• Trang chủ

Chương 2 - Chuẩn bị công trình Cứu độ


Chương  II - CHUẨN BỊ CÔNG TRÌNH CỨU ĐỘ
Thiên Chúa chí ái khi chuẩn bị cho phần rỗi toàn thể nhân loại, đã đặc biệt trù liệu kén chọn một dân tộc, để ký thác cho họ những lời hứa.
Thiên Chúa muốn loài người được thánh hóa và cứu rỗi không phải cách riêng rẽ thiếu liên kết; trái lại, Ngài muốn tập họp họ thành một dân tộc hiểu biết Ngài trong chân lý và phụng sự Ngài trong thánh thiện.
Bài 2 - CHUẨN BỊ DÂN THIÊN CHÚA
I. Thiên Chúa kêu gọi Abraham:
Gia đình ông Terac, cha của Abram thuộc giống dân Sem. Do tình trạng khó khăn về kinh tế nên gia đình Terac phải di cư lên mạn bắc và sinh sống làm ăn ở Haran. Chính từ Haran, Thiên Chúa gọi Abram: “Ngươi hãy rời bỏ xứ sở, bỏ nhà cha ngươi mà đi đến xứ Ta sẽ chỉ cho” (St 12,1).
Abram vâng lời và thu xếp công việc, đem gia đình và gia nhân lên đường theo lệnh Chúa.
II. Lời hứa và giao ước:
+ Thiên Chúa đổi tên cho Abram thành Abraham (nghĩa là người cha các dân tộc) và Sarai thành Sara (nghĩa là nữ hoàng). Vì từ con cháu Bà sẽ xuất hiện các vua chúa. Việc đổi tên nói lên việc thay đổi hướng đi của một cuộc đời.
+ Thiên Chúa hứa ban cho ông 3 điều: nên tổ phụ một dân tộc vĩ đại, ban một đất nước và nên lời chúc phúc cho muôn dân.
Lời hứa của Thiên Chúa nâng  đỡ niềm hy vọng của Abraham. Ngày tháng trôi qua mà Abraham chưa thấy có đứa con nào, ông định đặt một người con của tôi tớ lên để tiếp tục đón nhận lời hứa. Nhưng Thiên Chúa đã lặp lại lời Người đã hứa. Để xác nhận lời hứa, Thiên Chúa đã lập với Abraham một giao ước. Giao ước này có một nghi thức: các con vật xẻ đôi đặt hai bên (hai đàng giao kết sẽ cùng nhau đi lối giữa, vừa đi vừa cam kết: nếu ai bội ước sẽ chịu số phận như chiên bò bị phân thây xẻ thịt.). Chỉ có Thiên Chúa dưới hình thức lửa hồng đi ngang qua thôi, vì trong trường hợp này, không có hai đàng cam kết ngang hàng nhau mà chỉ có mình Thiên Chúa tốt lành, có sáng kiến ban hồng ân cho Abraham.
Do lời hứa của Thiên Chúa qua giao ước, hai ông bà không chỉ là tổ tiên của một bộ lạc như nhiều bộ lạc khác. Ông bà sẽ là tổ phụ của một dân tộc, Dân của Thiên Chúa, Dân có danh dự và trách nhiệm nuôi dưỡng niềm hy vọng to lớn, không những cho mình mà còn cho toàn thể loài người nữa.
III. Thử thách:
Năm Abraham 100 tuổi, ông mới sinh Isaac, đứa con của lời hứa. Chắc chắn Abraham toại nguyện. Nhưng Thiên Chúa còn thanh luyện ông cho hoàn hảo hơn bằng một thử thách vô cùng lớn lao: Thiên Chúa đòi ông dâng người con duy nhất mà ông rất mực yêu quý làm lễ toàn thiêu. Lệnh kêu gọi “từ bỏ” ngày xưa ở Haran nay lại vang lên, không chỉ là từ bỏ một quá khứ thân yêu, một vùng đất màu mỡ, nhưng từ bỏ chính người con một duy nhất, bảo đảm cho ông một tương lai huy hoàng. Và đau khổ hơn là chính ông phải ra tay sát tế con.
Abraham vâng lệnh Chúa vì tin rằng mình sẽ có dòng giống đông như sao trời, như cát biển. Thiên Chúa đã chặn đường gươm của ông và trả lại cho ông người con yêu quý. Thiên Chúa chấp nhận lòng thành vâng phục hơn của lễ.
Ông đã vững tin bất chấp tình nghĩa ruột thịt hay lý luận khôn ngoan thông thường, nên Chúa đã chúc lành cho ông: “Ta lấy Danh Ta mà thề rằng : vì ngươi đã làm điều ấy và đã không từ chối dâng đứa con một mà ngươi yêu quý cho Ta, Ta sẽ làm cho dòng dõi ngươi nên đông, nên nhiều như sao trên trời, như cát bãi biển”.
IV. Abraham tổ phụ các tín hữu:
+ Abraham bạn thân của Thiên Chúa: được Thiên Chúa đối xử rất thân mật: bàn với ông khi đánh phạt Sodoma, khi gia đình ông gặp hoạn nạn bởi Pharaon Thiên chúa đã can thiệp (St 20,3-4.18). Abraham còn là người quảng đại, hiếu hòa (trong thái độ cư xử với ông Lot), liêm chính (không nhận tặng phẩm của vua Sodoma), thương người (ông nài xin Chúa tha phạt cho thành Sodoma), ông rất hiếu khách (St 18).
+ Đức tin của Abraham: Abraham được gọi là “Cha những kẻ tin”. Ông không long trọng tuyên xưng đức tin nhưng mọi biến cố cuộc đời ông đều diễn tiến dưới lòng tin vào Thiên Chúa. Một đức tin mau mắn, cương quyết (trong những lần thử thách). Đức tin tích cực không khoanh tay ngồi chờ (lời nguyện xin trên Ismael). Đức tin trưởng thành (không than thân trách phận).
