• Trang chủ

Bài 17- KỶ LUẬT TRẬT TỰ TRONG LỚP GIÁO LÝ


I/ Mục Đích Chung
1. Từ Ngữ:
- Kỷ: nghĩa là tự mình - Luật: nghĩa là những tiêu chuẩn được định ra làm qui tắc hành vi cho mọi người.
- Kỷ luật: là những tiêu chuẩn, qui định mà mỗi thành viên phải làm, phải giữ để rèn luyện bản thân và bảo đảm tính chặt chẽ của tổ chức.
2. Mục Đích Và Ý Nghĩa Của Kỷ Luật Trật Tự Trong Lớp Giáo Lý [1]
Mục đích của việc giáo dục là rèn luyện con người. Dạy giáo lý là giáo dục con người về nhân bản và đức tin, làm cho các em lớn lên trong Giáo Hội và xã hội, trở thành người và thành con Thiên Chúa.
Đối tượng huấn giáo của giáo lý viên là trẻ em. Trẻ em thì chưa hiểu biết đầy đủ, suy nghĩ chưa chín chắn, lý trí còn non nớt. Vì thế để giúp các em học tập tốt, cần phải có kỷ luật trật tự trong giờ giáo lý. Nhưng đó chưa phải là mục tiêu cuối cùng của việc giáo dục đức tin.
Kỷ luật trong lớp giáo lý phải “đượm tinh thần tôn giáo” và tạo được bầu khí thiêng liêng, nghĩa là kỷ luật phải được thực hiện trong bác ái và cầu nguyện, giúp các em lắng nghe, đón nhận và vui vẻ đáp lại (sống) sứ điệp Tin Mừng mà Thiên Chúa muốn gởi đến các em qua bài giáo lý.
II/ Những Điều Kiện Để Tạo Được Kỷ Luật Trong Giờ Giáo Lý
1. Nơi Chính Giáo Lý Viên
a. Tư Cách Giáo Lý Viên
Giáo lý viên phải là gương mẫu cho học sinh noi theo, từ phong cách bên ngoài, thái độ đối với học sinh, đến những đức tính nhân bản của một con người trưởng thành. Thánh Gioan La -San dạy các nhà giáo dục công giáo: “Anh em phải cẩn thận đề phòng chớ suồng sã, nói chuyện đùa bỡn, diễu cợt với học trò của anh, vì điều này gây nên sự hỗn hào nơi chúng và đánh mất tất cả sự kính trọng. Trong lớp học anh nghiêm trang, tề chỉnh, nếu không, học trò sẽ thiếu kính trọng và bất phục anh em”[2]
b. Mười Lời Khuyên Để Giữ Trật Tự Trong Lớp Học [3]:
1.      Hãy tự trọng
2.      Tôn trọng các học sinh
3.      Tin tưởng học sinh
4.      Chuẩn bị chu đáo trước khi giảng dạy
5.      Biết tán thưởng
6.      Lên án những hành vi sai trái nhưng không lên án người phạm lỗi.
7.      Tránh đe doạ, nhục mạ.
8.      Dạy những đức tính nhân bản
9.      Qui định một số điều lệ đơn giản, rõ ràng.
10.  Trau dồi khả năng hài hước, lòng kiên nhẫn chịu đựng và tính uyển chuyển, linh động.
2. Phương Pháp Để Duy Trì Kỷ Luật
2.1/ Giáo Dục Cho Các Em Tinh Thần Kỷ Luật [4]
Từ việc đòi buộc các em tuân giữ những kỷ luật được qui định, giáo lý viên dần dần giúp các em hình thành kỷ luật nội tâm, biết quí trọng kỷ luật, xem kỷ luật như là “lan can” giữ cho các em khi bị “té ngã” không văng ra ngoài.
Để làm được điều này, giáo lý viên luôn nhắc nhỡ các em giữ kỷ luật:
+ vì lòng yêu mến Chúa và muốn làm đẹp lòng Chúa;
+ với tinh thần tự trọng và lòng bác ái không để làm phiền người khác và cũng không để mình bị ai phê phán, coi khinh.
Trao cho từng em, tùy theo khả năng, những trách nhiệm trong việc tổ chức và điều hành lớp như chia tổ, phân chia công tác...
Tổ chức các hình thức thi đua học hỏi, sinh hoạt giáo lý... có đánh giá, kiểm điểm, thưởng phạt.
Khi ý thức và quí trọng kỷ luật, các em biết tự mình và giúp các bạn trong lớp giữ kỷ luật một cách vui vẻ và thoải mái.
2.2/ Vài cách thức để giữ trật tự trong lớp giáo lý [5]:
2.2.1/ Đừng bỏ các em trong lớp không có giáo lý viên trách nhiệm trông coi. Thánh Gioan La San dạy: “Cần giám sát học sinh một cách cẩn thận vì sẽ không thể nào có được trật tự trong trường học trừ khi anh thận trọng canh chừng chúng. Đó là điều bảo đảm cho sự phát triển của chúng.”[6] .
2.2.2/ Lời giảng dạy của giáo lý viên phải minh bạch, rõ ràng để tránh những câu hỏi vô căn cứ. “Hãy cung cấp cho học sinh những phương thức thích hợp với sự phát triển của chúng.” [7] Giáo lý viên cũng nên tránh chứng tỏ với các em hiểu biết của mình bằng cách thi tài khéo với chúng.
2.2.3/ Các phương tiện hỗ trợ cho việc giảng dạy bài giáo lý khi sử dụng xong phải thu xếp lại ngay.
2.2.4/ Trong giờ giáo lý, giáo lý viên phụ giảng tránh mọi lời nói, cử động hoặc tiếng ồn không cần thiết làm các em chia trí. Điều này đặc biệt cần áp dụng trong khi các em làm bài kiểm tra viết hay đang chăm chú thực hành một hoạt động học tập nào đó.
2.2.5/ Sau khi thánh hóa giờ học, hay sau một sinh hoạt giáo lý, giáo lý viên phải vào bài ngay, tránh lưỡng lự để không làm cho các em lợi dụng thời gian trống chuyện trò đùa giỡn.
2.2.6/ Trong giờ học, đừng để các em lên tiếng nếu không có phép của giáo lý viên phụ trách. Đừng để một em nào đó hỏi quá nhiều, cũng đừng tập trung vào một em hay một nhóm; và khi trả lời bất cứ một câu hỏi nào, giáo lý viên phải biết nhìn bao quát lớp để các em khác không cảm thấy bị bỏ rơi sinh ra mất hứng thú học tập, mà đùa giỡn hay làm việc riêng.
2.2.7/ Không để em nào đứng lên hoặc tự tiện đi lại trong lớp. Nếu có thì phải thật hạn chế và phải được giáo lý viên cho phép.
2.2.8/ Giáo lý viên hãy để ý quan tâm hơn đến các em hay ngồi ở hai bên rìa và phía sau lớp học.
