• Trang chủ

Bài 6- GIÁO DỤC NHÂN BẢN VÀ CHỨC NĂNG GIÁO LÝ VIÊN


I. Vai Trò Giáo Dục Trong Sự Hình Thành Và Phát Triển Nhân Cách
Tâm lý học chiều sâu (theo Freud) cho thấy con người có:
Tự ngã (id): Bản năng hay ước muốn hướng con người đến thoả mãn những nhu cầu sinh lý và nó được hình thành theo sự phát triển sinh lý.
Siêu ngã (superego): Những chuẩn mực xã hội (có thể chống lại bản năng) được con người tiếp nhận và lấy làm của mình. Theo sự phát triển nhận thức, con người hình thành nơi mình ý thức về những điều cần tránh và chiến lược cần theo, để đánh giá những hành động của mình (và của người khác), cũng như để chế ngự bản năng. Đó chính là siêu ngã.
Bản ngã (self) hay còn gọi là “Cái Tôi” (ego) [1]: Con người tự ý thức về mình.
Trong môi trường xã hội, khi đi tìm những giải đáp cho bài toán về việc đáp ứng cho bản năng đồng thời thoả mãn theo những chuẩn mực xã hội, tự trong con người phải giải quyết sự xung khắc giữa siêu ngã và bản ngã, tức là những trở ngại và những hỗ trợ do các chuẩn mực xã hội. Dần dần con người hiểu biết, nhận thức về mình. Từ đó hình thành một nhân cách riêng biệt, một “cái Tôi”. Đó chính là bản ngã.
Bản ngã bị chi phối nhiều bởi những xung động của bản năng tự nhiên chỉ biết thỏa mãn cho những nhu cầu sinh lý của thể xác, giáo dục gọi đó là “con người thứ nhất có tính tự nhiên”, người chưa trưởng thành.
Con người có bản ngã lành mạnh, sử dụng khả năng tinh thần, trí tuệ, thể chất một cách đầy đủ, hợp lý theo những chuẩn mực xã hội, giữ được thế quân bình trong hành vi, lời nói, ứng xử... của mình. Con người ấy có nhân cách trưởng thành.
Tự mình con người không thể phát triển toàn diện nhân cách, mà cần phải được giáo dục. Giáo dục đóng vai trò chủ đạo trong sự hình thành và phát triển nhân cách con người.
2. Giáo Dục Những Gì Cho Học Sinh Chúng Ta ?
Giáo dục nhân bản là dạy cho học sinh biết các tiêu chuẩn đạo đức, tập cho chúng sống và biến các tiêu chuẩn ấy trở thành của mình. Cái Tôi nghiêng về, chấp nhận những xung động của bản năng càng nhiều, con người ấy càng giống con thú, chỉ biết thỏa mãn cho những nhu cầu sinh lý của thể xác như con thú. Ngược lại, Cái Tôi hướng về, sống theo siêu ngã, người ấy sẽ trở nên thánh. Giáo dục là làm cho con người không trở  nên thú cũng không trở thành thánh; chỉ cốt làm cho nó trở thành người, sống đúng với tư cách là con người.
 Trong đạo đức truyền thống của Việt Nam, làm người phải biết: Cần - Kiệm - Liêm - Chính, nam phải có Nhân - Lễ - Nghĩa - Trí - Tín; nữ phải có Công - Dung - Ngôn - Hạnh, nghĩa là dạy cho học sinh biết sống để trở thành người, một người Việt Nam chân chính tiếp bước truyền thống anh hùng và tinh thần nhân đạo của cha ông.
Tùy theo sự lớn khôn về thể lý và nhận thức của các em để giáo dục chúng. Xin đưa ra bốn giai đoạn của việc giáo dục nhân bản cho học sinh:
2.1/ Giai đoạn 1
Khi  các em còn nhỏ, dạy cho chúng “học ăn, học nói, học gói, học mở”, tức là dạy cho chúng những đức tính cơ bản như: lễ phép, sạch sẽ, ăn mặc chỉnh tề, giờ giấc, chuyên cần, trung tín, ngay thẳng, thật thà, đơn sơ, tôn trọng, ngăn nắp, cẩn thận, biết thông cảm, khoan dung, thương người...