Đức tin và lòng trung thành của tổ phụ Abraham là di sản tinh thần rất cao quý cho con cái ngài:
- Ỷ vào tư cách con cháu Abraham theo huyết nhục mà thôi thì không thể kể là kẻ thừa kế lời hứa đã ban cho Abraham.
- Sống theo tinh thần của Abraham mới thực là con cháu của Abraham.
V. Niềm hy vọng đang vươn lên với Isaac và Giacop
Công việc chuẩn bị dân Thiên Chúa đã hoàn thành ở giai đoạn đầu.
Kinh Thánh cho thấy Thiên Chúa dàn xếp cuộc hôn nhân của Isaac với Rebecca. Hai con sinh đôi được mở mắt chào đời cũng do Thiên Chúa nhận lời cầu khẩn của người cha (St 25,21).
Cách đối xử tròng tréo của người mẹ đã đưa đến kết quả : Giacop được chức trưởng nam của anh là Esau. Chính Giacop và con cháu ông sẽ mang lời hứa của Thiên Chúa. Kinh Thánh cho thấy Thiên Chúa chấp nhận những lời nguyền rủa hoặc chúc lành của các tổ phụ.
Giacop tránh cơn giận của anh mà về quê mẹ ở Haran. Ở đó ông cưới vợ và Thiên Chúa ban cho ông được 12 người con (Ruben, Siméon, Lêvi, Giuda, Isaca, Dabulon; Giuse, Benjamin; Đan, Neptali; Gad và Asê). Người nổi bật trong anh em là Giuse, làm đại thần bên Ai Cập.
Chính Thiên Chúa đổi tên cho Giacop thành Israel, ngụ chỉ rằng từ đây, chính thức Giacop sống noi gương tổ phụ Abraham mà phục vụ Thiên Chúa.
Kinh Thánh ghi chép tên tuổi dòng họ phát xuất từ các tổ phụ: Abraham, Isaac, Giacop... cũng nhằm chứng tỏ rằng lời hứa của Thiên Chúa đang được thực hiện một cách tốt đẹp. Bản thân các ngài vẫn là những con người của một thời đại còn mang nặng tính xác phàm, không tránh khỏi những cư xử bất toàn. Nhưng không vì thế mà Thiên Chúa không thực hiện được chương trình của Ngài. Bản thân các tổ phụ là thế nhưng đã được Thiên Chúa tuyển chọn và các ngài đã trung thành với Thiên Chúa.
Bài 3 - THÀNH LẬP DÂN THIÊN CHÚA
Được Chúa dẫn dắt, lẽ ra lịch sử của Dân Chúa sẽ diễn tiến cách êm xuôi. Nhưng thực tế, nhiều biến cố khiến Dân Chúa trong những bước đầu phải trải qua bao nhiêu khó khăn, trở ngại. Chưa định cư yên ổn thì hoàn cảnh kinh tế khiến gia đình Giacop phải đi tìm sinh kế nơi xứ lạ quê người. Niềm hy vọng và lời hứa năm xưa sẽ ra sao ?
I. Con cháu Giacop Ở Ai CẬp :
- Chuyện xích mích giữa những người con của Giacop: Giuse bị anh em bán cho người Ismael đem sang Ai Cập. Lúc bấy giờ, người Hýksos đang nắm chính quyền. Họ cũng thuộc dòng Sémit như người Do Thái. Nhờ đó, ông Giuse làm đến đại thần số một cạnh vua Pharaon. Và cũng nhờ đó khi nạn đói đến, gia đình tổ phụ Giacop được đón tiếp và sinh sống dễ dàng ở Ai Cập. Thiên Chúa đã biến cái xấu của con người ra cái tốt: Giuse là người ngay lành bị mắc nạn- từ người nô lệ thành ân nhân của Ai Cập; lấy ân trả oán cho anh em thù ghét, ganh tị; một lòng một dạ trắng trong, trung thành với chủ cũng như đối với Thiên Chúa; chữ hiếu thảo, tình anh em vẹn toàn.
Cuộc đời Giuse như tiên báo hình ảnh Chúa Giêsu, Người-tôi-tớ-Giavê. Đây là lần đầu tiên Kinh Thánh nêu lên ý niệm về sự cứu độ do một người đem lại cho nhiều người.
- Sau đó có cuộc thay đổi về chính trị, phía ngươi Ai Cập phong trào bài ngoại càng lớn mạnh. Để giảm sức mạnh và sự phát triển của dân Israel: các vua Pharaon bắt dân làm việc nặng nề, lâu dài khiến không còn thì giờ và sức lực để đe dọa an ninh. Ông còn ra lệnh cho các bà mụ bóp mũi giết chết các con trai người Israel mới sinh.
Con cháu Giacop không phải là những nô lệ ngay từ đầu,nhưng hoàn cảnh đẩy đưa họ vào tình trạng tệ hại: có thể bị tuyệt chủng. Họ kêu van và Thiên Chúa đã ra tay hành động.
II. Môisen :
Biện pháp của vua Pharaon gắt gao, nhưng trớ trêu thay, một đứa bé trai Do Thái thuộc chi tộc Lêvi đã sống sót nhờ sự tò mò và lòng nhân hậu của công chúa con vua Pharaon. Chính công chúa đặt tên cho hài nhi là Môisen (nghĩa là được kéo ra khỏi nước). Ông lớn lên trong hoàng cung nhưng vẫn thương đồng bào mình. Một ngày kia vì hào hiệp bênh một người Do Thái, ông đã lỡ tay giết chết một người Ai Cập nên phải trốn vào sa mạc, trốn cuộc truy lùng của Pharaon.
