• Trang chủ

Bài 15- KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ HỌC GIÁO LÝ



I. Mục Đích Chung
Kiểm tra là một hoạt động trong quá trình nhận thức nhằm phát hiện nơi các em học sinh những sai sót, trục trặc, khó khăn trong hiểu biết và nhận thức về các kiến thức các em đã lĩnh hội, hầu giáo lý viên tác động, điều chỉnh cách kịp thời, chủ động để tránh những lệch lạc trong đức tin và trong việc sống đạo.
Một cách cụ thể, kiểm tra trong giáo lý nhằm:
+ Phát hiện xem các em tiếp thu giáo lý và hình thành kiến thức về đạo như thế nào?
+ Biết sự phát triển về nhân cách và niềm tin của các em học sinh giáo lý, qua việc các em bày tỏ thái độ sống giáo lý trong môi trường xã hội các em đang sống ra sao sau mỗi giờ, mỗi bài, mỗi khóa học giáo lý.
* Lưu ý: Việc theo dõi giám sát đời sống đạo của các em là một hình thức kiểm tra và là trách nhiệm của giáo lý viên.
II. Vai Trò Và Y Nghĩa Của Việc Kiểm Tra
Việc kiểm tra thúc đẩy các em phát huy cao độ tính tích cực, nỗ lực tham gia vào việc học hỏi giáo lý, gia tăng lòng tin và lòng yêu mến Chúa nhờ hiểu biết Chúa hơn. Nhờ đó các em ngày càng ý thức và khát khao được biết Chúa, sống kết hợp và yêu Chúa nhiều hơn.
Bài kiểm tra do các em tự làm, cho nên bắt buộc các em phải cố gắng, nỗ lực để tự quyết định cho ý kiến của mình, không thể trông cây vào sự giúp đỡ của giáo lý viên hay bạn bè. Vì thế mà bài kiểm tra là một dịp để các em rèn luyện ý chí, khả năng tự lập và phát triển óc suy luận, sáng tạo, trí thông minh, tưởng tượng...
Việc kiểm tra giúp giáo lý viên xác nhận và đánh giá được thực trạng về việc dạy giáo lý của chính mình (một phần nào đó ít chủ quan hơn), cũng như đánh giá được việc học và sống giáo lý của các em. Nắm bắt được phần nào khả năng của các em và của từng em. Qua đó đề ra những biện pháp thích hợp để giúp các em thăng tiến trong đời sống nhân bản và đức tin.
Việc kiểm tra giúp cho giáo lý viên phát hiện kịp thời những lỗ hỏng kiến thức về đạo, những lầm lẫn trong nhận thức, niềm tin, những tiêu cực trong đời sống... Từ đó đề ra những biện pháp hiệu chỉnh như bổ sung kiến thức, thay đổi phương pháp hướng dẫn, thay đổi nội dung và hình thức bài tập... sao cho việc học hỏi giáo lý và sống giáo lý của các em sống động và đạt được những hoa trái thiêng liêng.
III. Các Nguyên Tắc Và Yêu Cầu Cơ Bản Trong Kiểm Tra
1. Các Nguyên Tắc
Phải tiến hành thường xuyên và có hệ thống mới phát hiện kịp thời những sai sót, lầm lẫn, những lỗ hỏng kiến thức.
Kiểm tra với mọi đối tượng học sinh và hết tất cả những trọng tâm. Phù hợp với trình độ của mọi đối tượng học sinh trong lớp, đừng dễ qua khiến các em coi thường, cũng đừng khó quá khiến các em chán nản, thoái chí.
Trong đánh giá phải bảo đảm tính khách quan, trung thực, chính xác, đúng với thực chất học sinh. Và phải có thông tin ngược trở lại cho các em.
2. Những Yêu Cầu Và Chú Y Cơ Bản
Thường xuyên và có hệ thống: sau mỗi bài, mỗi chương, mỗi phần, mỗi kỳ và cuối khóa.
Tiến hành một các có nề nếp để tạo thói quen nơi các em biến việc kiểm tra thành một nhu cầu, có như vậy, khi kiểm tra các em không bị ức chế tâm lý và nhận ra kiểm tra là có lợi. Cũng cần lưu ý là đừng tạo thành “luật”, vì như thế các em sẽ dễ có thái độ ỷ lại, đối phó.
Kiểm tra bằng nhiều hình thức và tùy từng nội dung, điều kiện.
Kiểm tra tất cả học sinh, cần chú ý đến các em học sinh cá biệt.
Tránh tạo ra cho các em thái độ vụ điểm.
Sau khi kiểm tra phải có thông tin phản hồi kịp thời (sửa bài, chấm bài, báo điểm). Đánh giá kết quả bài kiểm tra phải có thang điểm (có đáp án, biểu điểm).
Mỗi lần kiểm tra phải có mục đích rõ ràng. Đừng để các em làm bài cốt ý chỉ để giữ trật tự.
Tránh không được dùng hình thức kiểm tra để hù dọa hay trừng phạt các em.
Cũng nên coi chừng đừng bắt các em làm bài quá nhiều.
Có thể có những trường hợp các em không làm bài kịp để nộp đúng giờ qui định,lúc ấy giáo lý viên cần phải bình tĩnh, cỡi mở, khoan dung, nhưng cũng thật thẳng thắn nghiêm nghị để tìm ra cách giải quyết thích hợp. Tránh nóng giận, la mắng các em.
IV. Các Hình Thức Kiểm Tra
1. Kiểm Tra Miệng
Kiểm tra miệng là hình thức kiểm tra rộng rãi trong quá trình dạy giáo lý, cho phép giáo lý viên phát hiện sự hiểu biết của mỗi em về đạo lý khi tiếp xúc trực tiếp với chúng. Đồng thời cũng giúp giáo lý viên phần nào nhận thấy lòng đạo đức của các em.
2. Kiểm Tra Viết
Kiểm tra viết là hình thức kiểm tra yêu cầu các em diễn đạt một khối lượng kiến thức giáo lý nhất định bằng ngôn ngữ viết trong một thời gian nhất định. Bài kiểm tra viết thường được ra dưới dạng câu hỏi hay đề tài.
Có thể thực hiện sau một bài, một chương hay toàn khóa.
Bài kiểm tra 15’ và bài tập về nhà giáo lý viên có thể thực hiện tùy điều kiện thời gian và yêu cầu của bài học.
Bài kiểm tra 1 tiết phải thực hiện theo lịch trình giáo lý
* Lưu ý: Khi lập chương trình giáo lý cho năm học, phải trù liệu và sắp xếp sao cho trong chương trình có những giờ (tiết) kiểm tra viết.
3. Các Hình Thức Kiểm Tra Trắc Nghiệm
Trong việc giáo dục thường có các loại trắc nghiệm sau:
- Loại điền vào chỗ trống (completion question).
- Loại đúng sai (true-false question).
- Loại câu hỏi ngắn (short – question).
- Loại lựa chọn (multiple-choice question).
- Loại ghép cột (matching question).
(Kiểm tra miệng cũng là một hình thức trắc nghiệm)
Đây là các loại trắc nghiệm do giáo lý viên lập.
V. Kết Luận
