
Cấu trúc Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo gợi lên sự hiệp nhất sâu xa của đời sống Kitô hữu. Mối tương quan giữa “luật cầu nguyện” ( lex orandi) “luật đức tin” (lex credendi) và “luật sống” ( lex vivendi) quả là rõ ràng. “Phụng vụ tự nó là cầu nguyện; việc tuyên xưng đức tin có chỗ đứng chính đáng trong khi cử hành phụng tự. Ân sủng, hoa trái của các bí tích, là điều kiện không thể thay thế được của hành động Kitô giáo, cũng như việc tham dự phụng vụ của Hội Thánh đòi phải có đức tin. Nếu đức tin không được biểu lộ bằng việc làm thì đức tin chết và không thể mang lại hoa trái của đời sống vĩnh cửu”[13].
Nhờ bố cục truyền thống xoay quanh bốn cột trụ nâng đỡ việc truyền đạt đức tin (kinh Tin Kính, các bí tích, Mười Điều Răn, kinh Lạy Cha)[14], Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo là một tham chiếu giáo lý cho việc giáo dục về bốn chức năng căn bản của việc dạy giáo lý[15] và cho việc soạn thảo những sách giáo lý địa phương, mà không áp đặt bất cứ một hình thức nhất định nào trên hai việc ấy. Phương thế sắp xếp hợp lý nhất các thành phần nội dung của việc dạy giáo lý phải đáp ứng được những hoàn cảnh cụ thể và Sách giáo lý chung không làm điều ấy cho tất cả Hội Thánh[16]. Sự trung thành hoàn toàn với giáo lý công giáo có thể đi đôi với vô số cách thế trình bày giáo lý ấy.
Nguồn cảm hứng của Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo: Tính Qui Kitô mang chiều kích Ba Ngôi và sự cao cả của ơn gọi con người.
123.     Trục chính của Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo là Chúa Giêsu Kitô, “là đường, sự thật và sự sống”(Ga 14,6).
Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáomà Chúa Giêsu Kitô là trung tâm được qui về hai hướng: Thiên Chúa và con người.
- Mầu nhiệm Thiên Chúa, duy nhất trong Ba Ngôi và nhiệm cục cứu độ của Ngài gợi ý và cấu tạo toàn bộ nội dung của Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo. Việc tuyên xưng đức tin, phụng vụ, đời sống luân lý theo Tin Mừng, sự cầu nguyện trong Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo có một cảm hứng mang chiều kích Ba Ngôi, là sợi chỉ xuyên suốt cho toàn bộ tác phẩm[17]. Yếu tố trọng tâm ấy của cảm hứng góp phần đem lại một đặc tính tôn giáo sâu xa cho mọi phần của cuốn sách.
- Mầu nhiệm con người được trình bày trong những trang của Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo và đặc biệt trong mấy chương có ý nghĩa như: “Con người có khả năng đón nhận Thiên Chúa”, “Sự tạo dựng con người”, “Con Thiên Chúa làm người”, “Ơn gọi con người là sự sống trong Thánh Thần ”… và những chương khác nữa[18]. Điểm giáo lý này được nhìn dưới ánh sáng của bản tính nhân loại nơi Chúa Giêsu là con người hoàn hảo, cho thấy ơn gọi cao cả và lý tưởng trọn lành mà mỗi người được mời gọi tới.
Trong thực tế, tất cả giáo thuyết của Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo có thể tóm lại trong ý tưởng này của Công Đồng: “Đức Kitô, trong sự mạc khải về mầu nhiệm Chúa Cha và tình yêu của Ngài, biểu lộ một cách đầy đủ cho con người về chính họ và cho biết ơn gọi cao cả của họ”[19].
Thể loại văn chương của Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo.
124.     Việc khám phá ra thể loại văn chương của Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo thật là quan trọng, để tôn trọng chức năng mà với quyền bính của mình Hội Thánh đã trao cho, trong việc thực thi và canh tân hoạt động giáo lý hiện nay.
Những nét chính xác định thể loại văn chương của Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo là:
- Trước hết, đó là một cuốn sách giáo lý, được coi như văn bản chính thức của Huấn Quyền Hội Thánh; bản văn ấy, với thẩm quyền của mình, đón nhận thành một tổng hợp chính xác và có hệ thống, những biến cố và những chân lý cơ bản của ơn cứu độ, diễn tả đức tin chung của Dân Chúa và tạo thành điểm quy chiếu nền tảng cần thiết cho việc dạy giáo lý.
- Là sách giáo lý, bản văn ấy tập hợp những yếu tố nền tảng chung trong đời sống Kitô hữu, mà không coi như là giáo lý đức tin những giải thích riêng tư vốn mới chỉ là những giả thuyết cá nhân hay những quan điểm của một trường phái thần học[20].
