• Trang chủ

Bài 8- TỔ CHỨC GIỜ GIÁO LÝ THEO PHƯƠNG PHÁP CHỦ ĐỘNG


I. Tư Duy Tích Cực Và Nâng Cao Tư Duy
1. Tích Cực Hóa Tư Duy
Tích cực hóa tư duy là sự suy nghĩ chủ động và sáng tạo hợp lôgic trong việc tìm hiểu và giải quyết vấn đề.
2. Phát Triển Các Kỹ Năng Tư Duy Mức Cao
Theo Bloom, để tăng cường các tư duy cấp cao, trong dạy – học người thầy phải nêu câu hỏi và tạo thử thách cho học viên đi theo trình tự tư duy từ thấp đến cao theo thang cấp độ trí năng.
  II. Nguyên Tắc Chủ Động Là Gì?
1. Nguyên Tắc Chủ Động [1]
Để giúp học sinh tham gia một cách tích cực trong việc tìm hiểu, suy tư và huy động sáng kiến, sáng tạo giờ dạy – học cần bảo đảm đúng các nguyên tắc: tư duy tích cực – lắng nghe tích cực – hoạt động tích cực – tôn trọng mọi ý kiến.
2. Phương Pháp Giáo Dục Chủ Động[2]
Để một giờ dạy - học có hiệu quả và tích cực, cần tổ chức những hoạt động trao đổi giữa thầy – trò và trò – trò.
Các hình thức như: đối thoại, thảo luận, học tập theo nhóm – diễn kịch… Tùy theo hoàn cảnh thực tế, có thể sử dụng một số phương tiện hỗ trợ cho việc dạy – học.
Ngôn ngữ phải bình dị, thực tế, nội dung cụ thể và phản ánh đúng thực tế.
Giáo lý viên nêu vấn đề hay trình bày những nét chính của vấn đề, để giúp học viên phân tích và tìm ra giải pháp cho vấn đề.
Bài học chính là ý kiến học viên được tổng hợp nâng lên thành lý luận.
Giáo lý viên cần chú trọng các đức tính: tình yêu – tôn trọng và biết quan tâm đến học sinh – biết kiên nhẫn chờ đợi – biết lắng nghe – khuyến khích sự suy nghĩ độc lập
3. Kỹ Năng
Giáo lý viên phải linh hoạt và năng động.
Có khả năng lập hệ thống câu hỏi để trao đổi: Nắm vững kiến thức, nắm vững đường lối giáo dục (trong việc dạy giáo lý là nắm vững đường lối huấn giáo), hiểu thấu tâm lý.
Có khả năng sử dụng các phương tiện linh hoạt giáo lý: sơ đồ, hình ảnh, phim ảnh, bài hát, trò chơi, băng reo, nhạc nền… một cách hợp lý để minh hoạ nội dung và tạo bầu khí sinh động.
Tổ chức hoạt động theo phương pháp năng động nhóm (lý tưởng từ 4 - 8 người / nhóm).
Lưu Ý
Giáo lý viên không chỉ nêu lên vấn đề (bằng cách đặt câu hỏi), rồi để học viên trao đổi với nhau, mà cần phải cung cấp kiến thức, bổ sung, sửa sai, hoàn chỉnh ý kiến của học viên. Do vậy, giáo lý viên phải có sự chuẩn bị bài cách kỹ lưỡng.
Trong một giờ học theo nguyên tắc chủ động, mức độ trình bày của giáo lý viên chiếm từ 50% - 70% thời gian; học sinh trao đổi chiếm 30% - 50%.
4. Tổ Chức Làm Việc Nhóm [3]
4.1/ Công Việc Khởi Đầu
- Giáo lý viên trình bày vắn gọn, rõ ràng, chính xác đề tài thảo luận, có thể dưới dạng câu hỏi.
- Chia nhóm, ấn định địa điểm và thời gian làm việc nhóm
4.2/ Trao Đổi Trong Các Nhóm
- Các thành viên chọn “người dẫn đầu” (nhóm trưởng) chọn thư ký.
- Nhóm trưởng có vai trò rất quan trọng là giữ cho cuộc thảo luận được khách quan và sinh động.
- Mỗi thành viên tích cực và tự giác đóng góp ý kiến cho đề tài (khoảng 2 phút/người/ lần). Nếu cần nhóm trưởng mời đích danh từng người.
- Thư ký ghi chép lại, đúc kết các ý kiến thành bản báo cáo ngắn gọn, súc tích để trình bày cho cả lớp khi thảo luận chung.
- Khi trao đổi cần biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến của người khác. Nếu cần có thể phê bình tranh luận ý kiến để rút ra nhận xét chung đúng theo đòi hỏi của đề tài.