Kiểm tra giáo lý là một khâu trong qui trình giáo dục đức tin nhằm giúp giáo lý viên biết được kết quả giáo dục. Nếu không biết kết quả thì giáo dục sẽ trở nên vô ích vì giáo lý viên sẽ không nhận biết được hiệu năng và kết quả giáo dục của mình để hiệu chỉnh là cho công tác dạy giáo lý của mình sinh được nhiều hoa trái hơn. Vì thế Giáo lý viên không nên xem thường hay tiến hành việc kiểm tra một cách hời hợt, trái lại, phải thực hiện nó một cách có kế hoạch và phải xem nó quan trọng ngang bằng với các phương pháp giảng dạy.
Phụ Chú
KIỂM TRA TRẮC NGHIỆM [1]
I. TRẮC NGHIỆM LÀ GÌ?
1. Xác Định Hình Thức Trắc Nghiệm
Theo nghĩa Hán Việt: “Trắc” có nghĩa là đo lường – “Nghiệm” có nghĩa là suy xét, chứng thực.
Hiểu trắc nghiệm như thế thì kiểm tra bằng hình thức viết luận đề hay kiểm tra bằng hình thức chọn lựa, ghép cột, điền vào chỗ trống đều là hình thức kiểm tra trắc nghiệm.
Để phân biệt các hình thức kiểm tra, các chuyên gia đo lường gọi tên là: hình thức “kiểm tra luận đề” (essay – type test), và hình thức “trắc nghiệm khách quan” (objective test).
Hình thức kiểm tra trắc nghiệm khách quan, thường quen gọi là “kiểm tra trắc nghiệm”. Đây là hình thức kiểm tra kết quả học tập tương đối mới mẻ, nhưng không phải là hình thức kiểm tra đánh giá duy nhất, và nó cũng không thể thay thế hoàn toàn hình thức kiểm tra luận đề. Nhưng tùy theo mục tiêu và nhu cầu mà sử dụng thì sẽ mang lại cho chúng ta việc đánh giá một cách hữu hiệu.
2. Khi Nào Nên Sử Dụng Hình Thức Kiểm Tra Luận Đề Hay Trắc Nghiệm?
Theo ý kiến các chuyên gia về trắc nghiệm thì
2.1/ Khảo sát kết quả học tập bằng hình thức luận đề trong những trường hợp sau:
(1)   Học sinh trong một lớp học không quá đông và đề thi chỉ được sử dụng một lần; không dùng lại lần nữa.
(2)   Khi muốn khuyến khích và tưởng thưởng sự phát triển kỹ năng diễm tả bằng văn viết.
(3)   Khi muốn thăm dò thái độ hay tìm hiểu tư tưởng của học sinh vể một vấn đề hay một đề tài.
(4)   Khi giáo viên tin tưởng vào khả năng phê phán và đánh giá luận đề cách vô tư và chính xác hơn khả năng soạn thảo các câu trắc nghiệm thật tốt.
(5)   Khi không có thời gian để soạn thảo các bài kiểm tra trắc nghiệm, nhưng có thời gian để chấm bài.
2.2/ Khảo sát kết quả học tập bằng hình thức trắc nghiệm trong các trường hợp sau:
(1)   Khi cần kiểm tra kết quả học tập của một số đông học sinh, hay muốn sử dụng bài kiểm tra này vào một lúc khác, ở một nơi khác.
(2)   Khi muốn có những điểm số đang tin cậy, không phụ thuộc vào chủ quan người chấm bài.
(3)   Khi các yếu tố công bằng, vô tư, chính xác là những yếu tố quan trọng nhất của việc thi cử.
(4)   Khi ta có nhiều câu trắc nghiệm tốt đã được dự trữ sẳn để có thể lựa chọn và soạn lại một bài kiểm tra trắc nghiệm mới và muốn chấm bài nhanh để công bố kết quả.
(5)   Khi ta muốn ngăn ngừa nạn học tủ, học vẹt và gian lận trong thi cử.
2.3/ Các trường hợp cả trắc nghiệm lẫn luận đề đều có thể sử dụng đe:
(1)   Đo lường mọi kết quả học tập mà một bài kiểm tra luận đề có thể đo lường được.
(2)   Khảo sát khả năng hiểu và áp dụng các nguyên lý.
(3)   Khảo sát khả năng suy nghĩ có phê phán.
(4)   Khảo sát khả năng giải quyết các vấn đề mới.
(5)   Khảo sát khả năng lựa chọn những dữ kiện thích hợp và các nguyên tắc để phối hợp chúng lại với nhau nhằm giải quyết những vấn đề phức tạp.
(6)   Khuyến khích học tập để nắm vững kiến thức.
II. QUY HOẠCH MỘT BÀI KIỂM TRA TRẮC NGHIỆM:
Khi soạn thảo một bài kiểm tra trắc nghiệm, giáo viên cần xem xét các vấn đề:
1. Mục Đích Của Trắc Nghiệm
Là một bài thi cuối kỳ, thì câu hỏi phải được soan thảo làm sao để các điểm số phân tán khá rộng, như vậy mới phát hiện được học sinh giỏi kém.
Là một bài kiểm tra thông thường để kiểm tra kiến thức về một phần nào của giáo trình, thì câu hỏi phải được soạn sao cho hầu hết học sinh đạt được điểm cao, nếu chúng đã thực sự tiếp thu được những điểm căn bản của bài học.
Nếu nhằm mục đích chẩn đoán, tìm ra chỗ mạnh chỗ yếu của học sinh, thì câu hỏi phải được soạn thảo tạo cơ hội cho học sinh phạm những sai lầm về môn học nếu không học kỹ.
Có thể dùng trắc nghiệm để học sinh hiểu thêm bài học hay có thêm kiến thức, nhưng không cần phải ghi điểm mà chỉ cần những hình thức khen thưởng khác sẽ có hiệu quả hơn.
2. Phân Tích Nội Dung Môn Học
Phân tích môn học cần xem xét và phân tích bốn loại kiến thức:
(1)   Những thông tin, kiến thức mang tính chất tái hiện.
(2)   Những khái niệm, ý tưởng mà học sinh phải giải thích hay minh họa.
(3)   Những ý tưởng phức tạp cần được giải thích hay giải nghĩa.
(4)   Những thông tin, ý tưởng và kỹ năng cần được ứng dụng hay chuyển dịch sang một tình huống hay hoàn cảnh mới.
Để dễ dàng phân tích nội dung, chúng ta có thể theo thứ tự các bước:
Bước thứ nhất: Tìm ra những ý tưởng chính yếu của môn học ấy.
Bước thứ hai: Tìm ra những khái niệm quan trọng trong nội dung môn học để đem ra khảo sát.
Bước thứ ba: Phân loại hai dạng thông tin:
(1)   Những thông tin nhằm mục đích giải nghĩa hay minh hoạ.
(2)   Những khái luận quan trọng của môn học.
để lựa chọn những điều quan trọng học sinh cần nắm vững.
Bước thứ tư: Lựa chọn một số thông tin và ý tưởng đòi buộc học sinh phải có khả năng ứng dụng kiến thức để giải quyết vấn đề trong tình huống mới.
3. Thiết Lập Dàn Bài
Phương pháp thông dụng là lập bảng quy định hai chiều: một chiều biểu thị cho nội dung, một chiều biểu thị cho quá trình tư duy.
Mỗi phạm trù phân nhỏ thành nhiều phạm trù khác.