Khi đang chăn chiên tại Madian, ông gặp thần sứ Thiên Chúa hiện ra trong ngọn lửa giữa bụi gai trên núi Khoréb. Thiên Chúa chọn ông làm vị cứu tinh cho dân, thuyết phục và sai ông trở về Ai Cập gặp vua Pharaon, yêu cầu vua phóng thích dân Hipri. Môisen vâng lời Chúa đến gặp Pharaon, để hỗ trợ cho lời của Môisen, Thiên Chúa đã thực hiện 10 tai họa: (Nước thành máu, ếch nhái, ruồi muỗi, ruồi mòng, ôn dịch, ung nhọt, mưa đá, châu chấu, tối tăm, và các con đầu lòng của người cũng như súc vật Ai Cập đều bị giết chết). Thấy vậy, vua Pharaon liền hối thúc người Do Thái đi gấp. Các dấu lạ Chúa thực hiện qua tay Môisen không chỉ thuyết phục Pharaon và quần thần Ai Cập nhưng còn thuyết phục chính dân Israel, để họ biết cậy trông vào Chúa và vào Môisen sứ giả của Chúa.
* Môisen là tôi trung và là bạn hữu của Thiên Chúa: mang lấy tội lỗi của dân để cầu bầu và cứu vớt họ. Lời cầu bầu tha thiết chân thành của ông đã làm Chúa nguôi giận.
* Do lệnh của Thiên Chúa, Môisen đã ban hành những luật lệ tôn giáo, luân lý và xã hội hướng dẫn Israel, nhưng dân còn phải được huấn luyện lâu dài. Công việc rất khó khăn, vì lòng dân không trung thành nên đòi hỏi ông một cố gắng lâu bền, đôi lúc thử thách lòng kiên nhẫn của ông: “Tôi không thể một mình gánh nổi dân này vì nó quá nặng đối với tôi. Phải chăng tôi đã cưu mang tất cả dân này? Phải chăng tôi đã sinh ra chúng để Người bảo tôi: Hãy bồng lấy nó vào lòng ngươi... Quả nếu Người xử với tôi như vậy thì thà giết quách tôi đi, nếu tôi đã được nghĩa với Người, xin đừng để tôi phải thấy tôi khổ sở như thế này nữa”.
Sau 40 năm hành trình trong sa mạc, ông Môisen dẫn dắt dân tới biên giới đất hứa, ngắm nhìn vùng đất Chúa hứa, rồi ông chết trước khi dân qua sông vào đất hứa (Đnl 34).
Môisen để lại cho ta tấm gương của một con người sống hoàn toàn cho Thiên Chúa, kiên trì chu toàn sứ mạng Chúa trao. Đồng thời yêu thương gắn bó và liên đới mật thiết với dân: lòng tin và tinh thần phục vụ của ông đáng cho ta học đòi bắt chước.
Môisen là hình bóng của Đức Giêsu Kitô. Đấng đã sống và chết vì yêu dân, và ngày nay trong vinh quang Ngài luôn mãi cầu bầu cho dân.
III. Xuất hành:
Môisen thừa lệnh Chúa tuyên bố những tai ương trên Ai Cập. Mỗi lần bị khốn khổ, vua Pharaon hứa thả dân Israel, để hy vọng Thiên Chúa chấm dứt tai ương . Nhưng khi tai họa qua rồi, vua lại khăng khăng từ chối, đồng thời gia tăng đàn áp và làm khổ dân Israel hơn, khiến Thiên Chúa phải can thiệp cách mạnh mẽ hơn.
Trong đêm Vượt qua, dân Israel làm thịt chiên, lấy máu bôi trên thành cửa làm dấu, sứ thần Chúa sẽ "vượt qua" không làm hại các gia đình Do Thái. Họ ăn thịt chiên với bánh không men và rau đắng, ăn vội vàng trong tư thế sẵn sàng lên đường.
Sau tai ương thứ 10, vua Pharaon kinh hãi, đành để cho Israel ra đi. Dân tiến về phía đông để vào đất hứa Canaan.
Môisen hướng dẫn Israel lên đường nhưng chính Chúa mới là Đấng dẫn dắt dân Ngài: Thiên Chúa đi trước dẫn đường họ, ban ngày dùng cột mây, ban đêm dùng cột lửa, để soi đường cho họ đi luôn ngày đêm.
Nhưng rồi Pharaon lại tiếc, nên cho binh mã đuổi theo; dân Israel được Chúa cho đi qua Biển Đỏ ráo chân còn người Ai Cập bị chết chìm trong đó (Xh 14-15). Đây là cuộc vượt qua thứ hai: “Vượt qua Biển Đỏ”, cho thấy quyền năng và sự hiện diện của Thiên Chúa với dân Người.
Đối với lịch sử Israel, cuộc ra đi khỏi Ai Cập là biến cố trọng đại nhất, nói lên tình thương và quyền năng của Thiên Chúa. Không một đại lễ nào mà Dân Thiên Chúa
không nhắc đến việc Thiên Chúa giải phóng họ khỏi ách nô lệ, đưa ra khỏi Ai Cập, tiến vào đất hứa.
IV. Hành trình trong sa mạc:
Được thoát nguy một cách lạ lùng, Israel bắt đầu cuộc hành trình 40 năm trong sa mạc. Cuộc hành trình lâu dài là thời gian cần thiết để họ ý thức lại về truyền thống tổ tiên. Kỷ niệm về sa mạc luôn sống động trong lòng dân, vì thời gian sa mạc là thời gian thử thách; thời gian này họ nhiều lần phạm tội nhưng cũng được kinh nhiệm về lòng thương yêu săn sóc của Thiên Chúa (Ds 11,18-23).