- Khi muốn phát biểu phải xin phép, phát biểu ngắn gọn, súc tích. Không được cướp lời.
Lưu ý: Giáo lý viên cần quan sát, theo dõi khi các nhóm thảo luận, để nếu cần thì can thiệp đúng lúc.
4.3/ Thảo Luận Chung
Các nhóm tập trung về lớp và trình bày báo cáo của nhóm mình (3 – 4 phút / nhóm)
Giáo lý viên ghi lại (có thể viết lên bảng hoặc để nhóm viết lên) tóm tắt ý kiến của mỗi nhóm. Nếu cần giáo lý viên có thể bổ sung, hoàn chỉnh ý kiến của nhóm cho cả lớp.
Nếu có thắc mắc, nhóm phải trả lời. Nếu chưa rõ ràng giáo lý viên sẽ làm sáng tỏ. Thắc mắc nào chưa giải quyết xong thì ghi lại và giải quyết vào giờ học sau.
Giáo lý viên tổng hợp các ý kiến trình bày của nhóm, nâng lên thành lý luận xây dựng nội dung bài học.
Lưu ý:
Giáo lý viên cần nhận định về các giá trị và giới hạn về quan điểm của mỗi nhóm đưa ra.
Dựa vào các nền tảng cơ sở lý luận (giáo lý thì dựa vào Mạc khải và giáo huấn của Giáo Hội) các giá trị đạo đức nhân văn để làm nổi bật lý do biện minh, chân lý đức tin mà mỗi nhóm đưa ra.
4.4/ Kết Thúc
Dựa vào những ý kiến thảo luận về đề tài, giáo lý viên cùng với học viên phải rút ra được thái độ và hành vi thể hiện trong cuộc sống đối với vấn đề vừa thảo luận.
III. Phương Pháp Hoạt Động [4]
1. Định Nghĩa
Phương pháp hoạt động là những phương pháp để học sinh học tự nhiên bằng cách giúp chúng quan sát, nhận xét, sưu tầm, nghiên cứu để tự tìm hiểu, giáo lý viên không bắt buộc phải dạy học trực tiếp theo lối truyền thụ, mà chỉ là người hướng dẫn sẳn sàng giúp đỡ học sinh một cách kín đáo khi cần thiết chứ không nói thay, làm thay học sinh.
2. Đặc Điểm Của Phương Pháp
Học sinh giữ vai trò trung tâm, là chủ thể tích cực hoạt động cả thể chất lẫn tinh thần trong khi học tập. Giáo lý viên là người hướng dẫn sẳn sàng giúp đỡ học sinh khi thực sự cần thiết.
Giáo lý viên dựa vào tâm lý lứa tuổi mà đưa ra những hoạt động thích hợp kích thích lòng ham muốn học hỏi giúp người học thu thập kiến thức và rút kinh nghiệm.
Giáo lý viên hướng dẫn (bằng những gợi ý) để người học tự học hỏi bằng quan sát, tìm hiểu thực tế sự vật hay sự việc, làm thí nghiệm trực tiếp, chứ không giảng giải trừu tượng qua sách vở và lời giảng của giáo lý viên.
Học tập theo chủ điểm: giáo lý viên đưa ra nhiều vấn đề chung quanh một chủ điểm để người học tìm hiểu dưới mọi khía cạnh, mọi hình thức.
Những nội dung chương trình, bài học phải gần gũi với thực tế cuộc sống của học viên đang sống, tránh xa rời thực tế.
Tổ chức hoạt động theo nhóm.
3. Cách Tổ Chức Học Tập Theo Phương Pháp Hoạt Động
Tổ chức thành ba giai đoạn:
3.1/ Giai Đoạn I: Chuẩn Bị
- Cho học viên biết bài học kỳ tới và một dàn bài sơ lược kèm theo những câu hỏi gợi ý.
- Chia học viên thành từng nhóm tùy khả năng (có thể nhóm cố định hoặc không cố định), phân công cho mỗi nhóm đề tài (tùy theo bài học có thể là mỗi nhóm làm một phần hoặc tất cả các nhóm đều làm theo một dàn bài).
3.2/ Giai Đoạn II: Khảo Sát Và Nghiên Cứu
Các nhóm làm việc riêng ngoài lớp học để:
- Tìm hiểu phần bài học nhóm phụ trách.
- Sưu tầm tài liệu, sách báo, tranh ảnh và làm thí nghiệm trước.
- Các thành viên lần lượt đóng góp ý kiến trả lời và trao đổi theo những câu hỏi gợi ý của giáo lý viên.
- Nhóm đúc kết thành bài thuyết trình ngắn gọn, súc tích, đầy đủ. Đề cử người sẽ lên thuyết trình.
3.3/ Giai Đoạn III: Thuyết Trình Và Thảo Luận
- Đây là hoạt động được thực hiện tại lớp học.
