• Trang chủ

Bài 1- THẾ NÀO LÀ GIÁO LÝ ?


I. Định Nghĩa Giáo Lý [1]
1.  Theo Hy ngữ, Cathèkhèo (Anh ngữ: Catechesis)  dịch là giáo lý hay huấn giáo, nghĩa là vang dội lại (echo), là loan truyền, giảng dạy.
-          Catechesis (giáo lý) bao hàm Kerygme (loan báo) và Praxis (phản ảnh, làm chứng).
-          Giáo lý là vang dội lại Tin Mừng mang tính chất vừa mục vụ vừa hệ thống. Nó có mục đích dẫn đưa người tân tòng (trẻ thơ hay người lớn) hiểu biết các mầu nhiệm trong đạo, mối quan hệ giữa chúng, dẫn đưa họ đi vào mối tương quan với Thiên Chúa.
-          Giáo lý trước hết phải là một lời kêu gọi hoán cải nội tâm [2].
2. Ta có thể hiểu giáo lý là trình bày Lời Thiên Chúa một cách đơn giản, cụ thể, sống động, để giúp tín hữu hiểu và sống đức tin.
II. Vị Trí Của Giáo Lý
-          Dạy giáo lý là nói Tin Mừng cho người chưa nhận biết Chúa Kitô.
-          Dạy giáo lý là giúp tín hữu đào sâu chân lý đức tin.
-          Diễn giảng mầu nhiệm Kitô giáo trong khuôn khổ phụng vụ và nhằm chủ đích phụng vụ.
III. Nhiệm Vụ Của Giáo Lý [3]
Huấn giáo thực hiện những nhiệm vụ mà Chúa Giêsu đã trao cho các môn đệ khi sai các ông đi giảng dạy, các nhiêm vụ tuy khác nhau nhưng liên quan với nhau. Đó là các nhiệm vụ:
1. Truyền đạt, phát huy, khuyến khích việc hiểu biết đức tin như CGS giúp cho người thời bấy giờ hiểu biết mầu nhiệm Nước Thiên Chúa (Mt 13,11)
2. Giáo dục phụng vụ: CGS trao ban bí tích để ban ân sủng nuôi dưỡng đời sống con người (Lc 22, 19)
3. Huấn luyện đời sống luân lý: CGS đã dạy một lối sống theo các Mối Phúc, theo Mười điều răn, và theo gương Người (Mt 11, 29)
4. Dạy cầu nguyện như CGS đã dạy cho các môn đệ biết cầu nguyện (Lc 11,2).
5. Giáo dục đời sống cộng đồng: sống tinh thần hiệp thông  (Ga 17, 21) và bác ái (Ga 14, 34).
6. Khai dẫn truyền giáo: Truyền giáo là mệnh lệnh của CGS trao cho Giáo Hội (Mt 28, 19 - 20), là bản chất của Giáo Hội [4].
IV. Nguồn Mạch Của Giáo Lý[5]            
Nguồn mạch của giáo lý là:
Thánh Kinh: Là Lời Thiên Chúa được ghi chép lại
Thánh Truyền: Truyền khẩu và giáo huấn các giáo phụ[6].
Phụng vụ: Qui luật cầu nguyện là qui luật đức tin (Lex orandi, lex credendi).
Đời sống của Giáo Hội: Gồm các giáo huấn của Huấn quyền và lòng tin của dân Chúa.
V. Mối Quan Hệ Giáo Lý Với Thần Học, Thánh Kinh Và Phụng Vụ
1. Giáo Lý Và Thần Học [7]
Xét về nguồn mạch và nội dung thì giáo lý và thần học giống nhau: bắt nguồn từ Lời Thiên Chúa và trình bày Lời Thiên Chúa.
Xét về chuyên môn và phương pháp thì giáo lý và thần học khác nhau.
Dạy thần học là một dạng của sự huấn giáo Kitô, nhưng nó khác giáo lý ở chỗ là nó nhằm đến trước tiên những người trưởng thành trong Giáo Hội. Nó mang tính khoa học, mời gọi ngay đến lý trí phê phán hơn là một sự hoá cải nội tâm. Còn giáo lý nhằm đến người tân tòng, nó vừa mang tính chất mục vụ vừa hệ thống, giáo lý trước hết là kêu gọi sự hoán cải.
2. Giáo Lý Với Thánh Kinh [8]
Thánh Kinh là Lời Thiên Chúa và là nền tảng của giáo lý. Nội dung Thánh Kinh là lịch sử cứu độ, trong đó Chúa Kitô là mầu nhiệm trung tâm. Nên giáo lý phải trình bày ý định và chương trình cứu độ của Thiên Chúa quy về Chúa Kitô là trung tâm của lịch sử cứu độ (quy Kitô). Giáo lý càng gần Thánh Kinh bao nhiêu thì càng phong phú bấy nhiêu.
Thánh Kinh là Lời Thiên Chúa nói với con người bằng ngôn ngữ con người, theo cách suy nghĩ và diễn đạt của con người. Do vậy dạy giáo lý không chỉ thấm nhuần Thánh Kinh về nội dung mà còn về cả ngôn ngữ và cách diễn đạt
3. Giáo Lý Với Phụng Vụ [9]
Lời Thiên Chúa được Giáo Hội đón nhận và diễn tả trong chính đời sống của mình, nhất là trong Phụng vụ. Qui luật cầu nguyện là qui luật đức tin, nghĩa là những gì Giáo Hội sống trong lời cầu nguyện thì điều đó thuộc về lãnh vực đức tin.
Các bản văn và kinh nguyện trong Phụng vụ rất phong phú về mặt giáo thuyết, giáo lý có thể dùng những lời trong đó làm câu học thuộc lòng cùng với những lời trích từ Thánh Kinh.
Giáo lý chuẩn bị và hướng về Phụng vụ, thì Phụng vụ bổ túc cho giáo lý. Phụng vụ làm cho giáo lý trở nên cụ thể, sống động và làm cho người tín hữu cảm nghiệm được những gì được nghe giảng.


