VI. THÙ LAO CHO GIÁO LÝ VIÊN
31. Vấn đề kinh tế nói chung.
Theo sự nhất trí chung, vấn đề này dường như là một trong những trở
ngại nghiêm trọng nhất để có được đủ số giáo lý viên. Thường không có
vấn đề đối với những giáo viên dạy tôn giáo trong trường học, vì họ
hưởng lương của Nhà Nước.. Trái lại, đối với các giáo lý viên hưởng
lương của Giáo Hội, tương quan giữa thù lao họ nhận được và những đòi
hỏi của cuộc sống là điều hệ trọng. Các hậu quả tiêu cực được thể hiện
trên nhiều phương diện khác nhau: trên phương diện tuyển chọn, những
người có khả năng thường thích những việc có đồng lương cao hơn; trên
phương diện dấn thân, cần chu toàn các công việc khác để hoàn tất việc
gia nhập; trên phương diện đào tạo, nhiều người không có đủ khả năng để
tham dự các khóa học; trên phương diện kiên trì và trên phương diện
tương quan với các vị mục tử. Hơn nữa, trong một số nền văn hóa, công
việc được đánh giá theo thù lao; do đó, giáo lý viên có nguy cơ bị xem
là thứ lao động thấp kém.
32. Những giải pháp thực hành.
Chớ gì việc trả công cho giáo lý viên được tuân giữ như một vấn đề công
bằng, chứ không phải muốn trả thế nào cũng được. Các giáo lý viên làm
trọn thời gian hoặc bán thời gian phải được trả công theo những nguyên
tắc chính xác, do giáo phận và giáo xứ lập ra, lưu ý đến điều kiện tài
chánh của Giáo Hội địa phương, đến hoàn cảnh cá nhân và gia đình của mỗi
giáo lý viên trong bối cảnh kinh tế chung của đất nước. Phải đặc biệt
quan tâm đến các giáo lý viên ốm đau, mất sức hoặc già yếu.
Như đã làm trong quá khứ, BRPD sẽ tiếp
tục kêu gọi và phân phối những khoản trợ giúp tùy theo khả năng, cho các
giáo lý viên. Đồng thời, thánh bộ nhấn mạnh đến việc cần thiết phải tìm
cho bằng được một giải pháp vững chắc hơn cho vấn đề này.
Ngân sách tài chánh của các giáo phận và
các giáo xứ, cũng phải dành cho công việc này một phần thích hợp so với
số thu nhập, theo tiêu chuẩn ưu tiên cho các chi phí đào tạo131.
Ước gì các tín hữu nhận bảo trợ cho các giáo lý viên, nhất là những
linh hoạt viên cho thôn làng mình. Phẩm chất của những con người, đặc
biệt của những người dấn thân làm tông đồ trực tiếp, vượt trên cơ cấu.
Do đó, đừng giảm thiểu hoặc đổi sang các mục đích khác, những khoản tiền
dành cho giáo lý viên.
Đóng góp tài chánh cho các trung tâm huấn
luyện giáo lý viên cũng là việc đáng được khuyến khích cách đặc biệt.
Nỗ lực đáng ca ngợi này chắc chắn sẽ góp phần vào việc phát triển đời
sống Kitô hữu trong một tương lai gần, vì huấn giáo tích cực và hữu hiệu
là nền tảng của việc đào tạo Dân Chúa132.
Nơi đâu có thể gia tăng số giáo lý viên
tự nguyện, dấn thân cộng tác một cách ổn định mà không cần trả công, vì
đã có việc làm khác cố định. Hướng hoạt động này dễ thực hiện hơn nơi
những cộng đoàn giáo dân có một mức độ phát triển nào đó.
Rõ ràng cần phải giáo dục tín hữu xem ơn
gọi giáo lý viên như một sứ vụ hơn là một việc làm để kiếm sống. Hơn
nữa, cần suy nghĩ lại việc tổ chức và phân bổ giáo lý viên.
Tóm lại vấn đề kinh tế đòi hỏi một giải
pháp xuất phát từ Giáo Hội địa phương. Mọi sáng kiến khác góp phần và
phải được triển khai, nhưng ngay tại chỗ người ta phải tìm ra giải pháp
tận căn, đặc biệt đối với việc quản trị khôn ngoan vốn tôn trọng các ưu
tiên tông đồ và nhờ việc giáo dục cộng đoàn đóng góp cách nhưng không.
VII. TRÁCH NHIỆM CỦA DÂN CHÚA
33. Trách nhiệm của cộng đoàn.
BRPD thấy cần phải công khai bày tỏ lòng biết ơn sâu xa đối với các
Giám mục, các linh mục và cộng đoàn tín hữu đã đặc biệt quan tâm đến
giáo lý viên. Thái độ này bảo đảm cho việc loan báo Tin Mừng, cho sự
trưởng thành của các Giáo Hội trẻ.