- Theo thứ tự của nội dung bài, đại diện mỗi nhóm lên thuyết trình trước lớp phần nhóm mình phụ trách, Ngoài nội dung thuyết trình phải giải trình cho lớp về việc sử dụng nguồn tài liệu, học cụ hay thí nghiệm mà nhóm sử dụng để thực hiện bài thuyết trình.
- Mỗi nhóm thuyết trình xong thì dừng lại thảo luận, các học viên khác nêu thắc mắc hay đặt câu hỏi và nhóm thuyết trình giải đáp, nếu cần thiết, giáo lý viên bổ khuyết trước khi tóm tắt điểm chính.
- Cuối cùng giáo lý viên đúc kết và nâng lên thành lý luận (thành nội dung bài học). Giáo lý viên cùng học viên trong lớp nhận xét đánh giá, rút kinh nghiệm về hoạt động của mỗi nhóm.
Sau khi đúc kết trên bảng, nếu có thể được học viên nên thực tập lại rồi ghi chép toát yếu bài học; giáo lý viên có thể đưa ra một trò chơi liên quan đến nội dung bài học (phần thực hành).
 

[1] Living Values anh Educational Program (LVEP), Giáo trình huấn luyện dành cho giáo dục viên, 1999 - 2000
[2] Chú Thích: GIÁO DỤC CHỦ ĐỘNG
1. Con Đường Đưa Đến Giáo Dục Chủ Động
Một trong các nhà giáo dục tiên phong là J.J Rousseau (Pháp, 1712 – 1778) đã đưa ra nhiều quan điểm độc đáo mở đường cho giáo dục theo phương pháp hoạt động và phác hoạ ra những nguyên tắc về dạy – học cho nền giáo dục thế giới thời hiện đại. Tiếp theo sau ông là sự đóng góp của các nhà giáo dục Johann Pestalozzi (Thụy sĩ, 1746 – 1872), Friedrich Froebel (Đức, 1782 – 1852).
Đến cuối thế kỷ XIX, nhờ sự phát triển của khoa tâm lý, phong trào cải cách giáo dục sôi nổi hẳn lên. Các nhà sư phạm – giáo dục đã lên tiếng chỉ trích lối học nhồi sọ, kiểu “mớm cho ăn” và chủ trương cần phải làm cho học sinh sinh viên tự học hỏi bằng sự khao khát và suy luận. Đến đầu thế kỷ XX, ở châu Âu lẫn Bắc Mỹ, các nhà sư phạm, giáo dục thực nghiệm như Francis Parker (Mỹ, 1837 – 1902), Ovide Decroly (Bỉ, 1871 – 1932), Maria Montessori (Ý, 1870 – 1952) đã nghiên cứu và đã đưa vào thực nghiệm một phương pháp giáo dục mới – phương pháp giáo dục chủ động hay phương pháp lấy học sinh làm trung tâm. Các quan điểm giáo dục và phương pháp dạy học này được tóm tắt trong tác phẩm “Học đường hoạt động” (L’école active) của Adolphe Ferrièrè (1922) và nó được hầu hết các nước trên thế giới vận dụng đưa vào trong giáo dục trường học.
Trong đường lối canh tân về phương pháp giáo dục và huấn giáo, Công Đồng Vatican II đề nghị vận dụng giáo dục chủ động và những quy luật tâm lý và sư phạm để tạo ra bầu khí lớp học sinh động, vui tươi với sự tham gia xây dựng nội dung bài học cách tích cực của học sinh.
2. Quan điểm Giáo dục của Jean Jacques Rousseau (1712 – 1778) (theo Lê Thanh Hoàng Dân (1972), Sư Phạm Lý Thuyết, quyển II, Nxb Trẻ, Sài Gòn, trang 196 – 200 và Bryan Magee (2003) Câu chuyện triết học, nxb Thống kê, Hà Nội. Và Đoàn Huy Oánh (2005), Tâm Lý Sư Phạm, nxb ĐHQG Tp. HCM, trang 326 – 327).
Rousseau sinh tại Genève ngày 28.6.1712, Mẹ ông mất tám ngày sau khi ông sinh, cha ông thường bận bịu với nhiều công việc thất thường nên gửi ông cho người em chăm sóc. Ông qua tay nhiều người nuôi dạy, đầu tiên, người chú gửi ông cho vị mục sư Tin Lành ở Bossey. Năm 1727, ông đi học nghề, mới đầu là công chứng viên, sau đó là thợ khắc chữ, bị người này đối xử tàn nhẫn, đánh đập bắt nhịn đói và làm việc suốt ngày khiến ông phải bỏ đi. Mặc dầu cực khổ nhưng Rousseau rất ham mê đọc sách.