[1] Dương Thiệu Tống, (1995).Trắc Nghiệm và Đo Lường Thành Quả Học Tập.  Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, 2005, Tp. HCM. Các chương I, IV, V, VI, VII.
Trong mỗi ô quy định phạm trù kiểm tra ta sẽ dự liệu số (hay tỉ lệ phần trăm) câu hỏi trắc nghiệm.
Cho bài kiểm tra thi cuối kỳ của môn học
Nội Dung


Mục Tiêu
Bài học
1
Bài học
2
Bài học
3
Bài học
4
vv…
Tổng cộng
Tỉ lệ
Hiểu Biết
Từ ngữ, quy ước…
1

2


3

Tính chất
đặc điểm…
2
2
1
1

6

Sự kiện, dữ kiện


1
2

3

Khuynh hướng, diễn biến

1

1

2

Định luật,
nguyên tắc
1
1
2
2

6
50%
Khả năng
So sánh tương đồng, dị biệt
2


1

3


Giải thích


1
1

2


Tính toán








Tiên đoán
2
2
2
2

8


Phê phán
1
3
1
2

7
50%

Tổng cộng
9
9
10
12

40
100%

Mẫu 2
Cho bài kiểm tra một bài học, hay một chương, một phần của môn học

Mục tiêu


Nội dung
Khái niệm, từ ngữ, ý tưởng đơn giản học sinh phải giải thích
Kiến thức về các sự kiện, nhân vật, địa điểm…
Các ý tưởng phúc tạp, nguyên tắc, mối liên hệ, quy luật…
Chủ đề 1