Thật vậy, các giáo lý viên là những tông đồ tiền phương, không có họ, “các Giáo Hội hôm nay đang triển nở đã không được lập nên”133,
hơn nữa, họ là một trong những thành tố chính yếu của cộng đoàn, nối
kết với cộng đoàn nhờ phép Thánh tẩy và nhờ ơn gọi của họ, với quyền hạn
và trách nhiệm tăng triển toàn vẹn và hành động như những người hữu
trách.
Một điều rất có ý nghĩa là Đức Giáo Hoàng
Gioan Phaolô II, trong thông điệp Redemptoris Missio, đã đánh giá các
giáo lý viên tại những xứ truyền giáo như sau: “Trong số các giáo dân trở thành người loan báo Tin Mừng, đứng hàng đầu là các giáo lý viên. (...) Mặc
dù có thêm nhiều công việc trong và ngoài Giáo Hội, thừa tác vụ của
giáo lý viên vẫn luôn cần thiết và có những đặc tính riêng”134. Những lời này xác quyết điều Đức Thánh Cha đã khẳng định trong tông huấn Catechesi Tradendae: “Chính các giáo lý viên ở xứ truyền giáo xứng đáng mang danh hiệu “giáo lý viên” trước hết”135. Thực ra, có thể áp dụng cho các giáo lý viên lời Chúa: “Hãy đi và giảng dạy các dân tộc” (Mt 28,19) vì họ “thực thi một cách chính thức thừa tác vụ Lời Chúa”136.
Ước gì các giáo lý viên ngày một có giá
hơn trong cộng đoàn dân Chúa. Bảo đảm cho họ có được một sự hiện diện
đầy ý nghĩa trong các tổ chức hiệp thông và tham gia tông đồ, chẳng hạn
các hội đồng mục vụ giáo phận và giáo xứ, là điều rất hữu ích.
Đừng quên số giáo lý viên ngày một gia
tăng, và tính chất của các cộng đoàn kitô hữu tương lai tùy thuộc vào sự
dấn thân của họ hiện nay. Trong xã hội hiện đại, có những hoàn cảnh cần
đến sự hiện diện của giáo lý viên, vì họ là những giáo dân sống giữa
đời nên có thể soi chiếu với ánh sáng của Tin Mừng, bằng cách hoạt động
từ trong lòng xã hội137. Ngày nay, trong bối cảnh của nền thần học giáo dân, chắc chắn các giáo lý viên chiếm một vị trí quan trọng.
Tất cả các nhận định trên cho thấy phải
khẩn trương gia tăng số lượng giáo lý viên bằng cách vận động cho ơn
gọi, và nhất là củng cố chất lượng bằng một chương trình đào tạo đầy đủ
và liên tục.
34.Trách nhiệm đầu tiên thuộc về các Giám mục. Trước hết, các Giám mục, những người “chịu trách nhiệm đầu tiên về huấn giáo”138,
cũng là những người chịu trách nhiệm đầu tiên về các giáo lý viên. Huấn
quyền hiện nay và giáo luật đổi mới nhấn mạnh đến trách nhiệm căn bản
này của các Giám mục, gắn liền với vai trò kế vị các Tông Đồ, xét như
một Tập thể hoặc như các Mục tử trong các Giáo Hội địa phương139.
BRPD yêu cầu mỗi Giám mục và các Hội đồng
Giám mục, hết sức theo dõi và khi cần, quan tâm hơn đến các giáo lý
viên, bằng cách để ý tới tất cả những gì liên quan đến họ như lập ra các
tiêu chuẩn để chọn lựa, cổ võ cho các chương trình và cơ cấu huấn
luyện, sử dụng các phương tiện thích hợp để nâng đỡ giáo lý viên v.v...
Dựa vào kinh nghiệm, BRPD nêu lên một số lãnh vực cần ưu tiên can thiệp:
– Gây ý thức cho cộng đoàn giáo phận và các cộng đoàn giáo xứ, đặc biệt là các linh mục, về tầm quan trọng và vai trò của giáo lý viên.
– Soạn thảo hoặc canh tân những Hướng dẫn về huấn giáo
đối với những gì liên quan đến việc tuyển chọn và đào tạo giáo lý viên,
ở bình diện quốc gia hoặc giáo phận, cho rõ ràng và thống nhất, bằng
cách áp dụng vào hoàn cảnh địa phương những chỉ dẫn riêng trong bản “Hướng dẫn tổng quát việc day giáo lý”, tông huấn “Catechesi Tradendae” và tập “Chỉ dẫn dành cho giáo lý viên”.