- Ngoài ra, đó là một Sách giáo lý có tính phổ quát được trao ban cho toàn thể Hội Thánh. Sách giáo lý này trình bày một tổng hợp đức tin được cập nhật hoá, nó áp dụng giáo thuyết của Công Đồng Vaticanô II, lưu tâm đến các vấn nạn tôn giáo và luân lý của thời đại chúng ta. Tuy nhiên, “ngay trong chính mục đích của nó, Sách Giáo lý này không có dự định thực hiện những thích nghi trong cách trình bày giáo lý cũng như trong những phương pháp huấn giáo đáp ứng cho những khác biệt về văn hoá, tuổi tác, mức trưởng thành thiêng liêng, hoàn cảnh xã hội và Giáo Hội của những người học giáo lý. Những thích nghi cần thiết này thuộc phạm vi của những sách giáo lý chuyên biệt và hơn nữa còn là của những người giảng dạy các tín hữu”[21].
Kho tàng đức tin và Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo
125.     Công Đồng Vaticanô II coi mình có nhiệm vụ chính yếu bảo vệ và giải thích hoàn hảo hơn kho tàng quý giá của giáo lý Kitô giáo, để các tín hữu của Đức Kitô và mọi người thiện chí dễ dàng tiếp cận kho tàng ấy.
Nội dung của kho tàng này là Lời Chúa, được bảo tồn trong Hội Thánh. Huấn Quyền của Hội Thánh đang khi hăng say với mục đích soạn thảo một bản văn tham chiếu cho việc giáo dục đức tin, đã rút từ kho tàng quí giá này cả điều cũ lẫn điều mới, chọn những gì mà Huấn quyền tin rằng nó thích hợp nhất cho việc thực hiện mục tiêu của mình. Như thế, Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo được giới thiệu như một sự phục vụ cơ bản đó là làm cho việc rao giảng Tin Mừng và việc giảng dạy đức tin được dễ dàng, bởi vì những điều này kín múc sứ điệp từ kho tàng Thánh Truyền và Thánh Kinh đã được trao phó cho Hội Thánh để có thể được thực thi với sự xác thực hoàn toàn. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo không phải là nguồn mạch duy nhất của việc dạy giáo lý; thực vậy, với tư cách là một hành vi của quyền Giáo Huấn, sách giáo lý đó không vượt lên trên Lời Chúa, nhưng là để phục vụ cho Lời Chúa. Tuy nhiên, việc giải thích trung thực Lời Chúa là một việc làm đặc biệt quan trọng, một việc làm cần thiết để Tin Mừng được loan báo và truyền đạt trong tất cả sự thật và sự tinh tuyền của nó.
126.     Dựa vào ánh sáng của mối tương quan giữa Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo với kho tàng đức tin, nên làm sáng tỏ hai vấn đề có tầm mức quan trọng sống còn đối với việc dạy giáo lý:
- Mối tương quan giữa Thánh Kinh và Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo như là những điểm quy chiếu cho nội dung việc dạy giáo lý.
- Mối tương quan giữa truyền thống dạy giáo lý của các Giáo Phụ là một truyền thống phong phú về nội dung và khôn khéo trong tiến trình dạy giáo lý với Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo.
Thánh Kinh, Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo và việc dạy giáo lý.
127.     Hiến chế Dei Verbum của Công Đồng Vaticanô II đã nhấn mạnh tất cả tầm quan trọng của Thánh Kinh trong đời sống của Hội Thánh. Thánh Kinh được trình bày liên kết với Thánh Truyền như là “quy luật tối thượng của đức tin”, bởi vì Thánh Kinh thông đạt “Lời của chính Thiên Chúa một cách bất di bất dịch” và làm “vang dội lại tiếng nói của Thánh Thần trong lời của các tiên tri và các Tông đồ”[22]. Vì thế, Hội Thánh muốn  Thánh Kinh phải giữ một vị trí nổi bật trong tất cả tác vụ Lời Chúa. Một cách cụ thể, việc dạy giáo lý phải là một dẫn nhập đích thực vào “bài đọc Lời Chúa” (lectio divina), nghĩa là vào việc đọc Thánh Kinh được thực hiện “theo Thánh Thần”, Đấng ngự trong Hội Thánh[23].
Theo nghĩa đó, “nói về Thánh Truyền và Thánh Kinh như nguồn mạch của việc dạy giáo lý, chính là để nhấn mạnh rằng việc dạy giáo lý phải tiêm nhiễm và thấm nhuần tư tưởng, tinh thần và thái độ của Thánh Kinh và Phúc Âm nhờ năng tiếp xúc với chính những bản văn; nhưng cũng để nhắc lại rằng việc dạy giáo lý sẽ càng phong phú và hữu hiệu hơn nếu đọc các bản văn với trí hiểu và tâm hồn của Hội Thánh”[24]. Trong việc đọc Thánh Kinh theo tinh thần Hội Thánh, được thực hiện dưới ánh sáng của Thánh Truyền, Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo giữ một vai trò rất quan trọng.
