• Trang chủ

Chương I - LÝ DO CÔNG TRÌNH CỨU ĐỘ


I. LỊCH SỬ CỨU ĐỘ VÀ MẦU NHIỆM CỨU ĐỘ:
Whatawon* Mầu nhiệm cứu độ là ý định của Thiên Chúa nhằm thông ban sự sống của Thiên Chúa cho loài người. Ý định này được thực hiện trong công cuộc sáng thế. Nhưng do sự khước từ của con người mở đường cho tội lỗi vào thế gian. Thiên Chúa vẫn tiếp tục ý định cứu độ mà sai Con Một xuống thế làm người để cứu chuộc chúng ta. Chúa Cứu Thế đến rao giảng Tin Mừng Cứu Độ cho Dân Chúa. Ngài chọn 12 tông đồ và trao phó cho các ông sứ mạng đem Tin Mừng cho muôn dân dưới sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần.
* Ý định Cứu Độ của Thiên Chúa được thực hiện qua một chương trình là chương trình Cứu Độ, diễn ra ngay giữa lịch sử loài người: lịch sử Israel. Lịch sử Cứu Độ diễn tả sự can thiệp của Thiên Chúa trong lịch sử qua những lời nói, việc làm và qua những biến cố xảy ra trong lịch sử. Đây là cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và loài người nhằm tỏ bày cho họ biết ý định của Thiên Chúa, nhờ đó con người được dạy cho biết về Thiên Chúa, về chính mình cũng như về vũ trụ. Lịch sử Cứu Độ nói lên lòng từ ái của Thiên Chúa và đường lối sư phạm của Ngài. Lịch sử Cứu Độ được ghi chép trong các sách Kinh Thánh.
II. MẠC KHẢI VÀ KINH THÁNH:
1. Mạc khải
- Thiên Chúa tạo dựng đã tỏ bày chính mình trong những kỳ công huy hoàng của vũ trụ. Nhờ trí khôn, loài người có thể nhận ra Thiên Chúa.
- Thiên Chúa còn tự biểu lộ qua luật lương tâm thúc giục con người làm lành lánh dữ. Tuy nhiên, trong tình trạng thực tế, con người dễ lầm lẫn và dừng lại bên thụ tạo như một cái gì tuyệt đối mà từ khước Đấng Tạo Hóa. Nhưng, Thiên Chúa chẳng bao giờ để mặc loài người tự tìm kiếm Ngài bằng sức riêng của họ. Những chân lý con người khó có thể tìm ra thì Chúa đã minh thị mạc khải để mọi người nhận biết chân lý cách dễ dàng và khỏi nguy cơ sai lầm: đó là Mạc Khải của Thiên Chúa.
- Mạc Khải của Thiên Chúa có 2 giai đoạn: “Thuở xưa, nhiều lần, nhiều cách Thiên Chúa đã nói với cha ông nơi các tiên tri. Vào thời sau hết, Người đã nói với chúng ta nơi Người Con”.
2. Kinh Thánh là Lời của Thiên Chúa:
- Những điều chính yếu trong các lời Thiên Chúa ngỏ với loài người được ghi chép lại trong các sách Cựu Ước và Tân Ước. Toàn bộ và từng phần đều được biên soạn dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần. Do đó, chính Thiên Chúa là tác giả.
- Các Thánh sử vận dụng hết khả năng và phương tiện, hòa hợp với ngôn ngữ và quan niệm của nhân loại trong một thời gian và nơi chỗ nhất định, để diễn tả Ý Nhiệm mầu của Thiên Chúa và chỉ những điều ấy thôi. Do đó, không thể hiểu được Kinh Thánh nếu không quan tâm đến hoàn cảnh biên soạn, cá tính của tác giả được linh hứng và ý định của tác giả khi diễn tả như vậy.
- Do đó, những xác quyết của các Thánh sử phải được kể là những xác quyết của Chúa Thánh Thần. Các Sách Thánh dạy cho biết cách chắc chắn, trung thực và không sai lầm những Chân lý mà Thiên Chúa vì phần rỗi chúng ta muốn mạc khải.
3. Nguyên tắc chú giải Thánh Kinh:
a) Phải tìm ra những gì các Thánh sử thực sự muốn nói và điều gì Thiên Chúa đã muốn nhờ đó mà tỏ bày cho chúng ta, nghĩa là phải tìm ý tác giả.
b) Để biết được ý của tác giả, cần lưu ý :
. “Loại văn”: có nhiều loại văn trong Kinh Thánh như : Lịch sử, Tiên tri, Thi ca, Giáo huấn,...
