I. Chủ
Đích Của Sinh Hoạt Trong Một Giờ Giáo Lý
Sinh hoạt
giáo lý nhằm hai chủ đích:
1. Vận Dụng Các Cơ Năng Và Hoạt Động Của Các Em
Giúp các em vận dụng trí tưởng tượng, óc sáng tạo,
thẩm mỹ, sự năng động, khéo léo chân tay... để thấm sâu hơn và cảm nghiệm nội
dung bài giáo lý. Trong sinh hoạt giáo lý, một cách chủ động, tất cả các cơ
năng hoạt động của các em được vận dụng, giúp các em có điều kiện đồng hóa một
cách nhẹ nhàng, thích thú các nội dung giáo lý.
2. Là Một Hình Thức Củng Cố Bài Học
Sinh hoạt giáo lý còn là hình thức giúp các em củng cố
bài học, nó cũng giúp cho giáo lý viên kiểm điểm được phương pháp giảng dạy của
mình và đánh giá được mức độ tiếp thu bài giáo lý của các em. Có nhiều sinh
hoạt, nếu các em chưa hiểu bài thì sẽ không làm được. Trong trường hợp này,
giáo lý viên phải tìm cách để hiệu chỉnh kiến thức cho các em.
Sinh hoạt nhiều hay ít, dài hay ngắn... tùy theo thời
giờ và số các em trong lớp giáo lý. Số
lượng càng ít càng có thể sinh hoạt nhiều và dễ hơn; các em lớp giáo lý càng
nhỏ thì càng phải rút ngắn bài giảng và kéo dài sinh hoạt giáo lý.
II. Tổ
Chức Sinh Hoạt Giáo Lý Phụ Thuộc Vào Điều Gì?
- Sinh hoạt giáo lý phụ thuộc trước hết vào việc lựa
chọn phương pháp giảng dạy trên lớp. Theo đường hướng canh tân huấn giáo của
Giáo Hội, giáo lý viên cần áp dụng các phương pháp theo nguyên tắc chủ động.
- Khả năng linh hoạt của giáo lý viên có vai trò rất
quan trọng trong việc tổ chức sinh hoạt giáo lý. Giáo lý viên phải là người
linh hoạt, năng động, biết lựa chọn và sắp xếp các sinh hoạt phù hợp trong giờ
giáo lý giúp các em vui học (học mà chơi, chơi mà học).
- Tổ chức năng động nhóm: chia nhóm để thực hiện các
sinh hoạt / đề tài theo nội giáo lý.
III. Vài
Điều Cần Biết Về Những Sinh Hoạt Giáo Lý Theo Đường Hướng Giáo Dục Tôn Giáo
A. TUỔI
TỪ 7 – 9:
Tuổi này là giai đoạn quyết định về mặt giáo dục tôn
giáo. Tại sao?
- Đây là
độ tuổi mà trẻ biết suy nghĩ và tập sống nội tâm.
- Là độ
tuổi mà lương tâm chớm nở, cho nên việc huấn luyện lương tâm rất cần thiết và
phải làm ngay, nhưng đồng thời cũng phải rất tế nhị.
- Là độ
tuổi các em sẽ được lãnh nhận các bí tích: Hòa Giải và Thánh Thể
Trong sinh hoạt giáo lý, có mấy sinh hoạt thích hợp
với lứa tuổi này như:
1. Hát:
Nên chọn những bài hát êm đềm, đơn giản, thấm nhuần
tâm tình tôn giáo, nhưng sâu sắc và không ủy mị. Những bài hát này giúp cho trẻ
diễn đạt được tâm tình của chúng.
Mặt khác, trẻ em ở lứa tuổi này thích ngâm nga hát
lại..., nếu bài hát có lời hay ý đẹp thì sẽ thấm vào tâm hồn chúng.
2. Kinh
Đọc Hay Bài Hát Nên Kèm Theo Cử Điệu:
Có thể là kinh thông thường, hoặc lời Thánh vịnh hay
kinh phụng vụ...
Nên kèm theo cử điệu, vì nhờ cử điệu, lời kinh, ý
tưởng bài hát sẽ gia tăng thêm hiệu lực.