Chủ đề 2



Chủ đề 3



… vv



4. Số Câu Hỏi Trong Một Bài Kiểm Tra
Số câu hỏi trong bài kiểm tra trắc nghiệm phụ thuộc vào các yếu tố:
- Thời gian càng dài càng có nhiều câu hỏi, chỉ số tin cậy càng cao. Nhưng khó để có thể thực hiện một bài trắc nghiệm liên tục trong 3 giờ liên tục. Thời gian cho thi trắc nghiệm có thể 2 giờ.
- Số câu hỏi trắc nghiệm phải bao gồm toàn thể kiến thức mà học sinh phải có qua môn học hay bài học. Nếu số câu hỏi không tiêu biểu cho toàn thể kiến thức thì không thích hợp.
- Một bài kiểm tra trắc nghiệm đúng yêu cầu thì:
v   Với câu hỏi chọn lựa, học sinh chậm nhất có thể trả lời trong 1 phút. Nếu có những câu dài hơn, phức tạp hơn thì giáo viên phải dự liệu lại thời gian giả định (1 phút) cho câu ấy.
v   Với câu hỏi đúng sai trong vòng ½ phút (30 giây).
v   Với những câu hỏi ghép cột (hay đối chiếu), điền vào chỗ trống (hay điền khuyết) thì tùy vào số lượng yêu cầu trả lời của câu hỏi để tính toán thời gian.
5. Mức Độ Khó Của Các Câu Hỏi Trắc Nghiệm
Mức độ khó của bài kiểm tra trắc nghiệm tùy vào mục đích của việc kiểm tra.
Để đạt được hiệu quả đo lường nên chọn lựa câu trắc nghiệm làm sao để:
- Với câu trắc nghiệm đúng - sai độ khó yêu cầu là 75% học sinh trả lời đúng câu hỏi ấy:
(100 + 50) : 2 = 75% (trong đó 50 là tỉ lệ may rủi)
- Với câu hỏi chọn lựa (4 chọn lựa) (100 + 25) : 2 = 60% tức là khoảng 60% học sinh trả lời đúng câu hỏi ấy.
- Với câu hỏi ghép cột, điền vào chỗ trống độ khó yêu cầu là 50% học sinh trả lời đúng câu hỏi ấy.
Đối với cả bài trắc nghiệm thì điểm trung bình lý tưởng là điểm trung bình giữa điểm tối đa và điểm may rủi.
Ví dụ:
Bài kiểm tra có 20 câu.
Mỗi câu có 4 chọn lựa thì điểm may rủi là 20 : 4 = 5
Như vậy điểm trung bình lý tưởng là (20 + 5): 2 = 12,5
Nếu điểm trung bình các bài kiểm tra của thí sinh trên hay dưới 12,5 điểm qua xa thì bài ấy sẽ được đánh giá là quá khó hay quá dễ.
III. CÁC HÌNH THỨC CÂU HỎI TRẮC NGHIỆM THÔNG THƯỜNG
Trong việc dạy - học thường có các loại trắc nghiệm do giáo viên lập để kiểm tra như sau:
- Loại đúng - sai (true-false question / yes – no question).
- Loại lựa chọn (multiple-choice question).
- Loại ghép cột – hay đối chiếu cặp đôi (matching question).
- Loại điền vào chỗ trống hay điền khuyết (completion question).
- Loại câu hỏi – trả lời ngắn (short – answer question).
(Kiểm tra miệng cũng là một hình thức trắc nghiệm)
1. LOẠI CÂU HỎI ĐÚNG SAI (true-false question / yes – no question)
Loại câu hỏi đúng sai được trình bày dưới dạng câu phát biểu và học sinh phải trả lời bằng cách lựa chọn đúng (Đ) hay sai (S).
1.1/ Những Khuyết Điểm
(1)    Loại câu hỏi này tỉ lệ may rủi 50%, chọn câu trả lời thường bằng sự suy đoán.
(2)    Nếu người soạn chỉ trích nguyên văn câu có sẳn trong tài liệu, sách giáo khoa sẽ làm câu hỏi trở nên tầm thường, sáo ngữ.
(3)    Khi trích dẫn nguyên văn sẽ dẫn học sinh đến việc học thuộc lòng như vẹt, hay chỉ cần nhận ra một vài chữ trong câu là đủ xác định Đúng – Sai.
(4)    Nếu soạn câu hỏi không được rõ ràng chính xác trong cách dùng từ, hay thiếu một số thông tin căn bản, khó có thể quyết đoán câu phát biểu ấy là đúng hay sai.
(5)    So với trắc nghiệm lựa chọn thì trắc nghiệm đúng – sai bị tách ra khỏi bản văn và không có căn bản để so sánh tính đúng - sai tương đối của chúng.
1.2/ Những Ưu Điểm
(1)    Có thể đặt được nhiều câu hỏi trong một bài học với thời gian ấn định, như thế có thể làm tăng độ tin cậy của bài trắc nghiệm ấy.
(2)    Soạn thảo câu hỏi đúng - sai dễ dàng và mau chóng.
1.3/ Đề Nghị Việc Sử Dụng
(1)   Chỉ nên sử dụng cách dè dặt.
(2)   Soạn thảo câu hỏi trắc nghiệm đúng – sai phải dựa trên những ý niệm mà tính đúng đắn hay sai trái phải chắc chắn.
