I. GIÁO LÝ VIÊN TRONG MỘT GIÁO HỘI TRUYỀN GIÁO
2. Ơn gọi và căn tính.Trong
Hội Thánh, mỗi tín hữu đều được Chúa Thánh Thần mời gọi cách riêng tư,
góp phần làm cho Nước Chúa trị đến. Bậc giáo dân có nhiều “ơn gọi” khác nhau, hay nhiều con đường thiêng liêng và hoạt động tông đồ khác nhau liên quan đến mỗi tín hữu giáo dân. Trong ơn gọi “chung” là giáo dân, nhiều ơn gọi “riêng” nảy sinh8
Ơn gọi giáo lý viên không những bắt nguồn
từ bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức, mà còn do lời mời gọi đặc biệt của
Chúa Thánh Thần hay một “đặc sủng được Hội Thánh nhìn nhận”9 và
được Đức Giám mục minh nhiên uỷ nhiệm. Điều quan trọng là làm thế nào
để ứng sinh giáo lý viên nhận ra ý nghĩa sâu xa và siêu nhiên của lời
mời gọi ấy, hầu có thể đáp trả như Ngôi Lời vĩnh cửu: “Này đây, Con đến” (Dt 10,7) hoặc như tiên tri Isaia: “Này con đây, xin hãy sai con” (Is 6,8).
Như thế, trong thực tại truyền giáo, ơn gọi giáo lý viên vừa có tính “chuyên biệt” vì dành riêng cho Huấn giáo, vừa có tính “tổng quát” vì tham gia vào các tác vụ tông đồ để xây dựng và phát triển Hội Thánh10.
BRPD nhấn mạnh đến giá trị và tính chuyên
biệt của ơn gọi giáo lý viên. Mỗi người phải dấn thân để khám phá, nhận
định và vun trồng ơn gọi của mình11.
Từ các nhận xét sơ khởi trên về ơn gọi,
chúng ta có thể nói giáo lý viên hoạt động trong các xứ truyền giáo có
căn tính riêng, xác định tính cách của họ so với giáo lý viên hoạt động
trong các Giáo Hội kỳ cựu, như Huấn quyền và luật lệ Hội Thánh đã qui
định12.
Tóm lại, giáo lý viên trong các xứ truyền
giáo được xác định bởi bốn yếu tố chung và riêng: lời mời gọi của Chúa
Thánh Thần; sứ mạng của Hội Thánh; tham gia vào tác vụ tông đồ của Giám
mục; mối liên hệ đặc biệt với hoạt động truyền giáo của Hội Thánh, hoạt
động đến với muôn dân.
3. Vai trò.Nối kết chặt
chẽ với căn tính ấy, vai trò của giáo lý viên được thực thi đúng đắn
trong tương quan với hoạt động truyền giáo. Phục vụ này vừa rộng lớn lại
vừa đa dạng: trước tiên là công khai rao truyền sứ điệp Kitô giáo, đồng
hành với các dự tòng, những người anh và những người chị, trong việc
lãnh nhận các bí tích cho đến khi trưởng thành đức tin trong Chúa Kitô.
Kế đến là hiện diện và làm chứng bằng cách thăng tiến con người, nỗ lực
hội nhập văn hóa, đối thoại13.
Do đó, khi đề cập đến các giáo lý viên “ở xứ truyền giáo”14, Huấn quyền bầy tỏ sự quan tâm đặc biệt và luôn nhắc nhở đến họ. Chẳng hạn, Thông điệp Redemptoris Missio (Sứ vụ Đấng Cứu độ) mô tả các giáo lý viên như “những
chuyên viên, những chứng nhân trực tiếp, những người rao giảng Phúc âm
không thể thay thế; họ là những người tiêu biểu cho sức mạnh căn bản của
các cộng đoàn tín hữu, đặc biệt trong các Giáo Hội trẻ”15. Giáo luật cũng dành một phần riêng cho các giáo lý viên đang dấn thân hoạt động truyền giáo và mô tả họ như “những
giáo dân có trình độ và đời sống đạo hạnh, dưới sự hướng dẫn của nhà
truyền giáo, hiến thân lo giảng dạy Giáo lý Tin mừng và tổ chức các cử
hành phụng vụ cũng như các việc bác ái”16.