2.2.9/ Không nên để một em nào cầm trên tay hay để trên bàn các sách vở, dụng cụ học tập khác không cần thiết cho bài giáo lý đang học.
2.2.10/ Khi cho các em làm bài kiểm tra hay bài thực hành, giáo lý viên nễn tránh giải thích dài dòng không cần thiết, khiến các em khó tập trung. Khi thu bài, giáo lý viêncần đưa ra một hình thức nộp bài (tùy tình hình) để tránh sự lộn xộn, ồn ào.
2.2.11/ Phải chú ý chăm nom giữ gìn nơi học tập cho sạch sẽ, gọn gàng, sắp xếp chỗ ngồi cho các em thích hợp.
3. Vấn Đề Thưởng Phạt
Khen thưởng là liều thuốc kích thích con người duy trì và thực hiện những thói quen, những cử chỉ, những thái độ, những lời nói tốt nên có. Người lớn hay trẻ em đều cần được khen thưởng, càng nhỏ càng thích khen thưởng.
Sửa phạt là cách thức tiêu cực giúp con người xa lánh những cử chỉ, những thái độ xấu và từ bỏ những thói quen không tốt. Thánh Gioan La San dạy: “Anh em phải khiển trách và sửa sai cho học trò khi chúng phạm lỗi” , bởi “khiển trách và sửa sai là giúp học trò canh chừng bản thân chúng khỏi phạm lại những lỗi lầm như vậy,” nhưng “phải cẩn thận để chỉ sửa phạt các em vì đức ái và lòng nhiệt thành mưu ích cho phần rỗi của chúng”. “Kết quả của việc khiển trách khôn ngoan là giúp học trò nhận ra lỗi lầm và sẳn lòng sửa sai, trái lại, sự khiển trách với cảm xúc không kiềm chế ... điều ấy chỉ khiến học trò chống lại thầy cô hướng dẫn và khơi lên nơi các em cảm giác thù hằn và giờn hận đôi khi thật lâu.”[8]
Thưởng hay phạt phải đi liền với hành động đáng thưởng hay đáng phạt. Khi thưởng hay khi phạt, giáo lý viên phải nêu rõ lý do. Việc khen thưởng hay sửa phạt đúng đắn và công bằng sẽ tránh được những bất mãn nơi các em.
Việc khen thưởng hay sửa phạt phải tùy từng học sinh mà xử lý sao cho thật tế nhị và mang tính giáo dục. Giáo lý viên không nên làm việc này một cách vội vàng hấp tấp, nhưng phải làm một cách bình tĩnh, khôn ngoan để giáo dục một cách hữu hiệu.
Khen thưởng có hiệu quả tốt hơn là chê phạt. Giáo lý viên chú ý tìm điều tốt để khen thưởng các em, dù là một điều rất nhỏ. Khen thưởng cũng dễ làm các em tự mãn, kiêu ngạo, háo thắng, ích kỷ..., vì thế giáo lý viên cần luôn hướng các em về ý thức làm việc tốt để sáng danh Chúa và đẹp lòng Ngài.
Sự làm lơ không để ý trước một sai trái của các em có hậu quả rất xấu trong việc giáo dục, vì các em chưa phân biệt  được thế nào là hành động đúng hoặc sai. Theo thánh Gioan La San thì “giáo lý viên phải lưu tâm đặc biệt đến các em học sinh làm điều sai quấy và buộc phải khiển trách sửa sai cho chúng, hãy tránh đừng chiều theo các đam mê của học sinh trong những hoàn cảnh như thế.”Nếu anh em thờ ơ không lo khiển trách học trò khi cần thiết thì anh em đã xao lãng việc bổn phận mà Thiên Chúa đã tín nhiệm trao phó cho anh em để hướng dẫn học trò.”[9]
4. Vài Điều Cần Lưu Ý Khi Sửa Phạt
“ Sửa phạt là đường lối chữa lành” (Cn 22,15) giúp trẻ tiến bộ, chứ không phải phạt cho hả giận. Phạt khi nóng giận thường không hữu hiệu, đôi khi còn gây ra kết quả bất công (x. Dt 12, 5 - 7. 11- 12). Thánh Gioan La San dạy: “Phải cẩn trọng đừng nổi nóng, đừng sửa phạt trong lúc nóng giận.”“Khi cảm thấy mình bắt đầu nổi cơn nóng giận trong lớp, hãy giữ thinh lặng chính mình trong chốc lát cho đến khi cảm giác này tan biến đi.”[10]
Các hình thức phạt phải tương ứng với lỗi phạm và mang tính cách xây dựng. Tránh không được đánh đập hay mắng mỏ, sỉ nhục các em, làm hạ phẩm giá và tổn thương đến lòng tự trọng của chúng.Thánh Gioan La San dạy: “Anh em phải cẩn thận, chỉ sửa dạy học trò vì tình yêu và lòng nhiệt thành”[11], phải tự thấy “thật là hổ thẹn khi dùng những từ ngữ lăng mạ, sỉ nhục đối với học trò vì đó là điều gây xúc phạm đến phẩm giá của các em.”“Đừng bao giờ đánh học trò. Đó là luật cấm. Không phải vì đòn roi mà con người được lôi cuốn nên tốt đẹp. Nhưng cũng cần loại bỏ những học sinh thường xuyên vắng mặt hay những học sinh trễ nãi, biếng nhác, vì tha thứ cho những học sinh này sẽ đem đến sự rối loạn trật tự trong trường học”[12].
Khi cần giáo lý viên nên gặp riêng em phạm lỗi để trao đổi giúp em sửa sai.
Đừng bao giờ làm cho những hình phạt thành hệ thống, khiến các em sợ hãi hoặc luồn lách, tránh né.
Phải tìm ra nguyên nhân sai lỗi trước khi sửa phạt và làm cho các em tự nhận ra lỗi cũng như tự đề nghị hình thức phạt. Đây là điều rất quan trọng để việc sửa phạt được hữu hiệu.
III. Kết Luận
Việc tạo cho các em kỷ luật bên ngoài là cần thiết để từ từ dẫn các em đến kỷ luật bên trong, giúp các em càng lớn càng tự chủ và trưởng thành hơn không chỉ trong giờ giáo lý mà ngay cả trong cuộc sống. Có như vậy, giờ giáo lý thực sự là giờ giúp các em gặp gỡ Chúa, lắng nghe và đáp lại Lời Chúa.
Nhưng giáo lý viên không nên áp dụng các hình thức kỷ luật một cách máy móc, mà phải thay đổi tùy theo khả năng của mình, tùy theo tính tình của các em trong lớp và tình hình của giờ giáo lý. Và khi áp dụng một hình thức kỷ luật đối với một em nào đó, giáo lý viên phải thực hiện bằng tình yêu và với mục đích giáo dục.