128.     Thánh Kinh và Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo được coi như hai điểm quy chiếu, để gợi hứng cho mọi hoạt động giáo lý của Hội Thánh trong thời đại chúng ta.
- Thực vậy, Thánh Kinh, “Lời Chúa được viết ra dưới sự linh ứng của Chúa Thánh Thần”[25]Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo là lối diễn tả hiện nay của Truyền thống sống động của Hội Thánh và là chuẩn mực chắc chắn cho việc giảng dạy đức tin, cả hai được mời gọi để làm phong phú việc dạy giáo lý trong Hội Thánh hiện nay, mỗi thứ theo cách thế và quyền hạn chuyên biệt của mình.
- Việc dạy giáo lý truyền đạt nội dung Lời Chúa theo hai cách thế mà Hội Thánh sẵn có, nội tâm hoá Lời Chúa và sống Lời Chúa, như việc kể lại Lịch sử Cứu độ và như việc giải thích Kinh Tin Kính. Thánh Kinh và Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo phải gợi hứng cho việc dạy giáo lý Thánh Kinh cũng như tín lý, mà cả hai đều truyền tải nội dung của Lời Chúa.
- Trong cách khai triển bình thường của việc dạy giáo lý, điều quan trọng là các dự tòng và các người học giáo lý có thể đặt tin tưởng vào Thánh Kinh lẫn sách giáo lý địa phương. Nói tóm lại, việc dạy giáo lý không gì khác hơn là sự truyền đạt sinh động và đầy ý nghĩa những tài liệu đức tin đó[26].


Truyền thống dạy giáo lý của các Giáo Phụ và Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo.
129.     Kho tàng đức tin bao gồm Thánh Kinh và Thánh Truyền của Hội Thánh. “Giáo Huấn của các Giáo Phụ chứng thực sự có mặt sống động của Truyền thống này, mà sự phong phú của nó lưu truyền lại trong thực hành và trong đời sống của Hội Thánh, một Hội Thánh luôn tin tưởng và cầu nguyện”[27].
Đứng trước sự phong phú về giáo lý và mục vụ như vậy, chúng ta nên lưu ý đến một vài khía cạnh sau đây:
- Tầm mức quan trọng quyết định mà Các Giáo Phụ đã dành cho thời gian dự tòng chuẩn bị chịu Phép Rửa tội trong cơ cấu hình thành các Giáo Hội địa phương.
- Quan điểm tiệm tiến và từng bước của việc đào tạo các Kitô hữu được sắp xếp thành những giai đoạn[28]. Các Giáo Phụ đã hình thành thời gian dự tòng dựa theo đường lối sư phạm của Thiên Chúa. Trong tiến trình dự tòng, cũng như dân Israel, người dự tòng phải trải qua con đường dài để tiến vào đất hứa: đó là sự đồng hoá với Đức Kitô do phép rửa[29].
- Bố cục nội dung của việc dạy giáo lý theo những giai đoạn của tiến trình này. Trong việc dạy giáo lý theo tinh thần Giáo phụ, việc thuật lại lịch sử Cứu độ giữ vai trò quan trọng hàng đầu. Khi sắp hết mùa Chay, người ta mới tiến hành trao Kinh Tin Kính và Kinh Lạy Cha cũng như giải thích hai kinh ấycùng với những thực hành luân lý. Sau khi đã cử hành các bí tích khai tâm, việc dạy giáo lý nhiệm huấn giúp họ nội tâm hoá và cảm nghiệm các bí tích này.
130.     Về phần mình, Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo mang lại cho việc dạy giáo lý cả truyền thống vĩ đại của các sách giáo lý[30] . Trong sự phong phú của truyền thống này, một vài khía cạnh đáng được lưu ý ở đây:
- Chiều kích nhận thức về chân lý và đức tin. Đức tin không chỉ là sự kết hợp sống động với Thiên Chúa mà còn là sự chấp nhận của trí khôn và ý muốn đối với chân lý mạc khải. Các sách giáo lý luôn nhắc nhở Hội Thánh cần phải cung cấp cho các tín hữu một hiểu biết có hệ thống về đức tin, dầu chỉ là dưới hình thức đơn giản,
- Sự giáo dục đức tin đã bén rễ sâu vào mọi nguồn gốc và còn bao hàm nhiều chiều kích: một đức tin được tuyên xưng, được cử hành, được sống và được cầu nguyện.
