• Trang chủ

CHỈ DẪN DÀNH CHO GIÁO LÝ VIÊN - LINH ĐẠO GIÁO LÝ VIÊN


II. LINH ĐẠO GIÁO LÝ VIÊN

6.Sự cần thiết và bản chất của linh đạo giáo lý viên. Giáo lý viên cần phải có một linh đạo sâu xa, nghĩa là sống trong Chúa Thánh Thần, Đấng giúp họ không ngừng canh tân trong căn tính đặc thù của mình.
Sự cần thiết phải có một linh đạo riêng phát xuất từ ơn gọi và sứ vụ của giáo lý viên. Do đó, trong linh đạo giáo lý viên, lời mời gọi nên thánh mang một lý do thuận tiện và đặc sắc. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II vui sướng bày tỏ: “Nhà truyền giáo đích thực, chính là một vị thánh”28 Câu nói này có thể được áp dụng ngay cho giáo lý viên. Như mỗi tín hữu, giáo lý viên “được mời gọi nên thánh và truyền giáo”29, nghĩa là thực hiện ơn gọi riêng của mình “với lòng nhiệt thành của các thánh”30.
Linh đạo giáo lý viên liên kết chặt chẽ với thân phận là “kitô hữu” và “giáo dân” vốn cho họ dự phần, theo mức độ của mình, vào chức vụ tiên tri, tư tế và vương đế của Đức Kitô. Thân phận riêng của giáo dân là tình trạng “tại thế” với “nghĩa vụ riêng là linh hoạt và kiện toàn trật tự trần thế theo tinh thần Tin Mừng và làm chứng cho Đức Kitô, nhất là trong việc điều hành trật tự ấy và hoàn tất các nhiệm vụ trần thế”31.
Khi giáo lý viên lập gia đình, đời sống hôn nhân là thành phần của linh đạo. Đúng như Đức Thánh Cha quả quyết: “Giáo lý viên đã lập gia đình phải làm chứng một cách xứng hợp cho giá trị Kitô giáo của hôn nhân, bằng cách sống bí tích qua việc hoàn toàn trung thành và giáo dục con cái một cách có trách nhiệm”32. Linh đạo nối kết với hôn nhân có thể tạo ảnh hưởng thuận lợi và đặc biệt trên chính hoạt động của giáo lý viên. Giáo lý viên sẽ đưa cả vợ con can dự vào việc phục vụ của mình, đến độ cả gia đình thực sự là một tế bào toả lan tinh thần truyền giáo.
Linh đạo giáo lý viên cũng liên kết với ơn gọi tông đồ và được biểu hiện qua một số những thái độ sau: đón nhận Lời Chúa, nghĩa là đón nhận Chúa, Giáo hội và cả thế giới; đời sống trung thực, nhiệt tình truyền giáo; sùng kính Đức Mẹ.
7.Đón nhận Lời Chúa. Chức năng của giáo lý viên nối kết chặt chẽ với việc thông truyền Lời Chúa. Vì thế, khả năng tinh thần đầu tiên của giáo lý viên là đón nhận Lời Chúa, được chứa đựng trong mạc khải, được Giáo hội công bố, được cử hành trong phụng vụ và được sống một cách đặc biệt nơi các thánh33; là gặp gỡ Đức Kitô ẩn giấu trong Lời Chúa, trong Thánh Thể, và trong anh chị em. Sau cùng, đón nhận Lời Chúa cũng có nghĩa là đón nhận Chúa, Giáo Hội và thế giới.