Lý Do:
- Trẻ ưa
hoạt động, nhất là hoạt động chân tay.
- Cử điệu
sẽ làm trẻ chú ý đến lời kinh, lời hát.
- Cử điệu
sẽ giúp hiểu ý nghĩa lời kinh, lời hát.
- Cử điệu
làm cho tâm tình thêm sâu đậm hơn.
3. Vẽ
Minh Hoạ:
Giáo lý viên cho một đề tài (đề tài vẽ chính là chủ
đề bài giáo lý) và để cho trẻ tự do vẽ.
Ví dụ: Vẽ đề tài “Chúa Giêsu
quyền phép”, giáo lý viên gợi ý cho trẻ vẽ (tự do) cảnh một chiếc thuyền có
Chúa Giêsu ở trên đó trước và sau cơn bão ngoài biển.
Trẻ em ở độ tuổi 7 – 9 là thời kỳ hướng nội, nội giới
khá phong phú. Qua nét vẽ, trẻ giải bày trên mặt giấy những gì chất chứa trong
tâm hồn chúng. Mặc dù chúng đã bắt đầu khép kín so với tuổi 5 – 6, nhưng còn đủ
hồn nhiên để bộc lộ qua hình vẽ cảm nghĩ của chúng.
Điều giáo lý viên nhằm tới khi cho các em vẽ minh hoạ
giáo lý không phải là huấn luyện mỹ thuật, lớp giáo lý không phải là lớp hội
họa. Cần chú trọng đến “ý nghĩa” hơn là đến “vẻ đẹp” (về giá trị
thẩm mỹ hoặc kỹ thuật) của hình vẽ.
Một hình vẽ “xấu” có thể có một ý nghĩa rất sâu sắc,
và ngược lại một hình vẽ “dẹp” có thể hoàn toàn vô nghĩa về mặt giáo lý.
Giáo lý viên lưu ý đừng bao giờ chê hình vẽ của trẻ là
xấu và nên dành cho các em ít thời giờ để chúng cắt nghĩa điều mà chúng muốn
diễn tả. Giáo lý viên sẽ được nghe những lời cắt nghĩa rất bất ngờ, lý thú và rất đáng khâm phục của trẻ.
B. TUỔI 9
– 12
Là tuổi sẽ lãnh nhận bí tích Thêm Sức.
Trẻ em độ tuổi 9 – 12 yêu cụ thể, hướng về hoạt động,
có óc thực tiễn, cảm phục những anh hùng, ưa chuộng những cuộc phiêu lưu và
những hành động phi thường.
Ở tuổi này, các em ưa thích hoạt
động và thích áp dụng đúng luật lệ khi hành động. Là tuổi trong thời kỳ hướng
ngoại, ít suy nghĩ, ít chú trọng đến đời sống của tâm hồn. Tuổi này chúng thích
tụ họp thành nhóm, liên kết chơi đùa với nhau. Tuổi này các em cũng dễ bị lôi
cuốn và sống theo những lề lối ngoài xã hội.
Trong sinh hoạt giáo lý, có mấy sinh hoạt thích hợp
với lứa tuổi này như:
1. Hát
Khác với trẻ ở thời kỳ trước, đối với các em lưa tuổi
này, cần chọn những bài hát nhịp nhàng, hùng mạnh, phấn khởi. Nếu dạy cho chúng
những bài hát có tính cách cộng đồng sẽ hát trong thánh lễ càng tốt. Cũng nên
có những cử điệu kèm theo những bài hát.
2. Kể
Chuyện
Trẻ em độ tuổi này ham mê và thần tượng các nhân vật
anh hùng, kể cho các em nghe chuyện nhân vật trong Thánh Kinh và chuyện các
thánh để đưa các em đến những thái độ tôn giáo căn bản của con người đối với
Thiên Chúa và đối với nhau.