[1] Theo Jonh A. Hardon, Từ Điển Phổ Thông Công Giáo: Giáo lý là hệ thống giáo thuyết của Giáo Hội nhằm trình bày chân lý đức tin mà Giáo Hội tin là chính Thiên Chúa mặc khải cho Giáo Hội.
2 Sh. Vital Nguyễn Hữu Quang, Làm Thần Học Là Làm Môn Đệ, 2003.
[3] Thánh bộ Giáo sĩ, (1997) Hướng dẫn tổng quát về Huấn giáo. Bản dịch 1997, số 85 – 86.
[4] Vat 2, Sắc lệnh về Truyền Giáo (TG), số 2.
[5] Lm. Nguyễn Văn Tuyên, Sư phạm giáo ly, Tủ sách đại kết, 1995, trang 12 - 13
[6] Giáo phụ là các văn sĩ thánh của những thế kỷ đầu tiên được Giáo Hội công nhận như chứng nhân đặc biệt của đức tin.
Bốn tiêu chuẩn để công nhận là giáo phụ: (1) thuộc về thế hệ xưa, (2) theo giáo lý chính thống của Giáo Hội, (3) sống thánh thiện, (4) được Giáo Hội chấp nhận. Thường chia ra giáo phụ La tinh (Tây Phương) và giáo phụ Hy lạp (Đông Phương). Người ta đồng ý với nhau rằng giáo phụ cuối cùng của Tây phương là thánh Isidoro thành Sevilla (560 – 636) và giáo phụ cuối cùng của Đông phương là thánh Gioan Damasceno (675 – 749) (x. Jonh A. Hardon, SJ, Từ điển phổ thông công giáo).
[7] Lm. Nguyễn Văn Tuyên, sđd, trang 14 - 17
[8] Lm. Nguyễn Văn Tuyên, sđd, trang 30 - 33
[9] Lm. Nguyễn Văn Tuyên, sđd, trang 33 - 35