Đón nhận một Chúa Ba Ngôi, Đấng ngự trong đáy lòng con người và đem lại ý nghĩa cho toàn bộ cuộc sống của họ: những xác tín, những tiêu chuẩn, bậc thang các giá trị, quyết định, quan hệ, cư xử... Giáo lý viên phải được lôi cuốn vào lãnh vực của Chúa Cha, Đấng ngỏ lời; của Đức Kitô, Ngôi Lời nhập thể, Đấng chỉ loan báo mọi lời đã nghe được từ Chúa Cha (Ga 8,26 ; 12,49); của Chúa Thánh Thần, Đấng soi sáng tâm trí và sưởi ấm con tim để giúp hiểu Lời Chúa, yêu mến Lời Chúa và trung thành thực thi Lời Chúa (Ga 16,12-14).
Như thế, linh đạo giáo lý viên bén rễ trong Lời Hằng sống, theo chiều kích Ba Ngôi, như thấy trong ơn cứu độ và trong sứ mạng phổ quát. Điều này bao hàm một thái độ liên kết tự bên trong, hệ tại việc tham dự vào tình yêu của Chúa Cha, Đấng muốn mọi người nhận biết chân lý và được cứu rỗi (1 Tm 2,4); việc hiệp thông với Đức Kitô, bằng cách chia sẻ các “tâm tình” của Ngài (Ph 2,5) và như thánh Phaolô, sống kinh nghiệm về sự hiện diện thường xuyên và khích lệ của Đức Kitô: “Đừng sợ... vì Ta ở cùng con” (Cv 18,9-10), bằng cách để Chúa Thánh Thần hướng dẫn và biến đổi thành chứng nhân can đảm của Đức Kitô và thành người loan báo Lời Chúa được soi sáng34.
Đón nhận Hội Thánh, giáo lý viên là thành phần sống động của Hội Thánh, góp phần xây dựng Hội Thánh và được Hội Thánh uỷ nhiệm. Lời Chúa được uỷ thác cho Hội Thánh trung thành gìn giữ, đào sâu với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần và công bố cho mọi người35.
Hội Thánh - Dân Thiên Chúa và Thân thể Huyền nhiệm của Đức Kitô - đòi hỏi giáo lý viên một ý thức sâu xa về sự phụ thuộc và trách nhiệm, vì giáo lý viên là phần tử sống động và tích cực; Hội Thánh, vì là bí tích phổ quát của ơn cứu độ, nên đòi hỏi giáo lý viên một lòng khao khát sống mầu nhiệm và ân sủng đa dạng của Hội Thánh, để được phong phú và trở nên dấu chỉ sống động trong cộng đoàn anh chị em. Việc phục vụ của giáo lý viên không bao giờ là một hành vi cá nhân hay đơn độc, nhưng luôn mang tính Giáo hội một cách sâu xa.
Việc đón nhận Hội Thánh được bày tỏ qua tình con thảo, sự tận tâm phục vụ và khả năng chịu đau khổ vì Hội Thánh. Đặc biệt qua sự gắn bó và vâng phục Đức Thánh Cha, là trung tâm hiệp nhất và mối dây hiệp thông phổ quát, cũng như gắn bó và vâng phục Đức Giám Mục sở tại, là người cha và người hướng dẫn Giáo hội địa phương. Giáo lý viên phải tham gia một cách có trách nhiệm vào biến cố trần gian của Giáo hội lữ hành, vốn tự bản chất là truyền giáo36, và chia sẻ khát vọng của Hội Thánh là đạt tới sự gặp gỡ chung cuộc và vinh quang với vị Hôn Phu.
Ý thức về Hội Thánh trong linh đạo giáo lý viên, được diễn tả qua tình yêu chân thành đối với Hội Thánh theo gương Đức Kitô, Đấng“đã yêu mến Hội Thánh và phó mình cho Hội Thánh” (Eph 5,25). Đây là một tình yêu chủ động, thúc đẩy giáo lý viên tham gia vào sứ mạng cứu độ, đến nỗi nếu cần, hiến đời mình cho Hội Thánh37.