2.2/ Giai đoạn 2
Khi các em khôn lớn hơn, tập cho chúng trưởng thành trong suy tư, trong cảm xúc, trong hành động, trong giao tiếp.
a.Trưởng Thành Trong Suy Tư: tức là tập các em biết suy nghĩ, nhận xét, đánh giá đúng đắn, có tư tưởng trong sáng, mạch lạc, sâu sắc, biết lý luận...
b. Trưởng Thành Trong Cảm Xúc:  tức là dạy cho các em có thái độ tự nhiên không rụt rè, bi quan, sợ hãi, bình thản biết dồn nén phóng túng, không bồng bột, biết làm chủ mình (tự chế), không mặc cảm, luôn biết sống trong trạng thái bình tâm,.
c. Trưởng Thành Trong Hành Động: Là tập cho các em tích cực trong các hoạt động, không ù lì, thụ động, cũng không bốc đồng, hiếu động, có tinh thần trách nhiệm đối với công việc, biết nhận lỗi và cũng biết thông cảm thứ tha, kiên trì nhưng đừng cố chấp, ngoan cố.
d. Trưởng Thành Trong Giao Tiếp (trong các mối tương quan):
- Với chính mình: Biết giữ quân bình về mặt tâm lý, dám trực diện với con người thật của mình để vươn lên. Không tự ti cũng đừng tự tôn.
- Với người khác: Biết tôn trọng, lịch sự với người khác, chấp nhận cá biệt của mỗi người, hòa nhã, không tìm cách chiếm hữu của người khác, biết cởi mở không sống trong tự thế tự vệ, không luồn lách hay xu nịnh, cũng không khinh thường người khác.
- Với thế giới, vũ trụ: Biết gìn giữ, bảo vệ môi trường, biết ca ngợi thán phục thế giới, vũ trụ và tôn trọng và gìn giữ các thành tựu văn minh trên thế giới, các nơi công cộng, biết đọc từ các biến cố, hiện tượng xảy ra trong thế giới và vũ trụ những ý nghĩa cuộc sống và dấu chỉ của thời đại.
2.3/ Giai đoạn 3
Khi các em trưởng thành, dạy cho các em hiểu một số giá trị nhân bản như: tự do, hoà bình, tình yêu, sức khoẻ, văn hóa, tiền bạc, nghề nghiệp, giải trí, thẩm mỹ... và biết đặt các giá trị theo đúng bậc thang của chúng.
2.4/ Giai đoạn 4
Sau khi các em nhận thức được những giá trị của cuộc sống, còn phải dạy cho các em có những quan niệm đúng về các giá trị và các khái niệm. Chẳng hạn về con người, về cái đẹp, về nhân quyền, về tôn giáo, về đạo đức, về hạnh phúc...
3. Chức Năng Của Giáo Lý Viên Trong Việc Giáo Dục
Các nhà sư phạm cách chung đều đồng ý với nhau rằng: Nhà giáo dục, cách riêng các nhà sư phạm để chu toàn thiên chức cao quý của mình phải thực hiện đầy đủ 5 chức năng:
3.1/ Chức Năng Truyền Đạt Kiến Thức Cho Học Sinh
Đây là chức năng đầu tiên của của nhà giáo dục. Giáo  lý viên khi truyền đạt cho học sinh kiến thức về Đạo, chúng ta đang giáo dục trí dục cho các em. Để cung cấp cho các em một kiến thức đầy đủ rõ ràng, chính xác, đòi hỏi giáo lý viên phải nắm vững kiến thức giáo lý, không những thế mà còn không được dất về những kiến thức phổ thông.