* Chính Thiên Chúa dẫn dắt, bảo vệ, và huấn luyện dân. Chính Thiên Chúa chọn cho họ con đường phải đi qua dù không phải là con đường ngắn nhất. Thời gian sa mạc đặc biệt quý báu để dân ý thức về khả năng trung thành của mình.
* Ngay từ những chặng đầu và kéo dài suốt hành trình : dân kêu ca vì thiếu thức ăn, thiếu nước, thiếu an ninh. Họ hối tiếc đời sống dễ dãi ở Ai Cập. "Thà sống kiếp nô lệ hơn là cuộc phiêu lưu nguy hiểm". Sa mạc phơi trần lòng người. Có những lần Chúa trừng phạt để cảnh cáo nhưng nhờ lời Môisen cầu bầu Chúa lại tha : Chúa ban cho dân thức ăn là Manna, chim cút, và nước uống từ tảng đá chảy ra cách kỳ diệu. Ngài cứu giúp lạ lùng như việc con rắn đồng.
Kinh nghiệm sa mạc cho họ hiểu là: “Đừng thử thách Chúa” (Tv 78,95). Thời sa mậc như là thời kỳ “Đính hôn” của Thiên Chúa với Dân Ngài. Sau này trong những lúc Dân
lỗi phạm đến Chúa, Ngài lại nhắc nhớ họ thời kỳ sa mạc: “Ta sẽ dẫn chúng vào sa mạc, lòng bên lòng, Ta sẽ nói với chúng”.
V. Giao ước Sinai:
Chính tại núi Sinai, dân được giải thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập đã được giao ước với Thiên Chúa; nghĩa là Chúa nhận họ làm Dân Thánh thuộc riêng về Người, còn dân nhận Chúa là Chúa duy nhất đáng tôn thờ, không thờ lạy một thần nào khác. Để giúp họ sống xứng đáng là dân đã giao ước với Chúa, Chúa ban cho họ những lề luật, chính yếu là 10 điều răn quy định những bổn phận của con người đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân. Giao ước giữa Chúa và dân Israel được thiết lập long trọng tại núi Sinai: ông Môisen đọc cho dân nghe những quy định của Chúa, dân cam kết tuân giữ. Dân Chúa đứng trước một lựa chọn dứt khoát và quyết liệt: nghe Lời Chúa thì được Thiên Chúa chúc lành, còn không nghe thì phải chuốc lấy tai họa. Rồi Môisen lấy máu những con vật đã được sát tế, rẩy một phần trên dân, một phần trên bàn thờ tượng trưng cho Chúa, để chỉ rằng từ nay Chúa và dân liên kết với nhau thành một cộng đồng. Sự cam kết long trọng này liên quan đến vận mệnh lịch sử Israel.
Hòm Giao Ước chứa đựng những bia đá có khắc 10 giới răn. Hòm Giao Ước nhắc nhớ giao ước và là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa dân Người.
Hòm Giao Ước được đặt trong Lều, hình ảnh của đền thờ sau này và là nơi gặp gỡ giữa Thiên Chúa và dân Người.
Hòm Giao Ước và Lều là trung tâm phụng tự chính thức của Israel và là mối dây liên kết công việc tôn giáo của Israel trải qua các thế hệ. Hòm Giao Ước đánh dấu việc thiết lập dân Chúa với Giao Ước Sinai.
VI. Tiến vào đất hứa:
Cuộc hành trình xuyên qua sa mạc không phải là cuộc du ngoạn thích thú. Môisen đã nói cho dân biết về đất tổ tiên ở Canaan, với những viễn tượng hấp dẫn: “Vùng đất chảy sữa và mật” nhằm khuyến khích họ. Hơn nữa, đất hứa không phải vùng đất trống dành sẵn cho dân nhưng họ phải nỗ lực chiến đấu, đổ mồ hôi và máu mới chiếm được.
Ông Môisen qua đời, Thiên Chúa đặt ông Giosuê làm người kế vị, với nhiệm vụ dẫn dân vào đất hứa. Cuộc vượt qua sông Giordan cũng mầu nhiệm như cuộc vượt qua Biển Đỏ : những thầy Lêvi khiêng Khán Giao Ước đi đến đâu thì nước sông liền cạn đến đó.
Dân Israel không phải là một đoàn binh tinh nhuệ, kỷ luật và võ trang. Đàng khác, dân cư tại chỗ đã có kinh nghiệm về những cuộc cướp bóc, nên có những biện pháp đề phòng. Hơn nữa, còn có núi non hiểm trở. Nhưng trong vòng 50 năm, hầu hết các thành trì Canaan bị lọt vào tay người Israel. Dân Canaan bị thôn tính nhanh chóng vì:
- Thiên Chúa đã muốn như thế.
- Dân Canaan chia rẽ thành 31 tiểu quốc nên rất yếu.
- Họ vừa bị Israel tấn công phía đông, lại bị Philitin tấn công phía tây.
Các chi tộc Israel sống xen kẽ vào giữa các tiểu vương quốc Canaan. Do trình độ văn hóa thua kém dân bản xứ, lại là dân du mục không thông thạo việc đồng áng nên phải học hỏi với dân địa phương. Vì chịu ảnh hưởng về mặt kinh tế, xã hội nên cũng bị ảnh hưởng về mặt tôn giáo. Niềm tin vào Thiên Chúa bị lung lay. Họ đã thờ nhiều thần khác nhau và thường gây chiến với nhau.