– Bảo đảm trang bị tối thiểu
cho việc chuẩn bị chuyên môn của các giáo lý viên cấp giáo phận và giáo
xứ, để không một ai nhận công tác mà không được chuẩn bị; ngoài ra,
thiết lập hoặc mở thêm các trường hoặc các trung tâm đặc biệt140.
– Tìm cách đào tạo cán bộ khung
trong mỗi giáo phận và giáo xứ, nghĩa là những nhóm giáo lý viên được
huấn luyện tốt trong các trung tâm và với kinh nghiệm thích hợp, họ có
thể cộng tác với các Giám mục và các linh mục trong việc đào tạo và đồng
hành với các giáo lý viên tự nguyện khác, hoặc được đặt ở các trọng
điểm để thực hiện các chương trình huấn giáo.
– Trợ cấp cho các nhu cầu liên quan đến việc đào tạo, đến sinh hoạt và đời sống các giáo lý viên, bằng một chương trình kinh tế cẩn trọng, bao gồm cả cộng đoàn nữa.
Ngoài các lãnh vực cần ưu tiên can thiệp
trên đây, nói chung cách tốt nhất để các Giám mục thực thi trách nhiệm
đối với các giáo lý viên, là bày tỏ với họ tình yêu thương phụ tử bằng
cách quan tâm đến họ, đến các hoạt động của họ và qua những cuộc gặp gỡ
thân tình.
35. Sự chăm sóc về phía các linh mục.
Các linh mục, đặc biệt là cha xứ, là như những huấn luyện viên trong
đức tin và cộng tác viên gần gũi các Giám mục, có một vai trò trực tiếp
và không thể thay thế trong việc thăng tiến giáo lý viên. Với tư cách là
mục tử, các linh mục phải nhận ra, cổ võ và phối hợp những đoàn sủng
khác nhau trong cộng đoàn; phải đặc biệt theo dõi các giáo lý viên và
chia sẻ với họ các nỗi mệt nhọc khi rao giảng Tin Mừng. Ước gì các linh
mục xem và chấp nhận họ như những người đặc trách thực sự tác vụ đã được
ủy thác cho họ, chứ không phải như những người chấp hành các chương
trình đã được thiết lập sẵn. Trong lãnh vực này, các linh mục phải cổ võ
tính năng động và óc sáng tạo. Ước chi các linh mục chuẩn bị cho các
cộng đoàn đảm nhận trách nhiệm của họ trong việc huấn giáo, tiếp nhận
các giáo lý viên, cộng tác và trợ giúp họ về kinh tế.
Theo chiều hướng này, việc huấn luyện
hàng giáo sĩ là điều quan trọng. Phải huấn luyện từ trong chủng viện, để
hàng giáo sĩ biết nhìn nhận, giúp đỡ và đánh giá đúng mức giáo lý viên,
như hình ảnh tuyệt vời của người tông đồ và như cộng tác viên đặc biệt
của mình trong vườn nho của Chúa.
36. Sự quan tâm về phía các huấn luyện viên.
Việc chuẩn bị giáo lý viên thường được giao cho những người có khả năng
trong các trung tâm cũng như trong các giáo xứ. Những huấn luyện viên
này nắm giữ vai trò quan trọng và góp phần quý báu cho Giáo Hội. Ước chi
họ ý thức về ơn gọi và nhiệm vụ cao quý của mình.
Khi chấp nhận bài sai để đào tạo các giáo
lý viên, huấn luyện viên hãy xem mình là biểu hiện cụ thể sự chăm sóc
của các Mục tử và quyết tâm tuân giữ các chỉ dẫn. Như vậy, ước chi họ
sống chiều kích giáo hội của bài sai, khi thực hiện nó trong tinh thần
cộng đoàn và theo các chương trình chung.
Điều quan trọng là huấn luyện viên phải
có nhiều đặc tính thiêng liêng, luân lý và sư phạm; cách riêng phải có
đời sống Kitô giáo sâu xa, để có thể giảng dạy trước nhất qua chứng từ
của mình; phải sống gần gũi với các giáo lý viên, để thông truyền cho họ
lòng đạo đức và nhiệt thành của mình.
Ước gì mỗi giáo phận cố gắng hết sức để
có được một nhóm huấn luyện giáo lý viên, gồm các linh mục, tu sĩ nam nữ
và giáo dân là những người có thể được sai đến các giáo xứ để chuẩn bị
các ứng sinh ngay trong cộng đoàn và chuẩn bị từng người một.
|