(3)   Phải lựa chọn câu phát biểu mà một học viên khả năng trung bình nếu chưa suy nghĩ đôi chút thì không thể nhận ra ngay là đúng – sai.
(4)   Mỗi câu phát biểu chỉ nên diễn tả một ý tưởng.
(5)   Không nên chép nguyên văn những câu trích từ tài liệu hay sách giáo khoa.
Ví dụ: Nhân vật Đavit
1.   Thời Đavít, khi đánh nhau, người ta chưa biết dùng khiên thuẫn, chỉ biết dùng ná.
     £ Đúng         £ Sai.
2.   Chiếc “ná” (fronde) mà Đavít đã dùng để đánh Goliat giống như một chiếc cung nhỏ.
     £ Đúng         £ Sai.
3.   Vào thời Đavít, “thương mại” chỉ là đổi chác chứ chưa phải buôn bán.
     £ Đúng         £ Sai
4.   Mặc dù vua Saolê cứ tìm giết Đavít, nhưng Đavít chỉ báo thù Saolê có một lần duy nhất.
     £ Đúng         £ Sai.
5.   Ngôn sứ Isaia đã nói tiên tri rằng sau này sẽ có một Đavít mới, là Đấng Messia đầy tràn thần khí.
     £ Đúng         £ Sai
Đáp án
1. Sai. Đã biết dùng từ lâu.
2. Sai. Nó chủ yếu là một sợi dây, được dùng như một khí cụ dùng để bắn đá.
3. Đúng.
4. Sai. Đavít không hề báo thù Saolê lần nào cả.
5. Đúng
2. LOẠI TRẮC NGHIỆM CHỌN LỰA (multiple-choice question)
Là loại câu hỏi bao gồm hai phần: phần gốc và phần lựa chọn
Phần gốc là câu hỏi hay câu bỏ lững, nó phải đặt ra một vấn  đề hay đưa ra một ý tưởng rõ ràng cho học viên có thể hiểu rõ và lựa chọn câu trả lời thích hợp.
Phần lựa chọn gồm nhiều giải đáp (thường là 4 hoặc 5 lựa chọn), trong đó có một chọn lựa được coi là đúng hay đúng nhất, những giải đáp còn lại là những “mồi nhử” nó cũng đều hấp dẫn ngang nhau đối với học sinh chưa học kỹ, hiểu kỹ bài học.
Thông thường phần gốc được viết ngắn để giảm bới thời giờ đọc của học viên và dành nhiều thời giờ hơn cho việc chọn lựa giải đáp đúng.
Ví dụ: Các nhân vật Thánh Kinh
1. Danh xưng "Áp-ra-ham" có nghĩa là gì ?
  1. con loài người.
  2. cha của vô số dân tộc.
  3. con trai của ông A-đam.
  4. cha của tất của những người sống.
2. Ai được sinh ra bởi ông Áp-ra-ham và bà Xa-ra ?
  1. Ísrael.
  2. Ísmael.
  3. Isaac.
  4. Giacóp.
3. Ông đã vật lộn suốt đêm với một người thiên giới
  1. Isaac.
  2. Môsê.
  3. Êlia.
  4. Giacop.
4. Người đã được Đức Chúa biết rõ giáp mặt là
  1. Abraham.
  2. Giacop.
  3. Môsê.
  4. Giuse.
5. Ông gảy đàn trước mặt Saolê đang bị ám ảnh, và quỷ dữ rời khỏi nhà vua. Đó là:
  1. Đavít.
  2. Samuel.
  3. Gionathan.
  4. Nathan.
Đáp án:
1. b - St 17,5                        2. c - St 17,19 ; 21,2-3                       
3. d - St 32,24                       4. c - Đnl 34,10                     5. a - Sm 16,23
3. LOẠI GHÉP CỘT HAY ĐỐI CHIẾU CẶP ĐÔI (matching question)
Đây là một hình thức trắc nghiệm với nhiều chọn lựa. Học viên phải chọn lựa câu nào, hay từ nào trong cột lựa chọn (bên trái) phù hợp nhất với mỗi trắc nghiệm ở cột bên kia (bên phải).
Khi soạn thảo loại câu trắc nghiệm này cần lưu ý:
- Nên dành nhiều chọn lựa bên cột trắc nghiệm (bên phải) hơn bên cột chọn lựa (bên trái).
- Tránh đưa ra quá nhiều khiến học sinh mất nhiều thời giờ đọc và tìm câu tương ứng để ghép lại.
Ví dụ:
STT
Tường Thuật Tạo Dựng
Vấn đề Thời Lưu Đày
STT
a
Chúa phán hãy có... và đã có”
Chiến thắng của người Babylon kéo theo một cuộc khủng hoảng về đức tin nơi quyền năng Thiên Chúa
i
b
Thiên Chúa làm ra hai cái đèn trời... cái lớn để cai quản ban ngày, cái nhỏ để cai quản ban đêm
Israel mất đi ý thức về phẩm giá của mình trong thời lưu đày
ii
c
Chúng ta hãy làm con người theo hình ảnh của chúng ta
Cám dỗ thờ thần mặt trời và mặt trăng giống như những người ngoại giáo để được phôn vinh như họ
iii
d
Hãy bá chủ...
Giữ ngày sabat
iv
e
Thiên Chúa chúc phúc cho ngày thứ bảy