[1] Gp. Cần Thơ, Giáo huấn của Giáo Hội về GLV, phần III, 1999.
[2] St. J.B De LaSalle, Letter # 49, 01.1706, to Br. Ponce.
[3] Carl J. Pfeifer và Janaan Manternach trong “Để dạy giáo lý hữu hiệu hơn”, nxb Thuận Hóa, 1999 do Nhóm Huấn Giáo ABC phỏng dịch.
[4] Gp. Cần Thơ, sđd
[5] Tiến sĩ Mai Tâm, Sổ Tay Sư Phạm, Tủ sách La San, 1966, trang 25 - 27
[6] St. J.B De LaSalle, Letter # 40, 03.1708, to a Brother
[7] St. J.B De LaSalle, Meditation for Time of Retreat # 1.3
[8] St. J.B De LaSalle, Meditation for Time of Retreat # 11.1; 12,3.
[9] St. J.B De LaSalle, Meditation for Time of Retreat # 14.3
[10] St. J.B De LaSalle, Letter # 26, 01 và 04.1707, to Brother Gabriel Drolin; Letter #  8, 01. 06.1706, to Brother Hubert.
[11] St. J.B De LaSalle, Meditation for Time of Retreat # 12.3
[12] St. J.B De LaSalle, Letter # 4, 03.1708, to Brother Denis; Letter # 92, to a Brother & Letter # 50, 1706, to Brother Clement.