Đại hội tại Sikhem, Giosuê đã giúp dân ý thức lại rằng họ là dân riêng của Thiên Chúa: “Anh em hãy vứt bỏ các thần đang có với anh em mà phụng thờ Đức Chúa, Thiên Chúa của Israel”. Cả 12 bộ tộc đồng thanh đáp: “Chúng tôi quyết phụng thờ Chúa”. Với quyết định này, 12 bộ tộc họp lại thành dân Israel, thành một cộng đoàn tôn giáo: chính niềm tin vào Thiên Chúa nối kết họ với nhau. Do đó, bao lâu họ tin Thiên Chúa thì họ hợp nhất, khi nào họ thờ các thần khác họ sẽ chia rẽ và diệt vong. Hình phạt đau thương là mất đất đai, làm nô lệ: “Các ngươi sẽ bị rứt khỏi đất mà các ngươi sắp bước vào”. (Tl 28,63)
“Đất hứa” vừa chỉ vùng đất hứa truyền thống, vừa chỉ một thực tại cao cả hơn: như phần sản nghiệp của người công chính đặt hết niềm tin vào Chúa: “Phúc cho những ai hiền lành vì họ sẽ được đất hứa làm cơ nghiệp”. Đất đai được dính liền với Israel cũ thì với Israel mới đất cũng được dự phần vào ơn cứu độ: “Trời mới, đất mới” nơi Đức Công Chính cư ngụ.
Bài 4 - THỜI THỦ LÃNH VÀ VƯƠNG QUỐC
I. Thời thủ lãnh:
Mười hai chi tộc sống trong một lãnh thổ làm thành một quốc gia không vua. Chỉ hợp nhất bằng tôn giáo mà tượng trưng là Khán Giao Ước. Họ sống khoảng 200 năm như thế. Có những lần dân bỏ Chúa thờ ngẫu tượng của dân Canaan là Baan và Astarôt, là những thần sinh sản. Thiên Chúa trừng phạt họ là để họ bị ngoại xâm, nhưng khi họ kêu cầu Ngài thì Thiên Chúa từ bi lại cho xuất hiện những vị anh hùng dẹp giặc như Giêđêon, Samson,...
họ là những vị thủ lãnh thì đúng hơn là thẩm phán.
Thánh Kinh có ghi lại tên 12 thủ lãnh :
- 6 vị lớn: Otnien, Ehud, Baraq (và Đêbôrah), Giêđêon, Yeptê, Samson.
- 6 vị nhỏ: Shangar, Tola, Yalr, Ibxan, Eglon, Abdôn.
II. Thời vương quốc:
1) Samuel và Saolô:
Ông Encana và vợ là Khana cầu xin Thiên Chúa cho mình được mụn con. Chúa đã chấp nhận: Samuel chào đời. Khi còn bé, Samuel đã được đưa vào sống ở thánh điện tại Silô với thầy cả Hêli. Thầy cả là người nhu nhược để hai người con trai thường lấy cắp lễ vật của đền thánh. Một đêm kia, Thiên Chúa đã gọi Samuel và báo sẽ trừng trị ông Hêli và 2 người con.
Trong vòng 20 năm, kể từ khi ông Hêli qua đời, Samuel lãnh đạo quốc gia. Ông đúng là thủ lãnh và là ngôn sứ. Đời ông không hạnh phúc vì Khán Giao Ước bị đoạt mất nên dân Israel mất niềm tin vào Thiên Chúa. Nhìn vào thất bại này, họ thấy nguyên nhân là vì họ không có vua như nhiều nước khác. Họ yêu cầu Samuel tấn phong một người lên làm vua.
Vâng lệnh Thiên Chúa, Samuel tìm người Thiên Chúa chọn: Saolô, thuộc chi tộc Benjamin, làm vua cai trị dân Chúa. Vị vua của Israel là “Người được xức dầu của Thiên Chúa”. Ông phải đặt đời sống tôn giáo lên trên mọi sinh hoạt. Vương quyền vẫn phải lệ thuộc Thiên Chúa. Không được theo khuôn mẫu chuyên chế, độc tài của dân láng giềng. Vua chỉ là người đại diện cho Thiên Chúa, để cầm quân đánh giặc cho Ngài và giám sát dân Ngài.
Những năm đầu tiên, vua Saolô thành công: thống nhất các lực lượng dân Israel, đẩy lui quân Philitin. Nhưng trong trận đánh Amalec, Saolô cưỡng lệnh Chúa. Ông nghe lời dân hơn là nghe lời Chúa nên bị truất phế (1Sm 15,22-23).
2) Vua Đavid:
Thiên Chúa sai ngôn sứ Samuel đến Belem xức dầu phong vương cho Đavid thay thế vua Saolô. Đavid là con út của Isai “có mái tóc hoe, đôi mắt xinh, dáng vẻ khôi ngô”, biết chơi đàn và bắn ná chính xác. Được chọn để gẩy đàn mua vui cho Saolô. Với chiến công: hạ sát tướng khổng lồ của dân Philitin là Goliát, ông được chọn làm dũng sĩ tùy viên cho vua Saolô.
Gia đình Saolô yêu quý Đavid. Tình bạn giữa Đavid và Gionathan được ghi vào sử sách. Và con gái của vua Saolô là Mican đã thành vợ Đavid. Nhưng mối tương quan với vua Saolô ngày càng xấu, vì nhà vua ghen tị. Đavid vẫn giữ lòng kính trọng đức vua, người được Thiên Chúa xức dầu. Từ ngày được Thiên Chúa chọn lựa, Đavid gắn bó mật thiết hơn với Thiên Chúa, ông kiên nhẫn đợi đến giờ của Ngài chứ không dám tự ý giết kẻ bách hại mình. Ông là tôi tớ khiêm tốn, lúng túng trước những đặc ân Thiên Chúa dành cho mình.
Khi vua Saolô băng hà, cuộc nội chiến xảy ra : miền Bắc (10 chi tộc) theo người con trai của vua Saolô là Etbaan và miền Nam (2 chi tộc) tôn vua Đavid lên làm vua tại Khépron. Cuộc nội chiến mau chóng chấm dứt, vua Đavid được công nhận là vua cả 2 miền. Sau đó, vua Đavid đánh lấy thành Giêrusalem và đưa Khán Giao Ước từ Qiriat - Yơarim về Giêrusalem. Giêrusalem thành trung tâm của tôn giáo và của quốc gia, nơi gặp gỡ Thiên Chúa và kết chặt tình dân tộc.