f
Thiên Chúa thấy mọi sự Ngài làm ra đều tốt lành


Đáp án: a – i ; b – iii ; c – ii ; d – ii ; e – iv; f – ii
4. LOẠI ĐIỀN VÀO CHỖ TRỐNG (completion question)
Câu trắc nghiệm vào chỗ trống (còn gọi là điền khuyết) là loại trắc nghiệm khảo sát khả năng “nhớ”, có thể có hai dạng:
Những câu hỏi với một trả lời ngắn (short – answer question).
Những câu phát biểu với một hay nhiều chỗ trống mà học sinh phải điền vào bằng một từ hay một nhóm từ ngắn.
Có người vẫn cho loại trắc nghiệm này quan trọng hơn là loại trắc nghiệm khảo sát khả năng nhận ra qua những lựa chọn. Tuy nhiên những công trình nghiên cứu trong lĩnh vực trắc nghiệm cho thấy rằng khi soạn thảo kỹ càng thì các trắc nghiệm về khả năng “nhớ” và “nhận ra” có tương quan với nhau rất cao và chúng đều đo lường cùng một yếu tố căn bản.
Hạn Chế:
Việc chấm bài rất khó khăn (không thể đục lỗ hay chấm bằng máy) và mất thì giờ.
Điểm số không đạt được tính khách quan tối đa.
Ưu điểm và phạm vi sử dụng:
Có thể sử dụng loại điền vào chỗ trống để trắc nghiệm trong một số trường hợp sau:
(1)   Khi câu trả lời rất ngắn và tiêu chuẩn đúng hay sai rõ rệt.
(2)   Khi không tìm được mồi nhử tối thiểu cần thiết cho các câu trắc nghiệm lựa chọn.
(3)   Không thể biết trước được các lối trả lời khác nhau nhưng vẫn đúng.