Sẵn lòng truyền giáo cho thế giới, nơi Thiên Chúa thực hiện chương trình cứu chuộc, xuất phát từ “nguồn mạch Tình yêu”, nghĩa là từ tình yêu muôn thuở của Chúa Cha38; nơi Ngôi Lời đã dựng lều trong lịch sử để ở với loài người và cứu chuộc họ (Ga 1,14); nơi Thánh Thần được ban tặng để thánh hóa loài người và thiết lập Hội Thánh, để đi đến Chúa Cha nhờ Đức Kitô trong cùng một Chúa Thánh Thần (Ep 2,18)39.
Như thế, giáo lý viên phải ý thức để mở ra và quan tâm đến các nhu cầu của thế giới, nơi mình được sai đến, nơi mình hoạt động nhưng lại không hoàn toàn thuộc về thế giới (Ga 17, 14-21). Điều này có nghĩa là giáo lý viên phải hòa mình vào đời sống của mọi người anh em, không tách biệt hoặc đứng đàng sau, vì sợ khó khăn hay vì thích yên ổn: giáo lý viên phải duy trì ý thức siêu nhiên về cuộc sống, và tin tưởng vào sự hiệu nghiệm của Lời Chúa, một khi đã được Chúa thốt ra, thì sẽ không trở lại với Ngài, nếu không hoàn tất được mục tiêu của sứ mạng cứu độ (Is 55,11).
Ý thức về sự đón nhận thế giới làm cho linh đạo giáo lý viên mang tính chất “Đức Ái tông đồ”, cũng là đức ái của Chúa Giêsu, vị Mục tử nhân lành, đã đến để “qui tụ con cái Chúa bị tản mác” (Ga 11,52). Chớ gì giáo lý viên là người có lòng bác ái, khi tiếp xúc với mỗi người anh em, để loan báo cho họ biết họ được Thiên Chúa yêu thương và cứu độ cùng với toàn thể gia đình nhân loại40.
8.Tính cách thống nhất và đích thực của đời sống. Bổn phận đòi hỏi giáo lý viên phải dấn thân trọn vẹn. Điều hiển nhiên là trước khi loan báo Lời Chúa, giáo lý viên phải làm cho Lời Chúa thành của mình và phải sống Lời Chúa41. “Thế giới (...) đòi hỏi những người rao giảng Phúc âm nói về Thiên Chúa mà họ biết và thân quen, như thể họ đã thấy Đấng Vô Hình”42.
Giáo lý viên không trình bày một khoa học thuần túy nhân loại hay những quan điểm riêng tư, nhưng phải trình bày nội dung đức tin của Hội Thánh, một đức tin duy nhất mà giáo lý viên trước tiên phải sống, phải cảm nghiệm và phải làm chứng43.
Do đó, giáo lý viên phải có một đời sống thống nhất và đích thực. Trước khi dạy giáo lý, họ phải giáo lý viên. Sự thật về đời sống giáo lý viên là dấu chỉ xác định tính cách họ phải có khi thi hành sứ mạng. Thật chẳng tương hợp chút nào, nếu giáo lý viên không sống điều mình dạy, và chỉ giảng và nói về một Thiên Chúa được nghiên cứu, nhưng lại chẳng mấy thân thuộc. Chớ gì giáo lý viên áp dụng cho mình điều thánh sử Marcô đã nói về ơn gọi các tông đồ: “Ngài lập nhóm mười hai để các ông ở với Ngài và Ngài sai các ông đi rao giảng” (Mc 3,14-15).