Mô tả bao quát về giáo lý viên trên đây phù hợp với quan niệm của BRPD tại Hội nghị khoáng đại năm 1970: “Giáo
lý viên là một giáo dân được Giáo Hội đặc cử, tùy theo những nhu cầu
địa phương, để làm cho Đức Kitô được nhận biết, yêu mến và bước theo,
nơi những người chưa biết Chúa, và ngay cả nơi các tín hữu”17.
Cũng như đối với những tín hữu khác, các
mục tử, tuỳ theo những qui định của luật phổ thông, có thể trao phó cho
giáo lý viên một số chức vụ và nhiệm vụ liên kết với thừa tác vụ của mục
tử, nhưng không đòi phải có ấn tích truyền chức. Việc thực thi những
nhiệm vụ này không biến giáo lý viên thành một mục tử, bởi vì nhiệm vụ
được thực thi như một bổ sung và chỉ hợp thức do sự uỷ quyền chính thức
của các vị Mục tử18.
Mô tả trên đây cũng cần được bổ túc bằng
một xác định của Bộ truyền giáo trong dĩ vãng: “Giáo lý viên không phải
đơn thuần chỉ là một người giúp đỡ linh mục, nhưng thực sự là chứng nhân
của Đức Kitô trong cộng đoàn của mình”19.
4.Phân loại và nhiệm vụ.
Giáo lý viên trong các xứ truyền giáo, không những khác biệt với giáo
lý viên hoạt động trong các Giáo Hội kỳ cựu, mà còn có những đặc tính và
cách thức hoạt động riêng do kinh nghiệm khác nhau giữa giáo đoàn này
và giáo đoàn khác; do đó, khó có thể mô tả họ một cách thống nhất và
chính xác.
Trên bình diện thực hành, có hai loại
giáo lý viên: giáo lý viên trọn thời gian, hiến cả đời mình cho công
cuộc Huấn giáo và được chính thức công nhận; giáo lý viên bán thời gian,
cộng tác có giới hạn nhưng cũng quí giá. Tỷ lệ giữa hai loại giáo lý
viên này thay đổi tuỳ theo địa phương, nhưng từ lâu con số giáo lý viên
bán thời gian vẫn có xu hướng đông nhất.
Cả hai loại giáo lý viên đều được trao
phó nhiều bổn phận hay nhiệm vụ. Trên bình diện này, chúng ta ghi nhận
nhiều đổi thay lớn lao nhất. Phần trình bày tổng quát sau đây xem ra
thực tế và khá rõ, giúp hiểu được tình hình hiện nay trong các Giáo Hội
trực thuộc BRPD:
– Giáo lý viên với bổn phận chuyên môn dạy giáo lý,
thường được trao phó chó những sinh hoạt sau đây: giáo dục đức tin cho
người trẻ và người trưởng thành; chuẩn bị các ứng viên và gia đình của
họ lãnh nhận những bí tích khai tâm; cộng tác vào những sáng kiến giúp
đỡ giáo lý viên, như tĩnh tâm, gặp gỡ… Giáo Hội nào càng phát triển việc
tổ chức công tác cho giáo dân, thì lại càng có nhiều giáo lý viên20.
