• Trang chủ

Bài 14- PHƯƠNG PHÁP NÊU VẤN ĐỀ



I. Định Nghĩa
1. Tình Huống Có Vấn Đề
Có nhiều định nghĩa khác nhau, ở đây chúng ta hiểu:
Tình huống có vấn đề là một trạng thái tâm lý nảy sinh ở mỗi người trước một khó khăn về trí tuệ, được chủ thể ý thức và vận dụng những hiểu biết, kinh nghiệm và hoạt động trao đổi mới giải quyết được.
2. Phương Pháp Nêu Vấn Đề
Phương pháp nêu vấn đề là một hệ thống vấn đề có tình huống được đặt ra gắn liền với nhau, và trong quá trình đó, dưới sự hướng dẫn và giúp đỡ của Giáo lý viên, học sinh suy nghĩ, tìm tòi, trao đổi để giải quyết vấn đề. Trong khi giải quyết vấn đề, các em hiểu biết được giáo lý và xây dựng thành hệ thống bài học.
II. Ưu Và Nhược Điểm
1. Ưu Điểm
- Nêu vấn đề là một lối dạy học vận dụng khả năng sáng tạo của học sinh, nó không chỉ giúp học sinh lĩnh hội kiến thức giáo lý mà còn phát triển khả năng sáng tạo của các em trong việc học hỏi cũng như thực hành giáo lý trong đời sống.
- Vấn đề có tình huống kích thích các em suy nghĩ và tìm tòi để giải quyết. Nhờ đó các em sẽ lĩnh hội kiến thức giáo lý một cách vững chắc.
- Dạy giáo lý bằng cách nêu vấn đề còn là phương pháp không chỉ giúp các em phát triển năng lực tư duy mà còn giúp các em khả năng nghiên cứu tìm tòi và trao đổi, làm việc chung trong nhóm khi cùng nhau giải quyết vấn đề.
- Dạy giáo lý nêu vấn đề giúp các em có khả năng lập luận lôgic, tạo ra bầu khí học tập sinh động.
2. Nhược Điểm
- Là một phương pháp được áp dụng khá dè dặt vì không phải dễ đưa ra “vấn đề có tình huống”, và không phải bất cứ vấn đề nào trong giáo lý cũng trở thành “vấn đề có tình huống” cho học sinh.
- Nếu giáo lý viên thiếu kinh nghiệm tổ chức lớp học, giờ học sẽ dễ mất trật tự khi cho các em trao đổi nhóm nhỏ với nhau để giải quyết vấn đề.
- Một bài giáo lý có khối lượng kiến thức tương đối nhiều, áp dụng phương pháp này sẽ khó hoàn thành nội dung bài giáo lý.
- Đối với giáo lý viên chưa có kinh nghiệm hoặc kiến thức giáo lý không sâu rộng sẽ khó xây dựng một hệ thống câu hỏi có vấn đề tạo ra tình huống mà thường là tạo ra những câu hỏi thuộc loại tái hiện làm nội dung kiến thức được xây dựng cách vụn vặt, rời rạc.
III. Những Yêu Cầu Khi Sử Dụng Phương Pháp
1. Dạy Học Nêu Vấn Đề
- Dạy học nêu vấn đề, kiến thức không đưa đến dưới hình thức có sẳn (kiểu dọn cỗ = thầy giảng, đọc – trò nghe giảng, ghi chép, làm bài tập) mà thông qua những tình huống có vấn đề đặt ra, học sinh phải giải quyết vấn đề mới khám phá, hiểu được nội dung bài học.
- Dạy học nêu vấn đề vẫn ít nhiều dựa vào một số câu hỏi tái hiện làm dữ kiện cho hoạt động tư duy sáng tạo của học sinh.
- Tùy tính chất nội dung, đặc điểm học sinh, thời gian thực tế mà vận dụng phương pháp nêu vần đề ở những mức độ khác nhau.
- Dạy học nêu vấn đề giáo lý viên phải là người dẫn dắt học sinh đi vào các tình huống và giải quyết các tình huống. Phải quản lý giờ trao đổi thật tốt, bằng không lớp học dễ mất trật tự, nội dung bài học khó hoàn thành và một số học sinh cá biệt sẽ lợi dụng để nghịch phá.
Do vậy sử dụng phương pháp nêu vấn đề, giáo lý viên cần có kiến thức sâu rộng và năng lực sư phạm cao, đặc biệt nắm vững phương pháp thảo luận.
- Trong một bài giáo lý không cần thiết phải nêu nhiều vấn đề có tình huống, cần phối hợp sử dụng các phương pháp đọc Lời Chúa, đàm thoại gợi mở và thảo luận trong giờ giáo lý.
2. Câu Hỏi Nêu Vấn Đề
- Muốn xây dựng tình huống có vấn đề trước hết phải xây dựng được hệ thống câu hỏi nêu vấn đề.