Phụ chú:
CÁC LỐI SỬ DỤNG QUYỀN BÍNH
(Theo tâm lý gia Lipit và White do Sh. Dèsiré Lê Văn Nghiêm, fsc  dịch)


PHƯƠNG CÁCH SỬ DỤNG
ĐỘC TÀI
DÂN CHỦ
TÙY THÍCH
1
Chọn chính sách đường lối
Người lãnh đạo tự đề ra chính sách và quyết định đường lối, nhóm phải tuân theo
Chính sách, đường lối… được đem ra thảo luận. Nhóm lấy quyết định, người lãnh đạo có trách nhiệm khuyến khích thảo luận, trao đổi trong nhóm.
Người lãnh đạo không có ý kiến trong các quyết định. Ai muốn làm gì tùy thích
2
Chọn phương pháp, giai đoạn
Nhóm được hướng dẫn từng bước, không biết trước phải làm gì, đi đến đâu…
Nhiều cách thức sinh hoạt được đề nghị. Nhóm chọn lựa.
Công việc diễn tiến theo sự góp ý của nhóm.
Người lãnh đạo cung cấp dụng cụ, tài liệu… khi được yêu cầu, nhưng không tham gia vào cuộc thảo luận. Nhóm tự quyết định.
3
Việc phân công chia nhóm
Người lãnh đạo chỉ định công việc và người cộng tác cho từng thành viên của nhóm
Tự do chọn cộng tác viên. Công việc được phân công sau khi trao đổi ý kiến trong nhóm.
Người lãnh đạo không nhúng tay vào việc phân công và bổ nhiệm nhân sự vào các công việc.
4
Việc khen thưởng – chê phạt
Lời khen chê, việc trách phạt chỉ xuất phát từ người lãnh đạo
Người lãnh đạo cố gắng khen – chê, thưởng – phạt cách khách quan, để giúp công việc được hoàn thành tốt. Mỗi người không tìm cách “kéo chăn về phía mình.”
Người lãnh đạo ít quan tâm đến công việc của nhóm. Chỉ lên tiếng khi được yêu cầu, không cảm thấy cần lượng giá công việc hay điều hoà các hoạt động của nhóm.
HIỆU QUẢ
Sợ mà thực hiện. Khi vắng lãnh đạo, các thành viên sẽ tán loạn
Các thành viên trân trọng người lãnh đạo.