. Hoàn cảnh xã hội, nền văn hóa, những cách thức cảm nghĩ, suy tư của từng Thánh sử.
c) Để khám phá cho đúng ý nghĩa của bản văn, cần lưu ý đến nội dung và sự thống nhất của toàn thể Kinh Thánh trong tương quan sinh động với Thánh truyền và Đức tin trong Hội Thánh. Do đó chỉ có Hội Thánh, nhờ đức tin tông truyền, mới có thẩm quyền chú giải Kinh Thánh, vì Thiên Chúa đã giao cho Hội Thánh sứ mạng và chức vụ để gìn giữ và chú giải Lời Chúa.
Bài 1 - BẮT ĐẦU LỊCH SỬ CỨU ĐỘ
Những chương đầu của sách Sáng Thế cho biết cử chỉ đầu tiên biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa đối với loài người, đây cũng là nền tảng phẩm giá của con người. Sách Sáng Thế cho thấy: nguồn gốc của vũ trụ, của loài người, của đau khổ và tội lỗi. Trả lời cho 3 vấn nạn quan trọng nhất đối với loài người: Bởi đâu có vũ trụ ? Bởi đâu có sự dữ, tai họa và khốn khổ trong xã hội loài người ? Con người và lịch sử sẽ đi về đâu ?
I. TẠO DỰNG THẾ GIỚI LOÀI NGƯỜI:
Xét theo khả năng tự nhiên của lý trí, chúng ta không thể biết chắc chắn vũ trụ bao la khởi đầu thế nào. Nhưng nhờ mạc khải của Thiên Chúa, ta biết rằng thế giới này đã có một khởi đầu: thế giới này đã được Thiên Chúa tạo dựng và bắt đầu xuất hiện trong thời gian, chứ không phải do tình cờ ngẫu nhiên. Cũng không từ một nguyên liệu có trước; nhưng Thiên Chúa tạo dựng mọi sự từ hư vô, nghĩa là từ không có gì, Thiên Chúa phán một lời, mọi vật liền hiện hữu.
Sách Sáng Thế có 2 bản văn tường thuật công cuộc tạo dựng của Thiên Chúa :
- Bản I  : (St 1,1-2,4a), nói về việc Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ.
- Bản II: (St 2,4b-25), nói về việc Thiên Chúa tạo dựng con người.
+ Bản văn I: (St 1,1-2,4a) Bản văn mô tả việc Thiên Chúa sáng tạo theo khuôn khổ một tuần lễ: Thiên Chúa làm việc trong 6 ngày, và nghỉ ngày thứ bảy, ngày Sabat.
Trong 6 ngày làm việc, Chúa sáng tạo mọi sự theo một chương trình, theo trình tự có liên quan với nhau: đặt nền và trang trí.
Ngày    Đặt nền (Phân tách) Ngày               Trang trí
I                Sáng / Tối                     IV       Mặt trời, trăng, sao
II       Nuớc trên / Nước dưới        V              Chim / Cá
III      Biển / Đất - Cây cối             VI       Sinh vật - Con người
Bản văn mang tính tôn giáo, tác giả nhằm công việc thần học hơn là khoa học. Đây là bài giáo huấn về Thiên Chúa, về vạn vật và con người.
* Về Thiên Chúa:
. Chỉ có một Thiên Chúa, tất cả các vật khác do Ngài dựng nên.
. Thiên Chúa dùng quyền năng sáng tạo muôn loài, muôn vật từ hư không.
. Thiên Chúa là chủ muôn loài, Ngài xếp đặt trật tự và gìn giữ chúng.
* Về vạn vật:
. Muôn loài trong vũ trụ đều do Thiên Chúa tạo thành và đều tốt lành.
. Vạn vật được dựng nên theo một trình tự: có trước, có sau.
. Con người phải dành một ngày trong tuần cho Thiên Chúa (ngày Sabat).
* Về con người:
. Con người cao trọng nhất trong vũ trụ vì Thiên Chúa yêu thương họ (Thiên Chúa suy nghĩ, bàn định, dụng công...).
. Con người là hình ảnh của Thiên Chúa (có trí khôn, tự do, tình yêu) được Thiên Chúa cho làm chủ vũ trụ.
. Thiên Chúa sáng tạo con người có nam, có nữ và Chúa chúc lành cho họ sinh sản ra nhiều đầy mặt đất.
+ Bản văn II : (St 2,4b-25) nói về việc Thiên Chúa dựng nên con người. Như người thợ gốm: Chúa lấy bụi đất nặn nên con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi; tạo dựng Eva từ xương sườn của Ađam. Với lối văn sinh động và bình dân, tác giả diễn tả quan niệm thật sâu sắc:
- Thiên Chúa dựng nên con người có hồn và xác.