- Câu hỏi nêu vấn đề là loại câu hỏi đặt ra cho học sinh, được học sinh tiếp nhận một cách có ý thức, không dội từ ngoài vào mà do nhu cầu khám phá tìm tòi. Song không thể chỉ dựa vào kiến thức, hiểu biết cũ mà giải quyết được.
- Câu hỏi nêu vấn đề chứa đựng một nội dung rộng lớn, mang tình chất tổng hợp (câu hỏi tái hiện thường vụn vặt).
- Câu hỏi nêu vấn đề thường có tính chất phức tạp về nội dung, gợi lên những mâu thuẫn giữa cái đã biết với cái chưa biết, giữa cái cũ với cái mới, giữa lý thuyết với thực tế…, mâu thuẫn đó đòi hỏi học sinh  giải quyết bằng tư duy sáng tạo.
- Câu hỏi nêu vấn đề phải vạch ra được mối liên hệ giữa chân lý Tin Mừng, giáo lý của Giáo Hội với đời sống thực tế, với chính cuộc sống của học sinh.
- Câu hỏi nêu vấn đề phải mang tính hệ thống liên tục mới có thể từng bước dẫn dắt học sinh khám phá ra chân lý Tin Mừng hoặc đạo lý mà Giáo Hội muốn trình bày.
- Câu hỏi nêu vấn đề phải sát với nội dung bài giáo lý và phù hợp với tâm lý tuổi các em mới có thể gợi lên hứng thú học tập nơi học sinh. Nghĩa là nó vừa phản ánh trọng tâm vừa nằm trong tầm cảm nghĩ của học sinh.
 

I. Vì Sao Đặt Câu Hỏi ?
- Giúp học sinh có kỹ năng tư duy mức độ cao:
+ Câu hỏi phải yêu cầu học sinh so sánh, phân tích, tổng hợp, diễn dịch, đánh giá…
+ Thúc đẩy học sinh quan tâm đến các câu trả lời của các bạn và của giáo lý viên, từ đó làm các em hiểu và nhớ bài mau.
- Làm cho bài học (qua khám phá của học sinh và trình bày của giáo lý viên) có tính thuyết phục và hấp dẫn. Câu hỏi phải chú trọng đến các yêu cầu (suy tư) hơn là chỉ đơn giản trình bày lại các sự kiện (tái hiện)
- Chú trọng đến các chủ đề quan trọng
Định hướng cho giáo lý viên và học sinh đi vào những chủ đề, khái niệm quan trọng, phát hiện ra được các ý trọng tâm của chủ đề hay bài dạy một cách hấp dẫn, đi từ tổng quát (vấn đền khái quát) đến cụ thể (trọng tâm).
Giúp giáo lý viên xây dựng bài dạy sao cho học sinh tư duy sâu hơn về chủ đề nội dung bài dạy
Tạo mối liên hệ với các môn học hoặc các chủ đề khác trong tổng thể của môn học (sợi chỉ đỏ xuyên suốt).
II. Các Hình Thức Câu Hỏi
1. Nguyên Tắc Đặt Câu Hỏi
Đặt câu hỏi phải chính xác, rõ ràng theo nội dung, dễ hiểu, vừa sức các em và có hệ thống. Như vậy câu hỏi đưa ra mới có tác dụng kích thích sự suy nghĩ của các em.

2. Các Loại Câu Hỏi
2.1/ Câu Hỏi Dẫn Đưa Học Sinh Từ Dễ Đến Khó, Đơn Giản Đến Phức Tạp
- Câu hỏi đơn giản là loại câu hỏi học sinh chỉ trả lời “có”hoặc “không”; “đúng” hoặc “sai”… loại câu hỏi này nhiều thường làm giảm hiệu quả bài học. Không nên sử dụng trong dạy học.
- Câu hỏi tái hiện là câu hỏi đưa ra nhằm giúp học sinh tái hiện lại kiến thức đã có sẳn trong bài giảng, trong sách giáo khoa hay trong kinh nghiệm sống.
- Câu hỏi sáng tạo đòi hỏi các em suy nghĩ và hướng trí tuệ các em đến chỗ khám phá ra một khái niệm, định luật… mà nội dung bài học sẽ trình bày
- Câu hỏi nêu vấn đề là loại câu hỏi đặt ra cho học sinh, được học sinh tiếp nhận một cách có ý thức, không dội từ ngoài vào mà do nhu cầu khám phá tìm tòi. Song không thể chỉ dựa vào kiến thức, hiểu biết cũ mà giải quyết được.
2.2/ Câu Hỏi Định Hướng Học Sinh Đi Từ Khái Quát Đến Cụ Thể
- Câu hỏi khái quát: là loại câu hỏi có phạm vi rộng, là cầu nối giữa môn học và bài học. Nó định hướng các ý quan trọng và xuyên suốt, khơi dậy sự chú ý của học sinh và hướng vào môn học.