Ví dụ: CHỦ ĐỀ VỀ CHÚA GIÊSU
  1. Đức Giêsu dạy: "Những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy ……………… "
  2. Theo Đức Giêsu, cây tốt thì sinh …………, cây xấu thì …………………
  3. Đức Giêsu bảo với một người xin theo Ngài làm môn đệ: "Anh hãy đi theo tôi, cứ để ……… chôn ……… của họ."
  4. Đức Giêsu nói: "Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ………… Vậy anh em hãy xin ……………… sai thợ đi …………………………"
  5. Giuđa Iscariot nói với …… : "Tôi nộp … cho quý vị, thì quý vị muốn cho tôi bao nhiêu?"
Đáp án:
1.      … làm cho người ta như vậy (Mt 7,12)
2.     … trái tốt. … thì sinh trái xấu (Mt 7,17)
3.     … kẻ chết chôn kẻ chết…  (Mt 8,22).
4.     … lại ít… chủ mùa gặt… gặt lúa về (Mt 9,37)
5.     … các thượng tế: “… ông ấy…” (Mt 26,14-15)
Ví dụ: NHỮNG TÊN GỌI KHÁC CỦA ĐỨC GIÊSU
Bạn cho biết nghĩa của những tên gọi khác của Đức Giêsu:
STT
TRÍCH DẪN KT
TÊN GỌI
NGHĨA CỦA TÊN GỌI
1
Mt 1, 21
Giêsu
Thiên Chúa cứu độ.
2
Mt 1,23
Emmanuel

3
Mt 1, 16
Kitô

4
Ga 1, 29
Chiên Thiên Chúa

5
Lc 24, 34
Đấng Phục Sinh

6
Lc 5, 24
Con Người

Đáp án:
1. Thiên Chúa ở cùng chúng ta        2. Đấng Được Xức Dầu.
3. Đấng gánh tội trần gian.              4. Đấng chiến thắng tội lỗi và sự chết.
5. Đấng ngự bên hữu Thiên Chúa.