Đời sống đích thực của giáo lý viên được diễn tả qua kinh nguyện, cảm nghiệm về Thiên Chúa, và sẵn sàng để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Điều này đòi hỏi giáo lý viên phải cố gắng, phải sắp xếp mọi sự trong ngoài, sao cho thích hợp với hoàn cảnh cá nhân và gia đình của từng người. Chúng ta có thể vịn cớ giáo lý viên, với tư cách là giáo dân, phải sống trong các điều kiện không cho phép tổ chức đời sống thiêng liêng như người được thánh hiến, để rồi bằng lòng với một nếp sống khiêm tốn hơn. Trong mọi hoàn cảnh thực tiễn của cuộc sống, trong lao động cũng như trong thừa tác vụ, tất cả mọi người - linh mục, tu sĩ, giáo dân - không những có thể kết hiệp mật thiết với Chúa và sắp xếp để cầu nguyện thực sự, mà còn có thể tạo cho mình những khoảnh khắc thinh lặng để đi sâu vào việc chiêm ngắm cõi vô hình. Đời sống thiêng liêng càng chân thật và sâu xa, thì chứng từ của giáo lý viên càng hiển nhiên và hoạt động của họ càng hữu hiệu hơn.
Cũng vậy, điều quan trọng là tự bên trong, giáo lý viên ngày càng lớn lên trong an bình và niềm vui của Đức Kitô để trở nên con người hy vọng, can đảm hướng về điều cốt yếu (Rm 12,12). Quả thật, Đức Kitô là “niềm vui của chúng ta” (Ep 2,14). Ngài ban niềm vui của Ngài cho các tông đồ, để “niềm vui của họ được nên trọn vẹn” (Ga 15,11).
Vậy chớ gì giáo lý viên, nhân danh Hội Thánh, là người gieo niềm vui và hy vọng phục sinh. “Quà tặng quí giá nhất mà Hội Thánh có thể trao ban cho thế giới lạc hướng và lo âu hôm nay, là đào tạo những Kitô hữu đích thực và hạnh phúc trong đức tin của mình”44.
9.Nhiệt thành truyền giáo. Trong các xứ truyền giáo, giáo lý viên thường sống và tiếp xúc với nhiều người không phải là Kitô hữu; do bí tích thánh tẩy và ơn gọi đặc biệt của mình; giáo lý viên phải nghe thấy như Chúa nói với mình những lời sau đây: “Ta còn nhiều chiên khác không thuộc về ràn này, Ta phải đi dẫn chúng về” (Ga 10,16) ; “Hãy đi khắp thế gian, loan báo Tin Mừng cho mọi tạo vật” (Mc 16,15).
Hơn nữa, để có thể xác quyết như thánh Phêrô và Gioan trước Công Nghị: “Chúng tôi không thể im lặng về điều mình đã thấy và đã nghe” (Cv 4,20) và để thực hiện lý tưởng của thừa tác vụ tông đồ như thánh Phaolô: “Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng tôi” (2 Cr 5,14), giáo lý viên phải ý thức sâu xa về truyền giáo và công cuộc Phúc Âm hóa. Ý thức này sẽ trở nên phong phú trong hoạt động tông đồ nếu có được một vài tư cách căn bản: trước hết giáo lý viên phải xác tín mạnh mẽ, phải nhiệt thành và can đảm, không bao giờ xấu hổ vì Tin Mừng (Rm 1,16). Mặc cho những kẻ khôn ngoan thế gian tìm kiếm những điều lợi lộc và tức thời, giáo lý viên chỉ lấy làm vinh dự trong Đức Kitô, Đấng ban cho họ sức mạnh (Col 1,29) và không muốn giảng dạy điều gì khác ngoài “Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1 Cr 1,24). Như sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo quả quyết rất chính xác “việc nhận biết và yêu mến Đức Kitô khơi dậy nơi chúng ta khát vọng loan báo về Ngài, Phúc Âm hóa và giúp mọi người tin vào Chúa Giêsu Kitô. Đồng thời, luôn cảm thấy phải đào sâu đức tin này hơn”45.
Ngoài ra, giáo lý viên còn phải có được quyết tâm của vị Mục tử Nhân lành sẵn sàng đi tìm con chiên lạc “cho đến khi thấy được nó” (Lc 15,4), hoặc quyết tâm của người đàn bà “cẩn thận tìm kiếm đồng tiền bị đánh mất cho đến khi thấy được nó” (Lc 15,8-9).