3.2/ Chức Năng Phát Triển Nhân Cách Cho Học Sinh
Tùy theo lứa tuổi mà giáo lý viên kết hợp việc dạy giáo lý với việc hướng dẫn cho các em những đức tính căn bản của con người, giúp các em trưởng thành trong suy tư, trong cảm xúc, trong hành động... Thực hiện chức năng này, đòi hỏi giáo lý viên phải là những con người mẫu mực trong nhân cách, phải là “tấm gương sáng cho học sinh noi theo”, có những suy tư đúng đắn, tập làm chủ mình trong cảm xúc và hành động; tránh những suy nghĩ nông cạn, lệch lạc, những biểu lộ của sự nóng giận, cau có, và những hành vi khiếm nhã, thô bạo trong đời sống, nhất là khi đối xử với các em.
3.3/ Chức Năng Phát Triển Khả Năng Giao Tiếp Cho Học Sinh
Trong quá trình giao tiếp sư phạm, dựa vào Lời Chúa và truyền thống đạo đức, giáo lý viên tập cho các em học sinh khả năng ứng xử tốt trước những tình huống xảy ra trong cuộc sống, nhất là những tình huống đột xuất, đồng thời hướng dẫn các em thiết lập các mối quan hệ với người khác: trong gia đình: với cha mẹ, anh em..., trong trường học: với thầy cô, bạn bè..., và với những người khác ngoài xã hội. Chức năng này đòi hỏi giáo lý viên phải là người biết “đối nhân xử thế”, nhất là phải biết sống các mối quan hệ với lòng yêu mến, điều mà mỗi giờ giáo lý, giáo lý viên đều phải thực hiện đối với học sinh và rất có ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách cho học sinh.
3.4/ Chức Năng Phát Triển Kỹ Năng Tổng Hợp Kiến Thức Cho Học Sinh
Dạy giáo lý là một quá trình giáo dục tổng hợp về nhân bản và đức tin. Giáo lý viên khi dạy giáo lý, tập cho các em có cái nhìn đức tin về tất cả mọi sự, biết đánh giá, phân tích các hiện tượng, biến cố... xảy ra trong đời sống dưới ánh sáng của Tin Mừng và trên quan điểm của Giáo Hội; đồng thời biết rút bài học cho bản thân. Đây là một chức năng đòi hỏi nơi phải có một đức tin, đức cậy và lòng mến, sự hiểu biết giáo lý một cách tường tận và một đời sống đạo tốt lành.
3.5/ Chức Năng Củng Cố Và Làm Phát Triển Lý Tưởng Và Niềm Tin
Con người sống không thể thiếu lý tưởng và niềm tin, ai đánh mất lý tưởng và niềm tin, người đó không thể định hướng cho cuộc đời của mình, họ chỉ như “cây sậy phất phơ trước gió”.
Dạy giáo lý, trước hết là giáo dục đức tin cho các em, mục đích của việc dạy giáo lý là giúp các em biết Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa và tin nhận Ngài, nhờ đó mà được sống nhân danh Ngài và đựơc gia nhập vào Giáo Hội là Thân Thể mầu nhiệm của Ngài.
“Không ai có thể cho cái mình không có”. Sẽ không mang lại kết quả gì trong việc dạy giáo lý nếu giáo lý viên trong khi truyền đạt giáo lý lại không đủ xác tín, nhất là khi đời sống giáo lý viên không trở nên như một chứng từ về lòng tin, lòng mến.
4. Chương Trình Giáo Dục Nhân Bản Trong Các Lớp Giáo Lý [2]
4.1/ Lớp Giáo Lý Khai Tâm – Rước Lễ Lần Đầu
Giúp cho các em biết:
v  Lễ phép trong gia đình
v  Thảo kính với ông bà, cha mẹ … những người trong gia đình
v  Cách cư xử và giao tiếp:
·         Với anh chị trong nhà: thương yêu, giúp đỡ
·         Khi có khách đến nhà: chào hỏi lịch sự lễ phép.
·         Với các bạn trong lớp, trong khu xóm: vui vẻ, hoà nhã, giúp đỡ bạn…
v  Sống ngay thẳng thật thà.
v  An mặc sạch sẽ, gọn gàng.
