• Trang chủ

Bài 11- QUÁ TRÌNH THÂM NHẬP BÀI GIÁO LÝ- PHƯƠNG PHÁP ĐỌC ÂM VANG


I. Quá Trình Thâm Nhập Một Bài Giáo Lý
1. Tầm Quan Trọng
Thâm nhập một bài giáo lý là công việc của học sinh, của Giáo lý viên, các chuyên viên huấn giáo, các mục tử… Trong trường giáo lý công việc thâm nhập một bài giáo lý càng cần thiết hơn.
Nắm vững qui trình thâm nhập một bài giáo lý, Giáo lý viên sẽ soạn bài dễ dàng hơn, đồng thời biết cách tổ chức cho học sinh học hỏi bài giáo lý một cách có ý thức và hữu hiệu.
Các nhà nghiên cứu về văn bản nói chung, có những cách thức tiến hành khác nhau, tuy nhiên thường đề cập đến một quá trình đi từ ngoài vào trong: đi từ từ ngữ, câu văn kết cấu đến ý nghĩa nội dung.
2. Tiến Trình Thâm Nhập [1]
2.1. Bước Tổng Hợp
- Tri giác ngôn ngữ: Đọc đoạn Lời Chúa, đọc nội dung bài giáo lý. Đọc toàn bộ từ chữ đầu đến chữ cuối, đọc âm vang, đọc để tri giác bằng mắt, bằng từ ngữ, hình ảnh…
- Tìm hiểu từ ngữ cần giải thích trong bài giáo lý, tiếp tục đọc lại, đọc nữa… (nếu cần)
- Xác định chủ đề mà Giáo Hội muốn nói trong bài giáo lý.
2.2. Bước Phân Tích Cắt Nghĩa
- Tìm hiểu kết cấu (các ý chính) bài giáo lý mà người soạn văn bản muốn trình bày.
- Tìm hiểu giáo huấn: Dựa vào Lời Chúa và Huấn quyền của Giáo Hội tìm hiểu giáo huấn của Giáo Hội qua những từ ngữ, câu văn, … – nghĩa là Giáo Hội muốn dạy điều gì qua từ ngữ, câu văn, … để làm rõ nội dung chủ đề giáo lý và ý nghĩa giáo dục về đức tin, luân lý, phụng tự.
- Sắp xếp lại kết cấu (nếu cần), đặt từng tiểu đề cho từng ý của nội dung bài giáo lý.
2.3. Bước Tổng Hợp Cao
- Khẳng định chủ đề của bài giáo lý (sau khi đã phân tích) thể hiện ở điểm nào (= trọng tâm bài giáo lý).
- Đề ra phương pháp để đào sâu, khai thác nội dung.
II. Phương Pháp Đọc Am Vang
1.Khái Niệm
Phương pháp  đọc âm vang là phương pháp được thực hiện thông qua việc đọc thành lời các bản văn (câu, đoạn bản văn Kinh Thánh hay giáo lý) của Giáo lý viên, hoặc một số hoặc tất cả học sinh .
2. Vị Trí Và Mục Đích
Phương pháp đọc âm vang hiện nay có một vị trí quan trọng trong huấn giáo đang được Giáo Hội khuyến khích áp dụng trong việc dạy giáo lý.
Trong văn kiện “Hướng dẫn tổng quát về Huấn giáo”, 1997, Thánh bộ Giáo sĩ  dựa vào Kinh Thánh để chỉ ra rằng: Huấn giáo là làm vang vọng Lời Chúa [2]: “vang vọng ngay trên miệng, ngay trong lòng... Nếu tuyên xưng nơi miệng và tin trong lòng thì được nên công chính và được cứu rỗi” (x. Rm 10,8 –10). “Tin là do bởi được nghe, còn nghe là nhờ rao giảng Lời” (Rm 10,17). Đọc Lời Chúa trong giờ giáo lý là lúc để cho Chúa nói trực tiếp với học sinh.
Khi đọc, âm vang của lời đọc kích thích quá trình tri giác, trí tưởng tượng và tái hiện lại những hình ảnh, bối cảnh trong Kinh Thánh.
Cảm xúc bắt đầu từ đọc sẽ được suy niệm trong quá trình đọc, kích thích quá trình tâm lý cảm thụ, giúp người đọc, người nghe dễ dàng cảm nghiệm, cầu nguyện qua bản văn Kinh Thánh; cũng như hiểu giáo lý tốt hơn khi được dẫn giải.
3. Các Hình Thức Của Phương Pháp Đọc Am Vang
3.1. Các Hình Thức Phương Pháp Đọc Am Vang