Sự phong phú về truyền thống Giáo phụ và truyền thống những sách giáo lý biểu hiện trong việc dạy giáo lý của Hội Thánh ngày nay, bằng cách làm cho nó phong phú cả về quan niệm lẫn nội dung. Những truyền thống này nhắc cho việc dạy giáo lý bảy yếu tố căn bản cấu thành chính việc dạy giáo lý: - ba giai đoạn thuật lại lịch sử Cứu độ: Cựu ước, đời sống Chúa Giêsu Kitô và lịch sử Hội Thánh, - bốn cột trụ của việc trình bày là: kinh Tin Kính, các Bí tích, Mười Điều Răn và kinh Lạy Cha. Với bảy viên đá tảng này đặt nền móng cho tiến trình dạy giáo lý khai tâm cũng như hành trình tiếp theo của sự trưởng thành Kitô giáo, chúng ta có thể xây dựng những toà nhà có kiến trúc hay phối trí khác nhau, tùy theo các đối tượng hay những hoàn cảnh văn hoá.


NHỮNG SÁCH GIÁO LÝ
TRONG CÁC GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG.

Sự cần thiết của những Sách Giáo Lý địa phương[31]
131.     Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo được trao  cho mọi tín hữu và cho những ai muốn biết điều Hội Thánh Công Giáo tin[32] và một cách rất đặc biệt “nhằm khuyến khích và giúp soạn những sách giáo lý mới ở địa phương, quan tâm đến những hoàn cảnh và những nền văn hoá khác nhau, nhưng phải cẩn trọng bảo vệ tính thống nhất đức tin và sự trung thành với giáo lý Công giáo”[33].
            Thật vậy, những sách giáo lý địa phương được soạn ra hay được phê chuẩn bởi các Giám Mục giáo phận hoặc các Hội đồng Giám mục[34], đều là những công cụ vô giá đối với việc dạy giáo lý “đã từng được kêu gọi đưa sức mạnh Tin Mừng vào trong lòng văn hoá và các nền văn hoá”[35]. Vì thế, Đức Gioan Phaolô II đã tha thiết khích lệ các Hội Đồng Giám Mục trên khắp thế giới, bằng sự kiên trì, nhưng với một quyết định chắc chắn và sự đồng thuận với Toà Thánh, phải đảm nhận công việc quan trọng này là duyệt xét lại những sách giáo lý thực sự trung thành với những nội dung chủ yếu của Mạc khải và cập nhật hóa phương pháp có thể giáo dục đức tin mạnh mẽ cho những Kitô hữu thời đại mới[36].
            Qua các sách giáo lý địa phương, Hội Thánh cập nhật hoá “khoa sư phạm thần linh”[37] mà Thiên Chúa đã sử dụng trong Mạc Khải, với những săn sóc ân cần, Ngài đã thích nghi ngôn ngữ của Ngài vào bản tính của chúng ta[38]. Trong những sách giáo lý địa phương, Hội Thánh thông truyền Phúc Âm cách dễ hiểu cho con người, để họ có thể thực sự nhận ra Phúc Âm như là mộttin mừng cứu độ. Những sách giáo lý địa phương như thế đã trở thành một biểu thị khả giác về “sự hạ cố tuyệt vời”[39] của Thiên Chúa và tình yêu bất tận[40] của Ngài đối với thế giới.

Thể loại văn chương của một sách giáo lý địa phương.
132.     Mọi sách giáo lý, khi được một Giáo Hội địa phương nhận làm của mình, có ba đặc tính cốt yếu sau: một tính chính thức, sự tổng hợp có hệ thống và cơ bản của đức tin mà sách ấy trình bày và việc sách được đề nghị, cùng với Thánh Kinh, như là điểm quy chiếu của việc dạy giáo lý.
            - Thực vậy, sách giáo lý địa phương là một bản văn chính thức của Hội Thánh. Một cách nào đó nó làm sáng tỏ “việc trao Kinh Tin Kính” và “việc trao kinh Lạy Cha” cho các người dự tòng và cho những ai cần được rửa tội. Như vậy cũng là sự diễn tả một hành vi truyền thống.
            Đặc tính chính thức của nó giúp phân biệt về phẩm chất giữa sách giáo lý địa phương và những tài liệu làm việc khác, có ích trong sư phạm giáo lý, (các bản văn sách giáo khoa, các sách giáo lý không chính thức, những tài liệu hướng dẫn các giáo lý viên …)
            - Hơn nữa, mọi sách giáo lý đều có đặc tính của một tổng hợp căn bản trình bày các biến cố và các chân lý nền tảng của mầu nhiệm Kitô giáo một cách có hệ thống và trong sự tôn trọng “bậc thang các chân lý”.
            - Với một cấu trúc mạch lạc, Sách giáo lý địa phương trình bày toàn bộ những “văn kiện của Mạc khải và truyền thống Kitô giáo”[41] đã được đề xuất qua các ngôn ngữ rất đa dạng trong đó Lời Chúa được diễn tả.