– Giáo lý viên cộng tác dưới nhiều hình thức hoạt động tông đồ với
các thừa tác viên có chức thánh trong chân thành và vâng phục. Họ có
nhiều nhiệm vụ: từ việc rao giảng Phúc âm cho những người ngoài Kitô
giáo đến việc dạy giáo lý cho các dự tòng, việc hướng dẫn cộng đoàn cầu
nguyện, nhất là tham dự phụng vụ ngày Chúa nhật khi thiếu vắng các linh
mục; từ việc giúp các bệnh nhân đến việc cử hành tang lễ; từ việc huấn
luyện các giáo lý viên khác trong các Trung tâm đến việc tháp tùng các
giáo lý viên tình nguyện và hướng dẫn các sáng kiến mục vụ; từ việc
thăng tiến về nhân bản và công bằng đến việc giúp đỡ những người nghèo
khổ, những sinh hoạt tổ chức… Những giáo lý viên này có lợi thế hơn
trong một giáo xứ rộng lớn với những cộng đoàn tín hữu cách xa trung
tâm; cũng như khi các cha sở, vì thiếu linh mục, đã phải chọn lựa những
giáo dân cộng tác toàn thời gian21.
Tính năng động và tình hình xã hội-văn
hoá của các Giáo Hội trẻ làm nảy sinh hay duy trì những nhiệm vụ tông đồ
khác nhau. Chẳng hạn các thầy cô dạy môn tôn giáo trong các
trường học với bổn phận giảng dạy tôn giáo cho các học sinh đã được rửa
tội và thực hiện việc rao giảng Phúc âm đầu tiên cho các em chưa phải là
Kitô hữu. Họ nắm giữ một vai trò đặc biệt quan trọng tại những nơi nhà
nước chấp nhận cho giảng dạy về tôn giáo trong các trường học riêng của
mình. Họ cũng nắm giữ một vị trí tương tự và quan trọng tại những nơi có
được một hệ thống trường học trực thuộc Giáo Hội, cũng như tại những
nơi Giáo Hội đang có gắng khôi phục lại sự hiện diện của mình trong các
trường học đã bị quốc hữu hoá.
Cũng vậy, các giáo lý viên ngày Chúa nhật, giảng
dạy tôn giáo trong các trường do giáo xứ tổ chức, liên kết với phụng vụ
của ngày lễ, nhất là tại những nơi nhà nước không cho phép giảng dạy
trong các trường của mình; các giáo lý viên khu phố tại môi trường thành thị; các giáo lý viên linh hoạt cho những cộng đoàn căn bản nhỏ bé; các giáo lý viên cho binh lính, cho tù nhân, cho di dân…
Dựa theo những kinh nghiệm khác nhau và
những cảm nhận về Giáo Hội, những nhiệm vụ trên phải được coi như là
chuyên biệt của các giáo lý viên, hay như những hình thức phục vụ của
giáo dân đối với Giáo Hội và sứ mạng truyền giáo. BRPD coi tính cách đa
dạng và khác biệt của những bổn phận hay nhiệm vụ này diễn tả sự phong
phú của Chúa Thánh Thần hoạt động trong các Giáo Hội trẻ. Bộ khuyến cáo
các Mục tử phải hết sức quan tâm tới những bổn phận và nhiệm vụ ấy. Đồng
thời đòi hỏi phải củng cố những bổn phận và nhiệm vụ nào thích hợp với
những nhu cầu hiện nay bằng một cái nhìn ưu tiên hướng tới tương lai.
Có một khía cạnh khác không được đánh giá
thấp.Thực ra, các giáo lý viên thuộc những hạng người khác nhau, nên
khả năng sinh hoạt của họ cũng thay đổi tuỳ theo môi trường và văn hoá
mà họ hoạt động.
Chẳng hạn người nam đã lập gia đình dường
như thích hợp hơn để chu toàn bổn phận linh hoạt viên của cộng đoàn,
nhất là ở những nơi mà hiện nay nền văn hoá vốn coi họ là người đứng đầu
trong xã hội. Người nữ thông thường được coi là thích hợp hơn cho việc
giáo dục các trẻ nhỏ và thăng tiến tinh thần Kitô hữu nơi nữ giới; người
trưởng thành được coi là chín chắn và nhất là vững chắc hơn nếu như đã
lập gia đình, với khả năng làm chứng liên tục về giá trị Kitô giáo của
hôn nhân; trái lại người trẻ thích hợp hơn cho việc tiếp xúc với các
thiếu niên và cho những sáng kiến đòi hỏi nhiều thời giờ rảnh rỗi hơn.