3. Vẽ
Minh Họa
Trẻ em độ tuổi 9 – 12 hướng về sự vật của thế giới bên
ngoài, không còn giàu tâm tình, cảm nghĩ nội tâm như ở lứa tuổi 7 – 9. Các em
có thể vẽ theo một hình mẫu để trau dồi thêm kiến thức, nhưng không thể diễn tả
nội giới bằng cách vẽ tự do.
4. Sinh
Hoạt Tập Thể
Có thể chia chúng thành nhiều nhóm làm các Pa-nô
(panneaux) hoặc các tập ảnh (album) về từng chủ đề.
Tổ chức những trò chơi sinh hoạt trong hay ngoài lớp
giáo lý dưới hình thức thi đua theo nhóm.
5. Sưu
Tầm, Tra Cứu
Tra cứu Tin Mừng, tìm những đoạn và những câu về một
chủ đề nào đó rồi ghi chép lại. Có thể tìm một câu Tin Mừng làm chủ đề hay chú
thích một hình ảnh nào đó, hoặc tìm một câu ý lực sống trong một đoạn Tin Mừng.
6. Sổ
Tay:
Cũng nên tập cho các em ở độ tuổi này có một sổ tay
lần lượt ghi chép những điều chúng đã nghe, đã hiểu về từng vấn đề trong giờ
học hoặc những vấn đề mà chúng chứng kiến trong ngày kèm theo nhận xét.
C. TUỔI
12 – 15:
Đây là độ tuổi giao thời, là giai đoạn chuyển tiếp,
trẻ ở tuổi này đầy mâu thuẫn và khát khao tự do. Ở tuổi này các em thường rơi
vào tình trạng bất ổn tâm lý, khó dạy bảo, vô kỷ luật.
Ở độ tuổi này, các em thích làm người lớn và nhiều ước
mơ lý tưởng hơn là nhìn rõ thực tế. Chúng rất ngưỡng mộ các thánh, các anh
hùng, danh nhân hay những người nổi tiếng...
Trong sinh hoạt giáo lý, có mấy sinh hoạt thích hợp
với lứa tuổi này như:
1. Du khảo, tham quan có hướng
dẫn. Nên lưu ý tập cho các em ghi chép những điều được nghe, thấy khi đi du
khảo.
2. Xem phim ảnh, nghe đĩa hát
tôn giáo.
3. Làm tập ảnh và Pa-nô: Chia
thành nhóm theo
chủ đề.
4. Sưu tầm, tra cứu từng
nhóm về các đề tài Tin Mừng hoặc các thánh.
5. Mời người đến thuật lại chứng
từ hay chia sẻ kinh nghiệm.
6. Trò chơi nên tổ
chức theo hình thức thi đua nhóm.
III.
Những Chú Ý Khi Sinh Hoạt Giáo Lý
- Sinh hoạt trong bài giáo lý nhằm giúp đồng hóa những
điều đã giảng dạy giúp cho giờ giáo lý thêm sinh động, vừa có mục đích thư
giãn. Vui để học. Vì thế cần tránh biến giờ giáo lý thành giờ sinh hoạt quá vui
nhộn, đến nỗi mất hết tính chất tôn giáo, sự trang nghiêm phải có của giờ giáo
lý hoặc làm mất nhiều thời gian thiệt thòi đến việc trình bày nội dung bài giáo
lý.
- Giáo lý viên cần vận dụng những sinh hoạt giáo lý
trong giờ giáo lý như: chuyện kể, hát, vũ điệu, hò, trò chơi... Cần phải chuẩn
bị trước khi vào lớp, chọn sinh hoạt cho phù hợp với nội dung bài giáo lý, với
lứa tuổi các em và thực hiện đúng lúc mới mang lại hiệu quả giáo dục.
- Hiện nay có rất nhiều các tài liệu dùng cho sinh
hoạt trong giáo lý: Bộ truyện kể “Góp nhặt”, bộ bài hát và truyện kể “Hồng
ân huấn giáo” của Giáo phận Xuân Lộc, Bộ “Vui đời phục vụ” và “Nối
lửa cho đời”, tuyển tập “Trò chơi băng reo chủ đề giáo lý”..., giáo
lý viên có thể tìm mua trong các hiệu sách Công giáo.