            Sách giáo lý địa phương được trình bày như một điểm quy chiếu làm cảm hứng cho việc dạy giáo lý. Trong tiến trình dạy giáo lý, Thánh Kinh và sách giáo lý là hai tài liệu giáo thuyết căn bản, mà mọi người phải có trong tay. Tuy cả hai đều là những phương tiện quan trọng hàng đầu, nhưng không phải là duy nhất: như vậy cần phải có những công cụ làm việc khác trực tiếp hơn[42]. Như vậy cũng là chính đáng khi tự hỏi rằng một cuốn giáo lý chính thức phải bao hàm những yếu tố sư phạm không hay ngược lại, nó chỉ giới hạn là một tổng hợp giáo thuyết, chuyên cung cấp những tài liệu gốc.
            Trong mọi trường hợp, vì là một phương tiện cho việc dạy giáo lý - tức là một hành vi thông truyền - nên sách giáo lý phải luôn tuân thủ một cảm hứng sư phạm nào đó và phải làm sáng tỏ khoa sư phạm của Thiên Chúa qua thể loại văn chương của nó.
            Những vấn đề liên quan trực tiếp hơn đến phương pháp thường được tìm thấy ở những tài liệu khác.
Những khía cạnh thích nghi trong một sách giáo lý địa phương[43].
133.     Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo chỉ rõ những khía cạnh phải quan tâm, khi người ta thích nghi hay đặt vào một hoàn cảnh cụ thể sự tổng hợp có hệ thống về đức tin mà bất cứ sách giáo lý địa phương nào cũng phải đề ra. Bản tổng hợp đức tin đó phải thực hiện những sự thích nghi do “những khác biệt văn hoá, tuổi tác, mức trưởng thành thiêng liêng, hoàn cảnh xã hội và Giáo Hội của những người học giáo lý”[44], Công Đồng Vaticanô II cũng đã khẳng định một cách chắc chắn cần phải có sự thích nghi sứ điệp Tin Mừng: “sự giảng dạy có thích nghi lời Mạc khải phải mãi mãi là quy luật của mọi việc rao giảng Tin Mừng”[45]. Vì thế :
            - Một sách giáo lý địa phương phải trình bày bản tổng hợp đức tin theo môi trường văn hoá cụ thể nơi các dự tòng và những người học giáo lý đang sống. Sách giáo lý đó phải đảm nhận tất cả “những lối diễn tả độc đáo về đời sống, việc cử hành và tư tưởng Kitô giáo”[46], nảy sinh từ truyền thống văn hoá riêng của chúng. Những lối diễn tả độc đáo này là hoa trái công trình hội nhập văn hoá của Giáo Hội địa phương.
            - Mỗi sách giáo lý địa phương trung thành với sứ điệp và trung thành với con người[47], trình bày mầu nhiệm Kitô giáo một cách hấp dẫn và gần gũi với tâm lý và não trạng theo tuổi tác của người học giáo lý và vì thế lại quy chiếu vào những kinh nghiệm căn bản của đời sống họ[48].
            - Phải quan tâm đặc biệt đến nếp sống tôn giáo cụ thể trong một xã hội nhất định. Soạn thảo một sách giáo lý cho một môi trường hoàn toàn lãnh đạm với tôn giáo phải khác với việc soạn thảo sách giáo lý cho một bối cảnh có tinh thần tôn giáo sâu sắc[49]. Tương quan giữa “đức tin và khoa học” phải được bàn luận rất cẩn thận trong mọi cuốn sách giáo lý.
            - Những vấn đề xã hội quanh ta, ít là những vấn đề có liên quan đến những yếu tố cơ cấu sâu xa nhất (kinh tế, chính trị, gia đình…) là một nhân tố quan trọng cho việc thích nghi sách giáo lý với một bối cảnh nhất định. Cảm hứng từ học thuyết xã hội của Hội Thánh, sách giáo lý có thể đưa ra những tiêu chuẩn, những động cơ và những đường hướng hành động làm nổi bật sự hiện diện Kitô giáo giữa các vấn đề đó[50].
            - Sau cùng, hoàn cảnh cụ thể mà Giáo Hội địa phương đang sống, chính là bối cảnh bắt buộc mà sách giáo lý phải dựa vào. Dĩ nhiên, ta không hiểu đó là những hoàn cảnh ngẫu nhiên, mà các văn kiện khác của Huấn Quyền đáp ứng, nhưng là một hoàn cảnh cố định đòi hỏi một sự rao giảng Tin Mừng với những điểm nhấn đặc biệt và rõ rệt hơn.[51]

Sự sáng tạo của các Giáo Hội địa phương trong việc soạn thảo các sách giáo lý.