Những điểm son trong cuộc đời vua Đavid không làm ta quên đi những lỗi lầm trầm trọng của ông : tội ngoại tình và sát nhân, cùng với thái độ nhu nhược với con cái. Tuy nhiên Thánh Kinh cũng cho thấy lòng khiêm tốn hối hận chân thành của ông. Biết đồng lao cộng khổ với lính (2Sm 23,13-17). Lòng quảng đại và tha thứ (1Sm 30,21-25; 2Sm 19,16-24; Tv 120).
Sự thành công của Đavid tưởng chừng như lời hứa của Thiên Chúa đã bắt đầu thực hiện, nhưng Thiên Chúa dẫn dân Israel đến một tương lai xa hơn. Đavid dự định xây đền thờ cho Thiên Chúa nhưng Chúa đáp: “Ta sẽ xây nhà cho ngươi...”, “Ta sẽ làm cho ngai vàng nó bền vững mãi mãi...” (2Sm 7,14; 2Sm 7,27). Như vậy, vua Đavid và dòng giống ông đóng một vai trò đặc biệt trong chương trình cứu độ. Qua trung gian tổ phụ Abraham, Thiên Chúa gầy dựng một dân tộc, qua vua Đavid Người thiết lập một vương quốc. Tất cả đều tạo điều kiện cho Đấng Cứu Thế ra đời là “Con cháu tổ phụ Abraham, con cháu vua Đavid”.
3) Vua Salomon:
Tiếp tục công trình của vua cha. Ông khuyến khích thị trường thương mại quốc tế làm cho đất nước phồn vinh, xây dựng những lâu đài uy nghi tráng lệ, một trong những công trình vĩ đại của ông là xây cất đền thờ Giêrusalem. Salomon còn là người khôn ngoan nổi tiếng khắp nơi, nhưng ông lại mê say sắc dục: có hàng trăm vợ thuộc nhiều quốc gia, nhiều tôn giáo khác nhau. Các bà sùng bái thần ngoại và Salomon cũng tham gia, sùng bái. Ông còn cho xây cất đền thờ cho các thần đó. Đây là điều xúc phạm đến Thiên Chúa và phá hoại niềm tin độc thần của Israel.
Salomon không biết phục thiện, Thiên Chúa không làm ngơ. Người trừng trị: nước nhà sẽ bị chia đôi.
II. Đất nước bị chia đôi: Nam – Bắc phân tranh
Salomon qua đời, con ông là Roboam lên kế vị, ông này còn trẻ tuổi, lại kém thông minh nên xảy ra chia rẽ. Trước đây, vua Salomon bắt các chi tộc phải chịu sưu cao, thuế nặng, lòng ganh tị giữa Nam - Bắc đã có từ lâu. Nên khi vua Roboam đến Sikhem dự lễ tấn phong, những chi tộc miền Bắc yêu cầu vua giảm thuế, vua đã không giảm mà còn tăng. Hậu quả là miền Bắc ly khai : nước Israel gồm 10 chi tộc; miền Nam là nước Giuđa, gồm 2 chi tộc (Giuđa và Benjamin).
Vua miền Bắc là Yêrôbôam (thuộc chi tộc Ephraim) muốn tránh tình trạng dân về Giêrusalem dự lễ và hướng về miền Nam, ông đã cho xây thêm 2 đền thờ : tại Bêthel và Đan. Ông cho dựng tượng những con bê vàng, gây một tai họa lớn : dân sùng bái ngẫu tượng, gieo mầm cho sự phản bội của Israel với Thiên Chúa.
Để chặn đứng sự phản bội ấy các ngôn sứ (tiên tri) đã bước vào lịch sử, kêu mời dân chúng ăn năn trở lại.
Bài 5 - CÁC NGÔN SỨ
Ngôn sứ (Nabi) là những người được Thiên Chúa kêu gọi để thi hành một sứ mệnh: họ nói lời của Thiên Chúa, nói thay cho Thiên Chúa. Lời lẽ Giavê đặt nơi miệng họ, họ không thể không nói ra. Một ngày nào trong đời họ được Thiên Chúa kêu gọi và họ không cưỡng lại được (Am 7,15; Is 6). Là người có kinh nghiệm, hiểu biết trực tiếp về Thiên Chúa, đã lãnh nhận mạc khải về sự thánh thiện và ý định của Chúa, các ngôn sứ được sai đi để nhắc nhở con người về những đòi hỏi của Thiên Chúa, để đưa họ về con đường vâng phục và yêu mến Chúa.
Sứ điệp của các ngài chỉ nhằm vào một thời đại nhưng chân lý và tầm quan trọng của sứ điệp đó là cho mọi thời (vì các ngài chỉ là công cụ của Thiên Chúa). Các ngài loan báo sứ điệp không chỉ bằng lời nhưng còn bằng cả đời sống (Hs 1-3; Gr 16), bằng những hành vi tượng trưng (Is 20,3; 8,18). Nhiệm vụ ngôn sứ rất phũ phàng, vì thường bị đánh đập, sỉ nhục, tù đày, giết chóc. Lời của các ngôn sứ dù bị những người cùng thời từ chối, lại trở thành hạt giống và phát triển được ngay trong đất lưu đày. Các ngài giúp dân nội tâm hóa lòng  tin.
Những vấn đề quan trọng thường được các ngôn sứ nói đến là :
- Chỉ thờ phượng một Thiên Chúa thật, Ngài là Đấng Siêu Việt, là chủ vũ trụ. Công kích việc thờ ngẫu tượng.