IV. MỘT SỐ NGUYÊN TẮC SOẠN THẢO TRẮC NGHIỆM CHỌN LỰA
(1)   Lựa chọn những ý tưởng quan trọng nền tảng của môn học và viết ra các ý tưởng ấy một cách rõ ràng để làm căn bản cho việc soạn thảo các câu trắc nghiệm.
(2)   Ghi trên giấy các chủ đề, các ý tưởng quan trọng mà ta muốn khảo sát, rồi căn cứ vào những ý tưởng ấy ta mới soạn ra các câu trắc nghiệm.
(3)   Chọn các ý tưởng và viết các câu trắc nghiệm sao cho có thể tối đa hoá khả năng phân biệt học sinh giỏi và học sinh kém.
(4)   Để hiệu quả trong sự đo lường chính xác kết quả học tập, khi soạn thảo lưu ý đến vấn đề tối đa hoá khả năng phân biệt qua việc lựa chọn chủ đề, ý tưởng khảo sát và cả trong việc lựa chọn và viết các câu làm “mồi nhử”.
(5)   Vì thế người soạn thảo cần chú ý đến cách đặt câu hỏi, viết câu trả lời được dự định cho là đúng, lựa chọn và viết các “mồi nhử” làm sao để có thể tăng lên sự khác biệt có thể bộc lộ ra giữa học sinh giỏi và học sinh kém qua cung cách chọn lựa câu trả lời.
(6)   Nên soạn thảo các câu trắc nghiệm trên giấy nháp và xếp đặt chúng sao cho có thể sữa chữa và ghép chúng lại với nhau thành một bài trắc nghiệm hoàn chỉnh.
(7)   Khi bắt đầu viết câu trắc nghiệm, ta phải khởi sự viết phần “gốc” của câu dưới dạng một câu hỏi hoặc một câu bỏ lững.
(8)   Rồi soạn tiếp theo câu trả lời được dự định là đúng.
(9)   Sau đó xếp đặt các câu đúng này theo lối ngẫu nhiên. Phương pháp thường dùng để xếp đặt là soạn sẳn một trình tự từ 1 – 4 (nếu có 4 lựa chọn), rồi dùng các con số này để đặt vị trí cho các câu trả lời đúng. Một lối khác là xếp đặt theo thứ tự từ câu dễ đến câu khó, nhưng phải công nhận rằng đây là một điều khó thực hiện và không cần thiết.
Lưu Ý
Không nên sử dụng nhiều hình thức trắc nghiệm khác nhau trong một bài trắc nghiệm.
Các câu trắc nghiệm ở lớp học không nên có độ khó quá khác biệt nhau.
(1)   Phần “gốc” của trắc nghiệm cần phải đặt vấn đề cách ngắn gọn và sáng sủa:
      Phần gốc có thể được trình bày dưới dạng một câu hỏi hay câu bỏ lững.
      Phần gốc phải hàm chứa vấn đề mà ta muốn hỏi.
(2)   Phần lựa chọn gồm có một câu trả lời đúng và nhiều câu trả lời sai làm “mồi nhử”.
Khi viết các câu lựa chọn cần tuân thủ một số nguyên tắc:
(1)   Các câu lựa chọn phải hợp lý và hấp dẫn.
(2)   Nếu phần gốc của câu trắc nghiệm là câu bỏ lững thì các câu lựa chọn phải nối tiếp với câu bỏ lững thành những câu đúng văn phạm.
(3)   Nên thận trọng khi dùng câu “tất cả đều sai” hay “tất cả đều đúng” làm câu lựa chọn.
V TỔ CHỨC THI VÀ CHẤM THI TRẮC NGHIỆM
1. Trình Bày Trắc Nghiệm
Một bài thi trắc nghiệm có hai cách làm thông dụng:
- Sử dụng máy chiếu (projector): Ta viết câu hỏi bài trắc nghiệm trên máy rồi chiếu lên màn hình từng phần hay từng câu trong khoảng thời gian ấn định đủ cho học sinh bình thường có thể làm. Cách này giúp giáo viên kiểm soát được thời gian ấn định, buộc học sinh phải trả lời nhanh tránh được phần nào gian lận, nhưng gây áp lực thúc ép học sinh.
- Cách thông dụng hơn cả là in bài thi trắc nghiệm ra thành nhiều văn bản tương ứng với số người dự thi. Cách làm này cần lưu ýkiểm soát cẩn thận các bản in để tránh những lỗi in sai, không rõ ràng hay thiếu sót.
2. Chuẩn Bị Học Sinh
Cần nhắc nhở học sinh những điều sau đây trước khi làm bài trắc nghiệm:
(1)   Lắng nghe và đọc kỹ những chỉ dẫn làm bài trắc nghiệm.
(2)   Cho học sinh biết cách tính điểm.
(3)   Cách đánh dấu vào các câu lựa chọn.
(4)   Nếu trả lời trên một bảng trả lời thì phải kiểm soát kỹ số thự tự mỗi câu.
(5)   Khuyến khích học sinh trả lời tất cả các câu hỏi.
(6)   Nên dành thời gian (nếu có) để kiểm tra lại các câu trả lời và sửa chữa những lỗi vô ý.
(7)   Khuyên học sinh nên bình tĩnh, không nên lo ngại quá đáng.
3. Công Việc Giám Thị
Giám thị chỉ dẫn và căn dặn thí sinh những điều cần thiết trước khi ra lệnh thí sinh bắt đầu làm bài.
Tuyệt đối không giúp đỡ thí sinh trả lời các câu hỏi hay đề cập đến nội dung các câu hỏi.
Khoảng 15 phút giám thị nên cho thí sinh biết thời giờ còn lại bằng cách ghi lên bảng.
4. Cách Chấm Bài
4.1/ Thông thường nhất là chấm bài bằng cách sử dụng bảng đục lỗ.
Bảng có thể làm bằng bìa cứng đục lỗ những câu trả lời đúng.
Đặt bảng áp lên bài làm, những dấu gạch ở câu trả lời đúng hiện ra qua lỗ.
Đếm số câu trả lời đúng và ghi điểm lên bài thi.
4.2/ Nếu có máy chấm bài thi thì công việc sẽ dễ dàng và nhanh chóng hơn.
Hoặc có thể sử dụng phần mềm thống kê như SPSSPS hay SYSTAT, nhập dữ liệu trên bảng trả lời của thí sinh, tính tổng số điểm rồi in ra kết quả.