134.     Trong nhiệm vụ thích nghi, đáp ứng với hoàn cảnh và hội nhập văn hoá của sứ điệp Tin Mừng cho những lứa tuổi, những hoàn cảnh và văn hoá khác nhau, các Giáo Hội địa phương qua các sách giáo lý của mình phải chứng tỏ một sự sáng tạo chín chắn và trưởng thành. Trong kho tàng đức tin (Depositum fidei) đã được trao cho Hội Thánh, các Giáo Hội địa phương phải tuyển chọn, bố trí và diễn tả dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, là Thầy dạy nội tâm, mọi yếu tố hữu ích để truyền đạt Tin Mừng, trong sự xác thực hoàn toàn của nó, ở một hoàn cảnh nhất định.
            Trong nhiệm vụ nặng nề này, Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo là “điểm quy chiếu” nhằm bảo đảm sự hiệp nhất đức tin. Cuốn Hướng Dẫn Tổng Quát Việc Dạy Giáo Lý hiện có tự nó cung cấp những tiêu chuẩn căn bản để hướng dẫn việc trình bày sứ điệp Kitô giáo.
135.     Về những gì liên quan đến việc soạn thảo những sách giáo lý địa phương, nên nhắc lại mấy điểm sau đây:
            - Trước hết là soạn thảo những sách giáo lý đích thực được thích nghi và hội nhập văn hoá. Theo hướng đó, nên phân biệt giữa một sách giáo lý nhằm thích nghi sứ điệp Kitô giáo vào những lứa tuổi, hoàn cảnh và văn hóa khác nhau, với một tổng hợp đơn thuần của Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, nhằm giúp học cuốn sách này. Đó là hai thể loại khác nhau[52].
            - Những sách giáo lý địa phương có thể mang đặc tính riêng của một giáo phận, một miền hay một quốc gia[53].
            - Về cấu trúc nội dung, thực tế hàng Giám Mục các nơi đã xuất bản những sách giáo lý có bố cục hoặc hình thức đa dạng. Như đã nói, Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo được coi như quy chiếu giáo lý, nhưng không vì thế mà áp đặt một hình thức giáo lý đặc biệt nào cho toàn thể Hội Thánh. Do đó, có những sách giáo lý theo cấu trúc Ba Ngôi, những sách khác theo các giai đoạn cứu độ, hay một chủ đề Thánh Kinh và thần học hết sức cô đọng (Giao ước, Nước Thiên Chúa, v.v...) hoặc thiên về chiều kích đức tin, sau cùng một số khác soạn theo năm phụng vụ.
            - Còn về cách diễn tả sứ điệp Tin Mừng, thì tính sáng tạo khi soạn một cuốn sách giáo lý có ảnh hưởng đến việc hình thành nội dung[54]. Quả thực, một sách giáo lý phải trung thành với kho tàng đức tin trong phương pháp trình bày bản chất giáo lý của sứ điệp Kitô giáo. “Các Giáo Hội địa phương, vì hòa hợp sâu xa với con người, với cả những khát vọng, những phong phú và giới hạn của nó, với những cách cầu nguyện, yêu thương, với những lối nhìn cuộc đời và thế giới, nghĩa là với tất cả những gì tiêu biểu cho một xã hội nhân loại nào đó, vì thế các Giáo Hội địa phương phải hấp thụ những điểm cốt yếu của Tin Mừng để rồi trung thực chuyển sang ngôn ngữ mà những người trong xã hội đó hiểu được và sau đó loan báo Tin Mừng bằng chính ngôn ngữ này”[55].
            Công Đồng Vaticanô  II đã chỉ ra nguyên tắc phải theo trong nhiệm vụ phức tạp này. “Hãy luôn tìm kiếm một phương thức thích ứng hơn để truyền thông giáo lý cho người đương thời: vì một đàng là kho tàng đức tin các chân lý, một đàng là phương thức diễn đạt kho tàng đó miễn sao giữ vững đúng ý nghĩa và nội dung”[56].
Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáovà các sách Giáo Lý địa phương : bản hoà tấu đức tin.
136.     Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo và những sách giáo lý địa phương, tất nhiên do quyền hạn riêng của mỗi sách, tạo nên một sự duy nhất. Cả hai đều là cách diễn tả cụ thể về “sự hiệp nhất đức tin và sự trung thành với giáo lý Công giáo”[57], cũng như về sự đa dạng phong phú trong những trình bày về chính đức tin này.
            Đối với những ai biết chiêm ngưỡng sự hài hoà của chúng, Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo và những sách giáo lý địa phương diễn đạt bản hoà tấu đức tin:  trước hết là một bản hòa tấu bên trong Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, vốn được soạn thảo với sự cộng tác của tất cả hàng Giám Mục trong Hội Thánh Công Giáo; rồi từ đó thêm một bản hoà tấu phát sinh và được biểu diễn trong các sách giáo lý địa phương. “ Bản hòa tấu này”, “ban hợp xướng nhiều bè của Hội Thánh hoàn vũ”[58] vang lên trong các sách giáo lý địa phương, trung thành với Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, mang một ý nghĩa thần học quan trọng:
- Trước hết nó biểu lộ tính công giáo của Hội Thánh. Gia sản văn hoá của các dân tộc được gắn liền với sự diễn tả đức tin của Hội Thánh duy nhất.
- Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo và những sách giáo lý địa phương cũng diễn tả sự hiệp thông giáo hội mà việc “tuyên xưng một đức tin duy nhất” [59] là một trong những mối liên kết hữu hình. Các Giáo Hội địa phương, “chính trong và từ các Giáo Hội ấy mà có Hội Thánh duy nhất của Đức Kitô”[60], cùng nhau bảo tồn với Hội Thánh hoàn vũ “một mối tương quan đặc biệt nội tại lẫn nhau”[61]. Sự thống nhất giữa Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo và những sách giáo lý địa phương đã khiến cho sự hiệp thông đó thêm rõ ràng.
- Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo và những sách giáo lý địa phương cũng diễn tả một cách hiển nhiên tính tập thể của hàng Giám Mục. Mỗi vị Giám Mục trong giáo phận của mình và trong Giám Mục đoàn, hiệp thông với Đấng kế vị Thánh Phêrô, đều có trách nhiệm lớn nhất đối với việc dạy giáo lý trong Hội Thánh[62].
Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáovà những sách giáo lý Công giáo địa phương, nhờ sự thống nhất sâu xa và sự đa dạng phong phú của nó, đã được mời gọi trở nên một nắm men cho sự canh tân việc dạy giáo lý trong Hội Thánh.  Khi quan sát những sách này với một cái nhìn công giáo và phổ quát, Hội Thánh, nghĩa là toàn thể cộng đoàn các môn đệ Đức Kitô, có thể nói chân thật rằng: “Đó là đức tin của chúng ta, đó là đức tin của Hội Thánh”.



[1]x. FD 2d.
[2]FD 4a.
[3]DGC (1971) dẫn nhập.
[4]DGC (1971) phần III, chương 2.
[5]CEC 11.
[6]FD 4a; x. FD 4b.
[7]CEC 815.
[8]FD 4a; x. FD 4c.
[9]FD 1f; x. FD 4c.
[10]FD 4d.
[11]Ibid
[12]FD 3d.
[13]FD 3e.
[14]x. CEC 13.
[15]x. phần I, chương 3 của cuốn Hướng Dẫn này.
[16]x. Đức Hồng Y J. RATZINGER, Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo và chủ trương lạc quan của những con người được cứu chuộc, nơi J. RATZINGER – C.SCHONBORN, Một nhập môn nhỏ vào Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo [dịch từ Kleine Hingubrung zum Katechismus der Katholischen Kirche, Munchen 1993] Paris 1995.
[17]x. CEC 189-190; 1077-1109; 1693-1695; 2564;…
[18]x. CEC 27-49; 355-379; 456-478;1699-1756; vv…
[19]GS 22a.
[20]DGC (1971) 119.
[21]CEC 24.
[22]DV 21
[23]MPD 9c; x. Uỷ Ban Thánh Kinh của Toà Thánh, văn kiện chú giải Thánh Kinh trong Hội Thánh, IV, C,3: Lc.
[24]CT27; x. SYNODE 1985, II, B.a.l.
[25]DV 9.
[26]x. MPD 9.
[27]DV 8c.
[28]Khi Công Đồng Vaticanô II đòi phục hồi thời gian dự tòng cho những người trưởng thành, đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải duy trì tính tiệm tiến “người ta phải tái lập thời gian dự tòng cho những người trưởng thành được phân bổ thành nhiều giai đoạn” (SC 64).
[29]Xin kể lại đây làm ví dụ, lời chứng của Origène: “Khi ngươi từ bỏ chốn tối tăm, tục thờ ngẫu thần để tiến tới sự hiểu biết lề luật Thiên Chúa, tức là khi ngươi ra khỏi Ai Cập. Khi ngươi đã hợp nhất với vô vàn người dự tòng và ngươi đã bắt đầu vâng giữ các giới răn của Hội Thánh, ngươi đã vượt qua Biển Đỏ. Trong những trạm dừng chân ở hoang mạc, mỗi ngày các ngươi đã chăm chú nghe lề luật Chúa. Nhưng khi các ngươi đến giếng rửa tội… vượt qua sông Giôđan…. rồi ngươi tiến vào đất hứa” (Origênê, Homiliae in Jesu Nave, IV, 1: SCR 71, 149).
[30]x. CEC 13.