Ngoài những giáo lý viên giáo dân, còn
phải kể đến một số đông các tu sĩ nam nữ đã dấn thân cho việc dạy giáo
lý. Nhờ việc thánh hiến, họ có bổn phận làm chứng đặc biệt cho công cuộc
truyền giáo và vì thế, họ được mời gọi luôn sẵn sàng và được chuẩn bị
một cách riêng biệt cho bổn phận này.
Do đó, các tu sĩ nam nữ chu toàn những
nhiệm vụ của giáo lý viên và nhất là nhờ cộng tác chặt chẽ với các linh
mục, họ góp phần tích cực vào chương trình hướng dẫn. Vì những lý do kể
trên, BRPD cũng đòi hỏi các tu sĩ nam nữ can dự vào những lãnh vực quan
trọng của đời sống Giáo Hội, nhất là về chương trình đào tạo và tháp
tùng các giáo lý viên22.
5. Viễn tượng phát triển trong một tương lai gần. Khuynh
hướng tổng quát được coi là của BRPD và được khuyến khích, đó là duy
trì và củng cố khuôn mặt giáo lý viên phải có, không bị ràng buộc với
thể loại mà nó lệ thuộc. Giá trị và hậu quả tông đồ của giáo lý viên
luôn giữ vai trò quyết định cho sứ mạng của Hội Thánh23.
Khởi đi từ kinh nghiệm của mình mang đặc
tính phổ quát, BRPD đưa ra một vài chỉ dẫn nhằm thăng tiến và soi sáng
cho suy nghĩ với ý nghĩa sau đây:
– Ưu tiên tuyệt đối dành cho phẩm chất. Vấn
đề chung được biết đến dường như là tình trạng thiếu hụt những người
được chuẩn bị đầy đủ. Mục tiêu đầu tiên và trực tiếp cho tất cả là phải
quan tâm đến con người giáo lý viên. Điều đó phải ảnh hưởng cụ thể đến
những tiêu chuẩn chọn lưa, tiến trình đào tạo và tháp tùng. Lời của Đức
Thánh Cha thật rõ ràng: “Để phục vụ cho nhu cầu Tin mừng cũng như
căn bản, cần phải có nhiều người thợ. Mặc dầu quan tâm đến số lượng,
nhưng ngày nay, với tất cả năng lực, trước hết phải nhắm tới phẩm chất
của các giáo lý viên”24.
– Phải quan tâm tới việc theo đuổi sứ mạng ad gentes (đến với muôn dân) hiện nay25,
tương lai của giáo lý viên trong các Giáo Hội trẻ chắc chắn sẽ phải
mang lấy đặc tính của lòng nhiệt thành truyền giáo. Để được như vậy,
giáo lý viên càng phải luôn được coi như là tông đồ giáo dân ở mọi nơi.
Trong tương lai, giáo lý viên phải tiếp tục, như trong dĩ vãng, vượt
trổi nhờ vai trò không thể thay thế trong hoạt động truyền giáo ad gentes (đến với muôn dân).
– Xác định một mục tiêu mà thôi chưa đủ, nhưng điều quan trọng là phải chọn lựa những phương tiện thích hợp để đạt được mục tiêu ấy.
Điều đó có giá trị đối với phẩm chất giáo lý viên. Vì thế, cần phải ấn
định một chương trình cụ thể, phải đem lại một hệ thống thích hợp và
những phương tiện tài chánh đầy đủ, phải tìm ra những nhà đào tạo đã
được chuẩn bị, hầu bảo đảm cho giáo lý viên được huấn luyện tốt hết sức
có thể. Dĩ nhiên, sự quan trọng của các phương tiện và mức độ về phẩm
chất thay đổi tuỳ theo khả năng thực sự của mỗi Giáo Hội, tuy nhiên mọi
người phải đạt được một mục tiêu tối thiểu, không được lùi bước trước
những khó khăn.