Quyết tâm này nảy sinh lòng nhiệt thành tông đồ “Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu vớt được một số người. Vì Tin Mừng tôi làm tất cả những điều ấy” (1 Cr 9,22-25 ; x. 2 Cr 12,15); “Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9,16). Sự khẩn thiết, mà thánh Phaolô đã cảm nhận, có thể giúp cho giáo lý viên thêm nhiệt thành. Sự nhiệt thành này là hậu quả thiết yếu của ơn gọi đặc biệt nơi giáo lý viên, cũng như của ý muốn đáp trả và dấn thân loan báo Đức Kitô với lòng chân thành, đồng thời cộng tác tích cực vào việc xây dựng và phát triển giáo đoàn46.
Cuối cùng, tinh thần truyền giáo đòi hỏi giáo lý viên phải in sâu vào tâm khảm dấu chứng của lòng trung thực là thập giá vinh quang. Đức Kitô mà giáo lý viên học biết, là Đấng “chịu đóng đinh” (1 Cr 2,2); Đấng mà giáo lý viên vẫn loan báo là “Đức Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do thái coi là ô nhục và dân ngoại cho là điên rồ” (1 Cr 1,23). đã được Chúa Cha cho phục sinh sau khi chết ba ngày (xem Cv 10,40). Vì thế, chớ gì giáo lý viên biết sống mầu nhiệm sự chết và sống lại của Đức Kitô với niềm hy vọng, mỗi khi cảm thấy bị giới hạn và đau khổ vì những khó khăn trong gia đình, vì những cản trở trong việc phục vụ tông đồ, với ý hướng đi trọn con đường Chúa đã đi: “Tôi hoàn tất trong thân xác tôi những đau khổ Đức Kitô đã chịu vì lợi ích cho thân thể của Ngài là Hội Thánh” (Cl 1,24)47.
10.Tinh thần Đức Maria. Do ơn gọi đặc biệt, Mẹ Maria nhìn thấy Con Thiên Chúa “lớn lên trong khôn ngoan và ân sủng” (Lc 2,52). Mẹ là vị Thầy đã dạy cho Chúa Giêsu “hiểu biết về Kinh Thánh và ý định của Thiên Chúa đối với dân Ngài qua dòng thời gian, trong sự tôn thờ Chúa Cha”48. Đàng khác. Mẹ là “người môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu”49. Như thánh Augustinô đã xác quyết: đối với Đức Maria, được làm môn đệ thì quan trọng hơn là được làm mẹ50. Chúng ta cũng có thể hân hoan xác quyết một cách chính đáng rằng Mẹ là “quyển giáo lý sống động”, “là mẹ và mẫu gương cho giáo lý viên”51.
Linh đạo của giáo lý viên, cũng như của mỗi Kitô hữu và nhất là của mỗi tông đồ, phải trau dồi tinh thần Đức Maria. Trước khi giải thích cho người khác biết vai trò của Mẹ trong mầu nhiệm Đức Kitô và Hội Thánh52, giáo lý viên phải sống thân mật với Mẹ và, cùng cộng đoàn, biểu lộ một lòng chân thành sùng kính Mẹ53. Chớ gì giáo lý viên tìm thấy nơi Mẹ mẫu gương đơn sơ và hữu hiệu để noi theo và giúp kẻ khác noi theo: “Đời sống của Đức Trinh Nữ là một gương sáng về tình mẫu tử. Tình mẫu tử ấy phải là động lực cho tất cả những ai, cộng tác vào sứ mệnh tông đồ của Hội Thánh, để tái sinh nhân loại”54.
Việc rao giảng Lời Chúa luôn gắn liền với việc cầu nguyện, cử hành bí tích Thánh Thể, hiệp thông huynh đệ. Giáo hội sơ khai, quây quần bên Đức Maria, Mẹ của Chúa Giêsu (Cv 1,14) đã sống thực tại phong phú này (Cv 2-4).