Thường là loại câu hỏi: thế nào? Tại sao? Và nó không chỉ có một câu trả lời đúng.
- Câu hỏi bài học: Là câu hỏi thu hẹp trong chủ đề hoặc bài học cụ thể. Nó hỗ trợ và phát triển câu hỏi khái quát.
- Câu hỏi nội dung: Là câu hỏi trực tiếp vào nội dung và mục tiêu bài học. Nó chú trọng vào sự kiện, hướng học sinh vào trọng tâm nội dung bài học.
Đây là câu hỏi có các câu trả lời “đúng” rõ ràng.
Ví dụ: Dạy bài phương pháp đàm thoại
a. Câu hỏi khái quát: Phương pháp là gì?
b. Câu hỏi bài học:
- Hãy kể những phương pháp dạy học mà bạn biết?
- Đối thoại là gì? Đàm thoại là gì?
- Phương pháp đàm thoại là gì?
c. Câu hỏi nội dung:
- Để có thể đàm thoại cần phải có yếu tố nào?
- Dạy học theo phương pháp đàm thoại có điểm nào hay?
- Sử dụng phương pháp đàm thoại trong dạy học, giáo lý viên cần phải thực hiện như thế nào? (khi chuẩn bị, khi lên lớp…)
III. Cách Thức Đặt Câu Hỏi
1. Nguyên Tắc
Đặt câu hỏi chung cho toàn lớp, dành một thời gian đủ để các em suy nghĩ hoặc cho các em trao đổi với nhau vài phút, rồi mới chỉ định một  hay vài em trả lời.
Có thể đặt thêm những câu hỏi phụ hoặc gợi mở (nhất là khi các em trả lời ra ngoài vấn đề) để dẫn dắt các em trả lời câu hỏi chính đúng trọng tâm câu hỏi giáo  viên đặt ra.
2. Cách Thức Đặt Câu Hỏi đi từ thực tế đến việc chiếm lĩnh tri thức:
2.1. Câu hỏi gợi y tìm tòi vấn đề: giúp các em tái hiện kiến thức hoặc thông tin gợi lên sự tò mò tìm hiểu.
2.2. Câu hỏi suy tư: Đòi hỏi các em phải suy tư, vận dụng khả năng và kiến thức để phân tích, tổng hợp, khái quát để khám phá ý nghĩa vấn đề.
Câu hỏi không duy nhất một câu trả lời đúng
2.3. Câu hỏi đào sâu: Hướng các em vào trọng tâm vấn đề, chiếm lĩnh nội dung, lĩnh hội tri thức (chủ thể hoá nội dung = vật chất hóa tri thức).
Câu hỏi thường có câu trả lời rõ ràng, chính xác.
3. Trường Hợp Sử Dụng Tình Huống Nêu Vấn Đề
Cách thức đặt câu hỏi nêu vấn đề như sau:
- Câu hỏi nêu vấn đề chứa đựng một nội dung rộng lớn, mang tính chất tổng hợp (câu hỏi tái hiện thường vụn vặt).
- Câu hỏi nêu vấn đề thường có tính chất phức tạp về nội dung, gợi lên những mâu thuẫn giữa cái đã biết với cái chưa biết, giữa cái cũ với cái mới, giữa lý thuyết với thực tế…, mâu thuẫn đó đòi hỏi học sinh  giải quyết bằng tư duy sáng tạo.
- Câu hỏi nêu vấn đề phải vạch ra được mối liên hệ giữa lý thuyết (nội dung bài học) với đời sống thực tế, với chính cuộc sống của học sinh.
- Câu hỏi nêu vấn đề phải mang tính hệ thống liên tục mới có thể từng bước dẫn dắt học sinh khám phá ra chân lý Tin Mừng mà Giáo Hội muốn trình bày qua nội dung bài giáo lý.
- Câu hỏi nêu vấn đề phải sát với nội dung bài học và phù hợp với tâm lý tuổi các em (các em có thể trả lời được) mới có thể gợi lên hứng thú học tập, sức hấp dẫn nơi học sinh. Nghĩa là nó vừa phản ánh trọng tâm vừa nằm trong tầm cảm nghĩ của học sinh.
Sử dụng câu hỏi nêu vấn đề, giáo lý viên phải quản lý giờ trao đổi thật tốt, bằng không lớp học dễ mất trật tự, nội dung bài học khó hoàn thành và một số học sinh cá biệt sẽ lợi dụng để nghịch phá. Giáo lý viên đặc biệt nắm vững phương pháp thảo luận.
Lưu ý: Trong một bài học cần phối hợp sử dụng các phương pháp, không cần thiết phải nêu nhiều vấn đề có tình huống.