Phương pháp đọc âm vang có thể thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau qua các bước của tiến trình thực hiện một bài dạy – học giáo lý:
·      đọc chuẩn bị ở nhà,
·      đọc đầu giờ giáo lý,
·      đọc thầm, đọc cho nhau nghe trong một nhóm nhỏ,
·      đọc lớn tiếng cho cả lớp nghe (một em hay một nhóm đọc),
·      đọc  theo cách trần thuật, kể chuyện,
·      đọc phân vai theo từng nhân vật,
·      đọc kết hợp ngay trong khi giảng bài giáo lý,
·      đọc sau khi giảng.
·      Học thuộc lòng các công thức hay những câu Kinh thánh, tín lý… và một số kinh thường đọc.
3.2. Những Chú Y Khi Thực Hiện Phương Pháp
Muốn đọc một cách có hiệu quả, Giáo lý viên phải chú ý hướng dẫn học sinh ý thức và kỹ năng đọc diễn cảm [3].
- Đọc diễn cảm trước hết phải đọc đúng và đọc hay.
·      Đọc đúng là đọc trung thành với nội dung ý nghĩa của bản văn.
·      Đọc hay là biết phối hợp các hoạt động đọc, biết phát huy các ưu thế về chất giọng, cách phát âm, độ cao thấp (âm vực) và độ ngân vang của ngôn ngữ, ngừng nghỉ, ngắt nhịp đúng lúc để làm chủ giọng đọc và kỹ thuật đọc phù hợp với giọng điệu bản văn diễn tả.
- Trong hoạt động đọc, nhất là khi đọc Lời Chúa, không chỉ dừng lại ở chỗ đọc đúng, đọc hay mà phải cảm nghiệm được Lời Chúa, huấn giáo của Giáo Hội nơi từng câu, từng ý, từng hành vi cử chỉ của các nhân vật trong bản văn Kinh Thánh hay giáo lý.
- Hoạt động đọc phải giúp học sinh tìm ra được chủ đề đoạn văn, bản văn (Kinh Thánh hay giáo lý) và khám phá ra ý chính của nội dung bài giáo lý.
4. Việc Học Thuộc Lòng Trong Dạy Học Giáo Lý [4]
- Sử dụng trí nhớ là một khía cạnh của sư phạm đức tin ngay từ thời Giáo Hội sơ khai: Các tín hữu được học thuộc lòng một số các công thức tuyên xưng đức tin như Kinh Tin Kính, các công thức phụng vụ, các thánh thi…
- Các công thức đức tin chính là đối tượng của việc ghi nhớ, thuộc lòng. Việc hiểu và ghi nhớ chắc chắc ngôn ngữ đức tin là điều không thể thiếu để có thể sống đức tin.
- Để tránh nguy cơ máy móc, việc việc vạn dụng trí nhớ phải được sử dụng một cách linh hoạt với các phương pháp học tập khác. Như vậy mới bảo đảm cho việc trình bày một cách chính xác đức tin và truyền thống đức tin.
- Những công thức, những câu thuộc lòng phải ngắn gọn, đúc kết được nội dung nhưng lại dễ hiểu, dễ nhớ. Điều quan trọng là khi ghi nhớ thuộc lòng các công thức, các câu giáo lý, các lời kinh ấy,thì đồng thời phải giúp các em hiểu một cách sâu sắc ý nghĩa của chúng, như thế chúng mới trở thành những nguồn mạch sự sống Kitô cho cá nhân và cho cộng đoàn.


[1] Gs. Phan Trọng Luận, Phương pháp dạy học văn, nxb ĐHQG Hà Nội, 1999, trang 138 - 140 và Phương pháp giảng dạy văn học, ĐH Huế, 2001, trang 147 – 149.
[2] Fr. Fortunat Trần Trọng An Phong, Tài liệu học tập văn kiện “Hướng dẫn tổng quát về Huấn giáo” (1997) của Thánh bộ Giáo sĩ, 2001
[3] Gs. Phan Trọng Luận, Phương Pháp Dạy Học Văn, nxb ĐHQG Hà Nội, 1999, trg 93 và Vũ Nho, Nghệ Thuật Đọc Diễn Cảm, nxb Thanh niên, 1999.
[4] Thánh bộ Giáo sĩ (1997), Hướng Dẫn Tổng Quát Về Huấn Giáo, số 154