–Củng cố cán bộ khung những người có trách nhiệm. Người
ta thấy trước rằng một số giáo lý viên chuyên nghiệp, được đào tạo
trong các trung tâm đầy đủ, dưới sự hướng dẫn của các Mục tử, được đặt
vào những chức vụ then chốt cho việc tổ chức dạy giáo lý, họ sẽ cẩn thận
huấn luyện những thế hệ mới, dạy bảo và giúp đỡ những người này chu
toàn nhiệm vụ. Những cán bộ khung đó phải được tồn tại trong
mọi mức độ: giáo xứ, giáo phận và quốc gia; Họ là một bảo đảm cho việc
vận hành tốt của một lãnh vực rất cần thiết cho đời sống Giáo Hội.
Ngoài những cách hành động trong viễn
tượng đem lại một mùa xuân của các giáo lý viên, BRPD nhận thấy rằng
trong một tương lai gần, rất có thể một vài hạng người sẽ phát triển mà
người ta hiện thấy được những dấu chỉ báo trước. Cần phải nhận ra gốc tích của những người sẽ đi tiên phong cho ngày mai.
Trong bối cảnh chính xác này, nên đặc biệt khích lệ những giáo lý viên có một tình thần truyền giáo rất nổi bật, “để
chính họ cũng trở nên những linh hoạt viên truyền giáo trong những cộng
đoàn Giáo Hội của họ và nếu được Chúa Thánh Thần mời gọi từ bên trong
và được các Mục tử sai phái, thì họ sẵn sàng đi ra ngoài lãnh địa của
mình để loan báo Phúc âm, chuẩn bị các dự tòng lãnh nhận bí tích Rửa tội
và góp phần xây dựng những cộng đoàn mới cho Giáo Hội”26.
Con số các giáo lý viên chính thức được mời gọi dạy giáo lý
cũng cần phải gia tăng như vậy, vì các Giáo Hội trẻ, trong khi phát
triển, phải tăng thêm công tác tông đồ cho hàng giáo dân, phân biệt với
công tác của giáo lý viên27. Vì thế, các giáo lý viên chuyên
nghiệp rất hữu ích. Trong số họ, cần lưu ý tới những giáo lý viên dấn
thân để là hồi sinh tinh thần Kitô giáo nơi các cộng đoàn gồm phần lớn
những người đã được rửa tội, nhưng trình độ học hỏi về đạo giáo còn
nghèo nàn và đời sống đức tin của họ cũng vậy. Những loại giáo lý viên
khác còn đang xuất hiện và cần phải được quan tâm, bởi vì họ sẽ phải đáp
ứng với những thách đố mà hiện nay đã thấy được một phần, chẳng hạn như
việc đô thị hoá, chương trình học gia tăng đặc biệt hướng tới môi
trường đại học, các vấn đề của giới trẻ, phong trào di dân với hiện
tượng những người tị nạn. Sự tục hoá phát triển, những đổi thay về chính
trị, văn hoá quần chúng được các phương tiện truyền thông hỗ trợ…
BRPD cho biết phạm vi của những viễn
tượng trên đây và sự cần thiết không được lẩn tránh, các Mục tử tại địa
phương có bổn phận phải chọn lựa cụ thể và phải dần dần thực hiện. Các
Hội Đồng Giám Mục và mỗi Giám mục phải thiết lập một chương trình thăng
tiến giáo lý viên cho tương lai bằng cách lưu tâm đến những chỉ dẫn ưu
tiên và có giá trị cho mọi người, với sự để ý đặc biệt đối với tình
trạng khẩn cấp của lãnh vực truyền giáo trong việc đào tạo cũng như
trong sinh hoạt của giáo lý viên. Những chương trình này không phải chỉ
mang tính cách tổng quát, mà còn phải được cụ thể trong từng hoàn cảnh,
hầu đáp ứng những đòi hỏi của địa phương, làm sao cho tất cả các Giáo
Hội đều có những giáo lý viên theo nhu cầu hiện nay đòi hỏi; phải phát
triển và chuẩn bị các giáo lý viên có khả năng đáp ứng những cần thiết
của ngày mai, như đã tiên đoán.