Quan điểm chính yếu về giáo dục của Rousseau là đưa ra một đuờng lối giáo dục tự nhiên, quan tâm tới cá nhân học sinh. Đối với Rousseau, việc dạy dỗ trẻ không được đốt giai đoạn, vì một khi trẻ không lĩnh hội được, chúng sẽ hành động lầm lẫn hết sức tai hại. Trong cuốn “Émile hay về giáo dục” ông chia việc giáo dục ra thành từng giai đoạn:
-      Từ khi lọt lòng mẹ đến khi biết nói, cần phải được học hỏi sinh hoạt cử động tay chân, nhất là sử dụng giác quan. Giai đoạn này cần quan tâm tới nhu cầu thực và nhu cầu giả tạo.
-      Từ khi biết nói đến 12 tuổi, trò chơi giáo dục và giải trí nên được áp dụng, vì đứa bé không chỉ học hỏi qua sách vở mà còn phải học hỏi qua kinh nghiệm.
-      Từ 12 tuổi đến 15 tuổi, ngoài việc học hỏi qua sách vở, kinh nghiệm, đứa trẻ cần phải học hỏi kiến thức thực nghiệm về nghề nghiệp tương lai, cần thực hành những thí nghiệm, áp dụng khoa học vào đời sống, học hỏi cách vận dụng những kinh nghiệm xã hội và việc ứng xử trong những hoàn cảnh thực tế.
-      Giai đoạn trước ngưỡng cửa tuổi trưởng thành, cần được học hỏi phân tích lý luận để tìm ra chân lý, sự thật.
3. Quan Điểm Giáo Dục của Maria Montessori (1870 – 1952) (Theo Đoàn Huy Oánh, 2005, Tâm Lý Sư Phạm, nxb ĐHQG Tp. HCM,trang 331 – 332)
Maria Montessori là bác sĩ người Ý chuyên tâm nghiên cứu phương pháp sư phạm để giáo dục trẻ em. Phương pháp của bà đặt căn bản trên sự tin tưởng vào khả năng sáng tạo của trẻ em, thúc đẩy, khuyến khích trẻ em học tập và nhìn nhận trẻ em được giáo dục với tư cách cá nhân.
Mục đích của phương pháp là phát triển thái độ học tập hứng khởi và thực hành thói quen tốt áp dụng cho trẻ em từ 3 – 6 tuổi. Bà quan niệm rằng học sinh phải được giảng dạy các bài học thực tế, có liên quan đến cuộc sống hàng ngày; lớp học phải được tổ chức một cách linh động và học sinh có thể di chuyển dễ dàng trong việc tìm hiểu học hỏi. Bà khám phá ra nhiều trò chơi giáo dục có khả năng khuyến khích thái độ học tập, giúp học sinh phát triển khả năng nói, viết, tìm hiểu, sáng tác...; lớp học cũng có thể tổ chức thành từng nhóm nhỏ 2,3 em để chia sẻ kinh nghiệm học tập và tìm tòi khám phá trong một thời gian ấn định.
Theo phương pháp Montessori, dưới sự hướng dẫn của giáo viên, học sinh phát triển được tính tự chủ, óc sáng tạo cá nhân, óc tò mò, phát triển thái độ hành động chính xác, học hỏi những thói quen tốt trong việc lĩnh hội và áp dụng kiến thức.
[3] Sh. Lui Minh, Người Dẫn Đầu - Chia Sẻ Giờ Giáo Lý, tập 4, Tủ sách La San.
[4] Lê Thanh Hoàng Dân, sđd, trang 101 - 106

 
1. Khả năng vận dụng nguyên tắc chủ động, nghĩa là có khả năng đưa ra hệ thống câu hỏi và tổ chức các hoạt động tích cực trong các lớp giáo lý hiện nay tại Việt Nam:
1.1/ Đánh giá mức độ vận dụng (tỉ lệ %)
.........................................................................................
1.2/ Chỉ ra các hoạt động thực hiện được (so với 13 hoạt động tích cực (bản phụ chú)
.........................................................................................
1.3/ Trong một tiết dạy giáo lý thường sử dụng hoạt động nào. Tại sao?...........................
.........................................................................................
1.4/ Ít sử dụng hoạt động nào. Tại sao?
.........................................................................................
.........................................................................................
2. Đánh giá việc vận dụng phương pháp hoạt động:
2.1/ Có hay chưa vận dụng phương pháp hoạt động trong giáo dục tại Việt Nam. Nhóm (tổ chức) nào thường thực hiện?
...........................................................................................
...........................................................................................
2.2/ Đã được vận dụng vào việc dạy giáo lý chưa?
Mức độ vận dụng (tỉ lệ %)..................................................
Những nguyên nhân:
...........................................................................................
...........................................................................................