-  Sự thánh thiện trong tâm hồn, phải giữ đạo thật lòng nghĩa làkính sợ, yêu mến Thiên Chúa và vâng phục Người.
- Loan báo Đấng Cứu Thế : hình phạt chưa phải là tiếng nói cuối cùng của Thiên Chúa, Đấng hoàn tất những lời đã hứa, dù dân có bội phản.
Truyền thống Hội Thánh chia các ngài thành 2 loại :
. Ngôn sứ lớn: Isaia, Giêrêmia, Êzêkiel, Đaniel.
. Ngôn sứ nhỏ: Hôsê, Giôel, Amos, Ovađia, Giôna, Mikha, Nakhum, Habacuc Xôphônia, Khắcgai, Giacaria, Malakia.
- Điều các ngôn sứ loan báo thường lưỡng diện: vừa nghiêm khắc, vừa có tính trấn an. Sứ điệp ấy thường có vẻ cứng cỏi, đầy đe dọa và trách cứ đến độ người ta coi tính cách nghiêm khắc này như một dấu chứng: lời tiên tri là đích thực. Vì tội lỗi của dân hằng ám ảnh các ngôn sứ. Nhưng viễn ảnh về sự tha thứ, giải thoát không bao giờ bị đóng kín và niềm vui mừng cũng là nội dung sứ điệp của các ngài.
I. Các ngôn sứ trước thời lưu đày :
1) Miền Bắc: Nước Israel bị xáo trộn vì tranh cướp ngôi vua.
* Elia : chống lại vua Akhap và hoàng hậu Izaben (người Phênixi) trong việc giết Nabot và cuộc lễ tại núi Carmen.
* Êlisêo: nổi tiếng hay làm phép lạ (Naaman,...)
* Amos: là người miền Nam được gọi làm tiên tri ở miền Bắc. Ông tố cáo sự bất công xã hội và việc sùng bái ngẫu tượng.
* Hôsê: sống điều ông giảng. Vợ ông sớm bỏ ông sống đời gái điếm, ông tìm kiếm, đưa về và yêu thương. Từ kinh nghiệm bản thân về tình yêu, ông hiểu tình yêu của Thiên Chúa với Israel hơn. Hôsê đã đưa vào Thánh Kinh hình ảnh hôn nhân giữa Thiên Chúa và loài người: Ngài muốn lòng nhân nghĩa chứ không phải lễ tế.
Lời Chúa: đanh thép (Amos) hay ngọt ngào (Hôsê), dân miền Bắc cũng không chịu nghe. Nên ngày của Thiên Chúa đã đến: đế quốc Assur chiếm thủ độ Samari (năm 721),
bắt dân Israel đi đày và đưa những người ngoại bang đến (2V 17-24), biến dân này thành một dân lộm xộn, tôn giáo lai căng.
2) Miền Nam:
Nước Giuđa tương đối ổn định hơn nhưng cũng có bất công xã hội và sùng bái ngẫu tượng. Chúa sai các ngôn sứ đến ngăn chặn để họ khỏi lao xuống vực thẳm.
Isaia và Mikha là hai vị khởi đầu sứ vụ lúc ngôn sứ Amos và Hôsê chấm dứt.
* Isaia: Sứ vụ của Isaia là loan báo sự sụp đổ của Israel và của Giuđa - hình phạt những bất trung của dân. Vị ngôn sứ phê phán sự đồi trụy về luân lý do việc thịnh vượng kinh tế đem lại cho Giuđa. Ông muốn người ta khước từ mọi liên minh quân sự và đặt tin tưởng vào Thiên Chúa. Isaia là tiên tri của lòng tin. Ông cho biết thử thách sẽ rất nặng nề, nhưng ông trông cậy “số sót” sẽ được dung tha và Đấng Messia là Vua của họ. Sách mang tên ông là kết quả của một công trình soạn tác lâu dài qua nhiều thế kỷ.
* Mikha: là người Giuđa, vị ngôn sứ ý thức rõ rệt ơn gọi của mình. Mikha thóa mạ kẻ giàu cướp bóc, kẻ cho vay vô lương tâm, những con buôn gian lận, những gia đình chia rẽ, các tư tế và tiên tri tham lam, các thủ lãnh độc tài, các quan tòa ăn hối lộ. Tuy nhiên ngôn sứ cũng còn giữ một niềm cậy trông: “Tôi trông cậy vào Thiên Chúa tế độ tôi”.
* Giêrêmia: sau Isaia gần một thế kỷ, được Thiên Chúa gọi trong một gia đình tư tế. Ông chứng kiến tình thế bi đát của Giuđa: “Hãy rảo các phố phường Giêrusalem mà nhìn cho tỏ, hãy tìm các công trường xem có kiếm được một người, một người mà thôi biết giữ công lý, biết tìm sự thật, để Ta tha tội cho thành”. Ông bị người đồng thời đe dọa giết nếu còn vâng lệnh Thiên Chúa mà loan tin dữ cho dân, nhưng ngôn sứ không thể làm thinh vì Giêrusalem đã sa đọa tột độ: “Từ nhỏ đến lớn, từ bậc tiên tri đến hàng tư tế, tất cả đều gian dối”. Sự sâu xé của một tâm hồn (Gr 20,7-9; 14-18), sinh ra để yêu mến nay được sai đi “để nhổ và lật đổ, để hủy và để phá”. Sứ mạng đã tẩy luyện lòng ông và mở rộng lòng ông trước cuộc đối thoại với Thiên Chúa. Điều mà Giêrêmia gần gũi chúng ta hơn cả là lòng đạo thâm sâu và tâm tình ông đã sống trước khi loan báo (Gr 31,31-34). Ông bị ngược đãi : đánh đòn, đeo gông (20,2), giam cầm (37,15-16), bị quăng xuống bùn (38,5-6) nhưng không bỏ cuộc.