- Thiên Chúa đặt con người làm chủ vũ trụ, Thánh kinh diễn tả qua việc Ađam đặt tên cho các sinh vật.
- Thiên Chúa dựng nên nam nữ bình đẳng, yêu thương và bổ túc cho nhau.
- Ông bà coi sóc vườn Eden : hạnh phúc của con người là cộng tác với Thiên Chúa trong công trình sáng tạo.
- Địa đàng là một tình trạng hạnh phúc : hiệp nhất và bình an giữa con người với Thiên Chúa và con người với vũ trụ.
Công cuộc sáng tạo vũ trụ được sắp xếp trong 6 ngày để phù hợp với cách sắp xếp việc làm của người Do Thái; tác giả cố ý cho đồng bào Do Thái hiểu rằng họ phải nghỉ ngơi ngày thứ bảy, ngày Sabat, vì chính Thiên Chúa cũng đã nghỉ ngơi ngày đó.
II. TỘI LỖI ĐI VÀO THẾ GIỚI:
“Và Thiên Chúa đã truyền dạy người rằng: mọi cây trong vườn ngươi đều được ăn, nhưng cây ‘biết tốt xấu’ ngươi không được ăn, ngày nào ăn nó các ngươi sẽ chết”.
Hai ông bà phải qua cơn thử thách và họ đã rơi vào bất phục và kiêu ngạo: đã nghe ma quỷ, lạm dụng tự do chống lại Thiên Chúa, con người phá đổ trật tự phải có để đạt tới cùng đích của mình, đồng thời phá vỡ mọi hòa hợp nơi chính bản thân cũng như với người khác và với mọi thụ tạo.
“Và chúng biết là chúng trần truồng”. Từ trước đến giờ họ  trần trụi mà vẫn không hổ ngươi, nhưng nay dục tình thác loạn, tình cảm lấn át lý trí, thể xác không còn phục tùng linh hồn. Nơi con người có một sự xáo trộn sâu xa.
- Không chỉ là trần trụi thể xác, nhưng còn là "khi được mở mắt ra" họ nhận rõ những yếu kém, thấp hèn của mình; nhận ra mình trần trụi trong muôn giới hạn. Trần truồng là biểu hiện của hèn hạ, trơ trụi, nghèo đói, nhục nhằn,...
- Cảnh hòa hợp giữa con người với thiên nhiên, vũ trụ không còn nữa : lao lực, đau khổ là số phận của  con người, và cái chết sẽ đưa trả con người về tro bụi. Bao nhiêu mất mát thiệt thòi cho hai ông bà:
. mất tình nghĩa với Thiên Chúa.
. mất những đặc ân.
Con người khước từ Thiên Chúa và hậu quả là họ khước từ nhau, thế giới trở nên gai góc cho con người. Chương trình Cứu Độ gặp một thất bại thê thảm nhưng Thiên Chúa toàn năng và nhân hậu đã không bỏ mặc con người trong tội. Ngài hứa ban Đấng Cứu Thế :
“Ta sẽ đặt hận thù giữa ngươi (rắn) và người đàn bà, giữa dòng giống ngươi và dòng giống nó, dòng giống nó sẽ đạp nát đầu ngươi, và ngươi sẽ táp lại gót chân”.
III. HẬU QUẢ CỦA NGUYÊN TỘI:
+ Cain giết em là Abel: câu chuyện cho thấy khi con người khước từ Thiên Chúa thì sớm muộn sẽ loại trừ anh em, cái chết đầu tiên xuất hiện. Con người chạm vào máu người anh em.
+ Lụt hồng thủy và gia đình Noe : đoạn văn về lụt hồng thủy cho thấy tội lỗi lan tràn nhanh chóng thế nào, và chỉ có lụt mới rửa sạch. Thiên Chúa hằng quan tâm đến con người. Ngài không thể chấp nhận tội lỗi nhưng những người ngay chính (gia đình Noe) sẽ được Thiên Chúa cứu thoát. Và Ngài hứa sẽ không hủy diệt nhân loại như vậy nữa. Dấu chỉ Giao ước là cầu vồng.
+ Tháp Babel: do lòng kiêu căng sinh ra sự bất hòa và hỗn loạn. Lòng kiêu căng khiến con người không còn có thể hiểu nhau (Kinh Thánh dùng hình ảnh là ngôn ngữ họ bất đồng) và họ bị phân tán đi khắp nơi trên mặt đất.
Con người càng chìm sâu trong tội càng cần ơn Chúa Cứu Độ.