4.2/ Lớp Giáo Lý Thêm Sức
v Tiếp tục hướng dẫn các em sống những đức tinh nhân bản đã học.
v Dạy các em về sự tôn trọng:
·      Kính trọng đối với người già, người trên: Ông bà, cha mẹ, thầy cô, người lớn tuổi.
·      Yêu mến bạn bè, nhường nhịn người nhỏ hơn mình.
·      Giữ sự tôn nghiêm trong các nơi thờ tự, nghiêm trang trong các nơi hội họp.
v  Tập luyện sống công bằng, ngay thẳng:
·         Triệt hạ tính nói dối, thề gian, làm chứng gian.
·         Tập sống công bằng trong gia đình, với bạn bè, với mọi người (về giá trị vật chất)
v  Triệt hạ tính tham lam hung ác, tư thù tư oán.
v  Tập cách đi đứng, ăn mặc, lịch sự ở các nơi công cộng.
4.3/ Lớp Giáo Lý Bao Đồng
v  Luyện tập đức tính ngay thẳng công minh torng cách đối xử
·      Tôn trọng lẽ phải, lẽ công chính.
·      Triệt hạ lòng ghen ghét, tị hiềm, tật nói xấu, bôi nhọ, đặt điều gian, làm chứng gian
v  Lòng biết ơn và đền đáp công ơn.
v  Dấn thân làm việc thiện.
v  Can đảm chống lại bất công, bất nghĩa.
v  Luyện tập sống bác ái: yêu thương giúp đỡ người khác, nhất là những người tàn tật bệnh hoạn, các trẻ em người già, người lỡ đường…
v  Tiếp tục luyện tập tư cách ở những nơi công cộng như  nơi công sở, phố xá, chợ búa, công viên, khi đi trên xe tàu.
v  Tập óc biệc phân, nghĩa là tập sự công mình trong cách nhận định, trong cách phân xử đánh giá một người, một việc, một vấn đề, một biến cố …
v  Giúp các em giữ gìn lương tâm trong sáng.
v  Cho các em biết nhận định về các giá trị cuộc sống.
4.4/ Lớp Giáo Lý Vào Đời
Giúp các em
v  Định hướng cuộc đời, tìm cho mình một lý tưởng sống.
v  Biết chọn bạn để thăng tiến đời sống.
v  Biết sử dụng cách đúng đắn các phương tiện truyền thông, giải trí và các của cải vật chất.
v  Có bậc thang giá trị để đánh giá các giá trị cuộc sống.
v  Cách giao tiếp trong cuộc sống: đối nhân xử thế, làm thế nào để tạo uy tín…
v  Biết nghệ thuật sống: đắc nhân tâm, gương thành công…
-          Có óc tổ chức: Biết tổ chức và điều khiển buổi sinh hoạt.
-          Luyện tập nghệ thuật nói chuyện trước đám đông.
-          Tập tinh thần trách nhiệm, dấn thân, nhất là tập cho có lương tâm nghề nghiệp.
-          Luyện tập cho có ý chí và tập tính kiên nhẫn.
-          Luyện tập cách bộ lộ tình cảm và xây dựng những tình cảm cao đẹp.
-          Tập tha thứ, khoan dung
5. Kết:
“Con người không thể leo núi nếu không đi vững trên đất bằng”, không thể là một Kitô hữu tốt nếu chưa phải là một con người tốt. Công cuộc loan báo Tin Mừng qua việc dạy giáo lý không thể bỏ qua bổn phận giúp học sinh khám phá các giá trị nhân phẩm của con người. Khi dạy giáo lý, giáo lý viên phải chuẩn bị cho các học sinh sống bổn phận đó[3].
 

[1] Chú thích: Jung - nhà tâm lý học chiều sâu còn phân biệt Cái Ngã (self) là toàn thể  cái tâm linh của ta; còn Cái Tôi (ego) là trung tâm ý thức được của cái ngã  (d’Apice, Noon to Nightfall, 1989, p. 64. Sh. Phillip Lộc, fsc, dịch)
[2] Theo Ban điều hành Kỳ Đồng, Chương trình Xây dựng Gia đình, 1995
[3] Thánh bộ Giáo sĩ , sđd, số 19