II. Các ngôn sứ thời lưu đày Babilon và phục hưng
Giêrusalem bị vua Nabuchodonosor đánh chiếm dưới thời vua Gioakim năm 597. Thành phần ưu tú bị lưu đày. Thành thánh lại bị chiếm năm 587, bị triệt hạ và làn sóng lưu đày càng dồn dập. Đợt cuối là vào năm 582.
Giuđa đã chìm sâu trong trụy lạc, sùng bái ngẫu tượng và bất công. Tệ hơn nữa là sự chuộng tôn giáo hình thức, niềm tin không ăn rễ sâu trong tâm hồn, làm cho việc giữ đạo thành giả hình và phỉ báng Thiên Chúa. Vậy cần chữa trị tận gốc chứ không phải chỉ trên bề mặt. Thiên Chúa là nhà phẫu thuật làm cho dân đau đớn để chữa trị, và sự lưu đày là con dao Người dùng để mổ xẻ.
Xa cách đền thờ, người ta không còn lấy lễ tế dâng thay cho mình và vì trong cảnh lưu đày, con người còn biết lấy gì dâng lên ngoài chính mình ? Không còn đền thờ và lễ tế, dân chúng bắt đầu đặt tầm quan trọng nhiều hơn vào việc tìm hiểu Lời Chúa
* Ezékien: thuộc gia đình tư tế bị lưu đày năm 597. Suốt sứ mạng 22 năm : trước tiên ngài loan báo hình phạt để may ra dân chúng thức tỉnh mà sám hối để được tha phạt. Nhưng sau khi tai họa xảy đến, Ngôn sứ thực hiện sứ mạng an ủi và nâng đỡ niềm hy vọng cho dân. Sứ điệp của ông được tóm tắt trong 3 điều chính :
- Thiên Chúa ở khắp mọi nơi: Ngài không bị ràng buộc ở Giêrusalem.
- Trách nhiệm cá nhân : mỗi người phải chịu trách nhiệm  với chính mình trước Thiên Chúa.
- Hứa sẽ có một cuộc xuất hành mới ra khỏi Babylon và hứa sẽ ban những phúc lộc của Thiên Chúa (cánh đồng xương khô - Ez 36).
Môn đệ của Isaia (40-55) cũng góp phần nâng đỡ những người bị lưu đày. Is 40-50 cũng được gọi là “Sách niềm an ủi của Israel”.
* Haggai và Giacaria: xuất hiện khi thời lưu đày chấm dứt. Đa số những người Do Thái từ Babylon trở về đều còn trẻ nên trước kia chưa bao giờ thấy Giuđa. Họ bị vỡ mộng trước viễn cảnh trái ngược giữa các thành phố phồn thịnh ở Babylon mà họ vừa rời bỏ với cảnh điêu tàn ở Giuđa. Haggai có mặt trong giai đoạn đầu của cộng đoàn Do Thái, cổ võ việc xây dựng đền thờ. Các ngài còn nhắmđến các việc phục hưng dân tộc và chỉnh đốn nền đạo đức.
Chúng ta còn thấy xuất hiện những khuôn mặt khác nữa : quan Néhémia và tư tế Ezra. Các ông cũng đã nỗ lực ổn định đời sống của dân và khuyến khích dân gắn bó tình nghĩa với Giavê Thiên Chúa. Các hội đường, nơi mà giới luật được giảng dạy, được hình thành.
* Malaki: tố cáo sự vô luân và bất công xã hội, gây nguy hại cho sức khỏe thiêng liêng của dân. Ngài cũng cảnh cáo các tư tế phục vụ thiếu hứng thú và những lễ tế tầm thường của dân.
III. Các ngôn sứ và Đấng Cứu Thế:
Sứ mạng của các ngôn sứ gắn liền với các biến cố lịch sử Israel cho tới thời lưu đày. Xem ra các ngôn sứ không thoát ra khỏi viễn ảnh một cuộc cứu độ nằm trong lãnh vực quốc gia mà thôi. Tuy nhiên, lời của các ngài trở thành hạt giống và phát triển ngay trong mảnh đất lưu đày. Bình minh ơn cứu độ hé mở cho “số sót” đang hồi sinh trong sám hối và hy vọng. Tôn giáo thoát ly khỏi lớp vỏ quốc gia và trần thế.
1) Trông đợi một vua cứu thế:
Messia là “người được xức dầu” : trước tiên chỉ về vua, là người đảm nhiệm một quyền của thần thánh mà vua Đavid là tiêu biểu. “Ta sẽ dựng lại chòi của vua Đavid” (Am 9,11); "Ta sẽ cho chỗi dậy một mục tử duy nhất, Ngài sẽ chăn dắt chúng, đó là Đavid tôi tớ của Ta” (Ez 34,24); “Belem, miền Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì nơi ngươi vị thủ lãnh chăn dắt Israel dân Ta sẽ ra đời” (Mk 5,1).
2) Đấng Cứu Thế từ trời xuống là “con người”:
Ngài được ban cho quyền bính, vinh quang và vương triều. Và mọi dân tộc, mọi quốc gia mọi người đủ thứ tiếng nói sẽ phục vụ Ngài. Quyền bính Ngài là quyền bính vĩnh cửu không bao giờ qua đi và triều đại Ngài sẽ không bao giờ bị tiêu hủy (Dn 7,9-14).
3) Đấng Cứu Thế là người tôi tớ đau khổ :
“Ngài không la lối, không lớn tiếng. Cây sậy dập Ngài không nỡ bẻ, tim đèn leo lét Ngài không thổi tắt”; “Ngài đã bị đâm vì sự ngỗ nghịch của chúng tôi” (Is 53,5); “Nhờ những đau khổ Ngài chịu mà chúng tôi được hưởng ân phúc (Is 53,12).