Tùy nhóm, nếu thành viên của nhóm: tốt thì có kết quả tốt, xấu sẽ có kết quả xấu
Có những thành tích cao và tức khắc. Những thành viên yếu, không phát huy năng lực.
Thành quả đạt không cao, nhưng lâu bền và hạn chế được những thành viên yếu.

Nên tránh áp dụng
Nên áp dụng
Không nên áp dụng đối với trẻ em và những người chưa trưởng thành.

 
TÌNH HUỐNG SƯ PHẠM
Hãy chọn cách giải quyết các tình huống theo thứ tự ưu tiên:
1. Giáo lý viên đang giảng bài, thấy có hai em đang trao cho nhau một tờ giấy viết cái gì đó kẹp trong quyển tập. Bạn sẽ xử lý:
  1. Làm như không để ý tới, tiếp tục giảng bài.
  2. Đi tới ngay chỗ của hai em lấy tờ giấy hay lấy luôn cả quyển tập đưa lên bàn của mình, tiếp tục giảng bài, sau giờ học trả lại nói cho các em biết là không nên làm thế
  3. Ngưng giảng bài, đến ngay chỗ hai em lấy tờ giấy đọc lớn lên cho cả lớp nghe.
  4. Buộc hai em đứng lên giữa lớp cho đến hết giờ học.
Chọn tình huống:
2. Đang giờ học, có hai học sinh A và B đang cãi nhau. Bạn sẽ:
  1. Hỏi lý do, đề nghị hai em trật tự rồi tiếp tục giờ học cho đến hết giờ mới hỏi lý do và giải quyết.
  2. Mời hai em ra khỏi lớp. Báo cho phụ huynh.
  3. Ngưng bài giảng, giáo lý viên làm cuộc điều tra để xác minh sự thật.
  4. Nhân cơ hội ấy, giảng một bài về nhân bản, rồi cho các em tự xử lý.
Chọn tình huống:
3. Giảng bài, giáo lý viên đưa ra câu hỏi để trao đổi và xây dựng bài học. Sau vài phút suy nghĩ, em A trả lời câu hỏi có pha chút đùa cợt, lớp học cười ồ sau những ý đùa. Lúc ấy bạn sẽ:
  1. Ngưng ngay lời phát biểu của em và nhắc nhở tính cách nghiêm túc của câu trả lời.
  2. Kiên nhẫn ghi nhận tất cả những ý kiến lên bảng, cám ơn lời phát biểu và phân tích loại bỏ những ý không đúng. Không có phản ứng tức giận.
  3. Nghiêm nét mặt, đề nghị lớp nhận định về tính nghiêm túc của câu trả lời.
  4. Bỏ qua lời phát biểu của em ấy, không ghi lại, không nhận định, mời em khác trả lời.
Chọn tình huống:
4. Lớp giáo lý của bạn có vài em nghịch phá, thường đầu têu các trò nghịch ngợm. Một hôm bạn vào lớp, bị giăng bẩy và sụp bẩy của các em. Lớp cười ồ lên. Bạn sẽ giải quyết:
  1. Thay vì dạy, bạn truy tìm thủ phạm, kiểm điểm các em. Báo cho phụ huynh.
  2. Tìm một ý tưởng hài hước, ổn định lớp và tiếp tục dạy. Sau giờ dạy gặp riêng vài em để tìm hiểu, dần dần khuyên bảo.
  3. Coi như là chuyện nhỏ, tiếp tục dạy. Trước khi kết thúc giờ học có vài lời khuyên cho các em.
  4. Ngưng giờ học, lên báo cha xứ … và thi hành kỷ luật.
Chọn tình huống:
5. Lớp giáo lý của bạn có hai em thường xuyên vào lớp là ngồi nói chuyện riêng, bạn nhắc nhở nhiều lần công khai trước tập thể lớp mà chứng nào vẫn tật ấy. Bạn giải quyết bằng cách:
  1. Bạn đuổi học và báo cho cha xứ biết
  2. Bạn gặp riêng em ấy và tiếp tục khuyên nhủ để giúp em sửa đổi
  3. Một lần nào đó bạn dùng lời lẽ nạng nề để cảnh cáo trước lớp mong em thấy ngượng mà sửa đổi.
  4. Cứ mỗi lần hai em ấy nói chuyện là cho đứng lên trước lớp.
Chọn tình huống:………………………………………………………………………

Đáp án:
1/ B, A, D, C.          2/ A, B, D, C.   3/ B, D, C, A.
4/ B, C, D, A.          5/ C, D, C, A