• Trang chủ

Bài 9- GIÁO ÁN


I/ Định Nghĩa
 Giáo án giáo lý là văn bản chuẩn bị trước những kiến thức, phương pháp hầu giải thích đầy đủ, rõ ràng nội dung bài giáo lý mà giáo lý viên sẽ thực hiện giảng dạy trên lớp.
II/ Phải Chuẩn Bị Những Gì?
1. Nội Dung Bài Giáo Lý
Soạn giáo án giáo lý là chuẩn bị để đáp ứng những điều các em muốn tìm hiểu về chân lý Tin Mừng, các giáo huấn của Giáo Hội về niềm tin và đời sống Kitô giáo. Giáo lý viên cần:
- Thu thập các tài liệu liên quan đến bài giáo lý.
- Tra cứu để giải thích những từ khó được nêu trong bài giáo lý.
- Sắp xếp nội dung bài giáo lý, về cách trình bày các ý tưởng trong bài giáo lý.
- Chuẩn bị những câu hỏi kiểm tra và gợi ý nội dung bài giáo lý…
Có như thế, giáo lý viên mới giải thích cách rõ ràng, đem lại giá trị cho lời giảng dạy, giúp các em thấu hiểu nội dung bài giáo lý.
2. Sư Phạm
 Soạn giáo án là dự tính phương pháp sử dụng để thực hiện giảng dạy giáo lý trên lớp, dự tính những câu hỏi, câu chuyện, các phương tiện giảng dạy (tranh ảnh, tượng…) thích ứng với khả năng, trình độ của các em và hoàn cảnh thực tế của lớp mà Giáo lý viên phụ trách.
Soạn giáo án còn là ấn định đường lối hoạt động của lớp học trong giờ giáo lý.
3/ Đường Hướng Huấn Giáo
 Soạn giáo án giáo lý giáo lý viên phải nắm chắc:
- Giáo huấn về vấn đề giáo lý viên trình bày như thế nào? Nghĩa là Thánh Kinh, thần học, Giáo hội nói gì và giải thích vấn đề ấy như thế nào.
 - Vấn đề giáo lý viên trình bày liên quan cụ thể như thế nào đến các em đang học giáo lý? Nghĩa là vấn đề giúp các em hiểu như thế nào về Chúa Kitô, về các chân lý mà các em tin, soi sáng gì cho cuộc sống đức tin và luân lý của các em?
- Giáo lý viên có kinh nghiệm gì về vấn đề đang trình bày? (đây là điểm cần thiết làm cho bài giáo lý sống động – đòi hỏi giáo lý viên phải sống giáo lý)
4/ Thời Gian
Phân bố thời gian cụ thể đến từng bước, từng ý của bài giáo lý
III/ Ích Lợi
- Soạn giáo án giúp giáo lý viên suy nghĩ, đào sâu, sắp xếp các ý tưởng, loại bỏ những điều phụ thuộc, hoặc ngoài vấn đề, hoặc không phù hợp với đối tượng mình giảng dạy nhưng lại được nêu trong sách hướng dẫn hoặc giáo trình.
Nhờ thế mà giáo lý viên nắm vững nội dung bài giáo lý, trình bày bài giáo lý một cách mạch lạc, súc tích.
- Giáo án giúp giáo lý viên giảng dạy đúng kế hoạch, không bỏ sót nội dung, không tùy tiện mở rộng thái quá (đến nỗi có thể lạc đề).
- Giáo án là chỗ dựa vững chắc cho Giáo lý viên, giúp Giáo lý viên tự tin khi đứng lớp, cũng như phân bố và điều chỉnh thời gian cho hợp lý.
IV/ Kết Cấu Của Một Giáo An Giáo Lý
Có nhiều cách kết cấu một giáo án giáo lý, tùy theo mỗi giáo phận, mỗi nhóm biên soạn giáo lý. Xin đề nghị ở đây một mẫu giáo án.
1. Tên Bài, Tên Giáo An Giáo Lý
2. Ý Chính Bài Giáo Lý: Lời Chúa – Ý Chính
3. Phương Pháp Và Phương Tiện (sử dụng trong giờ lên lớp)
4. Các Bước Lên Lớp (theo Phương Pháp Thực Nghiệm): Gồm 5 bước:
- Từng bước và từng phần nội dung bài giáo lý phải dự tính phân chia thời gian thật cụ thể.
- Phải ghi rõ ràng, cụ thể từng hoạt động thực hiện trên lớp trong giờ giáo lý.
- Có thể chia trang giáo án thành 3 cột:

Hoạt động trên lớp
(A)
Thời gian
(B)
Tiến trình lên lớp
(C)
- Hệ thống những câu hỏi.
-   Những họat động của thầy và trò sẽ thực hiện trong giờ giáo lý
-   Những chú thích, trích dẫn, giải nghĩa...
Dự tính và phân chia thời gian hợp lý cho từng bước, từng hoạt động lên lớp trong giờ giáo lý
- Ghi nội dung tóm lược bài giáo lý. Thường là những câu giáo lý trong sách bổn.
- Nội dung phải được ghi tương ứng với hoạt động (cột A).
Ghi chú:
Có thể không để thời gian thành một cột riêng mà dự kiến luôn trong cột “hoạt động trên lớp”. Tham khảo thêm giáo án mẫu.
Có nhiều vị huấn giáo đưa ra các bước lên lớp khác nhau, dầu vậy tất cả đều đạt các mục tiêu của giáo dục là: tri thức – động lực và niềm tin – hành vi.
4.1/ Bước 1: Mở Đầu
a/ Ổn Định : Hát – điểm danh
b/ Thánh Hóa: Cầu nguyện đầu giờ
c/ Kiểm Tra Bài Cũ:
(Ghi rõ câu hỏi kiểm tra và định rõ sẽ kiểm tra em nào.)
4.2/ Bước 2: Từ Cuộc Sống
- Chọn một câu chuyện hay một sự kiện, biến cố cụ thể trong thực tế cuộc sống dẫn tới nội dung Lời Chúa trong bài giáo lý.
- Đặt câu hỏi gợi ý để giúp các em suy tư về vấn đề vừa nêu ra.
- Dựa vào hiểu biết, các phương tiện (tranh ảnh, phim ảnh…) và kinh nghiệm riêng của mình, Giáo lý viên dẫn dắt các em gặp gỡ Chúa (qua Lời Chúa) để đào sâu vấn đề.
4.3/ Bước 3: Lên Tới Chúa
a/ Công bố Lời Chúa: Cần có một bầu khí nghiêm trang, kính cẩn khi đọc – nghe Lời Chúa.
b/ Dẫn Giải Nội Dung Giáo Lý:
- Đây là phần chính của giáo án, quan trọng trong giờ giáo lý.
- Vận dụng các phương pháp dạy học để chứng minh, lý giải nội dung giáo lý dựa trên Lời Chúa và giáo huấn của Giáo Hội giúp các em:
+ Hiểu Chúa muốn nói với ta điều gì? Giáo Hội giải thích thế nào?
+ Đối chiếu kinh nghiệm sống với Lời Chúa và giáo huấn Giáo Hội.
+ Chia sẻ những kinh nghiệm sống khác để giúp các em đào sâu và mở rộng kinh nghiệm sống của bản thân.
c/ Nhớ Lời Chúa:
- Củng Cố: Giáo lý viên nêu lên một vài câu hỏi củng cố bài học. Hoặc cho các em đọc các câu tóm lược của bài giáo lý.
- Ý Lực Sống (thường là câu Lời Chúa)
4.4/ Bước 4: Trở Về Với Cuộc Sống
a/ Thái Độ Nội Tâm: Rút bài học áp dụng vào cuộc sống.
b/ Cầu Nguyện: Mời gọi các em bày tỏ tâm tình với Chúa bằng một lời nguyện hay chia sẻ một cảm nghiệm đức tin. Hoặc cho các em lặp lại ý nguyện theo GLV (đây là đỉnh cao của giờ giáo lý, GLV dẫn đưa các em đến một sự kết hợp với Chúa Giê su Kitô và nhờ Ngài lên tới Thiên Chúa)
c/ Sống Theo Ý Chúa (Điểm Thực Hành)
+ Thực hành giáo lý: Hướng dẫn các em lấy quyết tâm thực hành bằng một hành động cụ thể để bày tỏ thái độ sống: làm một điều gì; hay thay đổi một cách sống, sửa một thói hư tật xấu nào đó (chỉ lấy một hoặc hai quyết tâm thực hành thôi).
+ Sinh hoạt giáo lý: Chọn sinh hoạt (hát, băng reo, trò chơi…) phù hợp với chủ đề bài giáo lý và lứa tuổi các em.
+ Bài tập về nhà cho các em làm.
4.5/ Kết Thúc:
- Nhận xét giờ học, nhắc nhở những điều cần thiết.
- Cầu nguyện kết thúc: một bài hát hay một kinh đọc.
- Chào chúc các em ra về (Chúa Giêsu ngự trị lòng taLuôn luôn)
5/ Rút Kinh Nghiệm:
Sau khi dạy một bài (giờ) giáo lý, Giáo lý viên nên dành một thời gian (chừng 30 phút) để tự đánh giá, rút kinh nghiệm giờ dạy giáo lý của mình và cầu nguyện.
Cần làm ngay sau khi kết thúc giờ giáo lý.
Ghi lại những ưu khuyết và những nhận xét.