[31]Tiểu đề này chỉ hiểu các sách giáo lý chính thức, là những sách mà Giám mục giáo phận (CIC 775,1) hay Hội Đồng Giám mục (CIC 775,2) nhận là của mình. Còn những sách giáo lý không chính thức (CIC 827,1) và những tài liệu dạy giáo lý (DGC 1971, 116) cũng được bàn đến trong phần V chương 4.
[32]FD 4c.
[33]FD 4d.
[34]x. CIC 775.
[35]CT 53a, x. CEC 24.
[36]x. CT 50.
[37]DV 15.
[38]x. DV 13.
[39]DV 13.
[40]DV 13. Lòng nhân hậu bất tận, những săn sóc tiên phòng, sự hạ cố, đó là những thành ngữ riêng của lối sư phạm thần linh trong Mạc Khải. Những thành ngữ đó tỏ rõ ý muốn của Thiên Chúa “thích nghi” (synkatabaris) với con người. Chính trong tinh thần đó, mà các sách giáo lý được biên soạn.
[41]DGC (1971) 119.
[42]Đồng thời như những công cụ, còn có những nhân tố khác cũng can thiệp vào việc dạy giáo lý: con người giáo lý viên, phương pháp truyền thông của họ, tương quan giữa giáo lý viên và học viên, sự tôn trọng nhịp độ nội tâm của nhận thức, bầu không khí yêu thương và tin tưởng, trong sự truyền thông, sự trợ lực tích cực của cộng đoàn Kitô hữu.
[43]x. Phần IV, chương 1.
[44]CEC 24.
[45]GS 44.
[46]CT 53a
[47]x. CT 55c, MPD 7, DGC (1971) 34
[48]x. CT 36-45
[49]Trong những sách giáo lý địa phương, phải quan tâm đến cách thảo luận và hướng đến nếp tôn giáo bình dân. (xem EN 48; CT54 và CEC 1674-1676), và cả những gì liên quan đến đối thoại đại kết (xem CT32-34;CEC 817-822) và đối thoại liên tôn (xem EN 53; RM 55-57 và CEC 839-845.
[50]LC 72 đã phân biệt giữa “các nguyên tắc suy tư” “những tiêu chuẩn phán đoán”, và “những đường lối hành động” đã được Hội Thánh ban hành liên quan đến học thuyết xã hội của Hội Thánh. Mỗi Sách giáo lý phải biết phân biệt những mức độ đó.
[51]Chúng ta quy chiếu một cách chính yếu vào “những hoàn cảnh xã hội tôn giáo đa dạng” mà việc loan báo Tin Mừng phải đối diện. Đó là vần đề đã được đặt ra ở phần I, chương 1.
[52]Về sự phân biệt giữa những sách giáo lý địa phương và những công trình tổng hợp cuốn CEC, xin xem những gì đã được đề cập đến trong Bộ Giáo Lý đức tin, Bộ Giáo sĩ, là thư gửi cho các Chủ tịch Hội Đồng Giám mục, về những chỉ dẫn về “những công trình tổng hợp” “của Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo”(Prot N.94004378 ngày 10.11.1994), Mở đầu 1-2 ở đây có câu: “Người ta có thể hiểu lầm rằng những công trình tổng hợp của CEC thay thế cho những sách giáo lý địa phương, đến độ làm nản lòng những nơi đang chuẩn bị soạn những sách giáo lý; trong khi những tổng hợp đó còn đang thiếu những thích nghi vào những hoàn cảnh của những ai cần được học giáo lý” (Mở đầu 4).
[53]x. CIC 775 §§ 1-2.
[54]Vấn đề ngôn ngữ hoặc ở trong những sách giáo lý địa phương hoặc trong việc dạy giáo lý là  điều quan trọng hàng đầu. x. CT59.
[55]EN 63. Trong bổn phận tế nhị để đồng hoá và diễn tả nêu ra trong bản văn này, phải cẩn thận lưu tâm đến nhận xét của  Bộ Giáo Lý đức tin - Bộ Giáo sĩ, những hướng dẫn về “những công trình tổng hợp” của Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo. Mở đầu 3;1.c: “Việc soạn thảo những sách giáo lý địa phương lấy CEC làm “Văn bản quy chiếu chắc chắn và có thẩm quyền “(FD 4) ”, còn lại là mục tiêu quan trọng đối với các hàng Giám mục. Nhưng những khó khăn trước mắt trong công trình nầy chỉ thể vượt qua được, nếu sau một thời gian tương ứng hay lâu hơn để đồng hoá CEC, chúng ta sẽ phải chuẩn bị môi trường thần học, giáo lý và ngôn ngữ, để tiến tới một công trình thực sự hội nhập văn hoá của những nội dung giáo lý.
[56]GS 62b.
[57]FD 4b.
[58]RM 54b.
[59]CEC 814.
[60]LG 23a
[61]Bộ Giáo Lý đức tin, lá thư Communionis notio, n. 9; l.c 843.
[62]x. CT 63b.